“Âu Châu không thể và không được chối bỏ các cội rễ Kitô Giáo của mình”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Tông Du Áo Quốc 7-9/9/2007: Diễn Từ ở Dinh Tổng Thống Hofburg chiều Thứ Sáu 7/9

 

Cùng Ông Tổng Thống Cộng Hòa Liên Bang,

Ông Thủ Tướng,

Các Phần Tử thuộc Chính Quyền Liên Bang,

Chư Nghị Viên thuộc Hội Đồng Quốc Gia và Các Phần Tử thuộc Hội Đồng Liên Bang,

Chư Vị Thống Đốc,

Các Phần Tử thuộc Ngoại Giao Đoàn,

Chư Vị Nữ Nam

 

Dẫn Nhập

 

Thưa Tổng Thống, hôm nay tôi hết sức hân hoan và hân hạnh được gặp ông cùng với các phần tử thuộc Chính Quyền Liên Bang và các vị đại diện về sinh hoạt chính trị và dân sự của Cộng Hòa Áo quốc. Cuộc gặp gỡ của chúng ta đây ở Dinh Hofburg này là những gì phản ảnh cho thấy những liên hệ tốt lành, đánh dấu lòng tin tưởng nhau đang xẩy ra giữa xứ sở của ông và Tòa Thánh, những liên hệ được Ông Tổng Thống vừa nhắc tới. Tôi hết sức mãn nguyện về điều ấy.

 

Những liên hệ giữa Áo quốc và Tòa Thánh là một phần của một hệ thống rộng lớn về những liên hệ ngoại giao được Vienna sử dụng như một giao lộ quan trọng, vì một số những Tổ Chức quốc tế đặt trụ sở trung ương của mình ở thành phố này. Tôi hân hoan trước sự hiện diện của nhiều vị đại diện ngoại giao, những vị tôi xin trân trọng kính chào. Tôi xin cám ơn quí vị, những tôn vị Lãnh Sự, về việc phục vụ tận tâm của quí vị, chẳng những cho các xứ sở được quí vị đại diện cũng như cho thiện ích của chúng, mà còn cho mục đích hòa bình và thông cảm giữa các dân tộc nữa. 

 

Đây là lần viếng thăm đầu tiên của tôi với tư cách là Giám Mục Rôma và là Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu tại xứ sở này, một xứ sở tôi quá quen biết nhờ nhiều lần viếng thăm trước đây. Tôi có thể nói thật là một niềm vui cho tôi được ở nơi đây. Tôi có nhiều bạn bè ở đây nữa, và là một người Bavaria láng giềng, lối sống và truyền thống của Áo quốc là những gì quen thuộc đối với tôi. Vị đại tiền nhiệm đáng kính của tôi là Gioan Phaolô II đã viếng thăm Áo quốc 3 lần. Mỗi lần ngài đều được nhân dân của xứ sở này tiếp đón hết sức thân tình, những lời của ngài đã được chăm chú lắng nghe, và những chuyến tông du của ngài đã lưu lại dấu vết của chúng. 

 

Áo Quốc

 

Trong những năm và những thập niên gần đây, Áo quốc đã ghi được những tiến bộ không thể ngờ ở ngay cả 2 thế hệ vừa qua. Xứ sở của quí vị chẳng những trải qua một cuộc tiến bộ về kinh tế khả quan, mà còn phát triển một mẫu thức chung sống về xã hội đồng nghĩa với từ ngữ “liên đới xã hội”. Người Áo quốc có lý do để cảm tạ về điều ấy, và họ đã biểu lộ nó chẳng những bằng việc mở lòng mình ra với người nghèo và thiếu thốn nơi quê hương của mình, mà còn bộc lộ tình đoàn kết quảng đại nơi biến cố của những tai ương và thảm họa trên khắp thế giới nữa. Chứng cớ hùng hồn cho thái độ này đó là những hoạt động cao cả của Licht ins Dunkel (“Ánh Sáng trong Tăm Tối”) vào mùa Giáng Sinh và Nachbar in Not (“Tha Nhân Túng Thiếu”).

 

Áo Quốc và Việc Nới Rộng của Khối Hiệp Nhất Âu Châu

 

Chúng ta qui tụ ở một khung cảnh lịch sử, một khung cảnh mà qua các thế kỷ đã là ngai của một Đế Quốc bao gồm những vùng rộng lớn Trung Âu và Đông Âu. Thời điểm này và nơi chốn này đây bởi thế cống hiến cho chúng ta một cơ hội tốt để có được một cái nhìn bao quát về Âu Châu ngày nay. Sau những khủng khiếp của chiến tranh và những kinh nghiệm chấn thương của chủ nghĩa độc tài chuyên chế, Âu Châu đang tiến đến một mối hiệp nhất có thể bảo đảm một trật tự vững chắc lâu bền của nền hòa bình và việc phát triển chính đáng. Tình trạng chia rẽ đau thương phân chia châu lục này qua những thập niên đã kết thúc về phương diện chính trị, tuy nhiên, mục đích của mối hiệp nhất một phần lớn vẫn còn là những gì cần phải đạt tới nơi tâm trí của nhiều con người. Nếu, sau biến cố sụp đổ của Bức Màn Sắt vào năm 1989, một số niềm hy vọng thái quá đã bị tiêu tan, và những lời phê bình chỉ trích hợp lý có thể được vang lên về một số vấn đề liên quan tới một số cơ cấu Âu Châu, thì tiến trình hiệp nhất vẫn còn là một chiếm đạt quan trọng nhất đã từng gây ra một giai đoạn hòa  bình bất thường cho châu lục này, một châu lục trước kia bị cấu xé bởi những cuộc xung đột liên tục và những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Cách riêng đối với các xứ sở thuộc Trung Âu và Đông Âu, việc tham dự vào tiến trình này là một phấn khởi hơn nữa cho việc củng cố tự do, cho tình trạng lập hiến và cho nền dân chủ trong lãnh thổ của họ. Ở đây tôi xin nhắc lại việc đóng góp của vị tiền nhiệm tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào tiền trình lịch sử này. Cả Áo quốc nữa, là một quốc gia nối nhịp cầu tọa lạc ở giao điểm giữa Tây và Đông, đã góp phần nhiều vào việc thống nhất này và, chúng ta không được quên rằng nó cũng được nhiều lợi ích bởi đó mà ra nữa. 

 

Âu Châu

 

“Ngôi Nhà Âu Châu”, như chúng ta có thể ám chỉ về cộng đồng của châu lục này, sẽ là một nơi chốn tốt đẹp để sống cho hết mọi người chỉ khi nào nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc của các thứ giá trị chung về văn hóa và luân lý được rút tỉa từ lịch sử của chúng ta và từ các truyền thống của chúng ta. Âu Châu không thể và không được chối bỏ các cội rễ Kitô Giáo của mình. Những cội rễ này tiêu biểu cho một yếu tố sinh động của nền văn minh chúng ta khi chúng ta tiến vào ngàn năm thứ ba. Kitô Giáo đã sâu xa hình thành nên châu lục này: một điều tỏ tường hiển nhiên ở mọi xứ sở, nhất là ở Áo quốc, với đầy những ngôi nhà thờ và những đan viện quan trọng. Nhất là, đức tin được thấy nơi vô số người, thành phần mà trong giòng lịch sử, cũng như ở cả vào thời đại của chúng ta đây nữa, nó đã mang lại sinh động cho niềm hy vọng, cho tình yêu thương và cho lòng nhân hậu. Mariazell, đền thánh quốc gia lớn của Áo quốc, cũng là một điểm hội ngộ đối với nhiều dân tộc của Châu Âu. Nó là một trong những nơi chốn mà con người nam nữ đã từng kín múc được, và tiếp tục kín múc, “sức mạnh từ trời” cho một đời sống chính trực. 

 

Trong những ngày này, chứng từ của đức tin Kitô Giáo ở tâm điểm của Âu Châu đây cũng đang được thể hiện trong Hội Nghị Đại Kết Âu Châu Lần Ba gặp nhau ở Sibiu/Hermannstadt (nước Romania), với tâm niệm là “Ánh Sáng Chúa Kitô Chiếu Soi Tất Cả Mọi Người. Niềm Hy Vọng Canh tân và Hiệp Nhất ở Âu Châu”. Người ta tự nhiên nghĩ lại biến cố Central European Katholikentag năm 2004, về đề tài: “Chúa Kitô – Niềm Hy Vọng của Âu Châu”, một biến cố đã lôi kéo rất nhiều tín hữu lại với nhau ở Mariazell!

 

Ngày nay, chúng ta nghe nhiều bề “lối sống của Âu Châu”. Từ ngữ này ám chỉ một trật tự xã hội bao gồm một nền kinh tế lành mạnh với công lý xã hội, tính cách đa nguyên về c hính trị với sự khoan nhượng, lòng quảng đại và sự cởi mở, thế nhưng nó cũng có nghĩa là sự bảo trì các thứ giá trị từng làm nên châu lục này. Cái mẫu mực ấy, dưới áp lực của những quyền lực kinh tế tân tiến, đang phải đương đầu với một thử thách lớn lao. Tiến trình vẫn thường được gọi là toàn cầu hóa không thể nào bị khựng lại, song nó là một công việc khẩn trương và là một trách nhiệm cao cả về chính trị trong việc điều hành và giới hạn vấn đề toàn cầu hóa, nhờ đó nó không xẩy ra trước giá phải trả của các quốc gia nghèo và của người nghèo ở những quốc gia giầu có, và gây tác hại cho các thế hệ mai hậu.

 

Như chúng ta biết, thật ra Âu Châu cũng từng trải qua và chịu đựng bởi những trào lưu hành động hết sức sai lệch. Những điều này bao gồm các ý hệ hạn hẹp đã áp đặt trên  triết lý, khoa học và cả đức tin, việc lạm dụng tôn giáo và lý trí cho những mục đích đế quốc, việc hạ giá con người gây ra bởi chủ nghĩa duy vật về lý thuyết và thực hành, và sau cùng là việc làm giảm giá lòng khoan nhượng thành thái độ dửng dưng chẳng dựa vào các thứ giá trị vững tồn. Thế n hưng, Âu Châu vẫn từng được ghi dấu bởi khả năng tự kiểm, một khả năng cống hiến cho nó một vị thế đặc biệt nơi bức phông toàn cảnh bao rộng của những nền văn hóa trên thế giới.

 

Sự Sống

 

Chính ở nơi Âu Châu mà khái niệm về nhân quyền bắt đều được hình thành. Thứ quyền lợi căn bản của con người, được cho là có trước mọi thứ quyền khác, đó là chính quyền sống. Sự sống thực sự có từ giây phút được thụ thai cho tới khi nó tự nhiên qua đi. Bởi thế, việc phá thai không thể là một thứ quyền lợi của con người – nó là một cái gì hoàn toàn ngược lại. Nó là “một vết thương xâu xa nơi xã hội”, như cố Hồng Y Franz Konig không ngừng nhắc nhở.

 

Khi nói lên điều này, tôi không chỉ bày tỏ một mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội. Hơn nữa, tôi muốn tác hành như là một biện hộ viên cho một nhu cầu sâu xa của con người, lên tiếng cho những thai nhi không có tiếng nói. Làm điều này không phải là tôi nhắm mắt trước những khó khắn và những xung khắc nơi cảm nghiệm của nhiều người phụ nữ, và tôi nhìn nhận rằng cái uy tín của những gì chúng ta nói đây còn lệ thuộc vào những gì chính Giáo Hội đang làm để giúp đỡ thành phần nữ giới đang gặp phải khó khăn nữa.

 

Bởi thế, theo chiều hướng ấy, tôi kêu gọi những vị lãnh đạo chí nh trị đừng để cho trẻ em bị coi như là một hình thức bệnh hoạn, và trong thực hành cũng đừng loại trừ việc hệ thống pháp lý công nhận rằng vấn đề phá thai là sai lầm. Tôi nói điều này vì quan tâm đến nhân loại. Thế nhưng, đó mới chỉ là một phía của vấn đề lũng đoạn này. Mặt khác của vấn đề này đó là nhu cầu cần phải làm mọi sự có thể để làm cho các quốc gia Âu Châu một lần nữa hướng tới việc đón nhận trẻ em. Hãy khuyến khích cặp vợ chồng trẻ hãy thiết lập gia đình mới và hãy trở thành những người làm mẹ làm cha! Quí vị chẳng những hỗ trợ hô mà còn làm ích choc hung xã hội nữa. Tôi cũng quyết tâm ủng hộ quí vị trong những nỗ lực chính trị của quí vị giúp thuận lợi cho các cặp vợ chồng trẻ trong việc nuôi dưỡng con cái. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy đều trở thành vô bổ, nếu chúng ta không tiếp tục kiến tạo nên một lần nữa ở các xứ sở của chúng ta bầu khí vui tươi và tin tưởng trong đời sống, một bầu khí khiến không coi trẻ em là một gánh nặng song là một tặng ân cho tất cả mọi người. 

 

Tôi còn một quan tâm lớn nữa đó là vấn đề tranh cãi về những gì được gọi là “chủ động giúp cho chết đi”. Vấn đề lo âu ở đây là vào một lúc nào đó thành phần bị trầm trọng yếu đau hay già yếu sẽ bị áp lực một cách mặc nhiên hay thậm chí minh nhiên trong việc yêu cầu để mình chết đi hay tự liệu cách giải quyết lấy cho mình. Việc đáp ứng thích đáng với nỗi khổ đau cuối đời đó là việc yêu thương chăm sóc và hỗ trợ trong cuộc hành trình tiến đến cửa tử – nhất là bằng sự trợ giúp của việc chăm sóc giảm đau – và không “chủ động giúp cho chết đi”. Thế nhưng, nếu coi trọng việc hỗ trợ về nhân bản trên con đường tiến đến cửa tử, thì cần phải có những hình thức về cơ cấu ở  hết mọi lãnh vực nơi guồng máy xã hội và việc chăm sóc sức khỏe, cũng như những cơ cấu được tổ chức lo việc chăm sóc giảm đau. Cũng cần  phải thực hiện những việc cụ thể, trong việc hỗ trợ về tâm lý và mục vụ cho thành phần trầm trọng yếu đau và hấp hối, cho các phần tử trong gia đình của họ, cũng như cho các vị y sĩ và nhân viên y tế.

 

Việc đối thoại của lý trí

 

Sau hết, một yếu tố khác nơi gia sản của Âu Châu đó là một truyền thống tư tưởng coi là thiết yếu sự tương ứng giữa đức tin, sự thật và lý trí. Ở đây, vấn đề đã rõ ràng là lý trí có phải là khởi điểm và là nền tảng của tất cả mọi sự hay chăng. Vấn đề ở đây đó là phải chăng thực tại là do tình cờ hay cần thiết, nên  phải chăng lý trí chỉ là một sản phẩm ngẫu nhiên của cái vô tri và ở trong một đại dương vô lý tính, để rồi cuối cùng cả nó nữa cũng chỉ là một cái gì đó vô nghĩa, hay ngược lại, phải chăng niềm xác tín vững vàng của niềm tin Kitô Giáo vẫn còn chân thực: In principio erat Verbum – từ ban đầu đã có Lời; nguồn gốc của hết mọi sự đó là lý trí sáng tạo của Thiên Chúa là Đấng muốn  tỏ mình ra cho loài người chúng ta.

 

Theo chiều hướng này, tôi xin trích lại lời của Jurgen Habermas, một triết gia không theo niềm tin Kitô Giáo. Ông đã nói rằng: “Đối với cái tự nhận thức qui cách của giai đoạn tân tiến này thì Kitô Giáo vẫn nguyên là một chất xúc tác. Cái chủ nghĩa đại đồng quân bình đưa đến những ý nghĩ về tự do và sống chung trong xã hội là một gia sản trực tiếp từ khái niệm về công chính của người Do Thái cũng như từ đạo lý về yêu thương của Kitô Giáo. Những gì chính yếu vẫn không thay đổi, cái gia sản này bao giờ cũng được khéo léo tái thích đáng và tái dẫn giải. Cho đến ngày nay vẫn không có vấn đề thay thế cái gia sản này”.

 

Những việc làm của Âu Châu trên thế giới

 

Với tính cách đặc thù nơi ơn gọi của mình, Âu Châu cũng có một trách nhiệm đặc thù trên thế giới nữa. Trước hết, nó không được buông xuôi. Châu lục này, một châu lục về phương diện sinh ra và chết đi đang mau chóng cằn cỗi, không được trở thành già nua về tinh thần. Ngoài ra, Âu Châu sẽ càng đứng vững hơn nếu nó chấp nhận trách nhiệm trên thế giới tươn g ứng với truyền thống về trí thức đặc thù của nó, với những phương tiện đặc biệt của nó và với quyền  lực to lớn của nó về kinh tế. Khối Hiệp Nhất Âu Châu bởi thế cần phải gánh một vai trò lãnh đạo trong việc chống lại tình trạng nghèo khổ toàn cầu cũng như trong những nỗ lực cổ võ hòa bình. Với lòng tri ân, chúng ta có thể nhận thấy rằng các quốc gia ở Âu Châu và của Khối Hiệp Nhất Âu Châu ở trong số những quốc gia đang đóng góp nhiều nhất cho việc phát triển quốc tế, thế nhưng họ cũng cần phải có một tầm vóc quan trọng về chính trị nữa, chẳng hạn, liên quan tới những thách đố khẩn trương đã xẩy ra ở Phi Châu, trước những tai họa đang gây khốn đốn cho châu lục này, như hiểm họa Hội Chứng Liệt Kháng, tình hình ở Darfur, việc khai thác bất chính các tài nguyên thiên nhiên và việc chuyên chở một cách rối loạn các thứ vũ khí. Những nỗ lực về chính trị và ngoại giao của Âu Châu và các quốc gia của nó cũng không lơ là với tình hình liên tục trầm trọng ở Trung Đông, nơi cần đến việc góp phần của hết mọi người để cổ võ việc loại trừ bạo động, đối thoại hỗ tương và chung sống hòa bình thực sự. Mối liên hệ của Âu Châu với các quốc gia Mỹ Châu Latinh và Á Châu cũng cần phải tiếp tục gia tăng bằng những hợp ước thương mại.

 

Đúc kết

 

Ông Tổng Thống, Chư Quí Vị Nữ Nam! Áo quốc là một xứ sở được chúc phúc rất nhiều: với một vẻ đẹp tự nhiên cả thể từng thu hút hằng triệu con người nghỉ lễ hằng năm; với những phong phú đặc thù về văn hóa được kiến tạo và tích lũy bởi nhiều thế hệ; và với nhiều cá nhân tái khéo sáng tạo về nghệ thuật. Ở hết mọi nơi người ta đều có thể thấy được những hoa trái của việc siêng năng và các tặng ân của những con người nam nữ cần cù. Đó là lý do để hãnh diện và tri ân. Thế nhưng, Áo quốc chắc chắn không phải là một “hải đảo vui nhộn” và nó cũng không tự coi mình như thế. Vấn đề tự kiểm bao giờ cũng là một điều tốt lành và dĩ nhiên đang lan tràn ở Áo quốc. Một xứ sở được nhận lãnh rất nhiều thì cũng cần phải ban phát nhiều.  Nó có thể bảo đảm lấy mình một cách đúng đắn trong khi cũng cảm thấy được việc cần phải có trách nhiệm với các nước láng giềng, ở Âu Châu cũng như trên thế giới.   

 

Nhiều điều Áo quốc là và có nó đều mắc nợ với đức tin Kitô Giáo và những ảnh hưởng lợi ích của niềm tin này nơi những con người nam nữ cá nhân.Đức tin đã sâu xa hình thành tính chất của xứ sở này và nhân dân của nó. Nhờ đó, vấn đề là mọi người cần phải quan tâm để làm sao bảo đảm được rằng cái ngày sẽ không bao giờ xẩy ra khi mà chỉ có những cục đá nói về Kitô Giáo! Một người dân Áo quốc mà thiếu một đức tin Kitô Giáo sinh động thì không còn là người Áo quốc nữa.   

 

Tôi xin niềm hy vọng, lòng tin tưởng và các phúc lành của Thiên Chúaở trên Ông và tất cả nhân dân Áo quốc, nhất là thánh phần già nua và bệnh hoạn, cũng như giới trẻ với cuộc sống trước mắt! Cám ơn.                                                        

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20070907_hofburg-wien_en.html