Thánh Phaolô - Tông Đồ 13

 

 

ĐTC Biển Đức XVI - Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 25/10/2006

bài 23 trong loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Chúng ta đã kết thúc những bài chia sẻ của chúng ta về 12 Tông Đồ, những vị được Chúa Giêsu đích thân kêu gọi trong khi Người còn sống trên trần gian. Hom nay chúng ta bắt đầu tiến tới những hình ảnh về các nhân vật quan trọng khác trong Giáo Hội sơ khai. Các vị cũng đã hiến đời mình cho Chúa Kitô, cho Phúc Âm và cho Giáo Hội. Các vị là những con người nam nữ, thành phần, như Thánh Luca viết trong Sách Tông Vụ là “đã liều mạng vì Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (15:26).

 

Vị đầu tiên trong thành phần này, được chính Chúa Giêsu kêu gọi, được Đấng Phục Sinh kêu gọi, cũng là một vị tông đồ đích thực, không ai khác ngoài Tông Đồ Phaolô thành Tarsus. Ngài sáng chói như một ngôi sao cao cả nhất trong lịch sử Giáo Hội, chứ không phải chỉ trong lịch sử của những thuở ban đầu ấy mà thôi.

 

Thánh Gioan Kim Khẩu đã tôn tụng ngài như là một nhân vật trổi vượt thậm chí hơn cả nhiều thiên thần và tổng lãnh thiên thần (x "Panegyric" 7,3). Trong vở Hài Kịch Thần Linh, thi sĩ Dante Alighieri, được cảm hứng bởi trình thuật của Thánh Luca trong Sách Tông Vụ (x 9:15), đã diễn tả ngài như là “một bình chứa ưu tuyển” (Inferno 2,28), tức là dụng cụ được Thiên Chúa chọn lựa. Những người khác gọi ngài là “Vị Tông Đồ Thứ 13” – và ngài thực sự cũng nhấn mạnh nhiều đến sự kiện là một tông đồ đích thực, được Đấng Phục Sinh tuyển chọn, hay thậm chí “là tông đồ đệ nhất sau Đấng Duy Nhất”.

 

Thật sự sau Chúa Giêsu, ngài là nhân vật từ ban đầu được chúng ta biết tới nhất. Đúng thế, chúng ta không những chỉ có trình thuật của Thánh Luca trong Sách Tông Vụ mà còn có cả hàng loạt các bức thư do đích thân ngài viết, không qua trung gian nào, cho chúng ta thấy con người của ngài và tư tưởng của ngài. Thánh Luca nói với chúng ta rằng tên thật của ngài là Saolê (x Acts 7:58, 8:1 v.v.), theo tiếng Do Thái cũng là Saolê (x Acts 13:21), và ngài là một người Do Thái thuộc Cộng Đồng Do Thái Tha Hương, căn cứ vào thành Tarsus ở giữa Anatolia và Syria.

 

Ngài đã sớm lên Giêrusalem để học hỏi lề luật Moisen một cách sâu rộng nơi vị đại tôn sư Gamaliel (x Acts 22:3). Ngài cũng đã học nghề tay chân và thông thường, nghề làm lều (x Acts 18:3), một nghề sau đó đã giúp ngài tự lực mưu sinh không trở thành gánh nặng cho các Giáo Hội (x Acts 20:34; 1Cor 4:12; 2Cor 12:13-14).

 

Ngài cảm thấy rất cần phải hiểu biết cộng đồng của những ai tuyên xưng mình là môn đệ Chúa Giêsu. Qua họ, ngài thấy được một niềm tin mới, một “đường lối” mới như được nói tới, một đường lối không lấy lề luật của Thiên Chúa làm chính yếu mà là con người Chúa Giêsu, Đấng tử giá và phục sinh, Đấng được cho là xóa bỏ tội lỗi. 

 

Là một người Do Thái nhiệt thành, ngài đã coi sứ điệp ấy là những gì bất khả chấp, hơn thế nữa, là những gì gây gương mù gương xấu, và cảm thấy có nhiệm vụ rat ay bách hại thành phần môn đệ Chúa Kitô, cả ở ngoài thành Giêrusalem. Chính trên đường đi Đamascô, vào đầu thập niên 30, theo lời của ngài, “Chúa Giêsu Kitô” đã chiếm đoạt Saul “làm của Người”. Trong khi Thánh Luca trình thuật lại những diễn tiến xẩy ra với đầy những chi tiết – cách thức ánh sáng của Đấng Phục Sinh tỏa ra cho ngài, biến đổi hoàn toàn cuộc sống của ngài – thì trong các bức thư của mình, ngài nói thẳng tới những gì là chính yếu và nói chẳng những đến một thị kiến (x 1Cor 9:1), mà còn đến việc khải ngộ (x 2Cor 4:6), nhất là về một mạc khải và một ơn gọi trong cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh (x Gal 1:15-16).

 

Thật vậy, ngài minh nhiên nói về mình như là “vị tông đồ theo ơn gọi” (x Rm 1:1; 1Cor 1:1) hay “vị tông đồ theo ý muốn của Thiên Chúa” (2Cor 1:1; Eph 1:1; Col 1:1), như thể muốn nhấn mạnh tới việc hoán cải của ngài không phải là thành quả bởi những tư tưởng  hay đẹp, của những phản tỉnh, mà là hoa trái của việc Thiên Chúa can thiệp, của một ân sủng thần linh không hề biết trước. Bởi thế, hết mọi sự trước đó đối với ngài là trân qúi đã trở thành, ngược đời thay, theo lời lẽ của ngài, những gì thua lỗ và phế thải (x Phil 3:7-10). Để rồi, tứ lúc ấy, ngài dốc toàn lực của mình vào việc phục vụ một mình Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm của Người. Cuộc sống của ngài trở thành cuộc sống của một vị tông đồ muốn hoàn toàn “trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cor 9:22).

 

Ở đây chúng ta thấy có một bài học rất quan trọng, đó là vấn đề hãy lấy Chúa Giêsu Kitô làm tâm điểm cuộc sống của mình, nhờ đó căn tính của chúng ta được hiện lộ chính yếu bởi cuộc hội ngộ với Chúa Kitô, bởi việc hiệp thống với Người cũng như với lời của Người. Hết mọi thứ giá trị khác cần phải được tái phục hồi và thanh tẩy cho khỏi những gì là cặn bã khả dĩ trong ánh sáng soi của Người.

 

Một bài học quan trọng khác từ Thánh Phaolô đó là chân trời thiêng liêng làm nên đặc tính cho vai trò tông đồ của ngài. Cảm nhận một cách sâu sắc về vấn đề Dân Ngoại, tức là thành phần lương dân, có thể đạt tới Thiên Chúa, Đấng là Chúa Giêsu Kitô tử giá và phục sinh để hiến ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người bất kỳ ai, ngài đã dấn thân để loan truyền Phúc Âm này, nghĩa đen là “tin vui”, tức là loan truyền ân huệ được ban tặng để hòa giải con người với Thiên Chúa, với chính họ và với nhau. Ngay từ giây phút đầu tiên, ngài đã hiểu rằng đó là một thực tại không những liên can tới người Do Thái, một nhóm người nào đó, mà còn có một giá trị phổ quan liên quan tới tất cả mọi người nữa.

 

Giáo Hội ở Antiôkia xứ Syria là khởi điểm cho các cuộc hành trình của ngài, nơi Phúc Âm lần đầu tiên được loan báo cho những người Hy Lạp, và là nơi danh xưng “Kitô hữu” cũng được hình thành (x Acts 11:20,26), tức là thành phần tin vào Chúa Kitô. Từ đó, ngài bắt đầu chuyển tới Cyprus, rồi vào những lần khác nhau, tới những vùng Tiểu Á (Pisidia, Laconia, Galatia), và sau đó tới những vùng đất Âu Châu (Macedonia, Hy Lạp). Rõ ràng hơn là các thành phố Ephesus, Philipi, Thessalonica, Corinth, chưa kể tới Berea, Athens và Miletus.

 

Vai trò tông đồ của Thánh Phaolô không thiếu những khốn khó là những gì được ngài hiên ngang đương đầu vì yêu mến Chúa Kitô. Chính ngài đã nhắc lại rằng ngài đã chịu đựng “lao nhọc… tù hãm… đánh đập; nhiều lần nguy tử… Ba lần tôi đã bị đánh bằng roi; một lần bị ném đá. Ba lần tôi đã bị đắm tầu… vào những cuộc hành trình thường xuyên, nguy hiểm ở trên sông, nguy hiểm bị cướp bóc, nguy hiểm bởi dân mình, nguy hiểm bởi Dân Ngoại, nguy hiểm trong thành thị, nguy hiểm ngoài hoang vắng, nguy hiểm trên biển cả, nguy hiểm nơi anh em gian trá; chịu vất vả cực nhọc, nhiều đêm bị mất ngủ, chịu đói chịu khát, thường không có của ăn, chịu lạnh lẽo và trần trụi. Ngoài ra tôi còn chịu day dứt hằng ngày bởi mối quan tâm cho tất cả mọi Giáo Hội” (2Cor 11:23-28).

 

Trong một đoạn thư gửi cho giáo đoàn Rôma (x 15:24,28) ngài tỏ ý định đi Tây Ban N ha, đi tới các giới tuyến của Tây phương, để loan truyền Phúc Âm khắp nơi cho đến tận cùng trái đấy bấy giờ. Làm sao không ca ngợi một con người như thế chứ? Làm sao chúng ta không cám ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta một vị tông đồ có một tầm cỡ như vậy chứ? Hiển nhiên là ngài không thể nào đương đầu nổi với tình trạng khốn khó như vậy và có những lúc có những trường hợp thật là tuyệt vọng, nếu ngài không có một lý do chất chứa giá trị tuyệt đối vượt trên tất cả mọi sự. Chúng ta biết rằng, đối với Thánh Phaolô thì lý do ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng ngài đã viết: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta… Người đã chết cho tất cả chúng ta, để những ai sống thì không còn sống cho chính mình nữa mà là cho Đấng đã chết đi và sống lại vì họ” (2Cor 5:14-15), vì chúng ta, vì tất cả mọi người.

 

Thật vậy, vị Tông Đồ này đã cống hiến chứng từ tối hậu bằng máu của mình dưới thời hoàng đế Nero ở Rôma đây, nơi chúng ta gìn giữ và tôn kính những hài tích tử nạn của ngài. Vào những năm cuối cùng của thế kỷ thứ nhất, vị tiền nhiệm của tôi là Clementê thành Rôma ở Tòa Thánh này đã viết: “Bởi bị ghen ghét và bất đồng, Thánh Phaolô đã buộc phải cho chúng ta thấy làm thế nào người ta chiếm đạt được phần thưởng của sự nhẫn nại… Sau khi rao giảng công lý cho tất cả mọi người trên thế giới, và sau khi đã tiến đến những giới hạn của Tây phương, ngài đã chịu tử đạo trước thành phần cầm quyền chính trị; ngài đã để lìa bỏ thế giới này bằng cách ấy để tiến đến nơi thánh, nhờ đó trở thánh mẫu gương vĩ đại nhất cho sự kiên trì” (Thư cho Corintô, 5).

 

Chớ gì Chúa Kitô giúp chúng ta biết sống lời huấn dụ của Vị Tông Đồ này đã để lại cho chúng ta trong các bức thư của ngài, đó là “anh  em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Kitô’ (1Cor 11:1).



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/10/2006