Cuộc Tranh Hùng bá chủ văn minh giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo

trên đấu trường lịch sử thế giới

 

 

 

“Việc Hồi Giáo liên kết toàn cầu có nghĩa là gì  đối với Kitô Giáo?”

 

Trên đây là một câu hỏi được đặt ra cho Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trong cuốn “Salt of The Earth” (Muối Đất), ấn bản Anh ngữ do Ignatius xuất bản năm 1997, trang 245-246, trong chương “Priorities of the Church’s Development – Những điều ưu tiên trong Việc Phát Triển của Giáo Hội”. Và ngài đã trả lời như sau:

 

“Việc liên kết này là một hiện tượng muôn mặt. Về một phương diện thì các yếu tố tài chính góp phần vào việc này. Quyền lực về tài chính có được nơi các quốc gia Ả Rập là một quyền lực giúp cho họ có thể xây dựng các đền thờ lớn lao khắp nơi, để bảo đảm về sự hiện diện của các cơ cấu văn hóa Hồi Giáo cùng với những điều khác đại loại như thế. Thế nhưng, chắc chắn đó không phải là một yếu tố duy nhất. Yếu tố khác nữa đó là một căn tính được gia tăng, một tâm thức mới về mình.

 

“Trong bối cảnh về văn hóa của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cho đến thập niên 1960, cái trổi vượt của các quốc gia Kitô Giáo về kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự quá lớn mạnh đến nỗi thực sự đẩy Hồi Giáo vào hạng thứ yếu, và Kitô Giáo, có thể nói, các nền văn minh theo căn gốc Kitô Giáo có thể tỏ ra mình như là một quyền lực chiến thắng trong lịch sử thế giới. Thế nhưng, vào lúc ấy lại xẩy ra một cuộc khủng hoảng đại thể về luân lý nơi thế giới Tây phương, một thế giới mang tính cách là một thế giới Kitô Giáo. Trước những tương phản sâu xa về luân lý nơi Tây phương cùng với sự bất lực nội tại của nó – một nỗi bất lực đột nhiên nghịch lại với một quyền lực mới về kinh tế của các quốc gia Ả Rập – hồn sống của Hồi Giáo đã bừng lên. Chúng tôi cũng là một nhân vật nào đó nữa chứ; chúng tôi biết được mình là ai mà; tôn giáo của chúng tôi đang vững mạnh đây; các người không còn thứ tôn giáo như thế nữa. 

 

“Đó thực sự là cái cảm thức hôm nay nơi thế giới Hồi Giáo: ở chỗ, các quốc gia Tây phương không còn khả năng giảng dạy một sứ điệp về luân lý nữa, mà chỉ có một thứ kiến thức về kỹ thuật để cống hiến cho thế giới mà thôi. Kitô Giáo đã bị lịm tắt mất rồi; nó thực sự không còn hiện hữu như là một tôn giáo nữa; thành phần Kitô hữu không còn luân lý hay đức tin nữa; tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi; chúng tôi có một thứ tôn giáo vững vàng chắc chắn.

 

“Bởi vậy thành phần tín đồ Hồi Giáo giờ đây đã ý thức rằng thực sự Hồi Giáo cuối cùng trở thành một tôn giáo cường tráng hơn, và họ có một cái gì đó để nói với thế giới, thực sự họ là một lực lượng về tôn giáo chính yếu cho tương lai. Trước đây, sharia (luật Hồi Giáo - chú thích của người dịch) và tất cả những thứ ấy đã biến mất trên hiện trường ở một nghĩa nào đó; giờ đây trở thành một niềm hãnh diện mới. Thế là một nhiệt tình mới, một cường độ mới về nhu cầu sống Hồi Giáo đã bừng lên. Đó là một quyền lực mạnh mẽ nơi Hồi Giáo: Chúng tôi có một sứ điệp về luân lý đã từng hiện hữu mà không bị lũng đoạn từ hồi các vị tiên tri, và chúng tôi sẽ nói cho thế giới biết cách sống sứ điệp này, trong khi Kitô Giáo chắc chắc không thể nào làm nổi. Dĩ  nhiên là cờ đã đến tay chúng tôi nhờ ở quyền lực nội tại này của Hồi Giáo, một thứ quyền lực thậm chí thu hút cả những lãnh vực về hàn lâm nữa”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, nghiên cứu và chuyển dịch