CHUYỆN VUI MÙA HÈ:

 

“THANG MY

 

(Xin gửi đến quý vị và các bạn mấy câu chuyện vui mùa hè để chúng ta cùng “giải nhiệt” trong Mùa hè nóng nực này. Hai từ “Thang My’ không bỏ dấu để tùy mỗi vị đóan ra; tuy nhiên nếu chịu khó đọc hết mấy câu chuyện “vui vui” dưới đây, quý vị sẽ tự bỏ dấu được… Xin mỗi quí vị đọc và tự bỏ dấu đầu đề trên đây.                Lm. Anphong Trần Đức Phương).

 

Có lần tôi đọc trong báo “The Herald” (Inernational Edition of The Miami Herald, số ngày 15 tháng 6 năm 2006), mục “Dear Abby”, có mấy câu chuyện “vui vui”… Tôi xin tóm tắt sau đây:

 

“Một thanh niên người Mỹ đang ngồi nghỉ ở một phi trường ở Austin, Texas. Có một gia đình người Nhật vừa xuống máy bay, đến ngồi nghỉ bên cạnh anh sinh viên này và than phiền về chuyến bay, về đồ ăn… và rồi than phiền luôn thanh niên người Mỹ đang ngồi gần họ có mùi khó ngửi quá… Thanh niên người Mỹ này liền quay sang nhìn gia đình người Nhật đó và nói bằng tiếng Nhật rất thông thạo: “Phải, tôi cũng cảm thấy có điều gì thiếu lịch sự ở nơi đây!”. Thế là gia đình đó nhìn anh thanh niên một cách sửng sốt, rồi đứng dậy và bỏ đi luôn…

 

Một bà người Mỹ có cô con gái làm cho cơ quan NATO ở Ý. Một hôm bà sang thăm cô con gái và hai mẹ con đi mua sắm ở thành phố Naples, rồi vào một tiệm bán đồ gốm. Trong khi hai mẹ con đang đi xem các đồ bán trong tiệm, thì bà chủ tiệm người Ý nói với người bạn (bằng tiếng Ý): “Tôi không thích tụi Mỹ và tụi Anh tí nào cả… Tôi chỉ muốn tụi nó bỏ đi cho rồi”. Không ngờ cô gái người Mỹ thông thạo tiếng Ý, và cô nói nhỏ với bà mẹ, lời bà chủ tiệm vừa nói. Ngay khi đó, bà chủ tiệm đến gần hỏi hai người có cần gì không? Cô liền trả lời bằng tiếng Ý: “Cám ơn… Nhưng chúng tôi thấy trong tiệm này chẳng có gì đáng mua cả…” rồi hai mẹ con bỏ đi luôn.

 

Một bà người Mỹ, tên Ralph, ở Santa Barbara (CA), sang Đức chơi và được một người bạn Đức mời đi ăn tại một tiệm ăn sang trọng ở Munich. Theo thói quen ở Đức, bà người Đức mang theo một con chó nhỏ vào tiệm ăn. Khi bước vào tiệm, có một bà người Mỹ nói oang oang với mấy người bạn cùng bàn: “Tôi chẳng hiểu sao tụi Đức luôn mang theo ‘con vật’ (pets) vào tiệm ăn !”. Khi đi ngang qua, bà Ralph liền cúi gần người đàn bà đó và nói bằng tiếng Anh: “Là vì họ có cung cách xử sự lịch thiệp hơn mấy người khác ở đây!…”. Thế là bà kia liền câm như hến.

 

Một bà người Mỹ tên là Carol ở Portland (OR) kể chuyện: Một lần bà sang Đức nghỉ hè với gia đình. Hôm ra phi trường để ghi vé về lại Hoa Kỳ, khi đến quày bán vé, một cô bán vé người Đức, nói với cô bạn bên cạnh: “Tụi Mỹ rất khờ… Tao phải cho tụi nó phải ở lại đêm nay để đi chuyến máy bay vào ngày mai…”. Không ngờ bà Carol nói thạo tiếng Đức, Bà liền nói bằng tiếng Đức với nhân viên đó: “Chúng tôi không khờ đâu… Chúng tôi phải đi bằng được chuyến bay hôm nay…”. Thế là cô nhân viên đó tái mặt, muốn độn thổ luôn.

*

* *

Mấy nhân viên Hoa Kỳ khi sang làm việc ở các nước, thường có thể nói tiếng nước đó. Những người sang làm việc phỏng vấn ở Việt Nam, hoặc ở các trại tị nạn Đông Nam Á trước đây, thường cũng nói và hiểu tiếng Việt Nam khá rành rẽ; tuy nhiên, những nhân viên đó thường không nói tiếng Việt mà vẫn thường dùng thông dịch viên. Trừ trường hợp ông Thomas, làm trong chương trình phỏng vấn các diện đi ODP nói rất thông thạo tiếng Việt. Gặp người miền nào, ông nói theo giọng miền đó. Có lần tôi gặp một anh thanh niên sang được Hoa Kỳ cùng với bố mẹ, dù đã có vợ con. Tôi hỏi anh làm sao đi được. Anh trả lời là anh trình bày trường hợp đặc biệt của anh với ông Thomas và được ông giúp đở cách riêng. Anh kể rằng, khi gặp riêng anh, ông Thomas nói với anh bằng tiếng Việt: “Để tôi làm ‘man’ cho anh đi với cả vợ con cùng với cha mẹ anh!”.

Vì không để ý, nên có những trường hợp ‘cười ra nước mắt’ sau đây:

Hồi ở trại tị nạn Thái Lan, có mấy bà cùng đi với gia đình lên văn phòng phỏng vấn để đi Mỹ. Khi lên tới nơi, mấy bà vì sắp được phỏng vấn để đi, nên cười nói rất vui vẻ. Có một bà nói với mấy bà cũng đang đứng chờ: “Thằng Mỹ mập quá…”. Nhân viên người Mỹ này thường không nói tiếng Việt, dù ông có thể hiểu tiếng Việt. Nghe bà kia nói, ông không cầm được sự bực mình, liền nhìn bà này và nói: “Thằng Mỹ nào!…”.

 

Trong một chuyến xe từ Đà Nẳng đi Huế (hồi trước năm 1975), khi nhìn qua kiếng chiếu hậu, thấy có một người Mỹ ngồi trên xe, anh tài xế liền nói với anh lơ xe đang đi thu tiền vé: “Chạc ‘thằng Mỹ’ gấp đôi, nghe mày!”. Khi đến chổ ‘thằng Mỹ’ để thu tiền, anh lơ xe dơ bốn ngón tay, có ý nói là ‘bốn mươi đồng’. ‘Thằng Mỹ’ liền rút trong túi ra tờ hai chục, đưa cho anh lơ xe và nói: “Có hai mươi tỳ thôi, bồ ơi!”.

 

‘Thằng Mỹ’ này lại là một Linh Mục có tên Việt Nam là ‘Hải Bằng’ (tên thật là John Tabor). Cha này lúc trước là một quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ sang chiến đấu ở Việt nam; sau khi giải ngũ, xin đi tu làm linh mục cho địa phận Đà Nẳng và được gởi vào học tại Đại Chủng Viện Sàigòn (số 9 đường Cường Để). Trong thời gian học tại Đại Chủng Viện Sàigòn, Thầy John Tabor cùng chung sống với các Thầy Việt Nam… vì thế rất thông thạo tiếng Việt. Có lần Thầy về Đà Nẳng và trong một bửa ăn cơm, Đức Cha muốn thử tiếng Việt của Thầy, nên hỏi Thầy: “Hôm nay món ăn có ngon không, Thầy ?”. Thầy trả lời: “Trình Đức Cha, ăn cũng được, nhưng không khóai khẩu lắm!…”.

 

Cũng có một câu chuyện khác về Thầy John Tabor: khi ở Đại Chủng Viện Sàigòn, thường sau khi ăn cơm trưa xong, các thầy có nữa giờ đi chơi nói chuyện với nhau để gặp gở và trao đổi; sau đó đi nghỉ trưa một giờ, vì trời ở Sàigòn thường rất nóng nực. Tuy nhiên, Cha Giám Thị khi đi kiểm sóat thì thường thấy Thầy người Mỹ không nghỉ trưa và không biết đi đâu. Tìm kiếm nhiều nơi mà vẫn không thấy, cuối cùng Cha Giám Thị vào Nhà Nguyện thì thấy Thầy đang qùy gối cầu nguyện, và trưa nào cũng vậy; cho đến hết giờ nghỉ trưa, Thầy John Tabor lại theo các thầy Việt Nam đến các lớp học như thường lệ (là người Hoa Kỳ, nên Thầy không có thói quen nghỉ trưa). Học xong, Thầy đã được chịu chức Linh Mục và phục vụ cho Giáo phận Đà Nẳng. Sau năm 1975, Cha cũng như các người ngọai quốc khác, đều bị trục xuất khỏi Việt Nam. Cha về Hoa Kỳ một thời gian, rồi lại sang phục vụ cho Giáo Hội Thái Lan, và hiện còn đang phục vụ bên đó. Khi người Việt Nam sang tị nạn nhiều ở Thái Lan, Cha có đến giúp một thời gian cho đồng bào ta ở các trại tị nạn như Leamsing, Panatnikhom v.v… và mọi người rất ngạc nhiên vì Cha nói tiếng Việt rất thông thạo. Có lần mấy thanh niên Việt Nam hỏi Cha: “Ở Hoa Kỳ sung sướng và văn minh, sao Cha không ở Hoa Kỳ mà sang đây!”. Cha cười và nói: “Thì đi truyền giáo mà lại… còn nước Mỹ… đừng tưởng bở… có sang đó mới biết… có ở trong chăn mới biết chăn có rận…”.

 

Bây giờ trở lại chuyện “Thằng Mỹ”… Có lẽ chúng ta hay nói theo thói quen bình dân; cũng như trước đây chúng ta thường nói “Thằng Tây”(thí dụ kiểu nói dỡn: có chết “Thằng Tây” nào đâu!). Vì thế khi nói chuyện với nhau, chúng ta hay dùng chử “Thằng Mỹ”. Có lần tôi nghe một bà kể chuyện với mấy bà khác đang đứng ở chỗ đậu xe: “Lúc nẫy, một Thằng cảnh sát Mỹ “top” tôi lại. Tôi hỏi : sao mày lại “top” tao lại. bảo tôi: Mày vượt đèn đỏ. Tôi bảo : không, tao vượt đèn vàng chứ không vượt đèn đỏ.  bảo tôi đưa bằng lái xe cho coi… Tôi bực quá, nhưng là cảnh sát, phạt mình, mình cũng đành chịu…”.

 

Viết đến đây, tôi nhớ có một lần một người bạn của tôi kể chuyện: Một hôm ông đang đứng với mấy anh thanh niên Việt Nam ở chổ đậu xe trước một tiệm ăn; có một người Mỹ lái xe đến đậu gần đó. Mấy anh thanh niên, vừa nói to vừa cười với nhau: “Trông kìa, thằng Mỹ có chiếc xe đẹp quá…”. Người Mỹ đó, lúc đi qua mấy thanh niên Việt Nam, ông chào và lịch sự nói bằng tiếng Việt rất thông thạo: “Xin cám ơn… nhưng tôi nghĩ, người lịch sự không nên dùng tiếng Thằng!…”.

*

* *

Kể chuyện cho vui, và cũng để chúng ta đi đến kết luận như Dear Abby: Với phong trào tòan cầu hóa, các phương tiện truyền thông và kỷ thuật tân tiến… thế giới ngày nay đã thu nhỏ lại như một “ngôi làng” và hàng ngày, dù sống ở tại quê hương mình hay sống ở ngọai quốc, chúng ta gặp nhiều người thuộc các sắc tộc khác nhau, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, và nhiều khi chúng ta không ngờ, có những người lại rất thông thạo tiếng nói của chúng ta… Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng cần giữ lịch sự tối thiểu trong cử chỉ và lời nói, nhất là ở chổ công cộng… để “khỏi phiền lòng hàng xóm!”.

 

Cha Ông chúng ta thường nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn!”, bây giờ chúng ta có dịp đi nhiều nơi, nhiều quốc gia khác nhau, chúng ta càng học được nhiều “sàng khôn” để trở nên văn minh hơn và lịch thiệp hơn… Thấy điều hay của người để bắt chước, thấy điều “xấu” của người để tránh và cũng để tự xét mình mà sửa đổi cái “xấu” của mình; vì có “Người Mỹ xấu xí!” thì cũng có “Người Tàu xấu xí”, “Người Việt Nam xấu xí!”, “Người Tây xấu xí”.v.v…

 

Tôi còn nhớ hồi mới sang Hoa Kỳ và học tại Đại Học San José State (California), khi học một lớp “Hướng Dẫn Về Văn Hóa” (Culture Orientation), giáo sư nói đến “Cuture Shock” (va chạm văn hóa) và nói đến cả “Future Shock”; thời gian, kỷ thuật và đời sống văn minh… biến chuyển nhanh quá, cũng làm chúng ta phải “chóng mặt” để chạy theo cho kịp; nhất là khi mới từ một nước kém mở mang sang ngay một nước đã tiến bộ vượt bực… Trong lớp học, một người bạn cũa tôi sang du học ở Hoa Kỳ khá lâu, nói với tôi: “Sang bên Hoa Kỳ này, có mấy câu phải luôn sẳn sàng trên môi miệng; đó là “Thank you”, “You’re welcome!” (có vị mới qua, lại nói thành ‘you are welfare’), “Sorry/I’m sorry, Excuse me/pardon/pardon me!..”. Sau này tôi nghiệm thấy, bên này người ta dùng luôn luôn mấy tiếng đó. Thí dụ, khi đi đường, mình đi nhanh quá và chạm vào người khác, có khi mình chưa kịp nói, thì chính người đó lại nói: Sorry!… rồi vui vẻ bước đi… thế là “vui vẻ cả làng” và tránh được những vụ cải vã vô ích “giửa đường!”…

 

Vào các cửa hàng, dù mua ít hay mua nhiều, nhân viên thu tiền, cũng nói: “Thank you!” khi trả tiền xong. Ngay cả khi vào các Bưu điện, dù vào mùa bận rộn như dịp trước Lễ Giáng Sinh, nhân viên bưu điện cũng luôn vui vẻ nói “Thank you! khi lo xong công việc cho mình. Nhận được lời cám ơn, mọi người thường vui vẻ nói lại “You’re welcome!”. Khi nhận được quà biếu, hoặc được mời đến nhà dùng cơm gia đình, người ta thường gửi thiệp cám ơn.

 

Tôi nhớ trước đây khá lâu, khi tiệm ăn MacDonald bắt đầu mở ở Nga, có một ký giả người Mỹ khi sang quan sát có ghi lại một vài điều khác lạ; đó là khi ăn xong người Nga thường mang về tất cả những chiếc ly và những cái gì còn có thể dùng được (vì lúc đó nước Nga mới thóat khỏi chế độ Cộng Sản và còn quá nghèo khó); vì thế nhân viên dọn bàn đở phải làm việc. Đặc biệt hơn nữa là người Nga đến ăn thường ngạc nhiên thấy nhân viên bán hang cứ luôn miệng cám ơn khách hàng; vì trước đó trong thời Liên Sô còn là Cộng Sản, người đi mua các cửa hàng quốc doanh, hoặc dến các tiệm ăn (cũng thường là quốc doanh) đều phải cẩn thận cám ơn các nhân viên bán hàng của Nhà Nước để lần sau đến khỏi bị làm khó dể!

 

Mấy câu chuyện vui vui, vụn vặt xin gửi đến quý vị đọc trong mùa hè nóng nực này, và để trao dồi kinh ngjiệm sống, như cha ông chúng ta thường nói: “nhập giang tùy khúc… nhập gia tùy tục!”. Như vậy vừa để giử được hòa khí, vừa giử được thể diện cho mình và danh dự của quê hương.