IRAQ VÀ THẾ GIỚI THỜI HẬU CHIẾN IRAQ

 

                    

Hậu Chiến Iraq: truy lùng vũ khí và đấu thầu tái thiết

 

Ông David Kay, trưởng ban của Hoa Kỳ giữ vai trò truy lùng vũ khí cấm ở Iraq tỏ ra chán nản muốn xin từ chức sau thời gian dài chẳng có kết quả gì trong việc này. Đến nỗi, một số nhân viên trong nhóm của ông đã quay ra giúp lực lượng Hoa Kỳ chống lại các phiến quân Iraq. Ông David, với vai trò làm cố vấn cho cơ quan tình báo CIA Hoa Kỳ trong việc truy lùng vũ khí này, đã bày tỏ ý định của mình cho các viên chức trong nhóm của ông như vậy. Theo các viên chức được ông cho biết ý định của mình thì ông có thể từ nhiệm trước khi Nhóm Thám Sát Iraq thực hiện cuộc tường trình thứ hai của mình vào Tháng 2/2004, chứ không đợi đến bản tường trình cuối cùng vào Mùa Thu năm 2004.

Khi bắt đầu nhận trách vụ truy lùng vũ khí ở Iraq vào Tháng 6/2003, ông David hết sức nghĩ rằng sẽ tìm thấy các dấu chứng một cách nhanh chóng cho thấy những lý do tại sao Hoa Kỳ tấn công Iraq. Thế nhưng, trong bản tường trình sơ khởi vào Tháng 10/2003, nhóm của ông vẫn phải công nhận là chưa tìm thấy dấu tích gì về những thứ vũ khí cấm này cả. Một trong những lý do ông này muốn từ nhiệm vì áp lực gia đình cũng như vì thấy lực lượng nhóm ông yếu dần khi một số quay sang chiến đấu chống lại các cuộc nổi dậy.

Trong khi đó, cũng tại Iraq, có khoảng từ 300 đến 700 phần tử thuộc ngành quân lực mới của Iraq đã rút lui vì không hài lòng với những thời hạn, điều kiện và lương lậu cũng như những điều chỉ dẫn của các sĩ quan tư lệnh.

Về vấn đề đầu tư để hiết Iraq, quyết định của Hoa Kỳ về cuộc đấu thầu 18.6 tỉ Mỹ Kim không cho các quốc gia phản chiến (Nga, Đức và Pháp) tham dự vào cuộc đấu thầu số tiền khổng lồ này. Tổng Thống Bush đã nêu lên lý do là vì thành phần “đóng thuế” ở Hoa Kỳ cho rằng như thế mới công bằng với những ai dám “liều mạng sống”, như lực lượng Hoa Kỳ và liên minh.

Trong một văn bản, Ủy Viên Chris Patten thuộc Ban Ngoại Vụ Khối Hiệp Nhất Âu Châu đã gọi hành động này của Hoa Kỳ “hết sức bất lợi”: “Nó không đặc biệt giúp gì vào việc hàn gắn những tranh cãi và chia rẽ trong quá khứ. Trái lại, cần phải mang thành phần muốn làm lại với nhau chứ đừng phân rẽ họ”.

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là ông Kofi Annan cũng phê bình về quyết định của Hoa Kỳ ấy: “Từ khi xẩy ra chiến cuộc, chúng ta tất cả đang cố gắng mang dân chúng lại với nhau. Đây là lúc tái thiết, cùng nhau làm việc để củng cố Iraq. Bất cứ sáng kiến hay hành động hoặc quyết định nào cũng cần phải là nhưnõng gì liên kết hơn là chia rẽ. Tôi không cho rằng quyết định hôm qua là những gì tỏ ra liên kết.

Ủy Ban Âu Châu và Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế đang điều ra xem quyết định này có trái với luật lệ quốc tế hay chăng?

Nhận định của www.thoidiemmaria.net: Nếu không tìm thấy vũ khí đại công phá ở Iraq là nguyên do chính yếu để có thể tấn công Iraq một cách bất hợp pháp (qua mặt Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc), theo công bằng, lực lượng liên minh nói chung và Hoa Kỳ nói riêng phải bồi thường chiến tranh nữa là đàng khác, vì đã gây tan nát cả về nhân mạng lẫn sản vật của xứ sở này, chứ đừng nói gì đến quyền đấu thầu hay lợi lộc trong việc đấu thầu. Vả lại, nếu các quốc gia phản chiến trong Hội Đồng Bảo An LHQ phủ quyết (veto) quyết định tái thiết Iraq theo như Hoa Kỳ phác định thì Hoa Kỳ có quyền ra giá và thực hiện cuộc đấu thầu tái thiết này được chăng? Nếu việc tái thiết Iraq là một hành động bác ái thực sự và chân chính thì tại sao lại có vấn đề tranh giành tư lợi ở chỗ này? Như thế người ta đã có lý để đặt vấn đề với Hoa Kỳ trong việc tấn công giải giới Iraq, chẳng những, trong giai đoạn tiền chiến, về những gì liên quan đến việc mạo tín liệu để đánh lừa thiên hạ mà tấn công Iraq một cách đơn phương, độc đoán và vội vàng, mà còn, trong giai đoạn hậu chiến, nắm quyền kiểm soát nước này, không cho Liên Hiệp Quốc nắm vai trò chủ chốt theo sứ vụ của tổ chức quốc tế ấy, muốn nắm đầu lực lượng quân sự quốc tế trong việc giữ an ninh cho Iraq và quản thủ tiền bạc quốc tế góp phần tái thiết Iraq.

 

Iraq: Một Hậu Chiến Quằn Quại

Sau vụ khủng bố tấn công Do Thái rồi tới Ý (17 chết) ở Iraq, hôm Thứ Bảy 29/11/2003 đến lượt Tây Ban Nha, với 7 người bị tử thương trên đoàn xe tuần tiểu 2 chiếc bị phục kích ở phía nam thủ đô Baghdad, 8 người sống sót đã về lại nước. Cuộc an táng cho 8 nhân viên tình báo Tây Ban Nha đã được thực hiện hôm Thứ Ba 2/12 như một ngày đau buồn cho cả đất nước.

Cũng vào cuối tuần này ở phía nam Samarra, quãng 120 cây số hay 75 dặm về phía bắc thủ đô Baghdad, đã xẩy ra một trận đụng độ nẩy lửa giữa hai phe, đầu tiên bằng các loại vũ khí nhẹ bắn ra từ cửa sổ, mái nhà, lối đi và xe hơi, sau tới đầu đạn và đại pháo. Con số thiệt hại bất nhất giữa hai bên: Hoa Kỳ cho là bên Iraq có 46 chết, 18 bị thương và 11 bị bắt, còn bên Iraq cho là họ chỉ có 8 chết và 50 bị thương.

Cuộc đụng độ này bắt đầu từ cuộc tấn công một lực lượng bảo an Hoa Kỳ đang trên đường đến Samarra khoảng 11 giờ sáng để kịp dẫn đường cho nhóm đổi tiền. Khi nhóm đổi tiền vừa tới thì súng nổ khắp nơi trong khu vực này.

Thứ Ba 9/12/2003, có hai cuộc tấn công bằng bom cách nhau chưa đầy 3 tiếng vào các khu quân sự Hoa Kỳ ở Bắc Iraq đã gây thương tích cho ít là 33 quân nhân. Cuộc tấn công đầu tiên, vào khoảng giữa 6 tới 7 giờ sáng, bằng xe đâm vào cửa chính của U.S. Army's 101 Airborne Division, về phía tây Mosul, làm 31 người bị thương. Cuộc tấn công thứ hai vào lúc 8 giờ 30 sáng, bởi một người giả bộ bệnh tiến đến cổng của Forward Operating Base Thunder xin giúp đỡ, song không được ai đến giúp liền cho nổ bom làm hai người lính bị thương nhẹ.

ĐTGM Baghdad nhận định về tình hình hậu chiến Iraq

ĐTGM Jean Benjamin Sleiman, TGM thuộc lễ nghi Latinh ở thủ đô Baghdad, hôm Thứ Sáu 5/12/2003, đã nói với Cơ Quan Dịch Vụ Thông Tín Truyền Giáo (Missionary Service News Agency) là: “Việc bỏ mặc Iraq sẽ mang một ngầm ý là sửa soạn cho tất cả chúng tôi một tương lai thê thảm. Nó sẽ là một di sản ghê rợn đối với người Tây Phương, một di sản thêm thắt vào việc chú trọng đến Trung Đông, khi làm cho tất cả mọi sự trở nên hết sức khó khăn”.

Vị TGM này nhận định là tình hình hậu chiến Iraq thật là bất ổn: “Những ngày sau khi Baghdad bị sụp đổ, quân đội Iraq bị giải tán, làm mất đi nơi xứ sở này cả một cơ cấu an ninh song lại không được thay thế bằng một cái gì đó có thể thi hành cùng một trách vụ. Thế là 400 ngàn quân nhân là thành phần có thể kiểm soát được một cách nào đó, sau khi các vị lãnh đạo thượng cấp bị thanh trừng và bị tố cáo là có tội, hiện nay đã phân tán trong xã hội chẳng có lấy được một nguồn lợi tức nào. Ai dám bảo rằng một số nào đó đã không tham gia vào những hoạt động du kích quân?”

Vị TGM Baghdad còn cho biết thêm về tình hình kháng chiến ở Iraq như sau: “Ngoài những hoạt động của các thành phần chiến đấu quân quá khích, cả trong số nhóm Hồi giáo thuộc phái Sunnis và Shiites, có lẽ có cả chính những lực lượng rất chuyên nghiệp từ hải ngoại, nơi tính cách phức tạp cũng như nơi tổ chức càng ngày càng hiện lên cho thấy qua những cuộc tấn công. Có lẽ tổ chức al-Qaida đã tìm cách đột nhập vào xứ sở này, và có lẽ các quốc gia còn tồn tại sau cuộc chiến sẽ là những quốc gia sẽ đạt được thắng lợi nơi việc chôn vùi những người Hoa Kỳ xuống cát bỏng Iraq”.

Ngoài ra, vị TGM này còn than van về tình trạng bắt cóc dân chúng để đòi tiền chuộc thế này: “Chúng tôi nghi rằng những tay bắt cóc là những tay mật vụ trước đây, thành phần nhiều năm canh chừng dân chúng và biết rõ những gia đình nào để áp đảo và áp đảo tới đâu”.

ĐTGM còn cho biết một yếu tố mới nữa liên quan đến tôn giáo giữa người ngoại quốc và dân Iraq như sau: “Mấy tháng qua, có những tổ chức tôn giáo Hoa Kỳ đã đến Iraq, những tổ chức tôi không muốn xếp vào loại ‘giáo phái’, những người công khai loan báo giữa dân chúng rằng họ đến Iraq để làm cho những người Hồi giáo trở lại. Những nhóm này khiến cho những người Hồi giáo thực sự kích động nên chúng tôi không lạ gì khi thấy một số người Hồi giáo đã tỏ ra có những phản ứng quá khích”.

ĐTGM cuối cùng đã lên tiếng kêu gọi như sau: “Nếu Liên Hiệp Quốc giải quyết vấn đề Iraq với sự đồng ý của cộng đồng thế giới, trong đó có cả các các quốc gia Ả Rập, thì sẽ có một lực lượng được mọi người tổ chức và sẽ có thể tiến đến chỗ đoàn kết đa số quần chúng Iraq lại với nhau”. Thế nhưng, trước khi có một lực lượng quốc tế này, theo vị TGM đây, việc quân đội Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh rút lui vì không muốn bị sa lầy nữa thì đó là một hành động “hết sức thiếu trách nhiệm… tức là đi từ chỗ vô chính phủ đến hỗn loạn”. Vị TGM kết luận Liên Hiệp Quốc “tự mình sẽ không tác hiệu; cần phải có những đạo quân nhỏ hòa bình ở đó nữa”.

 

Hậu Chiến Iraq: Nhập nhằng trao nhượng quyền bính

Ngày Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ Thứ Năm 27/11/2003, Tổng Thống Bush đã thực hiện một cuộc viếng thăm bất ngờ quân đội Mỹ ở Iraq, làm cho chính những người lính, nhân dân Hoa Kỳ và thậm chí cả nhân viên tình báo Mỹ cũng bỡ ngỡ. Lý do là vì tình trạng an ninh khi đến một nơi đang hỗn loạn vào thời hậu chiến như ở Iraq hiện nay. Ông đã đến Phi Trường Quốc Tế Baghdad vào lúc 5 giờ 31 phút chiều địa phương (tức 9 giờ 31 phút sáng giờ Nữu Ước). Ông đã mặc bộ quân phục Mỹ, đến thăm 600 binh sĩ thuộc 1st Armored Division và 82nd Airborne Division. Tổng Thống Bush đã thực hiện hai cuộc họp riêng với các vị tướng lãnh quân đội Hoa Kỳ và 4 phần tử thuộc Hội Đồng Quản Trị Iraq. Sau 2 tiếng rưỡi đồng hồ, ông đã rời Baghdad vào lúc 8 giờ tối địa phương (tức trưa ở Nữu Ước). Ông đã nói với quân đội Hoa Kỳ rằng:

“Anh chị em đang bảo vệ nhân dân Hoa Kỳ khỏi hiểm nguy nên chúng tôi lấy làm biết ơn anh chị em. Anh chị em đang đánh bại những tay khủng bố ở Iraq đây”. Theo ông, những cuộc nổi dậy ở xứ sở này đang “thử thách ý chí của chúng ta. Chúng tưởng rằng chúng ta sẽ chạy mất. Chúng ta không đi cả hằng trăm dặm đường để vào tận lòng đất Iraq, trả bằng một giá tử thương chua cay, đánh bại một tay độc tài hung bạo và giải phóng cho 25 triệu dân để rồi rút lui trước một đám sát nhân và thích khách. Chúng ta sẽ chiến thắng. Chúng ta sẽ ở lại cho tới khi xong việc”.

Sau đó, Tổng Thống Bush đã chung lộn với binh sĩ và cùng với những người phục dịch bưng khay đồ ăn khoai ngọt và ngô luộc ra. Tối Thứ Tư, Tổng Thống Bush đã lẫn khỏi khu nông trại Crawford 1600 mẫu ở Texas bằng một chiếc xe bí mật không cho phóng viên biết. Vào lúc 7 giờ 25 tối ông đã bay đến Khu Không Lực Andrews để lấy thêm một số trợ tá thân cận nữa. Sau đó họ đã đổi máy bay để bay sang Baghdad. Khi chuyến bay đang được thực hiện, vị giám đốc truyền thông của Tòa Bạch Ốc là Dan Bartlett nói với một số phóng viên vốn được đi du hành theo tổng thống rằng: “Nếu tin này bị lộ ra khi chúng ta còn ở trên không trung thì chúng ta quay trở lại”. Cuối cùng tin tức này đã chỉ được tung ra sau khi Tổng Thống Bush rời Iraq mấy phút.

Hôm Thứ Hai 24/11/2003, tại Luân Đôn, sau khi gặp gỡ Thủ Tướng Tony Blair 3 tiếng đồng hồ, Tổng Thống Jacques Chirac đã nói với phóng viên báo chí về dự trình của Hoa Kỳ trao nhượng quyền bính cho nhân dân Iraq là “Tôi cảm thấy giai đoạn diễn tiến này quá lâu đi. Theo tôi nó dường như không được hoàn toàn”. Trong khi đó, cũng vào ngày Thứ Hai này, Hội Đồng Quản Trị Iraq đã loan báo thời hạn chọn lựa một cơ cấu lập pháp tạm thời vào cuối Tháng Năm và một chính phủ lâm thời “không muộn hơn cuối Tháng Sáu”.

Việc loan báo này là để đáp ứng bản quyết định của Hội Đồng Bảo An LHQ giữa tháng 10 vừa qua đã ấn định ngày 15/12 là hạn chót để hội đồng quản trị lâm thời Iraq cho biết một thời hạn như vậy. Bức thư thông báo nói rằng những cuộc tổng tuyển cử chọn hội đồng lập hiến để soạn thảo bản hiến pháp sẽ được tổ chức cùng lắm vào ngày 15/3/2005. Sau khi dân chúng chuẩn nhận bản hiến pháp thì mới tới cuộc bầu cử chính quyền Iraq cùng lắm vào “trước cuối năm 2005”.

Cũng trong ngày Thứ Hai này, Hội Đồng Quản Trị Iraq đã ra lệnh cho đài truyền hình nói tiếng Ả Rập Al-Arabiya phải đóng cửa ở Baghdad cho đến khi có lệnh mới vì lý do đài này đã trở thành như “khí cụ” khêu động bạo lực và những hành động khủng bố.
 

Một Iraq Bạo Loạn - Một Tương Lai Bụi Đời

 

Trong khi tình hình khủng bố tấn công ở Thánh Địa đột nhiên lắng dịu thì đột nhiên lại xẩy ra các vụ khủng bố tấn công ở các nơi khác, không phải bằng cách ôm bom tự vẫn nữa, mà là bằng đâm xe cho nổ, không phải chỉ có quân đội Hoa Kỳ mà còn cả người Do Thái ở ngoài Thánh Địa (như ở Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ Thứ Bảy 15/11/2003), cả người Ý (trước 11 giờ sáng ngày Thứ Tư 12/11/2003 một chút, có hai chiếc xe đâm vào cổng của tổng hành dinh lực lượng Ý quốc ở Nasiriya), người Hiệp Vương Quốc (tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm Thứ Năm 20/11/2003, dịp Tổng Thống Bush đang thăm Luân Đôn), thậm chí cả chính người Hồi giáo nữa. Sau những cuộc khủng bố tấn công ở Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, Thứ Bảy 15/11/2003 và Thứ Năm 20/11/2003, cũng như sau cuộc khủng bố tấn công ở Ấn Độ hôm Thứ Sáu 21/11/2003, vào ngày kết thúc Tháng Chay Tịnh Ramadan tại tỉnh Parbhani ở tiểu bang Maharshtra, cách thủ đô của tiểu bang này là Mumbai (thành phố Bombay trước kia) khoảng 185 dặm (hay 300 cây số về phía Đông, lại xẩy ra cuộc khủng bố tấn công ở Iraq hôm Thứ Bảy 22/11/2003.

 

Cuộc khủng bố tấn công ở Iraq này xẩy ra ba vụ trong một buổi sáng: vụ thứ nhất trước 8 giờ sáng địa phương một chút tấn công vào một trạm cảnh sát ở Khan Bani Sa’ad 20 cây số (12 dặm) về phía bắc của thủ đô Baghdad, sát hại chính thủ phạm và 8 người khác, chưa kể 8 thường dân khác bị thương; vụ thứ hai cũng khoảng 8 giờ sáng tấn công vào trạm cảnh sát Ba’quba, cách Baghdad khoảng 80 cây số về phía bắc, sạt hại 10 người Iraq, 6 cảnh sát và 4 thường dân, này của chính người Iraq ở phía bắc thủ đô Baghdad, làm thiệt mạng 19 cảnh sát viên và thường dân, chưa kể từ 15 đến 20 người khác bị thương, hầu hết là cảnh sát. và một tấn công bằng phi đạn vào một chiếc máy bay thường ở phi trường Baghdad, không gây thương tích gì. Ngày hôm trước, Thứ Sáu 21/11/2003, tại Iraq, còn có một cuộc khủng bố tấn công bằng đầu đạn vào tòa nhà điều hành dầu hỏa, và hai khách sạn canh phòng cẩn mật gây cho hai người bị thương.

 

Trong một tình hình bạo loạn hiện nay ở Iraq thời Hậu Chiến, theo tác giả Matthew Chance của CNN tường thuật tại thủ đô Baghdad ngày Thứ Bảy 22/11/2003, thì từ khi chế độ cũ sụp đổ, trẻ em lang thang vô gia đình, thường nghiện ngập và đói khát, đã trở thành một hiện tượng trên hè phố ở thủ đô Baghdad: “Dưới chế độ Saddam Hussein, nạn trẻ em bị bỏ mặc là điều cấm kị và kín đáo, trẻ em trên hè phố bị tống vào các cô nhi viện hay thậm chí vô ngục. Nhưng cuộc sống trên hè phố này dường như càng trở nên tệ hơn”.
 

Chế Độ Độc Tài đã kết thúc… Hoa Kỳ nhắm đến việc chiếm đoạt dầu hỏa của Iraq

Thứ Bảy 15/11/2003, trong một cuộc họp báo ở thủ đô Baghdad, Chính Phủ Lâm Thời Iraq do Hoa Kỳ đặt để, sau cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ L. Paul Bremer và Tổng Thống Bush, đã cho biết về tình hình chuyển nhượng quyền bính cho nhân dân Iraq, thời điểm chấm dứt chính phủ lâm thời và “tình trạng chiếm đóng”. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng quyền hành này đã không bao gồm chi tiết lực lượng quân sự quốc tế và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hiện diện ở Iraq. Nhiều phần tử của chính phủ lâm thời cũng như một số vị lãnh đạo trong quốc hội Hoa Kỳ muốn quân đội Hoa Kỳ rời Iraq sớm bao nhiêu có thể. Nhưng Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu 14/11 đã cho biết quân đội Hoa Kỳ cần phải ở lại Iraq cho đến khi cựu Tổng Thống Saddam Hussein bị giết hay bị bắt. Một viên chức của chính phủ lâm thời là ông Ahmed Chalabi đã cho biết bản hiến pháp và chính phủ chính thức sẽ được thiết lập cùng lắm vào tháng 6/2005.

Theo tín liệu của màn điện toán Zenit ngày 16/11/2003, thì sau ngày khủng bố tấn công bằng xe bom nổ hôm Thứ Tư 12/11/2003 tuần vừa rồi ở Nasiriyah, linh mục Toma, 42 tuổi, vị lãnh đạo của một cộng đồng đan sĩ 45 vị ở Iraq sống đời chiêm niệm lẫn hoạt động mục vụ, cộng đồng mang danh Antonian Order of Saint Ormizda theo lễ nghi Chaldeans được thành lập từ thế kỷ thứ bảy, đã lên tiếng với cơ quan truyền giáo Fides rằng: “Hôm nay tôi không thể lạc quan được nữa. Hết mọi sự đều lệ thuộc vào Hiệp Chủng Quốc là nước có toàn quyền về thiện ích hay tệ hại của đất nước chúng tôi. Chúng tôi đang bất định, chúng tôi đang đứng ở ngay chỗ nước cạn. Chế độ độc tài đã bị kết thúc; chúng tôi vẫn chưa tiến vào một mùa chính trị mới. Chúng tôi phải tìm đường thoát khỏi tình trạng thảm khốc khủng bố và mất an ninh tha hồ tung hoành này. Chúng tôi nguyện cầu đừng để những gì tệ hại xẩy ra nữa”.

Trả lời câu hỏi sau tất cả những cuộc tấn công ấy thì những gì cần phải thay đổi nơi chính sách của Hoa Kỳ ở Iraq, vị bề trên này đã trả lời như sau:

“Hiệp Chủng Quốc, sau khi đã giải tán lực lượng cảnh sát Iraq phải đặt nền an ninh vào tay nhân dân Iraq hay ít là có sự tham gia của họ. Họ mới là những người gần gữi quen thuộc với ý hệ địa phương, họ biết dân chúng và các vị trí. Hầu hết dân chúng không hài lòng vời tình hình hiện nay. Họ biết ơn những người Hoa Kỳ đã giải phóng Iraq khỏi chế độ độc tài, nhưng hôm nay đây, sáu tháng sau khi kết thúc chiến tranh rồi, dân chúng than khóc về tình trạng thiếu sự tái thiết về xã hội, dân sự và kinh tế. Họ bắt đầu nghĩ rằng mục đích chính của người Hoa Kỳ là nhắm đến việc chiếm đoạt dầu hỏa của Iraq. Dân chúng đã kiệt quệ bởi 3 cuộc chiến tranh trong 20 năm và 12 năm bị cấm vận”.

Để trả lời cho nhận định của một số người nói rằng chính phủ Hoa Kỳ phải trao quyền cho chính phủ lâm thời, cha Toma cho biết:

“Hội đồng này không thể làm được nhiều việc vì ở dưới quyền kiểm soát của Hoa Kỳ. Các phần tử của hội đồng này phải vâng lời những người Hoa Kỳ và họ là những tay thương gia Iraq sống ở hải ngoại. Đối với dân chúng thì những phần tử này là ‘những người ngoại quốc’. Trong tình thế ấy thì hội đồng này khó lòng mà nắm được toàn quyền hành để thành đạt trong việc cai trị xứ sở này”.
Tuy nhiên, vị linh mục bề trên nhận định là Giáo Hội Công Giáo Chaldean đang cống hiến cho cuộc khủng hoảng Iraq những tia hy vọng:

“Trong suốt những năm chiến tranh, bạo loạn, đói khổ này, chúng tôi vẫn ở bên nhân dân và chúng tôi vẫn cứ thế cho đến ngày hôm nay. Giáo Hội Công Giáo Chaldean là sự nâng đỡ và ủi an cho tất cả mọi người, kể cả cho thành phần không phải Kitô hữu. Ngày nay các vị đan sĩ Chaldean thực sự là nguồn an ủi cho dân chúng; không có họ nhiều người đã di tản mất rồi. Những vị đan sĩ này đã viếng thăm các gia đình, cầu nguyện với giới trẻ, dạy dỗ trẻ em, cống hiến những chứng từ đức tin cao cả. Hết mọi gia đình Kitô hữu Chaldean cầu nguyện hằng ngày dể xin Thiên Chúa ban cho xứ sở của chúng tôi một tương lai an bình”.

 

Khủng bố tấn công: 16 lính Ý tử thương, 7 bị thương và 8 người Iraq chết

Trước 11 giờ sáng ngày Thứ Tư 12/11/2003 một chút, có hai chiếc xe đâm vào cổng của tổng hành dinh lực lượng Ý quốc ở Nasiriya và một trong hai chiếc xe này đã bùng nổ. Lực lượng Ý ở Iraq khoảng 3 ngàn lính, bao gồm cả khoảng 400 nhân viên cảnh sát Carbinieri mới đến Iraq 1 tháng trước đây. Tổng Thống Ý Carlo Azeglio Ciampi đã cho đây là “một hành động khủng bố” và qui trách cuộc tấn công cho nhóm cực đoan Ả Rập và những tay hiếu chiến có cảm tình với chế độ cũ của Saddam Hussein. Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi nói với quốc hội Ý là Ý sẽ chẳng những không bị choáng váng bởi cuộc tấn công này mà còn kêu gọi đất nước hiệp nhất trước cuộc tấn công của đảng chống đối kêu gọi quân đội hồi hương. Bộ trưởng quốc phòng Ý là Antonio Martino nói cùng quốc hội rằng chứng cớ cho thấy đám tàn quân của Saddam Hussein cùng với những tay cực đoan Ả Rập đứng đằng sau cuộc khủng bố này.

ĐTC Gioan Phaolô II hôm xẩy ra cuộc khủng bố tấn công quân đội Ý đã gửi điện văn phân ưu với tổng thống Ý và lên án hành động khủng bố như sau:

“Tôi hết sức đau buồn nhận được tin về cuộc tấn công tồi bại ở Nassiriya, Iraq làm cho những người quân nhân của nước Ý bỏ mạng trong việc họ quảng đại hoàn thành sứ vụ hòa bình của mình. Tôi mạnh mẽ lên án hành động bạo động mới nhất này, những hành động cùng với những hành động dã man khác hằng xẩy ra ở xứ sở tan hoang đó, không giúp gì cho tiến trình tái kiến thiết và hòa bình. Dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân, Tôi xin Chúa ban niềm an ủi Kitô giáo cho các phần tử của họ, những người Tôi đặc biệt cảm thấy gần gữi trong giờ phút hết sức buồn đau này. Tôi xin Tổng Thống hãy chuyển niềm liên kết nguyện cầu của Tôi đến quân nhân và thường dân đang dấn thân cho công việc khó khăn vất vả để phục vụ nhân dân Iraq”.

Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ xẩy ra vụ khủng bố tấn công bằng xe tự vẫn hôm nay, lực lượng Hoa Kỳ đã thực hiện hai cuộc tấn công vào đám phục quân nổi dạy ở Iraq, một ở phía tây và một ở phía nam thủ đô Baghdad. Ở phía tây vì nhóm hiếu chiến quân Iraq đã bắn những quả đại bác vào quân đội Hoa Kỳ vào lúc 8 giờ 30 tối. Một chiếc xe van tẩu thoát nhưng bị trực thăng bắn hạ gây thiệt mạng cho 2 người trong xe, 3 người khác bị thương và 5 người bị giam giữ. Ở phía nam, cuộc tấn công nhằm vào một nhà kho được tình báo cho biết được phục quân dùng làm nơi hội họp và bàn tính để tấn công Hoa Kỳ. Cuộc tấn công này xẩy ra vì lực lượng Hoa Kỳ bị tấn công bằng đại pháo tối hôm trước, và truy lùng đám hiếu chiến quân tìm ẩn nấp ở nhà kho này.

Hậu Chiến Iraq hay Diễn Chiến Iraq

Tình hình Trung Đông tại Thánh Địa tạm yên những cuộc khủng bố tấn công của các phe Palestine chiến đấu quân và bởi đó cũng hết tấn công khủng bố của lực lượng Do Thái trả đũa. Trái lại, theo vị tân thủ tướng Palestine Ahmed Qorei hôm Thứ Tư 29/10/2003, thì các phe Hamas cùng các nhóm chiến đấu quân khác đang muốn tái nói chuyện với Do Thái về việc ngưng chiến. Chưa hết, cũng vào ngày Thứ Tư này, Do Thái đã cho phép 3 ngàn nhân công Palestine từ Tây Ngạn và Do Thái và 1500 người Palestine khác làm việc tại vùng kỹ nghệ Atarot gần Giêrusalem. Ngoài ra, hôm Chúa Nhật 2/11/2003, phe Do Thái lại cho thêm 10 ngàn người Palestine nữa tử giải Gaza vào Do Thái. Trong khi đó, tại Iraq, tình hình lại sôi động hơn bao giờ hết từ ngày Tổng Thống Bush tuyên bố chấm dứt cuộc tấn công giải giới hôm 1/5/2003.

Thật vậy, theo Tướng Mark Hertling cho biết, những cuộc tấn công hôm Thứ Hai, 27/10/2003, không giống như những cuộc tấn công của nhóm tàn quân của Saddam Hussein, mà là, “tình báo” lẫn “cách tác hành” cho thấy đó là việc làm của các tay chiến đấu ngoại quốc. Đó là những cuộc nổ bom tự vẫn bằng xe, sát hại khoảng 30 người, trong đó có hai quân nhân Mỹ, và làm cho hơn 200 người bị thương. Những cuộc tấn công này nhắm vào các trung tâm của Tiểu Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế ở trung tâm thủ đô Baghdad và 3 trạm cảnh sát Iraq.

Những cuộc đụng độ giữa những đám quần chúng cuồng loạn và các lực lượng liên minh sử dụng xe tăng và phi công kéo dài 7 tiếng rưỡi đồng hồ ở ngoại ô phía tây thủ đô Baghdad hôm Thứ Sáu 31/10/2003, khiến 14 người Iraq bị chết và 5 bị thương. Thoạt tiên là dân chúng khoảng từ 500 tới 1 ngàn người ném đá vào một chiếc xe đi tuần của lực lượng liên minh, rồi đốt bánh xe, nhất là bắn những trái cối vào trạm cảnh sát.

Về vụ tấn công đoàn xe của Hoa Kỳ làm chết 3 nhân viên an ninh của hãng thầu quân đội DynCorp hôm 15/10/2003 vẫn được chính phủ Hoa Kỳ điều tra theo dõi và đã treo giải thưởng 5 triệu Mỹ kim cho ai, Giải thưởng này là của Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ. Chương trình treo giải Công Lý này cũng đã trả 30 triệu Mỹ kim cho một người đưa tin giúp cho quân đội Hoa Kỳ đến nhà của hai người con Saddam Hussein là Uday và Qusay trú ẩn. Tuần này Bộ Nội Vụ cũng đã trả 5 triệu Mỹ kim cho một tín liệu giúp Hoa Kỳ bắt được Abu Musab al Zarqawi, một người Jordan có liên quan đến nhóm khủng bố quốc tế al Qaeda bị tình nghi đã bày mưu nổ bom ở Tòa Lãnh Sự Jordan ở thủ đô Baghdad.

Chúa Nhật 2/11/2003, một chiếc trực thăng của quân đội Hoa Kỳ từ Fallujah đến Baghdad đã bị nạn làm chết 16 quân nhân và bị thương 20 ở phía tây Baghdad. Nguyên nhân không biết từ đâu, song phát ngôn viên của tướng William Darley cho biết có người thấy có những vết phi đạn khi chiếc trực thăng này hạ cánh. Ngoài ra, cũng trong ngày Chúa Nhật này, còn có một quân nhân Hoa Kỳ và hai thường dân Mỹ làm nghề contractor của hãng EOD Technologies Inc., a Knoxville, Tennessee, bị bom ở Fallujah trên 1 chiếc xe đến Baghdad. Tổng số quân nhân Hoa Kỳ chết hôm Chúa Nhật này là con số cao thứ nhì, chỉ sau ngày 21/3 là ngày 29 quân nhân Hoa Kỳ chết trận ở tỉnh Nasiriya. Sau cuộc tấn công này, dân chúng ở Fallujah đã nhào đến hiện trường hô hào những câu chống Mỹ bài Hoa Kỳ. Còn cuộc tấn công khác cùng ngày bằng lưu đạn ở khu chợ Abu Ghraib phía tây thủ đô Baghdad, nơi có 14 người Iraq bị chết vì cuộc đụng độ với quân đội Hoa Kỳ, chưa biết thiệt hại ra sao. Tổng số tử vong của quân đội Hoa Kỳ thời hầu chiến Iraq tính tới ngày Chúa Nhật 2/11 lên tới 139 mạng.

Thứ Hai 3/11/2003, lại xẩy ra một cuộc tấn công khác bằng 3 đầu phi đạn lúc 9 giờ tối, một trúng vào trại lính 2nd Armored Cavalry Regiment và hai gần trung tâm thủ đô Baghdad. Không thiệt hại nào đã được tường trình. Ngoài ra, còn quả bom nổ cũng vào Thứ Hai trước 8 giờ một chút, trước một khách sạn trống người ở Karbala, cách thủ đô Baghdad 55 d8ạm về phía namm nhưng con số tử vong và thương vong chưa rõ. Ở bắc thủ đô này, chiều cùng ngày Thứ Hai, một quân nhân Hoa Kỳ thuộc 4th Infantry Division đã bị nạn ở Tikrit bởi mìn nổ chiếc xe của người quân nhân này. Bên ngoài tỉnh Uja, đoàn tuần tiểu cũng của quân đoàn trên bị tấn công bằng những vũ khí nhẹ vào tối Thứ Hai này, nhưng không bị thiệt hại gì.

Trong khi đó, vào hôm Chúa Nhật 2/11/2003, các vị ngoại trưởng Ả Rập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc bàn luận hai ngày ở Damascô về cuộc khủng hoảng ở Iraq, đã lên án những cuộc khủng bố tấn công nổ bom ở Iraq và kêu gọi các viên chức Iraq hãy cộng tác với việc kiểm soát biên phòng.

 

Hậu Chiến Iraq: Góp Phần Tái Thiết


 

Sau khi bản giải pháp tái thiết Iraq được Hội Đồng Bảo An LHQ tuy nhất trí chấp thuận nhưng vẫn còn ấm ức, các quốc gia đã đến thủ đô Maní Tây Ban Nha hôm Thứ Năm 23 và Thứ Sáu 24/10. Theo Hoa Kỳ ước lượng thì tổng số tiền tốn kém cho vấn đề tái thiết Iraq là 55 tỉ Mỹ kim trong thời hạn 5 năm. Liên Hiệp Quốc, World Bank và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế ước lượng cần phải có 36 tỉ vào thời khoảng 2004-2007, chưa kể 20 tỉ nữa cho vấn đề an ninh và dầu hỏa. Hoa Kỳ hứa góp 20 tỉ, Hiệp Vương Quốc 544 triệu, Tây Ban Nha 300 triệu, Nhật 1 tỉ rưỡi, Khối Hiệp Nhất Âu Châu 1.4 tỉ đồng Âu, Nam Hàn 200 triệu, Canada 150 triệu, Pháp-Đức-Nga (đã gửi ít người đến tham dự hội nghị này) không hứa đóng góp gì cả vì vẫn còn đặt vấn đề chậm trễ chuyển giao quyền hành lại cho nhân dân Iraq. World Bank đồng ý cho mượn từ 3 đến 5 tỉ trong vòng 5 năm.


 

Tòa Thánh Vatican cũng tham dự hội nghị tái thiết Iraq này, qua vị đại diện là ĐTGM Paul Josef Cordes, chủ tịch Hội Đồng Đồng Tâm ‘Cor Unum’ lo các việc bác ái của ĐTC. Hội Đồng này hôm Thứ Tư 22/10 đã gửi cho màn điện toán Zenit một bản văn cho biết ĐTGM Cordes “hy vọng nhấn mạnh đến việc đóng góp cấp thời về vật chất của Giáo Hội Công Giáo đối với Iraq, và nhất là vấn đề đóng góp lịch cử, vấn đề hiện diện ngàn năm và nhân đạo của những người Kitô hữu ở Iraq. Ở Iraq, các tổ chức viện trợ va ụ ho trợ Công Giáo quốc tế qua những tháng gần đây đã can thiệp vào những khía cạnh trọng yếu như nước, thực phẩm, năng lực, dực phẩm. Những tổ chức này đóng vai trò của thiết yếu trong việc làm trung gian điều giải giữa quyền lực chính trị và những thành phần hèn yếu nhất” trong dân chúng.


 

Trước khi bay đi tham dự hội nghị này, ĐTGM chủ tịch đại diện cho biết “Khi ĐTC sai tôi đên Iraq hồi Tháng 5 để điều hợp việc viện trợ của Giáo Hội Công Giáo, tôi đã chứng kiến tận mắt thấy đa số người Hồi Giáo của xứ sở này đã tỏ ra hết lòng biết ơn việc giúp đỡ của những người Kitô hữu, nhất là của ĐTC”. Vị TGM này còn cho biết yếu tố để thắng vượt mức tiến bộ chậm chạp trong việc tái thiết Iraq là ở chỗ “chính quyền Iraq tạm thời và các chính quyền dính dáng khác” ban “quyền tự do thực sự” cho Kitô hữu “như là một bảo đảm cho quyền tự do và việc phát triển giành cho hết mọi người”.

 

Hậu Chiến Iraq: Giải pháp tái thiết được HĐBA nhất trí chấp thuận song vẫn còn ấm ức

Hôm Thứ Ba 14/10, Nga, Pháp và Đức đã đề nghị những tu chính cho bản giải pháp dự thảo của Hoa Kỳ về vấn đề tái thiết Iraq Hậu Chiến, với đề nghị làm sáng tỏ những vấn đề khi nào và cách nào thực hiện. Cũng vào cùng ngày này, ông TTK/LHQ Kofi Annan ở Liên Hiệp Quốc đã tường trình cho tin tức biết rằng “hiển nhiên bản giải pháp hiện nay không nói lên vấn đề thay đổi chính yếu nơi ý nghĩ của lực lượng liên minh. Tuy nhiên, tôi dầu sao cũng cám ơn họ vì đã chú ý tới một số vấn đề quan tâm của tôi, và dĩ nhiên là tôi sẽ áp dụng bất cứ giải pháp nào hội đồng này chấp thuận, luôn ý thức được những giới hạn tất cả chúng ta đều biết đến”.

Vị lãnh sự Nga ở LHQ là Sergey Lavrov đã yêu cầu hoãn việc bỏ phiếu lại cho tới ngày Thứ Năm, để cho các vị lãnh đạo phe phản chiến trước đây là Nga-Pháp-Đức bàn luận về bản thảo của Hoa Kỳ xem có nên ủng hộ nó hay chăng: “Chúng ta phải đợi cho đến khi ba vị tổng thống bàn luận về bản thảo cuối cùng đang có trong tay, và vì tôi còn có những quan tâm nên tôi không thể bỏ phiếu tối hôm nay (Thứ Tư) cho đến khi tôi nghe được từ tổng thống của tôi”. Theo vị lãnh sự này thì Nga, Pháp và Đức đã nộp bản tu chính chung song “không có một điều tu chính nào được để ý tới cả”, bởi thế ba vị lãnh đạo này cần bàn đến bản dự thảo giải pháp cuối cùng hơn nữa.

Sau khi đã tham vấn với 15 quốc gia hội viên, vị lãnh sự ở Liên Hiệp Quốc của Hoa Kỳ là John Negroponte đã đưa ra ngày giờ bỏ phiếu là 10 giờ sáng Thứ Năm: “Chúng ta không thể mong thấy được hết mọi chi tiết mà chỉ cần nghĩ đây là một dự án tốt, nó đáng được các phần tử của hội đồng này mạnh mẽ ủng hộ mà chúng ta hướng đến cuộc bỏ phiếu vào ngày mai lúc 10 giờ sáng. Nếu không phạm gì đến những nguyên tắc căn bản của bản giải pháp dự thảo, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thực hiện một nỗ lực thực sự và những nước đồng bảo trợ cho bản giải pháp dự thảo này đã chú ý tới những lời phê bình chúng tôi nghe thấy từ các đại biểu khác. Bởi thế cho thấy chúng tôi đang lắng nghe, chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc chuẩn nhận một giải pháp cần phải được hội đồng này lên tiếng đồng thuận mạnh mẽ bao nhiêu có thể”.

Tuy có những bất đồng giữa Hoa Kỳ và phe tam quốc phản chiến về những chi tiết được phe này nêu lên, những chi tiết không được Hoa Kỳ đáp ứng ổn thỏa, HĐBALHQ hôm Thứ Năm, 16/10/2003, sau khi Thủ Tướng Đức Gerhard Schoroeder loan báo 3 nước phản chiến sẽ ủng hộ bản dự thảo, đã đồng loạt bỏ phiếu 15-0 chấp thuận bản giải pháp dự thảo của Hoa Kỳ.

Ba nước phản chiến nói rằng còn cần phải làm hơn nữa cho bản giải pháp này, song họ có dự định sẽ phổ biến một bản văn sau này về những điều ấy. Thủ Tướng Đức tuyên bố trước cuộc bỏ phiếu là Đức và Pháp sẽ không gửi quân đến Iraq. Bản giải pháp sở dĩ vừa được 15 quốc gia hội viên của HĐBA/LHQ nhất loạt chấp thuận là vì đã thay đổi một số những chi tiết quan trọng liên quan đến vai trò của Liên Hiệp Quốc cũng như đến việc trao quyền lại cho Iraq. Ở chỗ: “kêu gọi Hội Đồng Quản Trị Iraq cho Hội Đồng Bảo An xem xét… về thời hạn và chương trình phác thảo bản hiến pháp mới cho Iraq cũng như về việc tổ chức những cuộc tuyển cử dân chủ theo bản hiến pháp này” hạn chót là ngày 15/12/2003.

Syria không đồng ý với bản giải pháp của Hoa Kỳ cho lắm, song sau khi đã tham kiến phe phản chiến đã tiến tới chỗ bỏ phiếu thuận, và Pakistan cũng thế, tuy bỏ phiếu thuận song tuyên bố sẽ không gửi quân tới Iraq. Nhật Bản cho biết sẽ đóng góp 1 tỉ rưỡi cho việc viện trợ tức thời. Tuy cuộc bỏ phiếu này đã hoàn toàn chấp thuận bản giải pháp của Hoa Kỳ về việc tái thiết Iraq, nhưng phe phản chiến vẫn ấm ức về những đề nghị tu chính của họ không được chú trọng. Ngoài ra, bản giải pháp này chỉ công nhận vai trò của Liên Hiệp Quốc nhưng không xác định ra sao. Thế nhưng, sở dĩ họ bỏ phiếu là vì, theo vị chủ bút của CNN ở Âu Châu, Robin Oakley, “tình đoàn kết thế giới, vì Liên Hiệp Quốc. Họ không hài lòng vì bản giải pháp mới không đáp ứng tất cả những gì họ yêu cầu, tất cả họ nói rằng hành động của họ này là một bước tiến theo đúng hướng, và để chứng tỏ thiện chí của mình họ đã đồng ý bỏ phiếu cho những vấn đề ấy”.

 

Hậu Chiến Iraq: Hồi Giáo Bài Mỹ

Trong tuần qua, chính phủ Bush đã thực hiện chiến dịch biện hộ cho việc tấn công Iraq xẩy ra vào đầu năm nay. Ông Bộ Trưởng Nội Vụ Colin Powell hôm Thứ Sáu 10/10 ở tại văn phòng của bộ này đã cho báo chí biết việc làm này là một nỗ lực để “nhắc nhở” họ là việc Hoa Kỳ dẫn đầu tấn công Iraq là một việc “hoàn toàn chính đáng… Vị tổng thống của chúng ta muốn nhân dân Hoa Kỳ hiểu một cách rõ ràng là không có một ý đồ nào về phía chúng ta hết”.

Cũng cùng ngày Thứ Sáu này, tại Iraq đã tiếp tục xẩy ra những diễn tiến bài Hoa Kỳ ở chính địa điểm hai người lính Hoa Kỳ nổ súng và 8 cảnh sát viên Iraq bị giết trong một cuộc tấn công tự sát cùng ngày. Thứ Sáu trong tuần là ngày thánh của Hồi Giáo, cũng như Thứ Bảy của Do Thái Giáo và Chúa Nhật của Kitô Giáo. Sự việc xẩy ra ở Sadr City, nơi những người lính Mỹ đi tuần đã bị phục kích vào đêm hôm Thứ Năm trước đo, và cũng tại nơi đây lại xẩy ra một cuộc tấn công tự sát lần đầu tiên vào sáng ngày Thứ Sáu. Những người thuộc Hồi Giáo Shiites đã xuống đường hô hoán “Không có Thiên Chúa nào khác ngoài Allah. Hoa Kỳ là kẻ thù của Thiên Chúa”.

Khoảng 6 ngàn người đã tập trung ở trước tòa đô sảnh Sadr City, gần địa điểm chỗ phục kích, để cầu nguyện vào hôm Thứ Sáu 10/10 và nghe bài giảng của Sheikh Abdel-Hadi al-Daraji với những lời lẽ bài Mỹ như sau: “Hoa Kỳ cho rằng họ là sáng lập viên của tự do và dân chủ. Đó là những gì sai lầm. Bởi vì họ chẳng làm gì khác hơn là một tổ chức khủng bố dẫn thế giới qua nạn khủng bố của mình cũng như qua tính ngạo mạn ngông cuồng của họ”. Dân chúng hô hoán: “No, No America”.

Hôm sau, Thứ Bảy 11/10, trong cuộc họp thượng đỉnh ở Mã Lai vừa mới mở màn, các quốc gia Hồi Giáo đã yêu cầu “tống cổ tất cả mọi lực lượng ngoại quốc ra khỏi Iraq”. Ông Abdelouaged Belkeziz, Tổng Thư Ký của Tổ Chức Hội Nghị Hồi Giáo (OIC: Organisation of the Islamic Conference), đã nói những lực lượng chiến đóng phải mau rút khỏi Iraq để nhường chỗ cho Liên Hiệp Quốc có cơ hội tái thiết đất nước này. Cuộc họp thượng đỉnh này được diễn ra ở tân thủ đô Mã Lai, Putrajaya, bắt đầu với các viên chức cao cấp; các vị ngoại trưởng của các nước hội viên họp vào Thứ Hai 13/10 và các vị lãnh đạo quốc gia (Tổng Thống hay Thủ Tướng) sẽ gặp nhau vào hai ngày 16-17/10. Theo dự trù 35 vị lãnh đạo quốc gia sẽ tham dự, con số lớn nhất từ khi xẩy ra cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ 911. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cũng có ý định đến tham dự, cùng với những vị thủ lãnh khác không phải là phần tử của tổ chức này, như tổng thống Nga là Vladimir Putin và Phi Luật Tân là Gloria Macapagal Arroyo.

Vị phó ngoại trưởng Iran Ghomali Khoshroo đã cho báo chí biết là “tất cả mọi phần tử của OIC đều thôi thúc các kẻ chiếm đóng hãy rời Iraq và trao quyền cho nhân dân Iraq”. Thế nhưng vị thủ tướng Mã Lai là Mahathir Mohamad, vị chủ tọa thượng hội này trước khi về hưu cuối tháng 10 tới đây cũng đã cho biết là OIC sẽ có ít ảnh hưởng bao lâu các chính trị gia Hoa Kỳ hướng chiều về việc hỗ trợ cho Do Thái. Cuộc họp thượng đỉnh này sẽ bàn đến những thách đố của thế giới Hồi Giáo liên quan đến vấn đề khủng bố và toàn cầu hóa cũng như đến “các cuộc vận động chống Hồi Giáo, chống tín đồ Hồi Giáo và phạm đến các thứ nhân quyền”, nhất là những gì đang xẩy ra ở A Phú Hãn, Kashmir, Azerbaijan, Phi Luật Tân và Somalia.

 

Vũng Lầy Iraq Thời Hậu Chiến

Tình hình hậu chiến Iraq vẫn không sáng sủa gì hơn. Phe liên minh US-UK, như thực tế đang cho thấy dường như càng ngày càng bị sa lầy trong cuộc chiến giải giới bất thành liên quan đến việc tranh giành tái thiết Iraq.

Tranh Giành Tái Thiết Iraq

Trước hết về vấn đề tranh giành tái thiết Iraq, bản thảo của US về giải pháp tái thiết Iraq, sau khi gặp chống đối trong Hội Đồng Bảo An, nhất là Nga, Pháp và Đức, đã đi đến chỗ dung hòa hơn, ở chỗ, chẳng những kêu gọi các quốc gia đóng góp tiền bạc và quân đội dưới quyền điều khiển của US, mà nhất là còn cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đóng vai trò quan trọng hơn ở Iraq. Bản thảo cho giải pháp này đồng ý là nhân dân Iraq cần phải tự làm chủ đất nước của mình “sớm bao nhiêu có thể thực hiện” nhưng không nêu lên thời hạn. Tuy nhiên, bản thảo cũng kêu gọi Hội Đồng Quản Trị Iraq do Hoa Kỳ chọn lựa hãy đề ra thời hạn viết bản hiến pháp và tổ chức việc tuyển cử. Về vấn đề vai trò quan trọng của Liên Hiệp Quốc bao gồm cả việc trợ giúp nhân đạo, tái thiết kinh tế và giúp vào việc tuyển cử. Tóm lại, bản thảo về giải pháp tái thiết Iraq do US soạn này đề ra việc từ từ chuyển quyền lại cho nhân dân Iraq nhưng không hạn định ngày giờ đồng thời vẫn còn ấn định một quyền lực (là US) điều khiển các quốc gia góp phần kiến thiết về quân đội và tài chính. Bản thảo được phổ biến cho các quốc gia hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Nga, Pháp, Tầu, Đức hôm Thứ Tư 1/10 và các hội viên còn lại vào hôm sau Thứ Năm.

Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, theo hãng thông tấn AP (Associated Press), ở một bữa ăn trưa riêng, đã cho biết là ông không tin là Liên Hiệp Quốc sẽ đóng một vai trò gì về chính trị nơi bản thảo giải pháp tái thiết Iraq của US: “Hiển nhiên là nó không theo đường hướng tôi đã đề nghị, song tôi vẫn phải nghiên cứu nó hơn nữa”.

Pháp và Tầu nói rằng bản thảo giải pháp tái thiết Iraq không được đầy đủ. Lãnh sự Tầu ở LHQ là Wang Guangye cho biết: “Đã có một số điều được cải tiến rồi, song một số vấn đề chính cần phải làm sáng tỏ, nhất là về vai trò của LHQ, còn nhiều việc cần phải làm”. Còn ông lãnh sự Pháp ở LHQ là Jean-Marc de La Sabliere nói: “Có một số điều thay đổi ở bản văn nhưng về những điểm chính yếu tôi xin nói rằng chỉ thay đổi tí chút thôi”. Còn vị lãnh sự Nga ở LHQ là Sergei Lavrov cho biết chính phủ của ông “đang tìm hiểu” bản thảo này, và nói thêm “chủ trương của chúng tôi đã rõ ràng rồi. Chúng tôi tin rằng ở vào giai đoạn này chúng ta phải để cho LHQ giữ vai trò chính ở tiến trình chính trị để làm việc với tất cả những người Iraq trong việc phác họa một thời hạn rõ ràng, một thời hạn đưa đến việc phục hồi chủ quyền, và là tiến trình có thể được lực lượng chư quốc ủng hộ”. Đối với ngoại trưởng của chính phủ lâm thời Iraq là Hoshiaar Zibari thì bản thảo này đáng khen: “Ít là nó nhìn nhận và cảm nhận thấy vai trò của Hội Đồng Quản Trị và bộ nội các của chính phủ lâm thời Iraq”.

Trong khi đó, ở Iraq, hôm Thứ Ba 30/9/2003, Tiểu Ban Soạn Thảo Hiến Pháp đã hoàn tất bản tường trình về đường lối phác họa bản hiến pháp cho đất nước này và sẽ trình cho Hội Đồng Quản Trị hiện nay. Một trong những vấn đề phức tạp liên quan đến việc soạn thảo bản hiến pháp này là vấn đề giải quyết luật lệ của Hồi Giáo và của xã hội dân sự, cũng như làm sao để tất cả mọi phe nhóm trong dân chúng (về tôn giáo như Shiite, Hồi Giáo Sunni và Kitô giáo, cũng như về sắc dân như Ả Rập, Kurt và Turkomen) có quyền lực ngang nhau. 25 phần tử của tiểu ban này đã bắt đầu trách vụ của mình từ giữa Tháng Tám tới hầu hết Tháng Chín và đã nghe các quan điểm về bản hiến pháp này từ dân chúng trên các phần đất khác nhau ở Iraq. Tiểu ban này bao gồm mọi giai cấp dân chúng, nhất là những phần tử có kiến thức về luật pháp như luật sư, thẩm phán và giáo sư luật.

Thứ Bảy 4/10/2003, một cuộc bạo động xẩy ra ở thủ đô Baghdad gây ra do mấy ngàn lính Iraq trước đây biểu tình đòi Thẩm Quyền Liên Minh do US lãnh đạo phải trả lương trước đây. Kết quả 1 thường dân bị chết và một số bị thương, trong đó có cả lính Hoa Kỳ và nhân viên CNN. Chính phủ do US quản trị ở Iraq đã chính thức giải ngũ quân đội Iraq từ Tháng 5/2003 sau khi Tổng Thống Bush tuyên bố chấm dứt cuộc tấn công giải giới của Hoa Kỳ. Sau những cuộc xuống đường bạo động, 450 ngàn cựu quân nhân Iraq đã được trả tiền dư, và hàng trăm người hằng ngày sắp hàng lãnh nhận tiền của mình, khoảng 40 Mỹ kim một người. Số tiền này lên đến 18 triệu Mỹ kim từ đó đến nay được trích từ các thứ ngân quĩ tồn đọng trước đây của Iraq. Cũng vào chính ngày Thứ Bảy này, có 700 quân nhân ra trường ở Baghdad để là những người lính đầu tiên Iraq thời hậu chiến tái thiết xứ sở.

Vấn đề Giải Giới Iraq Bí Mật lại Bật Mí ở US

Song song với vấn đề tái thiết Iraq liên quan tới chung cộng đồng quốc tế và riêng nhân dân Iraq là vấn đề khí giới đại công phá cần phải tìm cho ra để biện minh cho cuộc tấn công giải giới Iraq của liên minh US-UK.

Ông David Kay, sau khi họp kín với các ủy ban nhị viện, đã cho phóng viên báo chí hôm Thứ Năm 2/10 biết rằng “cho đến lúc này chúng tôi đã tìm thấy chứng cớ về chủ ý của các viên chức cao cấp Iraq, bao gồm cả Saddam, trong việc muốn tiếp tục sản xuất các thứ vũ khí đại công phá ở một lúc nào đó trong tương lai”. Ông này cũng cho biết nhóm US truy tìm các thứ vũ khí này đã tìm thấy một số đầu đạn và máy móc khác chưa được ban thanh tra vũ khí LHQ công bố. “Còn nhiều việc phải làm trước khi chúng ta có thể công bố là chúng ta đã đi đến cùng đường hơn là mới bắt đầu. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều thứ mà có lắm cái chưa được LHQ công bố”, ông nói. Nhóm truy lùng gồm 1200 nhân viên này sẽ tiếp tục từ 6 đến 9 tháng nữa để có thể thấy được tất cả những gì trong vấn đề vũ khí đại công phá ở Iraq. Trong khi đó, giám đốc tình báo Mỹ là George Tenet đã gửi thư cho các vị làm đầy tiểu ban quốc hội hôm Thứ Tư 1/10 bày tỏ sự bất đồng ý kiến của ông về vấn đề quốc hội than phiền tình báo tiền chiến Iraq là không đầy đủ và chính xác. Ông xác nhận tình báo của Hoa Kỳ trước khi xẩy ra cuộc chiến ở Iraq là “chân thành và chuyên nghiệp”.

Nhận định về những lời của ông Kay nói, chuyên viên thanh tra vũ khí trước đây là Garth Whitty cho biết nhóm của ông kay cần phải viếng thăm lại một số địa điểm liên quan tới các thứ chương trình vũ khí của Iraq cũng như cần phải xét lại phương pháp truy lùng của mình. Chẳng hạn như sự kiện, ông Garth nói: “Điều lạ nữa đó là không có một nhân vật Iraq chính yếu nào tham gia vào chương trình truy lùng này đã đưa ra tín liệu đáng giá cả”.

Theo bản tường trình của ông Kay thì kể như Hoa Kỳ vẫn chưa thấy chứng cớ nào về các thứ vũ khí đại công phá là yếu tố khiến Hoa Kỳ dám ngang nhiên qua mặt LHQ để tấn công Iraq, một cuộc tấn công gọi là giải giới và giải phóng Iraq. Tổng Thống Bush vẫn cố gắng biện minh cho lập trường chủ chiến đơn phương bất chấp quốc tế của mình.

Thế nhưng ông Wesley Clark thuộc đảng Dân Chủ có hy vọng ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ tới đây đã kêu gọi một cuộc kiểm tra độc lập “vấn đề có thể lèo lái tình báo” của chính phủ Bush: “Không gì vi phạm trầm trọng hơn đến lòng tin tưởng của quần chúng là việc cố tình tạo nên chiến tranh căn cứ vào những thứ đổ thừa sai lầm. Chúng ta cần biết rằng chúng ta có bị đánh lừa một cách chủ ý hay chăng”.

Vấn đề Giải Giới Iraq Bí Mật lại Bật Mí ở UK
 

Ông Cook, người đã xin từ nhiệm để phản đối việc chính quyền Blair chủ chiến đối với trường hợp Iraq, còn tuyên bố là Thủ Tướng Blair “đã cố ý thêu thùa văn tự chắp nối” để đánh lừa quần chúng nghĩ rằng giữa Iraq và al Qaeda có liên hệ với nhau. Những lời công bố này được trích từ trong cuốn nhật ký của ông Cook trong thời gian tiền chiến, những lời được tờ Thời Điểm Chúa Nhật trích dẫn phổ biến. Trong tác phẩm “Điểm Phát Xuất” của mình, ông nguyên bộ trưởng ngoại giao này đã nói ông hết sức bối rối về cuộc nói chuyện với Thủ Tướng Blair ngày 5/3/2003, trước cuộc chiến xẩy ra 2 tuần.

Ông Cook bấy giờ cũng là vị lãnh đạo của Quốc Hội cho biết ông đã nói với Thủ Tướng Blair là ông đã đọc các bản tường trình cho thấy Saddam không có những thứ vũ khí đại công phá “ở chỗ các thứ vũ khí ấy có thể tấn công vào các thành phố bị nhắm tới”. Ông nói ông đã hỏi Thủ Tướng Tony Blair rằng thủ tướng có lo là Saddam Hussein có thể sử dụng các thứ quân liệu hóa chất để tấn công quân đội Hiệp Vương Quốc hay chăng, ông được thủ tướng trả lời rằng “Có, thế nhưng tất cả mọi nỗ lực có được ông cần phải dồn vào việc che dấu đã làm cho ông khó tập trung nỗ lực để sử dụng chúng một cách nhanh chóng”. Ông Cook cho biết câu trả lời này đã làm cho ông “hết sức bối tối”: “Tony đã không cố lập luận để chinh phục tôi khỏi quan niệm rằng Saddam không có những thứ vũ khí đại công phá thực sự với mục đích sử dụng tấn công dân chúng ở thành phố và có khả năng thực sự có thể tấn công ở một khoảng cách xa”.

Ông Cook cũng nói rằng ông đã bày tỏ quan điểm của mình cho ông John Scarlett, chủ tịch của Ủy Ban Tình Báo Chung, nhưng vị chủ tịch này cũng chẳng chỉnh lại quan điểm của ông: “Bấy giờ tôi đã bày tỏ quan điểm ấy cho cả vị chủ tịch JIC (Joint Intelligence Committee) lẫn thủ tướng và cả hai đã đồng ý như thế”. Ông này nói ông chắc chắn vào Tháng 9/2002, khi hồ sơ của chính quyền về khí giới Iraq được phổ biến, thì Thủ Tướng Blair đã tin rằng Saddam có những thứ vũ khí đại công phá có thể tấn công trong vòng 45 phút. Thế nhưng, “căn cứ vào cuộc nói chuyện vào Tháng Ba thì chính ông ta cũng tin vào bản thân mình”.

Ngoài ra, ông Cook, qua buổi nói chuyện vào Tháng Ba trên đây, cũng bị bối rối về “thời hạn tiến đến cuộc chiến hoàn toàn không bị chi phối bởi mức tiến bộ của các cuộc thanh tra vũ khí do Liên Hiệp Quốc thực hiện. Tony không thực hiện một nỗ lực nào để tỏ ra cho thấy rằng những gì ông Hans Blix tường trình sẽ làm thay đổi được cuộc xâm chiếm đang đến hồi bùng nổ”.

Ở thủ đô Baghdad, cuộc xuống đường của các cựu quân nhân Iraq đòi trả lương cho họ vẫn tiếp tục bạo động sang tới ngày thứ hai, Chúa Nhật 5/10. Thời hạn quân nhân được trả đã quá hạn, nhưng mới chỉ có 320 ngàn người trong 440 ngàn lính được lãnh lương mà thôi cho tới Thứ Bảy 4/10/2003 vừa rồi.

Hậu Chiến Iraq: tiếp tục Phản Chiến hay bắt đầu Phản Chiếm

Chiều Thứ Sáu 26/9/2003, trên đường đi lễ 5 giờ 30 chiều hằng ngày ở nhà thờ Our Lady of The Assumption ở Claremont thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, tôi thấy ở ngã tư Indianna Hills và Arrow Highway có khoảng độ 30 người cầm biểu ngữ đứng ở 4 góc đường, với những câu phản chiến, chống chính phủ Bush đã gian dối về vấn đề chiếm đóng Iraq và yêu cầu rút quân chứ đừng để thí mạng lính của mình ở Iraq. Không ngờ, ngày hôm sau, Thứ Bảy 27/9, qua CNN, tôi thấy được cả một trào lưu phản chiến lại bắt đầu tái diễn qua những cuộc xuống đường ở nhiều thành phố Âu Châu vào ngày thứ bảy này, những cuộc xuống đường tuy không tranh đấu đông đảo và ồ ạt bằng thời tiền chiến Iraq, nhưng cũng mãnh liệt cho thấy lòng người rất bất mãn về tất cả những gì là bất chính của cuộc tấn công giải giới Iraq của Hiệp Chủng Quốc (US: United States) và Hiệp Vương Quốc (UK: United Kingdoms).

Ở Luân Ðôn, thủ đô của UK, như cảnh sát ước lượng, có khoảng 10 ngàn người (trong số 100 ngàn người như ban tổ chức The Stop The War Coalition ước định) tỏ vẻ giận dữ về cuộc chiếm đóng cũng như về lý do của lực lượng US và UK chiếm đóng này. Ông Peter Mason, 45 tuổi, đã nói với Hãng Thông Tấn Reuters rằng: “Tất cả là giả dối. Hàng triệu người xuống đường trước cuộc chiến đã đúng”. Những lời hô hoán không ngớt vang lên trên đường phố “Lính tráng hãy ra khỏi Iraq và Blair vượt cả chỉ số 10”. Vào Tháng 2/2003, Luân Ðôn đã chứng kiến một cuộc xuống đường phản chiến chưa từng có trong lịch sử của UK. Từ Tháng Tư trở đi, tức từ sau khi xẩy ra cuộc tấn công giải giới, đây là lần đầu tiên Luân Ðôn lại chứng kiến một cuộc phản chiếm thời hậu chiến Iraq. Cuộc xuống đường này diễn ra một ngày trước khi đảng Labour của Thủ Tướng Blair gặp nhau hằng năm. Ban tổ chức xuống đường hôm nay nói họ tiếp tục xuống đường nữa khi Tổng Thống Bush thăm Thủ Tướng Blair vào Tháng 11 tới đây.

Ở Tây Ban Nha, trong khi cuộc xuống đường sẽ được thực hiện vào buổi tối Thứ Bảy này, và ở Vienna thủ đô Áo quốc có 200 người xuống đường phản chiếm, thì ở Nhã Ðiển thủ đô nước Hy Lạp có khoảng 2 ngàn người mang biểu ngữ với hàng chữ “Ngưng lại việc can thiệp của một tên đế quốc” "Stop imperialist intervention" và “Những kẻ xâm chiếm hãy cút khỏi Iraq” "Occupiers out of Iraq."  Ở Bá Linh, thủ đô Ðức Quốc, theo cảnh sát, có khoảng 400 người xuống đường ở gần tòa nhà quốc hội để chống lại cuộc chiếm đóng Iraq cũng như để tỏ ra ủng hộ nhân dân Palestine đang chống lại việc Do Thái chiếm đóng đã 3 năm rồi. Em Carlotta Wendt 14 tuổi đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng: “Chúng ta không được giúp tiền bạc cho việc tái thiết Iraq của người Hoa Kỳ vì họ đã dội bom Iraq”. Em Daniel Compart, 19 tuổi, đã sơn hai bàn tay mình đỏ lòm, biểu hiệu bàn tay đẩm máu của Hoa Kỳ nhúng vào Iraq, em đã nói với Reuters rằng: “Ðiều quan trọng là những người bình thường vẫn còn chống lại chiến tranh cho dù chiến tranh đã chấm dứt”.

Riêng về vấn đề Do Thái tấn công khủng bố Palestine, theo tờ nhật báo Haaretz của Do Thái phát hành ngày Thứ Tư 24/9/2003, thì tướng tư lệnh không quân Dan Halutz đã nhận được một bức thư của 27 sĩ quan không quân vừa tại ngũ lẫn hưu trí bày tỏ ý muốn không tham gia vào các cuộc tấn công người Palestine ở vùng Tây Ngạn và ở giải Gaza. Lực Lượng Phòng Vệ Do Thái IDF (Israel Defense Forces) không tỏ ra phản ứng gì cấp bách. Trong số những người ký vào bức thư này có tướng Yiftah Spector, một vị tư lệnh của Cuộc Chiến Yom Kippur 1973 lừng danh. Một số người ký vào bức thư này trước đây cũng đã lên tiếng phản đối những cuộc tấn công như thế.

Trong khi đó, ở Iraq, theo một bản thăm dò Gallup ở Washington, thì Kết quả cho thấy đa số (62%) dân cư ở Iraq cho rằng việc lật đổ chế độ Saddam Hussein thì xứng đáng với giá những khốn khổ họ đã phải chịu đựng trong thời kỳ này, tuy nhiên, họ bất đồng với nhau về tình trạng đất nước của họ khá hơn hay tệ hơn sau cuộc xâm chiếm của người Hoa Kỳ (WASHINGTON (AP) -- While most residents of Baghdad say that ousting Saddam Hussein was worth the hardships they've endured since then, they are divided on whether the country is worse off or better off than before the U.S. invasion, according to a Gallup poll).

2/3 hay 67% dân chúng nghĩ rằng tình trạng Iraq sẽ khá hơn trong vòng 5 năm nữa, khá hơn trước cuộc xâm chiếm của Hoa Kỳ; chỉ có 8% nghĩ rằng tệ hơn trước. Tuy nhiên, đối với tình hình hiện nay, có 47% cho rằng tệ hơn trước, và chỉ có 33% cho rằng khá hơn trước. Cuộc thăm dò này có 1.178 người lớn Iraq tham dự thẳng với người thăm dò tại nhà của mình ở Iraq, cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 28/8 đến 4/9/2003. Viện thăm dò Gallup đã thiết lập một trung tâm ở Baghdad thủ đô Iraq. 6/10 người Iraq thiên về Hội Đồng Quản Trị Iraq mới, nhưng hầu hết thấy rằng những ưu tiên của hội đồng này đã được sắp xếp bởi các thẩm quyền thuộc lực lượng liên minh. Phân nửa cho rằng các thẩm quyền liên minh đã hành sử khá hơn hai tháng trước, còn 14% cho rằng tệ hơn trước.

Thế nhưng, vấn đề US cần phải chiếm đóng Iraq để giữ an ninh cho Iraq và lập chính phủ cho Iraq sẽ kéo dài bao lâu, Bộ Trưởng Nội Vụ Colin Powell cho biết ông đã bàn với các ngoại trưởng Pháp, UK, Nga và Tầu cũng như các phần tử thuộc Hội Đồng Quản Trị Iraq do Hoa Kỳ chỉ định về vấn đề này. Qua cuộc phỏng vấn đêm Thứ Năm 25/9/2003 với chương trình truyền hình đàm luận của David Latterman, vị bộ trưởng này đã cho biết chi tiết về thời gian cần bao lâu để chuyển giao quyền bính lại cho nhân dân Iraq như sau: “Chúng tôi nóng lòng thấy được bản hiến pháp được viết và ưng chuẩn trong vòng 6 tháng tới đây hay khoảng đó, và nếu có thể sau đó một khoảng thời gian trước cuộc tuyển cử. Khó lòng mà đưa ra ngày giờ chính xác được”. Sau khi nghe ông Latterman mớm “Vậy thì có thể là một năm nữa, một năm rưỡi nữa chăng?”, ông Powell trả lời “tối thiểu là như thế”. Ông cho biết nhân dân Iraq cần phải có một chính quyền được tuyển cử đã trước khi đồng minh trao quyền kiểm soát cho nước này và rút quân.

Cho đến hôm Thứ Năm 25/9/2003, kể từ khi cuộc chiến xẩy ra, US đã thiệt mạng tới 307 người, trong số đó có 196 người vì đụng trận, còn 111 người bị chết vì các cuộc khủng bố và tai nạn. Về vấn đề truy lùng vũ khí đại công phá ở Iraq, cho đến nay vẫn chưa thấy gì, như một bản tường trình vừa cho biết qua Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, phát ngôn viên của tòa nhà trắng này là Scott McClellan cho biết: “Đó là tiến triển cho đến nay, nhưng sự thật sẽ được sáng tỏ”.

 

Giải Giới Iraq: Bí Mật lại Bật Mí

Hôm Thứ Tư 17/9/2003, trả lời cho Ban Điều Tra Hutton về vụ tử tử của khoa học gia David Kelly của chính quyền liên quan đến những bản tường trình phát thanh của mình, ông Andrew Gilligan đã thú nhận là đã lầm lẫn nơi cách ông tường trình cho rằng chính phủ Hiệp Vương Quốc đã phóng đại chứng cớ về các thứ vũ khí đại công phá bị cáo giác của Iraq. Tuy nhiên, ông này vẫn nghĩ rằng đã có những mập mờ nơi các viên chức tình báo về hồ sơ liên quan đến các thứ vũ khí ở Iraq được chính phủ Tony Blair phổ biến vào Tháng 9/2002.

Sau đó tới phiên ông Richard Sambrook, vị làm đầu thông tin của đài BBC, đã thú nhận là đã có một số lầm lẫn trong những lời tuyên bố của BBC sau bản tường trình của Gilligan được khai triển theo chiều hướng với văn phòng của Thủ Tướng Blair. Theo ông này thì đài BBC cần phải khảo sát lâu hơn nữa những vấn đề này và bản tường trình phát thanh của Gilligan cần phải được các vị luật sư chấp thuận trước đã.

Trong lần phát thanh ngày 29/5, ông Gilligan đã nói rằng một viên chức cao cấp ẩn danh của Hiệp Vương Quốc đã tố cáo rằng văn phòng của Thủ Tướng Blair đã nhét thêm vào bản hồ sơ chi tiết là Iraq có thể phóng hỏa các thứ vũ khí đại công phá trong vòng 45 phút thôngh báo, một chi tiết mà văn phòng này biết rằng có thể sai không đúng.

Ông Gilligan lần thứ hai hôm Thứ Tư 17/9/2003 rằng ông không có ý gây ra ấn tượng cho rằng chính phủ đã gian dối: “Lời tố giác tôi có ý tạo nên là một điều xoay chuyển. Tôi thực sự hối tiếc những lời ấy… đáng lẽ tôi không được sử dụng chúng”. Ông này còn thú nhận là ông đã sai lầm khi cho rằng nhà khoa học tự tử là “một phần tử của hoạt động tình báo” trong bản tường trình của ông. Tuy nhiên, ông đã nói với Ban Điều Tra rằng bản tường trình của ông hoàn toàn phản ảnh những gì khoa học gia Kelly tin tưởng, đó là có một số nhân viên trong ngành tình báo đã không hài lòng về chi tiết 45 phút vì họ nghĩ rằng nó không hoàn toàn trung thực.

Cho đến nay, Ban Điều Tra Hutton đã tiến đến chỗ những nhân vật chính yếu đã được tra vấn bởi các vị luật sư của chính quyền, đài phát thanh BBC và gia đình khoa học gia Kelly. Ban Điều Tra này sẽ tiếp tục phận sự của mình cho tới ngày 25/9/2003, ngày ông Lord Hutton sửa soạn bản tường trình của ông về kết quả cuộc điều tra.

Đó là những chi tiết về việc giải giới Iraq được bật mí ở Hiệp Vương Quốc. Chưa hết, chính vị trưởng ban thanh tra Liên Hiệp Quốc là ông Hans Blix cũng đã cho biết ý nghĩ của ông về vụ này qua cuộc phỏng vấn từ Thụy Điển với đài phát thanh Úc Đại Lợi ở Sydney, một cuộc phỏng vấn được phổ biến hôm Thứ Tư 17/9/2003, là theo ông nghĩ Iraq đã hủy hoại các thứ vũ khí đại công phá của họ 10 năm trước đây và các cơ quan tình báo đã sai lầm trong việc thẩm định đưa đến chiến tranh của mình: “Thời gian càng qua đi tôi càng nghĩ rằng không thể tìm thấy điều gì cả. Tôi càng tin vào ý nghĩ là Iraq, như họ tuyên bố, đã hủy hoại hầu hết tất cả những gì họ đã có vào mùa thu (bắc cực) năm 1991”.

Thật vậy, vào năm 1991, Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (IAEA: International Atomic Energy Agency) đã tìm thấy cái được gọi là một chương trình chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử bí mật ở Iraq. Cơ quan này đã phái mất 7 năm trời để lật tẩy khả năng nguyên tử lực của Iraq cho đến khi các thanh tra viên của cơ quan ấy bị trục xuất vào năm 1998. Ông Blix nói rằng Hoa Kỳ “ban đầu thì nói về chính các thứ vũ khí một cách cụ thể, sau đó họ nói về các chương trình chế tạo các thứ vũ khí… có thể họ sẽ tìm thấy một vài văn kiện đáng kể chăng”.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 5 tháng tìm kiếm, Hoa Kỳ, với lực lượng Nhóm Truy Xét Iraq 1500 chuyên viên, nhiều gấp gần chục lần ban thanh tra viên quốc tế trước khi Iraq bị tấn công, với thời gian dài gần gấp đôi thời gian của ban thanh tra LHQ, mà vẫn không tìm ra các thứ Hoa Kỳ cần phải giải giới. Các viên chức Hoa Kỳ hôm tháng 7 đã cho biết đã khám phá ra những văn kiện cho thấy chương trình chế tạo các thứ vũ khí ấy. Tuy nhiên, đài ABC Hoa Kỳ tường trình hôm Thứ Hai 15/9/2003 rằng bản tường trình đang được biên soạn của Nhóm Truy Xét Iraq này không cung cấp một chứng cớ chắc chắn nào về việc Iraq có những thứ vũ khí ấy khi Hoa Kỳ tấn công Iraq. Trong khi đó chính phủ Bush cứ khăng khăng nói rằng cần phải có giờ để tìm kiếm những thứ vũ khí này (thế mà họ đã không cho ban thanh tra Liên Hiệp Quốc thời gian!), và chứng cớ kín mật rồi sẽ được tỏ lộ.

Sau khi lên tiếng từ Thụy Điển qua cuộc phỏng vấn được phổ biến ở thủ đô Úc Đại Lợi về vấn đề giải giới Iraq hôm trước, ngay hôm sau, Thứ Năm 18/9/2003, ông nguyên trưởng ban thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc Hans Blix này còn đi sâu hơn nữa về vấn đề này với đài phát thanh Hiệp Vương Quốc. Những lời tuyên bố cho thấy nhận định của ông về vấn đề then chốt của cuộc chiến Iraq này đã được phổ biến sau mấy tiếng Tổng Thống Bush tuyên bố về việc Tổng Thống Saddam Hussein liên quan đến biến cố 911: “Không chối cãi được là Saddam Hussein có những liên hệ với tổ chức al Qaeda. Chúng ta không có chứng cớ cho thấy Saddam Hussein có dính dáng đến ngày 11/9”. Trước đây, trong hai bài diễn văn kêu gọi tấn công Iraq (7/10/2002 và 28/1/2003), cũng chính vị tổng thống này đã gán ghép nhà độc tài Saddam Hussein có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al Qaeda, và với những thứ vũ khí đại công phá trong tay sẽ có thể là mối nguy cơ khủng bố tấn công bất cứ lúc nào, nguy hiểm cho hòa bình Trung Đông nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.

Ông Blix đã cho biết chính phủ Bush và Tony Blair đã “giải thích quá đáng” hồ sơ tình báo về các thứ vũ khí của Saddam Hussein. Hai chính phủ này đã cho rằng Iraq nguy hiểm khi căn cứ vào chứng cớ sau này cho thấy thiếu khả tín, bao gồm cả những văn kiện tạo tĩnh liên quan đến việc Iraq mua bán chất uranium để chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử: “Vào thời Trung Cổ, lúc người ta tin rằng có những tay phù thủy, người ta đã tin rằng sẽ tìm thấy những tay phù thủy này. Đó là một thứ mạo hiểm”.

Ông cho rằng hồ sơ của chính phủ Blair về các thứ khí giới của Iraq đã “làm cho độc giả tiến đến những kết luận suy rộng hơn một chút” những gì thực tế cho thấy. “Chúng ta thấy rằng các chuyên viên quảng cáo về một chiếc tủ lạnh bằng những từ ngữ chúng ta không hoàn toàn tin nổi, thế nhưng chúng ta mong muốn các chính quyền cần phải trân trọng hơn và tỏ ra có uy tín hơn”. Ông còn thêm đáng lẽ các chuyên viên thanh tra của LHQ về các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq cần phải được tiếp tục việc làm của mình, nhưng đã không thể làm gì hơn sau ba tháng cho tới ngày 18/3/2003, trước tối hậu lệnh tấn công Iraq của Tổng Thống Bush trong vòng 48 tiếng. Ông nhận định về thái độ của ông Bush và Tony kêu gọi cho họ có giờ lục soát các thứ vũ khí cấm này, tới nay đã 5 tháng trời, hơn thời gian thanh tra của LHQ 2 tháng, là “Việc nhẫn nại họ đòi hỏi cho chính họ hiện nay không phải là những gì họ đã muốn ban cho chúng tôi”. (Ðúng như thoidiemmaria.net đã nhận định trên đây).

 

Hậu Chiến Iraq: giải phóng hay chiếm đóng

Sáng sớm Chúa Nhật 14/9/2003, lại một lính Mỹ bị tử thương ở Fallujah, địa điểm cách thủ đô Baghdad khoảng 43 dặm về phía Tây, miền có nhiều tàn quân của cựu Tổng Thống Saddam Hussein. Cho đến người chết này, con số thương vong của Hoa Kỳ là 294 mạng, 155 mạng kể từ sau khi Tổng Thống Bush tuyên bố kết thúc trận chiến chính thức vào ngày 1/5/2003. Sau đó mấy tiếng, bộ trưởng nội vụ Hoa Kỳ là ông Powell Colin đã tới Baghdad và nói trong một cuộc họp báo là “Chúng tôi đã đến đây… như những người giải phóng. Chúng tôi đã giải phóng một số quốc gia, và chúng tôi không chiếm cứ một tấc đất của bất cứ quốc gia nào trong các nước ấy, ngoại trừ nơi chúng tôi chôn cất người chết của chúng tôi”.

Ông nói Hoa Kỳ không hề có ý định ở lại Iraq lâu hơn nhu cầu đòi hỏi. Ông nói với CNN rằng “Chúng tôi nbao giờ cũng biết rằng Liên Hiệp Quốc muốn đóng vai trò ở Iraq. Nhiều lần Tổng Thống của chúng ta đã nói là ông muốn Liên Hiệp Quốc đóng một vai trò nồng cốt. Tại sao? Tổng thống tin vào LHQ, và LHQ là một cơ cấu làm cho toàn thể thế giới hợp lại với nhau. Pháp nghĩ rằng chúng ta phải thực hiện điều này nhanh bao nhiêu có thể, ngay cả trong vòng một tháng. Vấn đề duy nhất ở đây đó là không có một chính phủ nào quí vị có thể trao quyền hành cho cả. … Chúng ta muốn trao chính quyền từ chúng ta sang cho nhân dân Iraq với một vai trò lãnh đạo được tuyển cử chứ không phải được chỉ định. Cái vội vã này là kẽ hở nơi dự định của nước Pháp”.

Nhận định của www.thoidiemmaria.net: Qua lời của vị Bộ Trưởng Nội Vụ Hoa Kỳ có ba vấn đề cần phải đặt ra, trước hết, nếu Hoa Kỳ không muốn giải quyết vấn đề Iraq hậu chiến một cách nhanh chóng bao nhiêu có thể, thì tại sao lại thúc bách ban thanh tra vũ khí Liên Hiệp Quốc phải hoàn tất công việc của họ sớm bao nhiêu có thể, đến nỗi họ chưa kịp xong như ý mình thì đã tự động gạt họ ra ngoài đem binh bom tấn công Iraq rồi? Như thế là Hoa Kỳ muốn làm gì thì làm theo ý nghĩ và ý muốn của mình, vì ỷ mình mạnh? Sau nữa, Hoa Kỳ tự mình làm gì có quyền hành trên nhân dân Iraq mà nói là trao quyền hành cho chính phủ của họ, chẳng lẽ nước Iraq lạc hậu đến nỗi không biết lập một chính phủ cho mình, cần phải có Hoa Kỳ mới được? Đấy là chưa kể đến việc Hoa Kỳ coi thường Liên Hiệp Quốc, không cho LHQ đóng vai chủ chốt trong việc giải quyết cho Iraq, y hệt như thái độ Hoa Kỳ đã coi thường việc thanh tra các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq trước đây vậy. Vấn đề thứ ba đó là lý do để Hoa Kỳ viện lý chính đáng trong việc giải phóng Iraq là Saddam Hussein và các thứ vũ khí đại công phá, vậy mà cho tới nay vẫn chưa thực hiện được ý đồ của mình, là hạ Saddam Hussein và tìm ra khí giới cấm, (ngược lại còn bị đe dọa bởi Saddam Hussein trong bóng tối, như những chi tiết dưới đây), thì có gọi là giải phóng hay chăng? Vả lại, giải phóng gì mà lại không để cho người được giải phóng tự chủ song cứ chần chừ không muốn ra đi, như thèm thuồng muốn cai trị người được giải phóng?

Trong khi đó, càng cố gắng ở lại với thành phần được giải phóng số thương vong càng tăng bởi những cuộc tấn công du kích do tàn quân của nhà độc tài Saddam Hussein gây ra, một nhân vật Hoa Kỳ muốn triệt hạ và treo giải thưởng 30 triệu Mỹ kim. Hôm Thứ Tư 17/9/2003, tại Hoa Kỳ, trước cuộc thăm dò cho thấy 70% người Hoa Kỳ nghĩ rằng Saddam Hussein có nhúng tay vào biến cố 911, Tổng Thống Bush, và bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld (hôm Thứ Ba 16/9/2003) đều xác nhận là không có một chứng cớ nào cho thấy như vậy.

 

Cũng cùng ngày Thứ Tư này, một đài tin tức Ả Rập đã phát tiếng được cho rằng của cựu Tổng Thống Saddam Hussein kêu gọi quân đội Hoa Kỳ hãy rời Iraq hay tiếp tục đương đầu với các cuộc tấn công. Tiếng nói tuyên bố là cuộc rút lui của Hoa Kỳ “không thể nào không xẩy ra, nếu không phải hôm nay thì ngày mai. Chúng tôi kêu gọi nhà ngươi hãy rút quân đội của mình sớm bao nhiêu có thể một cách vô điều kiện, vì không có lý do nào để những mất mát hơn nữa trở thành một thảm họa cho Hoa Kỳ, nếu các viên chức Hoa Kỳ, chính yếu là nhà ngươi, cứ nhất định tiếp tục việc xâm lược và máu hung hăng của mình”. Hai người con trai của cựu Tổng Thống Saddam Hussein là Uday và Qusay đã bị quân đội Hoa Kỳ giết chết vào Tháng Bảy vừa rồi ở Mosul. Thánh trước đây Đài Phát Thanh Labanon cũng đã cho phổ biến một băng cũng được cho là của Saddam Hussein phủ nhận cuộc khủng bố tấn công 29/8. Tháng Bảy cũng có một cuốn băng kêu gọi nhân dân Iraq hãy chống lại lực lượng Hoa Kỳ.

Về vấn đề Iraq Hậu Chiến cũng vẫn là một vấn đề gây nhức nhối cho quốc tế nói chung, nhất là cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nói riêng, vì những bất đồng nội bộ, giống như những gì xẩy ra thời Iraq Tiền Chiến sau quyết định thanh tra vũ khí và trước quyết định giải giới bằng võ lực vậy.

Giải thuyết của Hoa Kỳ kêu gọi lực lượng quân sự đa quốc “hợp lại” dưới quyền tư lệnh của Hoa Kỳ, cho phép hội đồng quản trị do Hoa Kỳ chọn lựa phác ra một thời gian để soạn thảo bản hiến pháp Iraq cũng như để tuyển cử.

Giải thuyết của Pháp và Đức là muốn đặt ra một thời hạn để chuyển giao quyền hành cho nhân dân Iraq. Họ muốn quốc tế kiểm soát các ngân quĩ tái thiết Iraq, nhất là qua Quĩ Phát Triển Iraq, được lập ra để thu giữ các thứ lợi tức về dầu hỏa. Bởi vì, theo một giải thuyết trước đây thì Hoa Kỳ có quyền trên hết trong việc tiêu pha ngân quĩ này dưới sự xem xét của quốc tế. Hai nước Pháp và Đức chấp nhận Hội Đồng Chính Phủ Iraq và hội đống nội các của họ “như là thành phần tín thác viên của thượng quyền Iraq cho đến khi hoàn tất tiến trình tuyển cử một chính quyền đại diện cho dân”.

Theo giải thuyết của Nga thì cho rằng một lực lượng đa quốc có sứ mệnh một năm nhưng Hội Đồng Bảo An có quyền gia hạn thêm. Cũng theo giải thuyết của Nga, sứ mệnh này sẽ hoàn tất khi nào vị tổng thư ký LHQ tường trình cho hội đồng này rằng “tiến trình chính trị” đã đạt được tiến bộ khả quan và vấn đề quân đội không còn cần thiết nữa.

Giải thuyết của Syria là lời kêu gọi “việc quốc tế hóa những cơ cấu về chính trị và kinh tế của Iraq nhắm đến việc chiếm lấy lòng của nhân dân Iraq trong việc giúp họ chấp nhận thành phần chuyển tiếp”.

Nói chung, tất cả mọi quốc gia hội viên của Hội Đồng BALHQ nói rằng họ muốn quyền bính ở Iraq phải được chuyển sang cho nhân dân Iraq được thực hiện sớm bao nhiêu có thể. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khác với các nước, ở chỗ cách thức và thời gian chuyển giao quyền bính này.

 

Hậu Chiến Iraq: Giải Pháp An Ninh

Nếu tiền chiến Iraq đã phân rẽ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra làm hai phe, chủ chiến và phản chiến thế nào, thì hậu chiến Iraq cũng xẩy ra y hệt như vậy nơi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc này. Sau cuộc khủng bố tấn công vào Đền Thờ Hồi Giáo mới đây nhất, một cuộc khủng bố cho rằng do Saddam Hussein và đám tàn quân của vị nguyên tổng thống Iraq này gây ra, nhưng cuốn băng cho là tiếng của Saddam Hussein mới đây đã phủ nhận điều này. Lợi dụng tình thế, Hoa Kỳ phác họa giải pháp tăng thêm quân lực ở Iraq với sự đóng góp của các nước, nhưng dưới quyền điều khiển của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vẫn không chịu nhường quyền kiểm soát hoàn toàn về cả chính trị lẫn kinh tế cho Liên Hiệp Quốc, trong khi vẫn không tìm ra được những gì cần phải giải giới là yếu tố chính đáng đã khiến Hoa Kỳ ngang nhiên qua mặt Liên Hiệp Quốc để đơn phương tấn công Iraq.

Tuy nhiên, lần này có điều lạ là, quốc gia vốn thuộc phe phản chiến thời tiền chiến Iraq là Nga, nay lại sẵn sàng theo phác họa của Mỹ về phương diện nguyên tắc, chỉ trừ Pháp và Đức vẫn tỏ ra không bằng lòng, với chủ trương ủng hộ vai trò then chốt của Liên Hiệp Quốc ở Iraq, chứ không phải Hoa Kỳ. Hôm Thứ Năm 4/9/2003, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga là Sergei Ivanov đã cho biết “tình hình Iraq đang rẽ một khúc quanh nguy hiểm làm cho Nga phải lo âu. Những cuộc khủng bố tấn công cứ tiếp tục diễn ra dữ dội cùng với tất cả mọi thứ người khủng bố qui về đó. Tình trạng này không thể nào không khiến chúng ta phải lo âu. Ngoại Trưởng Nga là Igor Ivanov tỏ ra đồng ý nhiều điểm ở bản thảo của Hoa Kỳ: “Bản quyết định dự thảo mới này về Iraq có những khoản cho thấy những nguyên tắc Nga nhất định ủng hộ, thế nhưng nó cần phải được cẩn thận bàn luận.

Thứ Sáu, 5/9/2003, Hội Đồng Bảo An sẽ họp kín về bản dự thảo của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vào ngày Thứ Năm, 5 phần tử có quyền phủ quyết của hội đồng này đã họp nhau 90 phút để bàn về bản thảo ấy. Cũng vào ngày Thứ Năm, Tổng Thống Pháp Jacques Chirac và Thủ Tướng Đức Gerhard Schroeder, trong một cuộc họp báo ở phía đông thành phố Dresden ở Đức đã cho biết phản ứng của họ là bản thảo của Mỹ không đầy đủ. Tổng thống Pháp nói: “Bản dự thảo thực sự không vươn tới mục tiêu chính, tức là chuyển trách nhiệm chính trị cho một chính quyền Iraq sớm bao nhiêu có thể”. Còn thủ tướng Đức nói rằng bản dự thảo sẽ được Đức ủng hộ chỉ khi nào Liên Hiệp Quốc “nắm trách nhiệm tiến trình chính trị, và nếu thực sự có thể thiết lập một chính quyền Iraq lãnh trách nhiệm điều hành xứ sở này”.

Chúa Nhật 7/9/2003, chừng 200 nhân công trước đây ở Dinh Cộng Hòa thủ đô Baghdad, trong đó có cả các kỹ sư, nhân viên làm vườn và thu dọn, đã biểu tình ngay trước dinh thự này đòi phải trả lương cho họ trong 6 tháng vừa qua. Họ cầm những tấm ảnh của vị nguyên Tổng Thống Saddam Hussein vừa giơ lên vừa hát “Chúng tôi hy sinh cả tâm hồn và máu huyết của chúng tôi cho ông, Saddam”. Câu này là câu dân chúng thường dùng trong những cuộc xuống đường do quốc gia tổ chức để tỏ ra ủng hộ chế độ Saddam.

Cùng ngày Chúa Nhật 7/9/2003, vào buổi tối ở Hoa Kỳ, Tổng Thống Bush đã ngỏ lời cùng dân chúng về ngân qũi cần phải có liên quan đến vấn đề Iraq hậu chiến. Ông cần đến 87 tỉ cho cuộc hậu chiến ở A Phú Hãn và Iraq. Sở dĩ vị tổng thống này yêu cầu như vậy là vì, theo nguồn tin của quốc hội, căn cứ vào những dự tưởng là chi phí cho những hành động quân sự ở Iraq mà thôi sẽ vượt quá 4 tỉ một tháng tối thiểu trong vòng năm tới. Ngoài ra, còn tốn cả bao nhiêu tỉ cho việc tái thiết nước Iraq nữa, một việc mà Tòa Bạch Ốc có lần đã nói sẽ được trang trải hầu hết bởi số thu được từ dầu hỏa Iraq. Tổng Thống Bush nhấn mạnh đến mấy điểm sau đây trong bài diễn văn quốc dân của mình:

“Điều này cần thời gian và đòi hỏi hy sinh. Tuy nhiên, chúng ta sẽ làm những gì cần thiết – chúng ta sẽ chi phí cho những gì cần thiết, để đạt được cuộc chiến thắng thiết yếu trong cuộc chiến chống khủng bố, cổ võ tự do, và làm cho quốc gia của chúng ta an ninh hơn… Tôi biết rằng không phải tất cả bạn hữu của chúng ta đều đồng ý với quyết định của chúng ta trong việc nắm giữ các quyết định của Hội Đồng Bảo An cũng như trong việc lật đổ Saddam Hussein. Tuy nhiên, chúng ta không thể để cho những cái khác nhau trong quá khứ chi phối những phận vụ hiện tại”. Các phần tử của Liên Hiệp Quốc, theo ông, “có cơ hội và trách nhiệm nắm vai trò rộng lớn hơn trong việc bảo đảm cho nước Iraq được trở thành một quốc gia tự do và dân chủ. Chính sách của chúng ta ở Iraq có ba mục tiêu, đó là việc tiêu diệt những kẻ khủng bố, kêu họi sự ủng hộ của các quốc gia khác cho một nước Iraq tự do, và giúp những người Iraq nắm lấy trách nhiệm tự vệ và lo cho tương lai của họ”.

Bài trình bày 15 phút với quốc dân của Tổng Thống Bush nhận được phản ứng vừa thuận lợi vừa bất lợi như sau:

Về phản ứng thuận, trước hết có Dân Biểu Christopher Shays, Connecticut, chủ tịch Phụ Tiểu Ban An Ninh Quốc Gia thuộc Tiểu Ban Hạ Viện Về Việc Cải Tiến Chính Quyền, đã công nhận trong chương trình “Larry King Live” của CNN là tổng thống đã “trình bày một cách chân thành” về những gì cần phải làm để mang lại ổn định cho Iraq: “Vấn đề ở đây là tổng thống đã nói rõ rằng chúng ta đã bỏ ra nhiều công sức ở đấy. Ông chân tình và đối diện với những gì chúng ta cần phải thực hiện để chiến thắng. Nên tôi không thể nào tin rằng có người lại cho là chúng ta muốn thua cuộc ở Iraq”.

Thượng Nghị Sĩ John Kyl, Arizona, cho biết quốc hội không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chi tiền: “Vấn đề là ở chỗ chúng ta có dám thua trong trận chiến tấn công khủng bố hay chăng? Không có gì đe dọacho công dân Hoa Kỳ bằng các tên khủng bố, nên quốc hội sẽ chấp nhận những gì cần phải chấp nhận, bằng bất cứ con số nào đi nữa. Thất bại không phải là giải pháp ở đây. Rút lui không phải là giải pháp”.

Về phản ứng bất lợi, trước hết có Thượng Nghị Sĩ Bob Graham, Florida, người đã phản chiến và là một nhân vật có thể được đảng Dân Chủ đề ra để tranh cử tổng thống đã cho chương trình “Larry King Live” biết con số 87 tỉ “nhiều hơn con số chính quyền Liên Bang chi tiêu cho việc giáo dục năm nay, gấp đôi con số chính phủ liên bang sẽ chi tiêu cho vấn đề đường xá lưu thông và hệ thống chuyên chở công cộng. Tổng thống rõ ràng cho thấy rằng vấn đề quan trọng đối với chúng ta là tái thiết Iraq và A Phú Hãn hơn là giải quyết những vấn đề rất trầm trọng chúng ta đang phải đối đầu ở Hiệp Chủng Quốc”.

Nguyên Thống Đốc Vermont Howard Dean, cũng là một đảng viên Dân Chủ dẫn đầu trong cuộc ra tranh cử tổng thống tới đây, đã nhận định rằng: “Trong 15 phút, tổng thống đã cố gắng tạo nên 15 tháng đánh lừa dân chúng Hoa Kỳ và 15 tuần làm bày nhày việc tái thiết”. Thổng thống đã cho Iraq là “tuyến đầu” của cuộc chiến tranh chống khủng bố và nói là các tay khủng bố ngoại quốc phải chịu trách nhiệm về tình hình bạo động mới đây ở đó. Thế nhưng, ông cựu thống đốc này nhận định là tình trạng mất an ninh gây ra bởi chính cuộc chiến phải chịu trách nhiệm về tình trạng này: “Vị tổng thống này đã gây nên một tình trạng càng nguy hiểm hơn nhiều ở Iraq. Vị tổng thống này đã làm cho Iraq trở thành tuyến đầu của nạn khủng bố”.

Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Bắc CarolinaJohn Edwards, cũng là một nhân vật có thể ra tranh cử tổng thống tới đây, đã cho biết vị tổng thống này “đã tái sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ về tiến bộ và hòa bình không hợp với thực tại đang xẩy ra hằng ngày ở Iraq. Đó là một xứ sở đầy những xao động, chứ không phải là một kiểu mẫu tiến bộ sáng ngời trong cuộc chiến tranh chống khủng bố”.

Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy, Massachusetts, cho biết ông “đã mong nghe thấy vị tổng thống này nhìn nhận những thua bại của chúng ta ở Iraq về cuộc chiến tranh chống khủng bố cũng như về những dự án củ thể của chính phủ trong việc giải quyết những dự án này với các đồng minh của chúng ta và qua Liên Hiệp Quốc. Việc trình bày bản quyết định với Liên Hiệp Quốc chưa đủ. Chúng ta phải có một quyết định đúng đắn, không rõ chính phủ này đã sẵn sàng nuốt đi cái kiêu hãnh của mình chưa mà làm thế chưa. Lời nói là một chuyện. Chúng ta cần những việc làm kìa”.

Giải Giới Iraq: Bí Mật Bật Mí

Ông Brian Jones, vị lãnh đạo một nhóm khoa học gia ở ngành Nhân Viên Tình Báo Quốc Phòng (DIS: Defence Intelligence Staff) đã cho ban điều tra pháp lý ở Luân Đôn do ông Lord Hutton lãnh đạo biết hôm Thứ Tư 3/9/2003 là một trong những phân tính gia các loại vũ khí hóa chất đã bày tỏ “quan tâm đặc biệt” liên quan đến các bản thảo về hồ sơ của các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq. Ông nói: “Điều quan tâm của người này là có một số câu ở trong tập hồ sơ không trình bày một cách chính xác việc ông ta thẩm định về chi tiết tình báo tôi đang có trong tay”. Ông Jones còn cho biết chi tiết trong bản hồ sơ cho rằng Iraq có thể tung ra các thứ vũ khí hóa chất và sinh trùng trong vòng 45 phút là chi tiết nhân viên của ông đã yêu cầu bỏ ra khỏi hồ sơ: “Chúng ta không hề cho rằng chi tiết tình báo này không được ở trong bản hồ sơ. Chúng ta nghĩ rằng đó là một chi tiết tình báo quan trọng”. Chính ông này cũng bày tỏ mối quan tâm của mình như sau: “Những gì tôi quan tâm là khả năng của các thứ vũ khí hóa chất cũng như các thứ vũ khí sinh trùng của Iraq không tiêu biểu một cách chính xác về mọi khía cạnh trước chứng cớ nắm được trong tay. Nhất là… tôi được cho biết rằng không hề có chứng cớ nào quan trọng về việc sản xuất hết, cả về tác nhân hóa chất chiến tranh lẫn các thứ vũ khí hóa chất”.

Chúa Nhật 7/9/2003, một tờ nhật báo ở Luân Đôn phổ biến kết quả một cuộc thăm dò qua thư gửi bưu điện cho biết 43% dân chúng cho rằng Thủ Tướng Blair nên từ chức, 42% đồng ý ông có thể tại chức và 15% lưỡng lự. Cuộc thăm dò YouGov này được thực hiện sau ngày ban điều tra pháp lý do Thẩm Phán Lord Hutton lãnh đạo về cái chết tự vẫn của David Kelly liên quan đến những chi tiết của bản hồ sơ tình báo trong vấn đề các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq.

Bài Giáo Lý về Chiến Tranh Iraq

Cuối tuần lễ đầu tháng 9/2003, ngày 6 và 7, Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Los Angeles đã tổ chức một khóa học hỏi giáo lý hằng năm. Năm nay được tổ chức tại Cộng Đoàn Phục Sinh San Gabriel, nơi trung độ cho việc di chuyển của các giáo lý viên thuộc 14 cộng đoàn trong một TGP rộng nhất Hoa Kỳ. Tổng cộng được khoảng 60 giáo lý viên. Vị giảng huấn là linh mục Vũ Thế Toàn, SJ. Phu nhân của tôi cũng tham dự khóa này. Tối về nàng nói cha cho homework, đó là phải tìm hiểu và chia sẻ một vấn đề về luân lý đang “hot” trong xã hội hiện nay. Nàng hỏi tôi về vụ chiến tranh Iraq xét theo quan điểm luân lý. Tôi đã góp ý kiến với nàng như sau:

Trước hết, không phải việc Giáo Hội Công giáo phản chiến đối với chiều hướng chủ chiến của Hoa Kỳ là bênh Saddam Hussein, mà là muốn bảo vệ công lý và xây dựng hòa bình, một thứ công lý bao gồm bao mạng sống vô tội và một thứ hòa bình liên quan đến chẳng những Trung Đông và thế giới mà còn đến Kitô giáo và Hồi giáo.

Vậy công lý đây ở chỗ nào? Nếu không phải là ở chỗ con người được quyền tự vệ khi bị tấn công, nhưng không được phép tấn công trước dù để đề phòng khủng bố, nhất là một thứ khủng bố không có bằng chứng hiển nhiên, cả về vấn đề liên hệ với các tổ chức khủng bố lẫn vấn đề có các thứ vũ khí đại công phá để khủng bố. Bằng không, con người sẽ đi đến chỗ law of force hơn là force of law, tức đi đến chỗ luật rừng mạnh được yếu thua.

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, khoản 1750 và 1755 thì hành động luân lý của con người bao gồm 3 yếu tố: việc làm, ý hướng và hoàn cảnh hay cách thức; và hành động tốt là hành động bao gồm cả 3 yếu tố luân lý đều tốt. Vậy áp dụng vào trường hợp chiến tranh Iraq, dù Hoa Kỳ có ý hướng tốt là giải giới Saddam Hussein để đề phòng khủng bố đe dọa nền an ninh cho Trung Đông, cho Mỹ và thế giới, nhưng việc đánh nhau tự bản chất là xấu (trừ trường hợp tự vệ), ngoài ra, hoàn cảnh đánh nhau này cũng xấu ở chỗ Hoa Kỳ tự động tấn công Iraq bất chấp thẩm quyền Liên Hiệp Quốc là cơ quan đang thanh tra vũ khí Iraq nhưng vốn chưa thấy gì, nên việc Hoa Kỳ đánh Iraq là một hành động xấu, bậy.

Thời hậu chiến Iraq đã cho thấy cái xấu của cuộc chiến này, chẳng những cả năm tháng trời (từ giữa tháng tư đến giữa tháng chín) vẫn chưa tìm ra một chút manh mối nào về các thứ vũ khí đại công phá của Iraq cần phải giải giới, mà vấn đề tín liệu tình báo càng ngày càng cho thấy những lem nhem của vấn đề này nữa. Thêm vào đó, thời hậu chiến Iraq chẳng những không khá hơn thời Saddam Hussein như Hoa Kỳ mong ước khi đem quân “giải phóng” Iraq để mang lại hạnh phúc cho dân tộc này, mà còn gây thêm lộn xộn trong vị thế vừa giữ an ninh vừa nắm chính trị của nước này, không chịu để cho Liên Hiệp Quốc nắm vai trò chủ yếu trong việc tái thiết đất nước này về lãnh vực chính trị và kinh tế.

 

Iraq Hậu Chiến: Một Ổ Khủng Bố hay Lò Nung Hận Thù - chiếm cứ hay chủ quyền

Sở dĩ phe liên minh Hiệp Chủng Quốc US và Hiệp Vương Quốc UK qua mặt Liên Hiệp Quốc để tự động đơn phương tấn công Iraq, qua các bài diễn văn của Tổng Thống Bush và những lời tuyên bố của Nội Trưởng Colin trong thời gian tiền chiến, có một lý do và một mục đích, lý do đó là Iraq có các thứ vũ khí đại công phá, và mục đích đó là tiêu diệt nhà độc tài Saddam Hussein, kẻo có vũ khí đại công phá trong tay, nhà độc tài này sẽ trở thành mối họa cho hòa bình thế giới. Thế nhưng, cho đến nay, cả lý do lẫn mục đích của cuộc tấn công có vẻ xâm chiếm này, (như Iraq với Kuwait năm 1991), vẫn còn là một bí mật đang được điều tra và tìm hiểu. Nhà độc tài Saddam Hussein chẳng thấy đâu, giống hệt như một con ma bin Laden ở A Phú Hãn, và các thứ vũ khí đại công phá cũng chẳng thấy gì. Đó là vấn đề mập mờ của tiền chiến và lâm chiến, một vấn đề liên quan cả đến thời hậu chiến. Ở chỗ, phe chủ chiến Hoa Kỳ không chịu rút quân khỏi Iraq để hoàn toàn nhường chỗ cho thẩm quyền LHQ làm việc của cơ quan này. Vào ngày Thứ Bảy 23/8/2003, Màn Điện Toán CNN có phổ biến một bức hình chụp quân đội Hoa Kỳ đứng trước một đám dân Iraq với hàng chữ phụ đề “Hoa Kỳ chối từ việc từ bỏ quân sự hay việc kiểm soát chính trị ở Iraq” (U.S. is refusing to consider giving up military or political control in Iraq).
 

Ngược lại, phe kháng chiến Iraq tiếp tục tấn công đoàn quân Hoa Kỳ mang danh giải phóng dân tộc Iraq. Nhất là những vụ phá hoại các cơ sở ở Iraq, chẳng hạn cuộc nổ bom ở Tòa Lãnh Sự Jordan ngày 7/8 làm 10 người thiệt mạng, cuộc phá hủy ống dầu ở miền bắc Iraq ngày 16/8, việc phá hủy các ống nước ở thủ đô Baghdad ngày 17/8, nhất là cuộc nổ bom của chiếc xe vận tại đâm vào tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Baghdad ngày 19/8, làm thiệt mạng 24 người, trong đó có vị sứ giả của Liên Hiệp Quốc ở Iraq. Theo tường trình của ký giả CNN Brahimi Chúa Nhật 24/8/2003 thì vị phát ngôn viên của phe liên minh tấn công Iraq cho biết cho tới ngày hôm nay có khoảng chứng 12 cuộc tấn công vào lực lượng tuần tiểu của Hoa Kỳ mỗi ngày. Hôm Thứ Ba 26/8/2003 có thêm 1 binh sĩ Hoa Kỳ bị chết và 2 bị thương bởi cuộc tấn công gần Hamariyah, một tỉnh giữa Fallujah và Ar Ramadi. Tính đến ngày Thứ Sáu 29/8/2003, ngày xẩy ra một cuộc tấn công tại gần đền thờ ở Fallujah cách thủ đô Baghdad 30 dặm, tổng số binh sĩ Hoa Kỳ bị tử thương thời hậu chiến Iraq là 144, bắt đầu vượt con số 143 người (65 người tử trận và 78 người bởi những nguyên nhân khác) trong chính cuộc tấn công từ ngày 19/3 đến 1/5/2003 (ngày Tổng Thống Bush chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc tấn công giải giới, thật ra có thể nói cuộc chiến được chấm dứt ngay từ ngày Thứ Tư 9/4/2003, ngày bức tượng Saddam Hussein bị giật đổ ở thủ đô Baghdad, sau đúng 3 tuần lễ, từ Thứ Tư 19/3/2003).
 

Vào ngày Thứ Sáu 29/6/2003, ngày lễ hằng tuần của Hồi giáo, (như Thứ Bảy của Do Thái giáo và Chúa Nhật của Kitô giáo), một cuộc khủng bố tấn công bằng một chiếc xe chở bom ở Đền Thờ Imam Ali, gây thương tích cho hơn 140 người và làm thiệt mạng ít là 75 người, trong đó có Ayatollah Mohammad Baqir al-Hakim, vị lãnh đạo tinh thần của Hội Đồng Tối Cao Đặc Trách Cách Mạng Hồi Giáo Iraq. Ahmed Chalabi, vị lãnh đạo Quốc Hội Đất Nước Iraq và là phần tử của Hội Đồng Quản Trị Iraq do Hoa Kỳ chỉ đạo, đã qui trách cho Saddam Hussein và đồng bọn còn sống sót về cuộc khủng bố tấn công này cũng như cuộc khủng bố tấn công tuần trước vào tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, ông này cũng trách cả lực lượng liên minh nữa, đã để cho sự vụ đáng tiếc xẩy ra: “Dân chúng hết sức lo âu. Có thể còn xẩy ra những cuộc tấn công nữa. Hoa Kỳ và đồng minh phải có trách nhiệm giữ an ninh ở mọi phần đất Iraq. Việc cung cấp an ninh là tùy ở họ”.
 

Lợi dụng cuộc nổ bom khủng bố tấn công tòa nhà Liên Hiệp Quốc mới đây, việc chính phủ Hoa Kỳ vận động sự hỗ trợ của Hội Đồng Bảo An trong việc kêu gọi thêm quân đội của các quốc gia khác, nhưng không thành công. Cũng vẫn nước Pháp lên tiếng chống lại Hoa Kỳ, như nước Pháp đã dẫn đầu cuộc phản chiến trước đây ngược lại khuynh hướng và lập luận chủ chiến của Hoa Kỳ. Qua đài phát thanh Pháp, Ngoại Trưởng Dominique de Villepin nói rằng lực lượng đồng minh phải thay đổi từ “lập trường chiếm cứ sang lập trường chủ quyền” ở Iraq. Trả lời cho câu hỏi ông nghĩ sao về lời yêu cầu của Nội Trưởng Powell xin các quốc gia gửi thêm quân đội đến Iraq, ông De Villepin nói: “Có cần phải tăng gia việc giữ an ninh hay chăng? Tôi không nghĩ vậy. Vấn đề thực sự là ở chỗ có nên nghĩ lại vấn đề pha mình vào Iraq hay chăng, chẳng những việc pha mình của Liên Hiệp Quốc mà còn của tất cả moị phía nữa, bao gồm cả của liên minh. Cần phải nhìn nhận chủ quyền của nước Iraq, hầu những người Iraq cảm thấy họ thực sự lãnh đạo và nắm được vận mệnh của họ”.

Nỗ lực của Hoa Kỳ đã gặp phản ứng của phe phản chiến trước đây, ngoài Pháp, còn có cả Nga và Đức. Phe tam quốc phản chiến trước đây hiện nay chủ trương Liên Hiệp Quốc phải đóng vai trò rộng lớn hơn ở Iraq. Hiện nay ở Iraq có 140 ngàn binh lính Hoa Kỳ và hơn 20 ngàn lực lượng các quốc gia khác, nhất là Hiệp Vương Quốc. Theo ông Powell thì có khoảng 30 quốc gia đóng góp quân đội ở Iraq dưới quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ. Một số quốc gia nữa đang gửi quân hay đang bàn đến việc này, như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Moldova, New Zealand, Phi Luật Tân, Bồ Đào Nha v.v.

Đối với Tòa Thánh Vatican, theo vị nguyên quan sát viên của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva là ĐTGM Diarmuid Martin thì vấn đề tái thiết Iraq là vấn đề xã hội dân sự chứ không phải vấn đề can thiệp quân sự, cho dù quân sự có giúp bảo đảm an ninh (mà thực tế cho thấy chính sự có mặt của quân sự lại gây thêm lộn xộn…). Thật vậy, vị TGM này đã nói về đề tài “Iraq: Việc Tái Thiết Khó Khăn” trong cuộc họp kéo dài cả tuần lễ với chủ đề “Cuộc Gặp Gỡ Thân Hữu Giữa Các Dân Tộc”, do phong trào Hiệp Thông Và Giải Phóng ở thành phố ven biển Rimini Ý quốc. Theo vị phó TGM cho TGP Dublin hiện nay thì “Việc can thiệp quân sự đóng góp một phần nhỏ vào việc phát triển xã hội, vào điều kiện nồng cốt cho việc hiện thực dân chủ”. Nhắc lại vụ khủng bố tấn công tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở Iraq mới đây, ĐTGM nhấn mạnh là “Iraq không phải là một tân Yugoslavia” và “tình hình mất an ninh lại càng tăng thêm. Tình trạng yếu kém của cộng đồng Iraq và tình trạng phân mảnh của các nhóm sắc dân khác nhau đã xẩy ra. Saddam đã biết đến điều này và đó là lý do tại sao ông ta đã phân phối các thứ khí giới nơi các cộng đồng khác nhau”. ĐTGM nhận định là xứ sở này giờ đây cần một nền dân chủ để tái thiết và là một thứ dân chủ “không tự mình phát triển, nhất là phát xuất từ một thứ độc tài. Tình trạng hiện nay cho thấy những giới hạn của việc can thiệp bằng quân sự. Nền an ninh của một xứ sở không thể chỉ được xây dựng trên sự hiện diện của những lực lượng võ trang. Việc tái thiết Iraq cần phải được bắt đầu bằng sự tiến bộ của xã hội dân sự”, mà nếu một thứ xã hội như thế “chưa hiện hữu… thì cần phải khơi động và hỗ trợ cho nó hiện lên một cách tỏ tường. Chỉ có khi nào những khả năng của con người được bộc phát nơi thành phần dân chúng thì mới có một thứ chính quyền tự trị, không còn ở trong tình trạng của một quốc gia bị chiếm cứ”.



Những Mập Mờ và Việc Truy Lùng Vũ Khí Đại Công Phá ở Iraq
 

Về việc tìm kiếm vũ khí đại công phá ở Iraq thời hậu chiến, hiện nay, không còn là vấn đề bảo vệ nền an ninh thế giới, nền an ninh Trung Đông hay Hoa Kỳ nữa, như các vị đầu lãnh phe liên minh tuyên truyền, mà là một vấn đề chẳng những liên quan đến chính nghĩa của cuộc chiến đơn phương tấn công nấp dưới chiêu bài cần phải tự vệ trước, mà còn đến thế giá tình báo của Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc nữa. Vấn đề vũ khí đại công phá ở Iraq được diễn tiến như sau:

Năm 1991, theo những điều khoản về hòa bình của Cuộc Chiến Vùng Vịnh, Iraq phải tường trình cho biết xem là họ có các chương trình chế tạo các loại vũ khí đại công phá hay chăng, nếu có phải hủy bỏ những thứ vũ khí này, bao gồm cả các phi đạn tầm xa. Liên Hiệp Quốc giữ vai trò thanh tra các loại vũ khí ấy ở nước này.
 

Năm 1998, vào Tháng 8, Iraq loan báo rằng họ không cho phép Liên Hiệp Quốc thực hiện việc thanh tra vũ khí nữa. Vào Tháng 10 sau đó, họ không chịu cộng tác làm việc thanh tra với LHQ. Sau khi bị đe dọa dội bom, Iraq tiếp tục cho các thanh tra viên LHQ trở lại hành sự, cho đến Tháng 12 Iraq dứt khoát không chịu hợp tác nữa vì cho rằng trong nhóm thanh tra viên có tình báo của US và UK, nên đã bị hai nước này dội bom làm cho các thanh tra viên quốc tế phải ra khỏi nước này, tương tự như tối hậu lệnh tấn công của Hoa Kỳ giữa tháng 3/2003 làm các thanh tra viên LHQ chưa hoàn thành việc làm của mình lại phải ra khỏi Iraq lần nữa.
 

Năm 2002, vào Tháng 11, các thanh tra viên LHQ trở lại Iraq để tái thực hiện việc kiểm soát vũ khí của họ trước đây, dưới sự lãnh đạo của ông Hans Blix và ông Hahamid ElBaradei.

Ngày 14/4/2003, quân đội Hoa Kỳ thấy 11 phòng thí nghiệm lưu động được chôn ở ngoại ô Karbala. Một vị tướng Hoa Kỳ cho rằng những phòng thí nghiệm lưu động ấy có khả năng chế tạo các thứ vũ khí sinh trùng và hóa chất, nhưng theo các cuộc thử nghiệm sau đó thì chúng chỉ được sử dụng cho các thứ vũ khí thông thường. Trước đó còn có 14 thùng được cho là đựng toàn là những thứ hóa chất đáng hồ nghi song chỉ là những thứ thuốc diệt sâu bọ.
 

Ngày 17/4/2003, Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ tuyên bố gửi một nhóm cả ngàn nhân viên mang danh “Nhóm Xem Xét Iraq” để tìm kiếm các thứ vũ khí cấm. Thay thế cho Chiến Dịch Khai Thác 75 của Quân Đội Hoa Kỳ trong việc dẫn đầu việc tìm kiếm ấy, nhóm này bao gồm các nhân viên quân đội, các nhà phân tích tình báo của chính quyền, các khoa học gia dân sự cùng với các tư nhân hợp đồng.

Ngày 19/4/2003, Các viên chức Hoa Kỳ bắt được những chiếc xe thùng (trailers) ở trạm kiểm soát Kurdish ma ụ họ nghĩ được sử dụng làm phòng thí nghiệm các thứ vũ khí sinh trùng. Nhưng sau đó, theo bản tường trình chung của CIA và DIA thì “việc sản xuất chất B.W. (biological weapons) chỉ có mục đích thực sự xài cho những loại xe ấy mà thôi”.

Tháng 5-6/2003, chính phủ Bush và đồng minh tham dự cuộc chiến tranh tấn công Iraq bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ, nhất là thuộc đảng Dân Chủ, cũng như các phê bình gia ngoại quốc đặt vấn đề liệu Hoa Kỳ có quá trớn liên quan đến vũ khí đại công phá của Iraq để lấy cớ tấn công Iraq hay chăng. Tòa Bạch Ốc bác bỏ các lời phê bình ấy và nhất định tin rằng Iraq có các thứ vũ khí cấm ấy.
 

Ngày 9-10/5/2003, Nhóm Vũ Khí Hóa Chất của Quân Đoàn 101 Airbone Hoa Kỳ thấy một phòng thí nghiệm lưu động khác đáng ngờ vực gần Mosul, một khám phá được Ngũ Giác Đài tin rằng có liên quan đến việc chế tạo vũ khí sinh trùng, song chẳng có một chứng cớ nào cho thấy rõ điều nghi vấn này.
 

Ngày 5/6/2003, ông Hans Blix, vị lãnh đạo phái đoàn thanh tra vũ khí ở Iraq trước đây, đã tường trình cho Hội Đồng Bảo An LHQ là “Ủy ban thanh tra trong suốt cuộc thanh tra ở Iraq đã không tìm thấy chứng cớ nào của việc Iraq tiếp tục hay tái diễn các chương trình chế tạo các thứ vũ khí đại công phá hay các lượng chất quan trọng của các thứ được qui định, cả từ trước năm 1991 hay sau đó”. Ông cũng nói Iraq không giải thích về các thứ vũ khí hóa chất và sinh trùng họ tuyên bố là họ đã hủy hoại.

 

Ngày 25/6/2003, khoa học gia Iraq Mahdi Obeidi đã tiết lộ cho CNN biết rằng, theo lệnh của Qusay Hussein và Hussein Kamel (con rể của Saddam Hussein bấy giờ), ông đã chôn giấu những bộ phận và những bản dự án đính kèm trong một khu vườn của nhà ông ở thủ đô Baghdad 12 năm trước đây. Những bộ phận được chôn giấu ấy được dùng cho hệ thống vận chuyển hơi để làm tăng chất uranium. Ông được lệnh giấu những thứ ấy đi để sau này có thể dùng vào việc tái thiết chương trình chế tạo bom đạn.

Ngày 29/6/2003, một ký giả đài BBC tường trình là các nhân viên tình báo lấy làm bất mãn vì văn phòng Downing Street của Thủ Tướng Tony Blair đã “sexed up” một trong những hồ sơ của văn phòng này về chi tiết liên quan đến chương trình chế tạo vũ khí của Iraq. Chính phủ Tony Blair đã lên tiếng bác bỏ lời cáo buộc này và chính Thủ Tướng Tony Blair đã đứng trước tiểu ban quốc hội khẳng định là ông vẫn còn tin rằng sẽ tìm thấy chứng cớ về các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq.

Ngày 11/6/2003, ông Tổng Giám Đốc Tình báo Hoa Kỳ là George Tenet nói rằng hàng chữ trong bài diễn văn State of Union của Tổng Thống Bush ngỏ với toàn dân ngày 28/1/2003 cho rằng Iraq đã cố gắng mua chất uranium ở Phi Châu đáng lẽ không bao giờ cho vào bài diễn văn này. 16 chữ đáng tiếc này nguyên văn là "The British government has learned that Saddam Hussein recently sought significant quantities of uranium from Africa" (chính quyền Hiệp Vương Quốc đã biết rằng Saddam Hussein gần đây đã mua những số lượng chất uranium đáng kể ở Phi Châu). Tòa Bạch Ốc nhìn nhận là những lời khẳng định này dựa vào tín liệu sai lạc.
 

Ngày Thứ Hai 7/7, Tiểu Ban Ngoại Vụ của Quốc Hội Hiệp Vương Quốc đã đã khẳng định bản hồ sơ tình báo của Thủ Tướng Tony Blair “hầu như hoàn toàn phản lại với việc cung cấp tín liệu” và Thủ Tướng Blair qua những lời bình luận trước quốc hội “đã trình bày sai lệch nội dung của nó nên đã đáng tiếc làm cho tình trạng trở nên tệ hại hơn”. Ngày hôm sau, trước tiểu ban này, Thủ Tướng Blair đã nói rằng “chúng tôi tin tưởng Iraq đã cố gắng mua chất uranium này nhưng chúng tôi không thể nói rằng họ có thành đạt trong việc này hay chăng, bởi thế chúng tôi đã nói hệt như những gì tính báo nói vậy”.

Ngày 22/8/2003, ông thượng nghị sĩ Úc Đại Lợi Andrew Wilkie, vị đã từ chức Văn Phòng Thẩm Định Úc hôm Tháng Ba để phản đối việc chính quyền sử dụng sai trái tín liệu của cơ quan này, đã nói với ban điều tra của Thượng Viện Úc là tín liệu trong bản tường trình tình báo đã bị làm méo mó bởi văn phòng của thủ tướng John Howard để “sexed up” cho hợp với dự án chính trị của chính phủ.

Ngày 28/8, về lời cáo buộc là hồ sơ về Iraq đã bị làm sai lệch, trong cuộc thẩm vấn kéo dài 2 tiếng 20 phút, Thủ Tướng Blair nói “Đó là một lên án hết sức nghiêm trọng. Đây là một cáo buộc mà chúng tôi đã tác hành một cách … nếu quả thực như thế thì đáng cho tôi phải từ nhiệm vậy”. Khoảng 100 người xuống đường trong thời gian vị thủ tướng này bị thẩm vấn. Hai phần ba công chúng …. tin rằng chính phủ đã sex up hồ sơ, và thủ tướng Tony Blair sẽ còn phải đương đầu với vấn đề ấy trong một thời gian dài sau này.

Giải giới Iraq: vẫn cứ lẩn quẩn

Nhóm chuyên viên Hoa Kỳ truy lùng các thứ vũ khí đại công phá của Iraq cho đến nay, sau cả hai tháng trời hậu chiến, vẫn chưa tìm ra một dấu vết nào của những cái được gọi là lý do chính đáng cho lực lượng liên minh Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc dám cương quyết qua mặt Liên Hiệp Quốc và bất chấp công pháp để đơn phương tự động tấn công Iraq hầu có thể giải giới nhà độc tài Saddam Hussein, nhờ đó cứu vãn Trung Đông và thế giới (nhất là Hoa Kỳ) khỏi bị nhà độc tài hung ác này tấn công bất ngờ.

Cho đến hôm Thứ Hai 9/6/2003, Tổng Thống Bush vẫn còn “tuyệt đối tin tưởng” rằng “Iraq đã có một chương trình chế tạo các loại vũ khí. Tình báo đã cho thấy trong suốt cả một thập niên họ đã có chương trình chế tạo các loại vũ khí này”. Vì thiếu những chứng cớ nên chính phủ Bush đang phải đương đầu với những thắc mắc và chỉ trích, nhất là vấn đề cần phải điều tra lại các thứ hồ sơ tình báo trước khi xẩy ra cuộc chiến xem có chính xác hay chăng hoặc có vấn đề gì mờ ám trong đó.

Thượng Nghị Sĩ Carl Levin là phần tử của Tiểu Ban Tình Báo Thượng Viện đã nói CNN rằng cộng động tình báo Hoa Kỳ đã cố ý quanh quéo trong vấn đề tình báo để chiếm được việc ủng hộ đối với cuộc chiến đánh Iraq. Bản tường trình tổng kết tháng 9/2002 của Cơ Quan Tình Báo Phòng Vệ DIA (Defense Intelligence Agency), ngành tình báo về quân đội của Ngũ Giác Đài, đã cho biết là “không có một tín liệu nào khả tín về việc Iraq sản xuất và chất chứa các thứ vũ khí hóa chất cả”.

Hôm Chúa Nhật 8/6/2003, qua những buổi nói chuyện ban sáng với đài truyền hình Fox News trong chương trình Fox News Sunday, Bộ Trưởng Nội Vụ Powell và cố vấn an ninh quốc gia Rice vẫn cương quyết là các tín liệu tình báo rất chính xác và đáng tin. Riêng Bộ Trưởng Nội Vụ Powell đã phải dẫn chứng lý do tại sao ông dứt khoát tin tưởng vào các tín liệu tình báo ông đã trình bày trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong khi hội đồng này còn giằng co về việc tấn công Iraq: “Trong việc tôi trình bày trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tôi đã bỏ ra 4 ngày đêm ở Cơ Quan Tình Báo CIA để coi lại tất cả vấn đề tình báo hầu nắm chắc là những gì tôi đã trình bày là vững chắc, khả tín, tiêu biểu cho các quan điểm của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và tôi vẫn an tâm về việc trình bày này”. Về vấn đề bản tường trình 9/2002, ông Powell cho biết bản này không chỉ nói như trên đây, song còn nói tiếp rằng: “các thứ vũ khí hóa chất đã được phân tán ra các đơn vị”. Bà Rice cho biết chính phủ Bush hoan nghênh và cộng tác với bất cứ cuộc điều tra nào của Quốc Hội về vấn đề tình báo này. Một số thượng nghị sĩ, cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, đã yêu cầu thực hiện cuộc điều tra ấy. Thượng Nghị Sĩ Carl Levin thuộc Tiểu Ban Quân Sự Thượng Viện đã nói về vấn đề này vào dịp “Meet the Pree” là: “Nếu tình báo của chúng ta quanh quéo hay che đậy hoặc quá đáng một cách nào đó thì rất ư là nguy hiểm cho chúng ta, nhất là khi chúng ta sau này phải cứu xét đến những thứ đe dọa khác”.
 

Cuộc Họp Thượng Đỉnh G-8 Kết Thúc với Việc Ðồng Lòng Tái Thiết Iraq

Trong bản tuyên cáo đúc kết 4 trang, 8 siêu cường quốc đã tuyên bố là họ hiệp lực tái thiết Iraq: “Mục tiêu chung của chúng tôi là một Iraq hoàn toàn chủ quyền, bền vững và dân chủ”.

Bản tuyên cáo này cũng cảnh giác Bắc Hàn và Iran hãy chấp nhận những thánh tra viên nguyên tử và từ bỏ các thứ khí giới nguyên tử: “Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Bắc Hàn hãy loại bỏ một cách tỏ tường, thực sự và dứt khoát bất cứ chương trình chế tạo nguyên tử nào”.

Đối với Iran, bản tuyên cáo viết: “Chúng tôi sẽ không bỏ qua những ngấm ngầm leo thang các thứ chương trình phát triển nguyên tử ”. Các vị lãnh đạo G-8 cũng lên tiếng “hết mình ủng hộ” việc thanh tra toàn bộ các cơ sở nguyên tử của Iran do IAEA thực hiện nội trong tháng này: “Việc leo thang các thứ vũ khí đại công phá và phương tiện chuyển trao của chúng gây nên một mối nguy hiểm hơn nữa cho tất cả chúng ta. Theo chiều hướng lan tràn nạn khủng bố quốc tế thì nó là một thứ đe đọa khẩn trương cho tình trạng an ninh quốc tế”.

Về vấn đề kinh tế, Thượng Hội G-8 đã tỏ ra tin tưởng về những chiều hướng phục hồi nhưng không hề đả động gì đến vấn đề tiền tệ tế nhị.

Tóm lại, Cuộc Thượng Hội G-8 ba ngày này đã diễn tiến như sau: ngày thứ nhất bàn về vấn đề tất cả những tham dự viên đang phải đương đầu, đó là giúp giải quyết các tình trạng bất hạnh của các quốc gia đang phát triển. Ngày thứ hai, các vị lãnh đạo cố gắng dẹp bỏ những thứ khác biệt và tập trung vào những vấn đề kinh tế toàn cầu cũng như nạn khủng bố khắp thế giới. Ngày cuối cùng đặc biệt về việc tái thiết Iraq.

 

Hậu Chiến Iraq: Tình hình giải giới Iraq vẫn tiếp tục tiến hành nhưng càng căng thẳng và sôi nổi

Hôm Chúa Nhật 1/6/2003, tại Nga, trong cuộc họp báo chung với Tổng Thống Putin, được hỏi về việc truy tìm các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq, Tổng Thống Bush đã cho biết: “Chúng tôi đã khám phá ra những máy móc vũ khí, những phòng thí nghiệm sinh trùng mà Iraq chối không có và là những phòng thí nghiệm bị các quyết định của Liên Hiệp Quốc cấm”. Đầu tuần này, Tổng Thống Bush nói đến 2 phòng thí nghiệm di động được tìm thấy ở Iraq. Nhưng cả Ngũ Giác Đài và những tay săn tìm vũ khí cấm đã xác định những phòng thí nghiệm ấy không có vũ khí. Tổng Thống Putin không có ý kiến gì về vấn đề tìm thấy các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Sky News, đã cho biết “chắc chắn là chứng cớ về các thứ vũ khí đại công phá của Iraq sẽ được tìm ra ở đó. Nhất định là như vậy. Trong những tuần lễ và những tháng tới đây chúng tôi sẽ qui tụ chứng cớ này sau đó chúng tôi sẽ cho dân chúng thấy. Tôi không hồ nghi tí nào là sẽ thấy được chứng cớ về các thứ vũ khí đại công phá của Iraq”.

Hôm Thứ Sáu 30/5/2003, Nga đã thôi thúc lực lượng liên minh phải tường trình sớm sủa việc tìn kiếm các thứ vũ khí cấm ấy. Vị lãnh sự Nga ở Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng như sau: “Chúng tôi mong những vị đồng bạn Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc của chúng tôi trưng dẫn tín liệu này ở một ngày gần nhất. Tóm lại, chúng ta đang hoạt động vì một nguyên nhân chung, và hết sức hiển nhiên là để vẽ một đường kẻ về vấn đề Iraq, người ta phải cứu xét cả những gì lực lượng liên minh đã làm ở đó lẫn những thẩm định của các kiểm điểm viên Liên Hiệp Quốc”.

Cũng vào ngày Thứ Sáu 30/5/2003, một tư lệnh quân đội Hoa Kỳ là James Conway cho biết ông cảm thấy lạ lùng vì thấy rằng các lực lượng Iraq không tự vệ bằng các thứ vũ khí hóa chất hay sinh trùng và đặt vấn đề là phải chăng các vị lãnh quân ở chiến trường đã nhận được tình báo sai lầm: “Tôi cảm thấy lạ tứ lúc ấy cho tới bây giờ là chúng ta không tìm thấy những thứ vũ khí ở một số địa điểm rải rác khắp nơi. Hãy tin tôi đi, ở đây không phải là vấn đề thiếu cố gắng. Chúng tôi thực sự đã ở hết mọi địa điểm dự trữ quân nhu giữa biên giới Kuwait và Baghdad mà chẳng thấy gì cả”.

Vị tướng tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến đang kiểm soát vùng nam Iraq này đặt vấn đề tín liệu tình báo cung cấp cho các vị tướng lãnh Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh như thế này: “Về việc họ sử dụng các thứ vũ khí ấy thì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi hiểu được. Chúng tôi chắc chắn đó chỉ là những gì lượng đoán hay nhất mà thôi… những tiến trình hành động khả dĩ nhất của chúng tôi là những gì các tay tình báo đã cung cấp cho chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn sai lầm. Chúng tôi có sai lầm hay chăng ở lãnh vực quốc gia thì tôi nghĩ rằng đó là vấn đề vẫn còn được xem xét rất nhiều. Tôi nghĩ rằng vấn đề thất bại về tình báo này là một lời lẽ quá mạnh vào lúc này. Tôi không nghĩ rằng chúng ta chưa chịu bỏ cuộc tìm kiếm này”.

Vị tư lệnh này nói với các ký giả tập trung ở Ngũ Giác Đài để tham dự một cuộc tường trình viễn nghị thêm là: “Khi chúng tôi tiến lên miền bắc (trong những tuần lễ đầu của cuộc chiến), đã xẩy ra mấy lần là mọi người ngủ mà chân còn nguyên giầy bố và mặt đeo thặt chật chiếc mặt nạ chống hơi. Một trong những điều thực sự lạ lùng là chúng tôi không bị tấn công bởi các thứ vũ khí đại công phá khi chúng tôi vượt qua con sông Euphrates, hay ngay cả khi chúng tôi vượt qua Tigris và cho tới lúc đánh nhau với quân đoàn Phòng Vệ Cộng Hòa. Chúng tôi thực sự nghĩ rằng những thứ vũ khí ấy đã được phân phối, không phải cho mọi người, không phải cho những quân đoàn bình thường như chúng tôi thấy ở Miền Nam, song niềm tin của riêng tôi là có thể chúng nằm trong tay của các đơn vị Phòng Vệ Cộng Hòa này”.

Phải chăng vấn đề giải giới Iraq mà lại chẳng thấy những gì cần phải giải đâu, sau cuộc chiến cả gần 2 tháng trời mà Tướng Hoa Kỳ Keith Dayton mới là người lãnh đạo một chiến dịch được gọi là Nhóm Thăm Dò Iraq để truy tìm các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq. Chiến dịch này gồm có 1300 chuyên viên của ba quốc gia, Hiệp Chủng Quốc, Hiệp Vương Quốc và Uùc Đại Lợi, để tăng cường cho số chuyên viên hiện đang hoạt động ráo riết ở Iraq hiện nay. Trong số này có chừng 250 đến 300 chuyên viên, (một số đã từng ở Iraq trước khi nhóm thanh tra viên quốc tế phải ra khỏi Iraq cuối năm 1998), sẽ đến thăm các địa điểm đáng ngờ vực. Theo vị tướng này thì gần 200 nhân viên Hoa Kỳ cho tới nay đã tra xét khoảng 1/3 những địa điểm hồ nghi có vũ khí cấm. Vị tướng này cho biết “Nhóm Thăm Dò Iraq tiêu biểu cho một thứ nới rộng quan trọng trong việc lùng kiếm các thứ vũ khí đại công phá”. Ngoài ra, nhóm này còn có trách nhiệm tìm kiếm những tay khủng bố và tội ác chiến tranh nữa. Nhóm này sẽ bắt đầu thực hiện việc của họ cùng lắm vào ngày 7/6/2003.

Còn ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Đại Lợi Robert Hill đã cho biết hôm Thứ Bảy 31/5/2003 rằng mục đích của Nhóm Thăm Dò Iraq này là để thấy được toàn diện bức tranh của những thứ vũ khí đại công phá ở Iraq. Nói ở Hội Nghị An Ninh Á Châu họp tại Singapore, ông nói việc tìm kiếm đã cho thấy chứng cớ nhưng “tôi không biết có thể tìm thấy những thứ được gọi là khói súng này hay chăng. Tôi không nghi ngờ tí nào là ở vào kết thúc tiến trình này thì bức tranh sẽ thuộc về những ai tin là những thứ vũ khí đại công phá là một thứ dụng cụ về chiến thuật… và hiển nhiên là đã được sửa soạn để sử dụng chúng”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của cơ quan nguyên tử lực quốc tế IAEA (International Atomic Energy Agency) là ông Mark Gwozdecky cho biết cơ quan này đang có dự định gửi một nhóm tới Iraq lần đầu tiên từ khi kết thúc chiến tranh Iraq để thực hiện một cuộc thanh tra an tòan ở một cơ sở nguyên tử Iraq là nơi có thể đã bị nạn hôi của. Ông xác định là “những người này không phải là các chuyên viên thanh tra vũ khí. Chúng tôi đang có dự tính gửi một nhóm đến Iraq có thể vào Thứ Tư, 4/6, để kiểm chứng chất liệu nguyên tử ở Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Tuwaitha. Công việc này phát xuất từ những gì Iraq phải tuân giữ theo hiệp ước cấm leo thang nguyên tử”.

Ông Tổng Giám Đốc của IAEA là Mohammed ElBaradei đã nói với CNN hôm Thứ Sáu 30/5/2003 rằng: “Chúng tôi không biết những gì cần phải mong đợi. Chúng tôi đã thấy nhiều bản tường trình về việc hôi của. Chúng tôi sẽ tập trung vào những chất liệu nguyên tử cần phải kiểm chứng mà thôi. Tuy nhiên, lực lượng đồng minh nói rằng họ sẽ lo vấn đề an toàn cũng như vấn đề an ninh của các nguồn phóng xạ. Một lần nữa, tôi xin nói lại rằng chúng tôi sẵn sàng hộ giúp khi cần đến chúng tôi”.

Ông tổng giám đốc này sẽ không đi cùng với nhóm của ông. Việc làm sẽ được thực hiện ở Vị Trí C, một cơ sở chứa chất liệu nguyên tử gần Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Tuwaitha. Theo IAEA thì địa điểm này có khoảng 1.8 tấn chất uranium ở mức độ hạ tác dụng, cũng như có cả 500 tấn chất uranium còn tươi và suy yếu. Chất liệu ấy đã được cơ quan này niêm ấn và thường xuyên thanh tra từ năm 1991. Ông phát ngôn viên Gwozdecky nói với CNN rằng nhóm này “sẽ xác định cho biết chất ấy đã bị nạn hôi của cướp mất đi bao nhiêu, sẽ thực hiện việc kiểm soát bao nhiêu có thể, sẽ niêm ấn trên chất ấy, sẽ bảo toàn cơ sớ ấy rồi trở về. Tháng vừa rồi hay trước đó chúng tôi đã báo động là những chất liệu phóng xạ này không được làm cho thất thoát đi”.

Tiểu Ban Ngoại Vụ của Quốc Hội Hiệp Vương Quốc sẽ thực hiện một cuộc điều tra về quyết định của chính phủ Blair tham chiến ở Iraq. Bản tuyên cáo của tiểu ban này viết:

“Cuộc điều tra này sẽ xét xem Văn Phòng Ngoại Vụ và Hiệp Quốc của chính phủ có trình bày tín liệu chính xác và đầy đủ cho Quốc Hội trong giai đoạn tiến đến chỗ xuất quân ở Iraq hay chăng, nhất là vấn đề liên quan đến các thứ vũ khí đại công phá của Iraq. Tiểu ban này sẽ nghe tất cả mọi chứng cớ trong Tháng Sáu và những chứng nhân sẽ tường trình cho Quốc Hội vào Tháng Bảy”.

Chính phủ Blair đang bị tấn công rất nhiều về vụ này, nhất là các phe đảng đối lập lợi dụng dịp này để tấn công uy tín của chính phủ hiện nay. Chưa hết, các phe đảng đối lập còn cho rằng chính phủ hiện nay đã thêm mắm muối vào bản tường trình tình báo để làm tăng thêm nỗi ghê sợ bị Sađam Hussein đe dọa, một điều Thủ Tướng Blair đã hết sức phủ nhận tại Cuộc Họp Thượng Đỉnh G-8 hôm Thứ Hai vừa qua và nhìn hãy nhẫn nại chờ đợi cho tới khi có kết quả rõ ràng.

Nhận định của thoidiemmaria.net: Nếu quả thực Iraq không có những thứ vũ khí đại công phá thì những gì Thủ Tướng Blair và Tổng Thống Bush đã hồ nghi và đối xử với Tổng Thống Sađam Hussein trước cuảc chiến thế nào thì giờ đây hai con người này cũng bị công chúng đối xử y như vậy, “gậy ông đập lưng ông”, đong cho ai đấu nào bị đong lại đúng đấu ấy. Nếu nhờ dịp này họ nhận ra được sự thật này thì phúc cho họ, vì nhờ đó họ mới biết thông cảm là gì, mới biết thương người hơn, mới bớt hăng tiết vịt. Thế nhưng tội của họ đối với bao sinh mạng đã bị thiệt hại, cả thường dân lẫn quân đội, làm sao có thể đền bồi cho đủ. Nếu quả thực vì một âm mưu nào đó, hoàn toàn không phải vì vấn đề giải giới, mà chỉ lấy lý do giải giới, và tìm cách tạo chứng cớ để tấn công giải giới, thì quả thực họ đánh lừa cả thế giới, tội càng nặng hơn nữa. Nguyên việc bất chấp quyền bính Liên Hiệp Quốc để tấn công Iraq đã là một tội, một việc làm bất chính rồi, thì mục đích giải giới dù chính đáng đến đâu cũng hoàn toàn phản luân thường đạo lý, huống chi việc bất chấp này lại không đạt được mục đích của nó.

Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, một số nhà lập pháp đã phàn nàn là chẳng có chứng cớ gì về các thứ vũ khí đại công phá được tìm thấy ở Iraq cả. Bộ trưởng ngoại vụ Powell và các viên chức cao cấp khác cho biết chứng cớ về những thứ vũ khí cấm này sẽ được tìm thấy nhưng cần phải có thời gian.

Nhận định của thoidiemmaria.net: Trước đây Tổng Thống Bush, Thủ Tướng Balir và Bộ Trưởng Nội Vụ Powell đã thúc giục Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải ra tay bằng quân sự càng sớm càng tốt, nhất là vào những ngày cuối cùng trước khi chiến tranh xẩy ra, và đã phàn nàn về việc các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc làm việc lâu la câu giờ, thì giờ đây tại sao những người này (ông Powell ở Liên Hiệp Quốc, nhất là ông Blair ở Thượng Hội G-8 hôm Thứ Hai 2/6/2003) lại có thể nói là hãy để nhẩn nha, từ từ cái đã?

Tòa Thánh với việc viện trợ nhân đạo ở Iraq


Trong khi lực lượng Hoa Kỳ tại Iraq mới trải qua những cuộc tấn công thì ĐTC gửi ĐTGM Paul Josef Cordes, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng “Cor Unum”, hôm nay, Thứ Tư 28/3/2003, đến Iraq để điều hợp những nỗ lực viện trợ nhân đạo của Giáo Hội Công Giáo ở xứ sở này. Theo bản thông báo được Hội Đồng này phổ biến hôm nay thì ĐTC xin vị TGM chủ tịch này hãy chuyển đến nhân dân Iraq lòng Ngài gắn bó với họ. Công việc của vị chủ tịch này là “đích thân kiểm chứng những nhu cầu và điều kiện cho phép Giáo Hội Công Giáo có thể hoạt động ơ những vùng bị chiến tranh tác hại. Đặc biệt là, cùng với các vị Giám Mục và các Cơ Quan Phi Chính Quyền (NGO) của Công Giáo, ĐTGM thi hành một dự án viện trợ hợp lý và hợp tác để đáp ứng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và lương thực thêm vào những tình trạng khẩn cấp về việc tái kiến thiết. Giáo Hội muốn góp phần, cũng như ở những trường hợp tương tự khác, vào việc phân phối một cách cân đối việc viện trợ nhân đạo cũng như vào việc nâng đỡ vấn đề tái kiến thiết xã hội và chính trị. Trong thời gian ở Iraq, ĐTGM Cordes, vị được các chuyên viên viện trợ nhân đạo hỗ trợ, sẽ gặp gỡ đức khâm sứ tòa thánh, các vị giám mục, các cơ quan Công Giáo và chính quyền dân sự. Chúa Nhật 1/6, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ ở nhà thờ chính tòa Baghdad và ngày hôm sau ngài sẽ đến Mosul. Cho dù vấn đề cấm vận đã được cất đi, một biến cố mở ra những cơ hội mới nơi những liên hệ với cộng đồng Iraq, chuyến đi này của vị đại diện Đức Giáo Hoàng xẩy ra vào một thời điểm hết sức tế nhị cho tương lai của một cuộc sống chung hòa bình ở vùng này”.

Bản Tuyên Bố của ĐTGM Chủ Tịch Hội Đồng Cor Unum về cuộc viếng thăm Iraq

Sau chuyến viếng thăm Iraq với tư cách là vị sứ giả của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong khoảng thời gian 28/5-2/6, ĐTGM Paul Josef Cordes, đã phổ biến một bản tuyên bố trong cuộc họp báo kết thúc cuộc viếng thăm đại diện của mình về vấn đề phối trí việc trợ giúp nhân đạo cho nhân dân Iraq như sau:

“Trong những tháng ngày này, Đức Thánh Cha đã nhiều lần bày tỏ mối quan tâm của Ngài đối với những biến cố xẩy ra tại Iraq. Trước khi xẩy ra cuộc chiến, Ngài đã gửi vị sứ giả đặc biệt của Ngài là ĐHY Etchegaray để tìm kiếm một giải pháp thương thảo cho cuộc xung đột ngay cấp ấy nhờ đó có thể bảo toàn hòa bình.

"Tiếp tục cuộc viếng thăm đó, sau thời gian chiến tranh xẩy ra, Ngài đã yêu cầu tôi làm phát ngôn viên cho việc Ngài gần gũi về tinh thần với những ai đã trải qua những hậu quả đau buồn của cuộc chiến ấy trong những tháng ngày vừa qua.

"Cuộc viếng thăm của tôi được bắt đầu từ ngày 28/5 vừa qua. Cùng với vị khâm sứ tòa thánh là ĐTGM Filoni, tôi đã có 3 cơ hội cử hành Thánh Lễ với những người Công Giáo ở xứ sở đó, vào ngày 29/5 ở Baghdad, ngày 31/5 ở Mosul theo lễ nghi Chaldean và vào ngày 1/6 theo lễ nghi Công Giáo Syria. Bởi thế, tôi đã có thể bày tỏ với cộng đồng Kitô hữu đến tham dự lần nào cũng hết sức đông đảo về mối hiệp nhất và sự khuyến khích của Đức Thánh Cha đối với họ.

"Trong cuộc viếng thăm của tôi đã có nhiều cuộc họp, nhất là hai cuộc tái hợp với hơn 10 vị giám mục, tôi đã đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc dấn thân làm việc bác ái theo sứ vụ của giáo hội. Ngoài ra, tôi đã gặp cả các vị giám mục thuộc các cộng đồng Kitô hữu khác ở Baghdad và Mosul, cũng như gặp thẩm quyền dân sự, như vị tổng giám đốc Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc là ông Francis Dubois, ông thị trưởng Mosul, và một số đại diện ngoại giao.

"Chưa hết, tôi đã có cơ hội viếng thăm một số dòng tu và các tổ chức bác ái được các hội dòng này quản trị, trong số đó có Nhà Thương Thánh Raphael, Nhà Chị Em Nữ Tu Mẹ Têrêsa và cơ sở cho những em gái trẻ ở Mosul. Hết mọi nơi đều bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha về việc Ngài không ngừng dấn thân cho nhân dân Iraq cũng như cho hòa bình. Cảm nghiệm được tinh thần hiệp thông và hợp tác hết mình nơi Kitô hữu ở Iraq, tôi đã bảo đảm với họ là tôi sẽ chuyển lên Đức Thánh Cha lòng cảm mến tri ân sâu xa này của họ.

"Theo phận sự và công việc của một phân bộ của Tòa Thánh Vatican (Hội Đồng Cor Unum), cá nhân tôi đã có thể chứng thực thấy được những nhu cầu của xứ sở này cần đến một dự án viện trợ của các tổ chức nhân đạo Công Giáo. Những nhu cầu nhân đạo này được thấy nơi một số lãnh vực cần phải viện trợ khẩn cấp như lương thực, nhà ở, sức khỏe và giáo dục. Nhiều cơ quan viện trợ Công Giáo đang có ý định cùng với các tổ chức khác đảm nhận những thứ nhu cầu khẩn trương này.

"Cũng như 'Bản Tuyên Ngôn của Các Vị Thượng Vụ và Giám Mục ở Iraq' ngày 29/4/2003, tôi muốn xác nhận việc đóng góp được Giáo Hội Công Giáo cống hiến cho một tương lai mà các quyền lợi về tôn giáo, văn hóa, xã hội và chính trị của tất cả mọi người được nhìn nhận, nhất là, quyền được tự do tuyên xưng đức tin của Kitô hữu được bảo đảm".
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 3/6/2003

 

"Ở vào lúc Iraq đang sang trang và bắt đầu một chương sử mới cho cuộc sống tương lai phúc hạnh…”

Chiều ngày Thứ Tư 30/4/2003, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã phổ biến bản tuyên ngôn bằng hai thứ tiếng Ý và Pháp đề ngày 29/4/2003 của Các Vị Thượng Phụ và Giám Mục Iraq nguyên văn như sau:

“Ở vào lúc Iraq đang sang trang và bắt đầu một chương sử mới cho cuộc sống tương lai phúc hạnh, chúng tôi, những vị thượng phụ và giám mục thuộc các Giáo Hội Kitô Giáo ở Iraq, cũng được thúc đẩy bởi thành phần tín hữu của chúng tôi, muốn bày tỏ nỗi miềm thao thức của chúng tôi liên quan đến tương lai của xứ sở này, hy vọng rằng nhân dân Iraq đã từng trải qua một lịch sử dài với những thua bại và thành đạt, sẽ được sống, không phân biệt tôn giáo và sắc tộc, trong tự do, công lý và tôn trọng việc chung sống liên tôn và liên tộc.

“Khi Hammurabi đã ghi khắn Lề Luật của ngài trên đá ở mảnh đất này thì lề luật đã là nền tảng cho việc phát triển văn minh.

“Khi Abraham nhìn lên các tầng trời cao ở Ur thì các tầng trời này đã mở ra trước mắt ông, và qua mạc khải này, Abraham đã trở nên cha của một dân tộc đông đúc.

“Khi Kitô Giáo và Hồi Giáo gặp nhau, thì ‘những đấng thánh’ đáng kính của hai tôn giáo này đã bắt đầu hai tôn giáo trong một cuộc chung sống tương kính và tương trợ.

“Ngoài ra, vì quyền lợi gốc gác được thuộc về thành phần dân tộc cổ kính nhất nơi mảnh đất này đây, chúng tôi đòi hỏi cho chính bản thân mình cũng như cho tất cả những ai đang sống ở nơi đây hôm nay, dù thuộc về đa số hay thiểu số, liên kết với nhau qua một lịch sử chung sống dài lâu, được toàn quyền sống trong một Quốc Gia có lề luật, trong hòa bình, tự do, công lý và bình đẳng, hợp với Bản Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Tóm lại, chúng tôi, những người Chaldeans, Assyrians, Syrians, Armenians, Greeks và Latins, làm nên một cộng đồng Kitô Giáo duy nhất, yêu câu bản hiến pháp mới của Iraq:

• Nhìn nhận các quyền lợi về tôn giáo, văn hóa, xã hội và chính trị;
• Tiên liệu một thứ luật pháp chú ý tới từng người theo khả năng của họ chứ không kỳ thị, nhờ đó mỗi người có quyền tích cực tham dự vào chính quyền và phục vụ quê hương xứ sở đây;
• Công nhận những người Kitô hữu như là những người công dân Iraq với tất cả quyền lợi của họ;
• Bảo đảm quyền được tuyên xưng niềm tin của chúng tôi theo các truyền thống và luật lệ đạo giáo của chúng tôi, quyền được giáo dục con em của chúng tôi theo các nguyên tắc Kitô giáo, quyền được tự do hội họp, được tự do xây dựng các nơi thờ phượng, cũng như các trung tâm văn hóa và xã hội theo nhu cầu của chúng tôi.

“Sau hết, chúng tôi xin nêu lời kêu gọi này lên với mọi người nhân dân Iraq phong phú về sắc tộc và tôn giáo, với các vị có thẩm quyền về chính trị và tôn giáo, cũng như với hết mọi người còn tha thiết tới thiện ích của đất nước này, và các vị lãnh đạo của cộng đồng quốc tế”.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được phổ biến bởi OP/STATEMENT IRAQI BISHOPS/... VIS 20030430 [430])