Xin tiếp tục tỏ cho chúng con thấy những dấu ấn tử nạn trên thân xác phục sinh của Chúa

Tòa Khâm Sứ Hà Nội

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Tòa Khâm Sứ Hà Nội, một vụ việc tưởng rằng đã êm chuyện, không như vụ Thái Hà sau đó, nhưng không ngờ lại mới bùng nổ còn dữ dội và gay go hơn cả vụ Thái Hà, tiếp ngay sau những biện pháp bất khoan nhượng của chính quyền địa phương đối với vụ Thái Hà nữa. Bởi thế, để hiệp thông với Giáo Hội ở Việt Nam nói chung và Tổng Giáo Phận Hà Nội nói riêng trong tình hình đầy biến động và căng thẳng đến hồi hết sức quyết liệt hiện nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem tại sao vụ việc Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội đã tự nhiên “xẹp xuống” cách đây hơn 7 tháng rưỡi, và những gì mới tái phát hiện nay, nhất là thái độ của giáo quyền ở đây là Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra sao?  

Để ôn lại đầy đủ một cách tổng quan vụ việc Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội xẩy ra từ ngày 18/12/2007, kéo dài tới ngày 1/2/2008, trước Mồng Một Tết Mậu Tý một tuần, chúng ta có thể căn cứ vào 3 văn kiện để tổng quan nhìn lại biến cố đặc biệt này trước đây, đó là lá thư của tập thể giáo dân TGP Hà Nội, công văn của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, và Thư phản bác của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

 

Trước hết là lá thư ngỏ của tập thể giáo dân Tổng Giáo Phận Hà Nội gửi quí vị lãnh đạo chính quyền các cấp “về tòa khâm sứ tại Phố Nhà Chung Hà Nội”, trong đó, ở đoạn gần kết, bức thư ghi nhận rằng:

 

                   Trong khi kiến nghị của Hội đồng Giám mục và của Tòa Tổng Giám mục không được đáp ứng, quận Hoàn Kiếm tiếp tục phát triển kinh doanh nhằm thu lợi nhuận. Đã phá dỡ phần sàn nhà bằng gỗ lim rất đẹp và rất quí đem bán. Đã mở thêm dịch vụ ngân hàng. Vào đầu tháng 12 Tòa Tổng Giám mục cho người sang phản đối việc làm sai trái này, yêu cầu ngưng việc kinh doanh buôn bán. Nhưng không có kết quả. Tiếp đến, Quản lý Tòa Tổng giám mục đã làm một văn thư gửi chính quyền khiếu nại về việc này. Vẫn không nhận được trả lời, trái lại, như một hành động khiêu khích và lấn át, bành trướng thêm việc kinh doanh bằng cách cho mở bãi giữ xe trong khuôn viên Tòa Khâm Sứ. Việc này khiến giáo dân vô cùng bức xúc. Đức Tổng giám mục đã phải lên tiếng. Nhưng không ai đếm xỉa gì đến tiếng kêu của giáo dân và Tòa Tổng Giám mục. Vì thế giáo dân quyết tâm cầu nguyện cho việc này trong ôn hòa, bất bạo động”.

 

Sau nữa là công văn của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ngày 11/1/2008, với chữ ký của bà phó chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng, gửi “Ngài Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam (và) đồng kính gửi: - Ngài Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội”, về vấn đề “vi phạm của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà”, ở ngay 3 đoạn mở đầu đã vừa kể công nhà nước vừa kết tội đối phương như sau:

 

                   Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Tòa tổng Giám Mục và giáo dân như: Lễ đón tiếp Hồng Y Crescenzio Sepe - Tổng trưởng Bộ truyền giáo Vatican đến thăm giáo hội tại Việt Nam, Lễ thụ phong linh mục cho các Tu sỹ tại Tòa tổng Giám Mục Hà Nội, lễ Noel hàng năm và các buổi lễ trọng trong chương trình mục vụ của Hội đồng Giám Mục. Nhất là mới đây, đã đảm bảo cho Đại hội X - Đại hội Hội đồng Giám Mục Việt Nam diễn ra tốt đẹp tại Hà Nội. UBND Hà Nội rất vui mừng và đánh giá cao sự tham gia đóng góp tích cực của các giáo sỹ và cộng đồng giáo dân vào các hoạt động của thành phố. Tuy nhiên chúng tôi rất lấy làm tiếc là thời gian gần đây Tòa tổng Giám Mục Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà đã để xẩy ra các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng giáo dân, vi phạm các quy định hoạt động tôn giáo và pháp luật. Cụ thể: Đối với Toà tổng Giám Mục Hà Nội: Ngày 15/12/2007, Ngài Tổng Giám Mục đã gửi thư không chỉ cho các giáo xứ thuộc giáo phận Hà Nội mà còn gửi tới các giáo dân khác kêu gọi các giáo sỹ và giáo dân tham gia việc đòi lại nhà đất tại 42 phố Nhà Chung; kêu gọi giáo dân đến cầu nguyện tại 42 phố Nhà Chung là trụ sở Phòng Văn hóa Thông tin, Nhà Văn hóa và Trung tâm Thể dục Thể thao quận Hoàn Kiếm. Tối ngày 18/12/2007 và liên tục trong các ngày tiếp theo trong tháng 12 năm 2007, sau các buổi lễ, Tòa Tổng Giám Mục đã kêu gọi giáo dân đến tổ chức cầu nguyện tại khu đất 42 Nhà Chung; đưa ra tượng Đức Mẹ sang đặt tại khu đất 42 Nhà Chung; kèm theo việc phân phát tờ rơi với nội dung có tính chất xuyên tạc chính quyền. Trong những ngày gần đây, Tòa Tổng Giám Mục vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động tập trung đông giáo dân, giáo sỹ cầu nguyện trước cửa số nhà 42 phố Nhà Chung gây mất trật tự giao thông công cộng”.

 

Nhận được công văn của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội trên đây, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã lên tiếng thẳng thắn minh chính và phản bác, qua thư đề ngày 14/1/2008 gửi Bà Ngô thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà nội, trong đó có đoạn quan trọng trực tiếp liên quan tới nội vụ của Tòa Khâm Sứ như sau:

 

                   “Từ nhiều năm nay Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục vẫn làm đơn xin lại khu đất Tòa Khâm Sứ. Như thế đó là đất đang tranh chấp. Không bên nào có quyền xây dựng, thay đổi hiện trạng khi chưa có phán quyết chính thức. Nhưng năm nay, Tòa Khâm Sứ đã liên tục bị vi phạm khi cơ quan tạm quản lý cho xây dựng hàng phở lên 2 tầng. Nếu cơ quan nào cấp phép xây dựng thì cơ quan đó làm sai. Nếu không có phép lại càng sai trái hơn. Ngày 04-12-2007, Tòa Tổng Giám mục đã làm đơn yêu cầu giữ nguyên trạng khu đất. Nhưng không được Chính quyền cứu xét. Trái lại cơ quan tạm quản lý lại cho tháo rỡ mái và sàn khu nhà chính của Tòa Khâm Sứ. Tòa Giám mục cho người sang phản đối, không có kết quả. Ngày 13-12-2007, quản lý Tòa Tổng Giám mục đã ra văn thư khiếu nại. Vẫn không được cứu xét. Ngược lại cơ quan tạm quản lý tòa nhà còn cho mở bãi giữ xe trên sân từ trước đến nay vẫn được tôn trọng. Hành vi bất chấp dư luận lại được sự làm ngơ của các cơ quan chính quyền khiến người dân vô cùng bức xúc. Đó chính là lý do dẫn đến việc giáo dân đến cầu nguyện cho công lý tại Tòa Khâm Sứ. Lỗi đó là sự im lặng có thiên lệch của các cơ quan chức năng không bênh vực quyền lợi của người dân, dung túng cho những người vi phạm… Các cơ quan chức năng đã thiên lệch khi bênh vực những người vi phạm”.

 

Thế nhưng, tại sao sau 46 ngày đông đảo kiên trì bất bạo động xuống đường cầu nguyện, tự nhiên, đúng hơn, đột nhiên “phe ta” rút lui có trật tự? Phải chăng vì khí hậu bấy giờ quá lạnh, nguy hiểm đến sức khỏe của tín hữu, hay gần đến ngày Tết linh thiêng cao quí theo truyền thống dân tộc? Chỉ biết rằng, ngay sau khi nhận được văn thư của Tòa Thánh đề ngày 30/1/2008, ĐTGM Ngô Quang Kiệt đã ra văn thư ngày 1/2/2008 để vừa chúc xuân tín hữu vừa kêu gọi đáp ứng lời khuyên của Tòa Thánh. Vậy chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại 2 văn kiện quan trọng quyết liệt này, trước khi nghe chính ĐTGM Ngô Quang Kiệt trả lời phỏng vấn với Nguyệt San Hiệp Nhất về cảm nghĩ của ngài đối với việc can thiệp của Tòa Thánh vào vụ việc Tòa Khâm Sứ trước đây, và tiếng ngài đối đáp trong cuộc gặp gỡ với Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội hôm 20/9/2008 vừa rồi sau khi vụ việc này tái bùng phát từ phía chính quyền.

 

Về bức thư của Tòa Thánh gửi ĐTGM Ngô Quang Kiệt ngày 30/1/2008, một bức thư đã được đệ trình và chấp thuận bởi ĐTC BĐXVI, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã khôn ngoan nhắc nhở và khuyến cáo nguyên văn tất cả bức thư được văn phòng TGM Hà Nội chuyển dịch như sau:

 

                   Thưa Đức Cha, Như Đức Cha có thể biết, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hằng ân cần theo dõi sát sao những biến cố xẩy ra trong những ngày này tại Hà Nội, liên quan tới những mối căng thẳng vốn có từ lâu giữa Tổng Giáo Phận của Ngài và các cấp Chính Quyền địa phương về quyền sở hữu và sử dụng tòa nhà kế cận tòa Tổng Giám Mục, từng được dùng làm nơi cư ngụ cho phái đoàn Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam nhiều năm trời. Tôi hết sức thán phục lòng mộ mến sốt sắng và tình gắn bó sâu xa với Giáo Hội và Tòa Thánh của hàng ngàn tín hữu, ngày ngày họp nhau cầu nguyện trong hòa bình trước tòa nhà, đã trở thành biểu tượng này, để mong các cấp Chính Quyền dân sự lưu tâm đến những nhu cầu của cộng đồng công giáo. Nhưng, mặt khác, nếu cứ tiếp tục tụ họp như vậy có thể chỉ gây thêm lo âu, vì, như thường thấy trong các trường hợp tương tự, việc không kiểm soát được tình hình và biến những buổi tụ họp ấy thành bạo động trong lời nói cũng như hành động là một nguy cơ thực sự. Vì thế, nhân danh Đức Thánh Cha, người thường xuyên được báo cáo về những diễn biến đang xẩy ra, tôi xin Đức Cha vui lòng can thiệp, để tránh được những hành động có thể gây mất trật tự chung và giúp tình hình trở lại bình thường. Nhờ đó, trong bầu khí lắng dịu hơn, việc đối thoại với các cấp Chính Quyền sẽ được nối lại, để tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề tế nhị này. Tôi xin đoan chắc với Đức Cha rằng, về phần mình, Tòa Thánh, như vẫn làm từ trước tới nay, sẽ luôn truyền đạt những khát vọng chính đáng của người công giáo Việt Nam lên Chính Phủ của nước Ngài. Xin chân thành cám ơn sự cộng tác của Đức Cha và trong tâm tình cầu nguyện gắn bó với Ngài, xin Đức Cha nhận nơi đây lòng chân thành và tận tụy của tôi”.

 

Chắc chắn khi nhận được bức thư này của Tòa Thánh, ĐTGM Ngô Quang Kiệt phải hồi đáp ngay. Tuy chúng ta không có tài liệu về những gì ngài viết cho Tòa Thánh, nhưng, qua những lời ngài trả lơiø phỏng vấn của Nguyệt San Hiệp Nhất Giáo Phận Orange, dịp ngài sang theo lời mời của ĐC Tod Brown là vị chủ chăn của giáo phận đông Người Việt Công Giáo hải ngoại nhất này, những lời đã được tờ báo này phổ biến trong số Tháng 9/2008, và lá thư chúc tết Mậu Tý của ngài gửi tín hữu thuộc TGP Hà Nội của ngài cũng cho thấy tài chăn dắt đàn chiên của mình theo tinh thần hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ.

 

Với Nguyệt San Hiệp Nhất, trang 58, ngài đã trả lời câu thứ 5 trong 14 câu liên quan đến thái độ của ngài trước bức thư của Tòa Thánh như sau:

 

                   Sau khi có bức thư của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chúng tôi đã theo đường hướng của Tòa Thánh đi vào đối thoại. Việc đối thoại chắc chắn phải mất thời gian. Vì đối thoại phải có lắng nghe. Lắng nghe là việc làm rất khó đòi rất nhiều kiên nhẫn. Thực ra vấn đề Tòa Khâm Sứ không phải là đất cát mà thôi, nhưng còn là vấn đề liên quan tới lịch sử Giáo Hội Việt Nam, tới truyền thống, tới tình cảm của người giáo dân đối với Giáo Hội. Thế nên chúng ta vẫn còn phải cầu nguyện nhiều”.

 

Phải, chính vì “chúng tôi đã theo đường hướng của Tòa Thánh đi vào đối thoại” mà ngài đã kêu gọi tín hữu thuộc bản quyền địa phương của ngài rút lui có trật tự qua lá thư chúc Tết của ngài đề ngày 1/2/2008, với nửa phần đầu như sau:

 

                   Anh chị em thân mến, Hơn bốn mươi ngày qua chúng ta đã sống một lễ Hiện Xuống mới. Mọi người đồng tâm nhất trí với nhau, chuyên tâm cầu nguyện và hăng hái rao giảng Tin mừng hòa bình, bất chấp những khó khăn gian khổ, tạo nên một bầu khí hiệp thông rộng lớn không chỉ trong tổng giáo phận mà còn khắp nơi trên thế giới. Chưa bao giờ lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội dâng cao như thế. Chưa bao giờ tình cảm gắn bó giữa chủ chăn và đoàn chiên chặt chẽ đến thế. Chưa bao giờ tình bác ái huynh đệ chan hòa nồng nàn đến thế. Chưa bao giờ lời cầu nguyện chung cho lợi ích của Giáo hội tha thiết đến thế. Thật là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho chúng ta. Tôi không ngừng tạ ơn Chúa và cám ơn anh chị em về hồng ân cao quí này. Nhờ lời cầu nguyện tha thiết của anh chị em, công việc đã có kết qủa. Sau những căng thẳng, đã có đối thoại giữa Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục Việt nam với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà Nước để đi đến một giải pháp tốt đẹp. Giải pháp này sẽ thực hiện qua những bước cụ thể trong tôn trọng lẫn nhau theo ý kiến của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Bước đầu tiên vừa hoàn thành đó là dịch vụ kinh doanh đóng cửa quán phở, giáo dân tháo gỡ lều bạt và cung nghinh thánh giá về. Bước đầu tiên này cũng phù hợp vì hiện nay trời rất lạnh và anh chị em phải chuẩn bị đón Tết. Tôi không đành lòng nhìn thấy anh chị em phải lạnh giá giữa trời mùa đông rét mướt”.

 

Tuy nhiên, để trả lời cho ba câu hỏi của Nguyệt San Hiệp Nhất liên quan tới việc can thiệp của Tòa Thánh được cho là “sự can thiệp đó có phải là làm vô hiệu hóa tinh thần của người giáo dân Hà Nội không?” và “có một văn thư như vậy ĐTGM cũng cảm thấy khó xử phải không ạ?”, vị chủ chiên trẻ trung của 1 trong 3 tổng giáo phận ở Việt Nam đã tỏ ra rất khôn ngoan và trung thành với Giáo Hội qua câu trả lời phải nói là đầy Thánh Thần, nguyên văn như sau:

 

                   Chúng ta là Hội Thánh. Chúng ta làm gì cũng trong tinh thần hiệp thông với Thiên Chúa, với Tòa Thánh. Tôi không làm việc đơn độc. Kết quả trước tiên ai cũng thấy đó là sức mạnh đoàn kết và tinh thần kỷ luật của giáo dân trong giáo hội. Thực sự mọi người rất kính nể tính kỷ luật và đoàn kết này”.

 

Phải chăng lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 15 câu 2 về thân phận “cành nho nào sinh trái Cha sẽ cắt tỉa cho càng sai trái hơn” đã được ứng nghiệm nơi cá nhân ĐTGM Ngô Quang Kiệt? Thật vậy, ngài đã bị thử thách hơn thế nữa, khi ngài thấy những gì được Tòa Thánh mong đợi chẳng những không thành mà còn bị trắng trợn lạm dụng trước hình ảnh của một Tòa Khâm Sứ bị tàn phá bởi chính quyền địa phương, như ngài viết trong Đơn Khiếu Nại Khẩn Cấp ngày 19/9/2008 ngài gửi thẳng đến nhị vị Chủ Tịch và Thủ Tướng Nhà Nước, và đồng gửi đến Ban Tôn Giáo Chính Phủ, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, Công An Thành Phố Hà Nội và các cơ quan liên hệ, nguyên văn như sau:

 

                   Sáng ngày 19/9/2008, tại khu đất Tòa Khâm Sứ số 42 phố Nhà Chung thuộc Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, một lực lượng hùng hậu gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, nhân viên an ninh, dân phòng, chó nghiệp vụ đã tập trung phong tỏa Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và phố Nhà Chung. Một lực lượng khác đang tiến hành phá rỡ hàng rào v à một số hạng mục, cầy sới mặt tiền Tòa Khâm Sứ của chúng tôi. Khu đất này sau thời gian Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã nhiều lần có đơn yêu cầu trả lại nhưng chưa được giải quyết, thì tối ngày 18/9 và sáng 19/9/2008, Đài truyền hình đã đưa tin về dự án, trong đó đã xuyên  tạc nội dung và hình ảnh để dọn đường dư luận cho việc làm bất chấp luật pháp này. Vụ việc này đang đi ngược lại với đường lối đối thoại mà Nhà nước và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đang tiến hành. Vụ việc này là hành động bất chấp nguyện vọng của cộng đồng Công Giáo, bất chấp luật pháp và coi thường tổ chức Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Việc này cũng là hành động chà đạp lên đạo đức, lương tâm mọi người trong xã hội đối với tôn giáo được nhà nước công nhận. Trong khi vụ việc chưa được giải quyết thỏa đáng thì chín h quyền Thành Phố  Hà Nội và Quận Hoàn Kiếm đã sử dụng các lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho việc phá hoại tài sản của chúng tôi. Tòa TGM Hà Nội cực lực phản đối và yêu cầu: 1) Chấm dứt ngay hành động phong tỏa Tòa TGM HN và phá hoại tài sản trên. 2) Trả lại nguyên trạng khu đất cho chúng tôi sử dụng vào mục đích tôn giáo, phục vụ cộng đồng”.

 

Phải chăng kết quả của Đơn Khiếu Nại Khẩn Cấp này là việc ĐTGM Ngô Quang Kiệt đã được mời đến trụ sở của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội (UNNDTPHN) vào ngày hôm sau, 20/9/2008? Tại đây, như trường hợp của Thánh Phêrô trước Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, như cuốn Tông Vụ thuật lại ở đoạn 4, đã lợi dụng cơ hội hiếm có này để làm chứng về Chúa Kitô và niềm tin của mình thế nào, Đức TGM Ngô Quang Kiệt cũng đã lợi dụng giây phút cuối cùng của cuộc gặp gỡ này để nhấn mạnh đến 3 điểm chính yếu liên quan tới chính những lời tuyên bố của ông chủ tịch UNNDTPHN.

 

1) Về câu ông chủ tịch (UNNDTPHN) nói là “tạo nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo”, ĐTGM Kiệt đã công nhận là có sự kiện này, thế nhưng ngài cảm thấy rằng điều này mang ý nghĩa nhà nước ban ân huệ mà thôi, chứ không phải là quyền lợi về tôn giáo vốn có của dân chúng, và nếu nhà nước mà vì dân và cho dân thì phải tạo điều kiện cho dân theo quyền tôn giáo này của họ;

 

2) Đối với câu ông chủ tịch (UNNDTPHN) nói là “mọi sự cần phải dựa trên pháp lý và tình người”, trước hết, về vấn đề pháp lý, ĐTGM nói đến căn bản giấy tờ, chẳng hạn giấy tờ liên quan tới việc tịch thu tài sản hay thay đổi chủ quyền v.v., những cơ sở pháp lý cần phải căn cứ vào đó mới có thể nói chuyện và giải quyết công minh, trong khi chính quyền lại chẳng có gì hết; sau nữa, về vấn đề tình người, ngài nhận định rằng các nguyện vọng của dân thì nhiều mà nhà nước chưa giải quyết và đáp ứng, nguyên tắc hay đấy song chưa thực hiện;

 

3) Về câu ông chủ tịch (UNNDTPHN) nói là “nhà nước quản lý tất cả, nhà nước không tranh chấp với ai hết”, Vị Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo ở TGP Hà Nội nhận định rằng TGP Hà Nội đã kê khai có 95 cơ sở đã bị nhà nước trưng dụng, nhưng TGP không lên tiếng đòi lại những cơ sở được nhà nước sử dụng cho công ích, chẳng hạn như Trường Hoàn Kiếm, Bệnh Viện Saint Paul hay Bệnh Viện Bài Lao, TGP chỉ lên tiếng đòi lại những cơ sở bị thương mại hóa như Khách Sạn Lá Cải hay Tòa Khâm Sứ.

 

(Xin nghe trực tiếp tiếng và lời của:  Đức TGM Ngô Quang Kiệt phát biểu hay ở cái link sau đây

http://www.fileden.com/files/2008/9/21/2108304/ductgm.mp3)

 

Căn cứ vào nguyên tắc "tranh chấp" về bất động sản giữa Tổng Giáo Phận Hà Nội và chính quyền địa phương của Nhà Nước, như được ĐTGM Kiệt vừa nêu lên, ở chỗ TGP không đòi lại những cơ sở được nhà nước sử dụng cho công ích chứ không cho mục đích thương mại và lợi lộc phái nhóm hay cá nhân, thì nếu chính quyến địa phương cho biết là họ sẽ biến khu đất Tòa Khâm Sứ Hà Nội thành một công viên và thư viện cho chung dân chúng, liệu TGP có tiếp tục đòi lại nữa hay chăng?

 

Thực tế cho thấy, cho dù chính quyền địa phương đã căn cứ vào nguyên tắc này mà làm đi nữa, nhưng cũng vẫn là một thái độ có ý đồ cướp đoạt và phá hoại những gì là của dân, thành phần cần phải được nhà nước bảo vệ và phục vụ. Trong trường hợp này, chính quyền địa phương Thành Phố Hà Nội đã không có ý đồ cướp đoạt và phá hoại là khi, khi họ thực hiện, bằng quân lực hùng hậu và một cách cấp bách, những gì họ muốn, như thể họ có toàn quyền định đoạt về một bất động sản thực sự không phải của họ, nhất là bất động sản này thuộc về một chủ quyền vẫn muốn lấy lại cho nhu cầu của Giáo Hội địa phương đang thiếu thốn về địa điểm hoạt động mục vụ. Như thế, việc biến khu đất Tòa Khâm Sứ Hà Nội thành công viên và thư viện của thành phố ấy cuối cùng, cho dù có mục đích tốt, nhưng về cả ý đồ, phương tiện và cách thức thực hiện, vẫn vi phạm vào 2 nguyên tắc đầu tiên đã được ĐTGM Kiệt đề cập đến, liên quan tới vấn đề giấy tờ về pháp lý và quyền lợi của người dân vậy.

 

Phải chăng, như Phó Tế Stephanô bị ném đá bởi đồng hương Do Thái quá khích của mình, khi họ không đấu lại được những lời đầy Thần Linh và chân lý của ngài, ĐTGM Ngô Quang Kiệt cũng thế? Trước những lập luận vững vàng và chứng minh xác thực của ĐTGM Ngô Quang Kiệt để cương quyết không sợ hãi trong việc tranh đấu và bảo vệ cho công lý của mình, ngài cũng đã bị truyền hình của nhà nước đã tới tấp ném những viên đá xuyên tạc méo mó vào ngài, vào trong những lời của ngài, một lời gần cuối ngài muốn dùng để kết thúc cuộc gặp gỡ, với mục đích chân tình của một người công dân muốn xây dựng đất nước như ngài, mong sao cho đất nước tiến lên. Nguyên văn lời ngài nói như sau:

 

       Chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều và chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét…”

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Chúa đã hứa là sẽ ở cùng Giáo Hội luôn mãi cho đến tận thế. Vậy mà có những lúc chúng con vẫn cảm thấy lo âu xao xuyến khi sóng gió nổi lên, cảm thấy hình như không có Chúa ở trong thuyền với chúng con, đến nỗi chúng con phải đến đánh thức lay tỉnh Chúa dạy, bằng những cuộc xuống đường bất bạo động, bằng việc tranh đấu bằng những lời kinh vang lên ở hiện trường. Xin Chúa hãy tiếp tục gia tăng đức tin cho chúng con bằng chính sức mạnh của sóng gió cuộc đời. Xin Chúa hãy tiếp tục tỏ cho chúng con thấy những dấu ấn tử nạn của Chúa trên thân xác phục sinh của Chúa là Giáo Hội hiện nay, để chúng con có thể hiên ngang sống chứng nhân đức tin cho Quyền Toàn Năng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa giữa một thế giới đang cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn bao giờ hết. Xin Mẹ Đồng Công Maria giúp chúng con biết luôn trung kiên theo Con Chiên đến bất cứ nơi nào Con Chiên đến, để có thể trọn vẹn chứng dự vào mầu nhiệm cứu độ của Người, như Mẹ đã hiên ngang đứng vững dưới chân cây Thánh Giá xưa. Amen.