Giáo Hội Công Giáo trước Diễn Biến của Cuộc Chiến Tranh ở Iraq

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Đúng thế, trong cuộc chiến tranh bạo lực Hoa Kỳ giải giới Iraq, không phải hay sao, Thiên Chúa đã bất chấp tất cả mọi nỗ lực trần gian trong việc muốn ngăn chặn chiến tranh xẩy ra bao nhiêu có thể, và đã để cho nó xẩy ra, thậm chí xẩy ra một cách hết sức bất chính và ngông cuồng nữa? “Bất chính” ở chỗ bất chấp thẩm quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc! Và “ngông cuồng” ở chỗ bất chấp tất cả mọi can thiệp chính đáng của cả đời lẫn đạo.

 

Về đời có phe phản chiến là Pháp-Đức-Nga đã phản đối chiều hướng muốn sử dụng quân sự để giải giới Iraq trong khi chưa hoàn thành quyết định 1441 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (xin xem lại các văn liệu bằng Việt ngữ liên quan đến vấn đề này trong http://www.thoidiemmaria.net, nhất là Bản Tuyên Ngôn Phản Chiến của phe này ngày 10/2/2003 và bản Phụ Đính của họ ngày 24/2/2003).

 

Về đạo, Giáo Hội Công Giáo nói riêng, qua các Hội Đồng Giám Mục khắp nơi trên thế giới, nhất là Âu Mỹ, đã lên tiếng cảnh giác, như của Hội Đồng Giám Mục Mỹ qua vị chủ tịch ngày 13/9/2002, của HĐGM Đức ngày 21/1/2003, của HĐGM Canada ngày 23/1/2003, và của HĐGM Hoa Kỳ lần nữa ngày 26/2/2003 (cũng xin xem các văn liệu này trong cùng màn điện toán trên); nhất là qua chính Vị Lãnh Đạo Tối Cao là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã gửi sứ giả đến trao tận tay cho Tổng Thống Bush bức thư của Ngài vào chính Ngày Thứ Tư Lễ Tro (xin xem lời tuyên bố của Đức Hồng Y sứ giả này ngày 5/3/2003 trong cùng màn điện toán trên).

 

Trước tất cả mọi nỗ lực trần gian về đời lẫn đạo ở khắp nơi như thế, Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử nhân loại vẫn cứ để cho chiến tranh xẩy ra, vẫn cứ để cho bạo lực Hoa Kỳ giải giới Iraq, một cuộc chiến tranh có thể, theo dự đoán của cả đạo lẫn đời trước đó là, cái lợi (giải giới để tránh hiểm họa khủng bố theo phe chủ chiến tưởng nghĩ) sẽ không sánh bằng cái tai hại về cả vật chất lẫn tinh thần gây ra cho riêng dân Iraq, cho cả vùng Trung Đông, cho đụng độ văn hóa (Ả Rập và Tây Phương) và nhất là cho xung khắc tôn giáo (Hồi Giáo và Kitô Giáo).

 

Thế nhưng, tình hình hậu chiến hiện nay cho thấy Ngài quả thực đã nhiệm mầu nhúng tay vào lịch sử loài người. Ở chỗ, bằng một phát súng là chiến tranh bạo lực Hoa Kỳ giải giới Iraq, Ngài đã bắn trúng 6 con chim.

Thật là tài tình quá sức tưởng tượng, quá sức tự nhiên, vô tiền khoáng hậu. Không có một tay thiện xạ nào trong lịch sử loài người có thể làm được như vậy, trừ khi sử dụng thứ vũ khí đại công phá, một loại vũ khí Iraq bị Hoa Kỳ tố cáo là đã ngấm ngầm chế tạo, lưu trữ, có thể gây nguy hiểm cho các cuộc khủng bố, nên đã bị Hoa Kỳ bất chấp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tự động mang quân nhào vô đánh phá, trong khi nhân viên thanh tra Liên Hiệp Quốc chưa hoàn tất nhiệm vụ khám xét của mình xem Iraq quả thực có những thứ vũ khí đại công phá ấy hay chăng, theo quyết định 1441 của hội đồng này do chính Hoa Kỳ phác họa. Đúng vậy, Thiên Chúa, Đấng Quan Phòng Vô Cùng Khôn Ngoan và Toàn Năng, chính là Nhà Đại Thiện Xạ thiên hạ đệ nhất này, Nhà Thiện Xạ Thần Linh này đã bắn một phát súng trúng 6 con chim liền.

 

Thật thế, trước hết, “Ngài đã ra tay uy quyền đánh tan người kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của họ; Ngài đã hạ kẻ quyền hành xuống khỏi bệ cao” (Lk 1:51-52) đó là một Hoa Kỳ (con chim thứ nhất) đã theo chiều hướng luật lệ của sức mạnh (the law of force), hơn là sức mạnh của luật lệ (the force of law), trong việc dùng bạo lực giải giới Iraq mà lại chẳng thấy những gì mình cần phải giải giới.

 

Nhờ đó, Ngài đã cứu được thế giá của Liên Hiệp Quốc (con chim thứ hai), một tổ chức đang thanh tra vũ khí ở Iraq và đã cho thế giới thấy (vào ba lần tường trình là ngày 27/1/2003, 14/2/2003 và 7/3/2003) quả thực họ chẳng thấy những thứ vũ khí cấm ở nước này, và việc Hoa Kỳ qua mặt Liên Hiệp Quốc là bậy, cần phải xét lại trong những trường hợp khác.

 

Tuy nhiên, qua hành động hung hăng của phe chủ chiến, Thiên Chúa đã thực sự cứu nhân dân Iraq (con chim thứ ba) khỏi chế độ độc tài, đúng như lòng họ mong ước qua việc họ hiến dâng đất nước của họ cho Mẹ Maria.

 

Và nhà độc tài Sađam Hussein (con chim thứ bốn), như bài “Ai Thắng Ai Thua trong cuộc chiến giải giới Iraq” được phổ biến trên màn điện toán thoidiemmaria.net và dongcong.net ngày Thứ Năm 10/4/2003, ngày pho tượng Sađam Hussein ở công trường chính thủ đô Baghdad bị giật đổ tượng trưng cho một chế độ cũ qua đi, nếu quả thực không có những loại vũ khí đại công phá, thì thế giới dầu sao cũng phải công nhận rằng ông đã thành thực, trong vấn đề nói không có những thứ vũ khí cấm là không có.

 

Phần Giáo Hội Công Giáo (con chim thứ năm), Thiên Chúa cũng đã cứu vãn tình thế để đáp lại lo âu của Giáo Hội về một tình hình thế giới hỗn loạn hơn, nhất là về cuộc chiến tranh tôn giáo có thể xẩy ra giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo.

 

Thế còn (con chim thứ sáu) là gì? Đó là thế giới Tây Phương nói riêng và thế giới loài người nói chung, đã tránh được một Thế Chiến Thứ Ba, một trận chiến giữa Tây Phương (Âu Châu và Bắc Mỹ) và Hồi Giáo (56 quốc gia).

 

Sau đây, nhân kỷ niệm 3 năm (19/3/2003-2006) cuộc chiến tranh ở Iraq, chúng ta hãy ôn lại chẳng những diễn biến của biến cố lịch sử này (từ ngày bắt đầu bùng nổ vào đúng Lễ Thánh Giuse), mà còn cả việc Giáo Hội Công Giáo đã tỏ ra tích cực can thiệp (xin xem lại cả các văn kiện được liệt kê trên đây trước khi cuộc chiến xẩy ra) vào cuộc chiến đang làm nhức nhối lương tâm nhân loại và chấn động lịch sử thế giới hiện đại ở thời điểm mở màn cho đệ tam thiên kỷ Kitô Giáo này.  

 

17/3/2003        Tổng Thống Bush ra tối hậu thư cho nhà lãnh đạo Iraq bấy giờ là Saddam Hussein phải rời Iraq trong vòng 48 tiếng, bằng không sẽ bị tấn công bằng quân sự. Lệnh này xẩy ra trong thời gian Liên Hiệp Quốc đang thanh tra các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq theo lời tố giác của Hoa Kỳ, và vì cần thêm thời gian để tìm kiếm mãi chưa thấy vào đầu năm 2003 sau 4 tháng trời. Tổng Thống Hoa Kỳ không muốn bất động trước nguy cơ nhỡ Iraq có các loại vũ khí đại công phá thật, nên đã thực hiện chủ trương chiến tranh phòng ngừa của mình bất chấp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

 

19/3     Cuộc chiến bùng nổ vào lúc 9:33 PM giờ Nữu Ước (tức 5:33 am ở thủ đô Baghdad), với cuộc tấn công dội bom kiểu “lấy thủ cấp” là giết chết nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Tổng Thống Bush thông báo cuộc chiến bắt đầu tấn công Iraq sau đó trong bài nói được truyền hình từ Tòa Bạch Ốc. Cuộc tấn công bằng đường bộ diễn ra sau đó 2 ngày, tức vào ngày 21/3.

 

Cùng ngày bùng nổ cuộc chiến, Đức Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Wilton D. Gregory lên tiếng về chiến tranh Iraq là những gì phản trái với giáo huấn tự vệ của Giáo Hội Công Giáo:

 

Rất tiếc chiến tranh đã không thể ngăn tránh được. Các nhà lãnh đạo của xứ sở chúng ta đã đi đến một quyết định hệ trọng về việc tuyên chiến vì chính quyền Iraq đã không chịu hoàn toàn thực hiện những trách nhiệm của họ. Chúng tôi hết sức tiếc xót vì chiến tranh không thể nào ngăn tránh. Chủ trương của chúng tôi vẫn là lời công bố của toàn thể hội đồng giám mục hồi tháng 11 năm ngoái. Mối quan tâm và vấn đề về luân lý của hội đồng chúng tôi, cũng như lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong việc tìm kiếm những giải pháp thay cho chiến tranh, đã quá rõ và cho thấy những phán đoán khôn ngoan của chúng tôi về vấn đề áp dụng giáo huấn truyền thống của Công Giáo liên quan đến việc sử dụng võ lực trong trường hợp này. Chúng tôi đã đặc biệt quan tâm đến những điều kiện tiên quyết có thể dẫn tới, cùng với những hậu quả có thể xẩy ra của một thứ chiến tranh chính yếu như thế ở một miền đất có lẽ đầy biến động nhất thế giới này. Để âm vang lời cảnh huấn của Dức Thánh Cha về vấn đề chiến tranh ‘bao giờ cũng là một thua bại của nhân loại’, chúng tôi đã nguyện cầu và thiết tha kêu gọi hãy theo đuổi những đường lối ôn hòa trong việc giải giới Iraq theo những đường hướng của Liên Hiệp Quốc”.

 

9/4       Sau 3 tuần lễ xẩy ra cuộc chiến, các chiếc xe thiết giáp của Hoa Kỳ tiến vào Quảng Trường Firdos của Thủ Đô Baghdad. Bức tượng Saddam Hussein ở trung tâm thủ đô đã bị lật đổ. Nhưng sau đó thủ đô này đã biến thành nơi ồ ạt hôi của.

 

29/4     Bản Tuyên Ngôn Của Hàng Lãnh Đạo Kitô Giáo Iraq, với câu tiêu biểu sau đây:

 

Ở vào lúc Iraq đang sang trang và bắt đầu một chương sử mới cho cuộc sống tương lai phúc hạnh, chúng tôi, những vị thượng phụ và giám mục thuộc các Giáo Hội Kitô Giáo ở Iraq, cũng được thúc đẩy bởi thành phần tín hữu của chúng tôi, muốn bày tỏ nỗi miềm thao thức của chúng tôi liên quan đến tương lai của xứ sở này, hy vọng rằng nhân dân Iraq đã từng trải qua một lịch sử dài với những thua bại và thành đạt, sẽ được sống, không phân biệt tôn giáo và sắc tộc, trong tự do, công lý và tôn trọng việc chung sống liên tôn và liên tộc”.

 

1/5       Tổng Thống Bush tuyên bố rằng “cuộc chiến chính ở Iraq chấm dứt”. Bản Công Bố về Iraq của Hội Đồng Giám Mục Anh và Welsh: “Iraq và nền hòa bình trong vùng” cũng được phổ biến vào ngày này, với câu tiêu biểu sau đây:

 

Giờ đây là cơ hội cho nhân dân Iraq có một tương lai tốt đẹp hơn, thành phần trước cuộc chiến đã chịu đựng một chế độ độc tài tàn bạo và hơn một thập niên phải chịu những trừng phạt toàn diện. Để tương lai này trở thành hiện thực, Phe Liên Minh cũng phải dấn thân để ‘gây dựng hòa bình’ như đã gây ra chiến tranh vậy. Trước hết cần phải thiết lập luật lệ và trật tự để đáp ứng những nhu cầu nhân đạo. Sau đó là công cuộc khó nhọc dài hạn về việc tái thiết chính trị và kinh tế là những gì cần đến lòng quảng đại và khả năng của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi tin rằng Liên Hiệp Quốc phải đóng vai trò chính yếu về phương diện này”.

 

6/5       Tổng Thống Bush bổ nhiệm chuyên gia chống khủng bố L. Paul Brener lãnh đạo Thẩm Quyền Liên Minh Lâm Thời ở Iraq, điều hành những việc tái thiết và trông coi diễn tiễn về chính trị ở đó.

 

22/5     Hội Đồng Bảo An LHQ bỏ phiếu đồng ý loại bỏ gần 13 năm trừng phạt Iraq về kinh tế. Quyết nghị này cũng bao gồm cả việc đặt Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc kiểm soát nước này cho tới khi ở đây có chính quyền được tuyển cử.

 

13/7     Hội Đồng Quản Trị Lâm Thời, bao gồm 25 phần tử thuộc mọi thành phần, một hội đồng khác nhau về chính trị được liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo bổ nhiệm, lần đầu tiên gặp nhau.

 

19/8     Một xe vận tải chở bom đâm vào tổng hành dinh của LHQ ở Baghdad, sát hại 17 người, bao gồm cả Sergio Vieira de Mello, đại diện đặc biệt của LHQ ở Iraq. Đây là cuộc khủng bố tấn công đầu tiên của cuộc nổi dậy mở màn ở Iraq. Hậu quả là nhân viên LHQ đã rời bỏ Iraq.

 

29/8     Một xe đạn nổ tại Đền Thờ Giáo Trưởng Ali ở Najaf, sát hại 125 người, trong đó có vị lãnh đạo tinh thần của Hội Đồng Tối Cao của Cuộc Cách Mạng Hồi Giáo ở Iraq là Ayatollah Mohammad Baqir al-Hakim.

 

13/12   Quân đội Hoa Kỳ bắt được nhà lãnh tụ Saddam Hussein ở đáy một lỗ nhỏ tối bên dưới một cái lều của một nông trại nuôi cừu, cách Tikrit là nơi sinh trưởng của nhà lãnh tụ này mấy dặm.

 

4/4/2004          Chiến tranh bùng nổ giữa lực lượng liên minh với thành phần ủng hộ giáo sĩ phái Shiite Muqtada al-Sadr sau khi vị phó của giáo sĩ này bị bắt vì tội liên hệ với cuộc ám sát một giáo sĩ khác ngoài Đền Thờ Giáo Trưởng Ali ở Najaf năm 2003.

 

28/4     Những tấm hình cho thấy việc lạm dụng tù nhân người Iraq bởi tay quân nhân Hoa Kỳ được trình chiếu trên đài truyền hình CBS trong mục “60 minutes II”. Những hình ảnh này gây phẫn nộ ở Trung Đông và Tổng Thống Bush phải lên tiếng xin lỗi về sự vụ này. Quân lực Hoa Kỳ đã điều tra vị này ở nhà tù Abu Ghraib thủ đô Baghdad xẩy ra từ Tháng Giêng 2004.

 

30/4     Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ nhường quyền kiểm soát thành phố Falluja cho lữ đoàn Iraq, một thành quả từ những cuộc thương thảo giữa liên minh và thẩm quyền Iraq từ giữa Tháng Tư. Nhưng đến giữa mùa hè thì lữ đoàn này bị tan rã và đám phục quân kiểm soát thành phố này. Trong tháng Tư này có tất cả 136 quân nhân Hoa Kỳ bị chết, con số tử thương trong tháng cao nhất cuộc chiến tranh Iraq.

 

11/5     Một mạng điện toán toàn cầu có liên hệ với nhóm al Qaeda phổ biến một băng hình về con tin Hoa Kỳ là Nicholas Berg, 26 tuổi, nói ngắn ngủi mấy lời trước khi bị lấy đầu bởi những tay bắt giự đeo mặt nạ. Con tin này là nạn nhân đầu tiên của các con tin ở Iraq bị mất thủ cấp bởi thành phần bắt cóc. Mạng điện toán này cho biết việc sát hại nạn nhân trên được hành quyết bởi Abu Musab al-Zarqawi, một đồng minh của nhóm al Qaeda có nhóm khủng bố Hồi Giáo nhận trách nhiệm đã thi hành nhiều cuộc tấn công vào lực lượng liên minh ở Iraq. Các viên chức Hoa Kỳ cho biết tay đầu đảng này dùng Falluja làm căn cứ hoạt động, thành phố đa số thuộc giáo phái Sunni đã trở thành thành lũy của nhóm phục quân.

 

28/6     Hoa Kỳ chính thức trao trả chủ quyền cho Iraq vào lúc 10:26 am, hai ngày trước hạn định trao trả là 30/6. Chính phủ lâm thời, có Thủ Tướng lâm thời là Ayad Allawi và Tổng Thống lâm thời Ghazi al-Yawer cùng nội các, tuyên thệ nhận chức sau đó ít lâu.

 

5/8       Quân đội Hoa Kỳ cùng lực lượng an ninh Iraq hành quân ở Najaf đánh Quân Đội Mehdi, nhóm dân quân bao gồm thành phần ủng hộ giáo sĩ cực đoan Muqtada al-Sadr. Cuộc chiến kéo dài hơn 3 tuần lễ và chấm dứt sau khi Đại Giáo Trưởng Lão Thành Ali al-Sistani môi giới bàn giải hòa bình với al-Sadr là vị giáo sĩ có thành phần thuộc phe ông bấy giờ đang chiếm đóng bên trong Đền Thờ Giáo Trưởng Ali. 

 

7/9       Con số nhân sự Hoa Kỳ bị chết qua 18 tháng chiến cuộc lên tới 1000 mạng. Hơn ¾ bị chết vì chiến đấu, và 647 bị chết từ khi Tổng Thống Bush tuyên bố chấm dứt cuộc chiến chính yếu ban đầu hôm 1/5/2003.

 

5/11     Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cùng với quân đội Iraq thực hiện một cuộc tấn công vào thành Falluja nhằm chiếm lại thành này trong tay phục quân. Các cuộc oanh tạc bắt đầu từ ngày 5 cùng với những cuộc địa chiến theo sau hôm mùng 7. Các cuộc đánh nhau chính kéo dài 2 tuần lễ, sau đó quân đội Hoa Kỳ tuyên bố là đã giam giữ 1.450 người. Những dinh thực được nhóm phục quân sử dụng để giam giữ và hành hạ các con tin được khám phá thấy trong cuộc tấn công này, cùng với cuộc tấn công ở Mosul là một thành lũy khác của nhóm phục quân.

 

12/1/2005        Một viên chức tình báo Hoa Kỳ cho CNN biết là việc tìm kiếm các loại vũ khí đại công phá đã chấm dứt mấy tuần gần đây. Không tìm thấy những thứ vũ khí ấy.

 

30/1     Hằng triệu người đã bỏ phiếu lần thứ nhất trong nửa thế kỷ. Họ bầu cử để chọn Hội Đồng Quốc Gia 275 vị hầu soạn thảo bản hiến pháp và chọn một vị tổng thống chuyến tiếp. Cả hơn chục cuộc tấn công trong cuộc tuyển cử này, khiến ít là có 28 người chết và 71 người bị thương. Tuy nhiên, thành phần Hồi Giáo phái Sunni được lãnh tụ Saddam Hussein ưu ái trước kia tránh xa việc tuyển cử này, một cuộc tuyển cử hầu hết bởi thành phần phái Shiite là thành phần chiếm 60% trong tổng số dân Iraq.

 

7/4       Tân Tổng Thống Iraq là Jalal Talabani, một lãnh đạo người Kurd, tuyên thệ nhận chức cùng với hai vị phó tổng thống là Adel Abdul-Mahdi, một người Shiite và là nguyên bộ trưởng tài chính lâm thời, và Ghazi al-Yawer, một người phái Sunni bvà là nguyên tổng thống lâm thời. Cựu lãnh đạo Saddam Hussein, một trong 12 nhân vật cao cấp bị Hoa Kỳ giam giữ đã theo dõi cuộc tuyên thệ này trên băng hình một mình trong ngục thất của ông.

 

10/15   Tổng Tuyển Cử về bản tân hiến pháp. Kết quả cuộc kiểm phiếu hôm Thứ Ba 25/10/2005 của cuộc trưng cầu dân ý Iraq ngày 15/10/2005 cho thấy dân chúng đã chấp thuận bản hiến pháp, với 78% trong số 9.8 triệu cử tri (tức có 63% cử tri hợp lệ đi bầu). Như thế là nhân dân Iraq sẽ tiếp tục tiến trình hình thành chế độ dân chủ của họ, với cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12/2005 tới đây.

 

25/10   Con số tử vong của Hoa Kỳ lên đến 2000 mạng và được tưởng niệm qua một giây phút thinh lặng ở Thượng Viện. Tổng Thống Bush dọn lòng quốc dân chấp nhân tử vong hơn nữa khi nói: “việc bênh vực tự do xứng đáng với cuộc hy sinh của chúng ta”.

 

15/12   Cuộc tuyển cử lần thứ ba trong năm 2005, cuộc tuyển cử chọn quốc hội này cho thấy nhiều cử tri hơn hai lần đầu, với 11 triệu cử tri, trong khi Iraq càng ngày càng bạo loạn. Kết quả cuộc tuyển cử 15/12 được công báo hôm Thứ Sáu 20/1/2006 cho thấy là Liên Minh Liên Hiệp Iraq do phái Hồi Giáo Shiite lãnh đạo đã thắng trong cuộc tuyển cử Quốc Hội ngày 15/12/2005, với 128 trong 285 đại diện trong Hội Đồng quốc hội, tuy nhiên vẫn chưa đủ để chiếm đa số tuyệt đối. Trong khi đó, khối người Kurd, với tổng số dân chiếm 20% trong tổng số 25 triệu dân Iraq, chiếm 53 ghế, giáo phái Hồi Giáo Sunni, cũng chiếm 20% trong tổng số dân Iraq, chiếm 55 ghế, và nhóm Ayad Allawi nguyên thủ tướng lâm thời chiếm 25 ghế.

 

Như thế, theo tiến trình dân chủ hóa, tiểu ban Hội Đồng Toàn Quốc được bầu ngày 15/12/2005 này sẽ tài thẩm định bản hiến pháp với hạn chót phải xong là ngày 15/4/2006, rồi tiếp theo là việc điều chính hiến pháp, hạn cuối phải xong là ngày 15/6/2006. Cuối cùng là một cuộc trưng cầu dân ý khác về bản hiến pháp được thử nghiệm rồi được điều chỉnh này.

 

12/1/2006        Bản Tuyên Cáo của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq, với những ý chính được tóm kết ở phần cuối như sau:

 

Đất nước của chúng ta đang đứng giữa ngã ba đường ở Iraq. Chúng ta cần phải tránh hai chiều hướng làm méo mó thực tại và hạn chế những đáp ứng thích đáng. Chúng ta cần phải chống lại chiều hướng bi quan có thể đẩy quốc gia chúng ta đến chỗ loại bỏ các thứ trách nhiệm về luân lý nó đã chấp nhận trong việc sử dụng võ lực và có thể xui khiến chúng ta rút lui khỏi Iraq một cách hấp tấp bất kể đến những hậu quả về luân lý và nhân bản. Chúng ta cần phải loại trừ chiều hướng lạc quan đến độ không nhìn nhận những lầm lỗi rõ ràng trong quá khứ, lỗi lầm về vấn đề tình báo thất bại, cũng như lỗi lầm về vấn đề hoạch định thất sách về Iraq, và coi nhẹ những thách đố trầm trọng cùng với những tổn hại về con người trước mắt

 

Trái lại, đất nước của chúng ta cần phải tác hành theo chiều hướng thực tiễn có tính cách xây dựng và khôn ngoan giúp chúng ta rút kinh nghiệm quá khứ và tiến về tương lai. Thành phần phác họa chính sách và công dân cần phải tự ý đặt ra những vấn nạn khó khăn về luân lý liên quan tới thứ chiến tranh phòng ngừa và học lấy kinh nghiệm của mình ở Iraq. Khẩn trương hơn là vấn đề quốc gia của chúng ta cần phải thực hiện một cuộc đối thoại nghiêm cẩn và dân sự để tiến bước trên con đường khó khăn hướng tới một việc chuyển giao hữu trách tìm cách giúp nhân dân Iraq đảm nhận trách nhiệm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho họ – một tương lai góp phần cho nền hòa bình trong và ngoài miền đất này. Cuộc đối thoại đất nước này cần phải được bắt đầu bằng việc tìm kiếm ‘sự thật’ về chỗ đứng của chúng ta ở Iraq, chứ không phải việc tìm kiếm lợi ích chính trị hay những biện minh cho các chủ trương trong quá khứ”.