Sứ Điệp của Thượng Nghị Thế Giới Chư Vị Lãnh Đạo Tôn Giáo

 

 

Chúng tôi, thành phần tham dự viên Thượng Nghị Thế Giới Chư Vị Lãnh Đạo Tôn Giáo – những vị làm đầu và đại biểu của Kitô Giáo, Hồi Giáo, Do Thái, Phật Giáo, Ấn Giáo, và các cộng đồng Nhật Giáo thuộc 49 quốc gia, đã gặp nhau ở Moscow vào ngày áp Thượng Nghị G8. Sau khi bàn luận lâu dài về mối quan tâm với nhau, giờ đây chúng tôi kêu gọi các vị Cầm Đầu Chư Quốc, các cộng đồng tôn giáo và tất cả mọi người thiện chí.

 

Chúng tôi tin rằng tự bản chất con người là loài có tín ngưỡng. Từ khi có lịch sử, tôn giáo đã đóng vai trò chính yếu trong việc phát triển tư tưởng, văn hóa, đạo lý và trật tự xã hội.

 

Trước vai trò càng ngày càng phát triển của niềm tin trong xã hội hiện đại, chúng tôi muốn tôn giáo tiếp tục là một nền tảng vững chắc cho hòa bình và việc đối thoại giữa các thứ văn minh, và không bị sử dụng như một nguyên lý của sự chia rẽ và việc xung đột. Tôn giáo có khả năng liên kết các dân tộc và những nền văn hóa đa dạng lại với nhau, bất chấp tình trạng mỏng dòn của nhân loại chúng ta, đặc biệt trong môi trường có tính cách đa tạp và đa dạng ngày nay.

 

Sự Sống của Con Người

 

Sự Sống Con Người là tặng ân của Đấng Tối Cao. Nhiệm vụ linh thánh của chúng ta là bảo trì nó, và việc này cần phải là mối quan tâm của cả các cộng đồng tôn giáo lẫn các vị lãnh đạo chính trị.

 

Việc đối thoại và tình hữu nghị giữa các nền văn minh không phải chỉ là những sáo ngữ vậy thôi. Chúng ta cần phải dựng xây một trật tự thế giới bao gồm cả chủ nghĩa dân chủ – như một đường lối hòa hợp các xu hướng khác nhau và như là việc dân chúng tham dự vào việc quyết định của quốc gia và quốc tế – lẫn việc tôn trọng cảm quan về luân lý, lối sống, các thể chế pháp lý và chính trị, cùng những truyền thống quốc gia và tôn giáo của dân chúng.

 

Những vấn đề giải quyết một cách toàn vẹn, chính đáng và lâu dài về các cuộc tranh cãi quốc tế là những gì cần phải đạt được bằng phương tiện thuận hòa. Chúng tôi bài bác những thứ nước đôi nơi các liên hệ quốc tế. Thế giới này cần phải có nhiều cột chống đỡ và nhiều thể chế, đáp ứng các đòi hỏi của tất cả mọi cá nhân cũng như các dân nước, hơn là thích ứng với các mẫu thức ý hệ vô hồn và quá đơn thuần.

 

Nhân loại là tạo vật đặc thù của Đấng Hóa Công, hiện hữu là để vươn tới trường sinh vĩnh hằng. Con người không được trở thành một thứ sản phẩm hay một thứ đối tượng cho việc mạo dụng của chính trị hoặc một thứ yếu tố cho guồng máy sản xuất và tiêu thụ.

 

Từ Khi Được Thụ Thai Cho Tới Khi Tự Nhiên Qua Đi

 

Bởi thế, cần phải liên lỉ nắm giữ cái giá trị cao cả nhất của sự sống con người từ khi nó được thụ thai cho tới hơi thở cuối cùng và tự chết qua đi. Như vậy gia đình ngày nay cần phải được nâng đỡ, vì nó là một môi trường đặc biệt để vun trồng nhân cách tự do, ý thức và theo luân thường đạo lý. Chúng tôi kêu gọi luật lệ quốc gia và quốc tế cũng như việc hành sử của các quốc gia, những tổ chức công, các cộng đồng tôn giáo và các phương tiện truyền thông đại chúng hãy hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với đời sống gia đình, nhất là nơi sứ vụ giáo huấn của gia đình.

 

Liên quan đến vấn đề ấy là mối quan tâm của chúng tôi đối với tình trạng của nữ giới và trẻ em nơi nhiều xã hội. Trong việc cổ võ đặc tính chuyên biệt của hết mọi người, nam phụ lão ấu, cũng như thành phần khuyết tật, chúng tôi thấy rằng họ tất cả đều có những tặng ân đặc biệt của họ. Bảo vệ họ khỏi bị bạo hành và khai thác là công việc chung của các vị có thẩm quyền, của xã hội và của các cộng đồng tôn giáo.

 

Con người là một tạo vật thượng đẳng của Đấng Toàn Năng. Bởi thế, các thứ quyền lợi của con người – việc bảo vệ họ và tôn trọng họ ở cấp quốc gia, cấp miền và cấp quốc tế – là mối quan tâm hệ trọng đối với chúng tôi. Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng ta cũng cho thấy rằng nếu không có một cái cốt lõi về đạo lý, nếu không hiểu biết nhiệm vụ của chúng ta, thì không một xã hội hay xứ sở nào lại thoát được tình trạng xung đột và suy sụp.

 

Quyền Tự Do và Các Thứ Quyền Lợi

 

Tội lỗi và tính hư tật xấu là những gì làm cho cả cá nhân cũng như xã hội hư hoại. Đó là lý do chúng tôi tin rằng luật lệ và trật tự xã hội cần phải tìm cách để mang lại một cách hòa hợp với nhau việc vừa dấn thân cho các thứ quyền lợi và quyền tự do vừa ý thức được những nguyên lý đạo đức giúp xây dựng đời sống con người.

 

Chúng tôi muốn nói tới tầm quan trọng của quyền tự do tôn giáo trong thế giới ngày nay. Các cá nhân và các phái nhóm cần phải được tự do không bị cưỡng ép. Không ai bị bắt buộc tác hành trái nghịch với những niềm tin tưởng của họ về các vấn đề tôn giáo. Cũng cần phải chú trọng tới các quyền lợi của các thành phần thiểu số về tôn giáo và sắc tộc.

 

Chúng tôi lên án việc khủng bố và cực đoan ở bất cứ hình thức nào, cũng như những nỗ lực lấy tôn giáo để biện minh cho những việc làm ấy. Chúng tôi coi đó là nhiệm vụ của chúng tôi trong việc chống lại niềm thù hận vì những lý do chính trị, đạo lý hay tôn giáo. Chúng tôi lên án những hoạt động của các nhóm ngụy tôn giáo và những phong trào phá hoại tự do và sức khỏe của dân chúng cũng như bầu khí đạo đức nơi các xã hội.

 

Sử dụng tôn giáo như phương tiện để khơi lên lòng hận thù hay lấy lý để gây tội ác phạm đến các cá nhân, luân thường đạo lý và nhân loại là một thách đố chính yếu ngày nay. Điều này có thể giải quyết một cách hiệu nghiệm chỉ bằng cách giáo dục và huấn luyện về luân lý. Học đường, phương tiện truyền thông đại chúng, và việc giảng dạy của các vị lãnh đạo tôn giáo cần phải mang lại họ mình là những gì kêu gọi họ sống hòa bình và yêu thương.

 

Các Giá Ttrị Về Đạo Lý

 

Chúng tôi kêu gọi chấm dứt bất cứ cái gì xúc phạm đến cảm thức tôn giáo và việc phỉ báng các sách vở, biểu hiệu, danh tánh hay nơi chốn linh thánh đối với các tín đồ. Những ai lạm dụng những vật thánh cần phải biết rằng nó gây tổn thương cho nhiều tấm lòng và gây giận dữ nơi dân chúng.

 

Bằng việc giáo dục và hoạt động xã hội, chúng ta cần phải tái thẩm định những giá trị khả thủ về đạo lý nơi ý thức của dân chúng. Chúng tôi tin rằng những giá trị ấy được Đấng Toàn Năng ban cho chúng ta và được ghi khắc sâu xa nơi bản tính loài người. Chúng là những gì chung đối với các đạo giáo của chúng tôi qua nhiều cách thức thực tiễn.

 

Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm về tình trạng luân lý nơi các xã hội của chúng ta, và muốn gánh vác trách nhiệm này, ở chỗ cùng làm việc với các quốc gia cũng như các tổ chức dân sự để giúp cho đời sống có được những giá trị đạo lý làm gia sản vốn liếng và là nguồn mạch tồn tại.

 

Kinh Tế và Các Nguồn Lợi

 

Sự sống con người cũng là những gì có liên hệ với nền kinh tế. Trật tự kinh tế thế giới, như tất cả mọi khía cạnh khác của cấu trúc toàn cầu, cần phải được xây dựng trên công lý. Tất cả mọi hoạt động kinh tế và thương mại cần phải có trách nhiệm về phương diện xã hội và được thi hành theo những qui chuẩn về luân thường đạo lý. Chính nhờ đó mà nền kinh tế mới thực sự có hiệu năng, tức là mới mang lại lợi ích cho dân chúng.

 

Một cuộc đời chỉ sống vì tài lộc và vì mức tiến bộ của việc thuận lợi sản xuất trở thành cằn cỗi và tầm thường. Nhận thấy như thế, chúng tôi kêu gọi cộng đồng thương mại hãy mở rộng và có trách nhiệm đối với xã hội dân sự, bao gồm các cộng đồng tôn giáo, ở cấp quốc gia và quốc tế.

 

Tất cả mọi chính phủ cũng như cộng đồng thương mại cần phải trở thành những quản thủ viên hữu trách về những nguồn lợi trên trái đất của chúng ta. Những nguồn lợi này, như được Tạo Hóa ban cho tất cả mọi thế hệ, cần phải được sử dụng cho lợi ích của hết mọi người. Tất cả mọi quốc gia đều có quyền sử dụng những nguồn lợi của mình, chia sẻ chúng với các quốc gia khác, cũng như khai triển các thứ kỹ thuật cho việc hữu hiệu sử dụng và bảo trì chúng.

 

Vấn Đề Nghèo Khổ

 

Việc phân phối hữu trách về nguồn phong phú của trái đất, cùng với việc mậu dịch chính đáng trên thế giới và việc tích cực tham gia về nhân đạo, sẽ là những gì giúp vào vấn đề khắc phục tình trạng nghèo khổ và đói khổ nơi hằng triệu triệu con người anh chị em của chúng ta. Cảnh nghèo khổ và tình trạng gây tổn thương trong xã hội đã trở thành căn nguyên cho việc ào ạt di dân càng ngày càng gây ra nhiều trục trặc cho cả quốc gia nghèo khổ lẫn quốc gia giầu thịnh.

 

Việc tập trung của đa số sự giầu thịnh trên thế giới nơi tay của một thiểu số người, trong khi một số khổng lồ dân chúng, nhất là trẻ em, sống trong cảnh bần cùng, là một thảm trạng của thế giới. Thảm trạng này chắc chắn sẽ tiếp tục làm cho thế giới này bị nghiêng ngửa điêu linh, đe dọa đến nền hòa bình thế giới. Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi quốc gia hãy trở về với một đời sống điều hòa, tự chế và chủ động chính trực. Đời sống ấy mới bảo đảm một tương lai hy vọng cho các thế hệ mai hậu và mới hành sử một cách hiệu nghiệm việc nhổ tận gốc rễ các thành phần cực đoan và khủng bố. 

 

Những Khó Khăn Thách Đố Ngày Nay

 

Các chính quyền, các cộng đồng tôn giáo và những dân tộc trên thế giới cần phải cùng nhau làm việc để đương đầu với những khó khăn thách đố của ngày hôm nay, chẳng hạn như các thứ dịch bệnh lây lan, đặc biệt là Hội Chứng Liệt Kháng, cũng như việc nghiện nha phiến, và việc gia tăng các thứ vũ khí đại công phá.

 

Không có một xứ sở nào, cho dù là giầu thịnh và quyền lực, có thể tự mình đương đầu nổi với những thứ đe dọa ấy. Tất cả chúng ta đều có liên hệ với nhau và có cùng một định mệnh. Điều này đòi phải hòa hợp và liên kết hoạt động nơi tất cả mọi quốc gia phần tử của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, tình trạng lan tràn các thứ chứng bệnh không phải là mối quan tâm của riêng các vị bác sĩ, và việc phổ biến các thứ kỹ thuật gây tử vong không phải là một vấn đề giành cho thành phần lập luật mà thôi. Những khó khăn thách đố này cần phải trở thành mối quan tâm chung cho toàn thể xã hội.

 

Việc Đối Thoại Trao Đổi

 

Các vị lãnh đạo tôn giáo và chuyên viên tôn giáo cần phải bảo tồn việc đối thoại liên tôn, và việc đối thoại này cần phải được phong phú hơn bởi việc góp phần của thành phần tín đồ bình thường. Thật là bất hợp, và lịch sử cho thấy rằng thật là nguy hiểm, đối với những hành động nơi các cộng đồng tôn giáo bị trở thành độc đoán theo những khuynh hướng chính trị. Chúng tôi cũng lấy làm tiếc xót cho những nỗ lực muốn ‘tháp nhập’ một cách nhân tạo các truyền thống tôn giáo hay muốn thay đổi chúng, để làm cho những truyền thống ấy càng ngày càng bị tục hóa đi, mà không được góp ý của thành phần tín đồ thuộc các truyền thống ấy.

 

Các cộng đồng của chúng tôi cũng sẵn sàng để thực hiện việc đối thoại với các thành phần theo những quan điểm vô tín ngưỡng, với các chính trị gia, với tất cả các cơ cấu xã hội dân sự, với các tổ chức quốc tế. Chúng tôi hy vọng một cuộc đối thoại như thế tiếp tục xẩy ra, giúp các tôn giáo góp phần vào việc hòa hợp và hiểu biết giữa các dân nước, một ngôi nhà chung được thiết lập trên chân lý, được xây dựng theo công lý, được sống động bởi yêu thương và tự do.

 

Cuộc đối thoại này cần phải được thực hiện một cách bình đẳng, một cách hữu trách và một cách thường xuyên, cởi mở với bất cứ một đề tài nào, không thành kiến về ý hệ.

 

Chúng tôi tin rằng đã đến lúc cần phải có một mối giao hảo theo cơ cấu hơn nữa giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và Liên Hiệp Quốc.

 

Khi đặc biệt kêu gọi tất cả mọi thành phần tin tưởng, chúng tôi tha thiết xin họ hãy tôn trọng và chấp nhận nhau bất chấp những khác biệt về tôn giáo, quốc tịch và gì nữa.

 

Chúng ta hãy giúp nhau cũng như tất cả mọi người có ý hướng tốt lành trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn thể gia đình nhân loại.

 

Chúng ta hãy bảo trì hòa bình được Đấng Toàn năng ban tặng cho chúng ta!

 

Moscow

Ngày 5/7/2006

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/7/2006