Những Cộng Sự Viên của Thánh Phaolô: Barnabê, Silas và Apollos.

 

 

ĐTC Biển Đức XVI - Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 31/1/2007

Bài 29 trong loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

 

Để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta với các vị lãnh đạo tiên phong thuở ban đầu của Kitô Giáo, hôm nay chúng ta nhìn đến những hợp tác viên khác của Thánh Phaolô. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng vị Tông Đồ này là một gương mẫu sống động về một con người cởi mở với việc hợp tác, ở chỗ, trong Giáo Hội, ngài không muốn tự mình làm hết mọi thứ song sử dụng nhiều đồng nghiệp khác nhau của mình.

 

Chúng ta không thể chia sẻ về tất c ả mọi cộng sự viên quí báu này, vì có nhiều người trong họ. Chỉ cần nhắc lại trong số những người ấy có Epaphras (x Col 1:7, 4:12; Philemon 23), Epaphroditus (x Phil 2:25, 4:18), Tychicus (x Acts 20:4; Eph 6:21; Col 4:7; 2Tim 4:12; Titus 3:12), Urbanus (x Rm 16:9), Gaius và Aristarchus (x Acts 19:29, 20:4, 27:2; Col 4:10).

 

Trong số nữ giới có Phoeb e (x Rm 16:1), Tryphaena và Tryphosa (x Rm 16:12), Persis, mẹ của Rufus là người được ngài gọi là ‘cũng là mẹ của anh và của tôi’ (x Rm 16:12-13), chưa kể đến cặp vợ chồng như   Prisca và Aquila (x Rm 16:3; 1Cor 16:19; 2Tim 4:19).

 

Hôm nay, trong số đạo binh đông đảo nam nữ cộng tác viên của Thánh Phaolô, chúng ta chú trọng tới 3 vị trong số những nhân vật ấy, những vị có một vai trò quan trọng trong việc truyền bá phúc âm hóa từ ban đầu là Barnabê, Silas và Apollos.

 

‘Barnabas’ nghĩa là ‘người con của niềm khích lệ’ (Acts 4:36) hay ‘người con của niềm ủi an’, là biệt hiệu của một người Do Thái thuộc giòng họ Levi sinh quán ở Cyprus. Di chuyển về Giêrusalem, ngài là một trong những người đầu tiên theo Kitô Giáo sau khi Chúa Kitô phục sinh.

 

Với tấm lòng rất quảng đại, ngài đã bán một thửa ruộng của mình, dâng cúng tiền bạc cho các vị Tông Đồ để giải quyết nhu cầu trong Giáo Hội (x Acts 4:37). Ngài trở thành bảo đảm viên đối với việc hoán cải của Thánh Phaolô đối với cộng đồng Kitô hữu ở Giêrusalem, một cộng đồng vẫn tỏ ra ngờ vực về nhân vật đã từng bắt bớ mình (x Acts 9:27).

 

Được gửi tới Antiôkia xứ Syria, ngài đã tìm kiếm Phaolô ở Tarsê là nơi Phaolô đã đến, và ngài đã sống ở đó cả năm với Phaolô, dấn thân thực hiện việc truyền bá phúc  âm hóa cho thành phố quan trọng đó, và ngài đã có tiếng là ngôn sứ và y sĩ tại Giáo Hội ở đấy (x Acts 13:1).

 

Vậy Thánh Barnabê, ở vào thời điểm xẩy ra những cuộc hoán cải đầu tiên  của dân ngoại, đã hiểu rằng giờ khắc của Saulê đã điểm; Saolê đã đến Tarsê là thành phố của mình. Ngài đã đến đó để tìm Saolê. Vào giây phút quan trọng ấy, ngài đã thực sự mang Phaolô về cho Giáo Hội; ngài đã cống hiến một lần nữa Vị Tông Đồ Dân Ngoại cho Giáo Hội ở một nghĩa nào đó.

 

Từ Giáo Hội ở Antiôkia, Thánh Barnabas được sai đi truyền giáo cùng với Thánh Phaolô, thực hiện cuộc hành trình được gọi là cuộc truyền giáo đầu tiên của vị Tông Đồ này. Thực ra, đó là cuộc truyền giáo của Thánh Barnabê, vì ngài là người được giao phó trách nhiệm. Thánh Phaolô liên hợp với ngài như là một hợp tác viên, băng qua những miền đất của Cyprus và miền trung nam phần của Anatolia là Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, qua các thành phố Atalia, Perga,  Antioch ở Psidia, Lycaonia, Lystra and Derbe (x Acts 13:14).

 

Thế rồi, cùng với Thánh Phaolô, ngài đã về tham dự biến cố được gọi là Công Đồng Giêrusalem, một công đồng mà sau khi sâu xa khảo sát vấn nạn được đặt ra, các Tông Đồ cùng với các vị trưởng lão đã quyết định loại bỏ vấn đề thi hành việc cắt bì (x Acts 15:1-35).

 

Cuối cùng, chỉ có thế các vị mới chính thức cho phép thành lập Giáo Hội nơi dân ngoại, một Giáo Hội phi cắt bì: Chúng ta là con cái của Abraham chỉ bằng đức tin vào Chúa Kitô mà thôi.

 

Hai vị, Thánh Phaolô và Barnabê, sau này đã trở nên đối chọi với nhau vào đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai, vì Thánh Barnabê muốn đem John Marcô them, trong khi Thánh Phaolô lại không, cho rằng con người trẻ này đã tách khỏi các vị trong cuộc hành trình trước đó (x Acts 13:13, 15:36-40).

 

Thế nên, giữa các vị thánh cũng có những đối chọi, bất hòa và tranh cãi. Và đối với tôi thì đó là điều rất an ủi, vì chúng ta thấy rằng các thánh nhân đã không phải là những người ‘từ trời rơi xuống’. 

 

Họ cũng là người như chúng ta, với những thứ trục trặc rắc rối. Thánh thiện không phải là ở chỗ chẳng vấp phải lỗi lầm chi hay chẳng bao giờ sa ngã phạm tội. Thánh thiện gia tăng theo khả năng hoán cải, thống hối, sẵn sàng bắt đầu lại, nhất là theo khả năng hòa giải và thứ tha.

 

Có thế, Thánh Phaolô, vị tỏ ra khó khăn và cay nghiệt với Thánh Marcô, cuối cùng đã gặp lại Thánh Marcô. Trong những bức thư cuối cùng của Thánh Phaolô, một gửi cho Philêmon và một (bức thứ hai) gửi cho Timôthêu, Thánh Marcô đã xuất hiện thực sự như là ‘hợp tác viên của tôi’.

 

Chúng ta không trở thành thánh nhân vì chúng ta không bao giờ vấp phải một lỗi lầm nào, mà vì khả năng chúng ta có thể thứ tha và hòa giải. Và tất cả chúng ta đều có thể học biết đường lối nên thánh này. Dầu sao thì Thánh Barnabê cùng với Thánh Marcô đã trở về Cyprus (x Acts 15:39) khoảng năm 49.

 

Từ đó trở đi thì tất cả mọi dấu vết về ngài đều bị thất lạc. Giáo phụ Tertullian đã qui cho ngài Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái, rất có thể vì thuộc về chi họ Levi Thánh Barnabê đã chú trọng tới đề tài về thiên chức linh mục. Và Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái giải thích một cách đặc biệt vai trò tư tế của Chúa Giêsu đối với chúng ta.

 

Silas, một trong những vị cộng sự viên khác của Thánh Phaolô, là tên gọi theo tiếng Hy Lạp của một danh xưng Do Thái (có lẽ là ‘sheal’, nghĩa là yêu cầu, là khẩn cầu), một danh xưng có cùng nguồn gốc với tên ‘Saul’ (một danh xưng cũng biến sang hình thức của tiếng Latinh là ‘Silvanus’). 

 

Tên Silas chỉ được đề cập đến trong sách Tông Vụ, trong khi Silvanus lại được thấy trong các bức thư của Thánh Phaolô. Ông là một người Do Thái ở Giêrusalem, một trong những người đầu tiên trở thành Kitô hữu, và đã được nể trọng trong Giáo Hội ở đây (x Acts 15:22), được coi là vị ngôn sứ (x Acts 15:32).

 

Ông được trao cho trách nhiệm mang đến ‘cho anh  em ở Antiôkia, Syria và Cilicia’ (Acts 15:23) những quyết định của Công Đồng Giêrusalem và giải thích những quyết định này.

 

Hiển nhiên  là các vị đã nghĩ rằng ông có thể thi hành một thứ môi giới giữa Giêrusalem và Antiôkia, giữa Kitô Hữu Do Thái Giáo và các Kitô hữu gốc dân ngoại, nhờ đó giúp vào mối hiệp nhất của Giáo Hội theo tính cách đa diện của các nghi thức và các gốc tích.

Khi Thánh Phaolô tách khỏi Thánh Barnabê, ngài đã đưa ông Silas đi với mình như người đồng hành trình mới của ngài (x Acts 15:40). Cùng với Thánh Phaolô, ông đã đến Macedonia (ở các thành phố Philippi, Thessalonica và Berea), nơi ông ở lại, trong khi Thánh Phaolô tiếp tục tiến đến Nhã Điển và sau đó tới Côrintô.

 

Ông Silas đã đến gặp ngài ở Côrintô là nơi ông hợp tác rao giảng Phúc Âm; thật vậy, trong bức thư thứ hai gửi cho Giáo Hội này, ngài đã nói về ‘Chúa Giêsu Kitô, Đấng chúng tôi, Silvanus, Timôthêu và tôi, rao giảng giữa anh em” (2Cor 1:19).

 

Điều này cho thấy lý do tại sao ông xuất hiện như là người đồng tác giả, cùng với Thánh Phaolô và Timôthêu, hai Bức Thư viết gửi cho giáo đoàn Thessalonica.

 

Điều này cũng quan trọng đối với tôi nữa. Thánh Phaolô không hành động ‘đơn độc’, như một cá nhân bị cô lập, mà là với những cộng tác viên của ngài theo chiều hướng ‘chúng tôi’ của Giáo Hội.

 

Cái ‘tôi’ này của Thánh Phaolô không phải là ‘cái tôi’ lẻ loi cô lập, mà là một ‘cái tôi’ trong ‘cái chún g tôi’ của Giáo Hội, trong ‘cái chúng tôi’ của đức tin tông đồ. Và Silvanus cũng được nhắc đến ở cuối bức thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô nữa, như thế này: ‘Nhờ Silvanus, một người anh em trung thành như tôi cảm nhận về ông, tôi đã viết vắn tắt cho anh em đây’ (5:12).

 

Như thế chúng ta cũng thấy được mối hiệp thông của các vị Tông Đồ. Silvanus phục vụ Thánh Phaolô, phục vụ Thánh Phêrô, vì Giáo Hội là một Giáo Hội duy nhất và việc rao giảng truyền giáo là một việc rao giảng truyền giáo duy nhất.

 

Người đồng nghiệp thứ ba của Thánh Phaolô chúng ta muốn nhắc tới hôm nay đây là Apollos, một tên gọi có thể được viết tắt từ chữ Appolonius hay Apolodorous. Bất chấp mang tên  gọi từ gốc gác dân ngoại, ông là một người Do Thái nhiệt thành ở Alexandria Ai Cập.

 

Trong sách Tông Vụ, Thánh Luca đã diễn tả ông như là một ‘con người ăn nói hùng hồn, thông giỏi Thánh Kinh… có tinh thần hăng say’ (18:24-25).

 

Việc Apollos nhập cuộc truyền bá phúc âm hóa đầu tiên xẩy ra ở thành phố Êphêsô: ông đã đi đến đó để rao giảng và ở đó ông đã may mắn gặp được vợ chồng Priscilla và Aquila (x Acts 18:26), cặp vợ chồng ‘đã tiếp nhận ông và dẫn giải cho ông rõ về đường lối của Thiên Chúa một cách xác đáng hơn’ (x Acts 18:26).

 

Từ Êphêsô ông đã băng ngang qua Achaia cho đến khi ông đến thành Côrintô: Ông đã đến đó qua việc Kitô hữu thuộc giáo đoàn Êphêsô kêu gọi trong một bức thư xin Kitô hữu ở Côrintô hãy tiếp đón ông đàng hoàng (x Acts 18:27).

 

Ở Côrintô, như Thánh Luca viết, ‘ông đã giúp đỡ rất nhiều cho những ai nhờ ơn Chúa tỏ ra tin tưởng. Ông đã mạnh mẽ công khái bác bẻ những người Do Thái, căn cứ vào Thánh Kinh xác nhận Đấng Thiên Sai là Chúa Giêsu’ (Acts 18:27-28).

 

Việc thành công của ông ở thành này cuối cùng đã gây ra rắc rối, khi có một số phần tử ở Giáo Hội ấy, cảm thấy khâm phục cách thức nói năng của ông, đã nhân danh ông tỏ ra chống lại những người khác (x 1Cor 1:12, 3:4-6, 4:6).

 

Thánh Phaolô, trong Bức Thư Thứ Nhất gửi cho Kitô hữu Côrintô đã bày tỏ việc ngài cảm nhận hoạt động của Apollos, thế nhưng ngài đã khiển trách những người Côrintô về việc làm rách nát Thân Thể của Chúa Kitô, khi tỏ ra phân rẽ bằng những cách thức chống đối nhau.

 

Ngài đã dạy cho họ một bài học quan trọng từ những gì đã xẩy ra là: ngài nói, cả Apollos và tôi chỉ là những ‘diakonoi’, tức là những thừa tác viên mà thôi, thành phần nhờ đó anh em tiếp nhận đức tin (x 1Cor 3:5).

 

Mỗi một người có việc làm khác nhau trong cánh đồng của Chúa: ‘Tôi trồng, Apollos tưới, song Thiên Chúa là Đấng làm cho mọc lên…. Vì chúng tôi là những người cùng làm việc cho Thiên Chúa; anh em là thửa ruộng của Thiên Chúa, là tòa nhà của Thiên Chúa’ (1Cor 3:6-9).

 

Trên đường tở về Êphêsô, ông Apollos đã không làm theo lời mời gọi của Thánh Phaolô trong việc về ngay Côrintô mà đã đình hoãn lại vào một ngày nào sau đó chúng ta không biết (x 1Cor 16:12).

 

Chúng ta không còn biết tin gì về ông, mặc dù một số chuyên gia nghĩ rằng ông có thể là tác giả của Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái, một bức thư theo giáo phụ Tertullianô tác giả của nó là Thánh Barnabê.

 

Ba con người này chiếu tỏa trên bầu trời của thành phần chứng nhân cho Phúc Âm với một đặc điểm chung, ngoài những đặc điểm riêng của mỗi người. Nói chung, ngoài nguồn gốc Do Thái giống nhau, họ đều dấn thân cho Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm, cũng như sự kiện cả 3 đều là hợp tác viên của Thánh Tông Đồ Phaolô.

 

Trong công cuộc truyền bá phúc âm hóa ban đầu này, họ đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó họ cho chúng ta thấy những mẫu thức sáng ngời của việc vị kỷ và quảng đại dấn thân.

 

Sau hết, chúng ta, một lần nữa, hãy nghĩ đến câu của Thánh Phaolô, đó là cả Apollos và tôi đều là những thừa tác viên của Chúa Giêsu, mỗi người theo kiểu cách của mình, vì chính Chúa là Đấng làm cho phát triển. Điều này vẫn còn hiệu lực với chúng ta ngày nay, đối với Giáo Hoàng, cũng như đối với các hồng y, giám mục, linh mục và giáo dân.

 

Tất cả chúng ta đều là những thừa tác viên khiêm hạ của Chúa Giêsu. Chúng ta phục vụ Phúc Âm theo chiều kích chúng ta có thể, theo tặng ân chúng ta có, và chúng tax in Chúa làm cho Phúc Âm của Người, Giáo Hội của Người được phát triển ngày nay.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 31/1/2007