Cuộc Họp Thượng Định G-8

2003, 2005, 2006, 2007

 

Thượng Nghị của Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường về vấn đề Nghèo Khổ, Khí Nóng và Lá Chắn

 

Theo bài “G8 leaders pledge $60B for Africa” của mạng điện toán toàn cầu CNN ngày 8/6/2007 thì vào ngày họp cuối cùng của Thượng Nghị của Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường hôm Thứ Sáu 8/6/2007, thành phần  lãnh đạo quốc gia và chính phủ tham dự cuộc thượng nghị đã đồng ý cống hiến 60 tỉ Mỹ kim để chống lại các thứ bệnh tật như Hội Chứng Liệt Kháng, lao phổi và sốt rét ở Phi Châu, và lập lại lời hứa tăng gấp đôi việc chi tiêu cho vấn đề phát triển ở châu lục này.

 

Để đáp lại những lời phàn nàn của thành phần hoạt động chống nghèo cho rằng các nước giầu không giữ lời hứa trong việc gia tăng vấn đề cứu trợ hằng năm cho các quốc gia nghèo ở Thượng Nghị Gleneagles Tô Cách Lan 2005, bà Thủ Tướng Đức kiêm chủ tịch cuộc thượng nghị 2007 cho biết:

 

“Đã có một cuộc bàn luận rất thẳng thắn và cởi mở. Chúng tôi muốn nói rằng nhân danh các quốc gia thuộc Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình và chúng tôi sẽ làm trọn những lời hứa hẹn chúng tôi đã quyết tâm và chúng tôi sẽ làm như vậy”.

 

Thế nhưng, bản tuyên ngôn lại không có ngày tháng hạn định, chỉ cho biết là số tiền ấy sẽ được cung cấp “vào những năm tới đây”, cũng không cho biết rõ là mỗi quốc gia nghèo được bao nhiêu.

 

Thành phần vận động cho Phi Châu nói rằng lời hứa hẹn về số tiền đã được loan báo trước đây, trong đó Hoa Kỳ đóng góp 30 tỉ.

 

Theo vị giám đốc điều hành cơ quan DATA (Debt, AIDS, Trade, Africa) là Jamie Drummond cho tới cuối năm ngoái mới có 2.3 tỉ Mỹ kim trong tổng số tiền được hứa cung cấp vào năm 2010:

“Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường nói chung, trong năm 2006, mới thực hiện được một nửa số tiền trợ cấp hứa hẹn, dưới phân nửa thì đúng hơn. Họ đang có ý định cung cấp dưới 1/3 những gì họ hứa hẹn. Đó là hành vi theo kiểu lệch lạc”.

Theo cơ quan này thì chỉ có Hiệp Vương Quốc và Nhật là giữ đúng lời hứa. Gia Nã Đại, Hoa Kỳ và Đức tụt lại đằng sau. Còn Pháp và Ý ở cuối sổ.

 

Hôm Thứ Năm, các vị lãnh đạo đã đồng ý về 1 bản thông báo theo đó thì các quốc gia sẽ được ổn định thì giảm bớt khí thải nhà kín và sẽ “nghiêm chỉnh cứu xét” các dự án của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Gia Nã Đại và Nhật Bản về việc giảm thiểu phân nửa khí thải vào năm 2050.

 

Các vị lãnh đạo “đã chấp nhận chứng cớ khoa học mới nhất” về những hiểm nguy của độ ấm toàn cầu song vẫn không có những mục tiêu nào cho vấn đề giảm khí thải nhà kín cả.

 

Theo bài “G8 backs climate-change science, sets no hard goals” cũng của CNN cùng ngày, thì Tổng Thống Bush đã có “dự án của tôi là thế này: Vào cuối năm tới, Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ đề ra một mục tiêu dài hạn cho vấn đề giảm khí thải nhà kín.

 

Vị tổng thống này đã rút tên của Hoa Kỳ khỏi Bản Công Ước 1997 của Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Thay Đổi Khí Hậu, cảm thấy rằng hết mọi quốc gia cần phải đề riêng cho mình những mục tiêu thích hợp. Có trên 150 quốc gia đã ký vào bản hiệp ước này, một văn kiện buộc phải hạn chế vấn đề khí thải. Tổng Thống Bush cho rằng đặt giới hạn triệt để như thế là những gì gây thiệt hại cho nền  kinh tế Hoa Kỳ.

 

Còn bà Thủ Tướng Đức, lúc đầu cương quyết đặt ra một mục tiêu dứt khoát, cuối cùng đã tỏ ra “rất hài lòng” về cái lơ lửng của vấn đề khẩn trương liên quan tới tình trạng an ninh môi sinh toàn cầu này, nhưng lại là vấn đề liên hệ tới lợi lộc về kinh tế của thành phần đệ nhất bát cường về kỹ nghệ.

 

Cuộc Thượng Nghị này cũng bị bao phủ bởi tình hình căng thẳng về hệ thống canh phóng phi đạn giữa Hoa Kỳ và Nga Sô, liên quan tới những gì Hoa Kỳ đã và đang dự tính thực hiện ở Ba Lan và Tiệp Khắc là hai quốc gia thuộc Đông Âu trong vùng ảnh hưởng của Liên Sô cũ.

 

Hôm Thứ Năm Tổng Thống Hoa Kỳ là George W. Bush và Tổng Thống Nga là Vladimir Putin đã đồng ý hợp tác về vấn đề này theo lời đề nghị bất ngờ của Tổng Thống Putin về việc sử dụng một trạm ra-đa đang có được Nga thuê muớn ở quốc gia láng giềng Azerbaijan, phía bắc của nước Iran, và được tổng thống nước này đồng ý sau khi gặp Tổng Thống Putin hôm Thứ Tư trước đó.

 

Tổng Thống Putin  đã nói với thành phần phóng viên báo chí sau khi gặp Tổng Thống Bush rằng: “Chúng tôi cùng hiểu biết về các thứ đe dọa chung, nhưng chúng tôi lại có những cái khác nhau. Cái khác nhau này là những cách thức và phương tiện chúng tôi có thể sử dụng để thắng vượt những thứ đe dọa ấy”.

 

Tổng Thống Bush cho biết hệ thống Hoa Kỳ đang tính thực hiện ở Ba Lan và Tiệp Khắc là để chống những cuộc tấn công khả dĩ của Iran và các quốc gia khác, nhưng Tổng Thống Putin không đồn g ý vì địa điểm ấy ở ngay cửa ngõ của Nga và có thể biến thành những thứ khí giới tấn công.

 

Tổng Thống Bush cũng đã ngỏ lời cùng thành phần phóng viên báo chí như sau: “Cùng nhau làm việc vẫn tốt hơn là gây căng thẳng. Ông ấy đã bày tỏ quan ngại đối với tôi. Ông ấy lo rằng hệ thống phòng thủ phi đạn này không phải là hành động của một người bạn thực hiện”.

 

Tuần vừa rồi Tổng Thống Putin đã đe dọa là quốc gia của ông sẽ nhắm khí giới nguyên tử vào các mục tiêu ở Âu Châu nếu Hoa Kỳ không bỏ ý định thực hiện hệ thống phòng thủ phi đạn.

 

Đaminh Maria Cao Tn Tĩnh, BVL

 

 

Năm 2006 về vấn đề Năng Lượng Nguyên Tử và Ấn Độ với vấn đề Khủng Bố

 

Theo nguồn tin của CNN qua bài G8 split on nuclear energy, climate change issues và bài India: Zero tolerance to terrorism được phổ biến cùng ngày 16/7/2006, thì nhóm 8 cường quốc về kinh tế trên thế giới (Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Ý, Anh, Nhật, Gia Nã Đại) được gọi là G8 họp nhau ở Saint Peterburg Nga Sô hôm Chúa Nhật 16/7/2006 đã ưng thuận một bản tuyên cáo về ‘vấn đề an ninh năng lực toàn cầu’, một bản tuyên cáo cho thấy sự phân rẽ về vấn đề nguyên tử lực cũng như về việc thay đổi khí hậu; trong khi đó, cũng vào ngày Chúa Nhật này, thủ tướng Ấn Độ đã kêu gọi cộng đồng thế giới hãy tỏ ra bất dung nhượng đối với vấn đề khủng bố, tố cáo nhóm khủng bố ở Pakistan đã nhúng tay vào cuộc khủng bố ở Ấn Độ tuần vừa qua.

 

Thật thế, trong bản tuyên cáo của thượng nghị G8 có câu là ‘chúng tôi nhìn nhận rằng các phần tử G8 theo đuổi những đường lối khác nhau để đạt được việc an ninh về vấn đề năng lực cùng những mục tiêu về vấn đề bảo vệ khí hậu. Những người trong chúng tôi đang có hay đang lưu ý tới những dự án liên quan tới việc sử dụng và/hoặc phát triển vấn đề năng lực nguyên tử bảo đảm và an toàn tin rằng việc phát triển năng lực này sẽ góp phần vào nền an ninh năng lực toàn cầu, đồng thời làm giảm thiểu vấn đề ô nhiễm bầu khí tai hại và giải quyết cái thách đố trong vấn đề thay đổi về khí hậu’.

 

Lời tuyên cáo trên là những gì phản ảnh những dự án được Nga và Mỹ đề nghị liên quan tới việc thiết lập những trung tâm nguyên tử quốc tế ở Nga để sản xuất nhiên liệu nguyên tử cho các quốc gia có các lò nguyên tử, cũng như tới dự án của Mỹ trong việc thiết lập một ngận hàng nhiên liệu nguyên tử đa phương. Những dự án của cả Mỹ lẫn Nga được phản ảnh nơi câu tuyên cáo trên đều được đặt dưới sự giám sát của cơ quan nguyên tử lực của Liên Hiệp Quốc.

 

Những dự án của Mỹ và Nga được đề ra trước hết như đường lối để ngăn chặn các quốc gia đang muốn tự phát triển nguyên tử lực như Iran và Bắc Hàn.

 

Tuy nhiên, về vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu gây ra bởi việc xả hơi khí từ các quốc gia có nền kỹ nghệ tân tiến, Tổng Thống Pháp là Jacques Chirac đã kêu gọi các phần tử G8 trong thượng nghị 2006 này cần phải áp dụng nghị định 1997 Kyoto để có thể bảo vệ trái đất này, như sau:

 

“Chúng ta không thể nói tới vấn đề an ninh năng lực trong khi chẳng thấy có tiến bộ gì về vấn đề thay đổi khí hậu cả. Loài người đang nhẩy múc trên bờ của một ngọn núi lửa vậy”.  

 

Về vấn đề khủng bố, Thủ Tướng Ấn Độ Manmohan Singh, một quan sát viên tham duự Thượng Nghị G8, đã gián tiếp ám chỉ Pakistan trong một lời phát biểu kêu gọi các vị lãnh đạo thế giới hãy rat ay đánh bại nạn khủng bố.

 

“Cộng đồng thế giới cần phải cô lập hóa và lên án những tay khủng bố ở bất cứ nơi nào họ tấn công, ở bất cứ những gì họ gây ra và ở bất cứ xứ sở nào hay nhóm nào tỏ ra nâng đỡ và duy trí chúng.

 

"Chúng tôi sẽ lấy làm cảm kích về việc các vị lãnh đạo qui tụ ở thượng nghị G8 kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải chấp nhận một biện pháp bất khoan dung đối với nạn khủng bố ở bất cứ nơi nào”.

 

Thật vậy, sở dĩ vị thủ tướng này lên tiếng như vậy là vì quốc gia của ông, vào hôm Thứ Ba, 11/7/2006, đã xẩy ra một vụ đặt bom ở tám địa điểm thuộc hệ thống xe lửa ở Bombay, xẩy ra trong vòng 11 phút, từ 6:24 đến 6:35 am, (một cuộc khủng bố tương tự như đã xẩy ra ở Ma Ní Tây Ban Nha năm 2004 và Luân Đôn Anh Quốc năm 2005), sát hại 200 người và gây thương tích cho 700 người, một biến cố được chính phủ Ấn Độ cho rằng gây ra bởi các tay hiếu chiến Hồi Giáo của Pakistan vốn thù nghịch với Ấn Độ đa số theo Ấn Giáo.

 

Ấn Độ đang săn lùng 3 người tình nghi trong vụ đặt bom khủng bố này. Chính quyền đã tung ra hình ảnh của 3 người Hồi Giáo ấy.

 

Theo mạng điện toán Zenit ngày 12/7/2006 thì Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gửi điện văn đến thẩm quyền dân sự và giáo quyền để chia buồn cùng thân nhân các nạn nhân và lên án hành động khủng bố tàn ác ấy. Ngài gọi việc khủng bố này là “những hành động vô tâm phạm đến nhân loại” và “lấy làm hết sức đau buồn trước tin xẩy ra cuộc khủng bố tấn công ở Bombay”.

 

Điện văn của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano viết: “Trong khi lên án những hành động vô tâm phạm đến nhân loại này, Đức Thánh Cha phó dâng nhiều người chết cho lòng thương xót của Đấng Toàn Năng. Ngài xin Thiên Chúa ban ơn sức mạnh, ủi an và nâng đỡ xuống cho các gia đình buồn thương của họ và của nhiều người bị thương tích”.

 

Ngoài ra, trên mạng điện toán toàn cầu của hội đồng giám mục Ấn Độ hôm Thứ Tư 12/7/2006, các vị giám mục Ấn Độ cũng mạnh mẽ lên án hành động khủng bố là “những hành động bạo lực vô tâm đang cố gắng làm suy yếu tình trạng hòa hợp về xã hội nơi xứ sở này. Thật là hết sức buồn đau khi thấy các tay khủng bố nhắm vào thành phần dân chúng vô tội sửa soạn đi làm việc hằng ngày. Tuy nhiên, cái kinh nghiệm về cái kinh hoàng và mất mát sự sống cùng sản vật ấy không làm cho chúng ta thất chí; chúng ta sẽ can đảm bằng một ý muốn mạnh mẽ hơn để thi hành cuộc sống bình thường của mình”. Các vị giám mục cũng kêu gọi ‘tất cả mọi lãnh vực trong xã hội hãy cứ bình lặng và sống trong an bình”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tóm lược theo CNN và Zenit

 

 

Năm 2005 về việc Giảm Nợ hay Tha Nợ Quốc Tế cho các nước cực bần cùng ở Phi Châu

Thủ Tướng Toni Blair, vị lãnh đạo chính phủ Hiệp Vương Quốc là nước chủ hội Thượng Nghị G8 năm nay, vào ngày kết thúc Thứ Sáu 8/7/2005, đã lên tiếng chúc mừng cuộc thượng nghị này trong việc hứa cung cấp 50 tỉ Mỹ kim cho Phi Châu, trong đó có việc hủy 40 tỉ nợ cho 18 quốc gia (14 ở Phi Châu) nghèo nhất và nặng nợ nhất thế giới.

Ông cho biết vấn đề 50 tỉ này “không phải là những gì mọi người muốn”, nhưng cũng là những gì tiêu biểu cho “việc tiến bộ khả đạt thực sự”:

“Việc gia tăng 50 tỉ Mỹ kim trong vấn đề việc trợ là một dấu hiệu cho một giải quyết mới về thương mại, chẳng hạn như việc hủy nợ cho các quốc gia nghèo, việc dễ dàng được chữa trị Hội Chứng Liệt Kháng, và việc dấn thân cho một lực lượng bảo vệ hòa bình mới cho Phi Châu. Nó không chấm dứt tình trạng nghèo khổ ở Phi Châu, nhưng hy vọng rằng nó có thể chấm dứt. Nó là việc bày tỏ hết lòng của ý chúng tôi muốn hành động để chống lại chết chóc và bệnh tật cùng nỗi xung khắc có thể ngăn tránh”.

Thủ Tướng Blair cũng loan báo cung cấp 3 tỉ Mỹ kim cho Thẩm Quyền Palestine và Hiệp Vương Quốc sẽ đứng chủ hội cho cuộc họp về việc thay đổi tình hình ở Trung Đông vào Tháng 11/2005 tới đây.

Các viên chức và lãnh đạo tham dự Thượng Nghị G8 đã thức khua đêm hôm Thứ Năm để điều chỉnh bản tuyên ngôn về vấn đề chống khủng bố, sau khi xẩy ra những vụ khủng bố tấn công nhiều nơi trong thành phố Luân Đôn từ buổi sáng ngày hôm đó.

Cuộc họp hôm Thứ Sáu tập trung vào tham vọng của Thủ Tướng Tony Blair về vấn đề việc trợ gấp đôi cho Phi Châu, xóa hết nợ nần của các quốc gia nghèo nhất thế giới, và loại trừ đi việc thiệt hại những khoản trợ cấp về thương mại là những gì gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển trong việc tranh đua trên cầu trường quốc tế.

Các vị lãnh đạo G8 muốn hứa quyết tăng gia gấp đôi việc viện trợ cho Phi Châu vào hạn kỳ năm 2012, thế nhưng không nói rõ con số gia tăng viện trợ nhắm tới từ 25 tỉ đến 50 tỉ.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit 7/7/2005

Diễn Hành Yêu Cầu, Nội Dung Bàn Luận và Tòa Thánh Lên Tiếng

Hôm Thứ Bảy 2/7/2005, khoảng 200 ngàn người đã choàng tay nhau diễn hành ở các đường phố Edinburgh là nơi sẽ diễn ra cuộc Thượng Nghị G8 ba ngày 6-8/7/2005. Họ mang những biểu ngữ với những hàng chữ như “Hãy Thực Hiện một Cuộc Lịch Sử cho Tình Trạng Nghèo Khổ”, “Hãy Hủy Nợ”,  “Hãy Giao Thương Công Lý” và “Hay Cung Cấp Nước và Nhà Vệ Sinh cho Tất Cả Mọi Người”.  

 

Chính ngày bắt đầu cuộc thượng nghị này, Thứ Tư 6/7/2005, cũng xẩy ra một cuộc xuống đường biểu tình với con số ngày đầu lên tới 5000 người và với một lực lượng cảnh sát là 10 ngàn nhân viên, tiếp tục yêu cầu các vị lãnh đạo quốc gia hay chính quyền về vấn đề phát triển ở các quốc gia Phi Châu, cách riêng vấn đề tha nợ quốc tế cho họ.

Ngoài 2 vấn đề được Thủ Tướng Tony Blair nêu lên, những vấn đề khác cần được bàn đến đó là những điểm nóng chúng trị, từ Iraq đến tiến trình hòa bình Trung Đông, đến các tham vọng nguyên tử của Iran và Bắc Hàn. Vấn đề giá cả dầu hỏa tăng cao chưa từng thấy cũng được bàn đến.

Tổng Thống Trung Hoa Hu Jintao và các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Ba Tây, Mễ Tây Cơ và Nam Phi, tức các quốc gia đông dân nhất song lại nghèo khổ thế giới, sẽ gặp G8 vào ngày Thứ Năm, còn các vị lãnh đạo của một số quốc gia Phi Châu sẽ gặp G8 vào Thứ Sáu.

Nhân cuộc diễn hành ở Edinburg, Tô Cách Lan hôm Thứ Bảy 2/7/2005, ngoài bài diễn văn của ĐHY O’Brien đã trực tiếp ngỏ lời với cuộc diễn hành, ĐTC BĐXVI, qua ĐHY Sodano Angelo quốc vụ khanh của Tòa Thánh, đã gửi một sứ điệp cho ĐHY Keith Patrick O’Brien, TGM TGP Thánh Anrê và Edinburgh, trong đó, ngài viết rằng: “nhân dân ở các quốc gia giầu thịnh nhất thế giới…. Cần phải thôi thúc những vị lãnh đạo của mình hãy hoàn tất những lời hứa quyết trong vấn đề giảm nghèo thế giới, nhất là ở Phi Châu, vào kỳ hạn năm 2015”. Ngài cũng xin các vị lãnh đạo thế giới hãy “đóng vai trò bảo đảm cho việc phân phối công chính hơn những sản vật của thế giới”.

ĐHY O’Brien: Diễn Từ ngỏ lời với cuộc diễn hành trước Thượng Nghị G8“ – “Hãy Thực Hiện một Cuộc Lịch Sử cho Tình Trạng Nghèo Khổ!”

Bằng việc hiện diện ở đây hôm nay là chúng ta tỏ ra đoàn kết với thành phần nghèo khổ trên thế giới.

Khi tiếng kêu “Hãy Thực Hiện một Cuộc Lịch Sử cho Tình Trạng Nghèo Khổ” thốt lên từ môi miệng của chúng ta thì nó âm vang chẳng những ở các quốc gia G8 mà còn ở khắp cùng thế giới nữa. Đang khi tôi nói đây, tôi nhớ đến một số người tôi đã được gặp trong những chuyến đi của tôi, nhất là ở Phi Châu, một châu lục giầu có ở rất nhiều cách thức khác nhau, ở tài nguyên, đức tin và truyền thống của mình, nhất là ở dân chúng của mình.

Họ là thành phần dân chúng đầy hân hoan vui vẻ, cương quyết và hy vọng, bất chấp mây mù bất công đang làm cho đời sống của họ trở nên tăm tối. Những ước mơ của họ về một đời sống tốt đẹp hơn được nâng đỡ bằng một cảm quan hy vọng sâu xa. Và niềm hy vọng của họ là những gì nuôi dưỡng việc chúng ta quyết tâm tham gia với cuộc chiến đấu của họ trong viện chấm dứt tình trạng nghèo khổ khốn cùng là những gì đã đóng đanh trên 1 tỉ người khắp thế giới.

Hôm nay đây, tôi đang nghĩ đến cuộc tôi đến thăm Ethiopia mấy tháng trước đây với SCIAF, cơ quan cứu trợ của nước Tô Cách Lan chúng ta, nơi tôi đã gặp một nhóm người cả nam lẫn nữ sống trong tình trạng hội chứng hay vi khuẩn liệt kháng. Cảm kích trước lòng can đảm và sức mạnh của họ, tôi quyết định đặt một giải trắng trên cổ tay của vị lãnh đạo nhóm này, như dấu hiệu của tình đoàn kết và hiệp nhất – tức muốn nói rằng cuộc tranh đấu của họ cho công lý cũng là cuộc chiến đấu của chúng ta.

Tôi nhớ lại một trong những tình trạng khổ ải nhất tôi chưa từng gặp đó là khi tôi thấy ở một chuỗiù những túp lều nằm dài bên bờ sông có một phụ nữ bị cùi đang chăm sóc cho 6 người bị hội chứng liệt kháng, trong khi chính bản thân chị ta rõ ràng là đang chịu khổ cực rất nhiều.

Chắc chắn một điều là nếu con người có rất ít mà còn cho đi nhiều như thế thì chúng ta ở nơi những xứ sở giầu có nhất thế giới này phải có thể làm thật nhiều hơn như thế nữa!

Sứ điệp từ Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Như một dấu hiệu tỏ ra yêu thương thành phần nghèo khổ, một dấu hiệu thuộc một truyền thống liên lỉ của Kitô giáo là truyền thống được tác động bởi Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô, con người nghèo ở Nazarét, tôi đã đeo một cái vòng trắng ở cổ tay mình khi các vị hồng y trên thế giới mới đây qui tụ lại để tuyển bầu tân Giáo Hoàng.

Hôm qua, tôi đã nhận được từ ĐGH Biển Đức XVI một sứ điệp, trong đó ngài xin tôi chuyển đến cho tất cả mọi anh chị em hôm nay đây lời chào của ngài “hiệp nhất với mối quan tâm của anh chị em về tình trạng phúc hạnh của hằng triệu triệu anh chị em của chúng ta đang trải qua cảnh bần cùng”.

Ngài tiếp: “Nhân dân thuộc các xứ sở giầu thịnh nhất thế giới cần phải sẵn sàng chấp nhận gánh nặng giảm bớt nợ nần cho các xứ sở nghèo khổ nặng nề mắc phải, cũng như phải thôi thúc các vị lãnh đạo của họ hoàn thành lời hứa quyết thực hiện việc giảm bớt nghèo khổ, nhất là ở Phi Chầu vào kỳ hạn năm 2015”.

ĐGH Biển Đức XVI đã kết thúc bằng việc bày tỏ “niềm hy vọng thiết tha rằng một ngày kia nạn nghèo khổ trên thế giới được ký thác cho lịch sử”.

Tại sao hôm nay chúng ta có mặt ở đây?

Chúng ta có mặt ở đây hôm nay là vì chúng ta chướng tai gai mắt trước tình trạng khổ đau không cần thiết gây ra bởi tình trạng nghèo khổ. Việc tỏ ra thụ động hay lạnh lùng dửng dưng khi biết rằng một trẻ em bị chết đi một cách vô ích trong vòng 3 giây một là một hành động đồng lõa dã man!

Chúng ta nói với những vị lãnh đạo của các quốc gia giầu có nhất thế giới rằng chúng ta không muốn đồng lõa một cách dã man. Ngày nay đang có một ý thức mạnh mẽ nơi thành phần dân chúng trên thế giới là chúng ta có trách nhiệm về luân lý trong việc chia sẻ tình trạng giầu thịnh về sản vật của chúng ta với những ai không có gì.

Hôm nay, chúng ta đến đây với lý do duy nhất đó là vì chúng ta muốn đứng một cách êm đẹp và dứt khoát về phía anh chị em nghèo nàn của chúng ta cũng như để lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói. Mahatma Gandhi đã nói rằng giá trị của một xã hội được thẩm định bằng giá trị nó đặt nơi thành phần yếu kém nhất của mình. Những gì chúng ta đang làm hôm nay đây là một điều cao cả!

Bất cứ những gì khác xẩy ra trong đời sống của chúng ta, chúng ta sẽ không thể nào quên được những gì đang xẩy ra cho chúng ta hôm nay nơi đây. Vì không còn gì hơn là đoàn kết với những người chúng ta chưa từng gặp mặt, những người sống ở những nơi chúng ta chưa bao giờ viếng thăm, và ở những hoàn cảnh chúng ta không hề biết tới.

Hôm nay đây chúng ta đang nói gì đây?

Tiếng kêu của chúng ta hôm nay đây là tiếng kêu thân tình gửi tới các vị lãnh đạo được chọn bầu của chúng ta thay cho hằng triệu triệu người không có tiếng nói. Tôi xin tóm gọn những tiếng kêu của chúng ta gửi tới các vị lãnh đạo G8 như sau:

1.      “Hãy lắng nghe tiếng nói của dân chúng của quí vị!”

Chúng tôi yêu cầu quí vị hãy lắng nghe tiếng nói của hằng triệu triệu người ở xứ sở của quí vị và trên khắp thế giới, những người giờ đây nói rằng đây là lúc chấm dứt tình trạng nghèo khổ. Vì, nếu tình trạng nghèo khổ giờ đây không chấm dứt thì khi nào nó mới kết thúc đây? Nếu chúng ta không thực hiện phần của mình trong việc chấm dứt tình trạng nghèo khổ vào lúc này đây thì ai là người sẽ hoàn thành được mục đích ấy đây?

2.      “Hãy quảng đại và công bằng!”

Chúng ta cũng nói cùng quí vị lãnh đạo G8 của chúng ta rằng: “Quí vị hãy quảng đại và công bình!” Cái giá phải trả cho việc trì trệ, cho việc bủn xỉn, cho việc thiếu ý chí chính trị, đang phải trả bằng những cái chết vô ích của 30 ngàn trẻ em mỗi ngày. Thành phần nghèo khổ không tìm kiếm lòng bác ái mà là công bình. Việc hủy bỏ nợ nần, việc gia tăng viện trợ, việc làm cho những qui tắc giao thương công bằng không phải là những hành động của đức bác ái: chúng là những hành động công bằng đã bị hụt hẫng đã lâu. Chúng ta yêu cầu lòng quảng đại và công bình trong việc ban phát của mình cũng như trong vấn đề chính trị của chúng ta.

3.      “Hãy nhận thức những gì dân chúng của các vị đang làm!”

Chúng ta yêu cầu quí vị lãnh đạo của chúng ta hãy hãnh diện về thành phần dân chúng của mình hôm nay đây. Như những vòng trắng này bao bọc chung quanh cổ tay của chúng ta, chúng ta cũng thế, qua việc qui tụ của mình hôm nay đây, liên kết với dân chúng trên khắp thế giới.

Việc hiện diện của chúng ta hôm nay ở đây, việc chúng ta đòi hỏi công bằng, là những gì âm vang những cuộc đại vận động lịch sử chấm dứt tình trạng nô lệ, và mới đây hơn, tình trạng kỳ thị chủng tộc Nam Phi.

Việc chúng ta hiện diện hôm nay ở đây chứng tỏ rằng chúng ta đang:

Nhận thức được tình trạng nghèo khổ của tha nhân;

Nhận thức được cái vô luân của việc để cho đau khổ xẩy ra;

Nhận thức được quyền lợi công dân của chúng ta cần phải được lắng nghe;

Nhận thức được con người nam nữ và trẻ em đang chết đi vào lúc chúng ta đang nói đây;

Nhận thức được việc chúng ta đoàn kết ban cho chúng ta sức mạnh;

Nhận thức được các vị lãnh đạo của chúng ta có thể điếc tai nhưng Thiên Chúa Toàn Năng vẫn nghe thấy tiếng kêu của chúng ta;

Và nhận thức được rằng chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể “Thực Hiện một Cuộc Lịch Sử cho Tình Trạng Nghèo Khổ!”

 Kết Luận:

“Hãy Thực Hiện một Cuộc Lịch Sử cho Tình Trạng Nghèo Khổ!” Đó thực sự là mục đích của chúng ta. Đó là tiếng kêu của thành phần nghèo khổ cũng là tiếng kêu của chúng ta hôm nay đây – và là tiếng kêu sẽ được vang vọng ở những hành lang quyền lực tại Gleneagles - “Hãy Thực Hiện một Cuộc Lịch Sử cho Tình Trạng Nghèo Khổ!”

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 3/7/2005 & VIS 4/7/2005 

 

Năm 2003 về tình hình toàn cầu hóa kinh tế

Sau khi viếng thăm Nga và gặp Tổng Thống Putin, Tổng Thống Bush đã tới thành phố Evian ở Pháp để tham dự cuộc họp thượng đỉnh 1-3/6/2003 do Pháp điều hành, với sự tham dự của 8 cường quốc là Canada với thủ tướng Jean Chretien, Pháp với Tổng Thống Jaques Chirac, Đức với Thủ Tướng Gerhard Schroeder, Ý với Thủ Tướng Silvio Berlusconi, Nhật với Thủ Tướng Junichiro Koizumi, Nga với Tổng Thống Vladimir Putin, Hiệp Vương Quốc với Thủ Tướng Tony Blair và Hoa Kỳ với Tổng Thống George Bush.

 

Trong 8 quốc gia này, có 3 nước phản chiến là Pháp, Đức và Nga chống lại mưu đồ ra tay tấn công Iraq bằng quân sự của Hoa Kỳ. Trước khi đến tham dự cuộc họp này, Tổng Thống Bush đã cho đài truyền hình Pháp biết là “tôi bất mãn và nhân dân Hoa Kỳ bất mãn, nhưng đây là lúc tiến tới”. Trong khi Tổng Thống Chirac cho biết ông muốn Nhóm Thượng Quốc trở thành một khung cảnh để giải hòa sau cuộc chiến tranh Iraq, thì Tổng Thống Bush nói là ông muốn bỏ những cái khác nhau về cuộc chiến ấy sau lưng. Hai vị tổng thống này sẽ gặp nhau riêng vào ngày hôm sau, Thứ Hai 2/6/2003.

Với nước Nga, đối với Nga, sáng Chúa Nhật, sau khi gặp nhau riêng 45 phút, Tổng Thống Bush và Tổng Thống Putin đã tổ chức một cuộc họp báo chung ở Saint Petersbugh, nơi có 40 vị lãnh đạo các quốc gia đang mừng kỷ niệm 300 năm của thành phố này, và cho biết cả hai đều bỏ sau lưng vấn đề tranh luận về cuộc chiến tranh Iraq vừa rồi. Khi Tổng Thống Putin nói “những liên hệ sâu xa giữa Mỹ và Nga còn mạnh hơn cả những thứ lực lượng và biến cố thách đố” thì Tổng Thống Bush gật đầu đồng ý rồi nói thêm “Chúng tôi đang sát vai làm việc để đối đầu với các thách đố của thời đại chúng ta… Cả hai xứ sở của chúng ta đã chịu đựng nhiều bởi tay những kẻ khủng bố gây ra, và chính phủ của chúng ta đang ra tay đương đầu với mối đe dọa này. Ngoài ra, hai vị tổng thống này còn nói đến vấn đề vũ khí nguyên tử ở Bắc Hàn và Iran, nhưng cả hai chỉ đồng ý với nhau về trường hợp Bắc Hàn còn vẫn bất đồng với nhau về trường hợp Iran vì Nga có liên quan đến vấn đề vũ khí ở Iran và dầu hỏa ở Iraq. Về Bắc Hàn, Tổng Thống Bush nói: “Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Bắc Hàn hãy giải tỏa chương trình chế tạo nguyên tử của mình một cách rõ ràng, chứng thực và dứt khoát”. Về Iran, Tổng Thống Bush cũng nói: “Chúng tôi quan tâm đến việc phát triển chương trình chế tạo nguyên tử của Iran và xin Iran hãy hoàn toàn tuân hợp những đòi buộc của mình theo Bản Thỏa Ước Miễn Leo Thang Nguyên Tử.

Đối với Đức, Tổng Thống Bush đã tiến đến bắt tay Thủ Tướng Gerhard Schoroeder với lời hỏi thăm “how are you?”, sau 6 tháng đôi bên không trao đổi gì với nhau, rồi sau cái bắt tay thân thiện hay làm hòa, hai người nói với nhau mấy câu rồi ai về chỗ ấy nơi bàn tiệc, chứ không ngồi gần nhau.

Vậy các vị lãnh đạo đến cuộc họp thượng đỉnh này với mục đích gì hay với những mong đợi nào?

 

Thủ Tướng Canada Jean Chrtien: Ông này là vị lãnh đạo phục vụ G-8 lâu nhất và lần họp thượng đỉnh này là lần thứ 10. Ông muốn các vị lãnh đạo chú trọng đến vấn đề kinh tế toàn cầu. Đây là lần đầu tiên ông có dịp nói chuyện với Tổng Thống Bush, vì ông không muốn tham gia vào cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tấn công Iraq vừa rồi.

Tổng Thống Pháp Jacques Chirac muốn cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên tại Pháp này, với sự hiện diện của Tổng Thống Bush trở thành nơi làm hòa sau cuộc chiến Iraq. Ông mong muốn Hoa Kỳ giúp cho cuộc họp này đạt được mục đích đẩy mạnh nền kinh tế thế giới, giải tỏa những tắc nghẹn trong việc thương thảo giao dịch hoàn vũ và cụ thể giúp cho nền kinh tế Phi Châu.

Thủ Tướng Đức Gerhard Schroeder đang quá bận tâm với những trục trặc quốc nội. Ông không cho cuộc họp thượng đỉnh này sẽ ngăn chặn được đà tiến của đồng tiền euro, một vấn đề nhức óc cho ngành kỹ nghệ xuất cảng bị tùy thuộc của Đức.

Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi muốn thiết lập một khấu trường trước khi đến phiên Ý Quốc giữ vai trò chủ tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu bắt đầu từ Tháng Bảy này, thời điểm ông hy vọng sẽ “khâu vá” lại những chỗ rách nát trong mối liên hệ giữa Mỹ và Âu Châu.

Thủ Tướng Nhật Junichiro Koizurni thúc đẩy thượng hội này cứu xét vấn đề những chương trình chế tạo nguyên tử và phi đạn tầm xa của Bắc Hàn.

Tổng Thống Nga Vladimir Putin cố gắng làm sao cho Nga, sau một năm gia nhập G-8, cân bằng hơn nữa với Mỹ và Âu Châu. Nga cầu cả hai khối này hỗ trợ để vừa bảo vệ những lợi lộc thương vụ của Nga ở nước Iraq nhiều dầu hỏa cũng như những dự án kiến thiết một khu nguyên tử lực ở Iran. Về kinh tế, vị tổng thống này kêu gọi tăng thêm vấn đề trực tiếp đầu tư.

Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair có thể sẽ nhấn mạnh đến nhu cầu cải cách nền kinh tế Âu Châu, nhất là cải cách Qui Chế Ngành Nông Nghiệp Chung và kêu gọi ra tay hành động đối với vấn đề Phi Châu.

Tổng Thống Mỹ George Bush đi tham dự cuộc họp thượng đỉnh này trong cuộc hành trình thăm Nga và Balan cũng như trong sứ vụ hòa bình ở Trung Đông, để sửa lại những trở ngại nào có thể nhưng không xin lỗi về vấn đề chiến tranh Iraq.

 

Cuộc họp Thượng Đỉnh G-8 đã bị dân chúng xuống đường phản đối. Nơi xuống đường bạo động nhất là Lausanne, bên kia Hồ Geneva của địa điểm của cuộc họp, vào sáng Chúa Nhật. Có hai cuộc diễn hành, một từ Annemasse và một từ Geneva, bắt đầu từ trưa và gặp nhau gần bên nước Thụy Sĩ trước khi trở về Pháp. Cảnh sát ước lượng khoảng từ 17 đến 21 ngàn người, nhưng ban tổ chức cho biết là 120 ngàn, 50 ngàn bên phía Thụy Sĩ và 70 ngàn bên phía Pháp. Cuộc xuống đường phản đối thượng hội G-8 này chẳng những để chống lại vấn đề toàn cầu hóa chỉ lo lợi lộc kinh tế bằng cách bóc lột khai thác các nước nghèo, mà còn để vì thế yêu cầu các cường quốc giảm nợ nần quốc tế cũng như bảo vệ môi sinh.

Trong bản tuyên cáo đúc kết 4 trang, 8 siêu cường quốc đã tuyên bố là họ hiệp lực tái thiết Iraq: “Mục tiêu chung của chúng tôi là một Iraq hoàn toàn chủ quyền, bền vững và dân chủ”.

Bản tuyên cáo này cũng cảnh giác Bắc Hàn và Iran hãy chấp nhận những thánh tra viên nguyên tử và từ bỏ các thứ khí giới nguyên tử: “Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Bắc Hàn hãy loại bỏ một cách tỏ tường, thực sự và dứt khoát bất cứ chương trình chế tạo nguyên tử nào”.

Đối với Iran, bản tuyên cáo viết: “Chúng tôi sẽ không bỏ qua những ngấm ngầm leo thang các thứ chương trình phát triển nguyên tử ”. Các vị lãnh đạo G-8 cũng lên tiếng “hết mình ủng hộ” việc thanh tra toàn bộ các cơ sở nguyên tử của Iran do IAEA thực hiện nội trong tháng này: “Việc leo thang các thứ vũ khí đại công phá và phương tiện chuyển trao của chúng gây nên một mối nguy hiểm hơn nữa cho tất cả chúng ta. Theo chiều hướng lan tràn nạn khủng bố quốc tế thì nó là một thứ đe đọa khẩn trương cho tình trạng an ninh quốc tế”.

Về vấn đề kinh tế, Thượng Hội G-8 đã tỏ ra tin tưởng về những chiều hướng phục hồi nhưng không hề đả động gì đến vấn đề tiền tệ tế nhị.

Tóm lại, Cuộc Thượng Hội G-8 ba ngày này đã diễn tiến như sau: ngày thứ nhất bàn về vấn đề tất cả những tham dự viên đang phải đương đầu, đó là giúp giải quyết các tình trạng bất hạnh của các quốc gia đang phát triển. Ngày thứ hai, các vị lãnh đạo cố gắng dẹp bỏ những thứ khác biệt và tập trung vào những vấn đề kinh tế toàn cầu cũng như nạn khủng bố khắp thế giới. Ngày cuối cùng đặc biệt về việc tái thiết Iraq.