Kitô Giáo và Văn Hóa:

“Triết Lý và Lịch Sử về Các Văn Liệu Kitô Giáo: Một Thư Viện Thần Linh”

 

 

 

Tác giả cuốn sách “Triết Lý và Lịch Sử về Các Văn Liệu Kitô Giáo: Một Thư Viện Thần Linh” là Giovanni Maria Vian, giáo sư triết lý giáo phụ học ở Đại Học La Sapienza Rôma, đã phân tích ý nghĩa của các bản văn Thánh Kinh từ nguyên khởi của các bản văn này cho tới nay. Theo ông, mặc dù Kitô Giáo là yếu tố của văn hóa nhưng trổi vượt trên văn hóa. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, ông nhận định rằng Kitô Giáo tự bản chất không phải là một thứ văn hóa.

 

Vấn:    Là một nhà ngữ học giáo phụ, ông có nghĩ cần phải nói về Kitô Giáo như là một thứ ‘văn hóa’ hay chăng?

 

Đáp:   Tuyệt đối là không, niềm tin vào Chúa Giêsu – như mạc khải tối hậu của Thiên Chúa – là một cái gì đó trổi vượt trên mọi thứ văn hóa.

 

Tuy nhiên, Kitô Giáo – được xây dựng thực sự trên việc nhập thể của Lời Thần Linh trong một bối cảnh lịch sử và văn hóa – được bắt rễ nơi các nền văn hóa khác nhau, các nền văn hóa mà Kitô Giáo trổi vượt nhưng đồng thời cũng bất khả phân ly.

 

Vấn:    Việc hiện hữu của nền văn hóa Kitô Giáo được xác nhận từ khi nào?

 

Đáp:   Như đã đề cập tới, người ta có thể nói về một thứ căn tính Kitô Giáo được bắt đầu phân biệt khỏi Do Thái Giáo ngay từ hậu bán thế kỷ thứ nhất. Cần phải đợi tới những thập niên đầu của thế kỷ thứ hai mới nhận định được các dấu vết của ý thức về văn hóa Kitô Giáo có những mầu sắc khác với những nền văn hóa khác vào thời ấy.

 

Bởi thế mà vào thế kỷ thứ hai đã có thứ văn hóa Kitô Giáo Á Châu – tức là, thứ văn hóa được biểu lộ nơi những gì là Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay – và vào thế kỷ thứ ba, văn hóa Kitô Giáo Alexandria là những gì nổi bật, với những đại tiêu biểu là giáo phụ Origen và là thứ văn hóa có một ảnh hưởng vĩ đại trong lịch sử.

 

Cuộc lan truyền cả thể của Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, và với Hoàng Đế Constantine, việc nhìn nhận quyền tự do tôn giáo cho Giáo Hội Kitô Giáo, trong số các ảnh hưởng khác, đã có một ảnh hưởng lớn mạnh đối với  đức tin Kitô Giáo nơi thế giới Hy La ở tất cả mọi trình độ văn hóa, từ thành phần trí giả học thức, như Eusebius ở Caesarea và Giêrônimô, cho đến tâm thức bình dân.

 

Từ đó, Kitô Giáo đã liên kết một cách bất khả phân ly với lịch sử của thế giới Địa Trung Hải và thế giới Đông Âu cùng tây Âu, dĩ nhiên không bỏ qua thành phần Kitô hữu ngoài Âu Châu, từ trung Á và Ấn Độ tới phía đông, từ Ethiopis tới miền nam.

 

Vấn:    Các bản văn giáo phụ cần phải được coi như là những bản văn khác. ‘Những bản văn khác’ đây nghĩa là gì?

 

Đáp:   Đơn giản thôi, đó là các bản văn Kitô Giáo cần phải được học hỏi – bao gồm cả các bản văn Thánh Kinh – như các bản văn trần tục được học hỏi vậy. Tức là, theo nguyên tắc phi thành kiến về ý hệ – phò hay chống, vẫn cần phải nhớ là, theo quan điểm lịch sử thì nó là vấn đề về các bản văn tôn giáo.

 

Vấn:    Ngày nay chúng ta có thể học được gì nơi gia sản Alexandria?

 

Đáp:   Một đàng là việc chú trọng tới các văn bản. Người ta bao giờ cũng cần phải tìm về tận gốc, tuy nhiên vẫn ý thức rằng mọi bản văn có một ý nghĩa sâu xa, vượt ra ngoài chữ nghĩa, nhất là các bản văn thánh kinh.

 

Đàng khác chúng ta có thể học lòng nhiệt thành trong việc liên hệ với thế giới văn hóa bên ngoài.

 

Vấn:    Ông trích dẫn nhiều ấn bản Thánh Linh trong sách của ông. Theo quan điểm của ông là một học giả thì ấn bản nào khá nhất?

 

Đáp:   Các ấn bản thánh kinh khá nhất là những ấn bản can thận theo các nguyên bản – Do Thái, Aramaic và Hy Lạp – cũng như theo các ấn bản cổ – Hy Lạp và Latinh. Chúng là các ấn bản được trau chuốt trong thế kỷ 20 với một nỗ lực ngữ học lớn lao vẫn đang không ngừng diễn tiến. Chúng là các bản văn nhắm đến thành phần chuyên viên và không thể liệt kê họ ở đây.

 

Tuy nhiên, vì nguồn gốc và mục đích đại kết của mình mà cuốn ‘Tân Ước Hy Lạp’ cũng cần phải được đề cập tới – cuốn sách được Chư Hội Liên Hiệp Thánh Kinh phát hành lần đầu tiên vào năm 1966 – vào lần ấn bản điều chỉnh năm 1993. Nó là một bản văn nhắm tới những ai muốn chuyển dịch từ nguyên ngữ thành các ngôn ngữ được ngày nay sử dụng.

 

Nổi bật trong những bản dịch đương thời – cũng vì sự chú giải tuyệt vời của mình – là cuốn “Thánh Kinh Giêrusalem”, được tu sĩ dòng Đaminh thuộc Trường Thánh Kinh École Biblique phát hành ở Pháp năm 1955, với những ấn bản điều chỉnh vào năm 1973 và 1998. 

 

Nó là một ấn bản rất quan trọng mà hiện nay đang được điều chỉnh, cho đến độ mẫu thức của nó vẫn được sử dụng một cách rộng rãi nơi các ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Tây Ban Nha.

 

Vấn:    Thư Viện Thần Linh này được bắt đầu và chấm dứt ở đâu?

 

Đáp:   Thư Viện Thần Linh là lời diễn tả của Thánh Giêrônimô mang ý nghĩa ‘các sách về Thiên Chúa’, bởi thế được bắt đầu từ các tác giả đầu tiên của những bản thánh kinh, những vị viết các bản văn thánh kinh này suốt thiên niên kỷ thứ nhất trước Chúa Kitô Giáng Sinh.

 

Từ đó, những cuốn sách này đã không ngừng làm phát sinh ra các bản văn khác, những văn bản tiếp tục những bản văn thánh kinh và vẫn còn dẫn giải về những bản văn thánh kinh. Chỉ vì một lý do dễ hiểu, đó là lời lẻ của loài người không thể nào diễn tả cho hết được Lời Thần Linh là lời luôn hiện hữu khôn cùng.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/8/2006