HẠNH PHÚC LÀ VIÊN MÃN YÊU THƯƠNG

 

Tổng Quan

Vào Đời

Phần Nhất
MÔI SINH CỦA TÌNH YÊU
1.- Hữu Thể Con Người
2.- Hiện Thể Con Người
3.- Năng Thể Con Người
Kết Phần I

Phần Hai
BẢN CHẤT CỦA TÌNH YÊU
4.- Chân
5.- Thiện
6.- Mỹ
Kết Phần II

Phần Ba
KHUYNH HƯỚNG CỦA TÌNH YÊU
7.- Vị Tha
8.- Chia Sẻ
9.- Hiệp Nhất
Kết Phần IIII

Phần Bốn
TẦM VÓC CỦA TÌNH YÊU
10- Công Chính
11- Tốt Lành
12- Khôn Ngoan
Kết Phần IV

Tổng Kết

Phụ Đề
 

VÀO ĐỜI

Nếu,
Đời là bể khổ (theo Phật Giáo),
Là một cuộc chiến đấu liên lỉ (theo nhân sinh quan),
Là một cuộc lữ hành về quê hương thật trên trời (theo Kitô Giáo),

Thì,
Mục đích tối thượng và sau cùng của cuộc đời làm người sống trên trần gian này không phải là nguồn hạnh phúc chân thật và bất tận hay sao!?! Bằng không, con người cũng chỉ là và cũng không hơn gì loài vật vô linh, chết là hết! Như thế, tất cả những khả năng và khuynh hướng luôn hướng về và tìm kiếm những gì tuyệt đối và bất diệt nơi con người, dù là một con người vô thần nhất, sẽ chỉ là ảo tưởng và ảo vọng mà thôi?

Lại nữa,
CON NGƯỜI LÀ MỘT HỮU THỂ, TỰ BẨM SINH, VỐN BẤT TOÀN VÀ BẤT LỰC.

Bất toàn ở chỗ:

- Thiếu thốn (nơi những gì mình có),

- Kém cỏi (nơi những gì mình là), và

- Mâu thuẫn (nơi những gì mình làm).

Bất lực:

- Ở khả năng (vì theo thể lý có những cái muốn mà không làm được ),

- Ở quyền hạn (vì theo luân lý có những điều muốn mà không được làm ), và

- Ở ý chí (vì theo tâm lý có những sự không muốn mà cũng không thể tránh, đành phải chịu, mà chịu nhiều khi cũng không nổi).

Bởi đó,

Chủ đích duy nhất của con người lữ hành đang tiến về quê hương vĩnh cửu và đang phải liên lỉ chiến đấu trong bể khổ ở đời
này không phải là để tìm kiếm và chiếm hưởng hạnh phúc chân thật và vô cùng hay sao!?!

Thế nhưng,

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Và,

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ CHẮC CHẮN CHIẾM HƯỞNG HẠNH PHÚC CHÂN THẬT VÀ VÔ CÙNG??

Đối với chủ trương tự do là muốn làm gì thì làm,

Thì,

Hạnh phúc là được mọi sự như ý muốn.

Nghiã là,

Đối với những con người co' chủ trương này, những gì họ muốn là phải có, phải thành, và phải được theo như ý nghĩ, ý định,
ý thích của họ.

Tất nhiên,
Theo chiều hướng đó, phần tiêu cực của vấn đề phải được hiểu ngậm là: những gì họ không muốn, như trái ý, bất trắc, thử
thách, khổ đau v.v., sẽ không thể nào xẩy đến cho họ!

Trên thực tế, hạnh phúc là được mọi sự như ý muốn, nếu không chiếm được, đời đời sẽ chỉ là một mộng tưởng, nếu không muốn nói là một ảo tưởng!

Thế nhưng,

Theo lý thuyết, hạnh phúc là được mọi sự như ý muốn lại mới thực sự là ý nghiã tuyệt đối của nó và mới là lý tưởng để đáng được con người theo đuổi cho tới cùng!

Bởi vậy,

KHI ĐI TÌM HẠNH PHÚC LÀ ĐƯỢC MỌI SỰ NHƯ Ý MUỐN, THÌ CHẲNG KHÁC GÌ CON NGƯỜI ĐANG CỐ GẮNG LÀM CHO MỘNG TƯỞNG TRỞ THÀNH LÝ TƯỞNG, VÀ ẢO TƯỞNG TRỞ NÊN THỰC TẠI.

Bởi vì,

Một khi con người muốn được mọi sự như ý muốn thì chẳng khác gì muốn làm chúa tể, muốn lên bằng Ông Trời, muốn ngang hàng với Thượng Đế, muốn nên giống Thiên Chúa tối cao, Đấng duy nhất có thể làm được mọi sự cũng như được làm mọi sự mà không gì có thể chi phối hay ảnh hưởng được Ngài.

Thế nên,

CHÍNH KHI CON NGƯỜI ĐI TÌM HẠNH PHÚC CŨNG CHÍNH LÀ LÚC HỌ ĐI TÌM THIÊN CHÚA CỦA MÌNH.

Và,

Chỉ có được Thiên Chúa, nên giống Thiên Chúa, con người mới hoàn toàn thoả mãn và đời đời hạnh phúc mà thôi.

Như thế,

Hạnh phúc là nên giống Thiên Chúa!?

Tuy nhiên,

Làm thế nào để chiếm hưởng hạnh phúc, nếu hạnh phúc là nên giống Thiên Chúa?

Phải chăng,

Thiên Chúa là Đấng tự mình viên mãn, không thiếu gì cả, không cần gì hết; là Đấng làm được mọi sự, không lệ thuộc sự gì, không bị ai chi phối; là Đấng bất biến, không bao giờ đổi thay hay có cùng; là Đấng đáng tôn thờ, kính mến trên hết mọi sự v.v.?

Vậy,

Con người muốn nên giống Thiên Chúa để chiếm hưởng hạnh phúc là muốn làm gì thì làm, cũng phải làm sao có được mọi giầu sang phúc lợi về vật chất, mọi quyền hành thế lực về tinh thần, được trường sinh bất tử, và được mọi vinh dự kính tôn trên đời v.v.?

Phải chăng,

Thiên Chúa là Thần Linh và vô cùng thánh hảo?

Vậy,

Con người muốn nên giống Thiên Chúa để chiếm hưởng hạnh phúc là muốn làm gì thì làm, phải chăng cũng phải làm sao để có thể hoàn toàn siêu thoát, trở nên như một thần linh, nếu không phải là một thần linh tự bản tính như Thiên Chúa, cũng là một con người được thần linh hóa.

Trên thực tế, con người, theo lịch sử, đã và đang không ngừng tìm cách siêu thoát.

Chẳng hạn:

_ Siêu thoát qua việc diệt dục, vì dục là căn nguyên của khổ đau trên đời (theo Phật Giáo).

_ Siêu thoát qua tinh thần vô vi, vì hành động của con người do tình dục thúc đẩy (theo Lão Giáo).

- Siêu thoát qua việc ăn ngay ở lành theo lương tri và luật trời an định (theo Khổng Giáo).

- Siêu thoát qua việc tuân giữ lề luật của Chúa (theo Do Thái Giáo).

- Siêu thoát qua việc tin vào chân lý để được chân lý giải phóng ( theo Kitô Giáo).

- v.v.

Thế nhưng,

Cho dù bạn theo tôn giáo (Đạo) nào, tức chọn con đường siêu thoát nào đi nữa.

Bất luận bạn là một người chủ trương vô thần như Cộng Sản, hoặc hữu thần như Ấn Độ Giáo, Thiên Chúa Giáo, Nhật Giáo, hay sống theo luật tự nhiên như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo.

Bất luận bạn là một người tin đa thần như Ấn Độ Giáo hay Nhật Giáo, hay độc thần như Thiên Chúa Giáo.

Bất luận bạn là một người theo Thiên Chúa Giáo tin vào Moisen như Do Thái Giáo, tin vào Chúa Kitô như Kitô Giáo, hoặc tin vào Mohammed như Hồi Giáo.

Bất luận bạn là một người theo Kitô Giáo thuộc Giáo Hội Roma như người Công Giáo, thuộc Giáo Hội Đông Phương như người Chính Thống, thuộc Giáo Hội Thệ Phản như người Tin Lành, hoặc thuộc Giáo Hội Tự Trị như người Anh Giáo v.v.

Bất luận và bất luận...

Bạn vẫn là một con người,

MỘT CON NGƯỜI CÓ HAI BẢN TÍNH. MỘT BẢN TÍNH ĐỂ LÀ NGƯỜI VÀ MỘT BẢN TÍNH ĐỂ LÀM NGƯỜI.

Bản tính để là người của con người như mọi người, đó là hai yếu tố làm nên sự có thể lý của họ, tức thân xác và linh hồn của con người.

Bản tính để làm người của tất cả mọi người có đủ hai yếu tố hồn thiêng và xác chất đó, là yếu tố làm nên sự sống tâm linh của họ, tức TÌNH YÊU của con người.

Về phương diện sự sống tự nhiên, con người không thể nào sống mà không ăn thế nào, về phương diện sự sống tâm linh, con người cũng không thể nào sống mà không yêu như vậy.

Bởi vì,

Tình Yêu chính là lẽ sống của con người.

Theo kinh nghiệm, dù tương đồng hay tương phản, càng yêu thương con người càng sống mạnh, nhất là, càng yêu thương chân chính và trọn lành, con người càng cảm thấy con người mình sung mãn hơn, hạnh phúc hơn, siêu thoát hơn, nhờ đó, càng cảm thấy Chân-Thiện-Mỹ hơn, cảm thấy Đấng Tối Cao hơn.

Thật vậy,

Không phải hay sao:

CÓ GÌ MÀ TÌNH YÊU KHÔNG DÁM LÀM, VÀ CŨNG CÓ GÌ MÀ TÌNH YÊU KHÔNG LÀM ĐƯỢC?!

Chẳng hạn:

Kể cả hiến mạng sống cao quí nhất của mình vì người mình yêu và cho người mình yêu;

Kể cả tha thứ cho kẻ thù không đội trời chung với mình;

Kể cả đối xử với mọi người như một người và một người như mọi người;

Kể cả trở nên mọi sự cho mọi người;

vân vân và vân vân.

Tất cả những gì mà Tình Yêu dám làm ra ngoài quyền hạn của con người chủ thể yêu và làm được vượt cả quyền năng của con người chủ thể yêu như thế, không phải là những hành động tự nhiên mà một con người không yêu, hay yêu một cách thường tình hay yêu một cách ngụy tình có thể thực hiện được!

Vậy mà,

Yêu thương là thế đó.

Là một thực tại:

có thể biến dữ nên lành,
có thể thắng vượt tất cả,
có thể san bằng tất cả,
có thể thu hút tất cả,
có thể trở nên tất cả,
v.v.

Như thế,

Tự bản chất,

Tình Yêu là một Bản Tính Duy Nhất Toàn Hảo va` Toàn Năng!

Mà, còn ai toàn hảo và toàn năng như Thiên Chúa?

Do đó,

Không phải hay sao,

Thiên Chúa chính là Tình Yêu!

Bởi vậy,

Khi con người đi tìm hạnh phúc là nên giống Thiên Chúa, thì cũng chẳng khác gì con người muốn nên giống Tình Yêu, một Tình Yêu Thuần Túy, một Tình-Yêu Chân-Thiện-Mỹ.

Nói cách khác,

Trở nên giống Tình Yêu Thuần Túy, Tình-Yêu Chân-Thiện-Mỹ là cách duy nhất và tối khẩn để con người có thể chiếm hưởng hạnh phúc chân thật, bất tận và bất diệt.

Thế nhưng,

THẾ NÀO LÀ TRỞ NÊN GIỐNG TÌNH-YÊU
THUẦN-TÚY, TÌNH-YÊU CHÂN-THIỆN-MỸ?

Nếu không phải:

Trở thành không còn là tôi, là bạn hay là họ, mà chỉ là một bản tính duy nhất toàn hảo và toàn năng!

Thật vậy,

Bạn, tôi hay họ, tự bẩm sinh, luôn luôn không ngừng cảm thấy rằng mình bị chi phối, điều khiển và thúc động bởi Tình Yêu, như nguyên lý tác hành tối cao trong mình, như quyền lực hoạt động hầu như bất khả chống cưỡng của mình, đến nỗi, nhiều khi lý trí không hiểu nổi và ý chí phải đầu hàng!

TÌNH YÊU LÀ MỘT CÁI GÌ THIÊNG LIÊNG CAO CẢ NHƯ THIÊN CHÚA LÀ THẦN LINH.

TÌNH YÊU LÀ MỘT HẠT GIỐNG SỰ SỐNG BẤT DIỆT ĐƯỢC GIEO SẴN NƠI BẢN TÍNH CỦA CON NGƯỜI, ĐỂ, NHƯ MỘT CHÚT MEN, SẼ LÀM CHO CẢ CON NGƯỜI TỰ NHIÊN CỦA BẠN, CỦA TÔI, CỦA HỌ, TRỞ THÀNH TÌNH-YÊU THUẦN-TÚY, TÌNH-YÊU CHÂN-THIỆN-MỸ.

Đúng thế,

Nếu toàn thể con người của tôi, của bạn, của họ, chưa hoàn toàn dậy hết lên Men-Tình-Yêu, nghiã là, tôi vẫn là tôi, bạn vẫn là bạn, họ vẫn là họ, thì, đời đời, đối với chúng ta, chiếc bánh hạnh phúc sẽ không bao giờ được hình thành bởi những nắm bột nhạt nhẽo, rời rạc và nhẹ bay theo gió như con người của mỗi người chúng ta.

Như thế,

Chúng mình đã giải đáp phương trình Hạnh Phúc không đúng với nguyên tắc và đường lối yêu thương:

Hoặc bằng tổng số vị ngã: 1 + 1 = 2;

Hoặc bằng thừa số chia rẽ: 1 - 1 = 0;

(Cả hai đáp số 2 và 0 đều không phải là 1, tức đáp số chính xác nhất, phản ảnh Tình Yêu là bản tính duy 1).

Chúng mình chỉ có thể giải đúng đáp số Tình Yêu là bản tính duy 1, tức yêu thương là nên 1:

Hoặc bằng tích số vị tha: 1 x 1 = 1;

Hoặc bằng thương số chia sẻ: 1 / 1 = 1.

Để rồi,

Một khi tình yêu của chúng ta và trong chúng ta đã thực hiện đúng định luật và đường lối bẩm sinh của yêu thương là nên 1
như thế, thì, dù đối tượng yêu thương của tôi, của bạn, của họ có là ai đi nữa, Thượng đế, cha mẹ, anh chị em, tình nhân, người phối ngẫu, con cái, thân hữu, đồng loại v.v., và dù đối tượng yêu thương của chúng ta có thế nào đi nữa, bất xứng, bất hợp, bất đồng, bất nhân, bất nghiã, bất công v.v., tình yêu thương của chúng ta hướng đến và hiến cho mỗi một và tất cả mọi đối tượng đó vẫn không mất, không vơi, không đổi, trái lại, vẫn duy nhất, vẫn là 1, chẳng khác gì như bình phương của
1 hay thập phương của 1 vẫn là 1 mà thôi.

Bấy giờ,

Chúng ta có thể nói rằng:

Tôi là tất cả và tất cả là tôi.

1 LÀ TẤT CẢ VÀ TẤT CẢ LÀ 1.

Yêu thương là trở nên tất cả:

Như phản ứng phân hoá hạch nhân có thể làm nên một trái bom nguyên tử với sức công phá khôn lường, gấp cả trăm ngàn súng đạn và gươm giáo tầm thường.

Yêu thương cũng là nên một:

Như phản ứng phối hợp hạch nhân có thể làm nên một trái bom khinh khí có sức công phá còn mạnh hơn gấp bội trái bom nguyên tử của phản ứng phân hoá hạch nhân, hay cũng có thể tạo nên mặt trời lấy cho mình để làm nguồn nhiệt năng cho hàng tỉ năm ngay trên trái đất này.

Như thế đó,

Không phải hay sao:

HẠNH PHÚC LÀ VIÊN MÃN YÊU THƯƠNG!
 

Khởi viết vào ngày sinh nhật tuổi 41,
6-10-1989
CAO-TẤN-TĨNH