Khối Công Đoàn Balan

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Bức Thư gửi Dịp Kỷ Niệm 25 Năm Công Đoàn Balan

 Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Lời kêu gọi của Vị Sáng Lập Walesa

Đức Gioan Phaolô II là vị  đã phấn khích Khối Công Đoàn Balan chiến đấu bất bạo động

 Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Sứ điệp của ĐTC Biển Đức

Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Nhận định của một phóng viên ký giả

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Bức Thư gửi Dịp Kỷ Niệm 25 Năm Công Đoàn Balan

 

Gửi Huynh Khả Kính,

TGM Stanislaw Dziwisz,

TGP Krakow

 

Hai mươi năm qua đi từ những ngày đáng ghi nhớ của những người lao động ở xưởng đóng tầu Gdansk và sau đó ở những cơ sở kỹ nghệ khác, đã khai sinh phong trào liên hiệp công đoàn mang danh xưng Hợp Kết “Solidarnosc”.

 

Đối với ngày này, qua Đặc Sứ của tôi đến tham dự cuộc Mừng long trọng này, tôi gửi đến huynh lời chào hỏi của tôi đến những người đã chủ động tham dự vào các biến cố ấy cũng như những ai ngày nay còn quan tâm tới gia sản này của phong trào lao nhân Balan.

 

Tất cả chúng ta đều biết được tấm vóc rất quan trọng của cuộc xuất phát khối công đoàn này có được nơi các biến chuyển ở Balan cũng như ở lịch sử của toàn thể Âu Châu. Nó chẳng những mang lại một cách êm thắm những đổi thay không ngờ về chính trị ở Balan, đưa nhân dân Ba Lan vào con đường tự do và dân chủ, mà còn vạch ra cho các dân tộc khác thuộc Khối Đông Âu trước đó cơ hội phân giải tình trạng bất chính về lịch sử khiến họ phải sống bên kia “Bức Màn Sắt”.

 

Tôi biết rằng việc xẩy ra biến động về công lý lịch sử này và việc Âu Châu được thở bằng hai buồng phổi cả Đông lẫn Tây này là những gì vị đại Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II, người Tôi Tớ Chúa, hết sức thiết tha. Tôi biết ngài đã tỏ ra hết sức nâng đỡ “Khối Công Đoàn” này bằng thẩm quyền của ngài, và khi cần, bằng cả việc ngoan giao khéo léo của ngài nữa.

 

Tôi cũng biết rằng chính vì công lý mới thấy được chứng cớ của nó ở nơi việc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh và việc các quốc gia ở bên kia bức tường này sau Thế Chiến Thứ Hai được tham dự vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu.

 

Tôi chúc mừng người Balan đã can đảm, với sự nâng đỡ của Giáo Hội, liên kết tinh thần, tư tưởng và lực lượng, và cuộc hiệp nhất của họ đã sinh hoa kết trái khắp Âu Châu cho tới ngày nay. Tôi thành thật hy vọng rằng mọi người, cả các gia đình lẫn mỗi một người công dân, đều được hoan hưởng chẳng những tự do mà còn cả phúc hạnh về tài chính ở Xứ Sở này nữa.

 

Xin chuyển lời chào hỏi của tôi đến qúi vị Thẩm Quyền của Nước Cộng Hòa này, đến những nhân vật hoạt động trước đây và hiện nay của Khôi Công Đoàn Độc Lập, cũng như đến các tham dự viên cuộc cử hành Mừng Kỷ Niệm này.

 

Tôi ban Phép Lành của tôi cho tất cả mọi người: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

 

Tại Castel Gandolfo, ngày 23/8/2005.

 

Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tín liệu của Zenit ngày 19/9/2005

 

 TOP

 

Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Lời kêu gọi của Vị Sáng Lập Walesa

 

Một hội nghị về việc góp phần của Khối Công Đoàn Balan đối với việc sụp đổ Cộng Sản Đông Âu với chủ đề “Từ Đoàn Kết Tới Tự Do”, một hội nghị được kết thúc trước sự hiện diện của 20 vị tổng thống và thủ tướng, trong đó có Tổng Thống Đức Horst Kohler và Chủ Tịch Ủy Ban Khối Hiệp Nhất Âu Châu là José Manuel Barroso, vị sáng lập tổ chức này là Lech Walesa đã kêu gọi đừng làm hoang phí đi những gì tổ chức này đã góp phần xây dựng cho lịch sử, và nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất ngày nay đó là đừng làm phí phạm cơ hội lớn lao đang có nơi giới trẻ.

 

“Chúng tôi đã bẻ gẫy không ít hàm răng của con gấu ở Gdansk, và sức mạnh chúng tôi có được phần lớn là do Đức Gioan Phaolô II”.

 

Theo vị sáng lập kiêm đệ nhất thủ lãnh của tổ chức mừng 25 năm này, người đã được giải Nobel Hòa Bình năm 1983, thì cuộc tranh đấu của thành phần lao động Balan không thể nào thiếu được để mở màn cho một tân kỷ nguyên, kỷ nguyên tín liệu và toàn cầu hóa.

 

Đương kim Tổng Thống Balan là Aleksander Kwasniewski đã nhắc lại là 25 năm trước đây, cả triệu người gắn bó với Công Đoàn này để tái thiết tình hình thế giới và thực hiện một cuộc cách mạng bất bạo động.

 

“Tôi cám ơn ông Lech Walesa và Công Đoàn về các công nghiệp của họ, những công nghiệp đã góp phần cả thể cho việc dân chủ hóa Âu Châu. Không có Tháng 8/1980 là biến cố chúng ta tưởng niệm hôm nay đây, Cuộc Cách Mạng Cam của Ukraine sẽ không thể nào xẩy ra”.

 

Tổng Thống Ukraine là Viktor Yushchenko đồng ý với tổng thống Balan và xác nhận là nếu không có việc thành đạt lẫy lừng của Công Đoàn Balan thì vấn đề dân chủ không thể nào vinh thắng nổi ở Ukraine được.

 

Trong bức thư gửi thành phần tham dự viên hội nghị này, nguyên tổng thống George H.W. Bush của Hoa Kỳ, nhân vật không thể tới tham dự những cử hành Gdansk này, đã cho thấy rằng Công Đoàn Balan là “một khối và là một phong trào liên kết con người nam nữ thuộc các môi trường khác nhau nhân danh các quyền lợi chính trị và một lối sống tốt đẹp hơn. Sauk hi Công Đoàn được thiết lập, Balan đã biến thành một xã hội tự do và năng động, một xã hội cho thấy rõ ràng những biến chuyển tốt đẹp”.

 

Nguyên tổng thống Cộng Hòa Tiệp Khắc là Vaclav Havel, đã ủng hộ những tư tưởng được nguyên tổng thống Bush bày tỏ và còn vạch ra cho thấy rằng Belarus là trường hợp cụ thể cho thấy thế giới dân chủ cần phải hỗ trợ những ước vọng của một thứ dân chúng bị cắt xén và hạn chế các quyền lợi của mình.

 

Cuộc hội nghị này được bắt đầu các phiên họp ở Warsaw, giành ngày đầu tiên để thẩm định hoa trái của Công Đoàn này, một phong trào làm bừng lên việc chấm dứt chế độ độc tài Cộng sản và trở thành một tấm gương trực tiếp cho nhân dân Ukraine và Georgia trong cuộc cách mạng ôn hòa gần đây của họ.

 

Ngày thứ hai của hội nghị được giành cho vấn đề nhân quyền, cho các thứ đe dọa đang chập chờn trên nhân quyền ở nhiều lãnh vực, cũng như cho trách nhiệm của các xứ sở đang hoan hưởng dân chủ trong việc bênh vực các quyền lợi ấy.

 

Tham dự viên hội nghị này đã ủng hộ dự thảo, được trình bày bởi các vị đại biểu Balan Âu Châu, đó là ngày 31/8 cần phải được công nhận là Ngày Tự Do và Đoàn Kết khắp Âu Châu.

 

Công Đoàn này được thành lập ngày 31/8/1980, gần hai tháng sau những cuộc xuống đường và chiếm cứ hàng chục công ty bởi thành phần lao động Balan do Lech Walesa lãnh đạo.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 31/8/2005

 TOP

Đức Gioan Phaolô II là vị  đã phấn khích Khối Công Đoàn Balan chiến đấu bất bạo động

 

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập khối lao động Balan hôm Thứ Hai, 22/8/2005, nguyên chủ tịch của khối này và cựu đệ nhất tổng thống Balan Walesa, khi ngỏ lời cùng lưỡng viện lập pháp Balan, đã nói về Đức Gioan Phaolô II như sau:

 

“Ngài đã không xin chúng tôi thực hiện một cuộc cách mạng, ngài không yêu cầu chúng tôi thực hiện một cuộc lật đổ; trái lại, ngài đề nghị chúng tôi hãy xác định về mình.

 

“Bấy giờ nước Balan và nhiều nước khác đã bừng tỉnh. Bất kể những gì ngày nay được nghĩ tới hay những gì chúng tôi đã phải trả giá, chúng tôi đã thành công trong việc kết thúc một kỷ nguyên chia rẽ, phân khối và biên giới, mở đường cho một kỷ nguyên toàn cầu hóa”.

 

Sau đó, theo chiều hướng mừng kỷ niệm 25 năm thành lập này, đương kim Tổng Thống Balan là Aleksander Kwasniewski, một nguyên bộ trưởng cộng sản, đã cho biết:

 

“25 năm trước đây tôi không ở cùng một bên với anh, Tổng Thống Walesa. Thế nhưng, hôm nay đây tôi tin rằng chính viễn ảnh của ông về Balan là những gì đã dẫn chúng ta đi trên con đường tốt đẹp. Tất cả chúng ta đều sống trong một nước Balan tự do, một đất nước tuy thế không được tự do nếu không có ông là Tổng Thống”.

 

Những cuộc xuống đường ở thành phố Gdansk thuộc miền Baltic cũng như ở các miền khác của đất nước này vào mùa hè năm 1980 đã dẫn tới việc mở màn cho khối lao động độc lập đầu tiên ở Đông Âu.

 

Sau khi bị cấm đoán theo thiết quân luật của Tướng Wojciech Jaruzelski, Khối Công Đoàn này âm thầm chiến đấu cho tới năm 1989, khi nó dẫn thành phần Cộng sản tới việc thương thảo việc ôn hòa chuyển sang chế độ dân chủ. Điều ấy mở màn cho việc sụp đổ của những chính thể độc tài ở các quốc gia liên minh còn lại thuộc Khối Sô Viết.

 

Những việc cử hành kỷ niệm 25 năm Khối Công Đoàn sẽ lên tới tột đỉnh vào hôm Thứ Tư, với một Thánh Lễ ở Gdansk, một Thánh Lễ sẽ được một số vị lãnh đạo trên thế giới tới tham dự. Cuộc cử hành này sẽ được chủ sự bởi đặc sứ của ĐTC Biển Đức XVI là ĐTGM Stanislaw Dziwisz TGP Krekow, vị thư ký riêng lâu đời của Đức Gioan Phaolô II.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 30/8/2005

 

 

TOP

 

Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Sứ điệp của ĐTC Biển Đức

 

Nhân dịp mừng kỷ niệm đúng 25 năm thành lập Khối Công Đoàn Balan, một phong trào được ĐTC GPII phấn khích từ chuyến tông du đầu tiên về nước của ngài vào tháng 6/1979, ĐTC Biển Đức XVI đã gửi đặc sứ của mình là ĐTGM Stanislaw Dziwisz TGP Krakow đến chủ tế Thánh Lễ hôm Thứ Tư 31/8/2005 tại xưởng đóng tầu Gdansk cũ là chính nơi xuất phát ra phong trào này. Bức thư của ngài đã được đọc trong Thánh Lễ. Sau đây là những điểm chính yếu tiêu biểu nói lên lòng ngưỡng phục của ngài đối với một phong trào đi làm lịch sử có một không hai này.

 

“Tất cả chúng ta đều nhận thấy tính cách rất quan trọng nơi việc xuất hiện của khối lao động này nơi cuộc thăng trầm của Balan cũng như trong lịch sử của toàn thể Âu Châu.

 

“Nó chẳng những mang lại những đổi thay không thể nào ngờ được ở Balan, khiến nhân dân Balan tiến trên con đường tới tự do và dân chủ, mà còn cống hiến cho các quốc gia khác thuộc khối Đông Âu cơ hội sửa chữa lại cái bất công của lịch sử đã để lại nơi họ ở bên kia Bức Màn Sắt”.

 

Trong sứ điệp của mình, ĐTC Biển Đức cũng nhắc lại những nỗ lực của ĐGH Gioan Phaolô II để “thực hiện hành động công lý lịch sử này”, nhờ đó Âu Châu mới “có thể thở bằng hai buồng phổi, Tây phương và Đông phương”. 

 

Ngài cũng không quên đề cập tới “hoạt động ngoại giao khéo léo” để hỗ trợ Khối Công Đoàn Balan này, những hoạt động được thi hành bởi chính ĐTGM Dziwisz, vị đã làm thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II.

 

“Tôi cũng biết rằng đó là một lý tưởng chính đáng với chứng cớ tuyệt nhất của nó đó là việc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh và việc gia nhập vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu những quốc gia vẫn ở ngoài khối này từ sau Thế Chiến Thứ Hai”.

 

Trong sứ điệp của mình, ĐTC cũng chúc mừng nhân dân Balan là thành phần, “nhờ sự nâng đỡ của Giáo Hội, đã can đảm hiệp nhất tinh thần của mình, tư tưởng của mình và lực lượng của mình với khối này trong việc sinh hoa kết trái được kéo dài cho tới ngày nay nơi toàn thế Âu Châu.

 

“Tôi thành tâm hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ có thể hoan hưởng chẳng những tự do mà còn phúc hạnh về kinh tế của đất nước này nữa”.

 

Phần mình, ĐTGM Dziwisz đã chia sẻ trong Thánh Lễ thế này: “nơi thành phố này, thành phần lao động đã công bố lời ‘đoàn kết’ một cách mới mẻ và trong một hoàn cảnh mới mẻ. Họ công bố nó với tất cả sức mạnh và lòng cương quyết, khi một thể chế không thể nào tiếp tục chấp nhận được nữa, một thể chế gây ghen tị, đấu tranh giai cấp, một thứ đấu tranh giai cấp giữa dân tộc này với dân tộc kia, giữa người với người”.

 

Vị TGM Krakow này đã kể đến những nhân vật nâng đỡ khối công đoàn này. Ngoài Đức Gioan Phaolô II, ngài còn kể tới ĐHY Stefan Wyszynski và Cha Jerzy Popieluszko, tuyên úy của công đoàn này, vị mà vào đêm 19/10/1984, đã bị lực lượng công an bắt cóc, hành hạ và sát hại.

 

“Không thể chối cãi được rằng Công Đoàn này đặc biệt đã làm bừng lên nơi con người bị chế độ độc tài đàn áp cái ý thức về tính cách chủ thể xã hội của họ”.

 

Vị TGM này đã kêu gọi khối lao động này hãy trở về với những căn gốc và lý tưởng của mình, khi “quyền lực được chuyển sang những bàn tay mới”, thế nhưng thành phần lao động “mong được trợ giúp trong vấn đề bênh vực các thứ quyền lợi chân chính của mình.

 

“Chúng tôi thực sự nhận thấy rằng cần phải có những cố gắng và hy sinh mới để cải tiến tình trạng về vật chất của dân chúng cả ở nơi đây cũng như ở các nơi khác”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 31/8/2005

 

TOP

 

Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Nhận định của một phóng viên ký giả

 

Theo ký giả Gian Franco Svidercoschi, một người Ý gốc Balan, nhân vật đã từng theo dõi khít khao các biến cố của Công Đoàn này được bừng nổ ở các xưởng làm tầu ở Gdansk, thì các thành quả của nó chưa được người ta hoàn toàn tường tận. Trước khi làm Giáo Hoàng, ĐHY Karol Wojtyla đã cám ơn vị ký giả này về việc ông nghiên cứu về Balan. Sau đó ông đã làm phụ tá cho tờ L’Osservatore Romano. Ông còn là tác giả của văn bản truyền hình cuốn phim “Những Câu Truyện về Karol: Cuộc Đời Ẩn Kín của Đức Gioan Phaolô II”. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, ông đã giải thích làm thế nào các biến cố 30-31/8/1980 đã xẩy ra, một biến cố đã làm đổi thay lịch sử nhân loại.

 

Vấn:     Tại sao ông gọi nó là một cuộc cách mạng?

 

Đáp:    Vì nó đã là một cuộc cách mạng của toàn thể dân chúng. Vì qua nhiều năm, vốn đã có “những cuộc cách mạng nhỏ”, như ĐHY Stefan Wyszynski đã gọi chúng: vào năm 1956 của thành phần lao động; năm 1968 của sinh viên và thành phần trí thức; năm 1970 lại do thành phần lao động ở vùng Baltic; cho đến năm 1976 khi có một cuộc chống đối về lao động xẩy ra làm ảnh hưởng tới cuộc hiệp nhất của toàn thể xã hội.

 

Thành phần lao động chống đối và phải trả giá bằng việc bị tống ngục, thế nhưng, đó là lần đầu tiên sinh viên cũng như các nhóm xã hội khác đã tham gia với họ cách này hay cách khác. Những gì đã được kiến tạo chúng ta gọi là chủ thể của nước Balan. Từ đó mà Công Đoàn đã xuất phát.

 

Vào ngày 1/7/1980, một cuộc xuống đường đã xẩy ra. Chế độ Cộng sản đã cố gắng làm lắng dịu làn sóng, bằng việc tăng lương, thế nhưng sau đó, như một phản ứng giây chuyền, một cuộc xuống đường ở một hãng khác diễn ra, rồi lại một cuộc xuống đường khác xẩy ra gần đó. Bởi vậy mà nhà của những quân bài đã đi đến chỗ đổ nhào xuống khắp cả quốc gia.

 

Những xưởng làm tầu vùng Baltic bắt đầu xuống đường vào ngày 15/8. Đã xẩy ra một cuộc chống đối thực sự ở đó, một cuộc chống đối mạnh nhất ở toàn nước Balan.

 

Chế độ Cộng sản Ba Lan, để đương đầu với Leonid Brezhnev, nhân vật ở Moscow sợ rằng vết thương Balan sẽ lan ra khắp nơi, đã quyết định ký kết những hiệp ước nổi tiếng Gdansk giữa ngày 30-31/8.


Vấn:     Tại sao chúng đã đi vào lịch sử?

 

Đáp:    Vì chúng chẳng những là một thứ chương trình về xã hội mà còn là một thứ chương trình về đạo lý học nữa. Trong số những đòi hỏi khác còn có việc đòi hỏi các chương trình của Giáo Hội trong việc truyền thông nữa. Khía cạnh tôn giáo đạo lý đã được hiện  diện ngay trong các cuộc chống đối: đó là những hình ảnh của Đức Bà Đen và Đức Gioan Phaolô II ở những cổng của các xưởng đóng tầu Gdansk.


Vấn:     Giáo Hội đã ảnh hướng tới mức nào nơi thành phần lao động này?

 

Đáp:    Ngay cả những người thuộc về cánh tả, hay thành phần bất đồng của Cộng sản, cũng tìm thấy được sự nâng đỡ của Giáo Hội.

 

Vì đã lâu đời người ta nghĩ rằng Giáo Hội Balan là một Giáo Hội bảo thủ. Tuy nhiên, nó đã được canh tân sau Công Đồng Chung Vatican II, bởi thế, nó không bênh vực tự do riêng của mình mà là tự do của con người, bất kể đảng phái hay tôn giáo của họ.

 

Ngoài tất cả những gì thuộc về việc dấn thân này của Giáo Hội ở Balan – Stalin luôn nói rằng: Hay biết mấy nếu ĐHY Wyszynski ở về phía chúng ta – 2 năm trước đó việc tuyển bầu một vị Giáo Hoàng Balan đã diễn ra. Ngài là một loại người bảo vệ cái dù cho cuộc cách mạng đang hình thành ở Balan, thế nhưng cuộc cách mạng sẽ có một năng lực lan tràn toàn thể Đông Âu.


Vấn:     Tại sao Vị Giáo Hoàng người Balan lại quá quan trọng như thế?

 

Đáp:    Ngài quan trọng không phải là “tác giả” của cuộc sụp đổ Bức Tường Bá Linh, […] mà vì chính sự kiện có một Vị Giáo Hoàng người Balan ở Rôma, một vị Giáo Hoàng của quốc gia mà đại đa số người Công giáo trong dân chúng đã tạo nên phong trào dẫn đến cuộc xuất hiện của Công Đoàn và cuộc biến đổi Balan ấy.


Vấn:     Thái độ của bên Tây phương ra sao trước những biến đổi xẩy ra ở Balan?

 

Đáp:    Tôi nghĩ rằng bên Tây phương đã phạm một lỗi lầm lớn ở vào giai đoạn đó. Trước hết là vì nó không hiểu những gì xẩy ra ở Balan.

 

Tôi thực hiện một cuộc nghiên cứu ở Balan vào tháng 1/1977, sau khi đã ký hợp đồng với thành phần lao động, trí thức, sinh viên và thành phần bất đồng khác.

 

Bấy giờ chưa có lấy được một phóng viên báo chí Tây phương nào ở đó để chứng kiến thấy những gì đang xẩy ra. Khi phản ứng giây chuyền của việc chống đối bắt đầu xẩy ra như tôi đã đề cập đến trước đây, trong vòng 1 tháng trời, không có lấy 1 tin tức nào được tung ra về nó trên báo chí Tây phương cả. Chính vì người ta nghĩ rằng thế giới Cộng sản là một thế giới đóng kín, một thế giới đã qua, và việc phân rẽ khỏi phần Âu Châu còn lại đã vĩnh viễn được thiết định.

 

Thế nhưng đã có một con người ở Rôma, có lẽ là một con người duy nhất trên thế giới, vị tin tưởng vào cơ hội là thế giới có thể đổi thay, là Âu Châu có thể thở bằng hai buồng phổi, Tây phương và Đông phương. Đó là Đức Gioan Phaolô II. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng vào giai đoạn ấy sự hiện diện của một vị Giáo Hoàng Balan, chứ không phải vị giáo hoàng Tây phương, là những gì trọng yếu.


Vấn:     Ngày nay nơi Khối Công Đoàn này còn lại những gì?

 

Đáp:    Nhiều điều đã thay đổi. Chúng ta phải nói rằng Vị Giáo Hoàng này đã đúng khi ngài về thăm Balan và đã giảng về niềm tin: Ngài hiểu rằng, một khi các cánh cửa ở Balan và những xứ sở Đông Âu khác được mở ra, sau biến cố sụp đổ của Bức Tường Bá Linh, thì một nguy hiểm lớn khác sẽ xẩy ra, đó là chủ nghĩa hưởng thụ, là một hình thức xã hội trần tục bại hoại Kitô giáo, một thứ xã hội sau đó ảnh hưởng đến Balan và các nước khác.

 

Tuy nhiên, Công Đoàn Balan là tác lực gây ra cuộc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh, của Cộng sản. Bằng những đường lối kín đáo nhiệm mầu, tất cả những gì xuất phát giữa ngày 30-31/8/1980 ở vùng Baltic sau đó đã dẫn đến việc biến đổi Âu Châu.

 

Có lẽ ngày nay không ai hài lòng với một Âu Châu hiện thời, thế nhưng vẫn có một điều trọng yếu nơi Âu Châu, đó là tự do, như vị Giáo Hoàng này đã nói khi ngài đến Prague, tuyên bố một cách nào đó về việc kết thúc của Cộng sản.

 

Trước đó, những quốc gia này không có tự do, thế rồi họ đã có tự do. Có lẽ không phải là tất cả đã lợi dụng được thứ tự do chiếm được này, đầu tiên từ nhân dân Balan. Thế nhưng, ít là những con người nam nữ Đông Âu giờ đây sống với quyền tự do như những người Âu Châu của phân nữa Châu Lục còn lại này vậy.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 31/8/2005

 

 

TOP