HÔN NHÂN HIỆP THÔNG XÃ HỘI
 


Hôn Nhân: Khơi Nguồn Xã Hội


Con người không thể nào hiện hữu nếu thiếu một bản tính bao gồm cả hồn thiêng lẫn xác chất thế nào, thì kinh nghiệm thực tế cho thấy, con người cũng không thể nào tồn tại và phát triển theo bản tính làm người của mình nếu không có xã hội như vậy. Thậm chí, nếu không tự mình mà có, thì không có xã hội, tức không có mẹ cha, con người cũng không thể hiện hữu trên đời này như vậy. Con người chẳng khác gì như cá trong nước và chỉ sống bởi nước và nhờ nước. Trái lại, nếu không có cá thì nước hiện hữu cũng chẳng có nghĩa gì. Tức có cá mới có nước. Bởi thế, nước phải có trước cá, như mẹ phải có trước con. Nhưng dù nước có trước cá thì cũng là để cho cá và chất chứa những mầm mống của cá, như đất chất chứa những hạt giống cho muôn loại thảo mộc vậy. Như thế, xã hội phải có trước con người, chứ không phải con người có trước xã hội.

Thế nhưng, theo lý luận tự nhiên, nếu xã hội là cộng đồng của con người, một cộng động hợp lại bởi nhiều cá nhân con người, tức được làm nên bởi cộng đồng con người, thì con người phải có trước xã hội, chứ xã hội không thể nào có trước con người. Sách Sáng Thế Ký mở đầu bộ Thánh Kinh Do Thái Giáo cũng cho thấy r sự kiện này, cũng chứng thực kinh nghiệm và luận lý tự nhiên ấy. Ở chỗ, Sáng Thế Ký thuật lại rằng sau khi Thiên Chúa Hóa Công dựng nên con người đầu tiên là Adong, đã dựng nên thêm một người nữ nữa là Evà, rồi Ngài đã kết hợp cả hai nhân vật nguyên tổ này lại thành một thân thể, một cộng đồng tiên khởi, mở màn cho xã hội loài người (xem Genesis 2:18-25).

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ chúng ta thấy, cho dù về thời gian, xã hội có cụ thể hiện hữu sau cá nhân con người, nhưng về tinh thần, xã hội vốn đã có trước đơn vị con người là phần tử của mình, vì xã hội ở ngay nơi bản thân của con người phần tử này. Chính vì thế, như Sách Sáng Thế Ký cho thấy, Evà đã không phải là một con người ngoại tại của Adong, một con người từ đâu tới, mà là một con người phát xuất từ chính con người Adong, và cũng chính vì thế, vì xã hội tính đã bẩm sinh nơi bản thân mình, nên con người tiên khởi Adong đã tự nhiên hướng về và mới hướng về Evà, như Sáng Thế Ký cũng thuật lại, qua việc Adong đã tự động nhận biết Evà và nên một với Evà. Phải nói rằng, nếu xã hội chính là bản chất của con người và nơi con người, thì xã hội quả thực đã được bắt nguồn từ hôn nhân và được hình thành bởi hôn nhân. Nói cách khác, hôn nhân chính là hiệp thông xã hội. Chính vì thế, nếu hôn nhân băng hoại thì xã hội hãy coi chừng tồn tại.

Hôn Nhân: Tập Tục Xã Hội

Chính vì xã hội được bắt nguồn từ hôn nhân và được hình thành bởi hôn nhân mà ngay từ đầu hôn nhân chưa có những tập tục liên quan đến cưới hỏi như ngày nay, chẳng hạn như những tập tục cưới hỏi theo kiểu Việt Nam, bao gồm những giai đoạn giạm hỏi, đặt giầu cau, đính hôn và kết hôn. Tuy nhiên, cũng chính vì nếu hôn nhân băng hoại thì xã hội hãy coi chừng tồn tại, mà xã hội cần phải bảo vệ hôn nhân, bằng việc chứng hôn và chuẩn hôn. Đó là lý do hôn nhân từ từ đã được hình thức hóa bởi xã hội và trong xã hội, tùy theo văn hóa địa phương. Nói chung, theo thủ tục hành chánh và xã hội, ngày nay người ta thấy cặp nam nữ nào muốn lấy nhau thì họ chẳng những đem nhau ra trước công quyền địa phương để xin hợp thức hóa, mà còn cùng nhau trình diện với xã hội của mình là gia đình, họ hàng và thân bằng quyến thuộc nữa. Đó là chưa kể đến những lễ nghi về tôn giáo.

Tuy nhiên, không phải những tập tục về hành chánh, xã hội và tôn giáo này là yếu tố thiết yếu làm nên hôn nhân, tức hôn nhân phải được xã hội chứng dự và công nhận hôn nhân mới thành, bằng không hôn nhân bất thành hay không bao giờ thành. Như thế, xã hội này chỉ có những cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” mà thôi, bằng nếu cha mẹ không đồng ý thì con cái không bao giờ được lập gia đình với người mình thương. Đúng thế, hôn nhân thành hay không là do hai đương sự có thật lòng yêu nhau và có muốn dấn thân sống đời vợ chồng với nhau hay chăng. Cuộc hôn nhân ép duyên là một cuộc hôn nhân phi nhân bản và không thành.

Đó là lý do, để mở đầu cho lễ nghi hôn phối bên Công Giáo, đôi tân hôn đã được sát hạch có tình nguyện lấy nhau chứ không phải bị ép buộc hay chăng. Theo qui luật hôn nhân bên Giáo Hội Công Giáo thì vị linh mục chỉ đóng vai thay Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập hôn nhân và xe duyên kết nghĩa con người, trong việc chứng nhận hôn nhân và chúc lành hôn nhân mà thôi, còn vai chính của cuộc thành hôn về tôn giáo này chính là đôi tân hôn. Tuy nhiên, không phải vì mình là chủ hôn làm cho cuộc hôn nhân thành sự, gọi là thành hôn, mà khi hôn nhân bị trục trặc thì họ cũng có quyền tự động bỏ nhau. Vì hôn nhân là do thiên định, là cơ cấu bởi trời chứ không phải bởi người. Đó là lý do trong thiệp cưới của người Công Giáo bao giờ cũng có câu “Những gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân chia” (Mathêu 19:6). Chính vì hôn nhân là do thiên định và là cơ cấu thần linh như thế, mà một khi muốn thoát ly hay đoạn tuyệt nó, nhất là để lập gia đình khác, đôi phối ngẫu Công Giáo cũng phải được chuẩn chước đàng hoàng. Nghĩa là họ cần phải được các vị thẩm quyền của Giáo Hội họ, một thẩm quyền đại diện Thiên Chúa chứng hôn và chúc hôn cho họ thế nào, cũng sẽ cứu xét để giải hôn cho họ như vậy, nếu có đủ lý do chính đáng. Tức là các vị này xét xem cuộc hôn nhân của họ có thành sự ngay từ ban đầu hay chăng, hay xét xem họ có thực tình yêu nhau và tự nguyện lấy nhau ngay từ đầu chăng, bằng không, cuộc hôn nhân của họ vốn không thành, và sau khi được giải, họ có thể được tự do lập gia đình khác mà không lỗi luật Chúa, không trái phép đạo.

Trong khi tôn giáo, như Giáo Hội Công Giáo, chỉ dám đóng vai trò giải hôn những gì thẩm quyền nàỵ cho rằng, nếu được người phối ngẫu xin và xét thấy họ quả thực không hội đủ yếu tố để làm nên hôn nhân ngay từ đầu, thì xã hội tân tiến Âu Mỹ từ thập niên 1960 lại đóng vai trò hủy hôn, nghĩa là cho phép ly dị. Thật vậy, dù hai vợ chồng đã hoàn toàn tự do luyến ái trước khi lấy nhau, song đến một lúc nào đó không còn hợp với nhau như thuở ban đầu nữa, chứ không cần một bên lỗi phạm điều gì trầm trọng nghịch với bản chất của đời sống hôn nhân vợ chồng, ngôn từ pháp luật của Mỹ gọi là “no fault”, thì được quyền ly dị. Ngoài ra, chiều hướng chung luật pháp bây giờ là không ai bắt buộc vợ chồng phải sống với nhau nữa, một khi họ không còn muốn sống với nhau, không thích sống với nhau. Những trường hợp chán sống với nhau này đều được pháp luật liệt kê dưới nhãn hiệu hôn nhân đổ vỡ bất khả cứu vãn, “irretrievable breakdown of marriage”. Chưa hết, luật ly dị còn đi đến chỗ cho phép ly dị đơn phương, chứ không cần phải có sự đồng ý của người phối ngẫu, như điều kiện bất khả thiếu để hai người có thể thành sư lấy nhau. Khi lấy nhau cần hai người đồng thuận, đến khi ly dị thì chỉ cần một người quyết định là xong.

Hôn Nhân: Biến Thái Xã Hội

Vẫn biết luật pháp có lý của luật pháp, chẳng hạn như luật ly dị, nhất là luật ly dị đơn phương, trước hết và trên hết là để bảo vệ người vợ là phái yếu khỏi bị người chồng là phái mạnh bạo hành, đầy đọa, như những trường hợp xẩy ra vào tiền bán thể kỷ 20 trở về trước, nhất là ở các nước chậm tiến, như ở Việt Nam ta chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu hôn nhân là hiệp thông xã hội thì bất cứ điều gì không theo chiều hướng này, dù có mục đích tốt đến đâu đi nữa, cũng cần phải xét lại, bằng không sẽ khó tránh được những hậu quả tai hại khôn lường, như đã và đang xẩy ra từ khi có luật ly dị tới nay. Nếu hôn nhân băng hoại thì xã hội hãy coi chừng tồn tại là ở chỗ này.

Không phải hay sao, ngày xưa, khi xã hội loài người còn cổ hủ, chưa tân tiến, xã hội đã cho phép hay chấp nhận tục đa thê, coi phụ nữ là hạng người thứ yếu, là thành phần cung phụng đàn ông, kể cả về mặt tình dục! Thế nhưng, ngược đời thay, ngày nay, càng tân tiến, con người lại càng hoang dại hơn bao giờ hết, còn hoang dại hơn thời cổ hủ xưa kia nữa. Ở chỗ, nếu ngày xưa chỉ có tục đa thê, thì ngày nay con người chẳng những được phép đa thê mà còn được quyền đa phu nữa. Luật ly dị ngày nay đã không cho phép con người, cả vợ lẫn chồng, được quyền lập gia đình với bao nhiêu người mình thích hay sao?

Chưa hết, luật ly dị còn làm cho con người coi hôn nhân chỉ là một món hàng có thể đổi chác, mua về xài xong đem trả, như ở các department stores, Target, K-Mart, Wal-Mart, JC Penny, May Robinson, Macy v.v. Chính vì có luật được quyền ly dị nên người ta không sợ bị ràng buộc như xưa, trái lại, họ tự nhiên cảm thấy dễ dàng hơn trong việc lấy nhau, nhanh chóng hơn trong việc yêu cuồng lấy vội, bởi vì thích nhau rồi tại sao không lấy nhau, không hợp thì bỏ có sao đâu. Như kiểu cứ mua về thử, nếu không xài được hoặc không ưng ý thì đem trả hay đem đổi ở ngoài tiệm vậy. Luật ly dị chẳng khác gì như luật cho phép dùng súng, thay vì để tự vệ thì người ta lại quay ra sát hại lẫn nhau. Chính vì thế, trước khi lấy nhau, con người văn minh ở các nước tân tiến ngày nay vừa yêu nhau lại vừa sợ nhau. Đến nỗi, nhiều cặp đã làm giấy kê khai của cải với chính quyền trước khi lấy nhau, để phòng hờ nhỡ ra sau này hôn nhân có bị đổ bể thì chỉ mất người chứ không mất của. Chính vì yêu nhau theo kiểu thập thò, yêu nhau một cách cân nhắc lợi hại và ăn thua đủ với nhau như thế, yêu nhau mà không dám cho nhau hết, không hoàn toàn tin tưởng nhau như vậy, thì làm sao có thể sống bền chặt với nhau được, nhất là khi có những xích mích đụng chạm xẩy ra không thể nào tránh hết được trong đời sống hôn nhân gia đình.

Hôn Nhân: Chấp Nhận Xã Hội

Tuy nhiên, với luật pháp cho phép ly dị như thế mới cho thấy cặp nào còn bền với nhau là dấu chứng tỏ họ thực sự yêu nhau, không vì tình thì cũng vì nghĩa. Đối với họ, có luật ly dị hay chăng cũng không thành vấn đề. Cũng không có một tác dụng gì trong những lúc họ đụng độ nhau. Vì họ không coi hôn nhân như là một hình thức contract, một hình thức hợp đồng, một giao kèo làm ăn với nhau, hay thì ở dở thì đi, lời thì nhào vô, lỗ thì dẹp tiệm: “anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Chính vì hôn nhân kiểu thương mại như thế mà con người văn minh ngày nay đã coi hôn nhân chẳng khác gì như là một trò chơi, và con cái chỉ là một món đồ chơi.

Con người văn minh ngày nay không coi hôn nhân là một thứ trò chơi là gì, không coi hôn nhân là một thứ thời trang hay sao? Ở chỗ, họ chẳng những đã cho phép nhau ly dị từ thập niên 1960, rồi từ ly dị là một thứ trò chơi đã đi đến chỗ không thể tránh được là cho phép phá thai, coi con cái là một thứ đồ chơi, từ thập niên 1970, tức sau đó một thập niên, mà còn đi đến chỗ chính thức cho phép đồng tính luyến ái và đồng tính hôn nhân nữa. Ngày 20/12/1999, Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Vermont Hoa Kỳ đã qui định rằng tiểu bang phải cho các cặp phối ngẫu đồng tính được hưởng những quyền lợi như những cặp phối ngẫu dị tính. Và tiểu bang Vermont này đã chính thức là nơi đầu tiên trên thế giới hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, khi vị thống đốc của tiểu bang này bấy giờ là Howard Dean đã ký chuẩn phê khoản luật hôn nhân đồng tính này ngày 26/4/2000, với hiệu lực kể từ ngày 1/7/2000. Sau đó hai tháng, tức vào tháng 9/2000, quốc hội Hòa Lan cũng đã chuẩn nhận luật cho phép hôn nhân đồng tính, với quyền lợi giống như các cặp vợ chồng thường, được lập hôn ước ở tòa thị chính city hall, được có con nuôi, và được ly dị.

Tuy nhiên, cho dù xã hội có lập ra những khoản luật ly dị và đồng tính hôn nhân đi nữa, những khoản luật phi hôn nhân và phản hôn nhân là hiệp thông xã hội đi nữa, nếu con người không chiều theo chúng, không lợi dụng chúng và không thi hành chúng, thì chúng cũng chẳng có tác hiệu gì, chúng cũng không thể nào trở thành phổ thông, trái lại, chúng cũng chỉ là một thứ văn hóa frozen đông lạnh, những thứ văn hóa đóng hộp vậy thôi, những thứ thực phẩm dự trữ chẳng béo bổ gì, đến khi hết hạn thì tự nhiên được quẳng vào thùng rác, không tiếc xót gì.

Những cặp hôn nhân không bị luật ly dị ngày nay chi phối chẳng những không coi hôn nhân như một giao kèo làm ăn, trái lại, họ còn coi hôn nhân như là một thắt kết covenant, một giao ước, mà họ đã tự nguyện hứa quyết với nhau, và vì tự trọng, họ cố gắng trung thành với lời giao ước của mình. Đây là những cặp vợ chồng, vào một lúc nào đó, có thể chỉ sống với nhau vì nghĩa hơn là vì tình, vì con cái hơn là vì nhau, vì nhau theo kiểu romantic như thuở ban đầu tình tứ ấy. Nhưng ít là họ còn bền với nhau. Không gượng ép. Mà chịu đựng. Một thứ chịu đựng trong thời đại văn minh vật chất chỉ biết hưởng thụ theo cá nhân chủ nghĩa, chỉ tìm cách tránh né hay away from những gì không hợp với mình, làm cho mình khó chịu, thì sức chịu đừng này có thể sẽ đưa những cặp hôn nhân anh hùng này đến một mức độ cao nhất của hôn nhân, mức độ sống vocation của hôn nhân, hay sống hôn nhân theo ơn gọi. Tức là một cuộc sống hôn nhân vì trời hơn là vì mình, và cho đời hơn là cho mình. Họ chính là những cặp vợ chồng, hay ít là một trong hai người, chấp nhận nhau từ bàn tay ông trời, từ chính Đấng Tối Cao, Đấng mà họ thâm tín rằng đã xe duyên kết nghĩa cho họ, đã xui khiến họ gặp nhau rồi lấy nhau. Bởi thế, về phần mình, với niềm tin là văn hóa thần linh, họ không bao giờ bỏ nhau, dù người phối ngẫu của họ có thế nào đi nữa. Vì xã hội, theo dự án thần linh, ở ngay nơi bản thân con người phái tính, như đã nhận định ở đoạn mở đầu, mà khi vợ chồng chấp nhận nhau, sống đời với nhau và nên một với nhau, thì hôn nhân quả thực là hiệp thông xã hội và làm cho xã hội hiệp thông vậy!

 


Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 19, 26/5/2002: www.tinmungsusong.org và bài cho mục Hội Ngộ Tâm Linh của www.thoidiemmaria.net)
 




 HÔN NHÂN
HIỆP THÔNG XÃ HỘI

Trần Mỹ Duyệt


Hôn nhân là một ơn gọi và ơn gọi này dẫn đến rất nhiều tương quan trong cuộc sống. Đây là một điểm nổi bật và mang một ý nghĩa đặc thù của hôn nhân, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay khi đề cập đến những va chạm với cuộc sống từ bên ngoài mái ấm gia đình. Sự hiệp thông giữa xã hội và hôn nhân, do đó, không những gần gũi, gắn bó mà còn trở nên rất cần thiết cho đời sống con người.

Con người có mặt trên trái đất này bao lâu rồi thì cũng chưa ai có câu trả lời một cách xác quyết. Nhưng những đổ vỡ của hôn nhân mà kết quả đem tới ly thân, ly dị thì ít nhất chúng ta cũng thấy xuất hiện 2000 năm trước. Căn cứ này dựa vào Thánh Kinh Kitô Giáo trong đó có chỗ đề cập đến việc con người ly dị, một việc làm ngược lại với chủ ý sáng tạo của Thượng Đế: “Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mk 10:9).

Đối với những người có đầu óc thực tế và phân tích kỹ hơn, chắc cho rằng con người ngày nay với sự phát triển về ý thức và vai trò xã hội, và với sự đổi mới cách thức suy luận, có lẽ con số ly dị chắc nhiều hơn so sánh với xã hội của 2000 năm trước. Thống kê không cho biết tỷ lệ ly dị của con người lúc bấy giờ, nhưng bây giờ thì con số đã lên đến hơn 50% các cuộc hôn nhân. Điều này đã đưa đến một hậu quả hết sức tai hại và trầm trọng cho nền tảng và tương lai của xã hội, vì mọi người đều cho rằng gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội. Một khi tế bào ấy bị hư thối, thì sẽ đưa tới tình trạng hủy diệt của xã hội, tôi có ý nói đến sự hủy diệt về luân lý và đạo đức.

Do đó, sự hiệp thông xã hội được nêu lên ở đây chính là vai trò tế bào của hôn nhân. Nếu xã hội là một thân thể sống động, thì gia đình chính là những tế bào nối kết và làm nên sự sinh động ấy của xã hội. Trong ý học, sự phát triển quá mức của các tế bào, hoặc sự phát triển bất bình thường của các tế bào tất cả đều dẫn đến những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới ung thư chẳng hạn. Thực tế ngày nay nếu chúng ta nhìn vào tế bào xã hội là gia đình bằng con mắt y học, chắc chắn phải đưa đến một kết luận là thân thể xã hội đang mắc phải những chứng bệnh nan y và đủ nhiều triệu chứng ung thư đang tàn phá.

Triệu chứng ung thư thông thường nhất là sự hỗn loạn về tình yêu và tình dục. Người ta bước vào hôn nhân như một thỏa ước song phương nhằm thỏa mãn những đòi hỏi và nhu cầu sinh lý.

Tiếp đến là sự hỗn loạn về ý niệm và vai trò của phụ huynh. Nếu con cái là hoa trái của tình yêu và là một ân huệ của Thương Đế ban cho cha mẹ thì quan niệm này ngày nay đang bị rất nhiều người coi thường và chối bỏ. Hiện tượng ngừa thai và phá thai công khai như hiện nay đang dẫn đến một sự phá sản về tính cách cao cả của hành động sinh lý trong hôn nhân. Và nếu hiểu như những người chủ trương phá thai thì những hành động sinh lý đưa đến những kết quả tốt chỉ là một điều bất hạnh, và những kết quả ấy phải được loại bỏ khi người ta không thích hay không muốn giữ nó nữa.

Sau nữa là sựỉ băng hoại của tuổi trẻ. Vì gia đình, cái nôi êm ái không còn là một nơi để tuổi trẻ nương thân nữa, chúng sẽ đi tìm và đi vào những hư hỏng. Lỗi lầm này phụ huynh phải có trách nhiệm một phần rất lớn. Hằng ngày có tới hàng triệu triệu em nhỏ bỏ nhà đi hoang, bị dụ dỗ và đi vào những sa đọa của rượu chè, cần sa, ma túy và dục tình. Kết quả là toàn bộ những tế bào cần thiết để cấu tạo một gia đình tốt, và một xã hội tương lai tốt đang bị nhiễm độc. Tóm lại, điều quan trọng cho xã hội hôm nay và tương lai là làm thế nào để có một tế bào gia đình tốt.

Muốn có một gia đình tốt, cần phải có một tế bào hôn nhân tốt. Sự liên hệ giữa hôn nhân và xã hội đến từ ý nghĩa liên đới này. Hôn nhân tốt, hôn nhân lành mạnh sẽ đưa xã hội nhân loại vào kỷ nguyên tươi đẹp, lành mạnh và hạnh phúc. Hôn nhân chắp nối, cẩu thả, buông túng, và thiếu ý thức chỉ là một nối kết và chắp nhặt của những tế bào ung thối làm nền tảng cho sự phát triển những căn bệnh trầm kha của xã hội. Nhưng để có một kết luận thực hành, chúng ta phải làm gì?

- Các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm với cuộc sống hôn nhân mình, và phải cho con cái biết rằng hôn nhân là một cuộc sống hạnh phúc. Con cái cần được tận mắt chứng kiến cha mẹ yêu thương nhau, kính trọng nhau. Và cha mẹ cũng cần phải thực tế hoá cuộc sống hạnh phúc ấy bằng chính hành động yêu thương, tha thứ và trách nhiệm của mình.

- Bầu khí gia đình cần được bảo vệ cho ấm cúng, lành mạnh và an toàn. Phần đông con cái bỏ nhà đi hoang không phải vì cha mẹ không có tiền, không có địa vị, hoặc ngay cả cuộc sống đầy đủ về vật chất. Lý do để các em bỏ nhà đi hoang vì không tìm được tình thương và bầu khí vui tươi của gia đình.

- Tuổi trẻ cần được huấn luyện cho biết sự quí trọng của thân xác và trách nhiệm với thân xác của mình. Đây là một quan niệm giáo dục hết sức quan trọng phát xuất ngay từ trong gia đình. Nếu cha mẹ tỏ ra thiếu sự kính trọng dành cho chính thân xác của mình qua cách ăn mặc lố lăng, khiêu gợi, hoặc những chăm lo cho sắc đẹp một cách quá đáng, thì con cái sẽ bị những cám dỗ bên ngoài lôi cuốn và làm mất đi sự kính trọng cần thiết phải có đối với chính bản thân mình. Hậu quả của lối sống này sẽ đưa tới những hành động buông thả, tạo nên những khủng hoảng về những giá trị thật và giả của cuộc sống.

Tóm lại, hôn nhân với ý nghĩa đi liền với trách nhiệm và xây dựng xã hội như một thân thể nhiệm mầu, như một toàn thể mà mỗi gia đình là một tế bào là một quan niệm rất hay phù hợp với tâm lý xã hội, và với tâm lý hôn nhân gia đình. Mặc dù gần đây có một vài khảo cứu cho rằng hậu quả của ly dị không còn nhiều nữa trên con cái, nhưng điều này không chối bỏ được rằng tâm lý cô đơn, mâu thuẫn và bất ổn thường thấy xuất hiện và là một trong những hội chứng tâm bệnh của các trẻ em thuộc các gia đình mà cha mẹ ly dị.

Hôn nhân và mối tương quan của hôn nhân với xã hội cũng có giá trị nếu ta nhìn nói với cái nhìn của tâm lý giáo dục nữa. Thống kê gần đây cho biết thêm là con cái của những cha mẹ ly dị thường có xác xuất ly dị cao hơn. Và một người đã ly dị một lần thường có khuynh hướng sẽ ly dị nhiều lần.

Hôn nhân đưa đến đời sống gia đình. Gia đình đưa tới sinh hoạt xã hội. Hôn nhân và xã hội do đó có một gắn bó rất mật thiết và không thể không có những hậu quả hỗ tương dù là tích cực hay tiêu cực.