Thánh giáo phụ Hilary ở Poitiers

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 10/10/2007

Bài Giáo Lý 53 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền


 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay, chúng ta sẽ nói về một vị đại Giáo Phụ của Giáo Hội Tây phương, đó là Thánh Hilary ở Poitiers, một trong những vị đại giám mục trong thế kỷ thứ 4. Đối đầu với thành phần bè rối Arian, những người chủ trương Con Thiên Chúa là một tạo vật, mặc dù không phải là một nhân vật nổi bật nhất, Thánh Hilary cũng đã hiến cuộc đời mình cho việc bênh vực niềm tin tưởng vào thần tính của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và là Thiên Chúa như Chúa Cha là Ngôi đã nhiệm sinh Người từ thuở đời đời.

Chúng ta không có những dữ kiện chắc chắc về hầu hết cuộc đời của Thánh Hilary. Các nguồn tín liệu xưa nói rằng ngài được sinh ra ở Poitiers vào khoảng năm 310. Trong một gia đình nề nếp, ngài được giáo dục tốt đẹp về chữ nghĩa là những gì được tỏ hiện nơi các bản văn của ngài. Dường như ngài không được nuôi dưỡng trong một môi trường Kitô giáo. Chính ngài đã cho chúng ta biết về một cuộc hành trình tìm kiếm chân lý, một cuộc kiếm tìm dần dần dẫn ngài tới chỗ nhận biết vị Thiên Chúa hóa công và vị Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã chết để ban cho chúng ta sự sống đời đời. Ngài đã được rửa tội vào khoảng năm 345, và được chọn làm giám mục thánh Poitiers vào khoảng năm 353-354.

Vào những năm sau đó, Thánh Hilary đã viết tác phẩm đầu tiên của mình là cuốn “Dẫn Giải Phúc Âm Thánh Mathêu”. Đó là bản dẫn giải bằng tiếng Latinh cổ nhất còn tồn tại chúng ta có được về Phúc Âm này. Vào năm 356, Thánh Hilary, với tư cách là giám mục, đã tham dự Hội Nghị Giám Mục tại Beziers ở miền nam Pháp quốc, một hội nghị được ngài gọi là “Hội Nghị của Các Ngụy Tông Đồ”, ở chỗ hội nghị này bị lấn lướt bởi các vị giám mục theo bè rối Arian, và vì thế đã phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Những “vị ngụy tông đồ” này đã xin Hoàng Đế Constantine lên án phát lưu giám mục thành Poitiers. Bởi thế Thánh Hilary đã bị buộc phải rời Pháp vào mùa hè năm 356.

Bị lưu đầy đến Phrygia, tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, Thánh Hilary thấy bị bủa vây bởi một môi trường sống đạo hoàn toàn nhuốm mầu sắc lạc thuyết Arian. Cả ở đó nữa, mối quan tâm mục vụ của ngài dẫn ngài đến chỗ không ngừng hoạt động để tái thiết mối hiệp nhất của Giáo Hội, trên nền tảng đức tin chân chính, theo mẫu thức của Công Đồng Chung Nicea. Để đạt được mục đích ấy, ngài đã bắt đầu viết tác phẩm quan trọng nhất và nổi tiếng nhất của ngài, đó là cuốn: “De Trinitatae – Về Chúa Ba Ngôi”.

Trong tác phẩm này, ngài đã nói về cuộc hành trình của bản thân ngài trong việc nhận biết Thiên Chúa, và ngài có ý chứng tỏ cho thấy rằng Thánh Kinh rõ ràng chứng thực về thần tính của Chúa Con và việc Người ngang hàng với Chúa Cha, chẳng những ở Tân Ước, mà còn nơi nhiều trang Cựu Ước nữa, nơi đã cho thấy về mầu nhiệm Chúa Kitô. Đối đầu với thành phần lạc giáo Arian, ngài đã nhấn mạnh đến sự thật liên quan tới các danh xưng của Cha và Con và đã khai triển toàn bộ thần học về Chúa Ba Ngôi bắt đầu từ công thức rửa tội được chính Chúa tỏ cho chúng ta: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Cha và Con có cùng một bản tính. Và nếu có một số đoạn trong Tân Ước khiến cho chúng ta nghĩ rằng Con thua kém Cha thì Thánh Hilary cống hiến những qui tắc xác đáng để tránh những dẫn giải sai lạc: Một số đoạn trong Thánh Kinh nói về Chúa Giêsu là Thiên Chúa, một số đoạn khác nhấn mạnh đến nhân tính của Người. Một số đoạn nói về Người hiện hữu từ trước với Cha; có những đoạn đề cập tới việc hạ mình của Người (“kenosis”), việc hạ mình cho đến chết của Người; và sau heat, có những đoạn chiêm ngắm Người trong vinh quang phục sinh.
 

Trong những năm lưu đầy của mình, Thánh Hilary cũng viết “Cuốn Sách về Cuộc Hội Nghị Giám Mục”, trong đó, đối tượng nhắm đến là chư huynh giám mục Pháp quốc của ngài, ngài đã lập lại và nhận định về những lời tuyên xưng đức tin cùng với những bản văn khác của các hội nghị giám mục được triệu tập ở Đông phương vào giữa thế kỷ thứ 4. Bao giờ cũng mạnh mẽ chống lại thành phần bè rối cực đoan Arian, Thánh Hilary đã tỏ ra tinh thần công nghị với những vị công nhận rằng Con giống như Cha về yếu tính, dĩ nhiên là ngài cố gắng dẫn các vị ấy đến một đức tin trọn vẹn, một đức tin chủ trương rằng chẳng những giống nhau mà còn thực sự ngang nhau giữa Cha và Con về thần tính nữa.

Đây cũng là một điều đặc biệt, ở chỗ, tinh thần công nghị của ngài cố gắng hiểu biết những vị vẫn chưa đạt đến tầm mức trọn vẹn của chân lý và, bằng sự rất khôn ngoan về thần học, giúp cho các vị ấy đạt đến một đức tin hoàn toàn vào thần tính thực sự của Chúa Giêsu Kitô.
 

Vào năm 360 hay 361, Thánh Hilary cuối cùng đã có thể trở về quê quán của mình từ chốn lưu đầy và lập tức tái tấu hoạt động mục vụ nơi Giáo Hội của ngài, thế nhưng ảnh hưởng giáo huấn của ngài thực sự đã vượt ra ngoài biên giới giáo phận của ngài nữa. Một hội nghị giám mục đã diễn ra ở Paris vào năm 360 hay 361 lập lại ngôn ngữ của Công Đồng Chung Nicea. Một số tác giả xưa đã nghĩ rằng việc các vị giám mục Pháp gia tăng chống lại bè rồi Arian phần lớn là do nghị lực và sự hiền lành của vị giám mục ở Poitiers này.

Đó chính là biệt tài của ngài, ở chỗ, liên kết sức mạnh của đức tin với sự hiền lành nơi những giao hệ liên cá thể. Trong những năm cuối đời của ngài, ngài đã viết “Luận về Các Thánh Vịnh”, một dẫn giải về 58 bài thánh vịnh, dẫn giải theo nguyên tắc được nói đến trong phần giới thiệu của tác phẩm: “Chắc chắn một điều là tất cả những điều được nói đến trong các Thánh Vịnh cần phải được hiểu theo chiều hướng loan báo Phúc Âm, để hết mọi sự tiếng được thần trí ngôn sứ tự do vang lên, đều qui về việc nhận biết việc xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô, nhập thể, khổ nạn và vương quốc, cùng vinh quang và quyền năng của việc chúng ta phục sinh” (Instructio Psalmorum, đoạn 5).

Trong tất cả mọi bài Thánh Vịnh, ngài thấy được cái rạng ngời về mầu nhiệm Chúa Kitô cũng như về thân mình của Người là Giáo Hội. Ở một số trường hợp khác nhau, Thánh Hilary đã gặp Thánh Martin là vị giám mục tương lai của Thành Tours và là vị đã thiết lập một đan viện gần Poitiers, đan viện này vẫn còn cho tới ngày nay. Thánh Hilary đã chết vào năm 367. Lễ kính ngài được cử hành vào ngày 13/1. Vào năm 1851, Chân Phước Piô IX đã công bố ngài là tiến sĩ của Hội Thánh.

Để tóm tắt những khía cạnh chính yếu nơi giáo huấn của ngài, tôi có thể nói rằng khởi điểm cho việc suy niệm thần học của Thánh Hilary đó là niềm tin của phép rửa. Trong cuốn “Về Chúa Ba Ngôi”, ngài đã viết rằng: Chúa Giêsu “đã truyền phải rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Mt 28:19), tức là, tuyên xưng Đấng là Tác Giả, Đấng Được Hạ Sinh Duy Nhất và Đấng Là Tặng Ân. Chỉ có một Đấng là Tác Giả của tất cả mọi sự, vì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Cha, Đấng mà tất cả mọi sự được xuất phát. Và chỉ có duy nhất một Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, Đấng nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (1Cor 8:6), và chỉ có một Thần Linh duy nhất (Eph 4:4), tặng ân trong hết mọi sự…… Không gì có thể cho là thiếu hụt nơi sự phong phú quá vĩ đại qui tụ lại nơi Cha, nơi Con và nơi Thánh Thần, một vô cùng của Vĩnh Hằng, một tỏ hiện nơi Hình Ảnh, một niềm vui nơi Tặng Ân” (“De Trinitatae” 2:1).

Thiên Chúa Cha, vì là toàn ái, có thể thông đạt sự viên mãn của thần tính Ngài cho Chúa Con. Tôi thấy câu này của Thánh Hilary thật là tuyệt vời: “Thiên Chúa chỉ biết làm thế nào để là tình yêu, chỉ biết làm thế nào để làm Cha. Và Ngài, Đấng yêu thương, không ghen tị, và Đấng Thân Phụ, rất trọn vẹn. Danh xưng này không cho phép dung hòa, như thể nói rằng Thiên Chúa là cha chỉ ở một số khía cạnh nào thôi chứ không phải những những khía cạnh khác” (ibid 9:61).

Đó là lý do Chúa Con hoàn toàn là Thiên Chúa không thiếu một sự gì hay không kém một chút nào: “Đấng xuất phát từ sự toàn hảo là Đấng toàn hảo, vì Người có hết mọi sự” (ibid 2:8). Chỉ ở nơi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và là Con Người mà nhân tính mới có ơn cứu độ. Mặc lấy bản tính của nhân loại, Người đã liên kết hết mọi người với chính mình Người, “Người đã trở nên xác thịt của chúng ta” (“Tractatus in Psalmos” 54:9); “Người đã mặe lấy bản tính của tất cả xác thịt nên trở thành cây nho đích thực, cội rễ của tất cả mọi cành nho” (ibid 51:16).

Chính vì căn nguyên này mà con đường dẫn đến cùng Chúa Kitô đã được mở ra cho hết mọi người, nếu họ cởi bỏ con người cũ (x Eph 4:22) và đóng đinh mình vào thập giá của Người (x Col 2:14); nếu họ từ bỏ những việc làm xưa kia mà hoán cải, để được chôn táng với Người trong phép rửa hầu được sự sống (x Col 1:12; Rm 6:4)” (ibid 91:9).

Sự trung thành với Thiên Chúa là quà tặng của ân sủng Người. Bởi thế, Thánh Hilary, ở cuối việc ngài luận bàn về Chúa Ba Ngôi, xin hãy làm sao để có thể trung thành với niềm tin của phép rửa. Một trong những đặc tính của cuốn sách này là ở chỗ việc suy niệm được biến thành lời nguyện cầu và việc nguyện cầu dẫn đến việc suy niệm. Cả cuốn sách là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa.

Tôi muốn kết thúc bài giáo lý hôm nay bằng một trong những lời nguyện cầu ấy, một lời nguyện cầu cũng trở thành lời cầu nguyện của chúng ta, đó là lời cầu nguyện trong một lúc hứng khởi của Thánh Hilary: “Ôi Chúa, xin ban cho con được trung thành với những gì con đã tuyên xưng nơi công thức tái sinh của con, khi con được lãnh nhận phép rửa trong Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh. Để con có thể tôn thờ Chúa là Cha của chúng con, cùng với Cha là Con Cha; để con được xứng đáng với Thánh Thần của Cha, Đấng nhiệm xuất từ Cha qua Con duy nhất của Cha…… Amen” (“De Trinitatae” 12:57).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/10/2007