3.

 

Tác Nhân Mạc Khải: Thánh Linh

 

 

"Tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15) là đối tượng mạc khải của Thiên Chúa. Mà chỉ có "những ai có tên trong sổ kẻ sống do Con Chiên giữ" (Rev.21:27) mới được thông hiệp với Ngài, tức mới có thể "chấp nhận" (Jn.1:12) Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô, để "được sống đời đời" (Jn.3:16), vì "ai có Con là có sự sống" (1Jn.5:12).

 

Thế nhưng làm sao con người có thể "chấp nhận" được Lời nhập thể, khi, theo bản tính đã bị hư đi bởi nguyên tội, họ mang sẵn khuynh hướng, như Chúa Giêsu đã nói cùng Nicôđêmô là người đã tìm "đến với Người ban đêm" (Jn.3:2) biết, "con người yêu tối tăm hơn ánh sáng" (Jn.3:19).

 

Bởi thế, không lạ gì, đối với chung cả nhân loại, "Người đã ở trong thế gian và thế gian đã nhờ Người được tạo thành, song thế gian lại không nhận biết Người là ai" (Jn.1:10), và riêng đối với dân được tuyển chọn, "Người đã đến cùng phần riêng của Người, song phần riêng của Người cũng không chấp nhận Người" (Jn.1:11).

 

Thật ra, việc tạo vật là đối tượng Thiên Chúa muốn mạc khải Ngài cũng như ý muốn của Ngài ra cho "không nhận biết" và "không chấp nhận" Lời nhập thể như thế không phải chỉ xẩy ra sau khi bản tính con người đã bị băng hoại bởi nguyên tội.

 

Thật sự là việc tạo vật tỏ ra "không chấp nhận" và "không nhận biết" này đã xẩy ra trước đó, như trang 89-90 đã đề cập đến, ngay trong ngày tạo dựng thứ nhất, nơi chính "những sự vô hình" là loài tạo vật được Thiên Chúa dựng nên với một bản tính thiêng liêng thông suốt như "ánh sáng" (Gen.1:3) để có thể phản ảnh chính Ngài "là ánh sáng" (1Jn.1:5).

 

Vậy trong khi bản tính của "tất cả mọi tạo vật" còn đang ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, tức còn đang "tốt đẹp" (Gen.1:31) như Thiên Chúa "gọi" (đối với "những sự vô hình") hay "thấy" (đối với "những sự hữu hình"), thì làm sao sự dữ hay sự gian ác lại có thể xẩy ra, để tội lỗi và sự chết phát sinh, những triệu chứng hư hỏng nơi tạo vật?

 

Nếu Thiên Chúa không tỏ mình (mạc khải) thì đâu có xẩy ra tình trạng "hư hỏng nơi tạo vật" này. Thế nhưng, ánh sáng không thể nào không soi sáng, tình yêu không thể nào không yêu thương thế nào, thì "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn.1:5) và "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn.1:4:8,16) cũng không thể nào không tỏ mình ra như vậy. Chân lý thứ nhất này còn được sáng tỏ nơi chân lý thứ hai, ở chỗ, "là tình yêu", "Thiên Chúa thương ai thì thương" (Rm.9:18), thành phần "Con muốn mạc khải ra cho" (Mt.11:27) cũng là thành phần được Cha "ban phép" (Jn.6:65) và "dẫn đưa" (Jn.6:44).

 

Nếu thành phần "Con muốn mạc khải cho" cũng là thành phần được Cha "ban phép" và "dẫn đưa" như thế, để có thể "chấp nhận" và "nhận biết" Con, như trường hợp của vị trưởng tông đồ đoàn Phêrô tuyên xưng: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt.16:16), thì thành phần này cũng được Cha và Con ban cho chính Thần Linh của mình nữa.

 

"Đấng An Ủi là Thánh Linh, Đấng Cha sẽ nhân danh Thày sai đến, sẽ chỉ dẫn các con trong mọi sự, và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thày đã bảo ban các con" (Jn.14:26).

 

Như thế, Thánh Linh vừa là động lực mạc khải của Thiên Chúa vừa là tác động thụ khải nơi tạo vật là đối tượng Thiên Chúa muốn mạc khải Ngài ra cho.

 

Sau đây là phần trình bày về Thánh Linh, động lực mạc khải của Thiên Chúa, và Thánh Linh, tác động thụ khải nơi con người. Cũng giống như các phần khác trong cuốn sách này, thể thức trình bày mỗi vấn đề sẽ theo thứ tự như sau:

 

1- Xác Tín vấn đề (giáo lý).

2- Mạc Khải vấn đề (Lời Chúa).

3- Nhận Thức vấn đề (diễn giải).

 

 

V- Thánh Linh: Động Lực Mạc Khải

 

 

Xác Tín 9

 

Thiên Chúa mạc khải bằng quyền phép Thánh Linh. 

 

Mạc Khải

 

"Gió muốn thổi đâu thì thổi. Ông nghe được tiếng gió thổi song ông không biết được nó từ đâu thổi đến hay nó sẽ thổi đi đâu. Mọi kẻ sinh bởi Thần Linh là như thế đó" (Jn.3:8).

 

"Thiên Chúa nhờ Thần Linh đã mạc khải sự khôn ngoan này cho chúng ta " (1Cor.2:10)

 

Nhận Thức

 

Nếu danh từ "ánh sáng" không thể nào tách rời động từ "chiếu soi" thế nào, thì danh từ "gió" cũng phải gắn liền với động từ "thổi" như vậy. Nghĩa là, nếu "chiếu soi" là bản tính của "ánh sáng" thì "thổi" cũng là bản tính của "gió". Hay nói cách khác, nếu không "chiếu soi" thì không phải là "ánh sáng" thế nào, thì không "thổi" cũng không phải là "gió" như vậy.

 

(Bởi thế, ở đây chúng ta mới có thể hiểu được tại sao danh từ "sự sống đời đời" lại được mạc khải định nghĩa gắn liền với động từ "nhận biết" trong đoạn 17 câu 3 của Phúc Âm theo thánh Gioan: "Sự sống đời đời là nhận biết...". Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau, nơi trang 108-109).

 

Nếu "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn.1:5), tức là chính Sự Hữu (x.Ex.3:14), là Toàn Hữu, là Chân Lý, và việc Ngài mạc khải chẳng khác gì như "ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Jn.1:5), qua mầu nhiệm Lời nhập thể, thì "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn.4:24), tức "là tình yêu" (1Jn.4:8,16), là Sự Sống, là Toàn Tri, cũng là chính động lực trong việc mạc khải của Ngài.

 

Thế nên, mạc khải đã cho thấy Thần Linh hiện diện trong tất cả mọi việc làm ngoại tại của cả Chúa Cha và Chúa Con. Đúng hơn, trong việc đối ngoại, cả Ba Ngôi cùng tác hành, với tư cách "là Cha, và Con và Thánh Thần" (Mt.28:19), từ việc tạo thành, sang việc cứu chuộc, đến việc thánh hóa, đối với chung "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15) nhất là đối với riêng con người là loài Thiên Chúa muốn  "Chúng Ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh Chúng Ta, tương tự như Chúng Ta" (Gen.1:26).

 

Trước hết trong việc tạo thành "tất cả mọi tạo vật", Thần Linh đã hiện diện qua hình ảnh được sách Khởi Nguyên diễn tả, trước khi Thiên Chúa bắt đầu "tạo dựng nên các tầng trời và đất", là "một làn gió mạnh thổi trên những nguồn nước" (Gen.1:2).

"Một làn gió mạnh thổi" ở đây, theo tác dụng của mình, là hình ảnh ám chỉ Thần Linh (x.Jn.3:8), động lực tạo dựng của Thiên Chúa. Và "những nguồn nước" ở đây, theo ý nghĩa sâu xa của nó, cũng "ám chỉ Thần Linh" (Jn.7:39),  Toàn Tri nơi Thiên Chúa, một "Thần Linh thấu suốt hết mọi sự, ngay cả những điều sâu thẳm của Thiên Chúa" (1Cor.2:10).

 

Hình ảnh "một làn gió mạnh thổi trên những nguồn nước" ám chỉ Thần Linh của Thiên Chúa, là sự sống và là sự toàn tri nơi Thiên Chúa như thế, đã làm sáng tỏ ý nghĩa "tối tăm bao trùm vực thẳm", (mệnh đề ở ngay trước đó), một thứ "tối tăm" ám chỉ sự vô tri hay là sự chết đang "bao trùm vực thẳm" vô hữu hay hư không trước "Thiên Chúa là ánh sáng, trong Ngài không có tối tăm" (Jn.1:5).

 

Thế nhưng, "Thiên Chúa là ánh sáng" không thể nào không soi chiếu, và "Thiên Chúa (cũng) là Thần Linh" không thể nào không sinh động. Do đó, theo thúc đẩy của "làn gió mạnh thổi trên những giòng nước" là Thần Linh của mình, Ngài đã "tạo thành các tầng trời và đất", bằng Lời toàn năng vô cùng hiệu nghiệm của Ngài.

 

Trong việc tạo thành "tất cả mọi tạo vật", nếu Thần Linh là sự sống phát sinh động lực tạo thành của Thiên Chúa, thì Lời, "hiện thân đích thực của hữu thể Cha" (Heb.1:3), chính là mô thức của "tất cả mọi tạo vật" mà Thiên Chúa muốn dựng nên "cho Người" (Col.3:16), Đấng mà "trong Người mọi sự tiếp tục hiện hữu" (Col.3:17).

 

Trong việc cứu chuộc "tất cả mọi tạo vật", nếu đã cùng nhau tạo thành nên "tất cả mọi tạo vật", Thiên Chúa Ba Ngôi cũng cùng nhau cứu chuộc "tất cả mọi tạo vật". Bằng cách, "Thiên Chúa nhờ Người (Lời nhập thể) mà giao hòa mọi sự nơi bản thân của Người, cả dưới đất cũng như trên các tầng trời" (Col.1:20).

 

Để thực hiện cuộc giao hòa này, Thần Linh hiện diện trong việc tạo dựng của Thiên Chúa cũng là Thánh Linh hiện diện trong việc Lời nhập thể: "Thánh Linh sẽ xuống trên trinh nữ và quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ' bởi thế, trẻ thánh được sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lk.1:35)

 

Thật vậy, hình ảnh "trong khi tối tăm bao trùm vực thẳm thì có một làn gió mạnh thổi trên các giòng nước", được sách Khởi Nguyên diễn tả trước sáu ngày tạo dựng của Thiên Chúa, cũng là hình ảnh ám chỉ việc Thiên Chúa tái tạo mọi sự trong Đức Giêsu Kitô, khi con người bấy giờ còn "ngồi" (Lk.1:79) trong vực sâu tội lỗi, một vực sâu bị vây phủ bởi "bóng tối sự chết" (Lk.1:79), thì, "quyền phép Đấng Tối Cao", như "một làn gió mạnh thổi", "bao trùm" một tạo vật đệ nhất trong trật tự ân sủng, một tạo vật hoàn toàn nhận biết Thiên Chúa qua lời "xin vâng" (Lk.1:38), tức hoàn toàn chiều theo gió Thần Linh "muốn thổi đâu thì thổi".

 

Trong việc thánh hóa "tất cả mọi tạo vật" cũng thế, một việc mà Thánh Linh như đóng vai chính trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở chỗ, "từ Cha mà đến" (Jn.15:26) và được Con "sai đến từ Cha" (Jn.15:26), Ngài đến để "minh chứng" (Jn.15:26) về Đức Kitô, cũng như để "dẫn vào tất cả sự thật" (Jn.16:13)  Giáo Hội Chúa Kitô, một nhiệm thể đã được thừa hưởng sự sống thần linh kể từ lúc Chúa Kitô "thở hơi trên các vị: 'Hãy nhận lãnh Thánh Linh'" (Jn.20:22).

 

 

VI- Thánh Linh: Tác Động Thụ Khải 

 

Xác Tín 10 

 

Không có Thánh Linh, tạo vật không thể lãnh nhận mạc khải của Thiên Chúa.

 

Mạc Khải

 

"Tôi bảo thật cho ông biết, không ai có thể vào được vương quốc của Thiên Chúa mà không phải sinh lại bởi nước và Thần Linh" (Jn.3:5)

 

Nhận Thức

 

Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nếu việc tạo dựng được qui về riêng Ngôi Cha thế nào thì Danh Thiên Chúa bao giờ cũng trực tiếp liên quan đến Ngôi Cha như vậy: "Con đã tỏ danh Cha cho những người Cha đã ban cho Con nơi thế gian" (Jn.17:6).

 

Cũng thế, nếu công cuộc cứu chuộc do Ngôi Con phụ trách thế nào thì Nước Thiên Chúa gắn liền với Ngôi Con như vậy: "Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị trên nhà Giacóp muôn đời và triều đại Người sẽ không bao giờ cùng" (Lk.1:32-33).

 

Và nếu việc thánh hóa do Ngôi Thánh Thần đặc trách thế nào thì Ý Thiên Chúa cũng hoàn toàn liên hệ đến Ngôi Thánh Thần như vậy: "Thần Linh can thiệp hộ các thánh  cho đúng như chính Thiên Chúa muốn" (Rm.8:27).

 

Thật thế, loài người chúng ta không thể nào biết được "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một mình, để ai tin vào Con sẽ không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Jn.3:16), nếu chúng ta không được "tình yêu của Thiên Chúa đổ tràn vào lòng chúng ta nhờ Thánh Linh là Đấng được ban cho chúng ta" (Rm.5:5).

 

Phải, chính nhờ "Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta" mà loài người chúng ta mới có thể "nhận biết" (Jn.17:3) Thiên Chúa là ai: "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn.4:8,16), và loài người chúng ta cũng mới có thể "nguyện Danh Cha cả sáng" (Mt.6:9), bằng việc kính mến "Chúa, Thiên Chúa của chúng ta là Chúa duy nhất" (Mk.12:29), Đấng "đã chúng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta ở chỗ, đang khi chúng ta còn là những tội nhân thì Đức Kitô đã chết cho chúng ta" (Rm.5:8), cũng là "Đấng đã không dung tha cho Con riêng của mình, song đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Rm.8:32).

 

Rồi cũng nhờ "Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta" mà chúng ta mới có thể tuyên xưng Lời nhập thể: "Giêsu là Chúa" (1Cor.12:3), "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt.16:16), Đấng "hằng ở nơi Cha đã tỏ Ngài ra" (Jn.1:18), và chúng ta cũng mới có thể "nguyện Nước Cha trị đến" (Mt.6:10), bằng cách "chấp nhận Người (để) Người ban cho họ quyền được trở nên con cái Thiên Chúa" (Jn.1:12). Đó là lý do mà "tất cả những ai được Thần Linh Thiên Chúa dẫn dắt đều là những người con cái của Thiên Chúa... Chính Thần Linh chứng tỏ cho tâm linh của chúng ta rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa" (Rm.8:14,16).

 

Sau hết, chỉ nhờ "Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta" chúng ta mới "không phải chết song được sự sống đời đời" (Jn.3:16), "sự sống này ở nơi Con (Thiên Chúa). Ai có Con là có sự sống" (1Jn.5:11,12):  "Thật vậy, đây là ý muốn của Cha Tôi, đó là mọi người thấy Con mà tin vào Người thì sẽ có sự sống đời đời" (Jn.6:40), và cũng chỉ nhờ "Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta" chúng ta mới có thể "nguyện ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" (Mt.6:10), bằng việc tuân giữ "mệnh lệnh Cha là sự sống đời đời" (Jn.12:50).

 

Như thế, nếu "ai có Con là có sự sống" ra sao thì ai có Thánh Linh cũng có sự sống như vậy. Đây là điểm đã được nêu lên ở đoạn hai nơi trang 103 về "sự sống đời đời (một danh từ hay một thực tại) là nhận biết (một động từ hay một động tác)...".

 

Đúng thế, nếu "ai có Con là có sự sống", một "sự sống ở nơi Thiên Chúa đã được tỏ hiện cho chúng ta" (1Jn.1:2), mà Con đây là "hiện thân đích thực của hữu thể Cha" (Heb.1:3), thì "ai có" (tức "chấp nhận" - Jn.1:12) "tất cả sự thật" (Jn.16:13) "ở nơi Thiên Chúa" (Jn.1:18) "được tỏ hiện" (mạc khải) qua "hiện thân đích thực" (Đức Giêsu Kitô) của Ngài là có sự sống.

Và nếu Đức Giêsu Kitô là "tất cả sự thật" (tức là Toàn Chân) nơi Thiên Chúa, thì Người qủa là Lời nhập thể, là "hình ảnh Thiên Chúa vô hình" (Col.3:15) sống động nơi nhân tính loài người. Vì "lời" là gì, nếu không phải, theo ý nghĩa ngôn từ loài người, là hiện thân của ý tưởng và để diễn tả ý tưởng. Do đó, "Lời ở nơi Thiên Chúa ngay từ ban đầu" (Jn.1:2) đây cũng là "hiện thân đích thực của hữu thể Cha" và "mạc khải Cha ra" (Jn.1:18).

 

Bởi thế, "sự sống đời đời" hay Sự Sống Thần Linh đây chính là Bản Ngã Thiên Chúa, một Bản Ngã Thần Linh được Thiên Chúa mạc khải qua danh xưng của Ngài trong Thánh Kinh Cựu Ước: "Ta là Ta" (Ex.3:14), và cũng là một Bản Ngã đã được Ngài mạc khải trọn vẹn "qua Con Mình" (Heb.1:2), "hiện thân đích thực hữu thể Cha" (Heb.1:3).

 

Nếu "sự sống đời đời" là một danh từ, một thực tại ("Bản Ngã Thiên Chúa" hay "Bản Ngã Thần Linh"), thì "sự sống đời đời" cũng cần phải là một động từ, một động tác nữa mới hoàn toàn tỏ ra bản chất "động" của sự sống, (động tác này đã được Việt ngữ diễn đạt bằng một tĩnh từ kép rất hay, đó là tĩnh từ "sống động").

 

Động tác của "sự sống đời đời" này là Ý Thức Thần Linh, là Nhận Thức Thần Linh, hay là Tri Thức Thần Linh nơi Thiên Chúa, tức là động tác Thiên Chúa Biết Mình ("từ ban đầu đã có Lời" - Jn.1:1), động tác Thiên Chúa Ý Thức Bãn Ngã Mình ("Lời ở nơi Thiên Chúa" - Jn.1:1), động tác Bản Ngã Thần Linh thực sự phản ảnh Thiên Chúa ("Lời là Thiên Chúa" - Jn.1:1). Động Tác Sự Sống Thần Linh, Động Tác Ý Thức Thần Linh, Nhận Thức Thần Linh, Tri Thức Thần Linh này nơi Thiên Chúa chính là Thánh Linh Thiên Chúa.

Đúng thế, theo mạc khải, Thánh Linh không phải là chính sự sống như Con (x.1Jn.1:2-3), tức là Bản Ngã Thiên Chúa, Bản Ngã Thần Linh, "hiện thân đích thực hữu thể Cha" (Heb.1:3). Tuy nhiên, Thánh Linh là Tác Động Sự Sống nơi sinh hoạt nội tại của Thiên Chúa, và là Nguyên Lý Sự Sống nơi sinh hoạt ngoại tại của Thiên Chúa. Bởi vì Thánh Linh "là Thần Chân Lý" (Jn.15:26'16:13), tức Ngài là Toàn Tri nơi Thiên Chúa và của Thiên Chúa. 

 

Thánh Linh là Tác Động Sự Sống nơi sinh hoạt nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi vì Ngài "là Thần Chân Lý", tức Ngài là Toàn Tri nơi Thiên Chúa, là tất cả Kiến Thức Thần Linh, Kiến Thức Biết Mình nơi Thiên Chúa: "Cha Tôi biết Tôi và Tôi biết Cha Tôi" (Jn.10:15).

 

Thánh Linh là Nguyên Lý Sự Sống nơi sinh hoạt ngoại tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Ngài "là Thần Chân Lý", tức Ngài là Toàn Tri của Thiên Chúa, Đấng không gì có thể giấu được Ngài, (như trường hợp hai vợ chồng Ananias và Saphira đã bị phạt chết tươi vì tội "nói dối Thánh Linh" - Acts 5:3, và "thử thách Thần Linh của Thiên Chúa" - Acts 5:9), nên Ngài cũng chính là Đấng "sẽ dẫn đưa các con vào tất cả sự thật" (Jn.16:13).

 

"Tất cả sự thật" đây là gì, nếu không phải là tất cả mạc khải của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Do đó, Thánh Linh "sẽ dẫn đưa các con vào tất cả sự thật" tức là, một mặt, như tác nhân mạc khải nơi Thiên Chúa, Ngài "sẽ làm chứng về Thày" (Jn.15:26), mặt khác, như tác động thụ khải nơi con người, Ngài sẽ làm cho con người "chấp nhận Người" (Jn.1:12), Lời nhập thể, Bản Ngã Thần Linh, "sự sống đời đời hiện diện nơi Thiên Chúa đã tỏ hiện cho chúng ta" (1Jn.1:2).

 

Chính nhờ Thánh Linh con người mới có thể chấp nhận Lời nhập thể như thế mà họ đã được "sinh lại bởi nước và Thần Linh" (Jn.3:5), "nước" Lời Chúa có tác dụng thanh tẩy (x.Jn.15:3) và "Thần Linh" là "thần trí ban sự sống" (Jn.6:63), để họ được "vào vương quốc của Thiên Chúa" (Jn.3:5), tức được "Người (Lời nhập thể) ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa" (Jn.1:12), nghĩa là ban cho họ được thừa hưởng Gia Sản Thần Linh là Vương Quốc Nước Trời (x.Mt.25:34' Rm.8:17).

 

Như thế, thành phần được "tái sinh bởi nước và Thần Linh" đây tức là thành phần được Lời nhập thể, bằng "những lời Thày nói với các con đều là thần trí và là sự sống" (Jn.6:63) của Người, cũng như nhờ "Thần Chân Lý, Đấng mà chính Thày sẽ từ Cha sai đến" (Jn.15:26) của Người, cho chia sẻ và thông dự vào quyền làm con cái Thiên Chúa với Người. Chính "quyền làm con cái Thiên Chúa" này là điều mà Thánh Linh "sẽ nhận lãnh từ Thày (để) loan truyền cho các con" (Jn.16:14).

 

Đó là lý do "tất cả những ai được Thần Linh Thiên Chúa dẫn dắt đều là con cái của Thiên Chúa" (Rm.8:14). Vì Thần Linh Thiên Chúa đây chính là hồn sống của con cái Thiên Chúa và nơi con cái Thiên Chúa, Thần Linh mà Thiên Chúa đã ban cho con cái của mình để làm cho "con người trở nên một sinh linh" (Gen.2:7), khi Ngài "thở vào mũi họ hơi thở sự sống" (Gen.2:7). Nhờ Thần Linh Thiên Chúa là hồn sống của mình như vậy, "con người trở nên một sinh linh" mới có thể thấu biết ngoại vật, biết bản thân mình và biết Đấng Tạo Dựng nên mình.

 

Trước hết, nhờ Thần Linh Thiên Chúa là hồn sống của mình "con người trở nên một sinh linh" mới có thể thấu biết ngoại vật, ở chỗ: "Chúa là Thiên Chúa lấy đất làm nên những hoang thú khác nhau cùng những chim trời khác nhau trên trời, và Ngài mang chúng đến cho con người để tùy con người gọi tên chúng' hễ con người gọi là gì thì mỗi vật đều mang tên như vậy" (Gen.2:19).

 

Sau nữa, nhờ Thần Linh Thiên Chúa là hồn sống của mình "con người trở nên một sinh linh" mới có thể thấu biết bản thân mình: "Chúa là Thiên Chúa làm cho con người ngủ say, và trong khi con người ngủ, Ngài đã lấy một xương sườn của con người mà đắp thịt vào thay chỗ của nó. Rồi Chúa là Thiên Chúa làm nên một người nữ từ chiếc xương Ngài đã lấy từ con người. Khi Ngài mang người nữ đến cho con người thì con người nói: "Người nữ này mới đúng là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi' nàng sẽ được gọi là 'phụ nữ' vì nàng đã từ con người mà hình thành" (Gen.2:21-23).

 

Sau hết, nhờ Thần Linh Thiên Chúa là hồn sống của mình "con người trở nên một sinh linh" mới có thể thấu biết Chúa là Đấng Tạo Dựng nên mình: "Người nữ trả lời con rắn rằng 'Chúng tôi được ăn trái các cây trong vườn này' chỉ trừ có trái của cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa phán: 'Các người không được ăn nó hay động đến nó kẻo các người sẽ phải chết'" (Gen.3:2-3).

 

Thế nhưng, mặc dù nhờ Thần Linh Thiên Chúa là hồn sống của mình "con người trở nên một sinh linh" mới có thể thấu biết Chúa là Đấng Tạo Dựng nên mình như thế, con người, tự mình là loài "thuộc hạ giới" (Jn.8:23), vẫn có thể "chết trong tội của mình" (Jn.8:21,24), khi con người đi tìm Chúa, qua ước vọng muốn nên "giống như các thần linh là các đấng biết lành biết dữ" (Gen.3:5).

 

Nghĩa là, con người muốn tự động nên bằng Thiên Chúa, trong việc họ muốn mình được toàn quyền định đoạt lành dữ theo như ý muốn riêng của mình cũng như căn cứ vào phán đoán chủ quan của mình, như hiện trạng thế giới duy nhân bản vô thần trong thế gian tối văn minh tân tiến vào thời kỳ hậu bán thế kỷ 20 và thời điểm hạ bán của thập niên trước năm 2000 này. (Xin xem thêm cuốn "Hận Thù Quyết Thắng", Cao-Bùi 1996, phụ bản 4, "Duy Nhân Bản", trang 191-204).

 

Tuy nhiên, chính vì con người không thể nào tự mình tìm gặp được Đấng Tạo Hóa mà không chết trong tội lỗi của mình như thế mà, như trang 91 nhận định, Thiên Chúa đã "bắt đầu tỏ mình (mạc khải) Ngài cho con người", khi Ngài, ngay trong bản án nguyên tội, đã hứa ban cho con người  Lời nhập thể là "giòng dõi của người nữ" (Gen.3:15), Đấng đã "hủy hoại công việc của ma qủi" (1Jn.3:8), và hồi sinh cho "anh em" (Jn.20:17) của Người, khi "Người thở hơi trên họ mà phán: 'Hãy nhận lấy Thánh Linh'" (Jn.20:22).

 

Đúng thế, Đức Giêsu Kitô chính "là Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh" (Jn.1:33), là "tất cả sự thật" Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người, là chính Thực Tại Mạc Khải của Thiên Chúa.

Trong chương ba này, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được sáng tỏ một phần nào.

 

Nếu Thiên Chúa tự xưng mình "Ta là Ta" (Ex.3:14) thì Ngài là Toàn Hữu hay là Thiên Chúa Toàn Thiện.

 

Nếu "Con Ngài... là hiện thân đích thực hữu thể Cha" (Heb.1:3) thì Con Ngài là Toàn Chân nơi Thiên Chúa hay là Thiên Chúa Toàn Chân.

 

Và nếu "Thần Chân Lý từ Cha mà đến và cũng là Đấng Thày sai đến từ Cha" (Jn.15:26) thì Thánh Linh là Toàn Tri nơi Thiên Chúa hay là Thiên Chúa Toàn Tri.

 

Chính vì "là Toàn Tri nơi Thiên Chúa hay là Thiên Chúa Toàn Tri" như thế mà Thánh Thần cần phải được sai đến (x.Jn.14:26), hay được ban cho con người (x.Rm.5:5), để nhờ chính "Toàn Tri nơi Thiên Chúa" này, con người mới có thể nhận biết Thiên Chúa như chính Ngài nhận biết Ngài: "Ta là Ta" (Ex.3:14), cũng như chính Ngài muốn mạc khải mình Ngài cho con người nơi Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng Ngài sai: "Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Giêsu Kitô" (Jn.17:3).