Bài 20

Thánh Thần Hiện Xuống:

Khai Mào cho Sứ Vụ của Giáo Hội

 

 

T

rong Sắc Lệnh Ad Gentes của Công Đồng Chung Vaticanô II về việc Truyền Giáo của Giáo Hội thì biến cố Hiện Xuống và việc khai mào lịch sử của Giáo Hội được liên kết chặt chẽ với nhau: “Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần (Chúa Thánh Thần) đã hiện xuống trên các môn đệ... Bởi thế kể từ Ngày Lễ Hiện Xuống này các ‘Tông Đồ Công Vụ’ đã được bắt đầu” (đoạn 4). Do đó, nếu từ giây phút hạ sinh của mình, qua việc vào đời trong ngày Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội tỏ ra mình là “truyền giáo”, thì việc vào đời này là việc của Chúa Thánh Thần. Chúng ta còn có thể nói rằng Giáo Hội luôn luôn là như thế: Giáo Hội vẫn “ở trong tình trạng truyền giáo” (in statu missionis). Đặc tính truyền giáo thuộc về chính yếu tính của Giáo Hội. Nó là một tính chất làm nên Giáo Hội Chúa Kitô, vì Thánh Thần đã làm cho Giáo Hội nên truyền giáo ngay từ ban đầu.

            Phân tách bản văn của sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại biến cố Hiện Xuống (Acts 2:1-13) cho chúng ta thấy được chủ trương của công đồng trên đây là đúng, hợp với truyền thống của các vị giáo phụ Hội Thánh.

            Chúng ta biết rằng các tông đồ và các môn đệ cùng với Mẹ Maria tụ họp tại nhà tiệc ly đã nghe thấy “một tiếng như gió thổi mạnh”, và các vị thấy xuất hiện “những lưỡi lửa tản ra đậu trên từng người” (x.Acts 2:2-3). Theo truyền thống Do Thái, lửa là dấu hiệu tỏ hiện đặc biệt của Thiên Chúa, Đấng phán truyền để chỉ dạy, hướng dẫn và cứu độ dân của Ngài. Hình ảnh cuộc tỏ hiện huyền diệu ở núi Sinai vẫn còn tồn tại trong tâm hồn dân Yến Duyên và giúp cho họ hiểu được ý nghĩa của những thể thức thông đạt mới được hàm chứa nơi biểu hiệu đó, như cũng được chứng thực trong Jerusalem Talmud (xem Hag.2,77b,32; cũng xem Midrash Rabbah 5,9 về Exodus 4:27). (Phụ chú của người dịch: Jerusalem Talmud là cuốn sách ghi lại những giáo huấn của các bậc thày ở Palestina, khác với cuốn Babylonian Talmud). Cũng truyền thống Do Thái này đã dọn đường cho các tông đồ hiểu được rằng “các lưỡi” ám chỉ sứ vụ loan báo, chứng nhân và giảng dạy mà chính Chúa Giêsu đã ủy thác cho các vị. “Lửa” chẳng những liên hệ với lề luật Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã xác nhận và hoàn tất, nó còn  liên hệ với chính Người nữa, với bản thân của Người, cũng như với đời sống, cái chết và phục sinh của Người, vì Người là một tân Huấn Dụ Thư cần phải được loan báo cho thế giới. Theo tác động của Chúa Thánh Thần, “những lưỡi lửa” đã trở nên ngôn từ phát ra từ môi miệng các vị tông đồ: “Họ được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu nói tiếng lạ như Thần Linh làm cho họ nói” (Acts 2:4).

            Trong lịch sử Cựu Ước cũng đã có những tỏ hiện tương tự như thế khi thần linh Chúa được ban cho để tuyên phán sấm ngôn (x.Mic.3:8; Is.61:1; Zech.7:12; Neh.9:30). Tiên tri Isaia đã cho chúng ta biết rằng một trong những thần Seraphim bay đến với tiên tri, “cầm trong tay một cục than hồng mà ngài đã gắp trên bàn thờ”. Thiên thần đã chạm cục than này vào môi tiên tri để thanh luyện tiên tri khỏi mọi lầm lỗi, trước khi Chúa ủy thác cho tiên tri sứ vụ nói với dân của Ngài (x.Is.6:6-9ff). Các vị tông đồ đã nhận thức được biểu hiệu truyền thống này, và vì thế đã thấu hiểu được ý nghĩa của điều đang xẩy đến cho các vị trong ngày Lễ Ngũ Tuần hôm ấy, như thánh Phêrô đã chứng thực trong bài diễn từ đầu tiên của thánh nhân, khi thánh nhân nối kết tặng ân nói tiếng lạ với lời tiên tri Joel liên quan đến việc sau này Thần Linh Thiên Chúa được tuôn tràn xuống để làm cho các môn đệ tuyên phán sấm ngôn (Acts 2:17ff; Joel 3:1-5).

            Nhận lãnh “những lưỡi lửa” (Acts 2:3), mỗi một vị tông đồ đã lãnh nhận một tặng ân đa dạng của Thần Linh, như những người đầy tớ trong một dụ ngôn Phúc Aâm đều lãnh nhận một số tài năng để sinh hoa kết trái (x.Mt.25:14ff). “Lưỡi” ấy là dấu hiệu nhận thức nơi các tông đồ và các vị giữ lấy nhận thức này để thực hiện việc truyền giáo như các vị được kêu gọi và dấn thân làm. Vừa khi các vị được “tràn đầy Thánh Thần, các vị liền bắt đầu nói tiếng lạ, như Thần Linh ban cho các vị nói”. Quyền năng của các vị do Thần Linh mà có, và các vị thực hiện công việc được ủy nhiệm cho các vị theo sự thôi thúc nội tâm từ trời.

            Sự kiện này xẩy ra ở nhà tiệc ly, thế nhưng, chẳng bao lâu thì việc công bố truyền giáo và việc nói tiếng lạ hay tặng ân nói tiếng lạ đã vượt ra khỏi nơi các vị trú ngụ. Hai biến cố phi thường đã diễn ra, và cả hai đã được sách Tông Đồ Công Vụ diễn thuật. Trước hết sách Tông Đồ Công Vụ diễn thuật tặng ân nói tiếng lạ làm cho các vị nói lên những lời liên quan đến hiện tượng đa ngôn ngữ, và các vị cũng thường dùng tặng ân này để chúc tụng Thiên Chúa (x.Acts 2:11). Đám đông tuôn tụ lại theo tiếng động và lạ lùng trước sự thể như thế là “những người Do Thái đạo đức” đến Gialiêm dự lễ Vượt Qua. Họ thuộc về “mọi quốc gia dưới gầm trời này” (Acts 2:5), và họ nói ngôn ngữ của các dân tộc mà họ, mặc dù vẫn là người Do Thái, được hội nhập với tính cách dân sự và theo hành chánh. Thế mà đám đông tụ họp chung quanh các tông đồ đó “đã bị ngỡ ngàng vì mỗi một người trong họ đều nghe thấy các vị nói tiếng thổ âm của mình. Họ lạ lùng hỏi nhau mà nói: ‘Tất cả những vị này không phải là nói tiếng xứ Galilê ư? Vậy mà sao mỗi người chúng ta lại nghe thấy tiếng điạ phương của mình nhỉ?’” (Acts 2:6-8). Trình thuật tới đây, thánh Luca liền phác họa một bản đồ của miền Địa Trung Hải, nơi sinh sống của thành phần Do Thái đạo đức có mặt hôm đó. Trình thuật như thế chẳng khác gì thánh nhân muốn nói lên rằng thế giới của thành phần trở về cùng Chúa Kitô là thế giới nghịch đảo với tháp Babel đa ngôn ngữ cũng như với thành phần được nói đến trong sách Khởi Nguyên (11:1-9), trong số những thành phần được nhắc đến, kể cả “những khách hành hương từ Rôma”, gồm có “những người Parthia, Media, Elamita và các dân cư Mesopotamia, Giuđêa và Capacêđônia, Pontia và Á Châu, Phrygia và Phamphilia, Ai Cập và các vùng Lybia thuộc Cyrênê, cùng các khách hành hương từ Rôma, cả người Do Thái lẫn tân tòng, người Cêtan và Ả Rập” (Acts 2:11-19). Như muốn làm sống lại biến cố đã xẩy ra tại Gialiêm được Kitô hữu sơ khai lưu truyền, thánh Luca đã đặt vào miệng lưỡi của tất cả mọi thành phần ấy những lời này: “Chúng ta nghe thấy (các tông đồ chính gốc Galilêa) nói bằng ngôn ngữ riêng của chúng ta về các công việc quyền năng của Thiên Chúa” (Acts 2:110.

            Biến cố của ngày hôm ấy quả là một mầu nhiệm mang đầy những ý nghĩa. Chúng ta có thể nhận thấy nơi ngày này dấu hiệu phổ quát của Kitô giáo cũng như dấu hiệu nói lên đặc tính truyền giáo của Giáo Hội. Tác giả sách thánh tỏ cho chúng ta thấy điều này, để nhận thấy rằng sứ điệp cần phải được rao giảng cho hết mọi dân nước. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng nhúng tay vào việc bảo đảm làm cho mỗi người phải hiểu ít là một chút gì đó theo ngôn ngữ của mình: “Mỗi người trong chúng ta nghe bằng ngôn ngữ bản xứ của mình” (Acts 2:8). Ngày nay, chúng ta muốn nói đến một sự thích ứng vào tình trạng ngôn ngữ và văn hóa của mỗi người. Thế nên, người ta có thể thấy trong toàn bộ biến cố này một hình thức căn bản về việc hội nhập văn hóa được Chúa Thánh Thần làm cho thành đạt.

            Một sự kiện phi thường khác là lòng can đảm đã làm cho thánh Phêrô cùng với 11 vị “đứng lên” và bắt đầu giải thích ý nghĩa liên quan đến kitô vụ và thánh linh vụ điều đang xẩy ra trước mắt đám đông ngỡ ngàng đó (Acts 2:14ff). Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi tới lúc của nó. Ở đây chúng ta suy niệm đúc kết về mối tương khắc (một thứ so sánh đảo nghịch) giữa những gì xẩy ra trong ngày Lễ Hiện Xuống với những gì chúng ta đọc thấy trong sách Khởi Nguyên về vấn đề Tháp Babel (x.Gen.11:1-9). Nơi đoạn sách Khởi Nguyên này, chúng ta thấy sự kiện phân tán ngôn ngữ, và do đó, phân tán con người là thành phần không hiểu nhau khi nói các ngôn ngữ khác nhau. Ngược lại, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, theo tác động của Thần Linh là “Thần Chân Lý” (x.Jn.15:26), cái khác biệt ngôn ngữ đã không còn ngăn trở việc hiểu biết những gì được công bố nhân danh Thiên Chúa để chúc tụng Thiên Chúa nữa. Nhờ đó, mối liên hệ trong niềm hiệp nhất loài người với nhau đã vượt ra ngoài biên giới ngôn ngữ và văn hóa, một niềm hiệp nhất được Chúa Thánh Thần mang lại cho thế giới.

            Thế là hoàn tất ngay từ đầu những lời Chúa Kitô nói với các tông đồ trước khi Người lên cùng Cha: “Các con sẽ nhận được quyền lực khi Thánh Thần xuống trên các con; và các con sẽ là những chứng nhân của Thày ở Gialiêm, khắp Giuđa và Galilêa, cho đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8).

            Công Đồng Chung Vaticanô II nhận định: “Giáo Hội được Thần Linh hướng dẫn vào tất cả sự thật và được Ngài liên kết trong mối hiệp thông cũng như bằng những tác vụ, thì Ngài cũng trang bị cũng như điều khiển bằng những tặng ân phẩm trật và đặc sủng” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 4), “để ban sự sống làm hồn sống cho các cơ cấu của hội thánh, và để từ từ làm nẩy sinh trong lòng tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thôi thúc chính Chúa Kitô” (Sắc Lệnh Ad Gentes, đoạn 4). Từ Chúa Kitô, đến các tông đồ, sang Giáo Hội, tới toàn thế giới: theo tác động của Chúa Thánh Thần mà tiến trình liên kết phổ quát trong chân lý và yêu thương có thể và phải được khai mở.          

(Bài Giáo Lý 17 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chia sẻ ngày Thứ Tư, 20-9-1989,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)