VAI TRÒ LÀM CHA
 



Vai Trò Làm Cha: Cảm Nhận

Vẫn biết vai trò làm cha được bắt nguồn từ vai trò làm chồng và được bắt đầu từ khi có con, thế nhưng, mãi cho đến gần đây tôi mới cảm thấy phần nào ý nghĩa thực sự của vai trò làm cha của mình. Hôm đó, trên một chuyến xe chở cả gia đình đi chơi bằng chiếc Mini Van Mazda, tôi cảm thấy buồn ngủ hầu như không lái được nữa. Theo thường lệ, nhà tôi vốn thay tôi lái xe tiếp, nhưng lần này, đứa con trai lớn của chúng tôi, mới biết lái xe, lần đầu tiên đã lên ngồi vào thay chỗ của chúng tôi để lái xe cho cả nhà thay cho bố mẹ. Chính lúc tôi rời tay lái để con tôi ngồi vào chỗ tài xế thay tôi, tôi liền cảm thấy mình đã đến lúc về hưu, và đã đến thời điểm của thế hệ con tôi, thế hệ sẽ thay bố mẹ là thành phần tiền bối để tiếp tục điều hành các sinh hoạt gia đình và xã hội loài người. “Tre già măng mọc” là thế. Tuy nhiên, dù bấy giờ đứa con mới hơn 16 tuổi của tôi đã có quyền lái xe và có khả năng lái xe, kể cả xe số tay rất giỏi, nhưng theo luật của tiểu bang California, nó vẫn cần phải có người lớn 25 tuổi trở lên ngồi trong xe với nó. Đúng thế, chúng tôi vẫn phải ngồi trên xe với cháu, để bảo đảm cho việc lái xe của cháu. “Cây có gốc, nước có nguồn” là thế.

Hôm ấy, sau khi rời tay lái và ngồi vào chỗ khác của mình trên xe, tôi tự nhiên nghĩ lại mới hôm nào tôi còn tập xe cho con tôi, hay phải chở con tôi đi học cũng như chở cháu đi sinh hoạt thể thao trong trường hoặc đi sinh hoạt xã hội trong cộng đồng, giờ đây, sau gần 6 tháng có bằng lái xe, cháu sắp có thể tự động lái xe đi đây đó một mình được rồi, kể cả việc chở các em của cháu đi học thay cho cha mẹ của cháu nữa. Vai trò làm cha của tôi phải chăng đến đây, đến lúc con tôi tự mình làm được những gì cháu phải làm, cần làm và nên làm, hoàn toàn không cần tôi phải quan tâm lo lắng và hết sức giúp đỡ cháu như hồi cháu còn nhỏ nữa, là tôi hết trách nhiệm làm cha hay sao? Chắc chắn là không. Bởi vì, một khi còn sống, nếu thiên chức làm cha của tôi không bao giờ mất đối với những người con do chúng tôi sinh ra, thì ơn gọi làm cha của tôi cũng sẽ theo tôi cho tới khi, một là tôi qua đi trước các con tôi, hai là chúng qua đi trước tôi. Nói thế chứ, cho dù một đứa nào trong các người con của tôi chẳng may có qua đi trước tôi, vai trò làm cha của tôi đối với đứa con yểu mệnh vĩnh viễn vắng bóng trên đời ấy vẫn còn đó, ở chỗ, tôi không bao giờ quên được cháu, sẽ vĩnh viễn nhớ đến cháu, đến một con người ruột thịt đã do chính chúng tôi sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục bằng tất cả tấm lòng yêu thương chăm sóc của mẹ cha.

Nếu nói đến mẹ là nói đến một cái gì bao la dào dạt, như được nhạc sĩ Y Vân cảm nhận và diễn đạt qua bài Lòng Mẹ bất hủ: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào”, thì nói đến người cha là nói đến một cái gì cao cả trổi vượt, như được diễn tả trong câu ca dao: “Công cha như núi thái sơn”. Với hình ảnh biển dạt dào biểu hiệu cho mẹ tự bản chất vốn thiên về tình cảm, thì núi cao cả biểu hiệu cho cha tự bản chất vốn thiên về nghị lực. Thế nhưng, theo thực tế thiên nhiên cho thấy, nếu nước chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược, nước từ trên núi tuôn xuống đồng bằng, sông ngòi và biển cả thế nào, thì sự sống cũng phát xuất từ người cha đổ vào người mẹ như thế, làm cho người mẹ trở thành phong phú, thành nơi chất chứa sự sống và sản sinh sự sống, một sự sống được hiện hình nơi thành phần con cái. Bởi thế, đối với sự sống là chính con cái mình và nơi con cái mình, người cha bao giờ cũng đóng vai trò đi làm nuôi con cho chúng được sống và được sống một cách dồi dào hạnh phúc, còn người mẹ thường ở nhà trông con, cho chúng chẳng những khỏi bị những nguy hiểm có thể tác hại đến sự sống của chúng, mà còn làm cho cuộc sống của chúng dễ chịu yêu đời nữa.


Vai Trò Làm Cha: Khởi Nguồn

Thế nhưng, sự sống của con người là loài có lý trí và lương tri không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bởi những cảm thức tâm linh xứng hợp với phẩm vị con người cũng như với ơn gọi làm người của họ nữa. Bởi vậy, trách nhiệm của làm cha không phải chỉ đóng vai trò đi làm nuôi con cái của mình cho chóng lớn và khỏe mạnh, mà còn ở vai trò giáo dục con cái mình nữa. Vẫn biết vai trò giáo dục con cái là trách nhiệm của cả cha lẫn mẹ, nhưng, theo bản chất phái tính nam hay nữ của mình, cũng như theo vai trò làm cha hay mẹ của mình, cha mẹ thường có những cách thức hay đường lối giáo dục khác nhau, mẹ thường thiên về tình cảm, thông cảm, thương cảm, còn bố thiên về lý lẽ, luật lệ, nghiêm khắc. Đó là lý do con cái thường sợ bố hơn sợ mẹ, và cũng là lý do người ta thường nói “con hư tại mẹ cháu hư tại bà”. Thế nên, dù cả cha lẫn mẹ đều có quyền giáo dục con cái, song có thể nói giáo dục là khả năng riêng của người cha, vì giáo dục liên quan đến tinh thần và ý thức của con người là những gì hợp với bản chất và khuynh hướng của người cha. Đó là lý do đến đây chúng ta cần nói đến nguồn gốc của vai trò làm cha hay ơn gọi làm cha.

Tuy câu đầu tiên của bài này đã nói “vai trò làm cha được bắt nguồn từ vai trò làm chồng”, nhưng thật ra, sâu xa hơn và chính xác hơn, được bắt nguồn từ phái tính nam nhân của người làm cha. Tại sao? Thưa, tại vì nếu không phải để làm cha thì họ đã không phải là nam nhân, có thể là nữ nhân, và vì không phải là nam nhân, họ cũng không có những cơ phận thể lý và tâm lý khác với nữ nhân, những cơ phận và chức phận xứng hợp với vai trò làm cha của họ. Nói cách khác hay nói ngược lại, chính vì để làm cha mà tôi mới được sinh ra là một nam nhân, với tất cả những gì cần thiết để làm cha, về cả thể lý, liên quan đến bộ phận sinh dục, lẫn tâm lý, liên quan đến nghị lực cương quyết và thái độ nghiêm thẳng của tôi.

Vẫn biết như câu đầu tiên của bài này đã nhận định “vai trò làm cha… được bắt đầu từ khi có con”, nhưng thật ra, sâu xa hơn và chính xác hơn, được bắt nguồn từ chính vai trò làm chồng. Bởi vì, theo sinh lý, nếu không làm chồng, dù không chính thức mà chỉ do bởi một cuộc truy hoan ngoại hôn, một nam nhân sẽ không bao giờ có thể làm cha, kể cả kiểu làm cha theo khoa học bằng cách hiến tinh trùng. Như thế, nếu ơn gọi hay thiên chức làm cha được bắt nguồn hay được tiềm ẩn nơi phái tính nam nhân của người làm cha thì vai trò làm cha của họ được bắt đầu ngay từ giây phút nam nhân thực hiện tác động vợ chồng của họ. Chính vì vai trò làm chồng và làm cha hết sức mật thiết và liên hệ với nhau như vậy nơi cùng một con người nam nhân như thế mà, kinh nghiệm cho thấy, nam nhân nào ý thức và nỗ lực đóng đúng vai trò làm chồng của mình cũng sẽ đóng đúng vai trò làm cha của họ, hay ngược lại, một người cha hết sức yêu thương con cái của mình, sẽ không thể nào hay khó lòng lại trở thành một người chồng lơ là bỏ bê vợ, tệ bạc với vợ, thậm chí phản bội vợ hoặc ly dị vợ. Thế mà, nực cười thay, ở xã hội văn minh về nhân bản và tân kỳ về khoa học kỹ thuật ngày nay, khi ly dị, người ta lại tranh nhau quyền được coi sóc con cái. Vấn đề ở đây là, nếu thực sự hai vợ chồng yêu con cái đến giành nhau như thế, tại sao lại đi đến chỗ ly dị chứ?! Phải chăng trước khi lấy nhau, trước hết và trên hết, họ chỉ nghĩ đến quyền lợi làm vợ chồng, hơn là ý thức vai trò làm cha mẹ của mình? Bằng không, tại sao vừa đụng chạm đến thứ quyền lợi vợ chồng này của họ là họ đã đem nhau ra tòa ly dị, hoàn toàn không “care” gì đến quyền lợi và ích lợi tâm linh của con cái họ.

Bởi thế, vai trò làm cha trước hết được thể hiện nơi vai trò làm chồng, một vai trò đã được chia sẻ ở bài Vai Trò Làm Chồng trước đây, rồi sau đó vai trò làm cha mới được tiếp tục chính thức nơi phận vụ đối với con cái, bắt đầu từ lúc đứa con đầu lòng xuất hiện trong bụng người vợ, đúng hơn bắt đầu từ lúc người chồng hân hoan biết được vợ mình có thai, nhất là vào lúc họ hào hứng ghé tai vào bụng vợ để cố nghe thấy những tác động đầu đời của đứa con mình, dù chưa biết nó ra sao, nam hay nữ, giống bố hay giống mẹ hoặc giống cả hai, đẹp hay xấu, tốt lành hay gian ác, công thành danh toại hay lận đận long đong v.v. Thế rồi tình nghĩa phụ tử được hân hoan và long trọng cử hành khi đứa con đầu lòng lọt bụng mẹ vào đời. Ở chỗ, con người nam nhân lần đầu tiên được làm cha ấy nhìn thẳng vào khuôn mặt của người con, hiện thân của một sự sống phát xuất từ thân thể nam nhân của họ, một sự sống đã được truyền qua tác động họ ái ân với người mẹ của nó chín tháng trước. Dù không biết trước đứa con vừa lọt lòng mẹ đó là ai và như thế nào trước khi nó sinh ra, thậm chí cả tương lai của nó sau này, song không phải vì thế mà nó bởi ngẫu nhiên mà có. Trái lại, khuôn mặt nó không giống bố thì giống mẹ, hoặc giống cả hai, và trong cơ thể của nó mang máu mủ ruột thịt của họ, với những mầm mống di truyền từ họ, cả về thể lý lẫn tâm lý, ngay cả bệnh lý nếu có.

Vai Trò Làm Cha: Thể Hiện

Tuy nhiên, có một phương diện cha mẹ không thể di truyền cho con cái được đó là phương diện về luân lý liên quan đến lương tâm con người. Bởi thế, thực tế cho thấy, có những cha mẹ bê bối (như ham làm ăn kiếm tiền đến bỏ bê con cái, hay ham mê cờ bạc rượu ché, thời trang lãng mạn) song con cái vẫn không bị ảnh hưởng gì hay bị tác hại lắm, hoặc ngược lại có những cha mẹ rất tốt lành lại có những đứa con hư thân mất nết. Đó là lý do, vai trò làm cha, dù trước hết là làm lụng nuôi con, song trên hết là dạy con nên người. Nếu đã làm hết cách theo trách nhiệm làm cha của mình trong việc giáo dục con cái mà đứa con vẫn hư đi, thì người cha đã chu toàn vai trò làm cha của mình. Ngoài ra, cho dù đã vất vả làm ăn nuôi con ăn học, song lại để cho con cái của mình hư đi, hay để chúng trở thành những đứa con mất dậy, thì người cha đã không đóng đúng vai trò của mình, hay đóng thiếu vai trò làm cha của mình. Thế nhưng, trong việc giáo dục con cái nên người, làm thế nào để biết được mình là người cha đã làm hết cách thực hiện việc làm tối quan trọng này, và những cách giáo dục con cái của người cha đã nỗ lực thực hiện và nghĩ là hay nhất đó có thực sự thích đáng và tác hiệu hay chăng, lại là một vấn đề khác, vấn đề liên quan đến nghệ thuật giáo dục là vấn đề sẽ được bàn đến sau, tiếp theo loạt bài về chủ đề hôn nhân và gia đình đang được chia sẻ đây.

Có một điều không thể chối cãi và hết sức phũ phàng ở đây là, một người cha, vì bất cứ lý do nào đó, chẳng hạn vì rượu chè cờ bạc, vì đối xử tệ bạc với vợ, vì nói mà không làm, vì chủ quan cố chấp, vì nóng nẩy hung bạo v.v. đã làm mất thế giá của mình, nghĩa là làm cho con cái không còn tin tưởng và kính phục mình như là một người cha gương mẫu thần tượng của chúng, thì dù chúng có khiếp sợ người cha này đi nữa, thực tế cho thấy kể như người cha ấy đã hoàn toàn thất bại trong việc giáo dục con cái. Bởi vì, giáo dục trước nhất là dạy dỗ những điều hay lẽ phải cho con cái nên người, mà người truyền thụ giáo dục với vai trò làm cha chỉ vì thiếu uy tín lại không bảo được con, thì không phải là người cha chưa đóng đúng vai trò làm cha giáo dục con cái của mình hay sao? Nếu giáo dục là phận sự chính yếu, thuộc khả năng và thẩm quyền của người cha hơn của người mẹ, mà việc giáo dục trước hết là làm sao cho con cái tin tưởng và kính phục mình, thì vai trò làm cha chẳng những được thể hiện nơi vai trò làm chồng, mà còn được thể hiện nơi vai trò làm người của người cha nữa. Người cha phải làm người sống làm sao để người con lúc nào cũng quyến luyến cha, cũng cởi mở với cha, không giấu diếm cha điều gì, bao giờ gặp khó khăn cũng nghĩ ngay đến cha, người duy nhất có thể cứu giúp mình, người làm chúng hãnh diện với bạn hữu của chúng. Như thế, vai trò làm cha được thể hiện sâu xa ở vai trò làm người của người cha.

Trường hợp những người cha muốn lấy lại uy tín và thế giá của mình nơi con cái cũng không có gì là khó cho lắm, nếu họ biết khiêm nhượng hạ mình xuống, dám xin lỗi con cái về tất cả gương mù gương xấu họ đã vô tình hay hữu ý gây ra cho chúng. Nhiều khi chính vì cử chỉ bất thường này của người cha mà con cái lại cảm phục cha mình hơn bao giờ hết. Chúng không ngờ cha mình lại như vậy. Chúng có thể sẽ cảm thấy hết sức hối hận vì đã tỏ ra âm thầm hay ra mặt khinh thường cha và không nghe lời cha của chúng. Tóm lại, vai trò làm cha chẳng những được bắt nguồn sâu xa từ nam tính của người cha mà còn được thể hiện sống động ngay nơi con người danh giá của người cha, một con người chẳng những có khả năng thông truyền sự sống thể lý của mình cho con cái qua việc truyền sinh, mà còn làm cho sự sống ấy trở thành viên mãn trọn hảo nơi con cái mình bằng chính phẩm vị làm người tuyệt vời của mình nữa vậy.

Khi tôi đang viết bài này, đứa con trai lớn của tôi, đứa con tôi đã đề cập đến ở đầu bài, đang ở nhà để sửa soạn vào đại học cuối tháng chín, và đang thích theo dõi các chương trình truyền hình liên quan đến Ngày 11/9/2001, đã tự động đến nói với tôi bằng Việt ngữ rằng, “tí nữa con sẽ rửa xe cho bố”. Thật không gì cảm động và an ủi cho một người bố, cho một người làm cha làm mẹ, khi được nghe thấy từ môi miệng con cái của mình những lời vàng ngọc phát xuất tận đáy lòng hiếu thảo của chúng như vậy. Quả nhiên, cháu đã làm đúng những gì cháu nói. Và khi cháu vừa rửa xe cho tôi xong thì cùng lúc tôi cũng hoàn tất bài viết Vai Trò Làm Cha này.
 



Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh,
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 35, 15/9/2002)



 

HỌC LÀM CHA
 


Trần Mỹ Duyệt

 



Học làm bác sĩ, học làm dược sĩ, học làm nha sĩ, học làm luật sĩ, học làm tiến sĩ; dĩ chí, học làm tu sĩ, giáo sĩ, hay giáo dân, nhưng ít ai đề cập đến học làm cha, học làm mẹ. Điều này dễ hiểu, vì cha mẹ đều có sẵn bản năng để cảm nhận, thương yêu, và săn sóc cho con cái. Do đó, ai cũng nghĩ rằng đã là cha, mẹ là là cha, mẹ, điều này tự nhiên, không cần phải học. Không cần phải trau dồi. Không cần thực tập mới biết cách làm cha, mẹ. Nhưng đó là một tư tưởng và suy nghĩ hết sức chủ quan. Chính do thái độ và suy nghĩ chủ quan này mà đã xẩy ra không biết bao nhiêu thảm cảnh trong gia đình, và đã gây bao nhiêu đau khổ, sai lầm cho các thế hệ tuổi trẻ.

Khi nói “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, người Việt Nam chúng ta hầu như ngầm hiểu rằng do sự gần gũi và thân mật, người mẹ có rất nhiều ảnh hưởng trên người con cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Cũng do ảnh hưởng ấy, khi nói đến các khuyết điểm của người con, tự nhiên ai cũng cho rằng người con được nuông chiều quá mức, hoặc không được dậy dỗ đúng mức do lỗi lầm của người mẹ. Và lời kết luận vẫn là mẹ chiều con quá hóa ra con hư, hoặc mẹ không biết dậy con nên con hư.

Nhưng dậy con, là trách nhiệm chung của cha và mẹ. Trách nhiệm ấy không chỉ riêng cho một người nào. Vẫn theo quan niệm của nền văn hóa Á Đông, nhất là nền văn Việt Nam, người cha, người bố là người trưởng gia đình, là cột trụ của gia đình. Nếu theo quan niệm này, thì trách nhiệm nặng nề của người cha, người bố theo quan niệm văn hóa và truyền thống Việt Nam vẫn là phải lo toan sự nối dõi tông đường của mình bằng cách đào tạo, huấn luyện và hướng dẫn để có những người con sau này xứng đáng là đại diện cho mình, là bóng hình mình tiếp nối trong xã hội. Có lẽ đây là một việc làm tế nhị và khó khăn, nên người cha thường hay bán cái cho mẹ, và dành cho mình phần mà họ cho là quan trọng hơn, tức là lo những việc quan trọng bên ngoài xã hội, lo tài chánh cho gia đình.

Quan niệm người cha là người duy nhất lo tài chánh gia đình đã trở thành lỗi thời, nhất là tại các quốc gia Aâu Mỹ hiện nay. Ngay tại Việt Nam, vai trò lo lắng tài chánh cho gia đình của người đàn ông cũng đang dần dần được suy nghĩ lại. Phụ nữ ngày nay đã minh chứng rằng, họ không những phải chu toàn bổn phận và vai trò làm vợ, mà còn phải chu toàn bổn phận và vai trò làm mẹ. Về mặt văn hóa và xã hội, nhiều phụ nữ ngày nay cũng không thua kém nam giới, kể cả trong lãnh vực nghề nghiệp, công ăn việc làm. Tại nhiều gia đình, lương của nhiều người vợ còn cao hơn người chồng, và ngoài xã hội, vai trò họ cũng cao hơn cả người chồng. Như vậy, tại những gia đình này, ngườ đàn ông phải nói sao về vài trò làm chồng và làm cha của mình, nếu họ vẫn quan niệm rằng người đàn ông là nhất.

Trở lại vai trò làm cha trong gia đình, tôi nhớ lại thập niên 80, khi còn trong chương trình Cao Học, lúc ấy một môn học mà tôi cho là hơi kỳ khôi, và có lẽ chỉ có tại Hoa Kỳ, đó là môn học làm cha, hay làm bố. Học viên phải học qua cách thay tã lót cho con, cách pha sữa và cho con bú. Đồng thời phải học cho biết tâm lý phát triển của đứa bé. Phải biết lúc nào đứa bé khóc vì đói, vì khát, vì tã lót dơ, hay vì bị đau, bị ngứa ngáy trong người. Dĩ nhiên, chúng tôi ai cũng phải học và học cho xong để tốt nghiệp. Nhưng rồi, càng ngày càng cảm thấy rằng môn học như vậy thật là bổ ích. Không phải vì mình biết cách thay tã lót và pha sữa, cho con bú. Nhưng là hiểu và ý thức hơn về vai trò làm cha của mình. Từ sự hiểu biết này cho người đàn ông một nhận xét và thực tế rất rõ ràng rằng, không phải chỉ có người mẹ, mà cả người cha nữa, cả hai đều có trách nhiệm trong việc hiểu biết, giáo dục và lo lắng cho tương lai con cái.

Tâm lý học cho đến nay vẫn thừa nhận có sự xung đột và đôi khi có sự chia rẽ trầm trọng giữa con trai và bố. Và tâm lý học cũng nhận rằng, những đứa trẻ trai vị thành niên thường hay khó chịu và hục hoặc khi chạm trán với bố, ngay cả trong những giao tiếp hằng ngày trong gia đình. Nhưng cũng tâm lý học cho hay, những giờ phút cha con chơi đùa, nhất là chơi những trò chơi với nhau như thể thao chẳng hạn, là những giây phút mà người con học được rất nhiều từ cách thức và lề lối hành động của người cha.

Tóm lại, học để làm một người cha trong gia đình là một môn học khó nhưng đòi hỏi và cần thiết. Tại sao? Tại vì chúng ta chỉ có một lần được làm cha, và con cái chúng ta cũng chỉ có một lần được làm con chúng ta. Những gì chúng ta gieo vào trong tâm tư và suy nghĩ của những người con, chính là những hoa trái mà chúng ta sẽ thâu lượm sau này. Bởi thế, quan niệm chung vẫn cho rằng mỗi một người con chính là “bóng hình” của cha hoặc mẹ, hoặc cả hai trên cõi đời này. Không phải ai cũng là bác sĩ, luật sĩ, tu sĩ, hay giáo sĩ, nhưng đã là cha, chúng ta tất có những bóng hình ấy trong cõi đời này. Vậy chúng ta muốn bóng hình của chúng ta giống chúng ta? Hãy chúng ta muốn bóng hình ấy giống một người hoặc một vật nào khác?

Điều đáng tiếc ở đây, là mặc dù tâm lý hay giáo dục đã nói nhiều và đề cập nhiều đến vai trò người cha trong gia đình, nhưng cho đến nay tại nhiều gia đình vẫn còn mang cái hậu quả của một câu nói rất xưa trong truyền thống gia đình là: “Con không cha như nhà không nóc”. Nhiều gia đình con cái miễn cưỡng sống cảnh mồ côi trong khi cả cha lẫn mẹ còn sống! Đó là hoàn cảnh những gia đình ly dị mà cha một nơi, mẹ một nẻo. Con cái phải côi cút sống với mẹ hay với cha, với cha hay mẹ ghẻ, và lâu lâu tạt về nhà cha hay nhà mẹ. Tôi đã chứng kiến cảnh này nhiều, nhiều đến độ tôi cảm thấy như xúc động nghẹn ngào mỗi khi phải chứng kiến thêm một cảnh tương tư như vậy tại văn phòng mình. Bởi vì, muốn hay không muốn những đứa trẻ ấy sẽ phải tủi hổ và buồn nản lắm, nhất là mỗi khi chúng thấy hoang mang và cần sự giúp đỡ của cha hay của mẹ; đặc biệt, là sự giúp đỡ của người cha.

Cũng có nhiều em, mặc dù cha mẹ vẫn còn đó, sống trong một gia đình, nhưng các em vẫn cảm thấy mình bị mồ côi, đơn độc khi không có sự hiểu biết, thông cảm, và chia sẻ của người cha. Chúng không thấy gì hơn nơi người cha mình, nhưng ngược lại, chỉ thấy những cái làm chúng phân vân và không biết phải suy nghĩ, hành động như thế nào? Thí dụ, thấy cha mình là người nghiện ngập. Thấy cha mình là người cờ bạc. Thấy cha mình là người vũ phu, đánh đập, chửi bới cả mẹ lẫn con. Hoặc thấy cha mình là người bê bối trong lãnh vực tình cảm, lem nhem hay lén lút với người này, người khác. Đó là những tình trạng có thật, và xẩy ra thật trong nhiều gia đình. Còn những câu chuyện không nói ra được với con cái thì sao? Người Do Thái có câu: “Đời cha ăn nho, đời con xún răng”, cũng tương tự câu, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Tóm lại, trách nhiệm và bổn phận người làm cha không phải chỉ là lo cho con ăn no bụng và mặc cho ấm thân, mà là lo cho tâm hồn, cho tương lai con nữa. Người Việt Nam có một câu rất hay mà có lẽ ít người để ý nhớ đến hay thực hành: “Có đức mặc sức mà ăn”. Có lẽ vì ngày nay con người phải vật lộn với quá nhiều sức cuốn hút của vật chất, nên cứ nghĩ rằng mưu mánh, hoặc quyền lực sẽ tạo nên hạnh phúc. Hoặc có thể để lại mấy trăm ngàn, mấy triệu cho con là con mình sẽ hạnh phúc. Nhưng thực tế lại cho thấy rằng, chính những cái ấy là những cái làm khổ và tiêu diệt tương lại con nhanh nhất và hiệu quả nhất. Cũng người Việt Nam ta có câu: “Không ai giầu ba họ, khốn khó ba đời”, vậy thì cái đức kia mới là cái gia tài mà người cha có thể để lại cho con, và đó chính là cốt lõi của vai trò làm cha trong gia đình, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội và ảnh huởng giáo dục của nó. Nhưng làm sao để có cái đức ấy? Câu trả lời đó là:

1. Chung thủy, yêu thương, và trọng kính mẹ của những người con mình: Một nhận xét vừa có tính cách triết lý, vừa có tính cách ứng dụng thực hành là: “Gia tài quí nhất mà người cha có thể để lại cho con mình là thương yêu, kính trọng và thủy chung với mẹ của chúng”.

2. Dành nhiều thời giờ hơn với con: Hầu hết những điều mà con cái phàn nàn về cha mẹ chúng, không phải vì cha mẹ chúng nghèo, không có địa vị xã hội, nhưng là cha mẹ đã lơ là và không quan tâm đến chúng, đặc biệt, khi chúng cần đến.

3. Tôn trọng những giá trị của truyền thống gia đình: Đây là điểm tâm lý ứng dụng, phản ảnh quan niệm: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Nếu người cha là trưởng gia đình, là người mô phạm trong gia đình lại tỏ ra lơ là với những giá trị của đời sống gia đình, thì hành động ấy tự nó đã trở thành một gương xấu sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tương lai con cái.