Thánh Phaolô : Hội Ngộ Thần Linh

 

ĐTC Biển Đức XVI - Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 8/11/2006

bài 24 trong loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Trong bài giáo lý trước, hai tuần mới đây, tôi đã cố gắng phác tả những nét chính yếu về tiểu sử của vị Tông Đồ Phaolô. Chúng ta đã thấy được cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trên đường đi Damasco thực sự đã biến đổi cuộc đời của ngài ra sao. Chúa Kitô đã trở thành lý do hiện hữu của ngài và là động lực mãnh liệt cho tất cả mọi hoạt động tông đồ của ngài.

 

Trong cách bức thư của ngài, sau danh xưng của Thiên Chúa, xuất hiện trên 500 lần, danh xưng được nhắc đến thường xuyên nhất là danh xưng Chúa Kitô – 380 lần. Bởi thế, chúng ta cần phải nhận thấy rằng Chúa Giêsu Kitô đã chi phối cuộc sống của một con người ra sao, và bởi thế cũng chi phối cả đời sống của chúng ta nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô là tột đỉnh của lịch sử cứu độ, bởi đó cũng là điểm thực sự khác biệt trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác.

 

Nhìn vào gương của Thánh Phaolô, bởi vậy chúng ta có thể đặt vấn đề căn bản là: Việc con người gặp gỡ Chúa Kitô xẩy ra như thế nào? Mối liên hệ xuất phát từ cuộc gặp gỡ này là ở chỗ nào? Câu giải đáp được Thánh Phaolô cống hiến có thể được hiểu hai cách.

 

Trước hết, Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu được giá trị trọng yếu bất khả thay thế của đức tin. Trong bức thư gửi cho giáo đoàn Rôma, ngài đã viết: ‘Chúng ta tin rằng con người được công chính hóa bởi đức tin chứ không phải bởi các việc làm của lề luật’ (3:28). Và trong Thư gửi giáo đoàn Galata: ‘Con người không được công chính hóa bởi những việc làm của lề luật mà là nhờ niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô, cho dù chúng ta đã tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô, để được công chính hóa bởi niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải bằng những việc làm của lề luật, vì không ai được công chính hóa bởi những việc làm của lề luật’ (2:16).

 

‘Được nên công chính’ đây nghĩa là được làm cho nên chính trực, tức là được Thiên Chúa công minh xót thương, và được hiệp thông với Ngài, nhờ đó có thể thiết lập mối liên hệ chân thực nhiều hơn nữa với tất cả mọi anh chị em của chúng ta: và việc nên công chính này là do bởi tình trạng tội lỗi của chúng ta được hoàn toàn thứ tha.

 

Thánh Phaolô đã nói rõ ràng là tình trạng này của đời sống không lệ thuộc vào các việc lành khả dĩ của chúng ta, mà là hoàn toàn vào ân sủng của Thiên Chúa: Chúng ta ‘được công chính hóa nhờ ơn Ngài ban, qua việc cứu chuộc nơi Chúa Giêsu Kitô’ (Rm 3:24).

 

Bằng những lời lẽ ấy, Thánh Phaolô đã diễn tả nội dung sâu xa của việc ngài hoán cải, một hướng đi mới cho cuộc sống của ngài như là thành quả của việc ngài gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh. Trước cuộc hoán cải của mình, Thánh Phaolô đã không phài là một con người xa lạ đối với Thiên Chúa hay đối với lề luật của Chúa. Trái lại, ngài một con người tuân giữ luật lệ, một thứ tuân giữ có tính cách cuồng tín.

 

Tuy nhiên, trong ánh sáng của cuộc hội ngộ với Chúa Kitô, ngài đã hiểu được rằng nếu sống như thế thì ngài chỉ tìm cách tự tạo nên sự công chính cho bản thân ngài, và bằng tất cả những gì là chính trực ấy ngài chỉ sống cho chính mình ngài mà thôi. Ngài đã hiểu được rằng đời sống của ngài cần phải được hoàn toàn xoay chiều. Và ngài đã bày tỏ chiều hướng mới này như thế vầy: ‘Sự sống giờ đây tôi đang sống trong xác thịt là sự sống tôi sống theo niềm tin tưởng vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi’ (Gal 2:20). 

 

Bởi vậy, Thánh Phaolô đã không còn sống cho chính mình, cho sự công chính của riêng ngài. Ngài sống bởi Chúa Kitô và với Chúa Kitô: Bằng việc hiến thân, ngài không còn tìm kiếm bản thân hay sống cho bản thân mình nữa. Đó là một sự công chính mới, một chiều hướng mới được Chúa Kitô cống hiến cho chúng ta, một sự công chính ban niềm tin cho chúng ta. Trước thập giá của Chúa Kitô, dấu hiệu cao cả nhất của việc tự hiến bản thân mình, không ai còn vênh vang được nữa về bản thân mình, về sự công chính của riêng mình!

 

Vaò một dịp khác, Thánh Phaolô, âm vang lời của tiên tri Giêrêmia, đã làm sáng tỏ tâm tưởng của ngài như sau: ‘Ai vênh vang thì hãy vênh vang trong Chúa’ (1Cor 1:31; Jer 9:22f); hay ‘Thế nhưng tôi chẳng tìm vinh quang nào khác ngoài thập tự giá của Chúa Giêsu Kitô, vì vậy mà thế gian đã bị đóng đinh đối với tôi và tôi đối với thế gian’ (Gal 6:14).

 

Khi suy nghĩ về những gì hàm nghĩa trong việc không công chính mình bởi những việc làm của lề luật mà là bởi đức tin, chúng ta tiến đến điểm thứ hai là điểm xác định căn tính Kitô Giáo được Thánh Phaolô diễn tả về cuộc sống của ngài. Thật vậy, căn tính của Kitô Giáo là những gì được cấu tạo nên bởi hai yếu tố, đó là không tìm kiếm bản thân mình, mà là mặc lấy Chúa Kitô và hiến mình cùng với Chúa Kitô, nhờ đó bản thân được tham dự vào đời sống của chính Chúa Kitô cho đến độ được chìm ngập trong Người, được thông dự vào cả sự chất lẫn sự sống của Người.

 

Thánh Phaolô đã viết trong Thư gửi giáo đoàn Rôma rằng Chúng ta đã ‘được rửa trong Chúa Giêsu Kitô là chúng ta đã được rửa trong cái chết của Người… chúng ta đã được mai táng với Người … chúng ta đã được nên một với Người…. Bởi vậy mà anh chị em cần phải coi mình như đã chết cho tội mà sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô’ (6:3,4,5,11). Thật ra lời diễn tả vừa rồi có tính cách triệu chứng, ở chỗ, đối với Thánh Phaolô, không đủ khi nói rằng Kitô hữu được lãnh nhận phép rửa là thành phần tín hữu; đối với ngài, cũng quan trọng không kém khi nói rằng họ ‘ở trong Chúa Giêsu Kitô’ nữa (cũng x, Rm 8:1,2,39, 12:5, 16:3,7,10; 1Cor 1:2,3 v.v.).

 

Trong những lần khác, ngài đảo ngược chữ nghĩa và viết rằng ‘Chúa Kitô ở trong chúng ta / trong an h chị em’ (Rm 8:10; 2Cor 13:5) hay ‘trong tôi’ (Gal 2:20). Việc hiểu biết nhau này giữa Chúa Kitô và Kitô hữu, một đặc tính nơi giáo huấn của Thánh Phaolô, là những gì hoàn trọn ý nghĩa của ngài về đức tin. Thật vậy, mặc dù liên kết chúng ta một cách thân tình với Chúa Kitô, đức tin vẫn nhấn mạnh tới cái khác biệt giữa chúng ta và Người.

 

Tuy nhiên, theo Thánh Phaolô, đời sống của Kitô hữu cũng là một yếu tố chúng ta có thể gọi là ‘thần bí’, vì nó bao hàm việc mất bản thân chúng ta trong Chúa Kitô và Chúa Kitô trong chúng ta. Bởi đó, vị Tông Đồ này còn tiến đến chỗ diễn tả những nỗi khổ đau của chúng ta như ‘những đau khổ của Chúa Kitô trong chúng ta’ (2Cor 1:5), nhờ đó chúng ta luôn mang ‘trong thân xác cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác của chúng ta’ (2Cor 4:10).

 

Chúng ta cần phải áp dụng tất cả mọi điều này vào cuộc sống thường nhật của chúng ta theo gương Thánh Phaolô, vị luôn sống theo chân trời linh đạo cao cả này. Một mặt5, đức tin cần phải giữ chúng ta có một thái độ liên lỉ khiêm hạ trước Thiên Chúa, hơn thế nữa, thái độ tôn thờ và chúc tụng đối với Ngài. Đúng vậy, những gì chúng ta là như thành phần Kitô hữu chúng ta đều có được duy bởi Ngài và nhờ ơn Ngài. Vì không gì và không ai thay được chỗ của Ngài mà cần chúng ta không được qui về cho bất cứ cái gì hay bất cứ ai việc tôn thờ chúng ta qui về Ngài. Không một thần tượng nào được làm cho vũ trụ thiêng liêng của chúng ta bị ô nhiễm; bằng không, thay vì hoan hưởng niềm tự do chiếm hữu chúng ta sẽ rơi lại vào một thứ nô lệ nhục nhã. Đàng khác, việc chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô và sự kiện ‘chúng ta ở trong Người’ cần phải thấm nhập nơi chúng ta một thái độ hoàn toàn tin tưởng và tràn đầy hân hoan.

 

Tóm lại, chúng ta cần phải cùng với Thánh Phaolô hô lên rằng: ‘Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta thì ai chống lại chúng ta?’ (Rm 8:39). Bởi thế, đời sống Kitô hữu của chúng ta được dựa vào một tảng đá vững vàng và chắc chắn nhất có thể mường tượng được. Từ đó, chúng ta lấy được tất cả nghị lực của mình, như vị Tông Đồ này thật sự đã viết: ‘Tôi có thể làm được tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi’ (Phil 4:13).

 

Vậy chúng ta hãy đối diện với cuộc sống của chúng ta, bằng những niềm vui nỗi buồn của nó, một cuộc đời được hỗ trợ bởi những cảm thức cao cả ấy được Thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta. Cảm nghiệm được điều ấy, chúng ta có thể hiểu rằng những gì đích thân vị Tông Đồ viết ra đều thực: ‘Tôi biết Đấng tôi tin tưởng, và tôi tin rằng Người có thể gìn giữ bảo vệ những gì đã được trao phó cho tôi cho đến ngày’, tức là cho đến ngày cuối cùng (2Tim 1:12) của việc chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô là vị Thẩm Phán, là Đấng Cứu Tinh của thế giới và của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/11/2006