TUYỆT ĐỈNH NHÂN QUYỀN


“Thật vậy, là người, theo tự nhiên, ai cũng muốn sống, và đã sống thì phải sống một sự sống trọn vẹn, một sự sống dồi dào. Đó là một thực tại, một thực tại hết sức hiển nhiên.

“Không phải hay sao, cũng là một loài sinh vật như loài người, tức là, về hữu thể, cũng có vóc dáng (tuy khác hình thù) và khả năng sinh động (tuy khác cấp độ) như con người, song loài vật chỉ sống và vĩnh viễn sống ở mức độ bản năng, trước sau như một, chứ không tiến hóa như loài người. Đúng thế, văn minh của con người chính là dấu chứng tỏ tường nhất và là biểu hiệu hùng hồn nhất cho thấy sự sống của con người là loài ‘linh ư vạn vật’ đã, đang và sẽ càng ngày càng trọn vẹn hơn, càng dồi dào hơn. Ở chỗ người ta không chỉ sống để ăn mà ăn để sống, và không phải chỉ sống cho mình mà còn sống với nhau cũng như cho nhau trong mối liên đới gia đình và xã hội nữa. Và điều chứng tỏ con người đã và đang thực sự đạt đến tầm vóc trưởng thành và trọn vẹn nhất của mình là ở chỗ, họ chẳng những đã ý thức được quyền làm người bất khả vi phạm của họ, mà còn tranh đấu để đòi hỏi quyền làm người theo bản tính của mình, nhất là dấn thân trong việc bảo vệ quyền làm người của nhau bị vi phạm nữa.

“Tuy nhiên, thực tế hết sức phũ phàng cũng cho thấy, chính khi con người đạt tới tầm mức trưởng thành của mình, ở chỗ nhận biết và đòi hưởng quyền làm người xứng đáng với thân phận của mình như thế, họ lại bị khủng hoảng hơn bao giờ hết. Nhìn vào thế giới văn minh hầu như tuyệt đỉnh ngày nay, (so với thời ‘xưa’, 10 năm trước đây, thời mới từ đầu thập niên 1990, nhất là thời 40 năm trước đây, từ thập niên 1960, đặc biệt là thời hơn 50 năm trước đây, từ sau Thế Chiến Thứ Nhất vào cuối thập niên 1940, chứ chưa nói gì đến từ thời Cách Mạng Âu Châu vào thế kỷ 18 và 19), người ta thấy hiện lên một cách hết sức r ràng hình ảnh của một thế giới, trong đó, có một số rất đông (các nước đang tiến) đang hồ hởi tiến lên chóp đỉnh, cũng như một số không ít (các nước tân tiến Âu Châu và Bắc Mỹ) đã lên tới và đang reo hò ở trên một chóp đỉnh...

“Thế nhưng, cũng từ chính chóp đỉnh nhân quyền ấy, người ta đồng thời cũng thấy cơ cấu lập pháp, hành pháp và tư pháp của họ chẳng những reo hò mừng rỡ mà còn la lối nhau, quát tháo nhau, vì những va chạm quyền làm người, khiến cho những con người được ‘may phước’ sống trong xã hội ‘đi giầy tây’ văn minh song lại là một xã hội đang ‘đóng khố’ về luân lý ấy quay ra giành giật nhau, xô lấn nhau, ‘ly dị’ nhau, đến nỗi tình trạng ‘mạnh được yếu thua’ (người khỏe được ‘quyền’ giết người bệnh), ‘cá lớn nuốt cá bé’ (thai mẫu được ‘quyền’ giết thai nhi), ‘cá mè một lứa’ (đồng tính được ‘quyền’ luyến ái và lập gia đình với nhau), của một thứ ‘luật rừng’ còn tệ hơn cả thời con người tiền sử ‘ăn lông ở lỗ’ ngày xưa, đã và đang hết sức phũ phàng và trắng trợn diễn tiến trên tháp đỉnh của lịch sử văn minh loài người ngày nay”.

(Cùng tác giả, Ánh Sáng Thế Gian, Cao-Bùi, 2000, trang 232-233)

Theo Tây lịch, kể từ Năm 2000, lịch sử loài người đã bước sang một thiên niên kỷ mới là ngàn năm thứ ba, một thế kỷ mới là thế kỷ 21. Một số người, căn cứ vào cách đếm từ số 1 và kết thúc ở số có con số 0, cho rằng thiên niên kỷ thứ ba và thế kỷ 21 phải được bắt đầu từ năm 2001. Vẫn biết chúng ta bao giờ cũng đếm từ số 1, song số 1 tự nó lại phải được bắt đầu từ số 0, tức là nếu không có số 0 thì cũng không có số 1, (phải sống qua đủ 365 năm ngày từ khi được sinh ra đời mới mừng sinh nhật 1 tuổi là vậy), do đó, thực tế cho thấy, chục thứ nhất không phải được bắt đầu từ số 10, dù số 10 được bắt đầu với con số 1, mà là từ 0 tới 9, và chục thứ hai từ hàng số (10-19) với mỗi số được bắt đầu với con số 1, cứ thế chục thứ ba bắt đầu từ hàng số với mỗi số được bắt đầu với con số 2 v.v. Bởi thế, từ trước tới nay chúng ta mới thấy những năm thiên kỷ hay thế kỷ có con số 1 đứng đầu lại thuộc về thế kỷ hay thiên niên 2. Chẳng hạn những năm thuộc thiên niên kỷ thứ hai bao gồm tất cả các năm có con số 1 dẫn đầu, tức từ năm1000 tới năm 1999; hay những năm thuộc thế kỷ thứ ba bao gồm tất cả các năm có con số 2 dẫn đầu, tức từ năm 200 tới 299 v.v. Do đó, nếu đếm thì đếm từ số 1 còn tính phải tính từ số 0 thế nào, thì theo cách tính số này Năm 2000 thực sự đã mở màn cho một thiên kỷ mới thứ ba cũng là một thế kỷ mới 21.

Thế nhưng, nhìn lại lịch sử loài người trong một ngàn năm qua, hay trong một thế kỷ qua, loài người chúng ta thấy được những gì, nếu không phải là trong khi con người càng ngày càng tiến bộ về văn minh vật chất, đến nỗi, chính con người văn minh hiện nay cũng không biết rằng mình sẽ đi về đâu và sẽ văn minh tới mức nào là cùng tận, là tuyệt đỉnh, thì xã hội loài người đồng thời cũng cứ có một cái gì đó không được ổn, ở chỗ không ngừng đối chọi nhau, kỳ thị nhau và sát hại lẫn nhau, để tranh giành quyền hành thống trị với những cuộc chiến tương tàn.

Điển hình nhất là Vụ Khủng Bố Hoa Kỳ vào sáng ngày 11/9/2001, một vụ khủng bố công khai chưa từng thấy tại chính thành phố New York của một quốc gia đệ nhất thiên hạ làm cho cả thế giới phải bàng hoàng sửng sốt, một cuộc khủng bố nhắm vào việc phá hủy World Trade Center là Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới vào lúc 8 giờ 45 và 9 giờ 3 phút, cũng như vào Pentagon là Ngũ Giác Đài vào lúc 9 giờ 43 phút cùng ngày, hai trụ sở tiêu biểu cho quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới hiện đại về chính trị và kinh tế.

(Xin đón xem tiếp những bài tới: Văn Minh Khoa Học, Giấc Mộng Bá Chủ, Tâm Thức Triết Học, Chứng Từ Nhân Bản trong loạt bài Ơn Gọi Làm Người của cùng người viết, Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh)