Trích Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương của Cao Tấn Tĩnh

 

Chương Năm
 

THIỆN



Nếu Thiên Chúa là chính Sự Có, thì Thiên Chúa cũng chính là Sự Thiện.

Bởi vì,

Đã là chính Sự Có, Thiên Chúa phải là một Sự Có toàn hảo, không có khuyết điểm, thiếu thốn, yếu kém nơi bản tính, phẩm tính hay khả năng của mình, nghĩa là Ngài không thể nào có những bất toàn như tạo vật, cần phải phát triển hay cải tiến theo thời gian cho tới khi hoàn bị. Bằng không, Ngài không phải là Thiên Chúa nữa, tức Ngài không phải là chính Sự Có, tự có và hằng có.

Vì Thiên Chúa là chính Sự Có cũng chính là Sự Thiện như vậy mà tất cả những gì Ngài muốn đều tốt lành. Bằng không, Ngài cũng không phải là Thiên Chúa, vì còn có thể phạm tội, còn có thể làm điều xấu xa, gian ác v.v., nghĩa là còn có những bất toàn và bất hảo như loài tạo vật có lương tri là con người.

Bởi tất cả những gì Thiên Chúa muốn đều tốt lành như thế, nên những gì được Ngài dựng nên và làm ra đều tốt lành. Dù đó chỉ là một khoáng vật vô hồn như đất đá, thủy hỏa, một thực vật chỉ có sinh hồn như cỏ rả, gai góc, một động vật có giác hồn như côn trùng, chim trời, cá biển, dã thú v.v., không cao trọng như con người là một sinh vật có linh hồn để biết mình cũng như biết Đấng đã dựng nên mình và những thực tại siêu linh vô hình mà mình thuộc về và phải đạt được mới kiện toàn hữu thể tự bản chất là loài tạo vật vốn bất toàn của mình.

Do đó,

Với bản tính được dựng nên như ý định của Thiên Chúa, tạo vật tham dự và chia sẻ Sự Có Toàn Hảo là chính Thiên Chúa.

Bản tính của loài tạo vật nào càng hoàn hảo, càng giống Thiên Chúa, càng thông công Sự Thiện Hảo tuyệt đối của Ngài.

Trước hết,

Mọi tạo vật đều thông công với Sự Thiện Hảo tuyệt đối của Thiên Chúa ở ngay tại sự có tương đối của mình, dù sự có đó là một sinh vật có hồn hay khoáng vật vô hồn.

Sau nữa,

Nếu sự có là một sinh vật có hồn, (dù là sinh hồn như một thực vật, giác hồn như một động vật, hay linh hồn như một nhân vật), sự có đó giống Thiên Chúa hơn một khoáng vật vô hồn, tức được thông công với Sự Thiện Hảo của Ngài hơn một bậc nữa. Bởi vì, Thiên Chúa chẳng những là chính Sự Có, còn là chính Sự Sống. Ngài không phải chỉ là một Sự Có vô hồn như khoáng vật, hay chỉ là một Sự Có có tính cách tồn tại một cách bất động như một vật chết.

Tiếp đến,

Nếu sự có là một sinh vật, song lại là một sinh vật có tự do để sống động, (dĩ nhiên một cách tương đối), theo ý mình, trong việc chọn lựa, quyết định và thực hiện cuộc đời của mình, như con người, thì lại càng giống Thiên Chúa, càng được chia sẻ Sự Thiện tuyệt đối của Ngài.

Sau hết,

Sự có của một loài có tự do được thông dự vào Sự Thiện với Thiên Chúa một cách trổi vượt như vậy, nếu làm được những việc phi thường như Sự Thiện tuyệt đối làm, càng tỏ ra được tham dự vào Sự Thiện Tuyệt đối là Thiên Chúa hơn nữa.

Như thế, đối với tạo vật,
Bản chất của Sự Thiện chính là sự có của chúng, và
Tính chất của Sự Thiện chính là sự sống và tự do của chúng.

Sự có, sự sống và tự do tự nhiên này nơi tạo vật, tuy nhiên, tự bản chất, không phải là chính Sự Thiện, nên, dù con người được sự có, sự sống và tự do, những sự ấy vẫn chưa phải là Sự Thiện của họ, đúng hơn, họ cũng chưa thể nhờ đó mà trở nên như Sự Thiện.

Bởi vì, tự bản chất, tạo vật chỉ là một hiện tượng, một thực thể bất toàn đang trở nên hoàn toàn trong định kỳ trần gian của mình mà thôi. Chính sự hoàn toàn mà họ cuối cùng đạt được và trở nên mới là Sự Thiện Hảo đích thực có tính cách tuyệt đối như Thiên Chúa.

So với sự thiện hảo cuối cùng này, sự có, sự sống và tự do của con người chỉ là những tính chất tự nhiên của Sự Thiện, và chỉ là cơ sở cũng như khả năng để tạo vật có thể đạt được Sự Thiện Hảo siêu nhiên tuyệt đối này mà thôi.

Thế nhưng,

Sự Thiện Hảo tuyệt đối này là gì, phải tìm kiếm nó ở đâu và làm sao có thể đạt được nó, để con người có thể kiện toàn hữu thể bất toàn của mình trong một hạn kỳ trần gian mà mình có và sống một cách tự 4do ở trên đời, nhờ đó, con người trở thành một sự có hoàn toàn viên mãn trong Thiên Chúa là Sự Có vô cùng hoàn thiện, lý tưởng của con người và cho con người, tạo vật của Ngài?

Sự Thiện Hảo tuyệt đối này là gì?

NẾU KHÔNG PHẢI LÀ CHÍNH THIÊN CHÚA, ĐƯỢC THỂ HIỆN VÀ TỎ HIỆN QUA Ý MUỐN CỦA NGÀI.

Đối với tạo vật, cách riêng đối với con người là một sinh linh có trí khôn để nhận biết Sự Thật, Ý Muốn của Thiên Chúa, hiện thân của Ngài, là chính Sự Thiện Hảo tuyệt đối của họ.

Đã là Sự Thiện Hảo tuyệt đối, tức là cùng đích mà con người phải tiến đến, là tiêu chuẩn tối thượng mà con người phải căn cứ vào, dù có trái với ý nghĩ, ý thích, ý riêng của con người đi nữa.

Bởi vì, Sự Thiện Hảo tuyệt đối đây chính là nội dung những gì Thiên Chúa muốn nơi con người khi đem họ vào trần gian, ngoài sự chọn lựa của họ.

Do đó, Nội dung Ý Muốn của Thiên Chúa khi đem con người nói chung và mỗi cá nhân nói riêng vào trần gian là chính Hiện Thể thượng quan của họ (xin xem lại trang 44 về hiện thể thượng quan).

Phần con người, hữu thể của họ chỉ thực sự hiện hữu, khi họ nhận biết mình trong Ý Muốn này của Thiên Chúa, Ý Muốn là mô thức làm nên con người đích thực của họ.

Nếu thực tại của cái con người có, tức của hữu thể con người là Sự Thật, thì thực tại của cái con người là, tức của hiện thể con người, của ý thức sống động của con người, đó là Sự Thiện, hay là những gì Thiên Chúa muốn con người là.

Ý Muốn của Thiên Chúa, Sự Hữu tuyệt đối, chẳng những tốt lành trong việc dựng nên tạo vật theo bản tính của chúng, mà còn thiện hảo trong việc làm cho bản tính của chúng được thánh hóa, được siêu nhiên hóa trong chính sự sống nội tại vô cùng viên mãn bởi bản tính thần linh của Ngài, được thông ra ngoài bằng chính Ý Muốn là Sự Thiện hảo tuyệt đối của chung tạo vật và của riêng con người.

Thế nhưng,

Phải tìm kiếm Sự Thiện Hảo tuyệt đối này ở đâu?

Nếu không phải cũng qua lương tâm của con người.

Bởi vì,

Lương tâm của con người chính là ngôn sứ của Thiên Chúa, sai đến với con người khi con người bắt đầu biết sử dụng trí khôn, để loan truyền cho con người ý muốn của Ngài, là những nguyên tắc luân lý bẩm sinh mà đã là một con người lành mạnh thì ai cũng tự nhiên biết.

Lương tâm con người, thật ra, không phải là Sự Thật và cũng không phải là Sự Thiện, mà chỉ là một cái đèn trong con người, nhờ nó, Sự Thật như ngọn lửa được thắp lên, và Sự Thiện như ánh sáng được tỏa ra soi dẫn cuộc đời của con người, thế thôi.

Bởi đó,

Nếu lương tâm con người trở nên mù tối vì con người làm cho nó cạn dầu thiện chí là chất liệu làm cho ngọn lửa Sự Thật và ánh sáng Sự Thiện còn hoạt động trong con người của họ, thì cả cuộc đời của họ sẽ trở thành một vùng tối hoang lạnh như sự chết, để rồi, nếu họ dám mò mẫm tiến tới một cách ngông cuồng, họ khó lòng có thể thoát được vực thẳm tội ác và diệt vong.

Ngược lại,

Nếu con người luôn luôn biết giữ cho đèn lương tâm của mình liên lỉ cháy sáng, họ sẽ không sợ bị lầm lạc, bị vấp ngã, nhất là họ sẽ được an tâm tiến bước với một niềm tin can trường và vững chắc trước mọi thử thách, cam go, cho đến khi đạt được chính Sự Thiện tuyệt đối của mình là Thiên Chúa, Sự Hữu toàn thiện mà họ được dựng nên để chia sẻ và thừa hưởng, đúng như Ý Muốn của Ngài khi đem họ vào trần gian để sống.

Vậy,

Làm sao có thể đạt được Sự Thiện tuyệt đối?

Nếu không phải là bỏ sự sống mình đi.

Thật vậy,

Nếu dầu của một cây đèn không tiêu hao đi, sẽ không phải là dầu để đốt đèn, và nhất là sẽ không nuôi cho ngọn lửa luôn cháy sáng trên sợi bấc của cây đèn.

Nơi con người cũng thế, cây đèn lương tâm của họ không thể nào luôn cháy sáng Sự Thiện bởi ngọn lửa Sự Thật trên sợi bấc lòng muốn của con người, nếu dầu thiện chí của họ không bị tiêu hao đi chất lỏng dùng để đốt của nó.

Chính khi chất lỏng có bản chất dùng để đốt lửa là sự sống tâm linh được thể hiện qua ý muốn hầu như vô cùng bất tận của con người này có bị tiêu hao đi, ánh sáng của Sự Thiện mới luôn chiếu tỏa và soi dẫn họ đến cùng đích lý tưởng của mình là Thiên Chúa.

Như thế,

Tiêu hao đi là điều kiện để con người được sống, sống trong chân lý và trong thiện hảo, dưới ánh sáng của lương tâm.

Tiêu hao đi còn là một hiện tượng biến thể từ dầu ra lửa, từ ý muốn tầm thường, hướng hạ và bất lực của con người thành Ý Muốn tối cao, toàn thiện và toàn năng của Thiên Chúa.

Con người sống theo ý riêng của mình, và ý riêng ấy trở thành lẽ sống của họ thế nào, khi bỏ sự sống, tức ý riêng đó của mình đi, con người sẽ sống một sự sống thần linh viên mãn như vậy, theo Ý Muốn của Thiên Chúa, vì Ý Muốn của Thiên Chúa chính là Sự Thiện tuyệt đối của con người và cho con người.

Để rồi, chính vì nên một với Ý Muốn này của Thiên Chúa mà con người sẽ được thần linh hóa như Thiên Chúa là Sự Hữu tuyệt đối cũng là chính Sự Thật và Sự Thiện, thực tại hiện hữu của con người, đối tượng tối thượng cho con người.

Thật vậy,

Theo nguyên tắc, Sự Thiện, tự nó, cũng như Sự Thật, là một bản thể, tức là một sự có chính yếu, sự có không thay đổi. Trong khi, những gì con người muốn và chính ý muốn của con người chỉ là tùy thể, tức là những cái tùy thuộc và thay đổi.

Ý muốn của con người tùy thuộc và thay đổi theo yếu tố nội tại cũng như ngoại tại.

Nó tùy thuộc và thay đổi theo yếu tố nội tại là ý nghĩ và ý thích của con người. Con người nghĩ gì, thường sẽ muốn cái ấy, cũng như thích cái gì cũng sẽ muốn cái ấy. Đó là khuynh hướng chung nơi con người. Nó cũng tùy thuộc và thay đổi theo yếu tố ngoại tại là đối tượng của nó. Hễ đối tượng của nó hợp với nó là nó muốn gần gũi, muốn chiêm ngưỡng, muốn chiếm đoạt, muốn hưởng thụ v.v., bằng không, đối tượng sẽ không có sức thu hút nó, kể cả khi đã một thời thu hút được nó, nếu không còn hợp với nó nữa, cũng sẽ bị nó loại trừ như không. Vậy, nơi con người, hai yếu tố nội tại và ngoại tại, tức ý nghĩ hay ý thích của con người và đối tượng ý muốn của con người, phải hợp nhau mới làm cho con người không còn thay đổi hay mơ ước hoặc đòi hỏi thêm gì nữa. Thế nhưng, theo kinh nghiệm, dù có sống đến thiên thu trên trần gian này đi nữa, với thân phận là một tạo vật, con người cũng không thể nào hoàn toàn tuyệt đối thỏa mãn theo như ý của mình được, kể cả người bạn đời lý tưởng nhất của mình, thậm chí kể cả chính bản thân yêu qúi trên hết mọi sự của mình. Nếu đau khổ, tự bản chất, là những gì trái với ý riêng của con người, thì chính con người chỉ biết đi tìm ý riêng của mình mà không hoàn toàn và vĩnh viễn được thỏa mãn như thế, đã là một gánh nặng, một hình phạt, một đày đọa và một bất hạnh cho mình vậy. Cho đến khi họ gặp được Sự Thiện tuyệt đối là thực tại của con người, là cùng đích của cuộc đời và là đối tượng của lòng muốn vô cùng bất tận của họ.

8.

Sự Thiện tuyệt đối là thực tại của con người, là cùng đích của cuộc đời và là đối tượng của lòng muốn vô cùng bất tận của con người này, như đã nói, tự nó là một bản thể, chứ không phải là một tùy thể như những đối tượng tầm thường của ý muốn con người. Thậm chí nó cũng không phải là một phẩm tính có tính cách linh thiêng cao qúi như chính sự có, sự sống và tự do nơi con người là những tính chất phản ảnh sự tốt lành tự nhiên của chính Sự Thiện. Vì nó là một bản thể bất biến và hoàn toàn, nên mọi tùy thể phải lệ thuộc vào nó, (chứ không phải nó lệ thuộc vào tùy thể), mới được hoàn hảo như chính nó là Sự Thiện.

Là một bản thể, nó như nhân trong một hạt giống mà vỏ của nó là các tùy thể bao bọc nó, đó là các tạo vật được dựng nên để thông phần với Sự Thiện vô cùng viên mãn này. Nơi lớp vỏ của cái hạt sự hữu, sự hữu mà tạo vật được tham dự bởi Ý Muốn của Thiên Chúa ấy, Ý Muốn cũng là Sự Thiện mà nhờ đó tạo vật được gắn liền với nó tùy theo bản tính của mình, thì con người, với linh hồn thiêng liêng có thể nhận biết Sự Thiện, chính là lớp vỏ bên trong của hạt sự hữu, gắn liền với nhân Sự Thiện. Lại nữa, nhờ thân xác là yếu tố gồm tóm mọi nguyên lý và chất liệu trong trời đất, con người cũng đồng thời là lớp vỏ ngoài của hạt sự hữu này nữa. Và, từ lớp vỏ, cả trong lẫn ngoài đó, tức từ hữu thể tự nhiên của con người, đến lớp nhân là chính Sự Thiện, còn có một lớp màng thẩm thấu, nhờ đó, nhân và vỏ giao tiếp với nhau, nhất là nhờ đó, vỏ được hiệp thông với nhân cũng như được tồn tại bởi nhân. Để rồi, theo định luật tự nhiên, hạt giống chỉ nấy mầm và phát triển thành cây theo tầm vóc hoàn toàn của nó, khi vỏ của nó mục nát đi mà thôi, tức khi cả con người gồm hồn và xác như toàn thể lớp vỏ của hạt sự hữu chết đi, cả về phương diện thể lý lẫn tâm linh, nó mới được biến thể theo bản chất của nhân ở bên trong mà thành cây và trổ sinh hoa trái, hiện thân của sự sống viên mãn là chính Sự Thiện.

9.

Như thế,

Dù là vỏ của hạt sự hữu, dù là dầu của đèn lương tâm, sự sống của con người, thể hiện qua ý riêng của họ, cũng đều phải được tiêu hao đi, được mục nát đi, ánh sáng Sự Thiện mới có thể phát quang nơi họ, và nhân Sự Thiện mới có thể phát sinh bởi họ. Nhờ đó, ngược lại, họ mới có thể trở nên thiện hảo và đạt đến tầm vóc viên mãn của mình trong Sự Thiện và như Sự Thiện mà Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên họ muốn thông ban cho chung tạo vật cũng như cho riêng họ là hữu thể giống Ngài nhất và có khả năng nên giống Ngài nhất.

Thế mà,

Nguyên lý làm cho dầu của một cây đèn tiêu hao đi, hay vỏ của một hạt giống mục nát đi, lại không phải ở tại chính nơi dầu của đèn hay vỏ của hạt giống. Bởi vì, nếu không có lửa thì dầu vẫn là dầu, dù bản chất của nó là để được tiêu hao đi, cũng không thể nào tự tiêu hao đi được cả. Và, bởi vì, nếu không có nhân thì vỏ mất hết ý nghĩa bao bọc và cũng không cần mục nát mà làm gì; vỏ có là vì nhân và tồn tại là nhờ sự sống của nhân, nên nhân có phát sinh thì vỏ mới mục nát đi được, (hơn là vỏ có mục nát thì nhân mới phát sinh, bởi đó, sự mục nát của vỏ chỉ là hình thức và là điều kiện phát sinh theo bề ngoài của nhân mà thôi).

Nơi con người đối với Sự Thiện cũng vậy, hữu thể của họ chỉ mục nát đi khi được Sự Thiện chiếm đoạt, chứ không phải họ muốn Sự Thiện là đã nên hoàn thiện, vì ý muốn của họ không phải là chính Sự Thiện, một Sự Thiện có đủ tư cách và khả năng duy nhất có thể làm cho họ nên hoàn thiện như chính nó. Tương tự như thế đối với sự sống của họ, một sự sống chỉ được tiêu hao đi khi được ngọn lửa Sự Thật phát ánh sáng Sự Thiện thu hút và tiêu dùng, chứ không phải sự sống của họ là chính Sự Thật hay Sự Thiện, hay làm cho có Sự Thật hay Sự Thiện nơi họ, một Sự Thật và Sự Thiện được tiềm ẩn nơi lương tâm phú bẩm của họ, luôn chờ dịp để tỏ mình ra nơi họ và hoàn hảo hóa họ, như thiên chức là người và ơn gọi làm người của họ khi được sinh vào trần gian.

10.

Tóm lại,

Đối với Sự Thiện, hạnh phúc là viên mãn yêu thương là ở chỗ này, ở chỗ, hữu thể của con người được mục nát đi trong Sự Thiện cũng như sự sống của họ được tiêu hao đi cho Sự Thiện, bản chất của Tình yêu.

Phần con người, ngược lại, nhờ được tiêu hao và mục nát đi như thế, hữu thể của con người trở nên phương tiện sử dụng năng hiệu nhất và sự sống của họ trở nên môi trường hoạt động thuận lợi nhất cho Tình Yêu, để Tình Yêu có thể hoàn toàn thể hiện bản chất thiện hảo của mình ra trong họ, cho họ và qua họ, mà kết qủa là Hạnh Phúc là viên mãn yêu thương.