Về Thiên Chúa với Bạo Lực và Thánh Kinh

 

 

Mạc dù Thánh Kinh có chất chứa những trường hợp hỗn hợp giữa bạo lực và tôn giáo, nhưng vẫn cho thấy ý định của Thiên Chúa trong việc phục hồi thành phần công chính, một cuộc phục hồi cuối cùng được thực hiện nơi cuộc phục sinh an bình của Chúa Giêsu Kitô. Đó là cảm nhận của Cha Rinaldo Fabris, chủ tịch Hiệp Hội Thánh Kinh Ý Quốc, trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, nhân dịp Tuần Lễ Thánh Linh Toàn Quốc lần thứ 39 được tổ chức ở Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh vào thời khoảng 11-15/9/2006, với chủ đề “Vấn Đề Bạo Động Trong Thánh Kinh”.

 

Vấn:    Trong bài nói ở Regensburg, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lên án thánh chiến quân Hồi Giáo vì nó phản lại lý trí và Thiên Chúa. Cha nghĩ thế nào?

 

Đáp:   Nếu thánh chiến quân, được nói tới mấy lần trong Sách Koran, đồng nghĩa với “cuộc thánh chiến”, tức là một cuộc chiến đấu võ trang chống lại các kẻ địch thù – thành phần không theo Hồi Giáo hay thành phần bỏ đạo Hồi Giáo – được biện minh và thi hành nhân danh Thiên Chúa, thì hiển nhiên cho thấy cuộc thánh chiến ấy là những gì phản với niềm tin tôn giáo, một niềm tin cần phải tự do bày tỏ việc chấp nhận Thiên Chúa.

 

Nó trái với hình ảnh của Kitô Giáo về Thiên Chúa, vị Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô mạc khải, Đấng đã tự chấp nhận chịu đựng bạo lực của con người và bất lực hóa bạo lực bằng cuộc tử giá của mình, một cuộc tử giá gay go đối với thái độ cao cả nhất của việc trung thành thảo kính đối với Thiên Chúa và hoàn toàn liên kết với thân phận của con người.

 

Tuy nhiên, trong việc dẫn giải Sách Koran của Hồi Giáo, thánh chiến không phải chỉ là một cuộc thánh chiến mà trước nhất là việc dấn thân và nỗ lực chống lại sự dữ ở tất cả mọi hình thức của nó.

 

Vấn:    Thành phần Hồi Giáo cực đoan kêu cầu Thiên Chúa khi họ thi hành những tác động khủng bố ghê rợn. Có thể nhân danh Thiên Chúa mà sát hại hay chăng?

 

Đáp:   Trong trường hợp được gọi là tử đạo […] thì nó là một mạo dụng hiển nhiên và hồ đồ niềm tin tôn giáo, tùy theo cử chỉ đáng ghê tởm liên quan tới đường lối tác hành về đạo lý, cá nhân và xã hội. Những hành động khủng bố, một việc bạo động thái quá và thiếu lý trí, bao giờ cũng được biện minh bằng việc nhân danh chủ nghĩa quốc gia dân tộc, chủ nghĩa duy chủng và, ở trong những xã hội sống theo nền văn hóa tôn giáo cũng nhân danh cả Thiên Chúa nữa.

 

Vấn:    Hiệp Hội Thánh Kinh Ý Quốc được cha lãnh đạo vừa kết thúc một hội nghị về chủ đề bạo động trong Thánh Kinh. Đâu là những chia sẻ và những đúc kết của hội nghị này?

 

Đáp:   Để cố gắng tóm lại việc đóng góp của 13 bài diễn văn trong tuần lễ này, được 160 tham dự viên hào hứng theo dõi – bao gồm các vị giáo sư Thánh Kinh thuộc các phân khoa thần học và học viện khoa tôn giáo học – có thể nói rằng bạo động theo tất cả mọi ý nghĩa của nó – về thể lý, xã hội và luân lý – đều là những gì xẩy ra trong lịch sử thánh kinh, được ghi lại trong các sách Cựu Ước và Tân Ước.

 

Nó là một vấn đề bạo động giữa con người với nhau, bắt đầu từ tội ác của Cain, bị lân án là tội lỗi, mà còn là vấn đề bạo lực được thực hiện nhân danh Thiên Chúa và nhân danh hình ảnh bạo lực về Thiên Chúa.

 

Thánh Kinh nói về vị Thiên Chúa của các đạo binh và về cơn giận dữ của Thiên Chúa, Đấng trừng phạt kẻ gian ác một cách lạnh lùng bằng một phán quyết trầm luân. Đàng khác, như hiến chế “Lời Chúa – Dei Verbum” của Công Đồng Chung Vaticanô II, số 12, nói, trong Thánh Kinh Thiên Chúa nói với con người theo đường lối nhân loại.

 

Nếu cái bạo động ấy thuộc về cảm nghiệm lịch sử của nhân loại, thì chẳng lạ gì nó được thấy trong Thánh Kinh như tấm gương soi. Trong cuộc tranh cãi của Tuần Lễ Thánh Kinh này, chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu những căn gốc của bạo loạn theo Thánh Kinh, và làm cách nào để có thể giải hóa nó.

 

Về vấn đề này, vấn đề đã được nói đến về vai trò của luật pháp cũng như của luật hình sự, những gì thường không thành đạt trong việc bao gồm cả vấn đề bạo động nhưng lại trở thành yếu tố cho việc bạo động mới.

 

Trước bối cảnh ấy, biến cố ngược đời mâu thuẫn của cuộc Chúa Giêsu tử giá hiện lên, một biến cố nhờ đó Thiên Chúa đã đi vào lịch sử bạo động của loài người và kiềm chế nó.

 

Hình ảnh này của Thiên Chúa bao giờ cũng hiện diện nơi một số bản văn tiên tri và khôn ngoan của Cựu Ước. Chỉ bằng cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa thực sự phục hồi con người công chính mà không gây ra việc bạo động nào khác nữa.

 

Vấn:    Vấn đề “chiến tranh chính đáng” có được nói tới trong cuộc hội nghị này hay chăng? Cha có thể nói cho chúng tôi biết vấn đề này ra sao chăng?

 

Đáp:   Trong tuần lễ học hỏi và tranh luận của Hiệp Hội Thánh Kinh Ý Quốc, vấn đề về chiến tranh không được trực tiếp nói tới, một vấn đề đã được đề cập tới nhiều trong các bản ấn hành về Thánh Kinh chất chứa những chuyện về “linh” chiến hay “thánh” chiến.

 

Thánh chiến có trong Thánh Kinh cũng như trong toàn cõi Trung Đông cổ thời. Nó bao gồm vấn đề hy sinh “herem” của kẻ thù, tức là nhân danh Thiên Chúa để loại trừ kẻ thù.

 

Loại chiến tranh chính đáng, bắt đầu bằng mấy ý nghĩ của Thánh Âu Quốc Tinh, đã được diễn giải vào thời xẩy ra những cuộc chiến của Charles V, thuộc thế kỷ 16, bởi những luật gia Tây Ban Nha, thành phần xác định những điều kiện cho một cuộc chiến được kể là chính đáng và hợp lý.

 

Sau kinh nghiệm của hai Trận Thế Chiến và trong tình hình hiện nay của việc bạo động khủng bố được toàn cầu hóa này, thì lý thuyết về cuộc chiến tranh công chính chẳng những thái quá mà còn nguy hiểm nữa.

 

Người ta ưa thích nói tới quyền lợi có nhiệm vụ bênh vực một cách hợp lệ con người và xã hội, bằng việc sử dụng các phương tiện và phương pháp không gây ra những hình thức và tình trạng bạo động khác.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/10/2006

 

 

TOP