AI LÊN XỨ LẠNG CÙNG ANH

 

                                                tặng các bạn trong Project Vietnam

 

 

 

Mới 5 giờ sáng, trời còn tối đen như mực, thành phố Lạng Sơn còn yên mình trong giấc ngủ đêm, anh chị em trong đoàn đã bắt đầu lục đục thức giậy, sửa soạn lên đường về làng.   Bà hàng bán xôi đã ngồi sẵn trước cửa khách sạn, với thúng xôi nóng hổi, thơm mùi gấc chín, mời chào mọi người mua giúp.  Ai cũng ăn vội ăn vàng, để còn có thì giờ khuân những thùng cặp táp, thuốc men, cùng với các vật liệu và dụng cụ y khoa lên xe đò, để bắt đầu 6 giờ là khởi hành.   Hai chiếc xe đò ỳ ạch rời khỏi thành phố, đi vào con đường quốc lộ quanh co qua những cánh đồng lúa vào lúc trời vừa bừng sáng.  Trời vào thu, những đám lúa chín vàng uốn mình trong làn gió bình minh, như đón chào đàn con đi hoang trở về đất mẹ.  Tôi ngồi trên xe, nhìn về những đồi núi xanh mát kéo dài đến tận chân trời Ðông Bắc, mà cứ ngỡ mình đang được làm người lữ khách trong bài trường ca Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy ngày xưa:

Tôi đi từ ải Nam Quan

sau vài ngàn năm lẻ

Chia đôi một họ trăm con…đã lên đường …

          

 Sinh ra và lớn lên ở trong Nam, trong những tháng năm chiến tranh, chỉ loanh quanh luẩn quẩn ở vùng Saigon, tôi chẳng bao giờ có dịp được ra Bắc, nên chỉ biết về Lạng Sơn qua những chuyện cổ tích, ca dao, những bài thơ, những bản nhạc, hay trong sách sử.  Đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ đến Lạng Sơn như là môt địa danh mơ hồ trong huyền thoại thôi, chứ không phải là có thật.  Cho nên khi biết Project Vietnam năm nay sẽ về làm việc thiện nguyện ở vùng này là tôi sốt sắng ghi danh ngay.   Mê lắm chứ, còn gì tuyệt vời hơn là có dịp về lại quê nhà, được làm việc phục vụ đông bào ruột thịt, lại được găp gỡ, biết thêm những người bạn mới cùng một chí hướng, và nhất là được về sống ở một nơi mà từ trước đến giờ chỉ có ở trong giấc mơ của mình thôi.

            Phái đoàn năm nay về Lạng Sơn có hai toán.  Toán giải phẫu thì mỗi ngày khăn gói đến bệnh viện tỉnh để mổ.  Mổ cườm mắt cho người già, sửa nứt môi và mắt lé cho các em bé, và giải phẫu cho các phụ nữ sanh khó, tổng cộng trong vòng 5 ngày mà có tất cả 85 người được chữa trị hoàn hảo.  Toán y khoa cộng đồng thì mỗi ngày lên đường về một làng khác nhau.  Đến mỗi nơi thì chia làm hai nhóm.  Nhóm trường học thì đến trường phát qùa, cặp táp, kem và bàn chải đánh răng, cùng với khám sức khỏe cho các em học sinh. 

             

            Nhóm y tế công cộng thì đi chữa bệnh tổng quát cho dân làng.  Người già, trẻ em, phụ nữ đủ mọi lứa tuổi, tất cả đều được bác sĩ chuyên khoa trông nom tận tình.  Ai cần thuốc thì sẽ có dược sĩ phát thuốc và chỉ dẫn tường tận.  Ngoài ra còn có thêm 3 bác sĩ nha khoa chữa răng, và một bác sĩ nhãn khoa khám mắt và phát kiếng cho mọi người.  Những người tình nguyện viên khác thì có nhiệm vụ kiểm soát, hướng dẫn, và sắp xêp bàn ghế, dụng cụ. 

             

Ai cũng có việc cả, và ai cũng đêu tươi cười, hăng hái làm việc với nhau.  Càng làm việc nhiều với các anh chị em trong phái đoàn, tôi càng cảm thấy khiêm nhường hơn.  Công việc tôi làm thật sự chả có gì đáng nói cả, chỉ việc mang cái ống nghe theo mình là xong.  Chứ còn những người khác thì ôi thôi trăm việc hết.  Mấy người nha sĩ chẳng hạn, phải mang lủng củng đủ mọi thứ dụng cụ, kềm, khoan, ống chích, thêm cả dụng cụ xúc miệng, đồ khử trùng, v.v.

            

 Cô bác sĩ nhãn khoa thì đi đâu cũng phải khuân theo dàn máy đo mắt.  Mấy cô dược sĩ thì phải khuân vác mấy thùng thuốc từ hết làng này qua làng khác.  Đến đâu cũng chỉ trong vòng 30 phút là mọi người đã dựng xong một clinic lưu động ngay tại sân làng, sẵn sàng mở cửa làm việc.   Đến trưa thì kéo nhau đi ăn vội vàng ở các quán bên đường.  Chiều trở lại làm việc tiếp đến khoảng 5 giờ thì ngưng.  Thu dọn đồ nghề lên xe đò trở về thành phố để hôm sau đi tiếp. 

                   Nhìn các bạn trong phái đoàn hăng hái làm việc mà tôi phục quá đi.  Già trẻ lớn bé, nam nữ, Việt kiều hay ngoại quốc, ai ai cũng đều sốt sắng chung sức với nhau.  Lên xe đò là chuyện trò như pháo rang.  Mấy bà, mấy cô thì chuyên môn về ăn qùa.  Đi đến đâu là cũng tìm ra được những hàng qùa rong địa phương.  Bánh tôm ở Cao Lộc, quả na ở Chi Lăng, mít khô ở Hữu Lũng, bánh gai ở Lộc Bình.  Còn ngay ở Lạng Sơn thì ôi thôi khỏi nói, ăn quà mệt nghỉ.  Ngon nhất là bắp nướng.  Những buổi tối đi bộ bên bờ sông Kỳ Cùng, nhâm nhi trái bắp nóng hổi, ngửa mặt đón những ngọn gió thu nhè nhẹ thổi về mơn man trên làn da, ui chu choa ơi, còn gì thú vị hơn nữa.  Ai có mơ công hầu khanh tướng, nhà cao cửa rộng gì thì cứ mơ, tôi chỉ cần có trái bắp nướng bên bờ sông Kỳ Cùng là đủ vui rồi.  Như là thằng Bờm vậy.

                                               

Nhưng thần tiên nhất vẫn là những chuyến đi về làng, lúc trời vừa tảng sáng.  Đi qua những nơi còn mang đầy huyền thoại từ thuở xa xưa.  Ngay từ hôm đầu tiên trên đường từ Hà Nội đến Lạng Sơn, đoàn xe đã đi ngang qua giòng sông Lô.  Sông Lô, nơi mà hàng vạn người thanh niên đã đổ máu trong cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối thập niên 1940,  những chiến công mà đã được nhạc sĩ Văn Cao ghi nhớ qua bản Trường Ca Sông Lô:

                         Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang

                        Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn mầu nước sông Lô xưa …                         

            Giòng sông Lô bây giờ không còn những cảnh chiến tranh cuồng loạn như ngày xưa nữa, mà nhẹ nhàng trôi quanh qua những đồng lúa xanh, như trong bài Tiếng Hát Sông Lô của Phạm Duy:

                        Trên nước sông Lô thuyền tôi buông lái như xưa

                        Sau lúc phong ba thuyền tôi qua bến qua bờ

            Khi đến Lạng Sơn, trước khi xe rẽ vào con đường đưa đến khách sạn, có môt cái bảng chỉ đường nho nhỏ, có mũi tên chỉ về 5 hướng, trong đó nhìn thấy hai tên Đồng Đăng và Kỳ Lừa, làm trong lòng tự nhiên thấy nao nao nhớ lại những câu ca dao ngày xưa:

                                                Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

                                        Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

                                                Ai lên xứ Lạng cùng anh

                                 …

            Đến khách sạn, quăng hành lý xuống song là tôi chạy xuống nhà ngay để hỏi cô lễ tân về những di tích này.  Tôi giật cả mình, hụt cả hơi khi cô ta trả lời rằng, bằng một giọng Bắc Kỳ ngọt ơi là ngọt: “Gần lắm chú ạ.  Chú cứ đi bộ hướng này này, chỉ dăm phút là đến ngay đấy mà.”  Con đường đi lên triền giốc, chỉ chừng 10 phút như cô ta nói, là đến ngay chân động Tam Thanh.  Đây là môt trong ba hang động ở Lạng Sơn: Nhất Thanh, Nhị Thanh, và Tam Thanh.  Thanh có nghĩa là tiếng vang.  Tục truyền rằng khi vào động mà hát hay ngâm thơ thì tiếng vang sẽ vọng lên như âm nhạc vậy.  Động Tam Thanh đẹp nhât.  Ngày xưa nhà thơ Ngô Thời Sĩ đi làm quan ở đây, thấy phong cảnh đẹp qúa nên động lòng viết ra mấy vần thơ được khắc vào trong đá ở mỗi động.  Tôi vào trong đi tìm hoài mà chẳng thấy đâu cả, chắc là tháng ngày trôi qua, thời gian đã xóa mòn hết rồi. 

                    

Đi vào trong động thì thấy một ngõ hẹp có bực thang đá đưa đến lầu Vọng Thị, từ đấy nhìn ra sẽ thấy được hòn Vọng Phu, một mỏm đá chìa ra trên ghềnh núi, trông giống như một người đàn bà búi tóc ôm con trên cánh tay.  Tục truyền là ngày xưa có một thiếu phụ họ Tô, tên là gì thì chẳng ai biết cả.  Chồng nàng đi đánh giặc xa nhà, mỗi ngày nàng ôm con lên ghềnh đá nhìn ra phương trời xa thẳm chờ chồng về.  Ngày này qua tháng khác, chồng chẳng thấy về, nàng cứ mỏi mòn chờ đợi rồi cuối cùng cả mẹ lẫn con đều biến thành tượng đá.  Người đời bây giờ vẫn còn nhớ đến huyền thoại này qua bản trường ca của nhạc sĩ Lê Thương: 

            Bao nhiêu nǎm bồng con đứng đợi chồng về

            Bao nhiêu phen thời gian xóa bao lời thề

            Nguời tung hoành bên núi xa xǎm

            Nguời biến thành tuợng đá ôm con ….

Nhưng dân chúng địa phương ở đây nói đến Hòn Vọng Phu họ chả biết là gì cả.  Chữ Hán Việt lủng củng qúa ai mà thèm để ý đến.  Thiên hạ ở ngay Lạng Sơn này gọi đấy là Nàng Tô Thị.  Họ vẫn coi đó là một người thật, có đầy đủ cả tâm hồn và cảm xúc, chứ không phải chỉ là hòn đá vô tri vô giác.

            Ngày hôm sau xe đò đưa chúng tôi đến làng Hữu Lũng.  Băng ngang con sông Thương.  Giòng sông này nhỏ thôi, không lớn bằng sông Lô, nhưng uốn mình len lỏi giữa những đồi núi đá vôi rât là lãng mạn.  Vì thế mà biết bao nhiêu nhạc sĩ cũng đã phải chạnh lòng khi bước qua giòng sông này, từ Phạm Duy trong bài Về Miền Xuôi:

                        Sông Thương ơi nước chẩy đôi ba giòng

                        Anh về Hà Nội một lòng yêu em…

cho đến Đặng Thế Phong trong bài Con Thuyền Không Bến:

                        Lướt theo chiều gió một con thuyền theo trăng trong

                        Trôi trên sông Thương thuyền mơ bến nơi đâu?...

            Ðây cũng là nơi mà ngày xưa, theo như lời nhạc sĩ Văn Cao kể lại, anh Trương Chi đã thả thuyền ca hát và thổi sáo hằng đêm để làm rung động trái tim của Mỵ Nương:

                        Đò ơi, đêm nay giòng sông Thương dâng cao mà ai hát dưới trăng ngà

                        Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta …

            Vùng Đông Bắc ngay biên giới Trung Quốc, có rât nhiều núi đồi, sông lạch, và suối nước.  Cứ đi được chừng đôi ba phút là lại đến một giòng sông, thỉnh thoảng lại được thấy một ngọn suối nho nhỏ, thẹn thùng ẩn mình sau những bụi cây xanh.   Xa xa thấp thoáng một vài chiếc cầu đơn sơ băng ngang những giòng nước lũ.  Chắc có lẽ cũng ở bên một trong những chiếc cầu này mà ngày xưa Phạm Duy đã viết về câu chuyện tình lãng mạn trong bản nhạc Bên Cầu Biên Giới:

Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi

Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới

Xa xa tiếng đàn trầm vô tư

Đâu đây giáng huyền đền duyên mơ

Bên cầu biên giới tôi lặng nghe giòng đời từ từ trôi…

Dân chúng ở Lạng Sơn đa số là sắc tộc thiểu số, nhiều nhất là người Nùng và người Tày, nhất là ở những thôn làng nhỏ bé như xã Cai Kình, nơi dừng chân kế tiếp trong chương trình của đoàn.  Có một điều hơi thất vọng là các phụ nữ ở đây chẳng còn ai mặc những quần áo sắc tộc đầy mầu sắc như trong những bức hình thuở xưa nữa.  Cô nào cô nấy đều mặc đồ như ngươi kinh thành, chẳng còn đâu những hình ảnh người con gái sơn cước thẹn thùng xinh sắn như nhạc sĩ Tô Hải diễn tả trong bản nhạc Nụ Cười Sơn Cước mà ông sáng tác trong những ngày kháng chiến ở núi rừng Đông Bắc này:

            Ai về sau dẫy núi xanh mơ

            Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ

            Hình dung một chiếc thắt lưng xanh,

            một chiếc khăn mầu trắng trong,

            một chiếc vòng sáng long lanh,

            với nụ cười nàng qúa xinh….

Nhưng ăn mặc thế nào đi nữa, những người thiếu nữ miền thượng du lúc nào cũng có những nét đẹp đơn sơ, những ánh mắt dụt dè bỡ ngỡ, những vẻ duyên dáng thầm kín như một đóa hoa lan dại ẩn nép sau những bụi cây trong rừng thẳm.  Chả thế mà ngày xưa nhạc sĩ Trần Hoàn, trên đường kháng chiến, nửa đêm trong rừng vắng, chỉ có ánh trăng lấp lánh xuyên qua cành lá thôi, mà cũng thấy được nét đẹp của nàng sơn nữ để viết thành bản nhạc Sơn Nữ Ca:

            Một đêm trong rừng vắng

            Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh

            Một đêm trong rừng vắng

            Có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trang say đắm rồi lòng bâng khuâng

                                               

            Tinh trạng sức khoẻ của dân chúng Cai Kình không đưoc khá lắm.  Các thiếu phụ chừng 50 trở lên là bắt đầu bị còng lưng, răng thì bắt đầu rụng dần.  Trẻ em gần như chẳng có ai có bàn chải hay kem đánh răng.  Áp huyết máu thì gần như ai cũng bị cao cả.  Tại vì có gì ăn ngoài cơm với muối đâu.  Lâu lâu có được tí thịt hay tí cá thì kho thật mặn để ăn được lâu.   Tỷ lệ bị cuờm mắt cũng khá cao tại vì ở vùng núi cao nên bị nhiều tia cực tím chiếu vào mắt mỗi ngày.  Làm gì mà biết dến kính râm che nắng.  Ða số các bệnh này đều có thể ngừa được cả, nhưng thực tế mà nói, thành lập một chương trình ngừa bệnh ở một nuớc nghèo đâu có phải

là dễ.    Các bác sĩ trong đoàn có họp với bác sĩ địa phương để nói chuyện về vấn đề này và để lại nhiều tài liệu để phân phát cho dân chúng.   Hy vọng có thể giúp ích đuợc một phần nào.

                                       

            Trên đường từ Cai Kình vê lại Lạng Sơn, xe đi ngang qua lối vào con đường lộ dẫn đến cửa ải Chi Lăng.  Trời còn sáng nên bác tài dừng xe lại cho mọi người xuống thăm quan.  Chi Lăng có lẽ là cửa ải được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử nước ta, vì đây là con đường chính mà quân Trung Quốc hay dùng đê xâm lăng nước Việt, nhưng cuối cùng đều bị thảm hại.  Từ thời vua Lê Đại Hành đánh lính nhà Tống, cho đến vua Lê Lợi diệt quân nhà Minh, tất cả các cuộc chiến thắng đều xẩy ra tại đất Chi Lăng này.  Bây giờ con đường lộ cũng như cửa ải đều không được dùng nữa, nhưng ở bên đường vẫn còn đền thờ vua Lê, cùng những hàng quán bán trái cây và quà bánh cho du khách. 

Dưới chân đồi, ngày xưa là bãi chiến trường hàng vạn người chết máu nhuộm đỏ nước sông Thương, thì bây giờ là những cánh đồng thơm mùi lúa chín.  Buổi chiêu mùa gặt, dân làng lớn bé gì đều ra đồng làm ruộng, cả những con trâu cũng hòa mình góp sức lao động.  Ở ngoài Bắc dân chúng vẫn còn dùng tay chân chứ không xử dụng máy móc nhiều như nông phu miền Nam.  Người gặt, người đap, người xay, người bó lúa, chuyên trò ríu rít.  Có cả những cô thôn nữ ngồi sàng thóc bên bờ ruộng, cảnh đẹp ơi là đẹp, như là những câu thơ của Kim Tuấn:

                                    Đất mẹ gầy cỏ lúa

                                    Đồng ta xanh mấy mùa

                                    Con trâu từ đồng cỏ

                                    Dục mõ về rộn khuya

                                    Chiều in vào bóng núi

                                    Câu hát hò vẳng đưa

                                     Con sông dài mấy nhánh

                                    Cát trắng bờ quê xưa …

               

Ngày cuối cùng trong chương trình, chúng tôi về làm việc ở xã Cao Lộc.  Đây là một thị xã nghèo nàn trong tỉnh, nhưng cũng đã góp tên trong lịch sử đấu tranh của nước ta.   ĺt người bây giờ còn nhớ đến Đội Ấn, một người dân thiểu số người Tày ở Cao Lộc, đã đứng lên tổ chức kháng chiến chông Pháp khoảng đầu thập niên 1920.   Cuộc khởi nghĩa này rất ngắn ngủi, chỉ được vài tháng là đã bị thực dân Pháp dập tắt, cho nên không được mấy người biết đến.   Ngày hôm nay thay vì đến trường học thì nhóm y khoa cộng đồng dừng chân ở một viện mồ côi.  Ở đây tuy phương tiện thiếu thốn nhưng các em đều được chăm sóc và hướng dẫn tận tình.  Cứ 10 em thì phải nằm chung một cái phòng tý tẹo.  Quần áo phơi đầy ngoài sân.  Ðồ giải trí thì có một cái merry-go-round cũ kỹ rỷ sét đẩy không buồn chạy.  Nhưng em nào cũng hân hoan tươi tỉnh chào đón mọi người.    Viện mồ côi này nhỏ, nên chỉ đến trưa là không những đã xong việc, mà còn dư chút thì giờ để thổi bong bóng làm chó với mèo cho các em nữa.

Trở về lại thành phố, mọi người vội vàng thu xếp hành lý để kịp giờ lên xe đi về Hà Nội.  Uống với nhau một ly nước mía lần cuối, chụp với nhau một tấm hình kỷ niệm trước cửa khách sạn, trao đổi nhau mấy địa chỉ với số điện thoại, rồi lên xe vẫy chào Lạng Sơn. 

                 

Chiếc xe lăn bánh chạy ngang cầu Kỳ Lừa.  Nhìn xuống giòng sông nước chẩy lững lờ về phương Bắc như giòng đời lặng lẽ trôi, chẳng biết bao giờ mới có dip trở lại đây.  Một tuần lễ thật là ngắn ngủi nhưng chất đầy kỷ niệm.   Lạng Sơn bây giờ không phải chỉ là trong giấc mơ nữa, mà là một nơi có thật trong đời.  Thực tế thường thường không đuợc đẹp như trong mơ, nhưng Lạng Sơn thì lại khác.  Nét đẹp của núi đồi Lạng Sơn, tình cảm thiết tha của người dân làng, trên thực tế còn lôi cuốn hơn là trong mơ nữa.  Cám ơn Project Vietnam, cám ơn các bạn hữu trong đoàn đã cho tôi một chuyến đi thật nhiều ý nghĩa.  Mong sẽ có dip gặp lại nhau.                                                                                                  Viêt Bắc, mùa thu 2004

                                                                    Dân Chu

                                                              www.projectvietnam.net