9.

 

Bản Chất Mạc Khải: Ân Sủng 

 

 

"Tất cả sự thật" (Jn.16:13) mà Thiên Chúa, Chủ Thể

Mạc Khải (chương một), muốn tỏ cho "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15) nói chung và con người nói riêng, Đối Tượng Mạc Khải (chương hai), nhờ Thánh Linh, Tác Nhân Mạc Khải (chương ba), chính là Thực Tại Mạc Khải (chương bốn), một Thực Tại được thể hiện bằng việc Lời Nhập Thể, như là Đường Lối Mạc Khải (chương năm) của Thiên Chúa, để từ Tiến Trình Mạc Khải (chương sáu), trong việc thiết lập Cựu Ước với dân Do Thái cũng như Tân Ước với Giáo Hội Chúa Kitô, Thiên Chúa sẽ dẫn con người vào đến tận Trọng Tâm Mạc Khải (chương bảy) là chính Sự Sống Ngài muốn ban cho tạo vật của Ngài, nhờ đó, Ngài có thể vĩnh viễn thiết lập Triều Đại của Ngài trong Nước Trời, một Tầm Vóc Mạc Khải (chương tám) trọn vẹn theo như dự án và công cuộc cứu chuộc của Ngài, một dự án và công cuộc hoàn toàn phát xuất từ Ân Sủng của Thiên Chúa là yếu tố làm nên Bản Chất Mạc Khải (chương chín).

Nếu "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô" (Jn.17:3), thì sau cuộc chung thẩm, thành phần hư đi là ma quỉ và các linh hồn bấy giờ sẽ nhận biết Thiên Chúa đúng là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đức Giêsu Kitô là Đấng Thiên Sai cũng sẽ thừa hưởng sự sống đời đời như thành phần được cứu rỗi là các thần lành và người lành hay sao?

 

Chắc chắn sẽ không thể nào xẩy ra như vậy được. Bởi vì, lúc bấy giờ, trước "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn.1:5), nghĩa là một khi đối diện với chân lý đời đời, thành phần hư đi không thể nào chối cãi được Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đức Giêsu Kitô là Đấng Thiên Sai của Ngài nữa, như họ đã từng tỏ ra đối với mạc khải của Thiên Chúa, qua việc họ bất tuân phục "mệnh lệnh của Ngài bao hàm sự sống đời đời" (Jn.12:50).

 

Giả sử không có ơn đặc biệt của Thiên Chúa ban cho, thành phần các thần lành và người lành, theo bản tính tự nhiên cũng không hơn gì thành phần thần dữ và kẻ dữ, họ có thể nào chấp nhận được mạc khải thần linh vô cùng siêu việt của Thiên Chúa chăng? Như thế, sự sống đời đời ở đây không phải chỉ là việc nhận biết Thiên Chúa mà còn là việc thể hiện đức công minh Thiên Chúa nơi tạo vật của Ngài.

 

Sau đây là phần trình bày về Bản Chất Mạc Khải tức là về Thiên Chúa Công Minh và về Con Người Công Chính. Cũng giống như các phần khác trong cuốn sách này, thể thức trình bày mỗi vấn đề sẽ theo thứ tự như sau:

1- Xác Tín vấn đề (giáo lý).

2- Mạc Khải vấn đề (Lời Chúa).

3- Nhận Thức vấn đề (diễn giải).
 
 

XVIII- Thiên Chúa Công Minh 

 

Xác Tín 22

           

            Thiên Chúa Công Minh là Thiên Chúa xót thương những tạo vật đáng thương xót theo lòng xót thương của Ngài.

  

Mạc Khải

 

"Như Cha phục sinh kẻ chết và ban sự sống thế nào thì Con cũng ban sự sống cho những ai mà Người muốn như vậy" (Jn.5:21).

"Lạy Cha là Chúa trời đất, Con chúc tụng Cha' vì điều Cha đã giấu kẻ thức giả cùng kẻ tinh khôn thì Cha lại tỏ ra cho các con trẻ bé mọn nhất biết. Mọi sự Cha Tôi đã ban cho Tôi. Không ai biết Con ngoài Cha, cũng không ai biết Cha ngoài Con và kẻ nào mà Người muốn tỏ ra cho biết" (Mt.11:25-27).

Nhận Thức

 

            Nói đến Thiên Chúa Công Minh hay Đức Công Minh nơi Thiên Chúa là nói đến ba chân lý sau đây: Chân lý thứ nhất về Thiên Chúa Công Minh đó là Thiên Chúa vô cùng thiện hảo nên Thiên Chúa đã mạc khải bản tính trọn lành của Ngài qua tình Ngài yêu thương tạo vật' chân lý thứ hai về Thiên Chúa Công Minh đó là trong việc Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương tạo vật của Ngài thì hoàn toàn tùy Ngài muốn thương ai thì thương' và chân lý thứ ba về Thiên Chúa Công Minh đó là số phận đời đời của tạo vật có tự do tùy thuộc vào việc họ có biết đáp ứng một cách cân xứng tình Thiên Chúa tỏ ra yêu thương họ hay không.

 

Chân lý thứ nhất về Thiên Chúa Công Minh đó là Thiên Chúa vô cùng thiện hảo nên Thiên Chúa đã mạc khải bản tính trọn lành của Ngài qua tình Ngài yêu thương tạo vật.

 

Phải, tất cả nhân loại chúng ta ở trên đời này "chưa có ai đã từng được thấy Thiên Chúa" (Jn.1:18' 1Jn.4:12). Thế nhưng, sở dĩ loài người tạo vật chúng ta biết được Thiên Chúa của mình là do "chính Thiên Chúa Ngôi Con duy nhất hằng ở nơi Cha là Đấng đã tỏ Ngài ra" (Jn.1:18). Mà "Thiên Chúa Ngôi Con duy nhất" "đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" (Jn.1:14) này đã tỏ Cha ra như thế nào, nếu không phải trước hết cho Giáo Hội của Người rồi sau đó cho cả thế gian qua Giáo Hội của Người.

 

"Thiên Chúa Ngôi Con duy nhất" "đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" (Jn.1:14) này đã tỏ Cha của Người ra, trước hết, cho Giáo Hội của Người là "những người Cha đã ban cho (Người) nơi thế gian" (Jn.17:6), ở chỗ, Người đã "tự hiến để họ được thánh hoá trong chân lý" (Jn.17:19), đó là để "họ nhận thức rằng tất cả những gì Cha ban cho (Người) đều từ Cha mà đến" (Jn.17:7), nghĩa là "(Người) thực sự đến từ Cha... chính Cha là Đấng đã sai (Người)" (Jn.17:8), là Đấng đã nhờ Người mà yêu họ hay là Đấng đã yêu họ nơi Người (x.Jn.15:9).

 

"Thiên Chúa Ngôi Con duy nhất" "đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" (Jn.1:14) này đã tỏ Cha là Đấng "yêu thế gian đến ban Con Duy Nhất của Ngài" (Jn.3:16) cho cả thế gian biết, qua Giáo Hội của Người: "Con sống trong họ, Cha sống trong Con cho sự hiệp nhất của họ được nên trọn. Nhờ đó, thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu họ cũng như Cha yêu Con" (Jn.17:23). Bởi thế, sứ mệnh mà Giáo Hội được Chúa Kitô phục sinh sai đi rao giảng đó là sứ mệnh làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa, và sứ điệp Giáo Hội rao giảng đó là Tin Mừng Yêu Thương hay Phúc Âm Sự Sống vậy.

 

Như thế, Chúa Con chính là mạc khải của tình Chúa Cha yêu thương nhân loại tạo vật chúng ta: "Tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải giữa chúng ta là ở chỗ này: đó là Ngài đã sai Con duy nhất của Ngài đến thế gian để chúng ta nhờ Người mà được sống" (1Jn.4:9). Và vì Đức Giêsu Kitô, Lời nhập thể, "là phản ảnh vinh quang của Cha, là hiện thân đích thực của hữu thể Cha" (Heb.1:3), để "ai thấy Thày là thấy Cha" (Jn.14:9), thì Người thực "là phản ảnh vinh quang của Cha", của tấm lòng Thiên Chúa tỏ ra yêu thương loài người chúng ta: "Cha Thày yêu Thày thế nào Thày cũng yêu các con như vậy" (Jn.15:9), và Người cũng chính "là hiện thân đích thực của hữu thể Cha", một hữu thể vô cùng trọn lành được Người tỏ ra cho loài người biết, và kêu gọi họ "phải nên trọn lành như Cha trên trời của các con trọn lành" (Mt.5:48).

 

            Chân lý thứ hai về Thiên Chúa Công Minh đó là trong việc Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương tạo vật của Ngài thì hoàn toàn tùy Ngài muốn thương ai thì thương.

           

            Nói đến yêu thương là nói đến tự do. Không có tự do không thể nào có yêu thương. Như thế, tạo vật nào có tự do sẽ là tạo vật biết yêu thương và hướng về đối tượng yêu thương, như thiên thần và loài người. Chính ở chỗ biết yêu thương và hướng về đối tượng yêu thương này mà tạo vật có tự do, chẳng những loài người mà cả thiên thần nữa, đã được  "dựng nên giống hình ảnh "Thiên Chúa là tình yêu" và tương tự như Ngài (Gn.1:25-26).

 

            Ngoài ra, yêu thương từ "Thiên Chúa là tình yêu" (Jn.4:8,16) mà đến, chứ không phải từ tạo vật có tự do, vì tạo vật có tự do chỉ biết yêu thương và hướng về đối tượng yêu thương thôi, chứ không phải "là tình yêu" như Thiên Chúa. Chính vì thế mới có chân lý này: "Vậy yêu thương là ở chỗ không phải chúng ta đã yêu Thiên Chúa mà là Ngài đã yêu chúng ta và đã sai Con Ngài để làm của lễ dâng đền bù tội lỗi của chúng ta" (Jn.1:4:10). Như thế, yêu thương đồng nghĩa với ân sủng, hay yêu thương và ân sủng là một.

 

            Vì "Thiên Chúa là tình yêu", nên chỉ có mình Ngài mới là "Thiên Chúa giầu lòng xót thương" (Eph.2:4), và tùy Ngài "muốn thương ai thì thương" (Rm.9:15,18), như một chủ nhân ông "có quyền sử dụng tiền bạc tùy theo ý mình" (Mt.20:15).

            Thật ra, trên thực tế, tuy có toàn quyền định đoạt về ân sủng của mình, nghĩa là "muốn thương ai thì thương, để ai cứng lòng thì để" (Rm.9:18), Thiên Chúa cũng không hành động một cách bất công. Ngài vẫn trả công cho mỗi người theo như đã thỏa thuận giữa Ngài là Đấng đứng ra kêu mời họ và họ là người đồng ý đến làm việc cho Ngài (x.Mt.20:13), tức Thiên Chúa sẽ xét xử tùy theo việc họ đáp lại ơn Ngài kêu gọi họ chẳng khác gì như những nén bạc Ngài trao cho họ để họ làm sinh lợi ra cho Ngài (x.Lk.19:22). Thế nên, chẳng may họ có bị phạt, họ cũng không thể kêu ca gì được nữa, ngoại trừ "khóc lóc nghiến răng" (Mt.25:30) tự hận mình mà thôi.

 

            Điều này đã làm sáng tỏ mầu nhiệm tiền định. Ở chỗ, trước hết, để công bằng, "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Tim.2:4), bằng cách "Thiên Chúa đã không sai Con vào thế gian để luận phạt thế gian, mà là để thế gian nhờ Người mà được cứu rỗi" (Jn.3:17). Tuy nhiên, tự mình, con người cũng không thể nào nhận biết và chấp nhận mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, nếu không được chính Thiên Chúa "ban phép" và "lôi cuốn": "Không ai có thể đến được với Tôi nếu Cha Tôi không ban phép" (Jn.6:65), "Không ai có thể đến với Tôi trừ phi Cha là Đấng đã sai Tôi lôi kéo" (Jn.6:44).

 

            Đó là lý do con người nên công chính không phải ở tại việc giữ lề luật mà là nhờ vào duy một đức tin mà thôi: "Cho dù cả lề luật và các tiên tri đều làm chứng cho đức công chính của Ngài, đức công chính của Thiên Chúa cũng đã được tỏ hiện không dính dáng gì đến lề luật, để đức công chính của Thiên Chúa thể hiện nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô cho tất cả những ai tin" (Rm.3:21-22), tức cho "những ai Ngài đã biết trước... những ai Ngài đã tiền định... những ai Ngài đã kêu gọi... những ai Ngài đã công chính hoá... những ai Ngài đã tôn vinh" (Rm.8:28-30).

 

            Như thế, phần rỗi chính là "phần tốt hơn" (Lk.10:42) mà Thiên Chúa là chủ nhân ông mới "có quyền sử dụng theo ý mình" (Mt.20:15), trong việc ban riêng cũng như ban thêm cho "những ai Ngài muốn thương" (Rm.9:15,18), "tùy theo ấn định của Ngài" (Rm.8:28), để họ có thể đến với Ngài, có thể "được tái sinh từ trên cao" (Jn.3:3), có thể "được ban cho quyền để trở nên con cái của Thiên Chúa" (Jn.1:12), và có thể "thừa hưởng vương quốc đã được sắm sẵn cho (họ) từ tạo thiên lập địa" (Mt.25:34).

 

Chân lý thứ ba về Thiên Chúa Công Minh đó là số phận đời đời của tạo vật có tự do tùy thuộc vào việc họ có biết đáp ứng một cách cân xứng tình Thiên Chúa tỏ ra yêu thương họ hay không.

 

Phải, vì "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô" (Jn.17:3), mà muốn được sự sống đời đời, được cứu rỗi, tạo vật có tự do cần phải nhận biết "Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất", qua việc chấp nhận Ngài, như Ngài tỏ mình ra cho họ nơi Đức Giêsu Kitô. Thế nhưng, nếu không có "phần tốt hơn" Thiên Chúa ban cho, như trên vừa nói đến, nghĩa là "không được sinh lại bởi nước và Thần Linh" (Jn.3:5), bởi "nước" là biểu hiệu cho lời Chúa hay cho mạc khải của Chúa tỏ ra chung, và bởi "Thần Linh" là tác nhân làm cho riêng kẻ được tiền định "có thể nói 'Giêsu là Chúa'" (1Cor.12:3), thì "không ai có thể đến với Tôi" (Jn.6:65), và từ đó cũng "không thể đến được cùng Cha" (Jn.14:6).

Như thế, "phần tốt hơn" chính là "Thần Linh thấu suốt mọi sự, ngay cả những sự sâu nhiệm nơi Thiên Chúa" (1Cor.2:10), Ngài cũng là "Thánh Linh, Đấng đã được ban cho chúng ta" (Rm.5:5), để tạo vật có tự do biết tôn thờ Thiên Chúa là thần linh trong tinh thần và chân lý (x.Jn.4:24). Tuy nhiên, vì "phần tốt hơn" này là phần ban thêm cho tạo vật có tự do, để họ có thể chấp nhận mạc khải của Ngài nơi Đức Giêsu Kitô mà được sống đời đời, lại tùy theo vị chủ nhân ông của "phần tốt hơn" này, do đó, không phải ai muốn cũng được.

 

Ngoài ra, đối với chung tất cả mọi tạo vật có tự do, "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến thế gian" (Jn.1:9), đó là "Lời đã nhập thể và ở giữa chúng ta, chúng ta đã được thấy vinh quang của Người, vinh quang của người con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Jn.1:14), để "ai tin vào Người sẽ không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Jn.3:16).

 

Mà bởi vì "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (Jn.3:16), nghĩa là "Thiên Chúa không sai Con vào thế gian để lên án thế gian, song để thế gian nhờ Người mà được cứu rỗi" (Jn.3:17), do đó, "ai tin vào Người thì khỏi bị luận phạt, còn ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, tại không tin vào danh Con duy nhất của Thiên Chúa" (Jn.3:18). Và sở dĩ những người không tin đã bị luận phạt rồi, là vì "ánh sáng đã đến trong thế gian, song con người yêu thế gian hơn ánh sáng, bởi các việc của họ đều là những việc làm gian ác" (Jn.3:19).

 

Như thế, nếu không có "phần tốt hơn" của Thiên Chúa ban cho là Thánh Linh của Ngài, tự nhiên "con người yêu thế gian hơn ánh sáng", và vì thế, họ không thể chấp nhận mạc khải của Ngài, một mạc khải như "ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Jn.1:5), nên vẫn cứ ở trong tối tăm và "ghét ánh sáng' vì sợ đến gần ánh sáng việc làm của họ sẽ bị bại lộ" (Jn.3:20).

 

"Thế nhưng, ai tác hành trong sự thật thì đến cùng ánh sáng để làm sáng tỏ những việc của họ được thực hiện trong Thiên Chúa" (Jn.3:21). Do đó, nếu mạc khải của Thiên Chúa như "ánh sáng chiếu trong tối tăm", một mạc khải được tỏ ra từ "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn.2:5), thì việc làm của những "ai tác hành trong sự thật" quả thật sẽ là "những việc làm được thực hiện trong Thiên Chúa", trong ánh sáng.

 

Bởi thế, trước ánh sáng đời đời, mọi việc con người làm cuối cùng sẽ được sáng tỏ vào cuộc chung thẩm. Việc làm "trong sự thật", tức "trong Thiên Chúa" sẽ muôn đời tồn tại trong "ánh sáng", còn việc làm trong tăm tối, tức "việc làm gian ác", việc "vô loài" (1Jn.3:4), việc không đúng với sự thật, với ý muốn của Thiên Chúa, sẽ bị bại lộ và bị tiêu tan như màn đêm biến mất khi ngày đến, "một ngày không còn đêm" (Rev.21:25), hay "đêm không còn nữa" (Rev.22:5).  

Cuối cùng, trong khi thành phần bị đuổi khỏi nhan Chúa (x.Mt.25:41), tức thành phần "ở ngoài thành" (Rev.22:15), toàn là thành phần ở trong tối tăm, "là tất cả những kẻ yêu chuộng sự lầm lạc" (Rev.22:15), thì kẻ lành, thành phần ở bên trong "tân Gia-Liêm" (Rev.21:2), hoàn toàn tự do và an bình trong "những cổng không bao giờ đóng" (Rev.21:25), vì "đó là nơi Thiên Chúa ở giữa loài người" (Rev.21:3), nơi đời đời "họ sẽ diện đối diện với Ngài" (Rev.22:4). 
 

XIX- Con Người Công Chính 

 

Xác Tín 23 

           

            Con Người Công Chính là con người sống trước nhan Thiên Chúa như họ được Ngài xót thương tỏ mình ra cho họ.

  

Mạc Khải

 

"Các con đã được lãnh nhận một cách nhưng không thì các con cũng phải cho đi một cách nhưng không" (Mt.10:8).

"Ánh sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt người ta để họ thấy được sự tốt lành nơi những hành động của các con làm mà ngợi khen Cha trên trời của các con" (Mt.5:16).

 

Nhận Thức

 

            Chủ ý trong việc Thiên Chúa muốn mạc khải chính mình là do Ngài muốn thông ban sự sống thần linh vô cùng viên mãn và tuyệt đối trọn hảo của Ngài ra cho tạo vật của Ngài để chúng cũng được tham hưởng với Ngài. Do đó, Thiên Chúa mới tạo dựng nên thành phần tạo vật có tự do, tạo vật được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Ngài, để họ có thể nhận biết Ngài như Ngài là hay như Ngài biết mình Ngài. Ở đây, mạc khải chính là đường lối Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và yêu thương muốn dùng để thông ban sự sống của Ngài ra cho tạo vật, một mạc khải hoàn toàn hướng về Đức Giêsu Kitô (Cựu Ước) và nên trọn nơi Đức Giêsu Kitô (Tân Ước), "Lời đã hoá thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Jn.1:14), một Con Người "là trưởng tử của tất cả mọi tạo vật (cũng) là trưởng tử của kẻ chết" (Col.3:15,18).

 

            Là "tất cả sự thật" về Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa và của Thiên Chúa, tức là tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho tạo vật của Ngài, Đức Giêsu Kitô "đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật" (Jn.18:37), "sự thật" đó là "Con thực sự từ Cha mà đến... chính Cha là Đấng đã sai Con" (Jn.17:8). Thế nhưng, để chứng minh "sự thật" này, nhờ đó, "ai tìm kiếm sự thật" (Jn.18:37) sẽ "được thánh hóa trong chân lý" (Jn.17:19), Đức Giêsu Kitô đã phải "tự hiến" (Jn.17:19). Nếu nhờ cuộc "tự hiến" của Lời nhập thể mà con người tạo vật nhận ra "tất cả sự thật" để "được sự sống đời đời" (Jn.3:16), "một sự sống viên trọn hơn" (Jn.10:10), "nhờ đó đạt đến sự viên trọn của chính Thiên Chúa" (Eph.3:19), thì trọng tâm mạc khải quả thực là sự sống đời đời, và Thiên Chúa mạc khải là "Thiên Chúa thông ban sự sống cho chúng ta và sự sống này ở nơi Con Ngài" (1Jn.5:11).

 

            Như thế, khi nhập thể, bằng cách "tự hủy mình ra như không và mặc lấy thân phận tôi đòi" (Phil.2:7) làm "Con Người" (Mt.16:13), Đức Giêsu Kitô chính "là đường lối" (Jn.14:6) mạc khải của Thiên Chúa, khi chấp nhận tử giá để chứng thực mình "là Đấng Thiên Sai" (Mt.16:16), Đức Giêsu Kitô chính "là sự thật" (Jn.14:6), là "tất cả sự thật" (Jn.16:13) Thiên Chúa muốn mạc khải cho tạo vật, và khi phục sinh từ trong cõi chết để tỏ mình là "Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt.16:16), Đức Giêsu Kitô chính là "sự sống" (Jn.14:6) Thiên Chúa muốn thông ban cho tạo vật của Ngài để "ai có Con là có sự sống" (1Jn.5:12).

 

            Như thế, toàn thể mầu nhiệm Thiên Chúa mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô có thể được tóm gọn thế này: "Thiên Chúa yêu thế gian đến ban Con Một mình để ai tin Con thì không phải chết song có sự sống đời đời" (Jn.3:16). Nếu mạc khải là việc của một Thiên Chúa Công Minh thì chấp nhận trọn vẹn mạc khải của Thiên Chúa là việc của Con Người Công Chính. Nói cách khác, Con Người Công Chính là con người sống trước nhan Thiên Chúa như Ngài tỏ mình ra cho họ, nghĩa là một con người "được sinh lại bởi nước và Thần Linh" (Jn.3:5) để biết Thiên Chúa như Ngài biết Ngài, hay cũng là một con người sống sự sống của chính Thiên Chúa.

 

            Tuy nhiên, theo lý thuyết, nếu "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô" (Jn.17:3), thì trong thực hành, sự sống đời đời này lại chính là tình yêu thương, được thể hiện qua đức bác ái đối với tha nhân, như những đoạn thư thứ nhất của thánh Gioan, tông đồ tình yêu, khẳng định sau đây:

    "Nếu chúng ta nói 'Chúng ta thông hiệp với Ngài' mà lại tiếp tục bước đi trong tăm tối thì chúng ta là những kẻ nói dối, không tác hành trong sự thực. Nhưng nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng như Ngài ở trong ánh sáng thì chúng ta có sự thông hiệp với nhau..." (2:6-7).

    "Người nào cho mình ở trong ánh sáng mà lại cứ ghét anh em mình thì vẫn còn ở trong tăm tối. Người nào tiếp tục ở trong ánh sáng là người yêu thương anh em mình... Song người nào ghét anh em mình thì ở trong tối tăm" (2:9,10,11).

    "Chúng ta biết rằng chúng ta đã vượt qua sự chết mà vào sự sống bởi vì chúng ta yêu thương anh em mình. Người nào không yêu thương thì ở trong sự chết. Ai ghét anh em mình là kẻ sát nhân, và anh em biết rằng sự sống đời đời không ở trong kẻ sát nhân" (3:14-15)

    "Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà có, người nào yêu thương thì được tái sinh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Con người không yêu thương thì không biết gì về Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu" (4:7-8)

    "Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như vậy (qua việc Ngài sai Con mình đến để làm lễ đền tội lỗi cho chúng ta) thì chúng ta cũng phải có cùng một tình yêu nhau như thế. Không ai đã từng được thấy Thiên Chúa. Song nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa cự ngụ trong chúng ta và tình yêu của Ngài nơi chúng ta trở nên hoàn hảo" (4:11-12)

            "Nếu ai nói rằng 'Tôi yêu mến Thiên Chúa' mà lại ghét anh em mình thì là kẻ nói dối. Ai không yêu thương anh em mình thấy được thì cũng không thể nào yêu mến Thiên Chúa họ không thấy. Mệnh lệnh chúng ta đã lãnh nhận từ Ngài là ở chỗ: ai yêu mến Thiên Chúa cũng phải yêu thương anh em mình" (4:20-21).

 

Như thế, căn cứ vào những câu Thánh Kinh của vị tông đồ tình yêu vừa được trích dẫn trên đây, thì đức bác ái yêu thương nhau không phải chỉ là dấu hiệu chứng thực sự sống đời đời nơi Con Người Công Chính, mà còn là hoa trái và là mức độ của sự sống đời đời viên mãn trọn hảo này nơi họ nữa' thậm chí đức bác ái yêu thương này còn là chính tác động sự sống đời đời của họ, một tác động nhận biết Thiên Chúa nơi họ, một tác động của "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn.4:8,16) liên tục tỏ mình ra cho họ, trong họ, qua họ và nhờ họ.

 

Là Con Người Công Chính, trước hết, họ trả về cho Thiên Chúa tất cả những gì là của Ngài ban cho họ và từ Ngài mà đến với họ. Sống công chính như thế chẳng những họ giữ trọn giới lệnh của Đức Giêsu Kitô là "Thày yêu các con thế nào các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy" (Jn.13:34), mà họ còn nên giống như Đấng đã tuyên bố: "Cha Thày yêu Thày thế nào Thày cũng yêu các con như vậy" (Jn.15:9).

 

Như Chúa Giêsu Kitô là tất cả mạc khải của Thiên Chúa, là "tất cả sự thật" (Jn.16:13) nơi Thiên Chúa, Con Người Công Chính, luôn luôn sống trước nhan Thiên Chúa như Ngài tỏ mình ra cho họ, sẽ chẳng khác gì như "ánh sáng thế gian" (Mt.5:14), như "một thành nằm trên một ngọn đồi không thể che khuất được nữa" (Mt.5:14), "chiếu toả trước mặt con người để họ thấy sự tốt lành nơi các tác hành của (họ) mà ngợi khen chúc tụng Cha (họ) trên trời" (Mt.5:16).

 

"Như một cây mọc bên những giòng nước, đâm rễ của mình đến suối nước" (Jer.17:8), Con Người Công Chính quả là thành phần được "Đức Kitô ngự trong tâm hồn nhờ đức tin, và được đức ái đâm rễ sâu trong đời sống. Nhờ đó, (họ) có thể, cùng với tất cả các thánh, hoàn toàn thấu triệt được tình yêu rộng dài cao sâu của Đức Kitô và cảm nghiệm được tình yêu này vượt trên tất cả mọi hiểu biết, để (họ) đạt đến tầm mức viên trọn của chính Thiên Chúa" (Eph.3:17-19).

 

Đó là lý do để xem ai thực sự là Con Người Công Chính, một con người chiếu tỏa thánh nhan yêu thương của Thiên Chúa, xứng đáng đời đời hưởng kiến Thiên Chúa, trong cuộc chung thẩm, Đức Vua Giêsu Kitô đã căn cứ vào tiêu chuẩn duy nhất là đức bác ái yêu thương trong việc Người phân loại chiên ra khỏi dê, thành phần được chọn ra khỏi thành phần bị loại (x.Mt.25:31-46).

 

Tuy nhiên, để sống đức bác ái yêu thương là tác động của sự sống đời đời, con người tạo vật ở trên thế gian này cần phải có một đức tin, tác động của việc họ nhận biết Thiên Chúa như Ngài tỏ mình ra cho họ, qua Thánh Kinh (Holy Scripture), Thánh Truyền (Holy Tradition), Thánh Huấn (Magisterium) và thánh giá trong cuộc sống hằng ngày.

 

Không phải hay sao, trong dụ ngôn chung thẩm, cả hai thành phần chiên lẫn dê đều thưa với Đấng có quyền phán xét mình là "chúng tôi đâu có thấy Ngài (thế này thế kia đáng thương và cần cứu giúp đâu)" (Mt.25:37-39,44). Thế nhưng, trong khi thành phần dê vì "không thấy" nên không thi hành đức bác ái yêu nhau, thì cho dù "không thấy" thành phần chiên vẫn cứ theo đức tin mà làm.  

Do đó, Con Người Công Chính còn là con người sống trên đời bằng đức tin, chủ đề sẽ được tìm hiểu trong phần hai của cuốn "Giòng Sông Chảy Nước Ban Sự Sống" này.