Thánh Phaolô - Giáo Huấn về Thánh Thần


 

ĐTC Biển Đức XVI - Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 15/11/2006

bài 25 trong loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền


Anh Chị Em thân mến:

Hôm nay, như hai bài giáo lý trước, chúng ta lại nói về Thánh Phaolô và về tư tưởng của ngài. Chúng ta đang ở trước một vĩ nhân, chẳng những về tầm mức của việc hoạt động tông đồ cụ thể, mà còn về mức độ giáo huấn thần học nữa, một giáo huấn hết sức sâu xa và sinh động. Sau khi đã suy niệm trong lần vừa rồi liên quan tới những gì Thánh Phaolô viết về vị thế chính yếu của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống đức tin của chúng ta, hôm nay chúng ta hãy xem những gì ngài nói với chúng ta về Thánh Linh và về sự hiện diện của Thánh Linh nơi chúng ta, vì trong cả về vấn đề này, Vị Tông Đồ cũng muốn dạy chúng ta một điều gì đó rất quan trọng.

Chúng ta biết những gì Thánh Luca nói với chúng ta về Thánh Linh trong Sách Tông Vụ, khi diễn tả về biến cố Hiện Xuống. Vị Thần Linh Hiện Xuống này tác động một năng lực mãnh liệt trong việc dấn thân thực hiện sứ vụ làm chứng cho Phúc Âm trên các nẻo đường thế giới. Thật vậy, Sách Tông Vụ đã trình thuật tất cả những đợt truyền giáo của các vị tông đồ, trước hết là ở Samaria, rời tới giải duyên hải Palestine, như tôi đã nhắc lại ở cuộc gặp gỡ Thứ Tư vừa rồi.

Tuy nhiên, trong những bức thư của mình, Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta về vị Thần Linh này theo một quan điểm khác. Ngài không chỉ giới hạn vào việc diễn giải cho thấy chiều lích năng động và hoạt động của Vị Ngôi Ba Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, mà còn phân tính việc hiện diện của Ngài nơi đời sống của Kitô hữu nữa, một đời sống làm nên bởi Ngài. Tức là Thánh Phaolô suy tư về việc vị Thần Linh này tỏ ảnh hưởng của mình ra chẳng những qua hành động của Kitô hữu mà còn nơi chính con người của họ nữa. Thật vậy, ngài đã nói rằng Thần Linh của Thiên Chúa ở trong chúng ta (x Rm 8:9; 2Cor 3:16), và ‘Thiên Chúa đã sai Thần Linh Con Ngài vào lòng chúng ta’ (Gal 4:6).

Bởi thế, đối với Thánh Phaolô, vị Thần Linh này thấm nhập những tầng sâu thẳm nhất của bản thân chúng ta. Như vậy thì những lời sau đây có một ý nghĩa thích đáng: ‘Vì thứ luật của thần trí sự sống nơi Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát anh em khỏi thứ luật tội lỗi và sự chết…. Vì anh em đã không lãnh nhận tinh thần nô lệ để lại cảm thấy lo âu sợ hãi, nhưng anh em đã lãnh nhận một tinh thần nghĩa tử là tinh thần làm cho chúng ta kêu lên rằng Abba - Cha Ơí’ (Rm 8:2,15), bởi chúng ta là con cái nên chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là ‘Cha’.

Do đó, chúng ta có thể thấy rằng Kitô hữu, ngay cả trước khi tác hành nữa, đã có được một nội tâm phong phú và dồi dào sinh lực, những gì đã được ban cho họ nơi bí tích thanh tẩy và thêm sức, một thứ nội tâm đưa họ đến một mối liên hệ khách quan và độc đáo của một người con Thiên Chúa. Phẩm vị cao cả của chúng ta là ở chỗ này, đó là chúng ta chẳng những là hình ảnh mà còn là con cái của Thiên Chúa nữa. Và điều này trở thành một lời mời gọi hãy sống tình con cái của chúng ta, càng ngày càng ý thức rằng chúng ta là những đức con được thừa nhận trong đại gia đình của Thiên Chúa. Đó là một lời mời gọi hãy biến đổi tặng ân khách quan này thành một thực tại chủ quan, quyết định về cách thức suy tưởng của chúng ta, về tác hành của chúng ta, về con người của chúng ta. Thiên Chúa coi chúng ta là con cái của Ngài, như Ngài đã nâng chúng ta lên một phẩm vị tương tư tuy không ngang hàng với phẩm vị của chính Chúa Giêsu, Đấng duy nhất hoàn toàn là Người Con đích thực. Nơi Người, chúng ta được ban tặng hay lấy lại được thân phận con cái và quyền tự do tin tưởng vào mối liên hệ giữa chúng ta với Cha.

Nhờ đó, chúng ta khám phá ra rằng, đối với Kitô hữu, vị Thần Linh này không còn là ‘Thần Linh của Thiên Chúa’, như thường được nói tới trong Cựu Ước cũng như được ngôn từ Kitô Giáo lập lại (cf. Genesis 41:38; Exodus 31:3; 1 Corinthians 2:11.12; Philippians 3:3; etc.). Và Ngài không chỉ là ‘Thánh Thần’, được hiểu một cách tổng quát theo cách diễn tả của Cựu Ước (cf. Isaiah 63:10,11; Psalm 51:13) và của chính Do Thái Giáo nơi những bản văn của họ (Qumran, rabbinism).

Đức tin Kitô Giáo thích đáng là một lời tuyên xưng vào việc dự phần của Vị Thần Linh nơi Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng tự mình đã trở thành ‘Thần Linh ban sự sống’ (1Cor 15:45). Chính vì lý do này Thánh Phaolô nói thẳng tới ‘vị Thần Linh của Chúa Kitô’ (Rm 8:9), về ‘Vị Thần Linh của Con Ngài’ (Gal 4:6) hay về ‘Vị Thần Linh của Chúa Giêsu Kitô’ (Phil 1:19). Như thể ngài muốn nói rằng chẳng những Thiên Chúa Cha trở nên hữu hình nơi Người Con (x Jn 14:9), mà cả Thần Linh Thiên Chúa cũng được thể hiện nơi cuộc sống và hành động của Chúa Kitô tử giá và phục sinh nữa vậy.

Thánh Phaolô dạy chúng ta một điều quan trọng khác. Ngài nói rằng không có một lời nguyện cầu chân thực nào mà lại thiếu sự hiện diện của Vị Thần Linh này nơi chúng ta. Thật vậy, ngài viết: ‘Cũng thế, Thần Linh cũng đến hỗ trợ nỗi yếu hèn của chúng ta; vì chúng ta không biết cầu nguyện làm sao cho phải mà chính Thần Linh chuyển cầu bằng những lời than khôn tả. Và ai đi sâu vào cõi lòng thì biết được những gì Thần Linh muốn, vì Ngài chuyển cầu cho các thánh theo ý muốn của Thiên Chúa’ (Rm 8:26-27).

Điều này như muốn nói rằng Thánh Thần, tức Thần Linh của Cha và Con, trở thành hồn sống của linh hồn chúng ta, phần mật kín nhất nơi con người của chúng ta, từ đó mới không ngừng dâng lên Thiên Chúa một tác động nguyện cầu, một tác động chúng ta thậm chí không thể diễn tả nổi bằng ngôn từ. Thật vậy, Vị Thần Linh này hằng làm bừng lên trong chúng ta, bù đắp những thiếu sót của chúng ta và hiến dâng lên Cha việc tôn thờ của chúng ta, cùng với những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta. Dĩ nhiên là điều này cần một tầm mức hiệp thông sinh động với Thần Linh. Nó là một mời gọi trở nên nhậy cảm hơn, biết chuyên chú hơn về sự hiện diện của Thần Linh trong chúng ta, biến đổi việc hiện diện này thành lời nguyện cầu, cảm nghiệm việc hiện diện này và nhờ đó biết nguyện cầu, biết nói với Cha như con cái trong Thánh Thần.

Ngoài ra, còn một khía cạnh quen thuộc khác về Vị Thần Linh này cũng được Thánh Phaolô chỉ dạy cho chúng ta, đó là khía cạnh về mối liên hệ giữa Ngài và tình yêu. Bởi thế Thánh Tông Đồ viết: ‘Hy vọng thì không làm thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần được ban cho chúng ta’ (Rm 5:5). Trong bức thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ của mình, tôi đã trích dẫn một câu rất hay, đó là câu ‘nếu anh chị em thấy đức ái là anh chị em thấy Ba Ngôi’ (đoạn 19), rồi tôi đã diễn giải rằng: ‘Thần Linh là quyền lực nội tại hòa hợp tâm can của người tín hữu với tâm can của Chúa Kitô và thúc đẩy tâm can của họ yêu thương anh chị em mình như Chúa Kitô đã yêu thương những người anh chị em ấy’ (cùng đoạn).

Thần Linh đưa chúng ta vào chính nhịp sống của sự sống thần linh là một sự sống yêu thương, làm cho chúng ta được đích thân thàm dự vào những liên hệ hiện hữu giữa Cha và Con. Vấn đề rất hay ở đây là khi liệt kê các yếu tố khác nhau nơi hoa trái của Thần Linh, Thánh Phaolô đã đề cập tới yêu thương trước hết: ‘Hoa trái của Thần Linh là yêu thương, hoan lạc, bình an’ v.v. (Gal 5:22). Và tự ý nghĩa nếu tình yêu là những gì liên hiệp thì Thần Linh trước hết là Đấng tạo nên mối hiệp thông trong cộng đồng Kitô hữu, như chúng ta vẫn đọc ở đầu Thánh Lễ lời diễn tả của Thánh Phaolô: ‘… và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (tức là Ngài tác hành nhờ ơn hiệp thông này) ở cùng tất cả anh chị em’ (2 Cor 13:13).

Tuy nhiên, hơn thế nữa, quả thực là Thần Linh tác động chúng ta dấn thân vào các mối liên hệ bác ái với tất cả mọi dân tộc. Nhờ đó, khi chúng ta yêu thương là chúng ta dọn chỗ cho Thần Linh, chúng ta giúp cho Ngài có thể tỏ mình ra một cách trọn vẹn. Bởi vậy mà chúng ta hiểu được lý do tại sao Thánh Phaolô đã liên kết hai lời huấn dụ này vào cùng một trang Thư gửi giáo đoàn Rôma: ‘Hãy tỏ ra tinh thần nhiệt thành’ và ‘đừng lấy oán báo oán’ (Rm 12:11,17).

Sau hết, theo Thánh Phaolô, Thần Linh là một bảo chứng bao dung do chính Thiên Chúa ban cho chúng ta trước để đồng thời bảo đảm gia sản mai này của chúng ta (x 2Cor 1:22, 5:5; Eph 1:13-14). Bởi thế mà chúng ta hãy học nơi Thánh Phaolô là tác động của Thần Linh là những gì hướng đời sống của chúng ta về các giá trị cao cả của yêu thương, của hoan lạc, của hiệp thông và của hy vọng. Chúng ta cần phải cảm nghiệm được điều này hằng ngày, đáp ứng những tác động nội tâm của Thần Linh, một Thần Linh được vị Tông Đồ này khôn ngoan hướng dẫn để có thể nhận thức thấy.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/11/2006