Mùa Xuân Muôn Thuở


 

Chúc Mừng Năm Mới

Nếu thời tiết trong một năm có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông
thì một ngày sống hay một đời người cũng có 4 mùa như vậy.

Ngày Sống 4 Mùa là Sáng Xuân, Trưa Hạ, Chiều Thu và Đêm Đông.
Đời Người 4 Mùa với Tuổi Xuân:
0-20; Tuổi Hạ: 21-40; Tuổi Thu: 41-60; Tuổi Đông: 61-100.

Chỉ có một loại người không già, muôn thuở trẻ trung,
trường sinh bất tử, trọn lành hoàn thiện,
đó là con người sống trong Sự Thật,
sống theo Sự Thật, và đạt được Sự Thật.
Vì Sự Thật là một Thực Tại Toàn Hảo, một Thực Tại Bất Biến,
một Thực Tại không bao giờ đổi thay,
một Thực Tại không bao giờ cùng,
một Chân Trời Lịch Sử, một Trời Mới Đất Mới!

Kính chúc
Quí Thân Hữu của Gia-Đình Cao-Bùi
Tân Niên Giáp Thân 2004
được tràn đầy
Thần Chân Lý
cho
Hồn An,
Xác Mạnh,
Đời Vui,
Sống Thánh.
 

Trên đây là lời tôi chúc xuân Giáp Thân 2004 cho thân bằng quyến thuộc của gia đình tôi. Theo tôi, đó là tất cả những gì chẳng những chính tôi khao khát mà mọi người cũng đều hết sức ước mong.

Vào dịp Giáng Sinh cũng thế, tôi thích gửi đến cho mỗi người thân yêu và thân tình của tôi một chút suy tư về cuộc đời tương tự như vậy, hợp với ý nghĩa của từng dịp, để cùng nhau hướng về những gì là vĩnh tại. Vì cuộc đời mau qua tạm gửi này sẽ chẳng có ý nghĩa và giá trị gì nếu con người không hướng về, tìm kiếm và đạt tới cùng đích của mình.

Đó là lý do con người sống trên đời, dù cho mình là vô thần, vẫn không ngớt băn khoăn khắc khoải về số phận đời đời của mình. Việc họ tìm hết cách để tìm kiếm và chiếm đoạt hạnh phúc cho mình trên trần gian này, dù là những khoái lạc tạm bợ, thoáng qua như mây như khói, là dấu chứng thực sự kiện bất khả phủ nhận này.
Thậm chí kể cả những hành động tội lỗi của họ cũng cho thấy họ thực sự muốn tìm kiếm và chiếm đoạt hạnh phúc như lòng họ mong muốn. Giống như một người đói quá, đói đến mờ mắt, đói như Năm Ất Dậu 1945 ở Việt Nam, vớ được gì ăn nấy, ai cho gì liền cho vào miệng, chẳng cần biết ngon hay không ngon, nuốt được hay khó trôi, bổ béo hay nhiễm độc, miễn là thỏa mãn nhu cầu sinh tồn cấp bách trong khoảnh khắc của mình.

Tiếc thay, thực tế cho thấy, sau khi thỏa mãn những gì vồ vập nhất thời trong lúc mờ mắt ấy, con người thường đi đến chỗ quằn quại, bất mãn, bất an và bất hạnh. Một là vì họ đã ăn phải những gì không hợp với tì vị của họ, cho dù không phải là độc dược đi nữa, làm họ buồn nôn, đau quặn và buông thả bài tiết v.v. Hai là họ bị bội thực, làm họ khó thở, nặng nề, hầu như bất động không thể nhúc nhích được nữa, thậm chí có trường hợp bị chết vì bội thực, như đã từng xẩy ra sau biến cố đói Ất Dậu.

Đó là lý do con người, khi nhìn lại quá khứ, hay sau khi lầm lỡ, thường tự nhủ hay tự trách mình rằng:

• “Tại sao mình khờ đến thế nhỉ?”
• “Tại sao bấy giờ tôi lại làm như vậy ta?”
• “Tại sao lúc ấy tôi lại không làm như thế này, không làm như thế kia?”
• “Biết vậy thì mình không làm (hay) làm thế này có phải là hay hơn không?” v.v.

Những lời nói này, hay những câu tương tự như thế, là tất cả những gì chứng thực cho thấy môt cách hết sức hiển nhiên và quyết liệt những xác tín liên quan đến kinh nghiệm sống khôn ngoan sau đây:

1. Con người xu hướng về chân thiện mỹ và liên lỉ tìm chiếm chân thiện mỹ.
2. Con người là mầm mống sự thật chứa chất sự sống.
3. Cuộc đời là một cõi mộng, một giấc mơ đang được cuộc sống lay tỉnh, cho tới khi hoàn toàn giác ngộ.
4. Thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật.
5. Lịch sử là chứng nhân của sự thật.
6. Chỉ có con đường dẫn đến sự thật mới có sự sống.
7. Bất cứ điều gì phản trái hay không hợp với sự thật đều là những gì gian ác, xấu xa, độc hại.
8. Khôn ngoan nhất, can đảm nhất và trọn hảo nhất đó là sống sự thật.
9. Sự sống là tất cả sự thật.
10. Sự thật là thực tại toàn hảo.

Thật vậy, “con người tự nhiên xu hướng về chân thiện mỹ và liên lỉ tìm chiếm chân thiện mỹ”. Ở chỗ, lý trí luôn tìm biết sự thật; cõi lòng muốn chiếm hưởng sự thiện và tác hành làm sao cho hoàn mỹ. Đó là lý do tại sao chỉ có những ai, bất kể thuộc niềm tin hay tôn giáo nào, cố gắng tìm kiếm chân thiện mỹ, theo đuổi chân thiện mỹ, sống chân thiện mỹ, chiếm đạt chân thiện mỹ mới có thể đạt tới cùng đích của một vĩnh tại chân thực thiện hảo toàn mỹ cho thân phận làm người của mình.

Bởi vì, “con người là mầm mống sự thật chứa chất sự sống”, mà càng sống, dù ý thức hay vô thức, con người thấy rằng mỗi ngày mình một khôn hơn. Ở chỗ, biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái; đâu là lành đâu là dữ; đâu là tốt đâu là xấu; đâu là hay đâu là dở; đâu là lợi đâu là hại. Cái ý thức sống cho thấy tầm mức khôn ngoan của con người về thực tại của bản thân mình cũng như về thực tại cuộc đời ấy không phải là những gì chân thật đầy thiện mỹ đang tỏ mình ra trong tâm linh của họ hay sao?

Một khi tâm linh của con người thấy được, hay thấu hiểu được, đúng hơn ý thức được những gì chân thật đầy thiện mỹ, qua cuộc sống, nhất là qua những “cái khó nó bó cái khôn”, qua “thất bại là mẹ thành công”, khiến họ mỗi ngày một trở nên khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn, thành người hơn, được thể hiện bằng những tâm ngôn hành xứng với phẩm giá và tư cách làm người của mình, thì không phải hay sao: “cuộc đời là một cõi mộng, một giấc mơ đang được cuộc sống lay tỉnh, cho tới khi hoàn toàn giác ngộ”.

Như thế, quả thực “thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật”. Đối với tất cả mọi tạo vật, kể cả muôn loài sinh vật, như thực vật cỏ cây hoa lá, hay động vật chim trời cá biển hoang thú gia cầm, thời gian chẳng có nghĩa gì với chúng, vì chúng không có khả năng để biết có thời gian hay không và thời gian thực sự có cần hay chăng. Chỉ có một mình loài “nhân linh ư vạn vật” là con người mới chẳng những biết được có thời gian, biết mình đang sống trong thời gian, mà còn thấy được cả giá trị cũng như ý nghĩa đích thực của thời gian. Đối với ước vọng được sống trường sinh bất tử của mình thì thời gian, đối với con người, chẳng có nghĩa lý gì nếu không đưa con người đến vĩnh tại, tức đến một thực tại bất biến là sự thật, một sự thật đang từ từ theo giòng thời gian tỏ mình ra cho loài tạo vật duy nhất có tâm linh nhận thức là con người.

Nếu “thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật” thì “lịch sử là chứng nhân của sự thật”. Thực thế, lịch sử không phải chỉ là một công việc ghi chép lại những biến cố xẩy ra trong quá khứ, mà còn là chứng nhân cho thấy tất cả sự thật trong quá khứ, chẳng những qua những gì được nó ghi nhận mà còn qua những gì nó cảm nhận căn cứ khách quan vào công lý phổ quát vượt thời không. Ngoài ra, lịch sử không phải chỉ đóng vai chứng nhân sự thật của quá khứ mà còn đóng vai chứng nhân sự thật cho tương lai như một ngôn sứ của sự thật nữa. Bởi vì, cũng căn cứ vào công lý vượt thời không, lịch sử, qua những lời kêu gọi chân thực và huấn dụ mạnh mẽ của những vị có thẩm quyền ở từng thời đại, còn cho thế giới biết trước nó sẽ đi về đâu, tiến bộ hay thoái bộ, tương lai tối tăm mù mịt hay quang sáng rạng ngời.

Kinh nghiệm lịch sử dạy cho tâm linh mỗi ngày một khôn ngoan ý thức hơn của con người thiện tâm biết là “chỉ có con đường dẫn đến sự thật mới có sự sống”. “Con đường” đây bao gồm tất cả mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của con người. Nghĩa là, bất cứ dự định nào của con người, ý hướng nào của con người, dù ngay lành đến mấy, (chẳng hạn vì thương người mà giết người, như trong trường hợp trợ an tử), nếu không hợp với sự thật, không đúng với sự thật, (không ai được quyền giết người hay tự tử vì sự sống không thuộc về họ), đều không phải những những tâm hướng tốt. Về ngôn từ cũng thế, nếu không hợp hay không đúng với sự thật (chẳng hạn thề gian), đều trở thành những lời gian dối, tác hại, phải bồi thường theo đức công bằng. Về tác hành cũng vậy, nếu không hợp hay không đúng với sự thật, (chẳng hạn phá thai, dù thai nhi bị tật nguyền hay do bị hiếp mà có, bởi sự thật là bé không do họ mà có, càng bị hiếp càng chứng tỏ sự sống từ bé đến từ Thần Linh ban sự sống), đều là những gì sai quấy, bậy bạ, tác hại. Đó là lý do con người cần phải nhớ kỹ nguyên tắc luân lý sau đây: “Bất cứ điều gì phản trái hay không hợp với sự thật đều là những gì gian ác, xấu xa, độc hại”.

Như thế, “khôn ngoan nhất, can đảm nhất và trọn hảo nhất đó là sống sự thật”. Đối với thế gian, khôn ngoan nhất được căn cứ vào những quyết định hay những hành động nào đạt được lợi lộc nhiều nhất (về bất cứ một lãnh vực nào, như về tiền bạc theo thể lý, về tư kiến theo tâm lý, về danh giá theo luân lý, về thế lực theo xã hội), chứ không phải vào sự thật, dù con người có vì sự thật mà bị thiệt hại hay oán ghét. Cũng thế, chính vì ai cũng yêu mạng sống mình, tìm hết mọi cách để sinh tồn, mà đối với thành phần cuồng tín thì việc dám liều mạng ôm bom tự sát để khủng bố là hành động can đảm, chứ không phải thái độ dám đối diện với sự thật, tức dám nhìn nhận tha nhân là anh em của mình, dù họ có làm khốn mình, và mình phải yêu nhau như bản thân mình: nếu mình không muốn bị người khác sát hại thì đừng sát hại người khác; nếu người khác sát hại mình thì mình được quyền bảo mạng của mình trong giới hạn tự vệ chứ không được tiến đến chỗ uất hận đòi mạng. Chỉ khi nào con người có một thái độ khoan dung tha thứ theo sự thật của tình bác ái yêu thương, họ mới đạt tới mức độ hoàn hảo mà thôi.

Tóm lại, nếu con người càng sống càng khôn ngoan, càng biết được sự thật về bản thân mình cũng như về cuộc đời, về nhân sinh, về thế giới, nhờ đó, sống xứng hợp và xứng đáng với nhân phẩm, nhân cách và nhân vị của mình, thì không phải “sự sống là tất cả sự thật” hay sao? Sự sống chỉ có ý nghĩa thật sự và đạt được tối đa giá trị của mình trong sự thật mà thôi. Nghĩa là khi sự thật làm chủ điều khiển sự sống, và sự sống trở thành hiện thân của sự thật. Đó là lý do “cây ngay không sợ chết đứng”. Sự sống bất diệt quả thực chính là sự thật, vì sự thật là một thực tại bất biến. Nếu sự sống còn bị sự chết tiêu diệt, nuốt đi thì không thể nào là sự sống được. Bởi thế sự thật mới là phán quyết cuối cùng của tất cả mọi sự, nhất là của sự dữ và sự chết là những gì tự bản chất phản với những gì là thiện hảo. Sự dữ và sự chết tự chúng chỉ là một hiện tượng và vì thế, theo số phận của mình, chúng chắc chắn sẽ biến mất trước ánh sáng của sự thật, tức khi sự thật hoàn toàn tỏ hiện, hay khi sự sống đạt đến tầm vóc viên mãn của nó là chính tất cả sự thật.

Nếu sự thật là một thực tại bất biến thì “sự thật là thực tại toàn hảo”. Sự thật là một thực tại bao gồm tất cả những gì thiện hảo nhất, hay nói chính xác hơn, là chính thực tại toàn hảo. Nếu còn đổi thay, còn cải tiến, còn hoàn chỉnh, không thể nào lại là một thực tại toàn hảo được. Một con người toàn hảo không thể nào lại là một con người gian ác, dối trá, sống không đúng với thân phận làm người của mình, không hợp với ơn gọi làm người của mình. Trái lại, theo cảm nghiệm chung, con người toàn hảo phải là một con người yêu thương trọn lành, ở chỗ chẳng những biết dấn thân phục vụ tha nhân mà còn biết bao dung tha thứ cho những ai làm khốn mình, nhất là thành phần thụ ơn của mình. Nếu tình yêu mạnh hơn sự chết thì con người hy sinh phục vụ tha nhân đến hiến mạng sống mình cho tha nhân là con người toàn hảo nhất. Vì họ đã đạt đến sự thật, một sự thật bất biến, một sự thật làm chủ sự chết, một “sự thật là thực tại toàn hảo”, tức họ đã đạt đến một “sự sống là tất cả sự thật”.

Đến đây chúng ta thấy nếu “sự thật là thực tại toàn hảo”, mà toàn hảo lại liên quan đến yêu thương thì yêu thương là sống sự thật. Nếu xét theo chiều hướng này, chiều hướng liên quan đến sự thật này, thì người ta không còn nói được rằng không ai có thể định nghĩa được tình yêu nữa. Bởi vì, nếu yêu thương là sống sự thật thì tình yêu là ơn gọi hiệp thông.

Chính vì tình yêu là ơn gọi hiệp thông mà con người mới có xã hội tính, hướng ngoại và tự do. Đời người hướng ngoại nhất có thể nói đến tuổi dậy thì, thời điểm con người bắt đầu biết yêu và tìm yêu. Thế nên không lạ gì hôn nhân và gia đình mới thực sự là hiện thân của tình yêu, của ơn gọi hiệp thông này. Và do đó, bất cứ ai hay bất cứ khi nào con người vốn vị kỷ tìm mình của chúng ta sống ngược lại, sống phản lại với bản chất hay với sự thật tình yêu là ơn gọi hiệp thông này, chẳng hạn như trường hợp ly dị hay phá thai, là chúng ta đã không sống theo sự thật và không sống trong sự thật, bởi đó, chúng ta sẽ không thể nào hoàn thành ơn gọi làm người của mình, không đạt đến tầm vóc toàn hảo của mình, trái lại, chúng ta sẽ luôn sống trong bất hạnh.

Đúng thế, chính vì là một sinh vật biết yêu thương mà con người mới có tự do và mới cần tự do là khả năng yêu thương và là bản chất của tình yêu. Bởi vậy, một khi vì tự do con người tự biến mình trở thành nô lệ, (như nô lệ cho nghiện hút, cờ bạc, sắc dục, tính mê nết xấu v.v. đến nỗi muốn bỏ cũng không được, muốn chừa cũng không xong, lúc nào cũng bị nó chi phối, cũng bị nó sai khiến, thậm chí đi đến chỗ gian dối, trộm cướp để cung phụng cho các thứ thần tượng chủ nhân ông độc chiếm này), sống hoàn toàn bất xứng với nhân phẩm, nhân cách và nhân vị làm người của mình, tức là sống hoàn toàn trái với sự thật làm người của họ, thì đó không phải là tự do thật và không phải là chính bản chất của tình yêu là ơn gọi hiệp thông, mà là bản năng của thú tính thì đúng hơn.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi yêu, con người dễ trở thành mù quáng, tức càng khó nhận ra chân lý. Bởi thế, không lạ gì, chính khi yêu con người có thể lại bị tha hóa không còn là mình nữa, không còn là chủ thể yêu nữa, mà là một tay sai của đam mê nhục dục, yêu cuồng sống vội, yêu đồng phái tính v.v. Theo sự thật, nếu tình yêu là ơn gọi hiệp thông thì những thứ yêu cuồng sống vội, yêu đồng phái tính, yêu theo đam mê nhục dục, yêu động tí ly dị v.v. này không thể mang danh hay không đáng mang danh tình yêu, nếu không muốn nói nó không phải là tình yêu, mà chỉ là tình cảm thuần túy, thậm chí có trường hợp còn là tình dục lăng loàn thì đúng hơn.

Vấn đề ở đây là làm sao con người, tự mình vốn mù quáng, vốn bị chi phối bởi cuộc sống phức tạp, có thể nhận ra sự thật? Phải chăng nhờ ở lương tâm, vì lương tâm là tiếng nói của sự thật! Thế nhưng nhiều khi con người lại tỏ ra rất ư là bối rối ngay trước tiếng lương tâm của mình, không biết đó có phải là tiếng lương tâm hay chăng, nếu phải thì có nên làm theo hay chăng, vì làm theo thì bất lợi hơn là tác lợi! Có những trường hợp sau khi làm theo lương tâm rồi mà vẫn áy náy không yên!

Đó là lý do:

1. Con người xu hướng về chân thiện mỹ và liên lỉ tìm chiếm chân thiện mỹ.
2. Con người là mầm mống sự thật chứa chất sự sống.
3. Cuộc đời là một cõi mộng, một giấc mơ đang được cuộc sống lay tỉnh, cho tới khi hoàn toàn giác ngộ.
4. Thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật.
5. Lịch sử là chứng nhân của sự thật.
6. Chỉ có con đường dẫn đến sự thật mới có sự sống.
7. Bất cứ điều gì phản trái hay không hợp với sự thật đều là những gì gian ác, xấu xa, độc hại.
8. Khôn ngoan nhất, can đảm nhất và trọn hảo nhất đó là sống sự thật.
9. Sự sống là tất cả sự thật.
10. Sự thật là thực tại toàn hảo.

Xin chúc quí độc giả thân yêu được tràn đầy Thần Chân Lý để con người của chúng ta trở thành hiện thân của Sự Thật là thực tại hoàn hảo và cuộc đời của chúng ta trọn vẹn hiện thực sự sống là tất cả Sự Thật, là cả một Mùa Xuân Muôn Thuở!
 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh