ĐỜI THÊNH THANG SỐNG
 

Tác giả: Cao Tấn Tĩnh
Nhà xuất bản: Do chính tác giả
Giá bán: 5 mỹ kim
Địa chỉ liên lạc: PO Box 656 Midway City, CA. 92655
Điện thoại tác giả: (909) 899-3590

Người đọc: Trần Mỹ Duyệt


“ĐỜI THÊNH THANG SỐNG”, tác phẩm thứ 9 trong số 44 tác phẩm của Cao Tấn Tĩnh. Sách do chính tác giả xuất bản và phát hành năm 1993, và riêng tặng các bạn trẻ nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Denver, Colorado, USA từ 11 đến 15 tháng 8 năm 1993. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, bút hiệu Nhân Tử, nguyên giảng sư Triết Học Trung Hoa tại Đại Học Văn Khoa Saigon, và là nguyên giáo sư trưởng ban Triết Đông thuộc Đại Học Minh Đức Saigon chuyết đề.

Trong số 44 tác phẩm mà tác giả ký tặng, có lẽ đây là một tác phẩm nhỏ nhất, ngắn nhất so với các anh chị của nó. Nhưng về mặt nội dung, Đời Thênh Thang Sống quả thật đã chuyên chở một sứ điệp hết sức quan trọng và thiết yếu đối với những ai đang đi tìm điều mà tác giả cho là “ơn gọi làm người”. Đặc biệt với giới trẻ hiện đang phải hít thở từng ngày bầu khi u uẩn và nhơ bẩn của cái mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “văn hóa của sự chết”.

Trong 7 chương sách, tác giả đã lần lượt đưa độc giả vào khung trời mênh mông, lồng lộng và cao thẳm của thực tại Thần Linh, để rồi sau khi đã hấp thụ tràn đầy sức sống của Thần Linh, thì con người sẽ vỗ cách bay cao vào chân trời viên mãn yêu thương là hạnh phúc.

Theo tác giả, ĐỜI THÊNH THANG SỐNG hay còn gọi là một cuộc sống tự do, bình an và yêu thương. Nhưng thế nào là sống tự do? Sống bình an? Và sống yêu thương? Chính tác giả đã cho chúng ta một định nghĩa về những khía cạnh sống ấy. Theo ông, sống tự do tức là sống ở thế gian mà lại không thuộc về thế gian, và không lệ thuộc vào thế gian. Sống bình an là một cuộc sống biết chấp nhận thử thách, và chấp nhận đau thương. Sau cùng, sống yêu thương chính là sống với tha nhân, cho đi hơn nhận lại, và biết phục vụ nhưng không hưởng thụ. Tất cả toàn bộ tác phẩm được xoay quanh ba điều căn bản mà tác giả cho là những yếu tố chính làm nên căn tính của một đời người. Đây cũng là điều mà tác giả đề cập đến trong phần kết lời tựa của ông:

“Cuộc sống trên đời của chúng ta chỉ có ý nghĩa và giá trị khi chúng ta sống đúng với thân phận làm người của mình, như cây mọc vươn lên trong trời đất, và như chim tung bay giữa bầu trời cao cả” tr.12).

Độc giả có lẽ sẽ tự hỏi: Liệu những điều tác giả trình bày trong tác phẩm có trở thành những mơ mộng, cao siêu khó lòng thực hiện với những độc giả mà ông đã đề tặng tác phẩm là “giới trẻ” hay không? Và liệu trong thế giới hôm nay những nhận định của ông có bị phê phán và cho rằng bảo thủ, cứng rắn, và lý tưởng quá hay không?. Sau khi đọc toàn bộ tác phẩm, tôi rất đồng ý với tác giả và cho rằng chính vì những băng hoại của ảnh hưởng văn hóa sự chết, mà giới trẻ cần tìm đọc tác phẩm này. Đó cũng là tác phẩm cho những bậc phụ huynh đang băn khoăn về những ý niệm luân lý, đạo đức của con em mình. Tác phẩm đã trả lời và đóng góp được những gợi ý suy tư rất chính đáng cho một thái độ sống, đó là sống đúng phẩm giá con người.

Bằng với cái nhìn tâm lý ứng dụng và tâm lý giáo dục, tác phẩm cũng đã đóng góp nhiều vào những đề tài suy nghĩ và hướng dẫn để không những giới trẻ tự hướng dẫn mình, mà cả phụ huynh cũng có những đề tài để trao đổi và hướng dẫn con em mình. Tác giả viết:

“Việc giáo dục và việc chế ngự phần hạ, tuy cần thiết không thể thiếu trong việc trưởng thành của con người, nhưng, nguyên tố chính làm cho con người trưởng thành lại là do sự khôn ngoan của phần thượng, ở chỗ ý thức và ý chí sống thân phận làm người đích thực của mình.” (tr.7).

Và đó là những tư tưởng hữu ích, tích cực và trưởng thành. Nó không những làm thăng hoa cuộc sống, mà còn làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa hơn.

Theo tôi, điều làm cho tác phẩm sống động không phải chỉ là những lý luận mang mầu sắc triết học, mà là những kinh nghiệm sống đã được tác giả chuyển vào những suy tư của mình. Bản thân tác giả là người đã từng có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lãnh vực xã hội, đặc biệt, đối với những thành phần bị cho là thừa thãi, yếu đuối và kém may mắn của xã hội, đó là những người mang tật bệnh thể lý và tâm lý bẩm sinh. Họ mang trong mình sự thiếu may mắn trong lãnh vực chậm phát triển, tâm lý bất bình thường, và sự tàng tật của thân xác. Khởi đi từ những thiếu thốn và bất hạnh ấy, ông không khỏi đau lòng khi nhìn thấy phần lớn những người có thân thể lành lặn, đầu óc thông suốt lại vô tình hay hữu ý quên đi cái gia tài quí báu của đời mình để chìm lắng vào những đam mê, nhục dục, và ngập chìm trong bùn lầy của tội lỗi, xấu xa.

Bản thân tôi rất may mắn được tác giả tặng riêng từng tác phẩm của ông, và hôm nay đây, trong một cơ duyên tình cờ, tôi lại được hân hạnh nhận định một trong những tác phẩm đắc ý của ông, không ngoài mục đích giới thiệu với quí độc giả, và ước mong rằng sẽ có nhiều người tìm đọc tác phẩm giá trị này.


Trần Mỹ Duyệt
Tiến sĩ Tâm Lý