CHUYN  VUI  MÙA THU

_____________________________________________________________________________________________________________________

(Lm. Anphong Trần Ðức Phương)

 

 

(“Chuyện Vui Mùa Hè...” trước đây bàn về đời sống và những giao tế hàng ngày trong xã hội chúng ta hôm nay gồm nhiều chủng tộc và ngôn ngữ chung sống gần gũi với nhau như trong một ngôi làng!

 

“Chuyện Vui Mùa Thu...” là những câu chuyện về tình yêu Nam - Nữ  và đời sống gia đình với bao biến chuyển trong xã hội ngày nay và ngày mai...)

 

 

 

Khác với ngày Lễ Lao Ðộng Quốc Tế được mừng vào ngày 01 tháng 05 hàng năm (cũng là ngày Lễ Thánh Giuse Lao Công), ngày lễ “Lao Ðộng (Labor Day) ở Hoa Kỳ và Canada vào ngày Thứ Hai đầu tháng Chín hàng năm. Với ngày này, mùa nghỉ hè kể như chấm dứt và các học sinh bắt đầu vào một niên học mới.

 

Chấm dứt mùa nghỉ hè kể như cũng tạm chấm dứt mùa “Cưới Hỏi” tại Hoa Kỳ, vì hầu hết các bạn trẻ, kể cả các bạn trẻ Việt Nam, thường chọn ngày cưới vào  mùa hè để tiện thu xếp các công việc sau khi đã nghỉ học và thường là đã “ra trường”... Thế là cũng chấm dứt “Mùa Trăng Mật” để trở về với cuộc sống thực tế hàng ngày.

 

Người ta thường nói cuộc tình nam nữ trải qua những giai đoạn của “bí nấu với mật”... Khi hai bạn trẻ yêu nhau, cuộc tình lúc đầu rất “bí mật”, chỉ hai người biết với nhau. Nhưng rồi bí mật mấy cũng phải “bật mí” để gia đình và  bà con biết mà tổ chức đám hỏi, đám cưới... Sau đám cưới là tuần  “trăng mật” và sau tuần trăng mật và “vỡ mật” vì đời sống thực tế…Đôi “tân hôn” phải lo bao nhiêu thứ cho cuộc sống mới, lo công ăn việc làm, lo trả  “nợ nần” sau ngày đám cưới...  Thực tế trong cuộc sống chung hàng ngày cũng làm cho đôi bạn đã thành vợ chồng thấy rõ con người thật của nhau hơn và mỗi bên đều nhận ra những khuyết điểm của nhau. Chàng và nàng không còn là “người yêu lý tưởng” như lúc ban đầu... và dần dần như chúng ta thường nghe nói : lúc mới yêu nhau thì “anh nói, em nghe!” và “em nói, anh nghe!”, rồi dần dần “anh nói, anh nghe!” và “em nói, em nghe!”... cuối cùng thì “cả hai cùng nói để hàng xóm nghe!”… và rồi các hệ lụy của đời sống gia đình và các khó khăn cứ tiếp diễn... hết mùa xuân sang mùa hè, hết mùa hè sang mùa thu, hết mùa thu sang đông v.v...

 

Mỗi lần được hân hạnh dâng Thánh Lễ Hôn Phối cho các bạn trẻ, tôi rất thích được nghe các bản thánh ca thật hay và ý nghĩa, như bài “Chung kết trầu cau: Ngày xưa khi Chúa dựng nên đất trời...” hay bài “Lời thề: Một lần con thề hứa...” Mới đây nhất, tôi được nghe bản “Nỗi lòng Adam...” cũng rất hay và ý nghĩa; nhất là các bạn trong ca đoàn hôm đó hát thật “có hồn... và tâm tình”... làm tôi cảm động và suy nghĩ nhiều về cuộc sống hôn nhân của các bạn trẻ trong thế giới hôm nay... và viết bài này để đặc biệt gửi đến các bạn với lời chúc rằng : “Các bạn đã được Thiên Chúa kết hiệp nên một qua Bí tích Hôn Phối Thánh Thiện, các bạn đã âu yếm cầm tay và trao nhẫn cho nhau, đã cùng nhau đốt lên “Cây nến Hiệp Nhất” (Unity Candle)... thì các bạn hãy năng tâm niệm bài Lời Thề (thường hát vào lúc đốt cây nến hiệp nhất): “Một lần Anh thề hứa...Một lần Em thề hứa ... là trọn đời tình ta trao nhau... để chúng mình luôn bên nhau...

 

                   “Như chim liền cánh,

                                      và như cây liền cành...”

 

Câu chuyện đầu tiên về tình yêu nam nữ đã được kể  lại ngay ở những trang đầu trong Kinh thánh Cựu Ước (Sách Khởi Nguyên). Thiên Chúa đã dựng nên người nam (Adong) và cho ông làm chủ mọi loài vật mà ông đặt tên cho chúng; nhưng ông không thấy con vật nào có thể thông cảm với ông như một “người vợ”... Ông đã tỏ bày nỗi lòng với Chúa và Chúa đã để ông ngủ say, và lấy một chiếc xương sườn cụt của ông để dựng nên người có tên là “người nữ” (Eva) và đem đến cho ông... và ông đã mừng rỡ hô lên: “Ðây chính là xương bởi xương tôi, và thịt bởi thịt tôi... và nàng sẽ được gọi là “người nữ” (Eva) vì nàng đã được tạo nên từ người “đàn ông của bà” (người chồng)...” (Sách Khởi Nguyên 2, 20-25).

 

Thế là đám cưới đầu tiên đã được Thiên Chúa cho cử hành một cách long trọng ngay tại vườn địa đàng... mà chàng rể có tên là Adong và cô dâu là Eva...

 

Cũng từ ngày đó, khi lớn lên đến tuổi “cặp kê” thì người thanh niên cảm thấy có một sức mạnh thúc đẩy lạ thường phải đi tìm “cái xương cụt của mình” và người nữ cũng cảm thấy một sức mạnh không kém để đi tìm người đã cho mình ‘mượn tạm cái xương  sườn’ để dựng nên mình... Không một người nào, không một khó khăn nào, dù phải ‘trèo đèo, vượt suối’ có thể cản trở  cuộc đi tìm kiếm này... Khi đã gặp được rồi thì “Người nam sẽ bỏ cả cha mẹ mình mà gắn bó với người nữ (người vợ)... và cũng từ đó hai người trở nên một thân thể... (Khởi Nguyên 2,24) và từ đó  “Ðiều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, con người không được phân ly!...” (Matthêu 19, 6; Matcô 10, 9)... Cũng vì thế, hôn phối đúng nghĩa chỉ có thể là sự “kết hiệp” giữa một người nam và một người nữ... Hơn nữa, sự “kết hiệp” giữa người nam và người nữ ngoài mục đích chính là để chia sẻ “tình yêu nam nữ với nhau” còn để đưa đến mục đích quan trọng khác là “sinh thêm con cái cho đầy mặt đất...” và duy trì sự tồn tại của loài người trên mặt đất này... Cũng từ đó mà thế giới văn minh ngày nay đã không còn chấp nhận “chế độ đa thê”... và con người có lương tri đúng đắn không thể chấp nhận “hôn phối đồng tính” (same sex marriage).

 

Nhưng dù “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” nam và nữ vẫn khác biệt nhau về thể xác, về tính tình và cảm xúc... Chính những cái khác biệt này lại là cái để hai người thu hút và bổ túc cho nhau... Ðúng là “mình với ta tuy hai mà một... Ta với mình tuy một mà hai!... (Dựa theo thơ Tản Ðà). Cũng từ đó mà mãi mãi “ngọt ngào pha trộn với khổ đau” trong tình yêu nam nữ và trong cuộc sống hôn nhân! (Yêu thì  đau khổ, mà không yêu thì lỗ!).

 

Ðể diễn tả sự “ngọt ngào và đau khổ trong tình yêu nam nữ và cuộc sống gia đình, có một câu chuyện cổ Ảrập sau đây (câu chuyện cũng dựa vào đoạn Kinh Thánh nói trên)...

 

Khi thượng Ðế đã dựng nên Ông Adong và cho ông được làm chủ mọi sinh vật mà Ngài đã dựng nên. Sau đó Ngài về trời và tin rằng ông Adong sẽ được hạnh phúc vui vẻ trong cuộc sống. Mãi lâu sau, khi chợt nhớ đến Adong, Ngài lại hiện ra xem ông như thế nào, thì Ngài rất đỗi ngạc nhiên là ông rất chán nản. Ngài liền hỏi: “Tại sao con đã được làm chủ mọi loài, mọi vật mà Ta đã dựng nên, mà sao con lại buồn chán như vậy?” Ông Adong trả lời: Lạy Chúa con , các loài vật này chúng nghe lời con hết thảy, nhưng không con nào có thể cảm thông với con, chia sẻ tình thương và  tâm tư của con được... Con cảm thấy cần một người giống như con, cũng có cảm nghĩ, tình yêu và cảm xúc như con để con có thể chia sẻ cuộc sống thì con mới hạnh phúc”… Bấy giờ Thượng Ðế trả lời: Tiếc rằng Ta đã lấy hết mọi vật liệu để tạo dựng trời đất và muôn vật trong đó, nên không còn vật liệu gì để làm nên một loại giống như con...”   Rồi suy nghĩ giây lát, Thượng Ðế liền nói: “Ðược rồi, Ta đã có cách... Ta sẽ lấy tất cả những gì Ta đã dựng nên , mỗi thứ một chút, để dựng nên một kẻ giống như ngươi”... Thế là Thiên Chúa lấy một chút cát nóng của sa mạc, một chút tuyết lạnh của Bắc cực, cái nóng của mùa hè và cái băng giá của mùa đông, cái âm thầm lặng lẽ của con chim bồ câu và cái hay nói của con vẹt, cái hiền lành của con chiên và qủy quyệt của con cáo v.v... để dựng nên “người nữ” mà Ngài đặt tên cho là Eva và dẫn nàng đến cho Adong... và ông Adong đã vui mừng tạ ơn Thượng Ðế và nhận nàng làm “vợ”. Sau đó, Thượng Ðế lại trở về trời... Thật lâu sau, Ngài lại xuống trần gian để xem Adong bây giờ thế nào, đinh ninh rằng ông đang sống thật hạnh phúc bên người vợ của mình... Nhưng khi gặp thì Chúa thấy ông Adong lúc này lại tỏ ra thật khổ sở... Thiên Chúa liền hỏi ông Adong: “Tại sao bây giờ ngươi vẫn còn đau khổ, có khi cả hơn trước nữa?...” Adong thưa rằng: “Lạy Chúa con, “người vợ” mà Chúa ban cho con, chẳng đem lại hạnh phúc cho con được bao lâu, thì đã làm con khổ sở quá... Tính tình nàng thật là trái ngựơc, nàng đúng là con người trái khoáy... lúc thì nàng nói như vẹt không sao bảo nàng im đi được, lúc nàng lại câm nín không thèm nói một lời... Nàng chợt vui lại chợt buồn; chẳng bao giờ nàng muốn làm theo ý con cả... Khi con muốn ở nhà thì nàng lại đòi đi ra ngoài, khi con muốn đi ra ngoài chơi một chút thì nàng lại nhất định không cho đi... Ôi, nàng làm khổ con quá... Thôi con xin trả lại nàng cho Chúa...” Thiên Chúa liền vui vẻ cất Eva đi khỏi nơi Adong và chúc ông sống ‘độc thân’ hạnh phúc. Lâu sau, Thượng Ðế lại hiện ra để xem Adong bây giờ ra sao... và Ngài vẫn thấy ông có vẻ rất khổ sở... Ngài lại hỏi nguyên nhân tại sao. Ông Adong liền thưa lại: “Lạy Chúa con, xin Chúa trả lại nàng cho con, vì dù có nàng thì con khổ sở lắm, nhưng không có nàng sống bên cạnh, thì con lại  không chịu nổi!...”

 

“Ngọt ngào và đau khổ” trong đời sống vợ chồng là như vậy...

 

Xa nhau thì nhớ nhau, gần nhau thì luôn cãi vã với nhau.

 

Tôi có quen một ông, gia đình cũng khá giả, nhưng dù đã lớn tuổi, ông vẫn đi làm. Có lần ông tuyên bố với bạn bè: Tôi sẽ đi làm cho đến chết thì thôi!... Hỏi tại sao không nghỉ ngơi để tĩnh dưỡng tuổi già, ông trả lời: Ở nhà thì vợ chồng suốt ngày chẳng còn chuyện gì nói, chỉ cãi nhau... nhiều khi đối đáp những lời thật chua cay...

 

Có lần hai vợ chồng cãi nhau, ông quay ra bảo: “Bà phải biết lấy được tôi là bở lắm đó!”... Bà trả lời ngay lập tức: “Bở chứ sao không bở... Bở như vôi vậy mà!...” Có lần bà lái xe, ông ngồi sau; thấy bà lái xe suýt gây tai nạn, ông liền nói gắt: “Lái xe gì mà ngu như vậy!...” Bà phản pháo ngay: “Ðúng rồi, ngu chứ sao... Có ngu thì mới lấy người chồng như ông!...” Có lần hai ông bà bàn chuyện lấy vợ cho con  trai, bàn luận với nhau mãi, ông bực mình nói lớn: “Thôi, nó muốn lấy ai thì lấy, miễn là không lấy phải người như bà là được rồi!... Bà liền nổi nóng: “Ừ, thế mà ngày xưa cũng có kẻ cứ cố mà nhào vô đấy!...” Đêm  khuya, ông cảm  thấy mệt mỏi và đi vào phòng ngủ…bà  vẫn chưa tha, chạy vào la : ông ra ngoài này để tôi nói, chứ  bộ tôi nói cho cài cột nghe  sao?...

 

Thế nhưng khi ông bệnh hoạn nằm một chỗ, thì bà lại tỏ ra thương hại và chăm lo thuốc men rất chu đáo cho đến khi ông qua đời. Lúc đó, dù bà không khóc, nhưng thật buồn!... Lo đám  tang cho chồng xong, bà sống như đã chết đi với chồng... Lúc nào cũng khóc thương kể lể về những điều hay điều tốt về chồng cho con cháu nghe, và cuối tuần nào cũng bắt con cháu cùng ra thăm mộ chồng... Lâu lâu, tôi gọi điện thoại hỏi thăm, lần nào cũng khóc thương ông... Cả năm sau gọi thăm, bà vẫn xụt xùi và nói: “Chúa ơi, sao mà không sao quên đi được!...”

 

Chúa đã kết hiệp hai người nên một để cùng bổ túc cho nhau, chia sẻ tình yêu nam nữ, và sinh con cái nối tiếp dòng họ... Suốt cả cuộc đời, cùng dìu nhau đi và chăm sóc gia đình... Cả một cuộc đời chung sống thật dài, có khi 60, 70 năm... Trong cuộc hành trình trần gian đó, có những ngày vui, mà cũng có những ngày buồn!... Có mùa xuân mà cũng có mùa đông!... Có bình minh đẹp buổi sáng, mà cũng có đêm tối mịt mù!... Có biết bao những cám dỗ... Có biết bao những “khủng hoảng”... Vượt qua được những chặng đường đó, mà vợ chồng vẫn chung thủy bên nhau thì tình yêu đã được tôi luyện thắm thiết mà chẳng bao giờ quên nhau được. Ðúng như một cụ ông tôi quen biết, dù bà đã qua đời khá lâu, nhưng khi thăm hỏi, ông cụ vẫn nói: “Lúc nào cũng như bà ấy đang ở bên cạnh vậy!”...

 

Viết đến đây, tôi nhớ lại hồi đã lâu có xem một số cuốn phim có tính cách giáo dục gia đình; trong đó có hai cuốn mà tôi còn nhớ nhiều; đó là cuốn  có tựa đề là “Duy Nhất...” và một cuốn là “Khi Mùa Thu Tới...” Hình như đều là phim của Ba Lan.

 

“Duy Nhất” kể về hai bạn  trẻ cùng sinh hoạt chung trong cộng đồng. Họ đều là những bạn trẻ con nhà gia giáo và đều ham thích hoạt động xã hội... Rồi lớn lên họ thành thực yêu thương nhau và kết hôn với nhau trong hạnh phúc chan hòa... Ít lâu sau, chàng phải đi làm xa, lâu lâu mới có dịp về thăm nhà. Người vợ tiếp tục làm việc tại một “hợp tác xã”. Chừng vài năm sau, có lần về thăm nhà, anh rất ngạc nhiên là người nhà nói xấu nhiều về nàng và dèm pha đủ thứ chuyện; nhưng anh vẫn không tin... Tuy nhiên, nhiều lần nghe nói đi nói lại, anh bị tiêm nhiễm, và riết rồi anh cũng đâm hoài nghi cho người vợ chung thủy của mình. Mỗi khi về thăm nhà và đến thẳng thăm vợ ở hợp tác xã, anh cảm thấy ghen tương kỳ lạ khi vợ anh vui vẻ xã giao với khách hàng và những chàng trai cùng làm trong đó...   

 

Thế là  chàng  đã thực sự nghi ngờ vợ... Rồi, vợ chồng cãi nhau... Rồi khủng hoảng đến... mà không nhờ ai giúp được để vượt qua. Ngược lại, những người nhà là những người cần giúp đỡ hai người trong cuộc khủng hoảng, thì lại hay ‘nói ra nói vào’ làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng... Sau cùng, hai người phải chia tay... không còn “duy nhất” nữa... Chàng rất buồn, và sau đó anh đã lập gia đình với một người khác. Nhưng cuộc sống cũng chẳng kéo dài được bao lâu, vì tâm trí anh không bao giờ quên được ‘tình yêu thuở ban đầu!’... Còn nàng cũng buồn không kém. Sau cuộc chia tay, nàng cũng trải qua nhiều cuộc tình khác nhau, nhưng đều thất bại... Sau một thời gian dài, lúc đó họ đã lớn tuổi, có một lần anh lưu lạc đến một thành phố kỹ nghệ;  vì bịnh, anh phải vào nhà thương... Ở nhà thủỏng, anh đã vô tình đọc trong danh sách bệnh nhân của bệnh viện và thấy tên người vợ xưa của mình... Anh đã quyết định đến thăm... Khi người y tá dẫn anh vào phòng, người vợ năm xưa của anh đã rất tàn tạ vì bịnh lao phổi... Anh nhìn nhìn người yêu năm xưa của anh... và chợt nhận ra nàng cũng đã nhận ra anh... và rồi những giọt nước mắt chảy ra từ mắt hai người như những lời vĩnh biệt …

 

Chuyện phim “Khi Mùa Thu Tới” diễn tả một ông đã khá lớn tuổi, nhưng rất vui tính và thích xã giao. Bà cụ đã mất khá lâu. Ông có một người con gái mà ông rất thương yêu. Năm nào cũng vậy, “khi mùa thu tới” là lúc ông đi thăm người con gái và con rể đang sinh sống tại một thành phố kỹ nghệ miền nam. Trên chuyến xe hỏa, ông vui vẻ nói chuyện và pha trò với mọi người, làm cho ai cũng vui thích. Có mấy người thích đọc sách trên chuyến xe, lúc đầu hơi bực mình với ông, nhưng thấy ông vui tính, cũng ngừng đọc để nói chuyện và hỏi thăm ông và gia đình con gái ông. Ông nói ông hay có thói quen thăm con gái và con rể vào mùa thu, mùa khí hậu êm dịu ở miền nam... Nhưng không bao giờ ông báo cho biết trước... Ông muốn tạo một sự bất ngờ thích thú cho con ông...                         

 

Khi xuống xe hỏa, lúc đó đã buổi chiều, ông biết các con ông đã đi làm về. Ông vào nhà ga để nghỉ ngơi và gọi điện thoại cho con để ra đón... Chính lúc đó hai vợ chồng  đang tranh luận và đi đến cãi nhau khá gay go... Nhưng khi nghe điện thoại báo tin cha đến thăm, hai người đành phải chấm dứt cuộc gây lộn và cùng nhau lái xe ra nhà ga đón cha... Trong thời gian ở với các con, ông luôn nói chuyện vui đùa làm cho gia đình tràn ngập niềm vui. Nhưng rồi hai vợ chồng cũng thành thực tỏ bầy với ông những bất đồng và khó chịu với nhau trong cuộc sống, kể  cả cuộc gây lộn trước khi ông đến... Ông đã đem cả tấm lòng của người cha và kinh nghiệm cuộc sống hôn phối lâu dài của ông để khuyên bảo các con...  Ngày  ông từ giã các con để ra về, khi hai người đưa ông ra nhà ga, trước khi bước lên xe hỏa, ông vẫn còn vui vẻ hài hước và nói với người con rể: “Nhớ lời ba dặn nhé! Cứ đánh, cứ đánh đau vào con nhé!...”   Thế là hai người con cùng cưới vui vẻ tiễn chân cha rồi lên xe trở về trong niềm vui hạnh phúc...

 

Chắc qúy vị cũng nhận ra hai cuốn phim trên đây muốn nói gì, muốn nhắn nhủ gì với các  bậc vợ chồng, nhất là các bạn trẻ mới lập gia đình... và chắc quý vị cũng nhận ra , cha mẹ hai bên và các người thân trong gia đình cũng đóng một vai trò khá quan trọng để giúp con cái mình biết kiên nhẫn tìm hiểu, thông cảm và tha thứ để bảo vệ sự “duy nhất” và hạnh phúc gia đình... Nhiều bậc cha mẹ đã hy sinh tất cả cho con cái và chỉ lo bảo vệ “điều mà Thiên Chúa đã liên kết không bao giờ phân ly...”

 

Ðã lâu, tôi có nghe kể câu chuyện cảm động về một bà mẹ, vào năm di cư 1954, khi ra khỏi làng để chạy di cư vào Miền Nam, người con gái của bà mới lấy chồng, cố chạy theo mẹ để đi theo mẹ và gia đình, nhưng bà nhất định đuổi con về không cho đi theo, và nói với con: “Mẹ cũng thương con lắm... Mẹ cũng đau đớn khi phải xa con mà không biết bao giờ có thể gặp lại... Nhưng con đã lấy chồng, Chúa đã kết hiệp chúng con nên một... Nhà chồng và chồng con không đi, con cũng phải ở lại với chồng con...”

 

Có thể nào có thể xảy ra những trường hợp, chỉ vì ghét con dâu, hoặc con rể, mà cha mẹ hay anh chị em trong gia đình lại tìm cách dèm pha và “chia loan rẽ thúy” trái hẳn lề luật Chúa... Tôi cũng thấy có những trường hợp hai vợ chồng và con cái đang sống vui vẻ hoà thuận với nhau, thế mà khi bảo lãnh cha mẹ sang một thời gian lại xảy ra những “xáo trộn” trong gia đình chỉ vì những “đòi hỏi quá đáng” cuả cha mẹ (chồng hoặc vợ) mới được con cái bảo lãnh sang... Bên  “Tình”, bên  “Hiếu” đàng nào cũng trọng cả, nhưng các bậc cha mẹ thương con thực sự, luôn hy sinh tất cả cho hạnh phúc con cái được toàn vẹn... Đó là điều đáng phục... Cuộc sống gia đình trong xã hội ngày nay, nhất là những vợ chồng trẻ mới lập gia đình, dù ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ, đều gặp nhiều khó khăn. Sự nâng đỡ của các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình rất cần thiết để giúp họ vượt qua mọi thử thách, khó khăn để luôn trung tín với nhau.

 

“Chuyện Vui Mùa Thu” có thể còn dài, còn rất dài, nhưng nơi đây xin kể hai chuyện vui kết thúc để chúng ta cùng vui vẻ trong hạnh phúc êm đềm, thơ mộng của mùa thu năm nay.

 

Khi còn đang là tình nhân, anh bạn trẻ  tên N. luôn gọi “người yêu lý tưởng” của mình là “con nai tơ của anh!” và cũng giới thiệu với bạn bè là “con nai tơ của tôi!”         Nhưng vài năm sau ngày cưới, nhân vào ngày kỷ niệm hôn phối, có anh  bạn tên T. từ xa gọi điện thoại đến thăm anh và chúc mừng... rồi vui miệng anh hỏi: “Con nai tơ của bạn thế nào rồi?”... Im lặng một chút, anh N. trả lời: “Ồ, bây giờ nàng không còn là “con nai tơ nữa đâu!...Bây giờ nàng đã biến thành con hổ cái rồi!”...Ngay lập tức, người vợ dành lấy điện thoại của chồng và nói lớn cho người bạn kia nghe... “Anh T. ơi, nếu mà em không dữ như con hổ cái, thì bây giờ đã có bao nhiêu con nai tơ vào cái nhà này rồi!...”

 

Vợ chồng dù yêu nhau thắm thiết, nhưng hàng ngày, trong sinh hoạt xã hội, nơi sở làm, dù chồng hay vợ cũng đều có bao nhiêu những “cám dỗ”, những lôi cuốn... Chính vợ chồng có bổn phận gìn giữ cho nhau... Nhưng điều quan trọng là chính sự thông cảm khéo léo và tình yêu chân thành sẽ giúp vợ chồng  biết giúp nhau  vượt qua tất cả những cám dỗ nguy hiểm đó... Ghen tương là hương vị của tình yêu, và thường làm cho tình yêu thêm mặn nồng... “Ớt nào là ớt chẳng cay”, nhưng chính vị “cay” của ớt lại làm cho người ta thích ăn trong bữa tiệc “tình yêu”... Tuy nhiên, những “ghen tương mù quáng” chẳng những đã gây ra bao thảm kịch gia đình, những tan vỡ... làm khổ cho cả vợ chồng và con cái, mà rất nhiều khi còn gây ra những án mạng khủng khiếp hơn cả những chuyện tả trong tiểu thuyết.

 

Chuyện cuối cùng được một người bạn kể trong một bữa tiệc vui. Ông bạn này là người có khiếu kể chuyện vui và khéo thêm “mắm muối”  để câu chuyện thêm hương vị... Chuyện kể căn cứ vào bản kịch của Túy Hồng...

 

Có một chàng thanh niên sắp lập gia đình. Anh đi thăm bà con để gây cảm tình và chuẩn bị cho đám cưới của anh... Một hôm anh đến nhà người cậu (em của mẹ) để thăm cậu mợ H... Sau bữa ăn gia đình, anh mới bày tỏ là cha mẹ anh đã cho phép anh kết hôn với cô H., và anh muốn xin cậu mợ cho những lời khuyên để cuộc thành hôn được tốt đẹp. Ông cậu nói với bà vợ: “Vậy bà khuyên cháu nó đi...” Bà mợ trả lời: “Ý ông này... Nó cưới vợ chứ có lấy chồng đâu mà bảo tôi khuyên... Ông đã lấy vợ là tôi đây nè, bao nhiêu năm rồi, bây giờ ông khuyên cháu đi...” Ông cậu vui vẻ chấp nhận và lên tiếng khuyên cháu... Nói vòng vo một lúc, ông kết luận: “Cậu đã lấy mợ mày và đã sống chung với nhau cả hơn bốn chục năm nay rồi... nhưng cậu thú thực rằng: Vợ mà không có thì thiếu... mà có thì lại thừa...” Bà mợ  nghe vậy liền lên tiếng: “Vậy ra bây giờ tôi là thừa, hả?... Vậy, tôi đi!” và bà gỉa như bỏ ra đi... Nhưng ông nắm lấy tay bà và nói: “Này, bà đừng đi... Bà mà đi thì tôi lại thiếu!...” Thế là hai ông bà lại cười vui vẻ với nhau thân tình... Bấy giờ ông cậu mới nói: “Cháu thấy không... Cậu mợ đã sống bao nhiêu năm với nhau, nhưng không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt” cả đâu. Nhiều lúc cũng muốn như “bỏ nhau” đấy... nhưng rồi “chồng giận thì vợ làm lành..., và nếu vợ giận thì chồng làm lành”... rồi lại cười vui vẻ với nhau... và cứ như thế từ hồi nào mà bây giờ cậu mợ vẫn sống bên nhau  hỏn bốn mươi năm rồi….. Lúc này con cái đã lớn, đã lập gia đình và ở riêng, chỉ còn cậu mợ chung sống và an ủi nhau trong tuổi già... Tình yêu cậu mợ đã vượt qua bao “khủng hoảng”, đã được tôi luyện... và bây giờ kể như càng ngày càng mặn nồng và khăng khít với nhau hơn...             

 

Đến ngày đám cưới của người cháu, hai ông bà đều đi tham dự tiệc cưới... Mọi người đều mừng cho đôi tân hôn “trăm năm hạnh phúc” như thói quen... Nhưng ông cậu vui vẻ nói: “Cậu mợ mừng và chúc hai cháu:

 

Năm nào cũng là năm hạnh phúc,

Tháng nào cũng là tháng tình yêu,

Tuần nào cũng là tuần trăng mật,

Ngày nào cũng là ngày  tân hôn…

 

Mong rằng những hình ảnh vui tươi hạnh phúc trong ngày thành hôn sẽ luôn tươi thắm trong lòng các bạn suốt dọc cuộc sống gia đình, dù khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, thử thách. hãy vui lên với nhau, hãy đùa vui với nhau! Ðừng quên rằng tính “hài hước” (sense of humor... Good sense of humor) cũng rất ích lợi để làm giảm những căng thẳng trong cuộc sống chung hàng ngày... Như cha ông chúng ta đã khám phá ra điều đó, nên mới có câu pha trò vui vẻ mà chúng ta đều thuộc lòng:

 

Chồng giận thì vợ làm lành

Mặt cười hớn hở rằng anh giận gì,

Anh ơi, anh giận làm chi,

Muốn cưới vợ bé, em thì cưới cho!...

 

Chúc các bạn luôn sống vui tươi hạnh phúc bên nhau “như chim liền cánh” và “như cây liền cành!...” trong “túp lều lý tưởng... có anh và em...” và rồi có một bầy “tí nhau” làm vui cửa, vui nhà!

 

(Ðặc biệt tặng các đôi bạn trẻ mà tôi đã được hân hạnh thay mặt Chúa và Giáo hội chứng hôn trong những năm tháng vừa qua!)