Thứ Tư  18/10/2006

 

Bài 22:

 

Tông Đồ Giuđa Ích Ca và Tông Đồ Matthia

 

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hôm nay, để hoàn trọn việc ôn lại 12 Vị Tông Đồ được Chúa Giêsu đích thân kêu gọi trong cuộc sống trần thế của Người, chúng ta không thể không đề cập tới một người bao giờ cũng ở chỗ cuối cùng, đó là Giuđa Ích Ca. Chúng ta muốn liên kết người tông đồ này với con người sau đấy được chọn thay thế tên là Matthia.

 

Nguyên tên gọi Giuđa là những gì khơi lên nơi Kitô hữu một phản ứng trực giác về tình trạng trầm luân và luận phạt. Ý nghĩa của danh xưng “Ích Ca” là vấn đề tranh cãi: Lời giải thích được nhắc đến nhất đó là “con người ở Queriyyot”, liên quan tới quê quán của người tông đồ này, một miền ở quanh Hebron là nơi được nhắc đến 2 lần trong Sách Thánh (x Joshua 15:25; Amos 2:2).

 

Có những người lại cắt nghĩa nó như là một danh xưng được gọi trệch đi từ tiếng “hired assassin – kẻ ám sát mướn”, như thể nó báo trước cho thấy một tay du kích thủ con dao găm, được tiếng Latinh gọi là “sica”. Sau hết, một số người còn thấy nơi danh xưng này cái phiên âm thuần túy từ gốc Hebrew-Aramaic có nghĩa là: “Kẻ sẽ nộp Người”. Điều này được đề cập tới hai lần ở Phúc Âm thứ bốn, tức là lần sau khi Tông Đồ Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình (x Jn 6:71) và lần sau đó trong buổi xức dầu ở Bêthania (x Jn 12:4).

 

Những đoạn Phúc Âm khác cho thấy rằng việc phản bội ấy đang diễn tiến, như “Hắn là kẻ đã phản bội Người”, như đã xẩy ra trong Bữa Tiệc Ly, sau lời loan báo về việc phản bội (x Mt 26:25), và sau đó ở vào lúc Chúa Giêsu bị bắt giam (x Mt 26:46,48; Jn 18:2-5). Tuy nhiên, các bản liệt kê danh sách 12 vị nhắc nhở việc phản bội như là những gì đã xẩy ra: “Giuđa Ích Ca, kẻ phản bội Người”, như Thánh Ký Marcô (3:19); Thánh Ký Mathêu (10:4) và Luca (6:16) cũng sử dụng cùng một kiểu cách tương đương như vậy.

 

Như thế, việc phản bội đã xẩy ra vào hai thời điểm: trước hết là vào thời điểm âm mưu toan tính, khi Giuđa tỏ ra thỏa thuận với thành phần thù địch của Chúa Giêsu về 30 đồng bạc (x Mt 26:14-16), và sau đó là thời điểm thực hiện âm mưu này bằng cái hôn thày mình ở Diệt-Xi-Ma-Ni (x Mt 26:46-50).

 

Dầu sao thì các thánh ký cũng nhấn mạnh rằng tình trạng làm tông đồ của nhân vật này là những gì hoàn toàn phù hợp với con người này: khi con người ấy được lập đi lập lại là “một trong số 12 vị” (Mt 26:14,47; Mk 14:20,20; Jn 6:71) hay “thuộc về số 12” (Lk 22:3).

 

Ngoài ra, có hai trường hợp Chúa Giêsu, khi ngỏ cùng các vị tông đồ và nói thực sự về con người ấy, thì đã nói con người này như là “một người trong các con” (Mt 26:21; Mk 14:18; Jn 6:70, 13:21). Và Tông Đồ Phêrô cũng nói về Giuđa “là người thuộc về số trong chúng ta, và đã góp phần được phân phối của mình vào thừa tác vụ này” (Acts 1:17).

 

Bởi thế, con người ấy là một nhân vật thuộc về nhóm những ai Chúa Giêsu đã tuyển chọn làm đồng bạn và là những người hợp tác viên thân cận. Điều này gợi lên hai vấn đề khi giải thích những gì đã xẩy ra. Vấn đề thứ nhất khi chúng ta tự hỏi làm sao Chúa Giêsu lại có thể tuyển chọn con người này và tin tưởng con người ấy chứ.

Thật vậy, mặc dù Giuđa là người quản lý của nhóm này (x Jn 12:6b, 13:29a), trong thực tế con người ấy còn được gọi là “kẻ ăn cắp” nữa (Jn 12:6a). Mầu nhiệm của việc chọn lựa này thậm chí còn lớn lao hơn nữa khi Chúa Giêsu thốt lên một lời phán quyết rất nghiêm trọng về con người này là “Khốn cho kẻ phản bội Con Người” (Mt 26:24).

 

Mầu nhiệm này thậm chí còn sâu kín hơn nữa khi người ta nghĩ tới số phận đời đời của con người ấy, khi thấy rằng Giuđa “đã tỏ ra hối hận mang 30 đồng bạc đến cho các vị trưởng tế và kỳ lão mà nói ‘tôi đã phạm tội gây đổ máu người vô tội’” (Mt 27:3-4). Mặc dù con người này đã đi thắt cổ tự vẫn (x Mt 27:5), chúng ta cũng không được phán đoán cử chỉ này của con người ấy, đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa là Đấng vô cùng xót thương và công chính.

 

Vấn đề thứ hai liên quan tới động lực nơi hành vi cử chỉ của Giuđa: Tại sao con người này lại phản bội Chúa Giêsu? Vấn đề này có vài giả thiết. Một số thì nói rằng vì hắn tham lam tiền bạc; một số khác cho rằng có tính cách thiên sai, ở chỗ Giuđa cảm thấy thất vọng khi thấy Chúa Giêsu không xứng hợp với chương trình giải phóng về chính trị và quân sự của xứ sở của mình.

 

Thật thế, các bản Phúc Âm đã nhấn mạnh đến khía cạnh khác, đó là khía cạnh được Thánh Ký Gioan minh nhiên viết rằng “ma quỉ đã gieo vào lòng của Giuđa Ích Ca, con của Simon, việc phản bội Người” (Jn 13:2); cũng thế, Thánh Ký Luca viết: “Satan đã nhập vào Giuđa được gọi là Ích Ca, một trong số 12 vị” (Lk 22:3).

 

Như thế, người ta vượt ra ngoài những động lực về lịch sử, khi giải thích những gì đã xẩy ra căn cứ vào trách nhiệm riêng tư của Giuđa, con người đã thê thảm chiều theo chước cám dỗ của tên gian ác. Dầu sao thì việc phản bội của Giuđa vẫn tiếp tục là một mầu nhiệm. Chúa Giêsu đã đối xứ với con người này như một người bạn (x Mt 26:50), thế nhưng nơi việc Người kêu mời hãy theo Người trên con đường phúc đức Người đã không ép buộc ý muốn của con người ấy hay ngăn cản con người này khỏi sa ngã theo chước cám dỗ của Satan, tôn trọng tự do của con người.

 

Thật vậy, các khả thể của việc hư hoại nơi tâm can con người thì thật là nhiều. Một cách duy nhất để tránh lánh chúng là ở chỗ đừng gieo trồng một quan điểm về đời sống chỉ có tính cách cá nhân, biệt lập, mà bao giờ cũng đứng vào bên của Chúa Giêsu, chấp nhận quan điểm của Người.

 

Hằng ngày chúng ta phải cố gắng để được hoàn toàn hiệp thông với Người. Chúng ta hãy nhớ lại rằng Tông Đồ Phêrô đã tỏ ra muốn chống lại Người cũng như chống lại những gì đang chờ đợi Người ở Giêrusalem, thế nhưng vị tông đồ này đã bị quở trách hết sức nặng lời là: “Hãy xéo đi, đồ Satan! Vì ngươi chẳng đứng về bên Thiên Chúa mà chiều theo con người thôi” (Mk 8:32-33).

 

Sauk hi sa ngã, Tông Đồ Phêrô đã tỏ ra hối hận rồi được thứ tha và ân sủng. Giuđa cũng tỏ ra hối hận, nhưng việc hối hận của con người này lại thoái hóa thành tuyệt vọng và vì thế đã đi đến chỗ tự diệt. Đối với chúng ta thì đó là một lời kêu gọi hãy luôn nhớ đến những gì được Thánh Biển Đức viết ở đoạn kết Chương 5 – những gì căn bản – nơi Luật của ngài: “Đừng bao giờ tuyệt vọng trước tình thương của Thiên Chúa”. Thật vậy, Thánh Gioan đã viết “Thiên Chúa là Đấng cao cả hơn lòng của chúng ta” (1Jn 3:20).

 

Chúng ta hãy nhớ đến hai điều. Thứ nhất, đó là việc Chúa Giêsu tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Thứ hai, đó là việc Chúa Giêsu đợi chờ chúng ta tỏ ra hối hận và hoán cải; Người là Đấng giầu lòng xót thương và tha thứ. Thật vậy, khi chúng ta nghĩ đến vai trò tiêu cực do Giuđa thực hiện, chúng ta cần phải nghĩ đến nó một cách cao hơn, những cách thức được Thiên Chúa muốn tỏ ra nơi các biến cố.

 

Việc phản bội của con người này đã dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, Đấng đã biến cái khổ đau kinh hoàng này thành một phương tiện cho tình yêu cứu độ cũng như cho việc tự hiến cho Cha (x Gal 2:20; Eph 5:2,25). Động từ “phản bội” theo bản Hy Ngữ nghĩa là “bỏ cuộc”. Có những lúc vấn đề này cũng xẩy ra nơi đích thân của Thiên Chúa nữa, ở chỗ, vì yêu thương, Ngài “đã không dung tha” cho Chúa Giêsu bởi tất cả chúng ta (x Rm 8:32). Nơi mầu nhiệm cứu độ huyền nhiệm của mình, Thiên Chúa sử dụng cử chỉ bất khả chính đáng của Giuđa như là một động lực cho việc Con hoàn toàn tự hiến vì phần rỗi thế gian.

 

Để kết lại, chúng ta cũng muốn nhắc lại nhân vật mà sau Phục Sinh đã được chọn thay thế kẻ phản bội ấy. Ở Giáo Hội Giêrusalem, có hai người được nêu lên trong cộng đồng và bốc thăm tên của họ, đó là “Giuse được gọi là Barsabbas, có biệt hiệu là Justus, và Matthia” (Acts 1:23).

 

Nhân vật sau thực sự đã được chọn, nhờ đó, “ngài được ghi danh vào với số 11 vị tông đồ” (Acts 1:26). Chúng ta không biết gì hơn về ngài, ngoại trừ việc ngài là một trong những nhân chứng về cuộc sống công khai của Chúa Giêsu (x Acts 1:21-22), trung thành với Người cho đến cùng. Việc trung thành của ngài sau đó đã được Thiên Chúa kêo gọi để thay chỗ cho Giuđa, như thể bù đắp lại việc phản bội của Giuđa.

 

Chúng ta hãy rút tỉa một bài học cuối cùng ở đây là mặc dù không thiếu thành phần Kitô hữu bất xứng và bội phản trong Giáo Hội, chúng ta vẫn cần phải làm cân bằng hóa sự dữ do họ gây ra bằng chứng từ rạng ngời của chúng ta về Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/10/2006