8.

 

Tầm Vóc Mạc Khải: Nước Trời 

 

 

"Tất cả sự thật" (Jn.16:13) mà Thiên Chúa, Chủ Thể

Mạc Khải (chương một), muốn tỏ cho "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15) nói chung và con người nói riêng, Đối Tượng Mạc Khải (chương hai), nhờ Thánh Linh, Tác Nhân Mạc Khải (chương ba), chính là Thực Tại Mạc Khải (chương bốn), một Thực Tại được thể hiện bằng việc Lời Nhập Thể, như là Đường Lối Mạc Khải (chương năm) của Thiên Chúa, để từ Tiến Trình Mạc Khải (chương sáu) trong việc thiết lập Cựu Ước với dân Do Thái cũng như Tân Ước với Giáo Hội Chúa Kitô, Thiên Chúa sẽ dẫn con người vào đến tận Trọng Tâm Mạc Khải (chương bảy) là chính Sự Sống Ngài muốn ban cho tạo vật của Ngài, nhờ đó, Ngài có thể vĩnh viễn thiết lập Triều Đại của Ngài trong Nước Trời, một Tầm Vóc Mạc Khải (chương tám) trọn vẹn theo như dự án và công cuộc cứu chuộc của Ngài, một dự án và công cuộc hoàn toàn phát xuất từ Ân Sủng của Thiên Chúa là yếu tố làm nên Bản Chất Mạc Khải (chương chín).

Nói đến "triều đại" là nói đến vị vua trong một nước, nói đến "nước" là nói đến công dân có cùng một tổ tiên và văn hóa, và nói đến mối liên hệ giữa vua với dân cũng như giữa dân với dân trong cùng một nước là nói đến quyền bính (theo hàng dọc giữa vua với dân) cũng như luật lệ (theo hàng ngang giữa dân với dân). Vậy hệ thống tổ chức của xã hội loài người này đã được Thiên Chúa lợi dụng để hình thành Nước Trời của Ngài ra sao?

 

Trước hết, vị vua của Nước Trời đây là ai, nếu không phải là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã được tổng thần Gabiên truyền tin cho Trinh Nữ Maria biết rằng: "Người sẽ cai trị trên nhà Giacóp đến muôn đời và triều đại Người sẽ vô cùng bất tận" (Lk.1:32-33). Sau nữa, công dân của Nước Trời đây là ai, nếu không phải là thành phần được thừa tự trong Đức Giêsu Kitô, bao gồm cả Dân Do Thái cùng với Các Dân Ngoại (x.Eph.3:6). Và sau hết, quyền bính  cũng như luật lệ nơi Nước Trời đây là gì, nếu không phải là tình yêu thương, theo hàng ngang giữa dân với dân: "Thày yêu các con thế nào, các con cũng yêu nhau như vậy" (Jn.13:34), và hàng dọc giữa vua với dân "như Thày đã yêu thương các con" (Jn.15:12) đến hiến mạng vì dân, thành phần được vua coi như bạn hữu của mình (Jn.15:13).

 

Sau đây là phần trình bày về Tầm Vóc Mạc Khải tức là về Nước Trời, về Vị Vua của Nước Trời, về Công Dân của Nước Trời, và về Liên Hệ trong Nước Trời Cũng giống như các phần khác trong cuốn sách này, thể thức trình bày mỗi vấn đề sẽ theo thứ tự như sau:

1- Xác Tín vấn đề (giáo lý).

2- Mạc Khải vấn đề (Lời Chúa).

3- Nhận Thức vấn đề (diễn giải). 

 

XV- Vị Vua của Nước Trời

 

 

Xác Tín 19 

           

            Vị Vua của Nước Trời là Đức Giêsu Kitô, Lời nhập thể, Thiên Chúa ở giữa chúng sinh.

 

 

Mạc Khải

 

"Thày đã chiến thắng thế gian"  (Jn.16:33)

"Nước của Tôi không thuộc về thế gian này... Chính ông là người nói Tôi là vua" (Jn.14:6)

 

 

Nhận Thức

 

Đức Giêsu Kitô là Vua tự bẩm sinh cũng như bằng chiến thắng của Người.

 

Tự bẩm sinh, Đức Giêsu Kitô là Vua, vì Người "là trưởng tử của tất cả mọi tạo vật" (Col.3:15), cũng như vì "Người là Con Người" (Jn.5:27), Đấng "Cha đã ban cho Người quyền năng phán xét" (Jn.5:27) và Người đã thực thi quyền năng này của mình khi Người ra tay đánh đuổi nhóm "biến nhà Cha (Người) thành nơi phố chợ" (Jn.2:16), "thành hang trộm cướp" (Mt.21:13), và Người cũng là Đấng tiến vào thành Gia-Liêm trong vang dậy tiếng: "Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên nơi cao thẳm" (Mt.21:9).

 

Bằng chiến thắng, Đức Giêsu Kitô là Vua, vì Người còn "là hoa trái đầu mùa của kẻ chết để Người thống trị trong hết mọi sự" (Col.3:18), Người chính là Đấng tuyên bố: "Thày đã chiến thắng thế gian" (Jn.16:33), Đấng "được Thiên Chúa vinh thăng cùng ban cho Người một danh hiệu trên hết mọi danh hiệu. Để khi nghe danh Giêsu, trên các tầng trời, dưới đất cũng như trong lòng đất, mọi đầu gối phải qùi xuống, và mọi miệng lưỡi phải công bố cho vinh quang của Thiên Chúa rằng 'ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA'" (Phil.2:9).

 

Vì Đức Giêsu Kitô là Vua tự bẩm sinh cũng như bằng chiến thắng của Người như thế, do đó, Người chẳng khác gì như "một người quí tộc đi đến một xứ sở ở phương xa để trở thành vua của xứ sở này rồi trở về" (Lk.19:12), và cũng vì thế mà cuộc sống trần gian của Người đúng là một cuộc ra đi để được Cha của Người phong vương cũng như để được thần dân của Người tôn vương.

 

Cha của Người phong vương cho Người ở chỗ, như Người nguyện cùng Cha Người vào cuối bữa tiệc ly: "Xin Cha hãy tôn vinh Con của Cha để Con của Cha cũng được tôn vinh Cha" (Jn.17:1). Và nhờ được Cha phong vương, Người cũng đã được thần dân của Người tôn vương qua lời của một tử tội nhân như sau: "Ngài Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi khi Ngài hiển trị" (Lk.23:42).

 

Chính vì để được Thiên Chúa phong vương cũng như để được thần dân của Người nhận biết Người, nhờ đó, họ có thể tôn vương Người, thì ngay sau khi ông quan tổng trấn của đế quốc Rôma đô hộ phần đất của dân Do Thái bấy giờ thắc mắc về thân phận làm vua của Người, Người đã tuyên bố với nhà cầm quyền thuộc thành phần dân ngoại có tên Philatô này rằng: "Lý do Tôi đến thế gian, lý do Tôi được sinh ra là để minh chứng cho chân lý. Ai dấn thân cho chân lý thì nghe tiếng Tôi" (Jn.18:37).

 

Thực tế đã cho thấy, trong tiến trình "trở thành vua của xứ sở (trần gian) này", cho dù Đức Giêsu Kitô có chứng thực vương phận, vương thế và vương quyền của mình thế nào đi nữa, cũng vẫn có "những công dân của Người coi thường Người" (Lk.19:14), nhất định không chịu thần phục Người: "Chúng tôi sẽ không muốn thấy người này cai trị chúng tôi" (Lk.19:14). "Tuy nhiên, Người đã trở lại, được tôn vương làm vua" (Lk.19:15), đúng như dụ ngôn chung thẩm của Người, "khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thần trời hầu cận, Người sẽ ngự trên vương tòa của Người, và tất cả mọi dân nước sẽ tụ họp trước nhan Người. Bấy giờ Người sẽ phân họ ra làm hai nhóm, như vị mục tử phân chiên ra khỏi dê" (Mt.25:31-32).

 

Như thế, qua hình ảnh của toàn cảnh được dụ ngôn chung thẩm diễn tả trên đây, vì Đức Giêsu Kitô là Vua với tư cách "là trưởng tử của tất cả mọi tạo vật" (Col.3:15), mà Nước Trời chẳng những có "tất cả mọi dân nước" trên thế gian loài người, mà còn "có tất cả các thần trời", nghĩa là bao gồm "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15). Hơn thế nữa, vì Đức Giêsu Kitô là Vua, là Đấng "đã chết và sống lại để làm Chúa của cả kẻ chết lẫn người sống" (Rm.14:9), mà Nước Trời, theo nghĩa là vương quốc "Người thống trị trong hết mọi sự" (Col.1:18), chẳng những có thành phần chiên còn có cả thành phần dê.

 

Đó là lý do "khi nghe danh Giêsu, trên các tầng trời, dưới đất cũng như trong lòng đất, mọi đầu gối phải qùi xuống, và mọi miệng lưỡi phải công bố cho vinh quang của Thiên Chúa rằng 'ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA'" (Phil.2:9). Đó cũng là lý do "sau hết tất cả phải lụy phục Con, rồi Con lụy thuộc chính mình cho Đấng đã làm cho mọi sự lụy thuộc Người, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự" (1Cor.15:28).

 

Như thế, Nước Trời đây chính bản thân Đức Giêsu Kitô, Đấng là "tất cả sự thật" (Jn.16:13), tức là trọn vẹn mạc khải mà Thiên Chúa muốn tỏ cho "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15). Trong Thông Điệp "Redemptoris Missio", Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã chân nhận: "Việc công bố và thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa là mục đích sứ vụ của Người: 'Tôi được sai đi để làm việc này' (Lk.4:43). Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả. Chúa Giêsu còn chính là 'Tin Mừng'... Vì 'Tin Mừng' là Chúa Kitô nên có một sự đồng nhất giữa sứ điệp và sứ giả, giữa nói, làm và là. Quyền năng của Người, bí quyết làm cho hiệu năng những tác hành của Người, hoàn toàn đồng nhất với sứ điệp Người loan báo: Người công bố 'Tin Mừng' không chỉ ở điều Người nói hay làm mà còn ở điều Người là nữa" (đoạn 13). "Vương Quốc đã hiện diện nơi bản thân Chúa Giêsu và từ từ được thiết lập nơi loài người cũng như thế giới, nhờ mối liên hệ huyền diệu với Người" (đoạn 16).

 

XVI- Công Dân của Nước Trời

 

 

Xác Tín 20 

           

            Công Dân của Nước Trời là thành phần thừa tự trong Đức Giêsu Kitô, bao gồm cả Dân Do Thái cũng như Các Dân Ngoại.

 

 

Mạc Khải

 

"Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc! Các con hãy đến mà thừa hưởng vương quốc đã được dành sẵn cho các con từ khi tạo thành vũ trụ" (Mt.25:34).

 

 

Nhận Thức

 

Dù xác tín 19, trang 182, có nhận định Đức Giêsu Kitô "là Chúa của cả kẻ chết lẫn người sống", do đó, Nước Trời bao gồm cả thành phần chiên được rỗi lẫn dê bị hư đi, thì cũng không phải vì vậy mà cho rằng như thế mọi người, dù lành hay dữ, cuối cùng cũng đều được vào Nước Trời, một thực tại muốn vào "phải được sinh lại từ trên cao" (Jn.3:3,7), cũng như phải "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" (Mt.18:3).

 

Thật vậy, Nước Trời mà "phải được sinh lại bởi nước và Thần Linh" (Jn.3:5) đây, cũng như "thuộc về những ai giống như những con trẻ này" (Mt.19:14), với Nước Trời bao gồm cả thành phần chiên cũng như dê kia, chỉ là một, nếu xét về phương diện tối thượng quyền "thống trị trong hết mọi sự" (Col.3:18) của Đức Giêsu Kitô, song Nước Trời duy nhất này lại có cấp trật khác nhau, nếu xét về phương diện ân sủng.

 

Bởi thế, nếu xét về phương diện ân sủng thì thành phần dê sẽ không được thừa hưởng Nước Trời là Thiên Đàng, "vương quốc dành sẵn cho các con (chiên) từ khi tạo thiên lập địa" (Mt.25:34), một thực tại hoàn toàn khác với "hồ lửa" (Rev.20:10,14'21:8), "lửa đời đời" (Mt.25:41), lửa dành cho thành phần dê, đến nỗi giữa Thiên Đàng và ảồ lửa" này có "một vực thẳm vĩ đại vĩnh viễn làm cho ai muốn từ đây qua đó không thể được hay muốn từ đó qua đây cũng không nổi" (Lk.16:26).

 

Như thế, nếu Nước Trời, qua nhận thức ở trang 182, được đồng nhất với bản thân Đức Giêsu Kitô, thì ở đây, Nước Trời được làm nên bởi thành phần công dân của mình: "Người (Con Chiên) đáng lãnh nhận cuộn sách và mở toang ra những ấn tín, vì Người đã bị sát hại. Bằng máu của mình, Người đã mua chuộc lại cho Thiên Chúa con người của mọi chủng tộc và mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc và mọi quốc gia. Người làm họ nên một vương quốc cũng như làm họ thành những tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng tôi, và họ sẽ cai trị trên trái đất" (Rev.5:9-10).

Chính vì Nước Trời là vương quốc của Thiên Chúa bao gồm

cả bản thân Đức Giêsu Kitô và được làm nên bởi các công dân của Người như thế mà Nước Trời chính là nơi Thiên Chúa ngự trị, đúng như thị kiến trong đoạn 21 của Sách Khải Huyền: "Bấy giờ tôi thấy các tầng trời mới và đất mới. Các tầng trời trước kia cùng với đất trước kia đã qua đi, cả biển cũng chẳng còn. Tôi cũng thấy một tân Gia-Liêm, thành thánh, từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, diễm lệ như một cô dâu sửa soạn để nghênh đón phu quân của mình. Tôi đã nghe thấy một tiếng lớn từ ngai toà vang ra: 'Đây là nơi Thiên Chúa cư ngụ giữa loài người. Ngài sẽ ở với họ, họ sẽ là dân của Ngài và Ngài sẽ là Thiên Chúa của họ, Đấng luôn ở với họ" (21:1-4).

 

Thành phần công dân làm nên Nước Trời là nơi Thiên Chúa ngự này, do đó, không phải là thành phần bị đuổi đi khỏi nhan Ngài, như dụ ngôn chung thẩm đã nhắc đến (x.Mt.25:41), trái lại, họ phải là thành phần gần Ngài nhất, thành phần được hưởng kiến Thiên Chúa, tức là thành phần được thông phần với bản tính và sự sống thần linh của Ngài, thành phần được Thánh Phaolô nhắc đến trong thư gửi giáo đoàn Rôma của ngài như sau:

 

"Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm tất cả mọi sự hòa hợp với nhau cho lợi ích của những ai được kêu gọi theo chỉ thị của Ngài. Những ai Ngài biết trước thì Ngài cũng tiền định cho được chia sẻ với hình ảnh Con Một Ngài, để Con trở nên trưởng tử của một đàn em đông đúc. Những ai Ngài đã tiền định thì Ngài cũng kêu gọi, những ai Ngài kêu gọi thì Ngài cũng công chính hoá, những ai Ngài công chính hoá thì Ngài cũng ban cho họ được vinh quang" (8:28-30).

 

Chính vì thành phần công dân được tiền định làm nên Nước Trời là nơi Thiên Chúa ngự trị như vậy mà "tên của họ đã được ghi trong sổ của kẻ sống do Con Chiên nắm giữ" (Rev.21:27). Tuy nhiên, chính vì thành phần công dân Nước trời được tiền định này "có tên được ghi trong sổ của kẻ sống do Con Chiên nắm giữ" như thế mà trên thực tế, khi còn ở đời này, họ cũng là thành phần "đi theo Con Chiên khắp mọi nơi Con Chiên đi" (Rev.14:4). Tức là "họ đã trở nên giá chuộc để, như những hoa trái đầu mùa của nhân loại, dâng lên cho Thiên Chúa cũng như cho Con Chiên" (Rev.14:4).

 

Thành phần công dân Nước Trời "đi theo Con Chiên khắp mọi nơi Con Chiên đi" đây cũng chính là thành phần đã được Chúa Giêsu thưa với Cha của Người vào cuối bữa tiệc ly "những người Cha đã ban cho Con giữa thế gian" (Jn.17:6), để "Con tỏ danh Cha cho họ" (Jn.17:6) và "họ đã nhận thức rằng tất cả mọi sự Cha ban cho Con từ Cha mà đến... (và) họ nhận biết rằng Con từ Cha mà đến, họ tin rằng chính Cha là Đấng đã sai Con" (Jn.17:7-8).  

Đó là thành phần thay Người lãnh đạo Giáo Hội của Người trên thế gian, thành phần mà Người "đã hiến mạng sống mình để họ được thánh hiến trong chân lý" (Jn.17:19), nhờ thế, họ có thể theo Người (x.Jn.21:19) và làm chứng về Người (x.Jn.15:27), như một "mục tử tốt lành hiến mạng sống mình cho chiên" (Jn.10:11), thành phần chiên được Chúa Giêsu xin cùng Cha Người: "Con cũng cầu cho những ai nhờ lời họ mà tin Con nữa, để tất cả được nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Jn.17:20-21), "cho thế gian nhận biết Cha đã sai Con và Cha yêu họ cũng như yêu Con" (Jn.17:23).

 

XVII- Liên Hệ trong Nước Trời

 

 

Xác Tín 21 

           

            Liên Hệ trong Nước Trời giữa Vua Giêsu Kitô với dân của Người, cũng như giữa dân của Người với nhau, đó là tình yêu thương. 

 

Mạc Khải

 

"Thày yêu thương các con thế nào, các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy. Đây là cách mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày đó là các con yêu thương nhau" (Jn.13:34-35).

 

"Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con. Không có tình yêu nào cao cả hơn điều này là hiến mạng sống mình cho bạn hữu của mình" (Jn.15:12-13).

 

Nhận Thức

 

Phải, vì Nước Trời được cai trị bởi một Vị Vua "đã yêu những kẻ thuộc về mình trên thế gian này và muốn tỏ lòng yêu thương họ đến cùng" (Jn.13:1), một Vị Vua đã tuyên bố: "Cha Thày yêu Thày thế nào Thày cũng yêu các con như vậy. Các con hãy sống trong tình yêu của Thày" (Jn.15:9), mà mối Liên Hệ trong Nước Trời mới là mối tình yêu thương giữa quân vương và thần dân.

 

Và cũng chỉ vì Nước Trời bao gồm thành phần công dân "được tái sinh từ trên cao" (Jn.3:3), tức được "tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng nhờ Thánh Thần" (Rm.5:5), để họ có thể "kêu lên: 'Abba', (nghiã là 'Lạy Cha)" (Rm.8:15), Đấng mà họ phải nên trọn lành như Ngài trong việc đối xử xót thương nhau như anh em cùng một Cha (x.Mt.5:48' Lk.6:35-36), mà mối liên hệ trong Nước Trời mới là mối tình yêu thương giữa thành phần thần dân với nhau.

 

Có thể nói, nếu không có tình yêu thương thì không phải là Nước Trời, hay nói ngược lại, Nước Trời sẽ không phải là Nước Trời thật sự hay không còn là đích thực Nước Trời nếu thiếu tình yêu thương. Do đó, tình yêu thương chẳng những là dấu hiệu cho Nước Trời, mà còn là chính bản chất của Nước Trời nữa.

 

Và cũng bởi vì thế ai không có tình yêu thương thì không thể vào đó, không đáng vào đó, không được vào đó, như thành phần dê trong cuộc chung thẩm (x.Mt.25:41-46). Có được kêu gọi vào đó rồi cũng bị loại mà không được chọn, như "người không phục sức cho xứng với buổi tiệc cưới" (Mt.22:11), tiêu biểu cho thành phần được lãnh nhận phép rửa song không sống phép rửa.

 

Chính vì Nước Trời là một vương quốc yêu thương như thế Nước Trời mới là một vương quốc bao gồm thành phần công dân thuộc "đủ mọi chủng tộc và ngôn ngữ, đủ mọi dân tộc và xứ sở" (Rev.5:9) ở trên thế gian này.

 

            Cũng chính vì Nước Trời là một vương quốc yêu thương như thế yêu thương mới là sự sống cũng như sinh lực của Nước Trời, và mới làm cho Nước Trời, giống như một hạt cải được "người kia" là Lời nhập thể "lấy đem đi (từ Cha) gieo vãi" trong "thửa ruộng" thế gian, một mầm mống cần phải "bị mục nát đi", song nhờ thế sự sống yêu thương mạnh hơn sự chết và vô cùng viên mãn này đã "vươn lên thành một cây" Nước Trời, "một cây vĩ đại nhất trong các cây", trong các đạo giáo trên thế giới, để linh hồn người ta, như "những con chim trời", có thể tìm đến "làm tổ" cứu rỗi "nơi các cành" của Nước Trời, tức là nơi các cành Giáo Hội chuyên biệt ở địa phương (x.Mt.13:31-32' Jn.12:24).

 

Yêu thương thực sự là bản chất của Nước Trời nên Nước Trời mới "giống như một ông vua" là Chúa Cha "làm tiệc cưới cho con trai của mình" là Lời nhập thể, một tiệc cưới để long trọng cử hành mầu nhiệm ngôi hiệp, mầu nhiệm thần tính nên một với nhân tính nơi Đức Giêsu Kitô. một mầu nhiệm cũng liên kết loài người lại với nhau trong bữa tiệc cưới mà tất cả mọi người đều được mời đến tham dự, không phân biệt giai cấp, không phân biệt trước sau, kể cả những thành phần hèn kém nhất trong xã hội loài người, (x.Mt.22:2-10, thành phần mà Người gọi là "những anh em hèn mọn nhất của Ta" (Mt.25:40,45).

Yêu thương chính là bản chất của Nước Trời như thế nên Giáo Hội Chúa Kitô mới được vì như một nhiệm thể. Nơi nhiệm thể này, Chúa Kitô là đầu (x.Col.3:18' Eph.5:23) và các chi thể của Người là thành phần "được rửa trong sự chết của Người" (Rm.6:3), tức thành phần được Người là phu quân yêu thương đến hiến mạng sống của Người cho họ, để họ được trở nên cho Người một hiền thê thánh hảo và vô tì tích (x.Eph.5:25,26).

 

Nước Trời không phải là một vương quốc yêu thương sao được, khi Nước Trời này đã được thiết lập bởi "một vị mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên" (Jn.10:11), một vị mục tử mà những ai thay mặt Người cai trị dân Người cũng phải "làm theo như (Người) đã làm" (Jn.13:15), tức cũng phải làm đầu là làm tôi tớ mọi người và phục vụ cho mọi người (x.Mt.20:26,27), một việc phục vụ được phát xuất từ một tình yêu đối với Đấng đã chọn mình để tiếp tục việc chăn dắt đàn chiên của Người (x.Jn.21:15-19). 

Nước Trời là một vương quốc yêu thương và phải được xây dựng bằng yêu thương. Do đó, thành phần công dân của Nước Trời đòi phải có và cần phải tỏ ra một tấm lòng bác ái vị tha đối với tất cả mọi người, nhất là với những người mình không thích, với những người không thích mình, với những người làm khốn cho mình, theo gương vị quân vương của mình, Đấng đã tha thứ cho kẻ sát hại Người, một tấm lòng bác ái vị tha, một tấm lòng bác ái trọn lành, không phải chỉ chào hỏi những người quen biết với mình, hay chỉ yêu những người yêu mình thôi, mà còn yêu cả kẻ thù mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình, làm ơn cho những ai ghen ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình v.v. (x.Lk.6:27-28' Mt.6:44,46).