Bài 99 (Thứ Tư 18/2/2004)


Qui Tụ Mọi Sự Trong Chúa Kitô

(Ca Vịnh Eph 1:3-10– Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất)



1.     Bài thánh thi ca về “phúc lành” rạng ngời mở đầu Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô và được đọc lên vào mỗi ngày Thứ Hai ở phụng vụ giờ kinh tối, sẽ là đối tượng của một chuỗi bài suy niệm trong tiến trình chia sẻ của chúng ta. Giờ đây, chúng ta sẽ lấy làm mãn nguyện khi thoáng nhìn vào bài ca vịnh trọng thể và khéo bố cục giống như một thứ kiến trúc uy nghi này, một bài ca vịnh nhắm đến việc tôn tụng công việc diệu kỳ của Thiên Chúa tác hành nơi Chúa Kitô cho chúng ta.

Bài ca vịnh được bắt đầu bằng chữ “trước”, một cái trước thời gian và tạo thành: Đó là cõi vĩnh cửu thần linh vốn đã có một dự án vượt trên chúng ta, một “sự tiền định”, tức là một dự án yêu thương và tự do của một định mệnh cứu độ và vinh quang.

2.     Theo dự án siêu việt này, một dự án bao gồm cả việc tạo thành lẫn việc cứu chuộc, cả vũ trụ lẫn lịch sử loài người, Thiên Chúa, “theo lòng ưu ái của Ngài”, đã thiết lập để “phục hồi mọi sự trong Chúa Kitô”, tức là để tái thiết trật tự và ý nghĩa sâu xa của tất cả thực tại, những sự trên trời và dưới thế (1:10). Thật vậy, Người là “đầu của tất cả mọi sự thuộc Giáo Hội là thân mình của Người” (1:22-23), song Người cũng là nguyên lý bám víu sống còn của vũ trụ.

Bởi thế, vai trò làm chúa tể của Đức Kitô bao gồm cả vũ trụ lẫn một chân trời chuyên biệt hơn đó là Giáo Hội. Chúa Kitô thi hành một phận sự “trọn vẹn”, nhờ đó, nơi Người, “mầu nhiệm” tỏ hiện (1:9) đã được giữ kín qua nhiều thế kỷ, và toàn thể thực tại nhận ra, theo thứ tự riêng biệt của mình cũng như theo cấp độ của mình, dự án đã được Cha ôm ấp từ thuở đời đời.

3.     Như chúng ta sẽ có dịp thấy sau này, loại Thánh Vịnh Tân Ước đây trước hết chú trọng tới lịch sử cứu độ, một lịch sử trở thành một thể hiện và là một dấu hiệu sống động của [lòng ưu ái] (1:9), của “sở nguyện” (1:6) và của tình yêu thần linh.

Bởi thế mới có một thứ tôn tụng “ơn cứu chuộc nhờ máu” của cây thập giá, “sự thứ tha tội lỗi”, việc tuôn đổ muôn vàn “những kho tàng ân sủng của Người” (1:7), tình con thảo thần linh của Kitô hữu (1:5), thành phần được tỏ cho biết “mầu nhiệm ý định” của Thiên Chúa (1:9) là những gì nhờ đó con người tiến vào mối thân tình của chính sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa.

4.     Khi thoáng nhìn vào toàn thể bài thánh thi ca mở đầu Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô này, giờ đây chúng ta hãy lắng nghe Thánh Gioan Chrysostom, một bậc thày và một nhà giảng thuyết ngoại hạng, một nhà diễn giải Thánh Kinh tài tình, vị sống ở thế kỷ thứ 4 và làm giám mục ở Contantinople giữa đủ mọi thứ khó khăn, và thậm chí đã hai lần bị lưu đầy.

Trong bài giảng thứ nhất của mình về Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô, khi dẫn giải về bài ca vịnh này, ngài đã suy niệm với một lòng biết ơn về “phúc lành” chúng ta đã nhận được “nơi Chúa Kitô”: “Thật thế, anh chị em đang thiếu những gì? Anh chị em đã trở thành bất tử, tự do, con cái, công chính, anh em, đồng thừa tự, với Đấng anh chị em hiển trị, với Đấng anh chị em được vinh quang. Hết mọi sự đã được ban cho anh chị em, và đúng như câu nói, ‘Ngài lại chẳng ban cho chúng ta hết mọi sự khác cùng với Người hay sao?’ (Rm 8:32). Các thứ hoa trái đầu mùa của anh chị em (x 1Cor 15:20,23) được tôn thờ bởi các Thiên Thần, Các Thần Cherubim, Các Thần Seraphim: vậy thì anh chị em còn thiếu chi nữa đây?” (PG 62, 11).

Thiên Chúa đã làm tất cả mọi sứ ấy vì chúng ta, Thánh Chrysostom tiếp tục, “theo sở nguyện ý muốn của Ngài”. Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là Thiên Chúa nhiệt tình mong muốn và thiết tha khao khát phần rỗi của chúng ta. Và tại sao Ngài lại yêu thương chúng ta như thế? Vì lý do nào Ngài đã muốn rất nhiều điều thiện hảo cho chúng ta như thế? Chỉ nguyên vì lòng lành của Ngài mà thôi: ‘ân sủng’ thực sự là những gì xứng hợp với lòng lành” (ibid., 13).

Chính vì thế mà vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã kết luận rằng Thánh Phaolô nói rằng hết mọi sự được thực hiện “để chúc tụng và tôn vinh ân sủng Ngài đã ban cho chúng ta nơi Con yêu dấu của Ngài”. Thật vậy, Thiên Chúa “chẳng những đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, mà còn làm cho chúng ta nên dễ thương… ngài đã trang điểm cho linh hồn của chúng ta và làm cho nó nên mỹ miều kiều diễm, đáng thèm khát và khả ái”. Khi Thánh Phaolô tuyên bố là Thiên Chúa đã làm như thế nhờ máu của Con Ngài thì Thánh Gioan Chrysostom than lên rằng: “Không gì cao cả hơn điều này, đó là máu của Thiên Chúa đã đổ ra cho chúng ta. Việc thậm chí không dung tha cho Con (x Rm 8:32) còn cao cả hơn là việc thừa nhận làm con cái và những tặng ân khác; thật vậy, việc tội lỗi được thứ tha là điều cao cả, thế nhưng con cao cả hơn thế nữa khi việc tha thứ này được thực hiện nhờ máu của Chúa” (ibid., 14).

Anh Chị Em thân mến,

Mỗi ngày Thứ Hai vào Giờ Kinh Tối, Giáo Hội hát lên bài ca vịnh cao cả mở đầu Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô. Bài ca vịnh này là một bài thánh thi ca về quyền năng cứu độ của Thiên Chúa đực tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô . Theo lòng nhân lành vô biên của mình, Thiên Chúa đã có ý định trước khi tạo thành thế gian để mang tất cả mọi sự về một mối duy nhất nhờ Con yêu dấu của Ngài.

Dự án cứu độ nhiệm mầu này đã lên đến tột đỉnh nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội. Nhờ máu của Chúa Kitô đổ ra trên thập tự giá, chúng ta đã lãnh nhận ơn cứu chuộc và ơn thứ tha tội lỗi của chúng ta. Bởi ân sủng, chúng ta được tiền định trong yêu thương để trở thành con cái của Thiên Chúa cũng như để thông phần vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 18/2/2004.

Biệt chú: Trong buổi triều kiến chung hôm nay, trong số 9 ngàn người tham dự, có cả nữ sáng lập Chiara Lubich Phong Trào Focolare và trên 100 vị giám mục đến từ 40 quốc gia trên thế giới về Rôma tham dự hội nghị của phong trào này. ĐTC đã chào các vị giám mục và trao cho các vị sứ điệp Ngài gửi cho hội nghị của các vị với phong trào Focolare.