Điềm Lạ Obama – Dấu Chỉ Thời Đại…

Một Gorbachev của Thế Giới Tư Bản?

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

New president faces increased risk of conflict

 

 (xin xem cả những điện thư trao đổi giữa độc giả và tác giả về bài viết này ở phần cuối - tuy nhiên, vì lời yêu câu của độc giả, tác giả đã bỏ đi phần trao đổi này)

 

 

Điềm Lạ Obama

 

Thế là “cái thằng Mỹ đen”, (thành ngữ tôi đã nghe thấy một cách khinh miệt từ các bạn bè và cộng đồng thiểu số Việt Nam của tôi), đã trở thành vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ vào trước 8 giờ tối ở California, nơi bầu trời đổ mưa hầu như cả ngày, một sự kiện thời tiết rất lạ vào thời điểm này, khi còn đến 5 tiểu bang nữa chưa được biết kết quả. Nghĩa là “cái thằng Mỹ đen” này đã thắng lớn, hơn gấp đôi đối thủ Mỹ trắng của mình là John McCain, với số phiếu cử tri đoàn (electoral vote) là 349, trong khi đối thủ chỉ có 163, và ông chiếm được 53% (63,896,968) phiếu bầu của dân, trong khi đối thủ McCain có 46% (56,405,897).

 

Trong cuộc bỏ phiếu này, một cuộc bầu đông nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, kể cả một bà già 106 tuổi chưa bao giờ đi bầu lần này cũng đi bỏ phiếu cho “cái thằng Mỹ đen”, một nhân vật chẳng những vẫn giữ hay vẫn thắng được ở các tiểu bang vốn bỏ cho Đảng Dân Chủ, như California, mà còn chiếm được cả mấy tiểu bang vốn bỏ cho Cộng Hòa, chẳng hạn Florida và Ohio, và một số tiểu bang từng bỏ cho vị đương kim tổng thống cộng hòa 4 năm trước.

 

“Cái thằng Mỹ đen” này còn lạ lùng nữa là đã lấy được hầu hết lòng dân Hoa Kỳ, như cuộc thăm dò kết thúc toàn quốc với 17,836 người trả lời, được mạng điện toán toàn cầu CNN phổ biến ngày 5/11/2008 cho thấy tỷ lệ bỏ phiếu cho “cái thằng Mỹ đen” so với đối thủ cộng hòa (con số trong ngoặc đơn) như sau: giới nam 49% (48%), giới nữ 56% (43%), tuổi 18-29 là 66% (32%), 30-44 là 52% (46%), 45-64 là 49% (49%), chỉ thua đối thủ Mỹ trắng của mình số phiếu bầu của người trên 65 mà thôi: 45% (53%).

 

Thật là một sự lạ chưa từng thấy, một sự lạ đã được hầu như cả thế giới theo dõi, theo dõi chẳng những để theo dõi mà còn mong cho “cái thằng Mỹ đen” ấy làm tổng thống của một đệ nhất cường quốc trên thế giới hay chăng?

 

Theo mạng điện  toán toàn cầu CNN sáng sớm ngày 5/11/2008, tức ngay sau ngày “cái thằng Mỹ đen” thắng cử, qua bàiObama victory sparks cheers around world”, người ta đọc thấy nhận định của chính mạnh điện toán toàn cầu này, và sau đó là phản ứng rất tích cực về phía các vị lãnh đạo nhất là của những cường quốc trên thế giới như sau. Bài viết mở đầu:

 

Khắp thế giới, dân chúng ở đô thị cũng như thôn làng, trong phòng khách cũng như ở các quán ăn đều hớn hở trước sự thành công của ông, bừng lên những niềm hy vọng là vị tư lệnh quân đội da đen đầu tiên này của Hoa Kỳ sẽ cho thấy một đường lối hòa giải hơn với thế giới”.

 

Các vị lãnh đạo trên thế giới đã mau mắn lên tiếng mừng vị tổng thống thứ 44 lạ lùng này của Mỹ quốc như sau, mở đầu là Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Gordon Brown: “Tôi biết ông Barack Obama và chúng tôi giống nhau về nhiều giá trị. Tôi mong được làm việc hết sức chặt chẽ với ông trong những tháng năm tới đây”.

 

Bà Thủ Tướng Đức là Angela Merkel cũng tin tưởng bày tỏ cảm nhận về vị tân tổng thống Hoa Kỳ lạ lùng ấy thế này: “Tôi tin rằng qua việc hợp tác chặt chẽ và tin tưởng giữa Hiệp Chủng Quốc và Âu Châu, chúng ta sẽ có thể đương đầu với những nguy cơ và thách đố mới một cách quyết liệt và sẽ có thể lợi dụng được nhiều cơ hội đang mở ra trước mắt chúng ta trên thế giới này”.

 

Obama đã từng gặp nhị vị thủ tường trên đây trong chuyến viếng thăm Âu Châu và Trung Đông vào mùa hè vừa rồi, một chuyến thăm viếng ông đã lưu lại bài nói hùng hồn đầy tiếng vang ở Bá Linh Đức quốc như vị tiền nhiệm John Kennedy của ông vào năm 1963.

 

Ở Kenya, quê hương của người bố Phi Châu của ông, người đã qua đời khi ông mới được 1 tuổi, gia đình bên nội này của ông ở khu làng Kogelo đã hớn hở reo hò: “Barack Obama, Barack Obama đang tiến vào Tòa Bạch Ốc”.  Tổng Thống Kenya Mwai Kibaki đã gọi cuộc bầu chọn Obama là “một ngày trọng đại chẳng những trong lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà còn cả ở Kenya đối với chúng tôi nữa. Chiến thắng của Thượng Nghị Sĩ Obama là chiến thắng của riêng chúng tôi, vì nguồn gốc của ông được bắt nguồn từ Kenya đây. Là một quốc gia, chúng tôi cảm thấy đầy hãnh diện về sự thành công của ông”. Vị tổng thống này còn tuyên bố là Thứ Năm, 6/11/2008 là ngày lễ chung ở đất nước ông để tỏ lòng ngưỡng mộ cuộc chiến thắng của ông Obama.

 

Còn bên ngoại của ông, rất tiếc ông đã mất đi bà ngoại là người thay mẹ nuôi ông từ khi ông mới lên 10, vào 2 hôm trước, tuy ông đã về kịp thăm bà trước khi bà vĩnh viễn ra đi. Ở Jakarta Nam Dương là nơi ông đã sống với mẹ của ông cùng với người cha ghẻ vào cuối thập niên 1960, cả hằng răm học sinh ở trường tiểu học ông học xưa đã tuốn ra sân nhẩy múa la hò dưới mưa, la hò “Obama, Obama!”.

 

Cựu ngoại trưởng kiêm viên tướng về hưu Hoa Kỳ da đen là Colin Powell đã bày tỏ trong nước mắt khi ông xem Obama ngỏ lời trong bài phát biểu thắng cử của ông ở Công Trường Grant Chicago thuộc tiểu bang nhà Illinois của ông. Ông là người bên đảng Cộng Hòa nhưng gần cuối cuộc ranh cử đã công khai bày tỏ việc ông ủng hộ thượng nghị sĩ Obama cùng mầu da với ông. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN ở Hồng Kông trước đây đã cho biết là Hoa Kỳ còn phải trải qua một con đường dài nữa mới vượt qua được khoảng cách về chủng tộc, giờ đây, trước cuộc thắng cử của Obama đã cho biết ngay vào hôm Thứ Tư là ngày bầu cử rằng: “Obama đã tỏ ra kiên cường. Đã tỏ ra mạnh mẽ về tri thức. Ông có một đường lối quyết liệt để thực hiện công việc sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta”. 

 

Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã bày tỏ “những lời chúc mừng nống nhiệt nhất của tôi, và qua tôi là toàn thể nhân dan Pháp quốc”. Vị tổng thống này cho biết việc chọn bầu Obama làm bứng lên ở Âu Châu và khắp thế giới “một niềm y vọng ràn rề” và nhân dân Hoa Kỳ “đã gây ấn tượng mạnh mẽ niềm tin tưởng của họ vào sự tiến bộ và tương lai”.

 

Trong khi đó, ở hai quốc gia Hoa Kỳ đang tham chiến là A Phú Hãn từ ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2002 và Iraq từ ngày Lễ Thánh Giuse 19/3/2003, các vị thủ lãnh của hai quốc gia này cũng bày tỏ những cảm nhận riêng của họ. Tổng Thống A Phú Hãn Hamid Karzai đã cho biết là nhân dân Hoa Kỳ đã đưa “họ … và cả thế giới vào một tiến vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mà chủng tộc, mầu da và thiểu số… cũng sẽ không còn nữa như là một yếu tố về chính trị trên khắp thế giới”.

 

Tổng Thống Iraq Jalal Talabani cũng nói: “Chúng tôi mong được thấy dưới triều đại của ông mối liên hệ giữa hai quốc gia của chúng ta sẽ chứng thực tình đoàn kết và phát triển hơn nữa ở tất cả mọi lãnh vực khác nhau, dựa trên một nền tảng hợp đồng vững chắc, vào lợi ích chung cùng với những giá trị giống nhau”.

 

Ở Iran, một đối tượng vốn trái tai gai mắt với Hoa Kỳ, Phát Ngôn Viên Quốc Hội Jossein Abutorabifard đã bày tỏ cảm nhận hơi lạc quan về mối liên hệ song quốc như sau: “Obama có thể làm đổi thay các chính sách thua bại của Bush, nhờ đó có thể đóng một vai trò quan trọng nơi các mối liên hệ tương lai giữa Hiệp Chủng Quốc và Á Châu cũng như Trung Đông... Nếu Hiệp Chủng Quốc lưu ý tới những thực tại trên thế giới và thực hiện những chính sách thích hợp thì Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò thích đáng của mình giữa Hiệp Chủng Quốc và các quốc gia trong miền cũng như với thế giới Hồi Giáo… Hình như cuộc bầu cử này đã dọn đường cho việc cải tổ về những chính sách tương lai của Hiệp Chủng Quốc nơi Đảng Dân Chủ và của Obama ”.

 

Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev đã chúc mừng Obama và hy vọng sẽ có một “khả năng tích cực thực sự” trong việc cải tiến những liên hệ giữa hai quốc gia đã bị đổ vỡ gây ra bởi chiến tranh giữa Nga với nước láng giềng Georgia hồi tháng 8 vừa rồi cũng như bởi việc Hoa Kỳ muốn đặt cơ sở dàn lá chắn nguyên tử ở Balan.

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng gửi điện tín qua vị khâm sứ của Hoa Kỳ là Mary Ann Glendon chúc mừng vị tân tổng thống này của Mỹ quốc. Ngài hứa sẽ cầu nguyện cho ông trong “trách nhiệm nặng nề của ông trong việc phục vụ quốc gia và cộng đồng quốc tế”. Ngài chúc muôn vàn phúc lành của Chúa “nâng đỡ ông và nhân dân Hiệp Chủng Quốc trong các nỗ lực của ông, cùng với tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm, để xây dựng một thế giới hòa bình, đoàn kết và công bình”.

 

Theo lời của linh mục giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi, SJ, thì Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh Tarcisio Bertone cũng gửi một điện tín cho vị tổng thống tương lai này. Theo Cha thì “công việc của vị tổng thống Hiệp Chủng Quốc là một công việc lớn lao vĩ đại với cả một trọng trách, chẳng những ở quốc gia của mình mà còn chung thế giới nữa, căn cứ vào gánh nặng của Hiệp Chủng Quốc ở mọi lãnh vực trên cầu trường quốc tế. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta hy vọng rằng tân Tổng Thống Obama đáp ứng những niềm ước mong này và những niềm hy vọng được ký thác nơi ông, hiệu nghiệm phục vụ luật pháp và công lý, và tìm thấy những đường lối thích đáng đ63 cổ võ hòa bình trên thế giới, chú trọng tới việc phát triển và phẩm giá của con người theo những giá trị thiết yếu về nhân bản và thiêng liêng. Tín hữu cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho ông và giúp ông chu toàn trách nhiệm nặng nề nhất của ông”. Vị Giám Đốc này còn cho biết là ĐTC sẽ gửi một sứ điệp khác cho vị tân Tổng Thống Obama này vào ngày ông tuyên thệ nhận chức 1/2009.

 

Ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, ĐTGM Donald Wuert đã công nhận “thời điểm lịch sử” nơi cuộc bầu chọn một người Hoa Kỳ gốc Phi Châu đầu tiên làm tổng thống Mỹ quốc. Ngài cho biết ngài hân hoan “cùng với toàn thể quốc gia chúng ta trong thời điểm quan trọng này”. Ngài mong thấy tân chính phủ “hết lòng tôn trọng và dấn thân phục vụ cái linh thánh và phẩm giá của tất cả mọi sự sống con người và hỗ trợ thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta”.

 

Đức Giám Mục William Murphy ở Rockville Centre, Nữu Ước, cũng cảm nhận ngày bầu cử này là một “thời điểm lịch sử” trong lịch sử Hiệp Chủng Quốc. Qua những nhận định của mình trên Đài Phát Thánh Vatican, vị giám mục này đã gọi vị tân tổng thống là một “con người thông minh” có thể “tác động cả nhóm người theo quan điểm của ông. Dù sao thì quốc gia này cũng đã cảm thấy mệt mỏi và muốn tiếp tục có một tiếng nói mới mẻ, và tôi nghĩ ông này quả thực là tiêu biểu cho tiếng nói mới mẻ ấy. Vị giám mục này công nhận rằng vấn đề phá thai là một “thách đố chính” đối với vị tân tổng thống này, vị tổng thống “không phải là phò quyền tự quyết mà là phò phá thai”. Vị giám mục cho biết tiếp vị tổng thống tân cử này có một vết tích “rất rõ” về vấn đề chống lại sự sống, bởi đó ngài đề nghị “các vị giám mục sẽ thúc giục ông hãy nghĩ lại vấn đề này. Chúng tôi sẽ thôi thúc ông đừng châm ngòi chia rẽ hơn nữa về văn hóa và chia rẽ xứ sở này hơn nữa về vấn đề rất quan trọng này”.

 

 

Dấu Chỉ Thời Đại

 

 

Barack Obama, addressing supporters after his victory, was an unlikely nominee not that long ago.

 

Bàng hoàng trước điềm lạ Obama đột nhiên xuất hiện trên bầu trời thế giới đang mù mịt chân trời lịch sử này, người ta có thể tự hỏi điềm lạ Obama này có giống như điềm lạ về một vị tân Giáo Hoàng Công Giáo đột nhiên xuất thân từ một nước Cộng sản Balan vào ngày 16/10/1978 hay chăng, vị Giáo Hoàng đã làm sụp đổ khối Cộng sản Đông Âu vào năm 1989, sau chuyến tông du về thăm quê hương lần đầu của ngài vào năm 1979? Nếu quả thực điềm lạ nào cũng chất chứa những tương lai bất ngờ như thế, thì phải chăng người ta cũng có thể nghĩ về điềm lạ Obama là nhân vật này rồi ra sẽ ra sao? Phải chăng có bàn tay Chúa nhúng vào…? (xem Lk 1:66). Như thế đã là sự lạ thì, theo quan điểm đức tin Kitô giáo, bao giờ cũng chất chứa một cái gì đó huyền nhiệm đầy thần bí của Trời Cao… Những huyền bí này là gì nơi “điềm lạ Obama”?

 

Trong các cuộc nói chuyện liên quan tới chung thời cuộc và riêng cuộc tranh cử đầy hào hứng có một không hai trong lịch sử Hoa Kỳ đang xẩy ra trong năm 2008, tôi đã đặc biệt bày tỏ tất cả tâm tưởng của tôi cách riêng về điềm lạ Obama. Tôi còn nhớ rõ hai buổi nói chuyện với bạn bè sau đây. Cuộc nói chuyện lần thứ nhất vào sáng Thứ Năm, 5/6, tại Santa Ana, sau buổi họp hằng năm cho một trong những thân chủ của tôi, với sự tham dự của cả ông bố không Công giáo thích nói về chính trị của em, tại văn phòng của một người bạn đồng nghiệp không Công giáo của tôi, người ở Việt Nam trước 1975 vừa dạy ở Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt vừa dạy ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt. Cuộc nói chuyện thứ hai diễn ra sau đó đúng 2 tuần, cũng vào Thứ Năm, nhưng buổi tối, ở nhà hàng La Veranda ở Westminster, với 3 người bạn đồng đạo, 2 nam 1 nữ, những khuôn mặt quá quen biết trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Giáo Phận Orange.

 

Qua cả hai cuộc nói chuyện này, tôi đã bày tỏ cái cảm giác lạ lùng của tôi trước sự xuất hiện của điềm lạ Obama. Trước hết, ông chỉ là một thượng nghị sĩ liên bang mới được 4 năm, hầu như vô danh, hoàn toàn thua kém về kinh nghiệm chính trường đối với một đối thủ khủng khiếp cùng đảng trong cuộc tranh cử sơ bộ với ông là bà cựu đệ nhất phu nhân Clinton đầy tiếng tăm và là một đối thủ vừa xuất đầu lộ diện đã  được cho rằng có thể sẽ là nữ tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên. Thế mà vị thượng nghĩ sĩ da đen này đã thắng được bà, khi được chính thành phần siêu đại biểu Đảng Dân Chủ đề cử đại diện Đảng ra tranh cử tổng thống với Đảng Cộng Hòa! Sau nữa, tôi thấy rằng ông có lợi thế hơn đối thủ Cộng Hóa của ông: cái lợi điểm thứ nhất của ông là nét trẻ trung cùng với biệt tài hùng biện, là những gì theo tâm lý tự nhiên dễ thu hút hơn; và cái lợi điểm thứ hai của ông đó là chính tình trạng yếu kém của chính phủ Hoa Kỳ đang được Đảng Cộng Hòa lèo lái, cả đối ngoại cũng như đối nội, một tình trạng ông đã đánh trúng tâm lý của lòng dân đang chán nản và muốn thấy xã hội “thay đổi”, trong khi đó đối thủ Cộng Hòa của ông không hề dám nói đến vấn đề “thay đổi” (change), kẻo mắc tội phản Đảng.

 

Tuy nhiên, tôi không dừng lại chỉ ở sự xuất hiện bất ngờ của điềm lạ Obama, qua việc ông thắng được đối thủ nữ thượng nghị sĩ Clinton dữ dội của ông, và được siêu đại biểu của Đảng tín nhiệm đề ra tranh cử tổng thống, cũng như không dừng lại ở hai ưu thế của ông đối với đối thủ Đảng Cộng Hòa. Còn hơn thế nữa, căn cứ vào sự kiện thắng thế của ông trong cùng Đảng và ưu thế của ông đối với đối Đảng, tôi đã trình bày rõ ràng cảm nhận của tôi về những gì tôi cho là có liên quan tới điềm lạ Obama này trong thượng trí của Đấng Quan Phòng Thần Linh. Theo tôi, điềm lạ Obama có liên quan tới trận chiến khủng bố toàn cầu hiện nay, một trận chiến xẩy ra sau thời Chiến Tranh Lạnh 1991 cho tới nay, nhất là sau Biến Cố 911 ở Hoa Kỳ năm 2001, một trận chiến liên quan đến nền văn hóa giữa Hồi Giáo và thế giới Tây phương được thế giới Hồi Giáo coi như đồng hóa với Kitô giáo. Trong khi đó, nơi điềm lạ Obama thiên định này quả nhiên đã có cả hai nền văn hóa Hồi Giáo (theo nguồn gốc cha ông bên Phi Châu và vào thời thiếu nhi của ông ở Nam Dương) và Tây phương (theo niềm tin Kitô giáo hiện nay của ông). Phải chăng đây chỉ là trùng hợp tình cờ và ngẫu nhiên xẩy ra, ở chỗ, ngay trong lúc căng thẳng của cuộc chiến toàn cầu về văn hóa giữa Hồi Giáo và Tây phương thì điềm lạ Obama xuất hiện?

 

Theo tôi, Tây phương bao gồm 3 Châu Lục, Âu Châu, Mỹ Châu (chẳng những riêng Bắc Mỹ mà còn bao gồm cả Mỹ Châu La Tinh là vùng đất dầu không văn minh dầu sao cũng mang giòng máu và ngôn ngữ Âu Châu), và Úc Châu, một thế giới được cho là tân tiến về cả văn minh vật chất liên quan tới kỹ thuật và khoa học, lẫn văn minh nhân bản liên quan đến nhân quyền và ý hệ, một thế giới quả thực có cội nguồn Kitô giáo và hầu như toàn tòng Kitô giáo. Thế giới Tây phương đây lại có một liên hệ chặt chẽ với dân tộc Chúa chọn là Do Thái, đối tượng vốn chướng mắt của thế giới Hồi Giáo cần phải bị loại trừ. Thế mà, lịch sử phũ phàng cho thấy, thế giới Tây phương theo văn minh Kitô giáo này đang trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng chưa từng thấy, đến độ hầu như càng ngày càng mất gốc Kitô giáo của mình, trong trận bão lốc của nền văn hóa sự chết mỗi ngày một dữ dội theo chủ nghĩa tương đối duy nhân bản, chủ nghĩa tôn sùng “thần tôi”, tôn sùng “tự do” phi chân lý, tôn sùng “nhân quyền” phi luân lý.

 

Tất nhiên, gieo gió gặt bão, ác giả ác báo, có tội thì bị phạt. Tây phương tội lỗi thì Tây phương chắc chắn không thoát được hình phạt. Theo Fatima thì chiến tranh là một hình phạt. Hai Thế Chiến I (1914-1918) và II (1939-1945) xuất phát từ Âu Châu, từ thế giới Tây phương vật chất, là hậu quả tất yếu do con người gây ra bởi tình trạng sa đọa đức tin Kitô giáo nơi thế giới này, nhưng cũng có thể được coi như hình phạt Trời Cao muốn sử dụng để nhắc nhở thành phần Kitô hữu ở đây ăn năn hoán cải. Cuộc Chiến Tranh Lạnh, cũng xuất phát từ thế giới Tây phương, giữa khối tư bản được lãnh đạo bởi Hoa Kỳ và khối cộng sản do Liên Bang Sô Viết chủ chốt, cũng là hậu quả cho thấy nền văn minh Tây phương đã đi đến chỗ “duy vật vô thần”. Cuộc khủng bố công khai ngay giữa thanh thiên bạch nhật vào lúc mở màn cho một tân thiên kỷ Kitô giáo xẩy ra ở một đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ ngày 11/9/2001 chẳng những đã chính thức hóa cuộc chiến văn hóa toàn cầu giữa thế giới Hồi Giáo và thế giới Tây phương mà còn cho thấy cái văn minh Tây phương vô đạo đức. Thế Chiến I và II, nạn Cộng Sản vô thần và nạn khủng bố từ thế giới Hồi Giáo đều là những gì Trời Cao muốn cảnh tỉnh văn minh Tây phương đang mất gốc Kitô giáo. Thế nhưng, vấn đề ở đây là làm sao để Tây phương văn minh có thể giác ngộ mà trở về với cội nguồn Kitô giáo của mình?

 

Trước tình hình thế giới Tây phương như thế, ngay từ đầu thập niên 1960, Giáo Hội Công Giáo đã quả thực bừng tỉnh qua Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), một biến cố hết sức quan trọng chẳng những liên quan tới riêng Giáo Hội Công Giáo mà còn đến cả vận mệnh thế giới nữa. Ngay vào thời điểm mở màn cho biến cố này, thế giới gần như xẩy ra thế chiến thứ ba, thế chiến nguyên tử, giữa hai đệ nhất cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản và cộng sản thời Chiến Tranh Lạnh, khi Liên Bang Sô Viết đã sửa soạn dàn phi đạn nguyên tử ở Cuba nhắm thẳng tới Hoa Kỳ vào đầu tháng 10/1962. Thật thế, với ý thức về bản chất của mình là “Ánh Sáng Muôn Dân”, (nhan đề của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium), có sứ mệnh mang “Vui Mừng và Hy Vọng” đến cho thế giới tân tiến, (nhan đề của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes), Giáo Hội Công Giáo đã nỗ lực “thả lưới ở chỗ nước sâu – duc in altum (Lk 5:4), tức dấn thân truyền giáo bằng việc canh tân nội bộ. Một trong những canh tân nội bộ trực tiếp liên quan tới việc truyền giáo này là vấn đề đại kết Kitô giáo. Bởi nếu “người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thày đó là các con yêu thương nhau” (Jn 13:35) thì Kitô Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng không thể truyền giáo và làm chứng nhân cho Đấng là hiện thân của “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Jn 4:8,16), nếu tiếp tục chia rẽ nhau. Thế nhưng, thực tế cho thấy, sau Công Đồng Chung Vaticanô II gần 45 năm mà vấn đề đại kết Kitô giáo mới chỉ hơi nhúc nhích một chút xíu, nếu không muốn nói là vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ, cho dù vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI ngày từ lúc mở màn cho giáo triều của ngài (4/2005) đã minh nhiên chủ trương ưu tiên thực hiện việc đại kết.

 

Phải chăng vì Kitô giáo ở Âu Châu nói riêng và Tây phương nói chung như “muối đã ra nhạt” như thế mà thế giới Tây phương càng văn minh vật chất càng băng hoại về luân thường đạo lý? Thế nhưng, làm thế nào để muối Kitô giáo lấy lại được vị mặn của mình nơi thế giới văn minh Tây phương đây, bằng không, theo lời của Đấng sáng Lập Kitô Giáo, nó chỉ đáng “vứt ra ngoài cho người ta giầy đạp dưới chân” (Mt 5:13)! Đúng thế, theo chiều hướng bị “giầy đạp” này, phải chăng, vào một ngày nào đó, không sớm thì muộn, thế giới Tây phương Kitô giáo nói chung sẽ bị một thế lực nào đó thống trị, chẳng hạn như khối Hồi Giáo, một khối hiện đang thua xa thế giới văn minh Tây phương về đủ mọi mặt, kể cả kinh tế và chính trị, nhất là về quân sự và vũ khí tàn sát hằng loạt. Tuy nhiên, vì lịch sử được cai trị bởi Đấng Quan Phòng Thần Linh chứ không phải bởi một cá nhân hay lực lượng trần gian nào khác, mà Ngài có thể làm đảo lộn tất cả mọi sự theo dự định vô cùng thần diệu của Ngài. Ngài có thể để cho Hồi giáo thắng Tây phương văn minh.

 

Điển hình nhất là một vị Giáo Hoàng đột ngột xuất hiện từ một quốc gia cộng sản ngày 16/10/1978, vị giáo hoàng đã làm sụp đổ Khối Cộng Sản Đông Âu. Nếu Thiên Chúa làm chủ lịch sử đã có thể sử dụng một thanh niên học linh mục chui dưới thời Cộng sản ở xứ sở Balan vào đầu thập niên 1940, rồi sau đó ngài lợi dụng những tính toán khôn ngoan nhất của thành phần “đỉnh cao trí tuệ” cộng sản bấy giờ ở xứ sở này để từ từ đưa người thanh niên học linh mục chui ấy trở thành giám mục, tổng giám mục, hồng y và cuối cùng giáo hoàng, thì, Ngài cũng có thể lợi dụng tất cả mọi tính toán trần gian được cho là khôn ngoan nhất để thực hiện ý định siêu việt của Ngài. Ngài là một tay chơi cờ thế cao nhất. Chỉ cần một chiêu đã đủ hạ gục đối phương. Phải chăng, Ngài đã dọn đường cho một điềm lạ Obama bằng con đường Goerge W. Bush 8 năm, một con đường được mở ra bằng chiêu tấn công khủng bố đầy ngoạn mục, để rồi hoàn toàn sa lầy cả về chính trị ngoại giao và lụn bại hết sức thê thảm về kinh tế?

 

 

“Nếu Obama làm tổng thống thì một cái gì đó sẽ xẩy ra trên thế giới này

 

Trước những thách đố cả về chính trị lẫn kinh tế, cả đối nội cũng như đối ngoại, hết sức khó khăn vào lúc này đây, liệu điềm lạ Obama có thể vượt quan được hay chăng? Tôi cho rằng ông sẽ giống như một Gobarchev ở Liên Sô, một lãnh tụ Cộng Sản Liên Sô trẻ nhất, xuất hiện vào tháng 3/1985, nhân vật đã trở thành yếu tố thiên định trong biến cố Cộng Sản Đông Âu năm 1989 và Liên Sô năm 1991. Nếu nhà lãnh tụ cuối cùng của Khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết Gobarchev đã được sai đến cho Biến Cố Cộng Sản Đông Âu và Liên Sô bằng chính sách cởi mở (glasnost) và cải tổ (perestroika) thế nào, điềm lạ Obama cũng chủ trương cởi mở (open) và cải tổ (change) như thế. Cởi mở ở chỗ dám sẵn sàng đối thoại với thành phần bị Tổng Thống Bush và đối thủ John MacCain của ông coi là thù địch, không đáng nói chuyện, một chủ trương đối thoại rất thích hợp với đường lối của Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội luôn khuyến khích thương thảo hơn là đánh đấm, bạo động. Và thay đổi ở chỗ cố gắng điều chỉnh lại những sai lầm và tai hại của quá khứ bằng những nỗ lực mới mẻ khác.

 

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2000 giữa ứng cử viên George Bush và phó tổng thống Al Gore bấy giờ, cũng như cuộc bầu cử năm 2004 giữa ông Bush với Thượng Nghị Sĩ John Kerry hoàn toàn khác với cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Hai cuộc bầu cử trước hầu như liên quan nhiều tới vấn đề luân lý bấy giờ, bởi thế, có thể nói rằng nhờ khối Công Giáo phò sự sống và hôn nhân gia đình chân chính mà ông Bush đã mấp mé thắng được hai đối thủ của ông, trong đó có một đối thủ Công giáo. Cuộc bầu cử năm 2008 vấn đề luân lý là vấn đề thứ yếu so với vấn đề kinh tế cũng như vấn đề ngoại giao liên quan tới chiến tranh Trung Đông, bởi thế cho dù ứng cử viên Obama có tiếng là phò phá thai, vị vào tối ngày đắc cử đã xuất hiện trên truyền hình ngoài vợ còn có hai đứa con gái nhỏ tươi cười dễ thương, cũng vẫn được (khối Công giáo nói chung bỏ phiếu 54% so với đối thủ chỉ có 45%) Đấng Quan Phòng Thần Linh tuyển dụng theo ý muốn vô cùng huyền nhiệm của ngài.

 

Biết đâu, với hai nền văn hóa Hồi Giáo và Kitô Giáo, và với tinh thần cởi mở, vị tổng thống thứ 44 này của Hoa Kỳ có thể giải quyết vấn đề chung chiến tranh Trung Đông nói và riêng chiến tranh Iraq và A Phú Hãn cách tốt đẹp. Nếu Đức Gioan Phaolô II đã được Đấng Quan Phòng Thần Linh sai đến phụ giúp bởi nhà lãnh tụ cộng sản Garbochev để có thể phá hủy bức tường (Bá Linh) ngăn cách Âu Châu giữa hai khối tư bản và cộng sản, thì cũng chẳng biết đâu vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một vị giáo hoàng không ai ngờ lên ngôi vào tuổi gần bát tuần, và xuất thân từ một quốc gia đã gây ra hai Thế Chiến vào tiền bán thế kỷ 20, vị giáo hoàng cũng đã bất ngờ đụng độ với Khối Hồi Giáo qua bài diễn văn của ngài ở Đại Học Regenburg ngày 13/9/2006, cũng có một người bạn đồng hành là tổng thống Obama trong việc hóa giải hai khối Hồi Giáo và Tây phương.

 

Trong hai cuộc trao đổi trong Tháng 6/2008 được đề cập đến trong bài viết này với 5 người bạn của tôi về việc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ 2008, vì nghĩ đến những gì sâu xa liên quan đến điềm lạ Obama và tình hình thế giới giữa Tây phương và Hồi giáo như thế, tôi đã nói với các người bạn của tôi ngay từ khi ấy 2 câu rõ ràng rằng: “Tôi dám chắc Obama thắng” và “nếu Obama làm tổng thống thì một cái gì đó sẽ xẩy ra trên thế giới này”. Lòng tôi thì tin tưởng mạnh mẽ hơn, nhưng phát biểu thì không dám tuyệt đối khẳng định “tôi cam đoan là Obama sẽ thắng”, kẻo một là bị hớ hai là kiêu ngạo. Tuy nhiên, các người bạn của tôi cũng lắng nghe những lời bày tỏ lạ lùng của tôi, nhất là hai người không cùng tôn giáo với tôi.

 

Hôm 5/11, ngay sau ngày bầu cử, tôi đã gọi đến cho người bạn đồng nghiệp không Công giáo mà tôi đã nói chuyện ngày 5/6 để gợi lại những gì tôi đã nói bấy giờ với anh, và được anh chẳng những công nhận là tôi nói đúng mà còn chân nhận rằng “Quả thực điều này thật là lạ lùng, chỉ có thể cắt nghĩa theo thần lý mà thôi”. Tôi cũng gọi đến một trong ba người bạn ngày 19/6, và được anh lập lại là họ nợ tôi một bữa, vì tôi đã đúng. Nhưng tôi nói thêm với anh ấy rằng khi tôi nghe xong bài nói của vị tổng thống đắc cử Mỹ đen này xong, tôi liền đi cầu nguyện cho ông, dâng ông cho Chúa và xin Chúa hãy dìu dắt con người được Chúa chọn.

 

Tôi còn chia sẻ thêm với anh rằng biết đâu vị tổng thống da Đen đầu tiên này của Hoa Kỳ sẽ bị ám sát, như đã có những mưu đồ và dấu vết manh nha cho thấy trong thời gian tranh cử của ông. Với tinh thần cởi mở đối thoại với “phía bên kia”, một là ông sẽ bị phía bên ấy lạm dụng cái mềm dẻo của ông để lấn lướt riêng Hoa Kỳ và chung Tây phương, hai là ông có thể bị ám sát chết vì việc thành công về ngoại giao của ông trở thành những gì ngứa mắt đối với một số thành phần Mỹ trắng cực đoan khủng bố nào đó. Và một khi ông bị ám sát chết thì thế giới này, theo nguyên văn lời của người bạn tôi nói, “sẽ có hằng trăm Iran khác”. Phải, tôi nói với anh ấy rằng, bấy giờ cả Khối Hồi Giáo sẽ nổi lên chống lại Tây phương, và biết đâu Đấng Quan Phòng Thần Linh làm chủ lịch sử bấy giờ sẽ sử dụng Hồi Giáo, dù yếu hơn Tây phương về mọi mặt (trừ đạo đức?), để cai trị Tây phương văn minh nhưng đã hầu như hoàn toàn bị băng hoại, cần phải được thanh tẩy.

 

Cũng biết đâu vào lúc ấy, lúc Tây phương Kitô giáo như muối đã ra nhạt nên bị đổ ra ngoài cho người ta giầy đạp là bị Hồi Giáo hung tàn thống trị, Kitô giáo Tây phương mới có thể nghĩ lại và không thể không hiệp nhất nên một với nhau, nhờ đó họ mới có thể chống lại Hồi Giáo và cuối cùng thắng được họ. Để rồi, chính một phát súng của một khối Kitô giáo Tây phương yêu thương hiệp nhất đại thắng Hồi giáo như thế cũng là phát súng đồng thời hạ được một lúc hai con chim về phương diện đức tin nữa, đó là con chim Hồi giáo và Do Thái giáo. Vì cả hai con chim đều theo Thiên Chúa giáo này như Kitô giáo bấy giờ sẽ nhận ra chân lý, nhận ra dung nhan đích thực của vị Thiên Chúa họ tôn thờ nơi Kitô giáo.

 

Trước hết là Hồi Giáo, một tôn giáo chủ trương canh tân xã hội, nhưng dường như băèng đường lối võ lực ngay từ thời Giáo tổ Mohammed, vị đã phát động chiến dịch thánh chiến (Jihad) vào năm 624 và trong vòng 9 năm đã thực hiện 27 cuộc thánh chiến. Cuộc thánh chiến đầu tiên có thể kể đến xẩy ra vào năm 622 khi vị giáo tổ này cùng với nhóm môn đồ tiên khởi của mình tấn công để cải tổ thành Mecca, song thất bại phải lánh sang thành Medina, và vị giáo tổ này đã về chiếm thành Mecca vào năm 630. Lịch sử cho thấy, với võ lực, vào năm 711 Hồi Giáo đã tấn công Âu Châu, và đã bị Âu Châu đánh đuổi vào năm 1492. Thế rồi, một lần nữa, vào giữa thiên kỷ thứ hai, thế kỷ 16 và 17, một đế quốc đã phát xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ, thuộc Trung Á, mang danh là Ottoman, làm chủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều phần thuộc miền Bắc Phi Châu, Tây Nam Á Châu và Đông Nam Âu Châu và kéo dài cho tới năm 1922. Thế nhưng, sau khi thua khối Kitô giáo yêu thương đoàn kết họ mới nhận ra vị “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn 17:3) mà họ tôn thờ là Vị Thiên Chúa cứu độ bằng yêu thương, chứ không phải bằng võ lực.

 

Sau nữa là Do Thái, một dân tộc, nếu tiếp tục mong đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng họ về chính trị, không biết trong thực tế họ có còn tiếp tục trông mong Đấng Cứu Thế đến nữa hay chăng, vì hiện nay họ đang đóng vai trò chủ chốt ở Trung Đông, làm cho cả khối Hồi giáo to lớn chung quanh phải nể mặt, thế nhưng họ lại là một dân tộc đã được Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại quả quyết là cuối cùng Thiên Chúa sẽ thương đến họ (xem Rm 11:25-26). Phải chăng cho tới khi họ bị cai trị Hồi giáo cai trị, bấy giờ họ mới tỉnh ngộ và cảm thấy thực sự cần đến ơn cứu độ, một ơn cứu độ mà chỉ có Vị Thiên Chúa của cha ông họ mới có thể thực hiện được thôi, như Ngài đã từng làm trong lịch sử cứu độ của họ được ghi nhận trong Cựu Ước. Và một khi được giải phóng nhờ lực lượng Kitô giáo yêu thương đoàn kết thắng được Hồi giáo, họ bấy giờ mới thực sự thấy được rằng chỉ ở nơi Kitô giáo mới có “Đấng Thiên Sai là Chúa Giêsu Kitô” (Jn 17:3)!

 

Tóm lại, nếu vị tổng thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2008-2012 quả thực là một điềm lạ thì chắc chắn nơi điềm lạ Obama xuất hiện như một Gorbachev “cởi mở” và “cải tổ” này quả thực chất chứa một cái gì đó huyền nhiệm của Đấng Quan Phòng Thần Linh là chủ lịch sử loài người, như đã từng xẩy ra nơi điềm lạ Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.  Vấn đề của Kitô hữu chúng ta ở đây không phải là chỉ tỏ ra ngỡ ngàng hoặc chân nhận điềm lạ Obama, mà là một khi thấy được dấu chỉ thời đại lạ lùng này, chúng ta hãy như Mẹ Maria “lưu giữ tất cả những sự ấy mà suy niệm trong lòng” (Lk 2:19,51), và sẵn sàng đáp ứng ngọn gió Thần Linh “muốn thổi đâu thì thổi… không biết từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Jn 3:8), miễn là cuối cùng “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28). Amen.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

Rancho Cucamonga, Thứ Tư 5/11/2008