Thứ Tư 26/4/2006

 

Bài 5

 

 

Truyền Thống là Hiện Thực Sự Hiện Diện Sống Động của Chúa Kitô

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Cám ơn lòng cảm mến của anh chị em! Trong một loạt bài giáo lý mới mới được khởi sự cách đây ít lâu, chúng ta đã cố gắng tìm hiểu dự án nguyên thủy của Chúa về Giáo Hội để thấu triệt hơn nữa về việc tham dự của chúng ta, về đời sống Kitô hữu của chúng ta, trong mối hiệp thông cao cả của Giáo Hội. Cho đến này chúng ta đã hiểu được rằng mối hiệp thông của Giáo Hội được Thánh Linh khơi động và bảo trì, được thừa tác vụ tông đồ canh giữ và cổ võ. Và mối hiệp thông này, mối hiệp thông chúng ta gọi là Giáo Hội, không chỉ vươn tới tất cả mọi tín hữu thuộc một thời điểm lịch sử nào đó, mà còn bao gồm tất cả mọi thời đại và tất cả mọi thế hệ nữa. Thế nên, chúng ta thấy mình đứng trước một tính cách đại đồng lưỡng diện, đó là tính cách đại đồng synchronic tức là chúng ta hiệp nhất với những tín hữu khắp nơi trên thế giới, và tính cách đại đồng được gọi là diachronic, tức là tất cả mọi thời đại đều thuộc về chúng ta: Những tín hữu của quá khứ và tương lai cùng với chúng ta làm nên một mối đại hiệp thông duy nhất.

 

Thần Linh xuất hiện như là Vị bảo đảm cho việc hiện diện chủ động của mầu nhiệm này trong lịch sử, Vị bảo đảm việc hiện thực của nó qua các thế kỷ. Nhờ Đấng An Ủi này, cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh, một cảm nghiệm của cộng đồng tông đồ vào thuở ban đầu của Giáo Hội, mới luôn có thể tái diễn qua các thế hệ tiếp theo nhau, ở chỗ nó được truyền đạt và hiện thực nơi đức tin, nơi việc thờ phượng và nơi mối hiệp thông của Dân Chúa, lữ hành trong thời gian. Để rồi, nhờ đó, giờ đây chúng ta, trong Mùa Phục Sinh, sống cuộc hội ngộ với Đấng Phục Sinh, chẳng những như là một điều gì đó thuộc về quá khứ mà còn trong mối hiệp thông hiện tại về đức tin, về phụng vụ và về đời sống của Giáo Hội.

 

Truyền Thống tông đồ của Giáo Hội là ở chỗ truyền đạt những sự thiện hảo của ơn cứu độ, một truyền đạt làm cho cộng đồng Kitô hữu vĩnh viễn hiện thực hóa, nhờ quyền năng của Thần Linh, mối hiệp thông nguyên thủy. Nó được gọi như thế là vì nó được xuất phát từ chứng từ của các vị tông đồ cũng như của cộng đồng môn đệ trong những năm sơ khai, được cống hiến bởi sự hướng dẫn của Thánh Thần nơi các văn kiện Tân Ước, cũng như nơi đời sống bí tích, nơi đời sống đức tin, và Giáo Hội liên lỉ căn cứ vào nó – vào Truyền Thống luôn là thực tại hiện hữu của tặng ân Giêsu – như là nền tảng và qui tắc của nó nhờ việc liên tục thừa kế của thừa tác vụ tông đồ.

 

Trong cuộc sống về lịch sử của mình, Chúa Giêsu đã giới hạn sứ vụ của Người vào Nhà Yến Duyên, thế nhưng Người đã làm sáng tỏ là tặng ân này được nhắm tới chẳng những cho dân Yến Duyên mà còn cho toàn thế giới và cho tất cả mọi thời đại nữa. Đấng Phục Sinh, bởi thế, đã ủy thác, cách riêng cho các tông đồ (x Lk 6:13), công việc tuyển chọn môn đệ từ mọi dân nước, với lời hứa rằng Người sẽ hiện diện và hỗ trợ cho đến tận thế (x Mt 28:19ff).

 

Tính cách đại đồng của việc cứu độ, trong các điều kiện của mình, đòi phải cử hành việc tưởng nhớ Cuộc Phục Sinh trong lịch sử liên tục cho tới khi Chúa Kitô đến trong vinh quang (x 1Cor 11:26). Ai sẽ là người làm hiện thực sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu, qua thừa tác vụ của các vị tông đồ, những vị lãnh đạo của dân Yến Duyên cánh chung (x Mt 19:28) – cũng như của toàn thể đời sống của dân tân Ước đây? Câu trả lời đã rõ, đó là Thánh Linh. Sách Tông Vụ – một cuốn sách tiếp tục trình thuật của Phúc Âm Thánh Luca – trình bày kiến thức hỗ tương giữa Thần Linh, những người được Chúa Kitô sai đi và cộng đồng được các vị qui tụ lại.

 

Nhờ tác động của Đấng An Ủi này, các vị tông đồ và thành phần thừa kế của các vị mới có thể hiện thực trong thời gian sứ vụ các vị đã lãnh nhận qua Đấng Phục Sinh: “Các con là chứng nhân của những điều này. Và này đây Thày sai đến với các con lời hứa của Cha Thày” (Lk 24:48-49). “Thế nhưng các con sẽ lãnh nhận quyền lực khi Thánh Thần xuống trên các con, và các con sẽ là những chứng nhân của Thày ở Giêrusalem, khắp Giuđêa và Samaria, cho đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8). Và lời hứa ấy, thoạt tiên không thể nào tin nổi, đã được hiện thực trong thời các tông đồ: “Chúng tôi là những nhân chứng về những điều ấy, vì Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho những ai tuân phục Ngài” (Acts 5:32).

 

Bởi thế, chính vị Thần Linh này, qua việc đặt tay và nguyện cầu của các vị tông đồ, thánh hiến và sai các vị tân thừa sai của Phúc Âm đi (chẳng hạn ở Tông Vụ 13:3ff và 1Tim 4:14). Vấn đề đáng chú ý ở đây là trong khi ở một số đoạn viết rằng Thánh Phaolô thiết lập những vị trưởng lão ở các Giáo Hội (x Acts 14:23), thì có đoạn lại khẳng định là chính Thánh Thần thiết lập các vị chăn dắt đàn chiên (x Acts 20:28).

 

Như thế thì tác động của Thần Linh và của Thánh Phaolô liên kết một cách sâu xa. Vào giờ khắc của những quyết định trọng thể cho đời sống của Giáo Hội thì Thần Linh hiện diện để dẫn dắt Giáo Hội. Việc dẫn dắt hiện diện này của Thánh Linh được đặc biệt cảm nghiệm nơi Công Đồng Giêrusalem, một công đồng có những lời đúc kết vang vọng việc khẳng định ấy: “Đó là quyết định của Thánh Thần và của chúng tôi” (Acts 15:28); Giáo Hội lớn lên và tiến bước “trong sự kính sợ Chúa và nhờ ơn an ủi của Thánh Thần” (Acts 9:31).

 

Việc vĩnh viễn hiện thực hóa sự hiện diện chủ động của Chúa Giêsu nơi dân của Người, được Thánh Linh thực hiện và thể hiện trong Giáo Hội qua thừa tác vụ tông đồ và mối hiệp thông huynh đệ, là những gì được hiểu với chữ Truyền Thống theo ý nghĩa thần học: Nó không phải là việc truyền đạt thuần chất liệu của những gì được trao ban từ ban đầu cho các vị tông đồ, mà là sự hiện diện hiệu năng của Chúa Giêsu, Đấng tử giá và phục sinh, Đấng trong Thần Linh đồng hành và dẫn dắt cộng đồng được Người qui tụ lại.

 

Truyền Thống là mối hiệp thông của tín hữu quanh những vị chủ chiên hợp lệ của họ trong giòng lịch sử, một mối hiệp thông được Thánh Thần nuôi dưỡng để bảo đảm mối liên hệ giữa cảm nghiệm đức tin tông đồ là những gì được sinh động trong cộng đồng môn đệ ban đầu với cảm nghiệm hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội của Người.

 

Nói cách khác, Truyền Thống là việc tiếp tục về cơ cấu của Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa Cha được xây trên nền tảng Thần Linh: “Bởi thế mà anh chị em không còn là thành phần xa lạ và lưu trú, nhưng anh chị em là những người công dân đồng bào với các thánh và các phần tử của gia đình Thiên Chúa được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và tiên tri có chính Chúa Giêsu Kitô là tảng đá gốc. Nhờ Người mà toàn thể cấu trúc được kiên cố và phát triển thành đền thờ linh thánh trong Chúa; nơi Người anh chị em cũng được cùng nhau xây dựng thành nơi cư trú của Thiên Chúa trong Thần Linh” (Eph 2:19-22).

 

Nhờ Truyền Thống, một truyền thống được bảo đảm bởi thừa tác vụ của các tông đồ và thành phầnh thừa kế các vị, nước sự sống tuôn ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô và máu cứu độ của Người chảy tới con người nam nữ thuộc hết mọi thời đại. Như thế, Truyền Thống là sự hiện diện vĩnh viễn của Đấng Cứu Thế là Vị muốn đến để gặp gỡ, cứu chuộc và thánh hóa chúng ta trong Thần Linh nhờ thừa tác vụ của Giáo Hội Người cho vinh quang Chúa Cha.

 

Bởi thế, để kết thúc và tóm gọn, chúng ta có thể nói rằng Truyền Thống không phải là việc truyền đạt các sự vật hay những lời nói, một tổng hợp của những vật chết. Truyền Thống là một con sông sống động nối kết chúng ta với những mạch nguồn, một con sông sống động trong đó các mạch nguồn luôn hiện hữu. Một đại hà dẫn chúng ta tới cảng vĩnh hằng. Trong con sông sống động này, lời của Chúa chúng ta nghe thấy từ ban đầu từ người đọc một lần nữa được nên trọn: “Này đây, Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế” (Mt 28:20).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/4/2006