CẢM THỨC TỘI LỖI
 



Nếu chủ trương pro choice phò quyền tự quyết ngày nay, tức chủ trương tôn sùng nữ thần tự do, cho mình có quyền muốn làm gì cũng được, thì, đối với chủ trương này, không có gì và không còn gì là tội lỗi cả. Do đó, theo chủ trương này, cảm thức tội lỗi nơi con người và của con người chỉ là một cái gì lạc hậu, hoang đường, nếu không muốn nói là bệnh hoạn. Ở chỗ, minh nhiên hay mặc nhiên, chủ trương này cho rằng cảm thức tội lỗi, thậm chí ngay cả tiếng lương tâm đi nữa, cũng chỉ là do nhồi sọ mà có, do việc giáo dục cha truyền con nối mà có. Nghĩa là, đối với chủ trương này, tiếng lương tâm hay cảm thức tội lỗi là do nhân tạo mà có, chứ không phải bởi bẩm sinh, do đó, nó có thể lỗi thời, sai lầm và thay đổi.

Đây là một vấn đề hết sức quan trọng và vô cùng khẩn trương, chẳng những đối với hạnh phúc của mỗi một người chúng ta, mà còn đối với cả vận mệnh sống còn của toàn thể xã hội loài người trong thế giới ngày nay nữa. Bởi vì, nếu con người còn cảm thức tội lỗi là họ còn tín ngưỡng, còn hữu thần, còn nhân bản, còn sống trong sự thật. Dù sự thật này bao gồm cả bản chất yếu đuối của họ, bao gồm cả tội lỗi là sự dữ về luân lý nơi họ. Thế nhưng, nếu thành tâm nhận lỗi, cảm thấy hối lỗi và quyết tâm sửa lỗi, con người chẳng những đã nhận ra sự thật, mà còn đạt đến sự thật ngay tại đáy vực cuộc đời nữa. Thế gian đã không thiếu những cuộc phục sinh làm người này, những cuộc tung mồ chỗi dậy của con người nhận ra chân lý. Chẳng hạn một con người Âu Quốc Tinh bê bối về luân lý ở thế kỷ 4 và 5, nhưng đã trở thành một đại triết gia của thế giới và là một thần học gia lẫy lừng của Kitô giáo, một con người, theo quan niệm Phật Giáo, đã đạt đến chỗ “giác ngộ”.

Vì cảm thức tội lỗi là một vấn đề hết sức quan trọng và chuyên biệt như thế, nên nó cần phải được bàn đến riêng. Đó là lý do bài “Lương Tâm là Ơn Gọi Làm Người” vừa rồi, chúng ta chưa giải quyết vấn đề bản chất của tội lỗi: tội lỗi là gì? Cũng như vấn đề cảm thức tội lỗi: có tội hay chăng? Trong bài Cảm Thức Tội Lỗi này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem phải chăng:

Tội lỗi là sự dữ luân lý,
phát xuất từ lòng con người,
được thể hiện qua việc con người lạm dụng quyền tự do của mình,
cố ý làm ngược lại tiếng lương tâm chân chính?


1.- Tội lỗi: là sự dữ luân lý

Dù là thành phần vô thần hay pro choice đến mấy đi nữa, cũng không ai có thể chối cãi được sự thật phũ phàng là sự dữ (evil) hiện diện trên thế gian này nói chung và trong cuộc đời mỗi người nói riêng. Điển hình nhất là đau khổ và sự chết. Vậy sự dữ là gì, nếu không phải, về phương diện chủ quan, là tất cả những gì ngược lại với ý muốn của con người, và về phương diện khách quan, là tất cả những gì thiếu hụt nơi sự thiện, sai trật với định luật thiên nhiên hay với lề luật tự nhiên.

Trước hết, về phương diện chủ quan, nếu sự dữ là tất cả những gì ngược với ý muốn của con người, thì sự dữ có những lúc sẽ có thể là chính sự thiện. Chẳng hạn như tiếng lương tâm. Con người đã không sát hại lương tâm để có thể yên trí hành thiện theo ý của mình hay sao? Ngoài ra, theo bình thường, tất cả những gì không hợp với ý muốn của con người, chẳng hạn như đau khổ và sự chết, những gì con người càng vô thần càng sợ, càng pro choice càng muốn tránh, cũng chính là những loại sự dữ về phương diện khách quan, như sự dữ về vật lý, thể lý, tâm lý và luân lý điển hình sau đây.

Thứ nhất, sự dữ về vật lý có thể là thiên tai hay nhân tai, một tình trạng thiếu hụt nơi sự thiện về thiên nhiên hay nơi sự thiện về nhân loại. Thiên tai ở đây có thể là động đất, lụt lội, bão tố v.v., những sự dữ về vật lý liên quan đến hiện tượng biến động bất thường xẩy ra ngoài định luật bình thường nơi thiên nhiên. Nhân tai có thể là cháy nhà, khủng bố, chiến tranh v.v., những sự dữ về vật lý liên quan đến biến cố bất thường xẩy ra ngoài định ước công ích nơi xã hội loài người.

Thứ hai, sự dữ về thể lý có thể là bệnh nạn hay tật nguyền, một tình trạng thiếu hụt nơi sự thiện về sức khỏe hay nơi sự thiện về xác thể. Bởi thế, khi bị bệnh, thay vì nói “kỳ này tôi cảm thấy yếu quá”, người ta cũng thường nói và có thể nói “dạo này tôi không được khoẻ”, vì “yếu” và “không được khoẻ” hay thiếu sức khoẻ ở đây cũng đồng nghĩa với nhau. Cũng thế, bị tật nguyền, thay vì nói: “Chiến tranh đã làm tôi trở thành một thằng người què cụt”, chúng ta cũng có thể nói: “Chiến tranh đã lấy đi của tôi một cánh tay và một chiếc giò”, nghĩa là thân thể tôi không còn toàn vẹn tứ chi như trước nữa.

Thứ ba, sự dữ về tâm lý có thể là bị chậm trí khôn hay cảm thấy hổ thẹn, một tình trạng thiếu hụt nơi sự thiện về tri thức hay nơi sự thiện về phẩm giá. Bởi thế, đối với người chậm trí, ở Việt Nam chúng ta thường nói: “Nó là một thằng khờ, là một con ngố”, còn ở bên Mỹ, người ta chỉ nói “họ bị chậm phát triển về tâm trí”, nghĩa là có phát triển nhưng không đủ, còn thiếu, cần phải được giáo dục hay huấn luyện đặc biệt hơn. Cũng thế, khi làm một điều gì bất xứng, cảm thấy hổ thẹn, chúng ta thường nói “tôi cảm thấy xấu hổ quá đi”, song chúng ta cũng có thể nói: “tôi cảm thấy làm như thế không được tí nào cả”, vì hành động ấy không hợp với phẩm giá, thân thế, uy tín hay chức vụ của con người (tôi).

Sự dữ về luân lý có thể là tính mê nết xấu hay tội lỗi vấp phạm, tình trạng thiếu hụt nơi sự thiện về nhân cách hay nơi sự thiện về tâm linh. Chính vì thiếu nhân cách mà con người mới tỏ ra những hành vi cử chỉ tham lam thiếu công bằng, nhát đảm thiếu anh hùng, đê hèn thiếu cao thượng, bất nhẫn thiếu tự chủ, hấp tấp thiếu tinh khôn v.v. Và cũng chính vì thiếu tâm linh, tức chưa ý thức được sự thật làm người nơi mình, con người mới có những hành động trộm cướp, giết người, gian dâm v.v., những hành động ngược với sự thật làm người nơi chủ thể tác hành mà còn phạm đến cả sự thật làm người nơi đối tượng đồng loại nữa.

Tóm lại, nếu không ai có thể và dám vỗ ngực tự hào cho mình là một con người toàn thiện, tức họ hoàn toàn chấp nhận sự kiện “nhân vô thập toàn”, thì họ không thể chối cãi hay phủ nhận được sự hiện diện của sự dữ về luân lý, tức sự có mặt của tội lỗi nơi tất cả mọi người là loài vốn bất toàn.

2.- Tội lỗi: phát xuất từ lòng con người

Nếu không thể phủ nhận được sự có mặt của tội lỗi là sự dữ về luân lý nơi con người, thì cũng không thể chối cãi được nguồn gốc của tội lỗi là sự dữ về luân lý ấy đã phát xuất từ chính lòng muốn của con người, nói cách khác, tội lỗi hay không là ở lòng người. Thuyết Tứ Diệu Đế của Phật Giáo, gồm Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế, nhất là Tập Đế, tức chân lý về đau khổ và tội ác bởi đâu mà có, và Thập Nhị Nhân Duyên của Phật Giáo cho biết, lòng ham muốn hay dục vọng của con người chính là nguyên nhân gây ra khổ lụy và tội ác. Đó là lý do, chủ trương “nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh Tử thuộc Khổng Giáo chỉ đúng khi con người chưa có đủ trí khôn, hay bị chậm phát triển về trí khôn, tức còn trong thời gian “chi sơ”, chưa biết ham muốn, chưa có dục vọng. Chính vì thế Chu Hy, cũng thuộc Khổng Giáo, mặc dù chân nhận yếu tố “tính bản thiện” của Mạnh Tử, nhưng vẫn thấy rằng con người còn một yếu tố khác nữa, đó là “khí chất”, phần làm cho con người nên tốt hay xấu, thánh nhân quân tử hay tội nhân tiểu tử. Thế nhưng, Chu Hy đã không giải quyết vấn đề “khí chất” liên quan đến nguồn gốc của nó từ đâu mà có, và tại sao nó có tác dụng khác nhau làm cho người này trở nên kẻ lành và người khác trở thành kẻ dữ.

Theo Kitô Giáo, ngay trong thời gian “chi sơ” này, vì mắc tội nguyên tổ, con người đã có sẵn mầm mống tội lỗi, là các tính mê nết xấu, các đam mê nhục dục, một thứ mầm mống dù Phép Rửa cũng không thể diệt trừ, một thứ mầm mống chỉ cần có cơ hội thuận lợi là trổ sinh đủ thứ tội lỗi. Kinh nghiệm đã không cho chúng ta thấy hay sao, một đứa trẻ ngay còn trong thời “chi sơ” cũng đã có mầm mống tội lỗi. Ở chỗ, nó đã biết giữ kỹ những gì của nó, hay biết nhất định giằng lại cho bằng được những đồ chơi của nó, thậm chí nó có thể dùng miệng cắn cả người dám lấy đi đồ chơi của nó nữa v.v. Phải, nếu mầm mống tội lỗi tự bẩm sinh nơi con người, có thể nói, là nguồn gốc khách quan của tội lỗi nơi tất cả mọi người, thì nguồn gốc chủ quan của tội lỗi nơi con người phải là chính lòng muốn của từng người. Chính vì thế mới có sự khác biệt giữa thánh nhân và tội nhân. Thánh nhân không phải là những con người không hề có đam mê nhục dục bên trong, cũng không phải là người không bao giờ bị thử thách cám dỗ bên ngoài, những điều kiện và những hoàn cảnh đóng vai chẳng khác gì như những dịp tội có thể làm cho con người vấp ngã, trở thành tội nhân. Thế nhưng, phải hiểu sao về nguồn gốc chủ quan của tội lỗi nơi con người là chính lòng muốn của con người đây?

Lòng muốn của con người là nguồn gốc chủ quan phát sinh tội lỗi nơi con người có thể hiểu theo hai khía cạnh: khía cạnh cố tình chấp nhận điều xấu và khía cạnh thực lòng ước muốn điều xấu. Về khía cạnh lòng muốn của con người cố tình chấp nhận điều xấu, chẳng hạn như trước một điều tự nó là xấu, như giết người, nhất là con người mình hết sức thù ghét, hay con người mình được thuê mướn để hạ sát, họ có quyền chọn lựa thực hiện việc ra tay sát nhân hay chăng. Nếu họ thấy hành động sát nhân này vô nhân đạo, đầy tội lỗi, một hành động hoàn toàn trái với lương tâm, phạm đến quyền sống của đồng loại cũng muốn được sống như mình, mà không dám làm, thì họ đã không phạm tội giết người, bằng không, họ đã chấp nhận gây ra một sự dữ về luân lý rồi vậy.

Trên thực tế, con người sát nhân chỉ bị xử tội khi có đủ chứng cớ trước tòa án xã hội là họ đã thực sự gây ra những sự dữ về luân lý như thế. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, vì tội lỗi phát xuất từ lòng muốn của con người, do đó, kể cả khi con người chưa thực sự ra tay sát hại, mới chỉ muốn sát nhân thôi, một ý muốn được thể hiện qua âm mưu đã được hoạch định cẩn thận và chờ thời cơ thuận tiện sẽ ra tay, thì họ đã thực sự phạm tội sát nhân ngay trong lòng họ rồi vậy, dù việc ấy chưa thực sự xẩy ra, vì nếu cơ hội đến, họ đã không trở thành một tay sát nhân thực sự hay sao? Đó là lý do Đức Kitô đã tuyên bố: “Ai nhìn người nữ theo lòng nhục dục của mình thì đã phạm tội ngoại tình với họ trong lòng mình rồi vậy” (Mt 5:28). Qua câu tuyên phán này, Đấng Sáng Lập Kitô Giáo cho con người biết rằng, tội lỗi xấu xa phát xuất từ chính lòng người mà ra, chứ không phải từ bên ngoài, từ ngoại cảnh, ở chỗ, ngay chính lúc con người thực lòng ước ao phạm tội thì họ đã có tội rồi, sự dữ về luân lý đã ngự trị trong lòng họ rồi.

3.- Tội lỗi: được thể hiện qua việc con người lạm dụng quyền tự do của mình

Tội lỗi phát xuất từ lòng muốn của con người, vì nếu con người không chấp nhận sự dữ về luân lý thì tội lỗi đã không xẩy ra. Thế nhưng, đã nói đến lòng muốn là nói đến tự do, đến quyền hành động. Đó là lý do, thực tế cho thấy, trước tòa án xã hội, tội nhân bị trừng phạt tội phạm của mình tùy theo mức độ tự do của họ: nếu họ có đủ ý thức và hoàn toàn không bị ép buộc hay bị cưỡng bức mà làm thì tội của họ nặng hơn là trường hợp họ chậm trí khôn, mắc chứng tâm thần, bị lạm dụng hay bị hăm dọa. Đó cũng là lý do Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận những cuộc hôn nhân bị ép uổng, không do chính đôi tân hôn tự ý chấp nhận nhau chỉ vì thương yêu nhau thật lòng. Bởi thế, nếu nguồn gốc của tội lỗi phát xuất từ lòng muốn của con người thì yếu tố làm cho con người có tội chính là tự do của con người. Tuy nhiên, dù tự do nơi con người là yếu tố quyết liệt làm nên sự kiện có tội hay không, xác định tính chất của tội nặng hay nhẹ, nghĩa là, nếu bỏ yếu tố tự do đi, như trường hợp nơi con vật chỉ biết sống theo bản năng, thì không còn vấn đề tội lỗi là gì, hay có tội hay chăng nữa. Thế nhưng, không phải vì thế mà lòng muốn của con người, hay tự do nơi con người là những gì xấu xa, cũng là căn nguyên gây ra tội lỗi, gây ra sự dữ về luân lý, như cây xấu thì sinh trái xấu. Bởi vì, chính lòng muốn của con người và tự do nơi con người tự chúng cũng là những sự thiện, mà nhờ đó, nhờ những sự thiện lòng muốn và tự do này con người mới thực hiện được các việc đáng giá, có giá trị nhân bản, đáng gọi là những việc lành phúc đức, kể cả việc con người nhận lỗi và đền tội của mình.

Như thế, có thể nói phạm tội là “vượt biên”, và con người phạm tội là con người đã “vượt biên”, đã đi quá giới hạn, hay đã vượt quá phạm vi ấn định cho quyền tự do của một thụ tạo như họ, tức đã lộng hành, đúng như trường hợp của Adong Evà trong vườn địa đường. Theo Sách Sáng Thế Ký của Do Thái Giáo thuật lại thì hai vị nguyên tổ này, dù được Thiên Chúa Hóa Công ban cho quyền tự do ăn đủ mọi thứ cây trong vườn, các vị còn muốn ăn luôn cả cây trái cấm, cây Thiên Chúa Hóa Công không cho phép đụng đến, tức đã “vượt biên”, làm cả những gì không được phép làm theo thân phận tạo vật hữu hạn của mình.

4.- Tội lỗi: cố ý làm ngược lại tiếng lương tâm chân chính

Nếu phạm tội là “vượt biên” thì quả thực con người phạm tội là con người cố ý làm ngược lại tiếng lương tâm chân chính nơi mình. Như thế, phải chăng bất cứ khi nào con người không làm theo tiếng lương tâm nơi mình là con người đều có lỗi? Chẳng hạn, trong trường hợp bối rối, con người cảm thấy không nên làm điều này điều kia, nghĩa là, lúc bấy giờ, họ nghĩ rằng điều họ bối rối đó là điều xấu, điều có hại, vậy mà họ vẫn cứ làm là họ có lỗi, vì bối rối về điều xấu mà còn dám làm thì một khi biết chắc đó là điều xấu họ làm sao tránh được không làm. Ngoài ra, trong trường hợp hồ nghi, như lúc đi săn, thấy một con thú giống hệt như con người, tưởng là người thật, mà vẫn cứ nhắm mắt bắn chết, thì viên thợ săn này đã có lỗi, dù chỉ bắn chết một con thú chứ không phải một con người, nhưng nếu quả thực đó là một con người thì tên thợ săn này cũng đã không nương tay. Chưa hết, trong trường hợp tưởng thật, nếu con người cảm thấy cần phải làm điều này điều nọ, cho dù điều ấy tự bản chất không phải là điều xấu, điều tội, như hôm nay mới thứ bảy lại tưởng Chúa Nhật mà không đi lễ, thì người Công Giáo nào bỏ không đi lễ đã thực sự phạm tội, vì nếu ngày thứ bảy này đúng là Chúa Nhật thì họ cũng đã bỏ lễ vậy.

Tuy nhiên, lương tâm không phải là chính biên giới chân giả, thiện ác, mà chỉ là một tên lính biên phòng, có nhiệm vụ canh chừng và ngăn chận không cho con người liều mình “vượt biên”. Tiếc thay, rất nhiều trường hợp, nếu không muốn nói là hầu hết các trường hợp, lương tâm đã không làm gì được con người, một khi con người xuất trình visa “quyền tự do” của họ ra. Tại sao con người lại có khuynh hướng “vượt biên” và lúc nào cũng muốn “vượt biên” như vậy? Phải chăng, trước hết, nơi nội tâm con người, vì tình hình chính trị bất ổn, phần thượng đàn áp những đòi hỏi đê hèn và phi luân của phần hạ, phần hạ thì nổi dậy chẳng những chống lại phần thượng mà còn muốn lấn át cả phần thượng, từ đó, kéo theo tình trạng kinh tế xuống dốc, khiến cho con người phải trả bằng một giá hy sinh rất đắt đỏ cho tất cả những gì họ thích, họ cần, họ muốn, bởi thế mà họ cảm thấy rằng họ cần phải đi tìm một thiên đường trần thế, thoải mái hơn, tự do hơn, tiếc thay, thiên đường trần thế này lại ở bên kia biên giới, biên giới luật lệ.

Như thế, nếu luật lệ là biên giới thì phải chăng luật lệ chính là những gì ngăn cản con người, không cho con người tiến đến chỗ sống viên mãn hơn. Nếu đúng như thế thì luật lệ không có lợi cho con người tí nào cả. Trái lại, nó còn trở thành cớ vấp phạm và án luận phạt cho con người nữa là đàng khác. Bởi vì, nếu không có luật lệ, cũng không có qui định tội phúc. Phải chăng, chính vì thế mà con người văn minh tân tiến về vật chất lẫn nhân quyền ngày nay đã nhào tới hung hăng phá bỏ biên giới luật lệ bất lợi này, bôi xóa lằn mức biên giới chân giả thiện ác nghiệt ngã ấy? Và họ đã thực sự phá bỏ biên giới luệt lệ tự nhiên cản trở vướng lối này bằng những cái búa liềm luật lệ nhân tạo buông thả của mình, cho con người quyền tự do ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái, tạo sinh ngoại nhiên v.v. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, cuộc sống “vượt biên” của con người, đúng hơn cuộc sống bên kia biên giới của lề luật tự nhiên này, của nguyên tắc luân lý phổ quát là nội dung của lương tâm chân chính nơi con người này, bắt đầu từ hậu bán thể kỷ 20 tới nay, chẳng những không làm cho con người được hoan hưởng hạnh phúc khoái lạc như lòng mong ước, trái lại, còn làm cho cả xã hội loài người càng ngày càng thêm băng hoại bất khả cứu vãn.

Nếu thảm trạng băng hoại xã hội loài người ngày nay là bởi tự do của con người, thì phải chăng tự do là một tên nội công phá hoại hết sức thâm hiểm và lợi hại? Chân tướng của tự do là gì? Phải chăng, theo bản chất đích thực của mình, tự do là làm chủ cuộc đời?



Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 11, 31/3/2002: www.tinmungsusong.org và bài cho mục Hội Ngộ Tâm Linh của www.thoidiemmaria.net)