Tâm Thức Triết Học
 



Hiện tượng đế quốc chẳng những cho thấy con người phi nhân bản hoàn toàn phản lại chính mình trong đời sống xã hội mà còn chứng tỏ nội tâm con người chưa sống thực với mình, ở chỗ, như đã luận minh, con người chưa biết mình cũng như chưa sống đúng với thân phận lẫn vị thế làm người của mình. Thế nhưng, nếu con người không tỉnh táo, không biết mình làm gì, thì về phương diện văn minh khoa học, lịch sử đã không cho thấy con người càng ngày càng “làm chủ trái đất” như hiện nay, nhất là, về phương diện nhân bản, con người đã không càng ngày càng nhận thức được, đặc biệt kể từ ngày Liên Hiệp Quốc công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế 10/12/1948, các quyền lợi bẩm sinh bất khả vi phạm của mình, cùng với các nhiệm vụ không thể miễn trừ của mình theo như công ích đòi hỏi cho một xã hội an vui thái hòa.
Nếu kỹ thuật tối tân tiến, với những sáng chế được căn cứ vào những khám phá khoa học, là những gì chứng thực kiến thức khoa học là xác thực, không sai lầm, như trường hợp Sao Chổi Halley năm 1758 đã chứng thực Định Luật Trọng Lực Newton hoàn toàn chính xác thế nào, thì triết lý của con người cũng thế, nó chỉ hoàn toàn đúng với sự thật, một khi nó có thể hướng dẫn con người sống đúng với thân mệnh làm người của họ. Như thế, nếu lịch sử của loài người trên mặt đất này là một hiện tượng đế quốc không ngừng nghỉ, một hiện tượng cho thấy con người muốn làm chủ nhau hơn là muốn làm anh em của nhau như trong một gia đình, thì cần phải xét lại giòng tư tưởng của con người về triết học từ trước tới nay, nghĩa là về những gì con người nghĩ về mình cũng như về tạo vật, nhất là kể từ thiên kỷ thứ hai vừa rồi.

Triết Lý Đông Tây

Cũng như khoc học, một lãnh vực được phát xuất từ Châu Âu thế nào, thì cũng có thể nói rằng, triết học thuần lý đã phát xuất từ Âu Châu như thế. Thật ra, vì triết học liên quan đến suy tư và lập luận của con người là con vật có lý trí, nên triết lý đã có ngay từ khi con người hiện hữu, bởi con người hết sức muốn biết được bản chất lẫn căn nguyên chẳng những của chính mình mà còn của cả vũ trụ chung quanh mình như thế nào nữa. Nhìn lại lịch sử Khoa Triết Lý nói chung, người ta thấy có các lãnh vực chính yếu như lãnh vực siêu hình (metaphysics), lãnh vực tri thức (epistemology), lãnh vực luận lý (logic), lãnh vực luân lý (ethics), lãnh vực tâm lý (psychology) v.v.

Thế nhưng, trong khi Triết Lý Á Châu nói chung và Triết Lý Á Đông được gọi gọn là Triết Đông nói riêng thiên về tâm linh đạo lý thì triết lý Âu Châu, được gọi chung là Triết Tây, lại có khuynh hướng rõ ràng về lý lẽ siêu hình.

Một đặc tính nổi bật của Triết Tây nữa là, trong khi Triết Đông là loại Triết Tĩnh, hầu như vững vàng, không thay đổi, thì Triết Tây lại là loại Triết Động, loại triết mang đầy những biến hóa và xung khắc, một loại triết làm phát sinh một thứ văn hóa Tây Phương, một thứ văn hóa theo đà phát triển kinh tế đang ảnh hưởng rất mạnh đến chung thế giới, và cũng là một thứ văn hóa đang gây khủng hoảng khắp nơi, hầu như nó muốn làm bật hết gốc rễ căn tính của con người lên.

Thế nhưng, ngay chính phần thế giới (Âu Mỹ) đang sống trong một thứ văn minh khoa học kỹ thuật tối tân tiến hiện nay về vật chất lại là phần thế giới có những con người đang hướng chiều và cảm thấy cần phải tìm về hội nhập với Triết Lý Á Châu để có thể sống còn trong cơn phá sản tâm linh kinh hoàng đang diễn ra trên khắp thế giới hiện nay, một việc hội nhập văn hóa như được thấy, về tư tưởng, có Phong Trào Tân Thời (New Age Movement), và về thực hành, có Phương Pháp Thực Tập Yoga của Ấn Giáo v.v.

Triết Đông

Riêng về Triết Đông, chúng ta thấy có hai thứ triết nổi bật, đó là Triết Trung Hoa và Triết Ấn Độ. Trong khi Triết Ấn Độ dường như có xu hướng thiên về tâm linh, về đạo giáo, như Ấn Giáo (Hinduism) và Phật Giáo (Buddhism), thì Triết Trung Hoa thiên về xã hội, về hoạt động.

Triết Ấn Độ nói chung chủ trương con đường cứu độ để con người được giải thoát khỏi “đời là bể khổ”, một cuộc đời đầy khổ ải nơi cả thể lý lẫn tâm lý, bằng cách diệt dục là “tham, sân, si”, những căn nguyên gây ra khổ lụy. Tuy nhiên, cho tới khi chết nếu con người vẫn chưa hết “tham, sân, si”, họ còn cần phải đầu thai luân hồi hết kiếp này đến kiếp khác cho tới khi sạch hết nghiệp kiếp của mình họ mới được hoàn toàn giải thoát, mới được vào cõi Niết Bàn cực lạc.

Về Triết Trung Hoa, thật ra có hai trường phái triết khác nhau, thậm chí hoàn toàn đối nghịch nhau, đó là Triết Khổng (Confucianism) và Triết Lão (Taoism). Tuy nhiên, trong khi Triết Lão chủ trương vô vi, sống thảnh thơi theo định luật thiên nhiên, thích qui ẩn giang hồ, luôn lánh xa vòng tranh đoạt lợi danh, thì Triết Khổng ngược lại chủ trương dấn thân vào đời, để canh cải xã hội, bằng đường lối tu luyện bản thân và tham gia việc nước, theo châm ngôn “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Riêng về vấn đề tu thân là điều kiện căn bản nhất để có khả năng và tư cách canh cải xã hội, theo Triết Khổng, nữ giới cần phải giữ tứ đức tam tòng là “công, dung, ngôn, hạnh” và “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, nhất là nam nhi trượng phu quân tử cần phải thực hành tam cương ngũ thường là “quân, sư, phụ” và “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.
Theo lịch sử, vì chủ trương canh cải xã hội như thế mà trong xã hội nói chung và chính trường quan lại nói riêng, Triết Khổng được thịnh hành hơn, chẳng những ở trung Hoa, mà còn ở các nước Á Đông nữa, như Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam v.v. Thậm chí Triết Khổng này chẳng những đã trở thành giáo khoa thi bảng mà còn trở thành kiến thức phổ thông của nhân gian nữa. Ai thông Triết Khổng được kể vào hàng trí thức, khoa bảng. Triết Khổng thật sự đã trở thành những gì người ta gọi là “luân lý Á Đông”, khi so sánh với luân lý Tây Phương hay khi sống trong môi trường văn hóa Tây Phương.

Triết Tây

Triết Tây thường được chia ra làm ba giai đoạn, cổ thời (ancient), trung thời (medieval) và tân thời (modern). Giai đoạn cổ thời của Triết Tây, từ trong thời khoảng bách niên 600 BC (giai đoạn đồng thời với Triết Đông ở Trung Hoa và Phật Giáo ở Ấn Độ), cho tới thời khoảng bách niên 400 AD, một giai đoạn hoàn toàn diễn tiến ở Hy Lạp vì được bắt nguồn từ đây. Giai đoạn trung thời của Triết Tây kéo dài hơn 1 ngàn năm, từ thế kỷ thứ 5 tới thế kỷ 17. Và giai đoạn tân thời từ thế kỷ 17 tới hiện đại.

Triết Tây: giai đoạn cổ thời

Giai đoạn Triết Tây cổ thời bao gồm ba đại triết gia Hy Lạp là Socrates, Plato và Aristote. Đến nỗi, những tư tưởng triết lý của họ về siêu hình, khoa học, luận lý và luân lý chẳng những chi phối tư tưởng của Âu Châu mà còn ảnh hưởng cho tới con người ngày nay.
Socrates không để lại một văn tự nào. Tuy nhiên, qua môn sinh Plato của ông, chúng ta biết được tư tưởng và phương pháp suy tư của ông. Ông sống ở Nhã Điển và dạy học ở phố chợ hay ở vận trường. Ông dạy bằng phương pháp vấn đáp. Ông cố gắng nêu lên một định nghĩa chính xác về một vấn đề trừu tượng nào đó, như về kiến thức, nhân đức, công lý hay khôn ngoan. Phương Pháp Socrates bao gồm những câu vấn gợi ý hay vặn ý như “quí vị có ý nói gì?”, “làm sao quí vị biết được?” v.v.

Plato cho rằng con người không thể hiểu biết sự vật qua các giác quan, vì đối tượng của các giác quan luôn thay đổi và nông nổi, mà chỉ có được một kiến thức thực sự qua những gì bất biến, như chân, thiện, mỹ, những gì được nhận thức bởi trí khôn, những thứ bất biến được ông gọi là những lý tưởng (ideas) hay những mô thức (forms). Theo ông, chỉ có những lý tưởng mới là những gì thật, mới là những gì có thật, còn những thứ khác chỉ phản ảnh những lý tưởng này mà thôi. Bởi thế triết thuyết của ông được gọi là lý tưởng thuyết (idealism). Đối với ông, ý tưởng quan trọng nhất là ý tưởng về sự thiện, và kiến thức về sự thiện là là đối tượng của tất cả mọi thứ tìm cầu, là mục đích các thứ phụ thuộc cần phải nhắm đến. Ông cho rằng đời sống tuyệt vời nhất là đời sống chiêm ngưỡng những chân lý vĩnh hằng. Tuy nhiên, ông cho rằng những ai đạt tới mức độ này cần phải trở về với cuộc sống thường nhật và đem kiến thức ra phục vụ xã hội. Ông chủ trương linh hồn con người bất tử, chỉ có thân xác mới chết mà thôi, một chủ trương rất hợp với Kitô giáo.

Aristote là đệ nhất đại môn sinh của Plato và là người đã viết hầu như về hết mọi vấn đề trong thời của ông, nhất là vấn đề được ông nghiên cứu và gọi là “đệ nhất triết học” (first phylosophy), môn sau này được gọi là siêu hình học. Ông đã thiết lập một hệ thống triết học sơ khởi. Ông tin rằng tất cả mọi sự theo bản chất đều có mục đích nào đó. Theo triết lý của ông thì bản chất của mỗi vật được ấn định bởi mục đích của nó, và tất cả mọi sự tìm cách hoàn trọn bản chất của mình bằng việc thi hành mục đích của mình. Phương pháp tìm cầu kiến thức của ông là ở chỗ bắt đầu từ những gì đã biết hay nghĩ rằng mình biết được với những câu hỏi được đặt ra như làm sao lại như thế, cái đó nghĩa là gì và tại sao lại như vậy v.v. Về siêu hình học của mình, ông đã nghĩ ra được “nguyên lý đệ nhất” (first cause), tức một thực tại không do bất cứ một sự gì tạo nên và là nguồn gốc tối hậu cho vấn đề hiện hữu. Về luân lý ông cho rằng hạnh phúc không phải là được thỏa mãn mà là ở tại hành động nhân đức, một hành động chiết trung chứ không thái quá. Hạnh phúc trên hết đối với ông là việc chiêm ngưỡng của trí khôn.

Các trường phái triết lý hậu Aristote. Trường phái Stoic và Epicureanism xuất hiện sau khi Aristote qua đời năm 322 BC. Cả hai trường phải này chủ trương rằng mục đích của kiến thức là để con người có thể tiến đến một đời sống tốt đẹp nhất (về đức hạnh theo trường phái Stoic do Zeno ở Citium khởi xướng), và thoải mái nhất (về lạc thú theo trường phái Epicureamism do Epicurus khởi xướng). Trường phái Skepticism, đồng thời với hai trường phái trên, do Pyrrho ở Elis khởi xướng, chủ trương rằng con người không thể biết được gì cả, cảm quan chỉ đánh lừa con người mà thôi, bởi thế tất cả những gì con người cho rằng mình biết đều là những gì sai lầm, do đó, cần phải khách quan đối với tất cả mọi sự, đừng phán đoán gì hết. Trường phái Neoplatonism, do Plotinus khởi xướng, chủ trương rằng linh hồn con người mong được tái hiệp với Thiên Chúa, tức được ở trong tình trạng hưởng phúc kiến là tình trạng chỉ có thể đạt được bằng cảm nghiệm thần bí. Trường phái cuối cùng này chẳng những đã liên kết triết lý Hy Lạp với linh đạo Kitô giáo, mà còn gợi lên cho thấy những chân lý quan trọng chỉ có thể nhận thức bởi đức tin và do Thiên Chúa tác động chứ không phải bởi lý trí.

Triết Tây: giai đoạn trung thời

Trong giai đoạn trung cổ này, Triết Tây được khải triển như là một phần của khoa thần học Kitô giáo, hơn là một ngành triết học độc lập. Hai đại triết gia Kitô giáo nổi bật nhất và tiêu biểu nhất trong giai đoạn trung cổ này là Âu Quốc Tinh (Augustino) và Thomas Aquinas. Triết gia trước thiên về triết lý nhân sinh và triết gia sau chuyên về triết lý kinh viện (scholasticism).

Âu Quốc Tinh (354-430). Hai tác phẩm lừng danh nhất trong vô số các tác phẩm về triết lý của đại triết gia Âu Quốc Tinh là Tự Thú (Confession) và Thiên Đô (The City of God). Với cuốn Tự Thú, vị triết gia này xác tín và tuyên nhận cảm nghiệm của mình là lòng trí con người được Thiên Chúa dựng nên cho Ngài nên con người chỉ thôi khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài mà thôi, một xác tín tóm tắt tất cả cuộc đổi đời hoàn toàn trở về nguồn chân thiện mỹ, sau thời gian mấy chục năm hoang đường theo sắc dục và mộng tưởng của bản thân mình. Với cuốn Thiên Đô, vị triết gia này đã giải thích về cuộc xung khắc giữa thành phần Kitô hữu trung nghĩa sống trong thành đô của Thiên Chúa với thành phần dân ngoại và lạc giáo sống trong thành đô của thế gian. Theo vị triết gia Kitô giáo này thì những ai sống trong thành đô của Thiên Chúa sẽ được cứu độ còn những ai sống trong thành đô của thế gian sẽ bị trầm luân muôn đời. Tác phẩm Thiên Đô đã chẳng những làm suy yếu niềm tin vào tôn giáo dân ngoại của Rôma mà còn giúp vào việc truyền bá Kitô giáo nữa.

Thomas Aquinas (1225-1274). Vị đại triết gia kiêm thần học gia Kitô giáo này là một trong những triết gia kinh viện nổi tiếng nhất thời trung cổ. Triết học kinh viện là loại triết học sử dụng phương pháp nghiên cứu triết học được các giáo sư áp dụng tại các đại học đường mới thành lập ở Tây Âu. Phương pháp triết học kinh viện này bao gồm việc phân tích chính xác, thường theo kiểu lập luận diễn dịch (deductive reasoning, từ nguyên tắc đến kết luận), những ý niệm bằng việc phân biệt cẩn thận các ý nghĩa khác nhau của những ý niệm ấy. Triết học kinh viện này phát xuất từ việc chuyển dịch các tác phẩm của Aristote sang tiếng Latinh, ngôn ngữ của Giáo Hội Chúa Kitô thời đó. Những việc chuyển dịch này đã giúp cho các tư tưởng gia tiến đến chỗ giải quyết vấn đề hòa hợp giữa hệ thống tư tưởng triết học của Aristote với Thánh Kinh và giáo huấn Giáo Hội. Bộ Tổng Luận Thần Học (the Summa Theologica) đại tác phẩm của vị triết gia kiêm thần học gia Kitô giáo Thomas Aquinas là tất cả những gì tiêu biểu cho chủ trương, nội dung và phương pháp về triết học kinh viện thuộc thời trung cổ của Triết Tây vậy.
Triết Tây: giai đoạn tân thời

Chuyển tiếp từ giai đoạn trung thời sang giai đoạn tân thời của Triết Tây là Thời Phục Hưng (Renaissance) ở Âu Châu, kéo dài từ khoảng 1300 đến 1600. Gọi là thời phục hưng vì trong giai đoạn này xẩy ra một cuộc tái thức tỉnh về tri thức phát xuất từ văn hóa Hy Lạp và Rôma cổ thời. Trong giai đoạn phục hưng này, đã xẩy ra những tiến bộ nơi những khoa học như thiên văn, vật lý và toán. Trong khi đó các học giả mang danh xưng nhân bản nhấn mạnh đến vấn đề học biết về con người và học hỏi văn chương cổ như những gì chỉ đạo cho cuộc sống. Thế là phong trào kinh viện xuống dốc và triết lý bắt đầu thoát ly thần học thời trung cổ.

Một trong những triết gia ủng hộ phương pháp khoa học và được coi là sáng lập viên Tây Triết Tân Thời là Francis Bacon (1561-1626) ở Anh quốc, người đã viết hai tác phẩm gây nhiều ảnh hưởng là The Advancement of Learning (1605) và Novum Organum (1620). Ông chủ trương rằng kiến thức là một quyền năng và kiến thức chỉ có thể chiếm được bằng phương pháp truy tầm suy diễn (inductive method) mà thôi.

Trong giai đoạn tân thời của Tây Triết, ngoài Thời Phục Hưng chuyển tiếp còn có cả Thời Minh Tri (the Age of Reason hay the Enlightenment, kéo dài từ thời khoảng bách niên 1600 cho đến cuối thời khoảng bách niên 1700. Các triết gia trong thời này chú trọng tới khả năng của lý trí, hầu như có khuynh hướng chống lại việc cậy dựa vào thần quyền Giáo Hội hay Mạc Khải thánh kinh. Đối với họ, lý trí có thể đạt tới chân lý về thế giới này và biết cách tổ chức xã hội loài người hầu mang lại phúc hạnh cho con người. Những triết gia dẫn đầu trong Thời Minh Tri này phải kể đến John Locke (Anh quốc), Descartes (Pháp), Berkeley (Ái Nhĩ Lan), Hume (Tô Cách Lan), nhóm triết gia Pháp mang danh xưng Philosophes, nhất là Jean Jacques Rousseau, Voltaire, Denis Diderot.

Tư tưởng triết lý của John Locke (1632-1704) đã cho thấy tất cả đặc tính của Thời Minh Tri này. Ông đã tìm cách chứng tỏ cái giới hạn của kiến thức con người và khám phá ra cái kiến thức giới hạn của con người có thể giúp vào việc hướng dẫn đời sống và tác hành của họ. Theo ông, con người phải sống theo nguyên tắc khoan hòa, tự do và các thứ quyền lợi tự nhiên. Hai Luận Đề Về Chính Quyền của ông (1690) đã trở thành cơ sở lý lẽ cho hai cuộc cách mạng lớn trên thế giới, hai cuộc cách mạng quyết liệt đã làm thay đổi hẳn bộ mặt chính trị thế giới từ đó đến nay, đó là cuộc Cách Mạng Độc Lập ở Hoa Kỳ năm 1775 và cuộc Cách Mạng Dân Chủ ở Pháp năm 1789.

Tây Triết giai đoạn tân thời bao gồm những trường phái chính yếu như duy lý thuyết (rationalism), tiêu biểu với René Descarte, Baruch Spinoza và Gottfried Leibniz; duy nghiệm thuyết (empiricism), với John Lock, George Berkeley và David Hume; siêu việt thuyết (transcendentism) do Immanuel Kant khởi xướng ở Đức; duy vật thuyết (materialism), với Friedrich Hegel và Karl Marx ở Đức; thực dụng thuyết (utilitarianism), với Jeremy Bentham và John Stuart Mill ở Anh; hiện tượng thuyết (phenomenology) với Edmund Husserl ở Đức; và hiện sinh thuyết (existentialism) với Jean Paul Sartre ở Pháp.

Duy lý thuyết (rationalism): chủ trương lý trí quan trọng hơn kinh nghiệm vì nó là nguồn mạch của kiến thức, cũng như chủ trương tính cách vững chắc của nhận thức cảm giác cần phải được chứng thực bằng một số nguyên tắc. Theo duy lý thuyết, bản chất của thế giới và của thực tại được xác định bằng chính những tiền nghiệm thức (a priori).

René Descarte (1596-1650) là một nhà toán học và là một triết gia, rất quan tâm đến nền tảng của chung các khoa học và của riêng toán học. Bởi thế ông chú trọng đến nền tảng của kiến thức và đã đặt ra một số công thức như: “cogito, ergo sum” (tôi suy nghĩ vậy là tôi hiện hữu), “bất cứ những gì được nhận thức một cách rõ ràng và biệt lập đều xác thực”.

Baruch Spinoza (1632-1677) kiến tạo một hệ thống triết lý theo khuôn thức hình học. Ông cố gắng rút ra những kết luận triết học từ một số định luật và định đề chính. Ông đồng hóa Thiên Chúa với vũ trụ. Ông coi mọi sự trong vũ trụ này như những gì đã được ấn định. Nhưng ông mong muốn mọi người được tự do và sống một đời thoải mái trong một thế giới đã được ấn định.

Gottfried Leibniz (1646-1716) coi thế giới thực sự này chỉ là một trong nhiều thế giới khả thể khác. Ông cố gắng chứng tỏ thế giới thực sự này là thế giới tốt đẹp nhất trong những thế giới khả thể, bằng việc biện minh cho đường lối của Thiên Chúa đối với loài người. Bởi thế ông cố gắng giải quyết vấn đề Thiên Chúa tốt lành và toàn năng lại tạo dựng nên một thế giới tràn đầy khổ đau và sự dữ.

Duy nghiệm thuyết (empiricism) chủ trương kinh nghiệm và nhận thức cảm quan là nguồn mạch và là nền tảng cuea kiến thức.

John Lock (1632-1704) cố gắng xác định nguồn gốc, phạm vi và tính cách vững chắc của kiến thức con người trong tác phẩm An Essay Concerning Human Understanding (1690). Ông cho rằng không có vấn đề tư tưởng bẩm sinh. Ông tin rằng khi con người sinh ra thì trí khôn của họ như một tờ giấy trắng. Do đó, kinh nghiệm là nguồn mạch của tất cả mọi ý nghĩ và kiến thức.

George Berkeley (1685-1753) đặt vấn đề: “Nếu bất cứ những gì con người biết được chỉ là một tư tưởng thì làm sao họ có thể bảo đảm là có một cái gì đó trên thế giới này tương hợp với tư tưởng đó?”, rồi giải quyết: “cái có là cái được nhận thấy”. Theo ông, không vật nào hiện hữu trừ phi nó được nhận thấy bởi một trí khôn nào đó. Các vật thể đều là những ý tưởng trong trí khôn và không hiện hữu biệt lập.

David Hume (1711-1776) khai triển triết thuyết của Locke và Berkeley đến độ liên tục ngờ vực về hết mọi sự. Ông chủ trương rằng mọi sự trong trí khôn bao gồm những thứ ấn tượng và ý tưởng, những ý tưởng phát xuất từ những ấn tượng. Bởi thế, một tư tưởng rõ ràng nếu không có vết tích ấn tượng đều vô nghĩa.
Siêu việt thuyết (transcendentism) do Immanuel Kant (1724-1804) khởi xướng ở Đức, người đã bị kích thích bởi ngờ vực thuyết (skepticism) của Hume và cố gắng hóa giải giữa duy lý thuyết và duy nghiệm thuyết.

Trong cuốn Critique of Pure Reason (1781) của mình, ông đã bàn đến vấn đề quyền hạn và giới hạn của lý trí con người, xác định những gì con người hữu tri và những gì bất khả tri. Ông đã kết luận là trí khôn chỉ có thể hiểu biết những gì thấy được chứ không thể hiểu được những gì nội tại nơi chúng.

Ông cho rằng trí khôn đóng vai trò chủ động trong việc hiểu biết chứ không phải chỉ thụ động ghi nhận những dữ kiện của giác quan mà thôi. Trí khôn chủ động hiểu biết nhờ những loại hay thể thức căn bản của hiểu biết hoàn toàn biệt lập với kinh nghiệm và là những gì cần thiết làm cho kinh nghiệm có ý nghĩa.

Chúng ta có được kiến thức về những gì cảm nghiệm thấy, nhờ những thể thức và tác động của trí khôn, dựa vào cảm nghiệm của giác quan. Ông phủ nhận lập luận chứng minh Thiên Chúa hiện hữu theo kiểu cổ, vì ông cho rằng những chứng minh ấy vượt ra ngoài khả năng của kinh nghiệm, do đó cũng vượt ra ngoài khả năng của trí khôn con người.

Duy vật thuyết (materialism): Đề cao yếu tố vật chất trên yếu tố tâm linh nơi siêu hình học, nơi sinh thể học, nơi giá trị thuyết, nơi lịch sử diễn nghĩa v.v.

Friedrich Hegel (1770-1831) phát triển một lý thuyết về sự biến đổi của lịch sử được gọi là biện chứng thuyết (dialetic), trong đó, cuộc xung khắc giữa những gì đối địch nhau đưa đến việc kiến tạo nên một thứ hiệp nhất mới để rồi sau đó tiến với chỗ nghịch chống nhau.

Karl Marx (1818-1883) đã biến biện chứng thuyết của Hegel thành duy vật biện chứng thuyết (dialectical materialism). Ông chủ trương rằng chỉ có vật chất mới là những gì có thực. Tất cả mọi ý tưởng đều được xây dựng trên nền móng kinh tế. Ông tin rằng biện chứng thuyết về cuộc xung khắc giữa những nhà tư bản và những kỹ nghệ viên lao động sẽ dẫn tới chỗ thiết lập cộng sản thuyết được gọi là chủ nghĩa xã hội để làm thể chế kinh tế và chính trị.

Thực dụng thuyết (utilitarianism): Jeremy Bentham (1748-1832) và John Stuart Mill (1806-1873) chủ trương rằng hạnh phúc nhất đối với nhiều người nhất là việc thử nghiệm đúng hay sai. Bởi thế, họ lập luận rằng tất cả mọi cơ cấu đang hiện hữu, nhất là luật lệ và chính quyền, cần phải được biến đổi để làm thỏa đáng việc thử nghiệm cái hạnh phúc nhất này.

Hiện tượng thuyết (phenomenology): Edmund Husserl (1859-1938) chủ trương rằng hiện tượng, tức các đối tượng của kinh nghiệm, thực sự và biệt lập với tất cả mọi giả thuyết của khoa học. Trong cuốn Ideas Toward a Pure Phenomenology and Phenomenological Philosophy, ông cho rằng con người khi tìm hiểu những vấn đề “chung quanh” đời sống thì lại khám phá ra “những yếu tính” của các hiện tượng.
Hiện sinh thuyết (existentialism) gây ảnh hưởng nơi quần chúng vào khoảng giữa thế kỷ 20. Thật vậy, Thế Chiến Thứ II đã làm cho con người có cảm giác thất vọng cùng với cảm giác bị tách lìa khỏi một thứ trật tự đã được thiết định. Những cảm giác ấy khiến con người nghĩ rằng họ cần phải tạo lấy cho mình các thứ giá trị riêng trong một thế giới những giá trị cổ truyền không còn đứng vững nữa. Jean Paul Sartre (1905-1980), triết gia nổi tiếng nhất về hiện sinh thuyết, chủ trương rằng cá nhân được độc quyền chọn lựa, vì không có một tiêu chuẩn khách quan nào về vấn đề ấn định việc chọn lựa này cả.

Nếu tư tưởng chi phối hành động thì phải chăng tất cả những gì đang xẩy ra trên thế giới hiện nay đều phát xuất từ tâm tưởng của con người, từ tâm thức triết lý của họ? Thật vậy, triết lý chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó giúp cho con người ý thức được bản thân mình và sống đúng với thân phận làm người của mình, với ơn gọi làm người của họ. Mà nếu tất cả những gì con người sống động như là một con người thực sự, một con người có văn hóa thì triết lý quả thực có liên quan mật thiết với văn hóa.

Nếu mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa và triết lý giống như bộ mặt của con người với bộ óc của con người như thế thì phải chăng văn hóa sự chết ngày nay, một thứ văn hóa đã làm biến dạng và dị dạng con người, là dấu chứng cho thấy tình trạng hư hoại trầm trọng nơi bộ óc của con người, nơi tâm thức của con người, nơi triết lý của con người, một thứ triết lý chưa đạt tới chân lý, thậm chí phủ nhận chân lý là thực tại duy nhất hoàn hảo hóa con người?