TÌNH ANH CHỊ EM
 



Những con người làm anh làm chị

Trong thời gian gia đình tôi còn đi coi các nhà kiểu (model home) để mua trong các khu đang xây nhà mới, chúng tôi chỉ chọn coi nhà nào 5 phòng ngủ để đủ chỗ cho số người trong gia đình của chúng tôi. Trước khi bắt đầu dọn vào ngôi nhà ưng ý chúng tôi đang ở hiện nay, vợ chồng con cái chúng tôi dẫn nhau tới coi một lần cuối cùng để dứt khoát về việc sắp xếp đồ đạc và chia phòng. Tất nhiên master bedroom bao giờ cũng là phòng của hai vợ chồng, còn 4 phòng còn lại, 3 phòng giành để cho 3 đứa con chúng tôi và một phòng giành riêng cho khách khứa đến nhà. Theo bình thường thì thằng anh cả sẽ chiếm phòng lớn nhất, vì có nhiều đồ đạc và nhu cầu hơn, còn đứa em gái út mới 10 tuổi sẽ ở phòng nhỏ nhất vì đồ đạc chưa có là bao nhiêu. Thế nhưng, khi chọn phòng, thằng anh cả 16 tuổi bấy giờ đã tự động nói với vợ chồng chúng tôi là con chọn phòng nhỏ nhất, để cho em gái phòng lớn nhất và đẹp nhất. Tình nghĩa anh em là thế.

Chưa hết, trong những thân chủ bị khuyết tật chậm phát triển mental retardation tôi đang phục vụ với tư cách là phối hợp viên chương trình của họ, tôi thấy có 4 trường hợp liên quan đến tình nghĩa anh chị em như sau. Trước hết là hai trường hợp em ở với gia đình chị. Một em trai ở với chị lấy chồng Mỹ và một em gái ở với chị lấy chồng Tầu. Bố mẹ của họ đều đã qua đời. Họ có những người anh chị em khác, nhưng không ai có thể trông coi hai con người chẳng những bị chậm phát triển về tâm trí và còn có những hành vi cử chỉ bất thường behavior problems này cả. Thậm chí hai người thân chủ này của tôi cũng không tham dự chương trình huấn luyện hay huấn nghệ người lớn nào cả, dù chương trình này giành nguyên một người coi sóc riêng cho họ one to one ratio chăng nữa. Ngược lại, hai con người đáng thương tuổi trên 40 hầu như không sống với ai được này lại chỉ sống được với hai người chị này của mình mà thôi. Tôi chẳng những cảm phục hai người chị tràn đầy yêu thương và hết sức nhẫn nại ấy, mà còn khâm phục cả hai người chồng ngoại quốc của họ nữa. Như thế chứng tỏ hai người chị này phải sống làm sao với chồng thì chồng của họ mới chấp nhận để cho hai đứa em của họ ở trong nhà, nhất là để cho họ giành nhiều giờ chăm sóc đủ thứ cho hai đứa em ấy, kể cả việc ăn uống và tắm rửa cho hai con người này.

Ngoài trường hợp của hai người thân chủ ở với chị lập gia đình trên đây, tôi còn có trường hợp hai thân chủ ở với anh chị chưa lập gia đình nữa. Một người em trai ở với anh trai, và một người em trai khác ở với chị độc thân. Khi tôi mới gặp người anh có đứa em chẳng những bị co bại hai tay mà còn bị động kinh và dở chứng nữa, nhiều khi lấn át cả anh mình, anh ta nói với tôi rằng bao giờ mẹ anh ta từ Việt Nam sang anh ta sẽ lập gia đình. Nhưng cho tới bây giờ, sau khi mẹ đã qua cả chục năm nay và đã chết mấy năm rồi, anh vẫn ở vậy nuôi em và chăm sóc đứa em tật nguyền hết sức khó tính này một cách rất nhẫn nại, đến nỗi, dù chửi rũa anh mình, nhưng người thân chủ này của tôi cũng không thể nào bỏ được người anh gần ngũ tuần đã hy sinh cả cuộc đời cho đứa em của mình ấy. Cũng thế, cách đây gần 10 năm, khi tôi mới gặp người thân chủ khác ở với chị thì hai chị em này mới ở Việt Nam sang, và mới bỏ bố ở tiểu bang khác để về California ở riêng với nhau. Vì bố sang Mỹ trước, bỏ mẹ của họ ở Việt Nam để đi lập gia đình khác. Bấy giờ hai chị em này đang trọ ở chung một phòng trong ngôi nhà của một người họ không hề quen thuộc gì cả. Người em câm điếc từ nhỏ với bộ mặt hết sức dị diện, nhưng hai chị em vẫn có cách trao đổi với nhau bằng những thứ ngôn ngữ cử điệu thân quen do chính họ tạo ra mà chỉ có họ mới hiểu được nhau. Người chị bấy giờ chưa nói được tiếng Mỹ, nên phải nhờ hết người này đến người khác để liên lạc với các cơ quan Mỹ, trong đó có cơ quan tôi đang phục vụ. Người chị trẻ duyên dáng dễ thương ở vào tuổi nửa chừng xuân 30 này, sau đó mấy năm, đã cho biết có rất nhiều người muốn tiến đến với cô, nhưng bị dội lại vì đứa em dị diện tật nguyền này của cô. Nhưng cô chỉ biết đến đứa em vô tội đáng thương này của cô, vì ngoài cô ra nó không còn ai nữa…

Trong một xã hội thiên về cá nhân chủ nghĩa, một xã hội mà chính con cái còn không thể chấp chứa cha mẹ trong nhà, làm cho các vị chán nản chỉ muốn trở về Việt Nam, bằng không cũng chỉ còn dưỡng lão viện là thích hợp nhất cho các bậc sinh thành bị chính con cái của mình phũ phàng đào thải này, mà còn có những con người anh chị rất quảng đại dấn thân bao bọc và trọn đời hy hiến để phục vụ cho em mình như thế, thật là hiếm quí và vô cùng cảm động. Trong một xã hội mà chính người mẹ nhẫn tâm giết đứa con trong lòng mình bằng những cuộc phá thai, chính vợ chồng đem nhau ra tòa ly dị bất chấp lợi ích giáo dục đối với cuộc đời của con cái họ, mà còn có những tâm hồn anh chị sáng chói về tình nghĩa như vậy thì không còn gì cao cả cho bằng. Trong một xã hội mà cha mẹ không muốn bị bothered, bị phiền hà bởi đứa con tật nguyền, đã đưa chúng vào group home, vào nhà ở cộng đồng để chính phủ lo thay, mà còn có những cuộc đời anh chị tình nguyện chịu chấp nhận lo cho em mình như vậy thì thật là một chuyện khó tin nhưng có thật. Thế nhưng, cái gì đã làm cho những con người làm chị làm anh này đã dám hy sinh cuộc đời cho em mình như vậy, như những trường hợp điển hình trên đây, nếu không phải trước hết và trên hết, là vì tình nghĩa ruột thịt trong gia đình, sau nữa, là vì chính bản chất của con người làm anh làm chị, và sau hết, là vì ơn gọi làm người sống cho đời nơi những con người làm anh làm chị ấy.

Tình nghĩa ruột thịt trong gia đình

Thật thế, những con người làm anh làm chị gương mẫu điển hình trên đây sở dĩ dấn thân trọn đời cho các người em vô tội đáng thương của mình chắc chắn là vì những con người tật nguyền ấy chính là những người em ruột của họ, cũng từ một lòng mẹ mà ra. Nếu những con người tật nguyền này không phải là em ruột của họ, họ đã không đi đến chỗ hy sinh như thế. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là thế thì tại sao lại có những người anh chị khác không tình nguyện, đúng hơn là không dám hay không chịu thi hành chức vụ làm anh làm chị của mình thay cha mẹ trong việc chăm sóc cho những đứa em vô tội đáng thương của mình? Mà trường hợp đối xử “bay chết mặc bay”, “ai có thân người ấy lo”, nếu không tự lo được thì đã có chính phủ lo này lại đa số và hầu hết. Bởi thế, tình nghĩa ruột thịt trong gia đình cũng chỉ là một phần khiến cho những con người đóng vai anh chị hiếm quí này tiến đến chỗ chấp nhận người em vô tội đáng thương của mình mà thôi, chấp nhận một cách tình nguyện và mãi mãi, chứ không phải vì bất đắc dĩ hay một lúc nào thôi, không bao giờ dám coi em mình là gánh nặng của mình, không khi nào muốn hất hủi họ đi như một cái gì bất hạnh cho bản thân mình, một cái gì ngãng trở, một cái gì cản mũi kỳ đà, cần phải loại trừ, phải vượt qua để có thể và mới có thể thăng tiến cuộc đời.

Không phải hay sao, thực tế đã cho thấy, chính anh em trong nhà đã trở thành kẻ thù không đội trời chung với nhau. Chẳng những vì “tính nết trời cho” nhất là còn vì lợi lộc tư riêng nữa. Lịch sử thế giới nói chung và Trung Hoa hay Việt Nam nói riêng đã không có những triều đại quân chủ bị đẫm máu vì việc tranh giành ngai vàng ngôi báu giữa anh em với nhau hay sao? Chính bản thân tôi cũng có một người em, một người em duy nhất trong các người em vốn hết lòng tôn kính tôi như đại ca của họ, đó là đứa em gái kế tôi, một người em trước kia rất hãnh diện về anh mình trước mặt bạn bè của nó nay lại quay ra thâm hận tôi chỉ vì tôi không về phe nó, bênh vực nó, khi tôi cùng với thày mẹ tôi và các em tôi cách đây mấy năm cố gắng họp lại để phân giải và làm hòa giữa nó với đứa em của nó về vấn đề tranh chấp lợi lộc mà nó cho rằng nó bị em nó ăn hiếp khi nó mới sang Mỹ. Ngày sinh nhật của nó tôi gọi điện thoại mừng, nó không nhấc điện thoại. Tính đến nhà thăm nó, nó không cho. Tặng quà cho các cháu, nó không nhận. Nhưng tôi vẫn thương nó và nói với đứa em gái út vốn hay gọi điện thoại tâm sự với tôi rằng dù chị em có hận anh mấy chăng nữa, anh cũng vẫn thương chị em, và anh sẽ cứ đứng chờ một chỗ, chứ không tức giận quay mặt bước đi, làm cho khoảng cách giữa anh em càng ngày lại càng xa nhau, nhờ đó, một ngày kia, khi chị em tỉnh ngộ có quay lại thì gặp anh ngay.

Bản chất con người làm anh chị

Nếu tình nghĩa ruột thịt trong gia đình, như trên đã nhận định, không phải là nguyên động lực thúc đẩy những con người làm anh làm chị dám tự nguyện hy sinh bản thân và cuộc đời cho những người em của mình, thì phải kể đến yếu tố bản chất của con người làm anh làm chị gương mẫu này. Thật vậy, nếu bản chất của những con người làm anh làm chị này vốn không có lòng thương người, nhất là con người đáng thương ấy lại là chính anh em ruột thịt của mình, thì họ cũng có thái độ lạnh lùng và xa tránh như những người anh chị em khác trong gia đình của họ mà thôi. Họ có thể và có quyền đặt vấn đề là ai cũng có trách nhiệm ruột thịt với người anh em của mình cả, vậy tại sao chỉ có mình tôi phải đứng ra chịu trận.

Trong các thân chủ của tôi còn hai trường hợp nữa như thế này. Trường hợp thứ nhất liên quan đến một thân chủ nữ trên lục tuần, đang ở một nhà trọ cộng đồng của một người Phi Luật Tân làm chủ, lúc nào gặp tôi cũng nói “chán lắm”, rồi lảm nhảm những gì tôi cũng chẳng hiểu. Chị có mấy người em trai, thỉnh thoảng họ cũng đến thăm chị và cho chị quà bánh, nhất là mang đến cho chị các món đồ ăn Việt Nam. Nhưng chị có biết đâu hoàn cảnh của những đứa em của mình, những đứa em chắc vì bất đắc dĩ và có khổ tâm trong gia đình mới không thể chứa chấp chị và coi sóc chị như chị mong muốn. Họ còn để ý đến thăm và cho quà bánh là quí lắm rồi.

Trường hợp thứ hai liên quan đến một thân chủ nữ khác ở vào tuổi giữa 20 và 30, vừa bị động kinh lại bị tâm thần, có những hành động như điên cuồng và nguy hiểm, nên cha mẹ đành phải xin cơ quan chúng tôi đưa con mình đi ở trong một nhà trọ cộng đồng. Sau một thời gian hai năm, thấy con người của nữ thân chủ này trở lại hầu như bình thường và hết sức muốn trở về sống với cha mẹ, chính cha mẹ của cháu cũng thấy như vậy mỗi khi cháu về nhà cuối tuần. Bởi thế, nghe lời tôi đề nghị, ông bà đã nhận lại con mình. Mới về nhà sống với cha mẹ được hai tháng, bà mẹ lại liên tục gọi cho tôi tường trình đủ mọi rắc rối cháu tái giở chứng gây ra cho gia đình vì chứng tật động kinh và tâm thần của cháu. Cuối cùng, sau cả gần chục lần xe cứu thương phải đưa người thân chủ này vào nhà thương tâm thần, dù đứa con của bà luôn năn nỉ bà cho nó ở nhà với ông bà, bà mẹ vẫn dứt khoát xin tôi đưa người con của bà trở lại sống ở nhà trọ cộng đồng như trước. Tôi đành phải nói với bà rằng, vấn đề cần phải giải quyết ở đây không phải là nhà trọ mà là chữa bệnh. Bởi vì, nếu cháu không hết bệnh hay đỡ bệnh thì ở đâu cháu cũng gây rắc rối và cuối cùng cháu lại phải đưa vào nhà thương thôi. Tuy nhiên, qua những lần giao tiếp với cả cha lẫn mẹ của người thân chủ này, tôi có thể biết được nguyên nhân sâu xa tại sao người thân chủ này ở nhà trọ cộng đồng có lợi hơn là ở nhà với cha mẹ, do đó, vì lợi ích của thân chủ hơn là của cha mẹ cháu, tôi đã lo cho cháu trở lại với nhà trọ cộng đồng…

Hai trường hợp tôi vừa đề cập đến trên đây, một giữa em với chị và một giữa cha mẹ với con cái, một phần nào cho thấy bản chất tâm linh của con người là một yếu tố rất quan trọng bất khả thiếu trong việc tỏ tình yêu thương và đối xử với nhau. Bản chất tâm linh của con người chẳng khác gì như bản tính thứ hai, bản tính phụ của họ. Nếu bản tính gồm thân xác và hồn thiêng là hai yếu tố chất thể và mô thể làm nên hữu thể con người thế nào, mà thiếu một trong hai con người một là làm thú vật hai là làm thần thiêng thế nào, thì bản chất tâm linh cũng là yếu tố khiến con người sống động cuộc đời của họ như vậy.


Ơn gọi làm người sống cho đời

Tuy nhiên, bản chất tâm linh hầu như bẩm sinh nơi con người vẫn có thể thay đổi theo hoàn cảnh sống. Thực tế chẳng cho thấy hay sao, bản chất của người mẹ là gì, nếu không phải là yêu thương con cái, hy sinh mọi sự cho con. Thế mà trong thế giới văn minh vật chất và duy thực dụng ngày nay, có những bà mẹ phá thai, hay thậm chí giết con sau khi sinh chúng vào đời, dù đã mang nặng đẻ đau mới có chúng. Bởi thế, nếu tinh thần hy sinh sống cho đời thực sự là ơn gọi của mọi con người sống trên trần gian này, nếu không sống đúng ơn gọi này con người chỉ gặp toàn bất mãn, bất an và bất hạnh, thì quả thực những con người làm anh làm chị gương mẫu điển hình của bốn trường hợp thân chủ của tôi trên đây đã sống trọn ơn gọi làm người của mình, và chính ơn gọi làm người hầu như chỉ ở trong tiềm thức của họ đã có một mãnh lực thôi thúc họ sống bản chất tâm linh nhân bản của họ qua vai trò làm anh làm chị của họ. Đó là lý do, cuộc đời của những con người này có thể là bất hạnh trước mắt đa số người đời, nhưng tự thâm tâm và bản thân họ, tôi nhận thấy họ hết sức an bình và vui sống hơn ai hết. Khi họ vĩnh viễn nằm xuống, dù không ai biết đến, họ vẫn là những con người đã sống trọn kiếp người và làm đẹp cõi đời!

Tóm lại, về tình anh chị em, nếu gia đình là trung tâm yêu thương và sự sống, thì có thể ví các phần tử làm nên gia đình chẳng khác gì như một thân thể, có đầu là người chồng người cha, có thân là người vợ người mẹ, và có tay chân là những người anh chị em trong nhà, thành phần “anh em như thể tay chân” này, vì được mẹ sinh ra, nên chính thức được phát xuất từ thân và trực tiếp gắn liền với thân là mẹ hơn là từ đầu và với đầu là bố. Chưa hết, nếu gia đình là nguồn mạch của tất cả mọi thứ tình yêu thương, và nếu tình yêu vợ chồng được thể hiện ở việc nên một thân thể, tình yêu phụ tử và mẫu tử được thể hiện ở việc hy sinh phục vụ con cái, thì tình yêu anh chị em trong một gia đình được thể hiện ở việc gắn bó đoàn kết với nhau, một tinh thần rất hệ trọng và thiết yếu liên quan đến tình nghĩa vợ chồng và tình yêu đồng loại.

Thật thế, nếu tình nghĩa vợ chồng được thể hiện qua việc nên một thân thể với nhau, thì họ chỉ có thể sống đời vợ chồng với nhau thực sự và trọn đời một khi họ biết gắn bó đoàn kết với nhau. Bằng không, không trước thì sau, không sớm thì muộn, họ cũng sẽ chia tay nhau, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Vì tự bản chất, tình nghĩa vợ chồng gắn bó với nhau như ruột thịt mà, theo văn hóa Trung Hoa và Việt Nam, vợ chồng đã gọi nhau là huynh muội, là anh em, coi nhau như anh em ruột thịt theo duyên nợ.

Ngoài ra, trong thiên nhiên vạn vật, loài người là một con vật có lý trí duy nhất, nhờ đó, họ đã nhận thấy mình là đồng loại của nhau, là một gia đình nhân loại, coi nhau như anh em một nhà: “tứ hải giai huynh đệ”. Vì nhân loại là một gia đình, các quốc gia là anh chị em với nhau, mà lịch sử cho thấy, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, con người “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”. Tình hình thế giới ngày nay, nhờ phương tiện truyền thông xã hội tối tân tiến đã biến thế giới thành ngôi làng hoàn vũ Global Village cũng cho thấy con người văn minh đang tiến đến chỗ toàn cầu hóa đặc biệt về phương diện kinh tế, trước khi tới phương diện chính trị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngay sau biến cố kỷ niệm khủng bố tấn công Hoa Kỳ 11/9 đúng một năm, đã cho thấy, đúng như chủ trương của Quốc Đô Vatican được bày tỏ với giới chính trị cũng như tại Liên Hiệp Quốc, con người cần phải thực hiện việc toàn cầu hóa tình đoàn kết nữa vậy. Bởi vì, chỉ có tình đoàn kết mới không bao giờ biến xã hội loài người thành một bãi chiến trường giành giật, thành một thị trường thương mại đẫm máu, mà là một Mái Ấm Gia Đình, nơi mà các quốc gia là anh chị em với nhau, nước văn minh giầu thịnh biết chia sẻ nâng đỡ các nước chậm tiến nghèo khổ, nơi con người sống văn minh yêu thương và văn hóa sự sống.

 


Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh,
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 38, 6/10/2002)

 



A N H E M
NHƯ THỂ TAY CHÂN

Trần Mỹ Duyệt

 



Để diễn tả mối liên hệ mật thiết giữa những người cùng chung huyết thống, ca dao Việt Nam có câu: “Anh em như thể tay chân”.

Đúng ra phải thêm rằng “anh, chị, em như thể tay chân” mới phù hợp với quan niệm và cái nhìn của con người thời nay. Có lẽ vì theo quan niệm, tập quán trước đây quá đề cao vai trò của nam giới, nên khi nói đến anh thì cũng ngầm hiểu chị. Vì thế, chỉ nghe nói đến anh, mà không có chị: “Anh em như thể tay chân”.

Như vậy ta phải hiểu và nhìn mối liên hệ huyết nhục của anh, chị, em cùng một gia đình như thế nào, khi mà nền tảng gia đình và những liên hệ của gia đình đang bị thử thách và chao đảo. Những tệ trạng xã hội như ly thân, ly dị, ngừa thai và phá thai đang làm xoi mòn và rạn nứt đời sống và sự gắn bó của các phần tử trong gia đình. Cũng từ đó những khó khăn kia lại càng thêm rối rắm và phức tạp, thí dụ, những mối liên hệ giữa anh, chị, em cùng cha khác mẹ, hoặc anh, chị, em kế mà nhiều người thường nói nôm na là “ghẻ”. Khủng hoảng hôn nhân đưa tới những khủng hoảng gia đình. Đời sống gia đình đổ vỡ làm sứt mẻ tình anh, chị, em trong cùng một nhà.

TAY CHÂN CỦA CHA MẸ: Sự gắn bó ruột thịt của anh, chị, em trong một gia đình, trước hết bắt nguồn từ cha mẹ, và từ sự gắn bó với nhau của cùng một huyết nhục.

Mỗi một người con sinh ra là một phần thân thể gắn liền của cha mẹ. Theo di truyền học, thì mỗi người con là một bóng hình hay sự hiện hữu của cha mẹ trên cõi đời này. Không những của chỉ cha mẹ, mà bóng hình ấy còn là một dấu chỉ của ông bà, tổ tiên nữa.

Không ai trong con cái muốn thấy cha mẹ mình thiếu một cánh tay hay một cái chân. Nhưng sự hoàn chỉnh ấy trong lãnh vực tâm lý lại là một vấn đề được đặt ra khi con cái không liên kết mật thiết với nhau qua cha mẹ. Trường hợp này chẳng khác gì người cha hay người mẹ bị cụt hay mất đi một cánh tay, hoặc một cái chân vậy. Rất tiếc trong nhiều gia đìn hiện nay, bằng cái nhìn tinh thần và tâm lý, chúng ta thấy có nhiều cha mẹ không những bị cụt một, mà còn cả hai tay và hai chân nữa. Lý do vì những người con trong gia đình ấy không tìm được di sản và di tính của bố mẹ trong anh, chị, em dưới cùng một mái nhà. Điều này cũng khó trách tuổi trẻ, vì chính cha mẹ đã tạo nên những chia cánh ấy. Ta có thể tìm thấy những vết thương lòng đau đớn ấy trong những gia đình cha mẹ ly thân hay ly dị. Cha hoặc mẹ tiếp tục con đường tình ái của mình bằng những hôn nhân chắp nối để rồi tạo thêm cảnh “con ông, con tôi, con chúng ta” rất phức tạp và đa rạng. Nhiều phụ huynh trong những trường hợp ấy đã tự biện hộ rằng khi lớn lên rồi con cái mình cũng biết là vì sao cha mẹ chúng phải bỏ nhau. Theo tâm lý học, thì đó chỉ là một lối chạy tội và khỏa lấp lương tâm. Nó chỉ chứng tỏ rằng đã có những xáo trộn về bản chất của đời sống hôn nhân và gia đình. Sợi giây tình cảm liên kết giữa anh, chị, em càng trở thành một thách đố lớn lao đối với nhiều em, nhất là khi cha mẹ các em ly dị và lập gia đình với những người khác chủng tộc. Trong nhiều trường hợp tôi đã phải làm việc với những gia đình mà đa số là những gia đình đã ly dị, hoặc hôn nhân chắp nối trong đó 3 hoặc 4 đứa con đều khác mầu da, mái tóc.

Tóm lại, sự gắn bó của tình anh, chị, em trong gia đình hiện nay tự nó đã khó khăn lại càng trở thành phức tạp hơn, thử thách hơn đối với tuổi trẻ. Người ta không thể nói đầy đủ ý nghĩa câu: “Quyền huynh thế phụ” trong bối cảnh sống của nhiều gia đình hiện nay. Bởi vì trong nhiều gia đình ở đó không tìm thấy tính nhất quán và đặc thù, truyền thống như trước đây.

TAY CHÂN CỦA NHAU: Tuy nhiên, khi nói tới ý nghĩa của câu: “Anh, chị, em như thể tay chân”, là nói tới mối liên hệ trực tiếp với nhau của những người được sinh ra bởi một cha mẹ. Họ chính là bóng hình của cha mẹ, và họ cũng là một phần thân thể của nhau nữa. Bởi tính di truyền, và bởi cùng được lớn lên, nuôi dưỡng và hòa đồng trong một môi trường gia đình với nhau.

Trong thực tế, người ta có thể tìm được những mối tình bằng hữu rất tâm đầu ý hợp và rất tri kỷ, nhưng không thể tìm được những đặc tính di truyền và ảnh hưởng tâm lý của hai người bạn thân. Điều này chỉ được tìm thấy trong những người con của một gia đình. Những người mà ta gọi là anh, chị, em trai, hoặc em gái.

Khi còn bé nhỏ, anh, chị, em có thể đánh nhau, tranh giành nhau một miếng bánh, một trái chuối. Nhưng mãi mãi do máu mủ ruột thịt, những người này vẫn là anh, chị, hay em với nhau. Sự gắn bó giữa anh, chị, em một nhà của truyền thống văn hóa Việt Nam đã làm người Hoa Kỳ hết sức ngỡ ngàng vào những thập niên 70 hoặc 80 khi phong trào bảo lãnh những người thân nở rộ. Không những ta bảo lãnh anh, chị, em, mà còn cả cháu, chắt, cô, dì, chú, thím. Điều này đã làm cho những nhân viên di trú hay nhập tịch của Hoa Kỳ mất rất nhiều thời gian học hỏi và làm quyen với truyền thống gia đình của người Việt Nam. Nhiều người Hoa Kỳ đã thắc mắc và tự hỏi, tại sao phải mất công bảo lãnh những người con trai, con gái đã lớn trên 18 tuổi. Tại sao lại phải bảo lãnh đứa cháu nội, cháu ngoại mà ba hay má chúng đã qua đời tại Việt Nam. Và tại sao lại phải bảo lãnh anh, chị, em và gia đình những người này. Đó cũng là do mối tình ruột thịt và huyết nhục của truyền thống gia đình Việt Nam đến từ ý nghĩa của câu: “Anh em như thể tay chân”.

Chúng ta rất có thể sống khoẻ, sống thoải mái khi mất một cánh tay, mất một bàn chân, hoặc mất cả hai tay và hai chân. Nhưng chúng ta không thể sống hạnh phúc hoàn toàn khi thấy anh mình, chị mình, em mình và các cháu mình khổ. Và chúng ta cũng không có thể tìm thấy một sự hài hoà, tình chân nơi một ai khác thay thế tình anh, chị, em một nhà. Tóm lại, anh, chị, em như thể tay chân là một quan niệm và triết lý sống lột tả cách chân tình, tha thiết và gắn bó của anh, chị, em cùng một nhà, cùng một cha mẹ sinh ra, và mang cùng một huyết thống.

Đưa ra đề tài này, chúng tôi không mong gì hơn là làm sao để truyền thống giáo dục và gia đình Việt Nam mãi sống trong tâm huyết tuổi trẻ Việt Nam. Và làm sao để truyền thống gia đình Việt Nam mãi là chất xúc tác, chất keo sơn gắn liền tình anh, chị, em cùng một nhà. Aũnh hưởng xã hội tại các quốc gia tân tiến hiện nay đang là một thách đố lớn cho tinh thần gắn bó và đoàn kết này. Nhưng xét theo một mặt khác, chính nó sẽ là một cơ hội làm trưởng thành và bền chặt hơn tình anh, chị, em thắm thiết.