Bài 98 (Thứ Tư 4/2/2004)
Những Phẩm Tính cần có để gặp gỡ Thiên Chúa(Thánh Vịnh 14 [15] – Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất)
1. Thánh Vịnh 14[15] được cống hiến cho chúng ta suy niệm đây thường được các vị học giả Thánh Kinh liệt kê như là một thứ “phụng vụ dẫn nhập”. Như vẫn thấy nơi một số bài Thánh Vịnh khác của sách Thánh Vịnh (chẳng hạn Thánh Vịnh 23, 25 và 94), người ta nghĩ về một thứ kiệu rước của tín hữu tập trung ở cửa đền thờ Sion để tiến vào cử hành việc tôn thờ. Những điều kiện bất khả châm chước để được tham dự vào việc cử hành phụng vụ, nhờ đó, tham dự vào mối thân mật thần linh, đã được phác họa nơi một thứ trao đổi giữa tín hữu và các thày Lêvi.Một bên nêu lên vấn nạn là: “Lạy Chúa, ai sẽ là người được ở trong lều tạm của Ngài? Ai sẽ là người được ở trên núi thánh của Ngài? (câu 1). Một bên nêu lên một loạt những phẩm tính cần có để bước qua ngưỡng cửa tiến vào “lều tạm” ấy, tức tiến vào đền thờ trên “núi thánh” Sion. Có 11 phẩm tính được kể ra làm nên một tổng hợp lý tưởng liên quan đến những thực hành về luân lý được chất chứa trong lề luật thánh kinh (câu 2-5).
2. Có những thời các điều kiện cần phải có để tiến vào linh phòng này đã được khắc trên cửa của các đền đài ở Ai Cập và Babylon. Tuy nhiên, người ta nhận thấy một sự khác biệt rất nhiều so sánh với những gì đã được đề cập đến ở bài Thánh Vịnh của chúng ta đây. Nơi nhiều nền văn hóa đạo giáo thì những gì được đòi hỏi cần phải có trước Thần Linh nhất đó là việc thanh tẩy theo nghi thức bề ngoài được thể hiện qua những việc tẩy rửa, những cử điệu và cách trang sức đặc biệt.
Thánh Vịnh 14[15], ngược lại, kêu gọi việc thanh tẩy lương tâm, nhờ đó, những tác động chọn lựa của nó được tác động bởi tình yêu công lý và tha nhân. Bởi thế, qua những câu thánh vịnh này, người ta cảm thấy âm vang tinh thần của những vị tiên tri hằng kêu gọi chúng ta hãy liên kết đức tin với đời sống, nguyện cầu với hoạt động bề ngoài, thờ phượng với công bằng xã hội (x Is 1:10-20, 33:14-16; Hos 6:6; Mic 6:6-8; Jer 6:20).
Chẳng hạn, chúng ta hãy nghe thấy lời trách móc nghiêm khắc của tiên tri Amos, vị đã nhân danh Thiên Chúa bác bỏ một thứ tôn thờ không dính dáng gì đến đời sống thường nhật như sau: “Ta ghét, Ta bác bỏ các thứ lễ lậy của các ngươi, Ta chẳng có hài lòng gì nơi những thứ cử hành long trọng của các ngươi hết;/ Ta không chấp nhận các thứ của lễ tiến dâng hoa mầu ngũ cốc của các ngươi, cũng chẳng màng đến các thứ lễ cầu an béo bở chiên bò của các ngươi… Bởi thế, hãy làm cho công lý như nước cuộn lên, và sự thiện hảo như khe suối chảy” (5:21-22,24).3. Giờ đây chúng ta tiến đến 11 việc thực hành được tác giả Thánh Vịnh liệt kê, những thực hành làm căn bản cho việc xét lương tâm mỗi khi chúng ta sửa soạn xưng thú lỗi lầm của mình để được hiệp thông với Chúa trong việc cử hành phụng vụ.
Ba việc thực hành đầu tiên liên quan đến một lãnh vực tổng quát và nói lên việc chọn lựa về phương diện đạo lý, đó là thực hành đường lối đoan chính về luân lý, đường lối áp dụng công lý, và sau cùng là đường lối hết sức chân thực nơi ngôn từ (câu 2).Ba việc thực hành kế tiếp chúng ta có thể diễn tả như có liên hệ với tha nhân của chúng ta, đó là không nói những lời vu cáo, tránh tất cả mọi hành động hại tới anh em mình, không xỉ nhục kẻ khác hằng ngày sống với mình (câu 3). Từ đó mới có vấn đề là cần phải giữ mình ở một tư thế dứt khoát trong xã hội, đó là tỏ ra bất chấp thành phần gian ác và tôn kính những ai kính sợ Thiên Chúa.
Sau cùng là ba điều tâm niệm được liệt kê để con người xét lương tâm mình, đó là trung thành với lời lẽ của mình, với những lời thề thốt, cho dù ở vào trường hợp phải chịu những hậu quả tai hại đến bản thân; không cho vay nặng lãi, một thứ dịch tễ xẩy ra cả ở thời đại chúng ta đây là một thực tế vô phúc đã bóp cổ đời sống của nhiều người; và sau hết là tránh hết mọi thứ bại hoại trong đời sống dân chúng, một việc thực hành nữa cũng cần phải được mạnh mẽ áp dụng ở thời đại của chúng ta đây (câu 5).
4. Việc theo đuổi đường lối quyết định chân thực về luân lý này là để sửa soạn cho việc hội ngộ thần linh. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu cũng nêu lên “cửa ngõ phụng vụ” thiết yếu của Người: “Bởi thế, khi các con mang của lễ đến bàn thờ, và ở đó nhớ lại rằng anh em của các con có điều gì phạm đến các con, thì các con hãy bỏ của lễ của các con tại bàn thờ, mà trước hết hãy về làm hòa với anh em mình, đoạn hãy tới mà dâng lễ vật của các con” (Mt 5:23-24).
Ai tác hành theo đường lối được vị tác giả Thánh Vịnh đề cập tới, thì như bài thánh vịnh nguyện cầu của chúng ta kết thúc, “sẽ không bao giờ bị lay chuyển” (câu 5). Trong văn liệu "Tractatus super Psalmos," Thánh Hilary ở Poitiers, một vị Giáo Phụ và Tiến Sĩ Giáo Hội ở thế kỷ thứ tư, đã dẫn giải đoạn kết bài thánh vịnh này bằng việc liên kết nó với hình ảnh đầu tiên về lều tạm của đền thờ Sion như sau: “Tác hành theo những điều tâm niệm này là người ta được ở trong lều tạm ấy, là người ta được an nghỉ trên ngọn đối kia. Thế nên, cần phải duy trì việc chú trọng tới những điều tâm niệm ấy cũng như đến việc thực hành các giới răn. Bài Thánh Vịnh này cần phải được đâm rễ vào nội tâm, cần phải được viết trong tâm khảm, cần phải được ghi vào ký ức; ngày đêm chúng ta cần phải nhắc nhở tới kho tàng ngắn gọn dồi dào của nó. Nhờ đó, nhờ chiếm được cái dồi dào phong phú này trong cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu cũng như nhờ ở trong Giáo Hội, mà chúng ta cuối cùng mới được an nghỉ trong vinh quang của thân xác Chúa Kitô” (PL 9, 308).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 14[15] hôm nay tuyên bố rằng muốn được gần gữi Thiên Chúa chúng ta cần phải có một lương tâm trong sáng, dấn thân cho việc mến chuộng công lý và tha nhân. Để đạt được điều ấy, chún ta cần lắng nghe thần linh của các vị Tiên Tri vang vọng qua cả bài Thánh Vịnh này, nhắc nhở chúng ta rằng không có vấn đề tách biệt đức tin khỏi đời sống hằng ngày, nguyện cầu khỏi hoạt động, hay tôn thờ khỏi công bình xã hội.
Tính chất luân lý xác thực có liên quan đến tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, những mối liên hệ của chúng ta với giá đình và bạn bè, cũng như với những ai chúng ta gặp gỡ hay hoạt động. Chính khi trở thành một con người liêm chính là chúng ta làm hài lòng Chúa, là sẵn sàng gặp gỡ Ngài trong nguyện cầu và trong việc cử hành phụng vụ.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 4/2/2004.