Thánh Odo thành Cluny

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 2/9/2009

Bài Giáo Lý 87 trong Loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Sau một thời gian dài dừng lại, tôi muốn tiếp tục việc trình bày về những vị trước tác quan trọng của Giáo Hội Đông và Tây trong Thời Trung Cổ, vì nơi đời sống và bản văn của các vị chúng ta thấy như qua một gương soi những gì là Kitô giáo. Hôm nay, tôi trình bày cùng anh chị em hình ảnh rạng ngời là Thánh Odo, Đan Viện Phụ ở Cluny. Ngài ăn khớp với giai đoạn đời sống đan viện thời trung cổ đang triển nở lạ lùng ở Âu Châu về đời sống và linh đạo theo ảnh hưởng của Luật Thánh Biển Đức. Trong những thế kỷ ấy, con số các đan viện gia tăng vòn vọt khắp cả châu lục này, lan truyền sâu rộng ctinh thần và cảm nhận về Kitô giáo. Thánh Odo đặc biệt đưa chúng ta về Cluny, một trong những đan viện nổi nang danh tiếng nhất trong Thời Trung Cổ mà cho tới ngày nay vẫn còn cho chúng ta thấy, qua những hư hoại uy nghi của nó, những dấu hiệu về một quá khứ vang bóng bởi việc thiết tha sống khổ hạnh, học hỏi và nhất là việc tôn thờ thần linh với những lễ nghi và vẻ đẹp.

 

Thánh Odo là vị Đan Viện Phụ thứ hai ở Cluny. Ngài được sinh ra khoảng năm 880, ở vùng biên giới Maine và Touraine Pháp quốc. Cha của Thánh Odo cung hiến ngài cho vị Giám Mục thánh đức  ở Tours là Martin là vị ngài đã sống trọn đời của ngài dưới bóng phúc đức và lòng tưởng nhớ cho đến khi kết thúc cuộc đời ở gần một Thánh Martin. Việc ngài chọn sống đời tận hiến tu trì xẩy ra trước đó, bởi cảm nghiệm nội tâm của một giây phút ân sủng được chính ngài nói với một đan sĩ khác là John người Ý, nhân vật sau này trở thành tiểu sử gia của ngài. Odo bấy giờ vẫn còn là một thiếu niên, chừng 16 tuổi, khi mà vào Lễ Vọng Giáng Sinh ngài đã cảm thấy lời cầu nguyện sau đây vớic Đức Mẹ đột nhiên phát ra khỏi môi miệng của ngài: “Lạy Đức Bà, Mẹ Tình Thương, Đấng đã sinh ra Chúa Cứu Thế vào đêm nay, xin Mẹ cầu cho con. Chớ gì cảm nghiệm hiển vinh và đặc thù về việc sinh con của Mẹ, Ôi Mẹ Rất Thành Kính, hãy trở nên nơi nương ẩn cho con” (Vita sancti Odonis, 1, 9: PL 133, 747). Danh xưng “Mẹ Từ Bi” được thiếu niên Odo bấy giờ kêu cầu đã là danh hiệu sau đó ngài thích ngỏ cùng Mẹ Maria. Ngài cũng gọi Mẹ là “Niềm Hy Vọng duy nhất của thế giới… nhớ đó cửa Thiên Đình đã mở ra cho chúng con” (In veneratione S. Mariae Magdalenae: PL 133, 721). Vào lúc ấy Thánh Odo tình cờ đọc được Luật Thánh Biển Đức và đã nhận định về luật này, “bằng việc thi hành cái ách nhẹ nhàng của các đan sĩ này, khi chưa là một đan sĩ” (ibid., I, 14, PL 133, 50). Ở một trong những bài giảng của mình, Thánh Odo đã ca ngợi Thánh Biển Đức như là “cây đèn soi sáng trong giai đoạn tăm tối cuộc đời” (De sancto Benedicto abbate: PL 133, 725), và coi người như là “một bậc thày của luật sống thiêng liêng” (ibid., PL 133, 727). Ngài đã cảm mến vạch ra cho thấy rằng lòng đạo đức của Kitô giáo “hết sức dịu dàng tưởng nhớ đến người” với ý thức rằng Thiên Chúa đã nâng người lên “trong số các Giáo Phụ cao cả và tuyển chọn của Giáo Hội” (ibid., PL 133, 722). 

 

Bị thu hút bởi lý tưởng Thánh Biển Đức, Thánh Odo đã bỏ thành Tour và gia nhập Đan Viện Biển Đức ở Baume làm đan sĩ; sau đó ngài chuyển tới Cluny là nơi vào năm 927 ngài trở thành một vị đan viện phụ. Từ trung tâm của đời sống thiêng liêng này ngài đã có một ảnh hưởng lớn rộng trên các đan viện của châu lục. Những đan việc khác hay những coenobiums đã hưởng lợi ích từ việc hướng dẫn và canh tân của ngài, bao gồm cả đan viện ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Đã hơn một lần Thánh Odo đến thăm Rôma và thậm chí ngài còn tới tận Subiaco, Monte Cassino và Salerno. Ngài thực sự bị ngã bệnh ở Rôma vào mùa thu năm 942. Cảm thấy rằng mình gần qua đời ngài đã quyết tâm và hết sức cố gắng trở lại với Thánh Martin ở thành Tours, ngài ngài qua đời, trong Tuần Bát Nhật lễ kính vị Thánh này, ngày 18/11/942. Tiểu sử gia của ngài, khi nhấn mạnh “nhân đức nhẫn nại” nơi Thánh Odo, đã cống hiến một danh sách dài các nhân đức khác của ngài bao gồm cả nhân đức khinh chê thế gian, nhiệt thành với các linh hồn và dấn thân cho hòa bình trong các Giáo Hội. Những ước vọng cao cả của Đức Đan Viện Phụ Odo đó là: hòa hợp giửa các vua chúa và hoàng gia, việc tuân giữ các huấn lệnh, chú trọng tới người nghèo, hoàn thiện giới trẻ và trọng kính các vị lão thành (cf. Vita sancti Odonis, I, 17: PL 133, 49).   

 

Ngài đã yêu thích căn phòng ngài ở, nơi “xa lánh được những con mắt nhòm ngó của tất cả mọi người, để hăm hở làm hài lòng một mình Thiên Chúa” (ibid., I, 14: PL 133, 49). Tuy nhiên, ngài cũng không quên thực thi, như là một “nguồn mạch dư đầy”, thừa tác vụ lời Chúa và nêu gương sáng, “khi tiếc hối về tình trạng hèn yếu lớn lao của thế giới này” (ibid., I, 17: PL 133, 51). Vị tiểu sử gia của ngài nhận định rằng nơi một vị đan sĩ có những nhân đức khác nhau được gồm tóm lại là những nhân đức ít thấy hay khó thấy ở nơi giữa các đan viện khác: Chúa Giêsu, theo lòng nhân lành của mình, gom các mảnh vườn đan sĩ khác nhau lại thành một khoảng nhỏ, đã tạo nên một thiên đường, để tưới dội tâm can của thành phần tín hữu từ các nguồn suối của nó” (ibid., I, 14: PL 133,49). Trong một đoạn trích từ bài giảng tôn kính Thánh nữ Maria Mai Đệ Liên, vị Đan Viện Phụ ở Cluny này tỏ cho chúng ta thấy rằng ngài đã quan niệm về đời sống đan tu ra sao: “Maria, một kẻ đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu để lắng nghe các lời của Người, là biểu hiệu ngọt ngào cho đời sống chiêm niệm; hương vị của đời sống này càng được nếm hưởng thì nó càng thu hút tâm trí tách rời khỏi những vật hữu hình cùng với hỗn độn của các thứ bận tâm trên thế gian” (ibid., I, 14: PL 133,49). Thánh Odo đã củng cố và khai triển quan niệm này nơi các bản văn khác của ngài. Từ những bản văn ấy tỏa ra lòng ngài yêu chuộng đời sống nội tâm, một nhãn quan về thế giới như là một thực tại dòn mỏng, nhất thời mà còn người cần phải thoát ly, một khuynh hướng liên lỉ xa lánh khỏi những điều trở thành nguồn gốc của những thứ lo lắng, một cảm thức sâu xa về sự hiện diện của sự dữ nơi các thứ loại người và là một khát vọng cánh chung sâu xa. Nhãn quan này về thế giới có thể là những gì xa cách với nhãn quan của chúng ta; tuy nhiên, quan niệm của Thánh Odo về nó, sự nhận định của ngài về tính cách mỏng dòn của thế gian, lại trân quí một đời sống nội tâm hướng về người khác, về tình yêu tha nhân, và bằng chính cách thức ấy biến đổi cuộc sống và hướng thế giới về ánh sáng của Thiên Chúa.

 

Việc “tôn sùng” đối với Mình và Máu Chúa Kitô nơi Thánh Odo trước một thái độ lơ là tràn lan đối với Mình Máu này là những gì ngài hết sức phán nàn bao giờ cũng được ngài tin tưởng vun sới, đáng được đặc biệt dề cập tới. Thánh Odo thật sự mạnh mẽ tin tưởng vào Sự Hiện Diện Thực Sự dưới các hình Thánh Thể, của Mình vá Máu Chúa, nhờ việc biến “bản thể” của bánh và rượu.

 

Ngài đã viết: “Thiên Chúa, Đấng Hóa Công của tất cả mọi sự, đã cầm lấy bánh mà nói rằng đó là Mình của Người được Người hiến ban vì thế gian, và Người đã phân phát rượu khi gọi đó là Máu của Người”; vậy, “theo luật tự nhiên thì việc thay đổi  cần phải xẩy ra theo lệnh của Đấng Hóa Công”, thì “bản tính liền thay đổi tình trạng thông thường của mình: bánh liền trở thành thịch, và rượi thành máu”; trước lời truyền của Chúa, “bản thể này biến đổi” (Odonis Abb. Cluniac. occupatio, ed. A. Swoboda, Leipzig 1900, p. 121). Tiếc thay, vị đan viện phụ của chúng ta nhận định rằng “mầu nhiệm bất khả xâm phạm này về Mình Chúa, nơi Người chất chứa tất cả ơn cứu độ của thế gian” (Collationes, XXVIII: PL 133, 572), được cử hành một cách vô ý vô tứ bất cẩn. Ngài cảnh giác rằng “các vị linh mục tiến lên bàn thờ cách bất xứng thì làm ô nhơ bánh này, tức là làm ô nhơ Mình Chúa Kitô” (ibid., PL 133, 572-573). Chỉ có những ai hiệp nhất thiêng liêng với Chúa Kitô mới xứng đáng tham dự vào Mình Thánh của Người: bằng ngược lại, việc ăn Thịt của Người và uống Máu của Người sẽ chẳng sinh lợi gì lại còn bị luận phạt nữa (cf. ibid., XXX, PL 133, 575). Tất cả những lời này mới gọi chúng ta hãy mạnh mẽ và sâu xa hơn tin tưởng vào sự thật về sự hiện diện của Chúa. Sự hiện diện này ở giữa chúng ta của Đấng Hóa Công, Đấng hiến mình trong bàn tay của chúng ta và biến đổi chúng ta như Người biến đổi bánh và rượu nhờ thế biến đổi thế giới.

 

Thánh Odo là một hướng đạo viên thiêng liêng cả cho thành phần đan sĩ lẫn tín hữu thời của ngài. Trước “tình trạng tràn đầy những sự trụy lạc trong xã hội, phương dược chữa trị ngài mãnh liệt khuyến dụ đó là sâu xa thay đổi đời sống, được xây dựng trên lòng khiêm nhượng, sống khổ chế, không dính bén với những sự mau qua và gắn bó với những gì vĩnh hằng (cf. Collationes, XXX, PL 133, 613). Bất chấp thực tại theo ngài chẩn định về tình trạng thời của mình, Thánh Odo vẫn không cảm thấy bi quan. Ngài giải thích rằng: “Chúng ta không nói về điều này để nhận chìm những ai muốn hoán cải cảm thấy thất vọng. Lòng thương xót Chúa bao giờ cũng có đó; lòng thương này chờ đời giây phút chúng ta ăn năn hối cải” (ibid., PL 133, 563). Rồi ngài than lên rằng: “Ôi lòng thương xót Chúa khôn tả! Thiên Chúa săn bắt những lỗi lầm nhưng lại bảo vệ các tội nhân” (ibid., PL 133, 592). Với niềm xác tín như thế, vị Đan Viện Phụ ở Cluny này thường trầm lắng chiêm ngưỡng tình thương của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế được ngài diễn tả một cách cảm kích là “tình nhân của con người – amotor hominum Christus” (ibid., LIII: PL 133, 637). Ngài nhận định rằngh “Chúa Giêsu nhận lấy cho mình việc trừng phạt đáng lẽ xứng với chúng ta để cứu thành phần tạo vật Người đã tạo dựng và yêu thương” (cf. ibid., PL 133, 638). 

 

Ở đây, một đặc điểm của vị đan viện phụ thánh này, một đặc điểm thoạt tiên hầu như bị ẩn giấu dưới nét nghiêm khắc của đời sống khổ hạnh như là một nhân vật canh tân, đó là tấm lòng sâu xa thành tâm nhân ái của ngài. Ngài sống khổ hạnh, nhưng trên hết ngài nhân ái, một con người rất nhân lành, một thứ nhân lành xuất phát từ việc ngài giao tiếp với lòng nhân lành thần linh. Bạn bè của ngài bởi thế nói với chúng ta rằng Thánh Odo lan truyền ra chung quanh ngài niềm vui tràn đầy của ngài. Vị tiểu dử gia của ngài chứng thực rằng ông ta chưa bao giờ nghe thấy “những lời lẽ dịu ngọt như thế” trên môi miệng con người (ibid., I, 17: PL 133, 31). Tiểu sử gia của ngài cũng ghi nhận rằng ngài có thói quen xin trẻ em ngài gặp gỡ trên đường hát ca, rồi ngài cho các em một vật kỷ niệm nho nhỏ, và ông thêm rằng: “Những lời của Đức Đan Viện Phụ Odo đầy niềm vui… niềm vui của ngài thấm nhập vào tâm can chúng ta niềm vui sâu xa” (ibid., II, 5: PL 133, 63). Như thế, vị đan viện phụ nhiệt tình đồng thời cũng khả ái của thời trung cổ này, hăng say với việc canh tân, bằng hành động sâu sắc, đã nuôi dưỡng nơi các bị đan sĩ của mình cũng như nơi thành phần tín hữu thời của ngài, quyết tâm tiến bộ cách mau chóng trên con duđờng nên trọn lành của Kitô giáo.

 

Chúng ta hy vọng rằng lòng nhân ái của ngài, niềm vui của ngài xuất phát từ đức tin, cùng với sự khổ hạnh của ngài và việc ngài chống lại tình trạng đồi trụy của thế gian, cũng tác động tâm can của chúng ta, nhờ đó cả chúng ta nữa cũng có thể tìm thấy niềm vui xuất phát từ lòng nhân lành của Thiên Chúa.

  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2009/documents/hf_ben-xvi_aud_20090902_en.html