Trích Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương của Cao Tấn Tĩnh

 

Chương Hai


HIỆN THỂ CON NGƯỜI
 


Phải,
Linh hồn và thân xác là hai yếu tố làm nên hữu thể của con người, làm cho con người có, hay, làm cho có con người.

Thế nhưng,
Linh hồn và thân xác đó là của ai?

Bởi vì,
Tuy bản chất của chúng giống nhau, song hình thức và cách thức của chúng, không nhiều thì ít, khác nhau, nên chúng phải thuộc về một cá nhân nào đó, anh, tôi hay họ.

Vâng,
Anh, Tôi hay Họ đều là những chủ thể có quyền trên hữu thể của mình, và có trách nhiệm về mọi hành động gây ra bởi hữu thể của mình.

Vì là Chủ Thể có chủ quyền và chủ động như thế trên hữu thể của mình, nên, Anh, Tôi hay Họ, một khi thực thi chủ quyền của mình, nhất là một khi thực hiện chủ trương của mình, đặc biệt là khi chúng ta thực hiện chủ trương của mình một cách chính đáng, đều tỏ ra rằng chúng ta biết mình là ai và đối xử với mình như thế nào.

Tác động Biết Mình một cách nội tại nơi con người như thế, chứng tỏ r ràng là con người có một hiện thể.

Một Hiện Thể gồm 3 ngôi vị:

Chủ Thể,

Bản Thân và Tâm Linh,

Những thành phần làm cho con người là, hoặc, những thành phần là con người.

Hiện thể của con người, tức cái là của con người, hoặc cái con người là, có thể là một trong bốn thể thức: đại quan, tương quan, chủ quan và khách quan.

Hiện thể đại quan, tức cái là đại quan, của con người là gì?

Nếu không phải là cái con người có để làm người như mọi người, chứ không phải làm động vật hay thực vật hoặc khoáng vật. Mà, cái con người có để làm người đây chính là bản tính làm nên hữu thể đặc thù của con người. Vậy, tất cả những tạo vật nào có đầy đủ bản tính, gồm cả linh hồn lẫn thể xác, đều là con người.

Như thế,

Hiện thể đại quan của con người chính là nhân tính của con người.

Hiện thể tương quan, tức cái là tương quan, của con người là gì?

Nếu không phải là cái con người là như người khác nghĩ về họ. Sở dĩ cái con người là như người khác nghĩ về họ được gọi là hiện thể tương quan, chứ không phải là hiện thể khách quan, là vì, ý nghĩ của người ta có về nhau đó, không nhiều thì ít, không đồng nhất nơi tất cả mọi người, trái lại, nó lệ thuộc vào sự tương quan gần hay xa, nhiều hay ít, dài hay ngắn, sâu hay nông, của họ đối với nhau.

Như thế,

Hiện thể tương quan của con người chính là hình dung của con người.

Hiện thể chủ quan, tức cái là chủ quan, của con người là gì?

Nếu không phải là cái con người là như chính họ nghĩ về mình. Nguyên tác động nghĩ của con người, đã là một tác động hiện hữu của con người. Để rồi, ý nghĩ của con người có được nhờ tác động nghĩ đó, nhất là ý nghĩ về chính mình, không phải là cái mà con người thấy rằng mình đang hiện hữu hay sao? Con người sống động nhất là ở chỗ này, hiện thực nhất là ở chỗ này, và nhân bản nhất cũng là ở chỗ này. Ý nghĩ về mình này của con người thường nằm sâu trong tiềm thức của họ, và chỉ ra mặt vào những khi cái tôi của họ được ve vuốt, nhất là khi nó bị va chạm, lúc ấy, nó sẽ hiện hình qua những phản ứng của tự ái.

Như thế,

Hiện thể chủ quan của con người chính là bản ngã của con người.

Hiện thể khách quan, tức cái là khách quan, của con người là gì?

Nếu không phải là cái con người là như chính con người phải là. Là cái con người là như chính con người phải là như vậy, con người có thể là hay không là những gì do chính con người nghĩ về họ hay do người khác nghĩ về họ, hoặc có thể là hay không là những gì mà cả họ lẫn người khác nghĩ về họ. Mà cái chính yếu làm nên cá thể của một con người nào đó sẽ là bản chất sống động tự nhiên của họ, cái làm nên ấn tượng nơi tâm trí của hầu hết mọi người, đến nỗi, hễ nói đến cái bản chất làm nên cá thể của con người đó, thì ai quen biết con người đó cũng đều nhận ra họ.

Như thế,

Hiện thể khách quan của con người chính là chân tướng của con người.

Tuy nhiên,

Trong bốn loại hiện thể nơi con người được phân tích trên, hiện thể sống động hóa con người nhất phải là Hiện Thể Chủ Quan.

Thật thế,

Nhờ Hiện Thể Chủ Quan này, con người mới thực sự hiện hữu và do đó mới cảm thấy mình hoàn toàn là mình, mới hoàn toàn sống động. Bởi vì, Hiện Thể Chủ Quan là một thể thức hiện hữu và sống động đặc thù của con người, mà con vật không thể nào có và không bao giờ có, với ba ngôi vị là Chủ Thể, Bản Thân và Tâm Linh.

Ba thành phần này nơi hiện thể của con người không phải là những yếu tố tạo nên con người như hai yếu tố đã hình thành hữu thể của con người là thân xác và linh hồn, nhưng, một khi đã có con người, để thực sự là người và làm người có đủ hai yếu tố hồn thiêng và xác chất đó, con người không thể nào được thiếu một trong "tam vị nhất thể" này.

Mỗi vị trong nhất thể này, tự bản chất của mình, khi tỏ mình ra, đều biểu hiện chính toàn thể con người. Bởi thế, thay vì nói chủ thể của con người, bản thân của con người, tâm linh của con người, nên nói con người chủ thể, con người bản thân, con người tâm linh thì có phần chính xác hơn. Là vì, chính mỗi vị nơi con người đều đã biểu hiệu cho cả con người, không phải mỗi vị là cái gì thuộc về con người, như trường hợp hồn và xác của con người. Có một vị phải có cả ba vị, hay có một vị là có cả ba vị, vì mỗi vị đã là và đều là tất cả con người rồi vậy.

"CHỦ THỂ" :

Không phải là chính con người hay sao, khi nó là "vị" làm chủ hữu thể cũng như tất cả những gì thuộc về con người, và cũng là vị hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả những gì hữu thể của con người làm, vinh danh hay ô nhục, diễm phúc hay bất hạnh cho nó.

Không ai lại khen cái tay khéo léo hay chê cái tay vụng về, mà chỉ khen hay chê con người, tức chủ thể, có cái tay đó thôi. Mặt khác, khi tỏ ra khéo léo hay vụng về, không phải tự cái tay có thể làm được điều đó, nếu nó không được điều khiển từ hay chiụ ảnh hưởng bởi chủ thể của mình là chính con người mà nó thuộc về.

Vậy,

"Chủ Thể" cũng đồng nghiã với Con Người, hay cũng chính là Con Người, là "Tôi", là Anh", là "Họ".

"BẢN THÂN":

Cũng không phải là chính con người hay sao, khi nó là vị phản ảnh tất cả những gì Chủ Thể là, như chính Chủ Thể ý thức về mình, nhận biết chính mình, đến nỗi, nó đã trở nên đối tượng nội tại duy nhất không thể thiếu để là con người chủ thể, nhờ đó, nó cũng đã trở nên nguyên lý, nên tiêu chuẩn, và nên động lực của và cho mọi việc làm hướng ngoại của con người chủ thể.

Bởi đó,

Nếu không có Bản Thân kể như cũng không có Chủ Thể, và, nếu không có Chủ Thể thì cũng chẳng có Tôi, Anh hay Họ.

"Tôi" càng biết Tôi thì Tôi càng là "Tôi".,

Tôi càng là Tôi thì Tôi càng sống như chính "Mình".,

Tôi càng sống như chính "Mình" thì Tôi mới càng là Tôi, Tôi mới càng hiện hữu, Tôi mới càng có thực.

Như thế,

Cuộc đời của tôi, của anh, của họ, là con người, chẳng qua chỉ là một cuộc tìm Mình, thế thôi.

Vậy,

Bản Thân cũng đồng nghiã với chính Mình, hay chính là cái Mình của con người chủ thể.

"TÂM LINH" :

Cũng không phải là chính con người hay sao, khi nó là "vị" làm nên chính bản chất của con người, mà, nếu không có nó, con người cũng không hơn gì con vật, nghiã là, con người cũng chẳng có hay chẳng còn con người chủ thể và con người bản thân nữa.

Bởi vì,

Trước hết, yếu tố cấu tạo nên con người Tâm Linh có tính cách linh thiêng như tâm trí của con người.

Sau nữa, khuynh hướng bẩm sinh của con người Tâm Linh có tính cách linh động như hồn sống của con người.

Chính vì con người Tâm Linh được cấu tạo bởi tâm trí của con người như thế, mà con người Chủ Thể mới có thể tìm mình để càng ngày càng là Mình, càng hiện hữu như là một con người Tâm Linh, qua việc:

Biết Mình (nhờ "trí" khôn, tài năng đệ nhất của linh hồn, nơi hữu thể của con người), và Yêu mình (nhờ lòng muốn, cũng gọi là tâm, tài năng đệ nhị của linh hồn, nơi hữu thể của con người).

Và,

Cũng chính vì khuynh hướng bẩm sinh của con người Tâm Linh có tính cách linh động như hồn sống của con người như thế, mà con người không thể nào sống lại không biết mình và yêu mình.

Nói cách khác, bao giờ con người không biết mình thì con người cũng không yêu mình; bởi vì, một khi con người không tìm mình nữa, qua việc biết mình và yêu mình, thì con người cũng kể như không hiện hữu, hay có hiện hữu cũng chỉ là một hiện hữu theo hình thức, một hiện hữu bất toàn, một hiện hữu bất hạnh, một hiện hữu vô hồn.

Do đó,

Nếu con người không biết mình và yêu mình, tức không tìm mình, thì:

Một là, con người đã đạt được một tinh thần hoàn toàn siêu thoát khỏi chính con người tự nhiên tầm thường của mình.

Hai là, con người đã mất tinh thần, (hơn là mất bản tính), để làm một con người tự nhiên, tức một con người Tâm Linh.

Trường hợp thứ hai này có thể là trường hợp của một con người chậm trí khôn nặng, khờ dại, ngớ ngẩn, không biết gì cả.

Vậy,

"Tâm Linh" cũng đồng nghiã, dù nghĩa tiêu cực hay nghĩa tích cực, với "Tinh Thần", hay chính là "Tinh Thần" của con người.

CHỦ THỂ là Con Người, với tư cách là Chính Con Người.

BẢN THÂN là Con Người, với tư cách là Mình Con Người.

TÂM LINH là Con Người, với tư cách là Tinh Thần Con Người.Tuy cả ba Vị đều là Con Người nơi hữu thể của con người, song không phải là 3 Con Người khác nhau, mà chỉ là 1 Con Người duy nhất nơi cùng một hữu thể của con người.

3 Vị là 1 Con Người duy nhất không phải là vì chúng là 3 yếu tố làm nên hữu thể của con người, như linh hồn và thân xác.

Linh hồn và thân xác là hai yếu tố làm nên hữu thể của con người có tính cách hiệp nhất hơn là duy nhất như 3 "Vị" nơi Hiện Thể của con người.

Hiện Thể con người Duy Nhất ở chỗ, "Vị" nào nơi Hiện Thể cũng có tư cách là Con Người, với đầy đủ bản tính, vị thế và năng quyền nội tại như nhau và bằng nhau nơi mỗi "Vị", mặc dù, khi đối ngoại, có hiện diện và tác động khác nhau và chênh nhau.

Sở dĩ 3 Vị làm nên Hiện Thể của con người này "duy nhất" như thế là vì tính cách trong nhau của chúng, tính cách mà hai yếu tố hiệp nhất làm nên hữu thể của con người không thể nào có được như vậy, cùng lắm, chỉ có trường hợp hồn trong xác, chứ không bao giờ có trường hợp ngược lại, xác trong hồn.

Thật vậy, nơi mỗi Vị làm nên hiện thể của con người này, vì có tính cách trong nhau, nên chúng hoàn toàn biểu lộ nhau và thực sự là hiện thân của nhau, dù theo bẩm sinh hay theo hiện sinh.

Hai yếu tố linh hồn và thân xác Hiệp Nhất cùng nhau, (như một cấp số cộng), để hình thành hữu thể của con người, chẳng những theo bẩm sinh do Đấng hóa công tác tạo phải nên như thế mới là con người, mà còn, theo hiện sinh, ở tại khuynh hướng tự nhiên của chúng luôn luôn hướng về nhau và gắn bó với nhau như vợ chồng để sinh con đẻ cái thế nào, nơi hiện thể của con người cũng tương tự như thế.

Trước hết,

Theo bẩm sinh, 3 Vị làm nên hiện thể của con người có tính cách Duy Nhất trong nhau, (như một cấp số nhân), là vì, nơi Chủ Thể đã có sẵn Bản Thân là Hình Ảnh Tâm Linh mà Con Người Chủ Thể có được để hiện hữu, và nơi Bản Thân, ngược lại, là Phản Ảnh Tâm Linh tất cả Con Người Chủ Thể đang hiện hữu đó, để rồi, với bản chất là sự Hiệp Thông giữa Chủ Thể và Bản Thân như vậy, nơi Tâm Linh, cả Con Người Chủ Thể lẫn Con Người Bản Thân hiện hữu và sống động.

Sau nữa,

Theo hiện sinh, 3 Vị làm nên hiện thể của con người cũng có tính cách Duy Nhất trong nhau là như thế này.

Vì Bản Thân là Hình Ảnh bẩm sinh của mình, Con Người Chủ Thể không thể nào phủ nhận nó mà có thể hiện hữu.

Phần Bản Thân, là Phản Ảnh đích thực Con Người Chủ Thể, cũng không thể nào tồn tại nếu không hướng về Con Người Chủ Thể như người cha tự sinh ra mình (mà không cần đến một trợ lực nào đóng vai như một nội trợ trong sinh hoạt hiện hữu hướng nội, chứ không phải sinh hoạt hiện hữu hướng ngoại, của riêng Chủ Thể cũng như của chung Con Người Tâm Linh).

Thế rồi, từ tác động nội tại chấp nhận và hướng về nhau giữa Chủ Thể và Bản Thân đó, Con Người Tâm Linh tự nhiên xuất hiện, tự nhiên phải có, như một thực tại hiện hữu của con người, bằng không, không còn là con người nữa, mà chỉ có con người, một con người sống động không hơn gì con vật bao nhiêu, nghĩa là, một con người là một con vật có lý trí song không biết sử dụng lý trí của mình.

Về phương diện hướng ngoại, 3 Vị nơi hiện thể của con người còn tỏ ra tính cách trong nhau ở chỗ vì nhau và cho nhau.

Theo tự nhiên, Con Người Chủ Thể luôn luôn tác động vì Bản Thân ham thích và cho Bản Thân có lợi; trái lại, Con Người Bản Thân cũng chỉ hành động vì ý muốn của Chủ Thể và cho vinh danh của Chủ Thể.

Tinh Thần vì nhau và cho nhau của Con Người Tâm Linh này, trên thực tế, chính là Tự Ái.

Tự Ái có hai chiều thuận và nghịch.

Tự Ái theo chiều thuận ở chỗ, Con Người (Chủ Thể) hướng về Cái Tôi (Bản Thân) của mình, bằng cách chỉ tìm thoả mãn Cái Tôi của mình trong mọi sự, trước mọi sự và trên mọi sự mà thôi.

Tự Ái theo chiều nghịch ở chỗ, Cái Tôi phản ứng một cách tức thời và mãnh liệt, mỗi khi Con Người của nó không đạt được ý định của mình. Nhất là lúc Con Người của nó bị xúc phạm cách nào, nó sẽ tỏ ra những thái độ như bất mãn, tức tối, trả thù, hoặc buồn phiền, nản chí.

Nếu dựa vào các đặc tính của Tự Ái như thế, Tự Ái theo chiều thuận còn có thể gọi là Tự Ái ngầm, và Tự Ái theo chiều nghịch phải gọi là Tự Ái nổi, vì tính cách phản động dễ nhận ra của nó.

Thật vậy,

Đã là một con người, không thể nào không có Tự Ái.

Bởi vì, Tự Ái là khuynh hướng tự nhiên của con người tâm linh, là tinh thần sống động của hiện thể con người. Nó như hơi thở, như mạnh tim của con người. Đến nỗi, nếu nó không còn sống động nơi con người, như nhịp tim ngừng đập, như hơi thở lịm tắt, toàn hữu thể con người, về mặt tâm linh, kể như đã chết.

Không phải hay sao, một con người không có đầu, chỉ là một xác chết. Hiện thể thật sự là đầu của hữu thể. Tuy nhiên, nó cũng thuộc về hữu thể là cái "mình" theo tâm linh của con người cũng là của chính nó.

Hiện thể giữ vai trò làm đầu trong hữu thể của con người ở tại hai điểm.

Thứ nhất, cơ sở của nó là yếu tố thuộc phần thượng trong con người, đó là linh hồn, một trong hai thành phần tạo nên hữu thể.

Thứ hai, sinh hoạt đối nội cũng như đối ngoại của nó đều phải sử dụng đến hai tài năng của linh hồn, đó là trí khôn và lòng muốn; bằng không, nó sẽ không thể nào tìm mình theo xu hướng tự ái bẩm sinh của mình, qua những tác động nội tại là biết mình (nhờ trí khôn) và yêu mình, (bằng lòng muốn), cũng như qua những tác động ngoại tại là vì mình và cho mình.

Mặc dù chỉ là một trẻ sơ sinh, chưa biết sử dụng trí khôn và lòng muốn gì cả, song, không phải vì thế mà con người với một thân xác còn bé tí và quá non nớt đó không có linh hồn hay chưa có linh hồn. Tất cả mọi tác động và việc làm của con người bé mọn đó, dù chỉ là và mới là những phản ứng theo bản năng tự nhiên không hơn gì con vật, nhưng, tự chúng vẫn là những hành động nhân bản, những hành động ăn, uống, vệ sinh, v.v. của một con người thuần túy, chứ không phải của một con vật.

Và,

Bởi ngay từ mới sinh, con người đã có linh hồn rồi. Nên, cũng từ lúc ấy, con người cũng đã có tự ái. Do đó, tự ái mới được coi như là một xu hướng bẩm sinh của con người. Tuy nhiên, chính vì con người chưa biết sử dụng trí khôn và lòng muốn, bởi vậy, những hình thức của tự ái sống còn của họ vào thời ấu thơ đã mang tính cách bản năng hơn là tâm linh, đơn giản hơn là tinh vi, lộ liễu hơn là thủ đoạn v.v.

Thế nhưng, bất kể tự ái của trẻ con hay người lớn, của người trẻ hay người già, và tùy theo trình độ tâm trí và kinh nghiệm làm người của họ có làm cho tính cách của tự ái nơi họ khác nhau đi nữa, động lực của tự ái vẫn là tìm mình, tinh thần của nó vẫn là trong mình, nguyên nhân của nó vẫn là vì mình, và đối tượng hay mục đích của nó vẫn là cho mình mà thôi.

Thật vậy,

Dù con người còn nhỏ, chưa biết gì cả, nhất là chưa biết mình gì hết, song họ đã biết tìm mình một cách vô thức.

Bởi vì, theo tự nhiên, con người chỉ làm mọi việc vì mình, cho mình và trong mình trong tất cả mọi sự, kể cả việc yêu nhau là việc đòi hỏi con người phải hướng đến người khác, phải ra khỏi mình, phải bỏ mình đi; và, nhất là, kể cả việc thờ phượng là việc đòi hỏi con người phải hoàn toàn hiến thân và sống cho Đấng Tối Cao mà chỉ một mình Ngài mới đáng tôn sùng trên hết mọi sự mà thôi.

Theo thực tế, tự ái đúng là xu hướng bẩm sinh tìm mình của con người.

Con người không Tìm mình là gì khi chỉ vì mình thích mà làm hoặc mới làm việc này hay việc kia, bằng không, không làm, trừ phi họ sợ rằng nếu không làm việc đó thì mình sẽ bị bất lợi hay thiệt hại cách nào chăng... Nghiã là, đằng nào họ cũng chỉ làm vì mình mà thôi.

Tại sao một đứa trẻ lại thích ăn kẹo hơn uống thuốc, nếu không phải chính vì chúng thích kẹo hơn là thích thuốc. Đúng ra, không phải vì trẻ con thích kẹo cho bằng thích chất ngọt của kẹo, nghĩa là, nơi chúng có tính hảo đường, hay thịnh đường.

Do đó, dù thuốc là vật mà chúng vẫn ghê gớm, nếu một khi chúng đã cảm thấy nó ngon ngọt bởi được đặc chế cho chúng dễ uống, chẳng những chúng không để mình bị ép uống nữa, trái lại, còn đòi hay tự tìm lấy mà uống cho thật nhiều lượng và thật nhiều lần bao nhiêu có thể.

Phần người lớn, cũng không mấy ai lại thích thuốc hơn những đồ ăn hợp khẩu vị của mình, mà chỉ vì bị bệnh tật đã phải bị kiêng cữ thật là khổ sở. Và, sở dĩ họ phải kiêng cữ những thứ mình thích đó, rồi lại phải uống thuốc đắng đót nhiều khi đến rụng rời cả châu thân như thế, không phải là vì họ sợ thuốc cho bằng họ sợ bệnh, đúng hơn, sợ mình bị đau đớn vì bệnh, thậm chí, sợ mình có thể bị chết vì bệnh.

Ngoài ra,

Con người còn tìm mình ở chỗ sống trong mình, tức là, làm mọi sự trong mình. Con người đã không tìm mình, không làm mọi sự trong mình, khi làm mọi sự theo ý của mình là gì.

Không phải hay sao, trẻ con không thể nào thích kẹo, nếu nó không ngọt. Nghiã là, vì chất ngọt nơi kẹo, hay nơi bất cứ một vật gì có thể ăn được như kẹo, chẳng hạn như thuốc ngọt, đã làm cho trẻ con thích.

Như thế, trong mọi việc con người làm, con người đâu có phải hoàn toàn chỉ vì mình thích mà thôi, lại còn phải vì đối tượng thích hợp với mình nữa. Phải, tuy con người cũng bị chi phối bởi ngoại vật trong việc tìm mình và sống vì mình thật, song, không phải vì thế mà con người bị phân tán, và không còn là mình, hay chưa thật sự là mình nữa.

Đúng vậy, cũng là những thứ có chất ngọt, tại sao, bao giờ cũng vậy, nếu được chọn, hầu hết chúng thích kẹo nhất. Và, tại sao, cũng là kẹo, có loại chúng thích hơn, có loại chúng không thèm ăn.

Như thế đã không chứng tỏ con người vẫn làm chủ mình đấy ư, vẫn làm mọi việc vì mình đấy ư, vẫn tìm thỏa mãn đúng với ý thích của mình đấy ư, nghĩa là, vẫn sống trong mình đấy ư?

Để rồi, một khi đã lấy mình làm căn nguyên (vì mình) và làm tiêu chuẩn (trong mình) khi làm mọi sự như thế, con người cũng không còn một đối tượng nào khác xứng hợp hơn, ngoài chính mình, để nhắm đến, để hướng về. Chính tâm trạng sợ bị thiệt hại, bị bất lợi mà làm việc này việc kia, mục đích chẳng qua cũng chỉ để làm thế nào cho mình có lợi, không nhiều thì ít, không tích cực thì tiêu cực, thế thôi.

Nhất là, khi cố gắng đạt được tư lợi của mình, mà, tư lợi đệ nhất và trên hết của con người vẫn là thỏa mãn được ý nghĩ, ý muốn, ý định của mình, bất chấp mọi thiệt thòi nơi những bất lợi ngoại tại hay vật chất, không phải là con người đang sống cho mình hay sao? Trong việc chọn lựa cục kẹo này hơn cục kẹo kia, loại kẹo này hơn loại kẹo kia để ăn hay để dành của trẻ con, cũng không đủ chứng tỏ rằng con người luôn luôn sống cho mình hay sao?

Như vậy,

Chính nơi tác động "chọn lựa" của con người đã đủ chứng tỏ xu hướng tự nhiên tìm mình của họ, qua việc họ chỉ sống động vì mình, trong mình và cho mình.

Chính vì mình mà con người chỉ chọn lựa theo (tức trong mình) như ý thích của mình, và cho mình thoả mãn ý thích.

Kể cả những lúc con người không còn gì để chọn lựa hơn là chấp nhận, như trường hợp bị đe đọa nguy hại đến sinh mạng, bấy giờ, chẳng những họ không đánh mất mình, không bị quyền lực ngoại tại làm chủ họ, trái lại, nhờ đó, họ còn tỏ ra chính mình họ hơn bao giờ, còn tỏ ra quyền làm chủ trên con người của mình hơn bao giờ, dù bề ngoài họ có tỏ ra mất bình tĩnh đến thế nào đi nữa.

Bởi vì, chính lúc bấy giờ, không phải là họ sợ quyền lực đang áp đảo họ, cho bằng họ sợ rằng họ sẽ bị chết bởi quyền lực ấy. Và, một khi đã chỉ vì mình mà sợ như thế, họ sẽ tìm cách chọn lựa những gì có lợi hay ít hại cho mình nhất, đó là không bị chết và vẫn được sống, đúng như ý muốn trong mình của họ.

Phải,

Chỉ khi nào đối đầu với sự chết và phải chọn lựa giữa sự sống và sự chết, con người tâm linh mới hiện r tất cả chân tướng
của mình...

Trước hết,

Sự sống thể lý nơi hữu thể của con người, tuy không phải là chính sự thiện, song cũng là một phẩm chất cao qúi đệ nhất của sự thiện mà hữu thể con người có được, làm nguyên lý hiệp nhất cho linh hồn và thân xác là hai yếu tố tạo nên hữu thể của con người, nếu mất đi, hai yếu tố hình thành hữu thể của con người đó sẽ bị tan rã ngay lập tức.

Sau nữa,

Tình yêu tâm linh nơi hiện thể của con người, tuy không phải là chính sự thiện, song cũng là bản tính của sự thiện mà hiện thể của con người được thông công và tham hưởng, làm tinh thần sống động, nộị tại cũng như ngoại tại, cho sự duy nhất của ba ngôi vị nơi hiện thể của con người là chủ thể, bản thân và tâm linh; thiếu nó, tình yêu, con người sẽ không hơn gì con vật, hiện hữu mà không biết mình hiện hữu, có sự sống thể lý mà chỉ hành động mù quáng theo bản năng vô tri.

Sau hết,

Đối với sự sống thể lý là nguyên lý có của cả linh hồn lẫn thân xác, hai yếu tố làm nên hữu thể của con người, tình yêu là tinh thần sống động của hiện thể con người, sẽ chẳng khác gì như linh hồn của sự sống thể lý, và ngược lại, "sự sống" thể lý như thân xác của tình yêu, cả hai không thể thiếu nhau để con người có thể "là người" và "làm người".

Do đó,

Không lạ gì con người chỉ yêu sự sống của mình nhất, yêu trên hết mọi sự, yêu trước hết mọi sự và yêu trong hết mọi sự. Cũng chính vì vậy mà, một khi con người dám hy sinh sự sống của mình đi cho nhau, thì tình yêu của họ đối với nhau phải là một tình yêu cao cả nhất, vĩ đại nhất, bao la nhất.

Vâng,

Chỉ khi nào con người ra khỏi chính mình, khỏi sự hạn hẹp của mình, khỏi sự nhỏ mọn của mình, con người mới được thanh thản, được siêu thoát, được trường sinh, theo bản chất thiêng liêng bất tử của linh hồn nơi hữu thể của họ, và theo bản tính thiện hảo bất tận của tình yêu nơi hiện thể của họ.

Hạnh phúc là viên mãn yêu thương:

Là ở chỗ này.

Và là như vậy.