Trích Ðời Thênh Thang Sống của Cao tấn Tĩnh

 

4 TỰ DO LÀ LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI



Đối với giới trẻ, hay với những người còn hăng máu như giới trẻ, ý niệm về tự do hầu như bao giờ cũng được phát biểu bằng một câu định nghĩa dứt khoát sau đây:

Tự do là muốn làm gì thì làm.

Phải, tuyệt đối mà nói, tự do đúng là muốn làm gì thì làm. Bằng không, tự do không còn là tự do nữa, hay chỉ là một tự do hạn chế, hoặc chỉ là một tự do giả tạo mà thôi.

Thế nhưng, bạn có biết ý nghĩa đích thực của câu định nghĩa tự do là muốn làm gì thì làm, mà bạn tự nhiên chủ trương hay dễ dàng chấp nhận, theo bản chất trẻ trung của mình, như thế nào không?

Nếu tự do là muốn làm gì thì làm, heo tôi, có nghĩa là muốn làm gì cũng làm được và muốn làm gì cũng được làm.

Xin bạn hãy để ý, trong lời dẫn giải của tôi, hai cặp chữ: “làm được” và “được làm”.

“Làm được": tức là nói đến khả năng tự nhiên của tác nhân, và “Được làm": tức là nói đến quyền hạn luân lý của chủ thể.

Trước hết, tự do là muốn làm gì thì làm, ở chỗ muốn làm gì cũng làm được.

Chẳng hạn: Tôi muốn bay như chim, là bay được như chim. Hoặc thực tế hơn, đang nợ nần đầy mình, tôi muốn trúng số độc đắc là trúng liền. Đang bị tàn tật, tôi muốn lành mạnh là lành liền. Đang bị phụ tình, tôi muốn lấy được người tình phụ là lấy được ngay. Hay, lý tưởng hơn, muốn không bao giờ bị bệnh, là tôi sẽ luôn luôn được mạnh khỏe. Muốn sống trường sinh, là tôi sẽ vĩnh viễn bất tử v.v.

Sau nữa, tự do là muốn làm gì thì làm, ở chỗ muốn làm gì cũng được làm.

Chẳng hạn: Thấy một người con gái đẹp ăn mặc khêu gợi, tôi muốn chiếm đoạt là tôi có quyền tự do hưởng thụ. Thấy người ta lái chiếc xe Cadillac hách xì xằng mà tôi kiếm mãi cũng không đủ tiền mua là tôi có quyền tự do đoạt lấy của họ. Thấy người ta cùng làm ăn buôn bán một nghề như tôi lên như diều, trong khi tôi cứ ế ẩm, là tôi có quyền tự do phá hại
họ. Thấy người yêu phản bội mình đi cặp kè với người khác, là tôi tự do có quyền cho cả hai một phát súng rồi đời v.v.

Nếu bạn thấy rằng tự do quả không phải là muốn làm gì thì làm như mình tưởng, vậy bạn có cho rằng bạn có tự do hay không?

Nếu không có tự do, chẳng lẽ bạn chỉ sống hoàn toàn theo định luật tự nhiên như loài cỏ cây, hay sống theo bản năng tự nhiên như loài hoang thú hay sao? Theo định luật tự nhiên, nếu không ăn thì tôi chết, do đó, theo bản năng tự nhiên, hễ đói
là tôi tìm ăn, là nhào vô ăn, là giành nhau ăn, kẻo chết. Sống là ăn, sống để ăn, thế thôi.

Trong khi đó, dù có đói, (trừ khi gặp nạn đói như ở Việt Nam vào năm Ất Dậu 1945), chúng ta vẫn chọn ăn món gì cho ngon hơn, ăn ở đâu mới thú hơn, và ăn như thế nào mới thỏa hơn. Thậm chí trong chúng ta cũng không thiếu gì người sẵn
sàng nhịn phần ăn cho những ai thiếu ăn hơn mình.

Kể cả trường hợp có bị ai cướp cơm chim của mình, trong chúng ta chẳng lẽ không có ai đủ cao thượng để thông cảm và tha thứ cho người anh em mình, vì một lý do nào đó mới bất đắc dĩ làm những điều tác hại đến phẩm giá làm người mà họ không muốn bị mất hay sao?

Nếu thế thì quả thật chúng ta cũng có tự do đấy. Theo tôi, chỉ khi nào sống theo định luật tự nhiên và bản năng tự nhiên, chúng ta mới không có tự do. Nói đúng hơn, chúng ta mới đánh mất tự do cao qúi để làm người của mình mà thôi.

Như thế, tự do không phải là muốn làm gì thì làm, mà là làm những gì hợp với thân phận làm người của mình, dưới sự hướng dẫn của lương tâm chân chính, nhất là làm những gì có thể kiện toàn con người của mình, theo niềm tin tối thượng của mình hướng về, được thể hiện nơi Văn Hóa Thần Linh.

Tự do ở đây không phải chỉ là cánh gà làm cho chúng ta thỉnh thoảng hứng lên bay sà sà trên mặt đất một chút rồi thôi, mà phải là cánh chim giúp chúng ta bay bổng trên bầu trời của một cuộc Đời Thênh Thang Sống.

Làm kiếp gà, chúng ta chẳng những bay không cao, mà còn, vì bay không cao như thế, sẽ dễ bị lạc thuyết hay gương mù thế gian, như những con cáo, con mèo tinh quái chụp mắt và xâu xé nữa.

Làm kiếp chim, nếu tinh khôn và càng bay cao vút, chúng ta chẳng những thoát khỏi lưới và tên của thợ săn, mà còn bay về tận chân trời lý tưởng cho cuộc đời làm người của mình nữa.

Nếu đời của chúng ta đúng là một cuộc Đời Thênh Thang Sống thì chúng ta thật sự đang sống một cuộc đời hoàn toàn tự do. Bằng không, dù có tự do theo thân phận làm người đấy, chúng ta vẫn cảm thấy cuộc đời thật là nặng nề, chán ngán và uể oải làm sao ấy.Thế nhưng, trên thực tế, bạn có biết tự do thật sự ở chỗ nào không? Ở chỗ chọn lựa hay chấp nhận, hoặc ở chỗ nào khác??

Có lẽ qúi bạn nào đang yêu đời, cho dù không hoàn toàn chủ trương tự do là muốn làm gì thì làm đi nữa, cũng sẽ cho rằng tự do có nghĩa là chọn lựa.

Theo Anh ngữ, thành phần qúi bạn này được gọi là thành phần pro- choice, mà tôi tạm dịch là thành phần “chịu chơi” ("chịu” dịch theo nghĩa của chữ “pro” và “chơi” dịch theo âm của chữ “choice").Còn qúi bạn nào đang chán đời, đã hết sức nỗ lực để tranh sống mà tất cả đều vuột khỏi vòng mơ tưởng của mình một cách phũ phàng, thì có lẽ tự do chẳng có nghĩa gì ngoài thái độ chấp nhận mọi sự theo định mệnh an bài mà thôi.

Theo tôi, thành phần qúi bạn này có thể được gọi là thành phần “chịu trận” (pro-fate), ngược lại với thành phần “chịu chơi” (pro-choice).

Cũng có những bạn, kinh nghiệm sống hơn, vì thế đã cẩn thận hơn và có vẻ dung hòa hơn, có thể sẽ cho tự do ở tại một cái gì đó mà họ đang khám phá thêm hay chưa khám phá ra.

Trước hết, nếu tự do có nghĩa là chọn lựa?

Thế thì:
Tại sao, đối với quá khứ, tôi đã không có quyền chọn lựa trong việc muốn sinh vào trần gian hay không, một chọn lựa tối hệ trọng cho cả số phận của một cuộc đời?

Tại sao, trong hiện tại, với một khuynh hướng “yêu tối tăm hơn ánh sáng”(Thánh Kinh Kitô Giáo), nhân với “bản chất thì yếu nhược” (Thánh Kinh Kitô Giáo), cộng với “thế gian không thể nào tránh khỏi gương mù”(Thánh Kinh Kitô Giáo), làm tôi dù có muốn kiện toàn con người của mình theo thân phận làm người đòi hỏi cũng không được.

Tại sao, hướng đến tương lai, dù có cố hết sức “chơi xuân kẻo hết xuân đi” tôi cũng không thể nào thoát được “cái già xồng xộc nó thì đến kia”, kết cục rồi đời tôi, dù khỏe mạnh mấy đi nữa, giầu sang mấy đi nữa, mỹ miều mấy đi nữa, cũng không thể nào thoát được cái oan nghiệt của "đời là bể khổ" với “sinh, lão, bệnh, tử” (Phật giáo).

Như thế, tự do có nghĩa là chấp nhận hay sao?
Nếu tự do có nghĩa là chấp nhận?

Thế thì:
Tại sao tôi lại đi sửa sắc đẹp khi nhan sắc không có hay đã đến hồi tàn phai? Tại sao tôi lại cần uống thuốc khi bị bệnh? Tại sao khi bị đau đớn tôi lại kêu than? Tại sao tôi lại ly dị khi hôn nhân không đem lại hạnh phúc như lòng tôi mong muốn?

Như thế, tự do đồng nghĩa với chọn lựa hay sao?

Thật ra, theo tôi, tương đối mà nói, tự do không có nghĩa là chọn lựa, vì con người không có quyền tuyệt đối trên cuộc đời mình, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Phải chăng, vì con người không có quyền tuyệt đối trên cuộc đời mình như thế, trong thực tế, con người vừa không có quyền chọn lựa lại vừa không có khả năng chọn lựa nữa.

Con người không có quyền chọn lựa.

Trong đời của mình, tôi đã biết được 4 vụ tự tử: Một người thân trong gia đình tôi lén lút đi thắt cổ năm 33 tuổi, vì quá khổ nhục với chồng. Một người bạn ngay bên cạnh nhà uống thuốc tự tử năm 16 tuổi, vì quá bất mãn với cha mẹ. Một người mẹ của thân chủ tôi cũng uống thuốc tự tử 3 lần vào năm 20 tuổi đang khi mang thai, vì hận tình. Một người con gái trước khi nhận tôi làm anh đỡ đầu cũng đập đầu vào tường tự tử năm 28 tuổi, vì không biết giải quyết thế nào cho êm đẹp giữa cha mẹ với những sinh hoạt đời tư của mình.

Tất cả bốn cuộc tự tử của thành phần đang ở vào lứa tuổi trẻ này đều không thành. Vì họ không có quyền chọn sinh vào đời thế nào thì họ cũng không có toàn quyền chọn ra khỏi đời như vậy. Nếu họ tự tử chết thật thì đó cũng là lúc họ đã tới số, mà chính họ là thừa tác viên của tử thần thôi, chứ họ không phải là chính tử thần.

Con người chẳng những không quyền chọn lựa mà cũng không có khả năng chọn lựa nữa.

Những câu thành ngữ “tránh hùm phải hạm” hay “lợn lành chữa thành lợn què” v.v. là gì? Nếu không phải là những thú nhận của con người, dù họ có khôn khéo và đề phòng mấy đi nữa, dù họ có chọn lựa những gì hay nhất và lợi nhất theo như ý nghĩa của mình đi nữa, cũng chưa chắc đã xẩy ra như ý nghĩ (phán đoán) và ý muốn (chọn lựa) của họ.

Vậy thì tất cả những thành công trên đời nói riêng, và phúc lợi nói chung, không phải là những viên kẹo ngọt được dùng để thưởng cho nỗ lực của con người, do một bàn tay vô hình nào đó tùy ý ban phát cho mỗi người hay sao?

Vẫn biết, có những lúc cũng chính bàn tay ban thưởng này làm như không có mắt, đã trao những viên kẹo ngọt này cho những kẻ “ác nhân thất đức”. Biết đâu, đấy là cách cha mẹ đang dỗ ngọt con cái, trước khi trừng phạt chúng, nếu chúng không biết điều. Cũng biết đâu, vì quá tham lam hảo ngọt chính chúng sẽ tự hành hạ mình bằng những cơn "tham thực cực thân" (Thành Ngữ Việt Nam) thì sao?

Nếu con người có khả năng chọn lựa thì tại sao lại có hiện tượng ly dị ồ ạt như cuồng lưu như ngày nay? Theo thống kê trong cuốn Niên Giám Thế Giới 1987, thì, trong năm 1985, tại Hoa Kỳ, có 2.425.000 người lập gia đình, 10.2% tổng số dân, thì có 1.187.000 người ly dị, 5% tổng số dân. Nếu so sánh giữa hai con số lập gia đình và ly dị, thì gần 50% ly dị.

Chưa bao giờ con người ý thức được thân phận cao qúi của mình như ngày nay, do đó, họ muốn làm chủ cuộc đời của họ, nhất định đạp đổ hủ tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Thế mà, chính lúc họ làm chủ cuộc đời mình, chính lúc họ có quyền tự chọn lựa lấy cho mình người yêu lý tưởng, người bạn trăm năm như lòng họ mong ước, họ lại đâm ra “yêu nhau lắm cắn nhau đau”.

Tuy nhiên, không phải vì tự do không có nghĩa là chọn lựa như thế, mà tự do phải đồng nghĩa với việc chấp nhận một cách mù quáng và bất đắc dĩ.

Cho dù con người có chủ trương tự do là hoàn toàn chấp nhận định phận của mình, như đạo lý vô vi (Lão Giáo) chủ trương sống hòa hợp với tự nhiên, thì trí khôn và lòng muốn của con người, trên thực tế, cũng không dễ dàng tuân theo.

Bởi vì, cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, cũng chưa chắc gì con người đã hoàn toàn biết được định phận của mình. Nếu trí khôn chưa biết hay không biết được đích xác đâu là định phận của mình một cách dứt khoát và r ràng, thì làm sao lòng muốn của con người có thể ngoan ngoãn chấp nhận được.Bởi vậy, theo tôi, tự do không phải ở tại việc chọn lựa hay chấp nhận cho bằng ở tại việc làm chủ cuộc đời.

Tự do là làm chủ cuộc đời ở đây có nghĩa là làm sao cho con người đạt đến tầm vóc Thành Nhân. Tức là, với tự do và nhờ tự do, con người phải biết và có thể làm lành lánh dữ theo lương tri làm người của mình. Bằng không, dù có tự do, con người cũng sẽ trở nên như một sinh vật sống theo định luật tự nhiên và bản năng tự nhiên.

Như thế, ở đây, tự do vừa có nghĩa chọn lựa lại vừa có nghĩa chấp nhận. Chọn lựa những gì được phép (trong giới hạn của mình) và chấp nhận những gì không được phép (ngoài quyền hạn của mình).

Theo Thánh Kinh Do Thái Giáo, khi mới dựng nên hai nguyên tổ của loài người, Thiên Chúa cho cả hai ở trong vườn địa đường của Ngài. Ở đó, Ngài cho họ biết rằng họ có thể ăn bất cứ cây nào trong vườn tùy sự chọn lựa của họ, song họ không được phép ăn duy có một cây biết lành biết dữ mà thôi. Nếu họ không chấp nhận thi hành theo ý Ngài, họ sẽ phải chết.

Đến đây, có thể định nghĩa tự do là chấp nhận thân phận của mình để chọn lựa những gì xứng hợp với phẩm tính làm người của mình.Thế nhưng, tự do là chọn lựa điều được phép và chấp nhận điều không được phép theo thân phận của mình, như lương tri hướng dẫn đó, mới là phần tiêu cực của ý nghĩa "tự do là làm chủ cuộc đời" mà thôi.

"Tự do là làm chủ cuộc đời" còn có nghĩa tích cực là, với tự do và nhờ tự do, con người còn phải biết hy sinh tư lợi và chịu đựng bất lợi, như "niềm tin là Văn Hóa Thần Linh" của họ đòi hỏi, để họ có thể đạt đến Thực Tại Thần Linh Toàn Chân, Toàn Thiện và Toàn Mỹ.

Như thế, tự do là làm chủ cuộc đời ở đây không chỉ là một tác động của loài linh ư vạn vật, mà còn là chính thực trạng sống của con người hoàn thiện vậy.

Không bị sự dữ về thể lý là thử thách và đau khổ, sự dữ về tâm lý là đam mê và mù quáng, cũng như sự dữ về luân lý là gương mù và tội lỗi chi phối, ảnh hưởng và ràng buộc như thế, con người không thực sự có tự do là làm chủ cuộc đời hay sao!

Những con người tự do làm chủ cuộc đời như thế không phải là những con người “sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian”(Kitô Giáo) hay sao!!

Tự do làm chủ được cuộc đời mình như thế, con người sẽ không hoàn toàn được tự do bay nhảy và có thể vỗ cánh bay cao hay sao!!!

Thật ra, tự do không phải là chính cánh bay, mà chính là khả năng bay và năng lực bay.

Đôi cánh bay là trí khôn và lòng muốn, hai tài năng thuộc phần thượng của con người.

Có cánh mà không biết bay (khả năng) hay không có sức bay (năng lực) thì giống như gà, như vịt, thân phận gắn liền với mặt đất, sinh sống bằng những con giun thấp hèn!

Ngược lại, có khả năng bay hay sức bay mà không bay thì cũng giống như con chim có cánh bị nhốt trong lồng để làm cảnh mua vui cho đời, mất hết ý nghĩa!

Chim có cánh là để tung bay. Con người có tâm trí là để sống tự do. Bầu trời cao rộng là thế giới cho chim và của chim, loài có cánh để bay. Cuộc đời cao qúi là môi trường cho con người và của con người, loài có tâm trí để sống tự do.

Càng bay cao, chim càng thoát khỏi tầm tay của kẻ săn bắn và càng chứng tỏ năng lực dồi dào. Càng sống tự do, con người càng vượt trên tầm mức cám dỗ của trần gian và càng tỏ ra tràn đầy sức sống.

Bình An là Tràn Đầy Sức Sống, phải chăng chính là tâm trạng của một con người tự do?

Con người không thể nào tìm được "tự do là muốn làm gì thì làm" ở trên đời này. Nhưng con người vẫn có thể gặp được tự do trong "bình an là tràn đầy sức sống".

Con người không thể nào tìm được "hạnh phúc là được mọi sự như ý muốn" trên thế gian này. Nhưng con người vẫn có thể hưởng hạnh phúc trong "bình an là tràn đầy sức sống.