11 THÁNG 9 NĂM 2001
NỖI KINH HOÀNG CỦA THẾ GIỚI

 


Trần Mỹ Duyệt
 




Thấm thoát mà một năm qua mau. Mới đó mà biến cố kinh hoàng xẩy ra tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại New York đã được một năm. Nhưng hình như bóng ma kinh dị ấy vẫn quanh quẩn đâu đây, và ảnh hưởng của nó vẫn đang chi phối không riêng cuộc sống người Hoa Kỳ, mà còn cho toàn thể nhân loại trên thế giới. Biến cố này không những chỉ ảnh hưởng đến vấn đề chính trị, mà còn liên quan đến những vấn đề khác như kinh tế, xã hội, và tâm lý người nữa.

Nhìn thấy hai toà nhà cao ốc sụp đổ với những luồng khói bốc cao và lửa cháy, thảy đều thấy kinh hoàng. Đối với một số người thì tưởng chừng như tận thế vậy. Nỗi kinh hoàng lại càng tăng thêm cùng lúc khi nhìn thấy một góc của Ngũ Giác Đài bị sụp đổ, và hình ảnh của một máy bay rơi xuống miền rừng núi của Pensynvania. Cùng một ngày, hơn 4000 người chết và mất tích. Nhờ vào sự nhanh chóng và tinh vi của truyền thông, mọi người hầu như khắp thế giới đều có dịp chứng kiến tận mắt những kinh hoàng và đổ vỡ ấy.

Thật ra thì các nhà tâm lý và xã hội đã có những phân tích và trình bày về hậu quả của biến cố này dưới nhiều góc cạnh như tâm lý giáo dục, tâm lý cộng đồng, và tâm lý trị liệu. Nhưng riêng với tôi, tôi muốn nhìn biến cố này dưới khía cạnh tâm lý tâm linh, theo đó, động lực chính xui đẩy những con người làm nên biến cố này là lòng thù ghét và cuồng tín.

Lửa thù hận cũng như lửa dục tình có một sức mạnh kinh khủng. Nó có thể làm thiêu rụi cả một dân tộc, cả một giống nòi. Đại chiến thứ hai bùng nổ vì lửa thù hận và niềm tin mù quáng vào chủ nghĩa dân tộc mà Hitler khởi xướng tại Đức và của Nhật Bản chủ trương thời đó. Trước đó, cũng có từng loạt và từng loạt người chết vì sự mù quáng của niềm tin tôn giáo, mà hậu quả của các cuộc thánh chiến, viễn chinh thời trung cổ vẫn kéo dài tạo nên những hố chia cách cho đến nay vẫn chưa hàn gắn nổi. Người ta có thể hiểu rằng do lòng căm thù và ghen ghét, do lý tưởng cuồng nhiệt mà một số người đó đã tạo nên sự chết chóc gây kinh hoàng cho cả thế giới trong biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Thật vậy, không hiểu sao nước Hoa Kỳ là một quốc gia từng viện trợ nhân đạo nhiều nhất, từng ra tay cưú giúp nhiều dân tộc trên thế giới nhất, nhưng ngược lại, cũng là một quốc gia bị nhiều sự ghen ghét và thù hận nhất hiện nay. Cả một khối người Hồi Giáo quá khích, và cả một số đông theo chủ nghĩa Cộng Sản còn rơi rớt hiện nay vẫn ra mặt kình chồng và thù ghét Hoa Kỳ. Cũng có thể vì họ ghen tương với sự tiến bộ và thành đạt của đất nước này. Nhưng đó là những vấn nạn thuộc lãnh vực chính trị, kinh tế, và xã hội. Ở đây, người viết chỉ muốn nhấn mạnh đến khía cạnh tâm lý tạo nên sự thù hận, đó là lửa thù hận cộng thêm cơn gió cuồng tín hay những quan niệm sai lầm về tôn giáo.

Thật ra, những gì ta thấy chỉ là những dấu chỉ bên ngoài, vì qua những hành động ấy, ta nhận ra nét độc hại của thù hận và cuồng tín mà thôi. Nhưng trong cuộc sống thường ngày, chính ta cũng là nạn nhân của sự thù hận và cuồng tín ấy; hoặc ngược lại, chính ta lại gây đau khổ cho những người chung quanh mình cũng vì sự thù hận và cố chấp, một hình thức cuồng tín nơi bản thân mình. Sự kiện này cho thấy, chúng ta cần phải nhìn vào biến cố này như một bài học để làm tăng triển mối tương quan giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác, và ngay cả với chính mình.

Thông thường, ta hay có tâm lý bao che và dễ dãi với mình, nhưng lại khe khắt và hẹp hòi với người. Tâm lý ấy làm nẩy sinh sự đố kỵ và lòng thù ghét khi ta thấy ai hơn mình, hoặc may mắn hơn mình. Ngoài ra, lòng thù ghét mà được thổi phồng do cơn gió cuồng tín hay tính cố chấp thì nó sẽ trở thành một cơn cuồng phong với sức phá hủy ghê gớm. Điều này cũng giải thích tại sao có những người giận dỗi nhau hằng năm, hàng tháng. Và cũng giải thích tại sao có những sự thù hận đưa tới hành động thanh toán và trả thù. Nhưng câu hỏi ở đây là liệu chúng ta và thế giới cần phải rút tỉa gì qua bài học 11 tháng 9 năm 2001?

Có nhiều bài học lắm, nhưng bài học truớc tiên và duy nhất mà tôi cho là rất quan trọng là ta phải làm sao tạo được hòa khí với chính mình, với những người chung quanh mình. Bằng cách nào? Bằng sự thông cảm, bằng thái độ hòa hoãn, bằng những tâm tình và phán đoán khách quan. Nhiều khi mình thiếu thông cảm mà lại nghĩ người khác khó khăn hoặc không ưa thích mình. Nhiều khi mình nóng nẩy và đòi hỏi trong khi cho rằng người khác đang nóng giận với mình. Nhất là nhiều khi mình cứ nghĩ rằng mình hơn tất cả và phải làm thủ lãnh tất cả, để rồi hành xử như một kẻ cả. Hoặc ngược lại, mình quá tự ty mặc cảm để rồi cho người khác là những người thiếu trọng kính hay không thân thiện với mình.

Thế giới rồi cũng quên dần biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Nhân loại rồi cũng trở lại những sinh hoạt bình thường, mặc dầu gần đây sự thanh toán và truy lùng mạng lưới khủng bố đang lên cao. Hoặc như truyền thông đang loan tải có những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ thực hiện cuộc chiến chống Iraq vì những đe dọa khủng bố của nước này, và vì nước này đã chế tạo những vũ khí có khả năng giết người từng loạt. Nhưng rồi sao? Nếu cứ thế, thù hận sẽ tiếp nối thù hận, và nhân loại sẽ đi từ những hoang tàn đổ nát này đến những hoang tàn đổ nát khác mà không bao giờ hàn gắn. Bởi vì lửa thù hận đang thiêu đốt tâm tư những con người trong xã hội, và bởi vì sự tin tưởng mù quáng vào những giá trị do chính mình tạo ra. Không nói gì đâu xa, ngay trong cuộc sống gia đình, trong những tương giao với những người cùng hãng xưởng, và lối xóm, nếu cứ để những ngọn lửa thù hận, và niềm tin mù quáng thúc đẩy, ta vô tình cũng trở thành những kẻ khủng bố trong tâm lý và cũng là những nạn nhân của những cuộc khủng bố tâm lý vậy. Một điều hết sức rõ rệt là con người ngày nay và thế giới hôm nay đang phải vật lộn, phải trực diện với sự thù hận ngút ngàn. Chiến tranh, thù hận ở đây, ở đó, và hầu như khắp mọi nơi.

Hãy để cho lửa tình thương, thông cảm và hòa bình sưởi ấm tâm hồn mình, thay cho lửa hận thù và cuồng tín, và thế giới sẽ hưởng thái bình. “Tâm bình, thế giới bình” đó là nhận xét của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Giáo chủ của những tín đồ Phật Giáo. Và lời chúc của Đức Kitô khi Ngài giáng trần qua tiếng hát của thần trời tại đồng quê Bêlêm 2000 năm trước, là: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.