Nh V Hi Dương

                                         tặng Linh Mục Hoài Chương và Chị Lan

 

                 Tháng mười một, tính ra là đã vào thu rồi đấy, thế mà trời Hà Nội vẫn còn nóng ơi là nóng.  Ngày cuối tuần mà đường xá vẫn đầy nghẹt xe cộ, còi bấm inh ỏi.  Ba chiếc xe đò nối đuôi nhau mất gần một tiếng đồng hồ mới bò được đến cầu Thăng Long để băng qua sông Hồng ra khỏi thành phố.  Nhìn xuống dòng sông bát ngát, từ nơi cao nguyên xa xôi khuất cả tầm mắt, dào dạt trôi về miền đồng bằng, mang nhựa sống phù sa bồi đắp những đồng ruộng lúa xanh tươi, mà trong lòng tự nhiên thấy mát mẻ hẳn ra.                    

                          Từ thượng du nước trôi về trung châu

                         Ấp ôm đồng ruộng sâu bên người áo nâu dãi dầu …

            Xa xa, bóng dáng chiếc cầu Long Biên ẩn hiện qua làn sương sớm, gần một trăm tuổi rồi mà vẫn còn giữ đuợc vẻ thanh lịch như thuở nào.

            

     Qua khỏi cầu là vào đến địa phận Hải Dương, nơi làm việc của đoàn năm nay.  Hải Dương, tên là thế mà có cạnh bờ biển nào đâu, cả tỉnh nằm lọn thỏn giữa Hà Nội và Hải Phòng.  Hai bên đường phố xá trông cũng xầm uất lắm, đủ mọi cơ xưởng, lại có cả hãng ráp xe ô tô.  Nhưng nhiều nhất vẫn là những tiệm bánh kẹo.  Hải Dương đúng là đất của dân hảo ngọt, từ bánh gai, bánh cốm, cho đến mứt sen, kẹo lạc, kẹo vừng... Nổi tiếng nhất là bánh đậu xanh.  Những tiệm bánh đầy kín cả hai bên đường, tiệm nào cũng là con cháu ông Rồng Vàng hết: Bảo Hiên Rồng Vàng, Thanh Hương Rồng Vàng, Ninh Giang Rồng Vàng …, cứ rối rít cả lên, chẳng biết ai là chính hiệu con rồng vàng nữa! 

            Khoảng hơn muời giờ sáng thì đến nơi.  Hai cái khách sạn nằm ngay bên đường quốc lộ, còi xe ầm trời, bụi tung mù mịt.  Ra khỏi xe mà cứ như là buớc vào cái phòng xông hơi nóng.  Nhưng ai nấy đều tươi cười hồ hỡi vì sắp sửa bắt đầu đuợc “công tác”.   Khởi sự là phải rỡ những thùng vật liệu ra khỏi xe để phân chia cho mỗi đoàn.  Sau đó ai nấy đều ăn vội vàng bữa cơm trưa để còn kịp đi đến bệnh viện trong thành phố chuẩn bị cho những phiên mổ trong tuần.  Dân làng trong khi ấy đã đứng chờ đầy trong hành lang và trên sân bệnh viện, chẳng biết từ lúc nào nữa.  Có người đã bế con lặn lội từ những thôn xã hẻo lánh, đi mấy ngày trời lên tỉnh chờ đợi, hy vọng có được một cơ hội độc nhất trong cuộc đời để đứa con được mổ cho lành lặn đôi môi sứt. Trong lúc những người bác sỹ tê mê khuân đồ lên sắp xếp phòng mổ thì đám y tế toàn khoa lo kiểm soát trật tự, hướng dẫn người bệnh vào gặp bác sỹ giải phẫu để xem ai cần được mổ.  Người nào được chấp nhận thì sau đó được đưa qua gặp bác sỹ gia đình để khám nội thương rồi cuối cùng là đi làm thủ tục nhập viện.  Nói thì ngon lành lắm, nhưng lúc bắt đầu thì mới thấy loạn ơi là loạn.  Xe vừa ngưng bánh là mọi người bắt đầu xô đẩy, chen lấn nhau.  Người đi hướng này đụng người hướng kia.  Bệnh nhân chỉ đi phòng này thì lại lang bang qua phòng khác.  Ðang làm nửa chừng thì cái cân độc nhất trong phòng chẩn bệnh bi hư. 

          - Cả bệnh viện không còn một cái cân nào nữa sao cô?

         - Còn một cái nữa Chú ạ, nhưng ở mãi trên lầu ba cơ, mà lại khoá vào tường rồi, mang xuống không được đâu.

        Thế là lại phải cử thêm một người đưa bệnh nhân lóc cóc leo tuốt lên lầu ba để cân sức nặng, xong rồi lại trèo xuống để bác sỹ khám tiếp.  Cái hành lang chật ứ đầy người là người, vừa nóng, vừa hầm, vừa ngộp, vừa ồn ào như chợ vỡ.  Ai nấy đều phải gào hét lên mới nghe được nhau.  Nhưng nhờ mọi người cùng cố gắng hợp sức, cùng với sự hỗ trợ của nhân viên địa phương trong bệnh viện, nên mọi chuyện bắt đầu từ từ ổn định, cuối cùng rồi ai cũng được cứu xét hết.  Em bé sau cùng được khám xong là trời đã bắt đầu tối.  Ai nấy đều khờ khạc hết, đứng lên chẳng nổi, nói thì chỉ phờ phào được dăm ba chữ.  Ấy chỉ là mới ngày đầu thôi đấy.

        Về đến khách sạn, thay quần áo, tắm vội vài ba phút, rồi xuống phòng ăn.  Các món ăn địa phương Bắc kỳ đúng khẩu vị mình quá.  Nhưng tội nghiệp mấy người ngoại quốc hoặc các quý vị người Việt trẻ tuổi, nhìn thấy những tộ cá kho đen thui thủi hay những bát canh mồng tơi nhơn nhớt mà lắc đầu ngao ngán.  Ăn được hay không, bữa cơm chưa xong là đã phải đi lo sắp xếp hơn một ngàn cái cặp táp.  Cả đám ngồi một dọc ở hành lang khách sạn, chuyền những chiếc cặp từ người này sang người kế cận để bỏ quà vào cho các em học sinh.  Một cái bàn chải, một hộp kem đánh răng, một hộp bút chì mầu, một quyển sách tập đọc … đối với mình chẳng có gì nhưng hy vọng sẽ mang được một niềm vui đến cho các em.  Mấy cô dược sỹ phải vào nhà kho tìm những thùng thuốc từ khắp mọi nơi gửi đến, rồi kiểm tra lại cho đầy đủ, sau đó phải soạn vào những bịch nhỏ để ngày mai phân phát cho lẹ.  Anh trưởng đoàn nửa khuya phải kêu tắc xi vào bệnh viện tìm thùng dụng cụ mà hồi chiều toán Giải Phẫu cầm nhầm mang đi mất.  Một người nữa phải đi in thêm những mẫu đơn ghi bệnh.   Chiếc máy cũ kỹ, chạy được chừng dăm phút là lại phải tắt đi cho nghỉ một lúc để nguội bớt.  Mấy tờ giấy chụp xong cũng phải đưa ra trước quạt máy để thổi cho khô.  Có một chồng mẫu đơn mà cả hai tiếng đồng hồ vẫn chưa xong.

         Loay hoay mãi đến gần nửa đêm thì mọi chuyện kể như đã ổn định.  Nằm xuống giường là ngủ ngon lành mặc dù bên ngoài vẫn còn inh ỏi tiếng còi xe.  Năm giờ sáng là đã phải lo thức giậy.  Ăn sáng vội vàng cho xong để sáu giờ là xe bắt đầu lên đường về làng.  Đây là những giây phút đẹp nhất của chuyến đi.  Vừa rẽ khỏi con đường quốc lộ chưa đầy dăm phút là đã cảm thấy như đi vào một vùng trời khác.  Cứ ngỡ là mình được đi ngược lại dòng thời gian.  Không còn những tiếng ồn ào xe cộ, những nhà máy hay những cơ xưởng xây cất nữa, mà chỉ còn một con đường đất vừa đủ để xe chạy, hai bên là những cánh đồng xanh ngát kéo dài đến tận cuối chân trời.  Một vài giòng sông nho nhỏ chẩy lững lờ giữa những cánh đồng vuông vắn.  Trời nắng chang chang, chẳng có tí “gió mùa thơm ngát” nào cả, mà trong lòng cũng thấy nôn nao như “Ðàn Chim Việt” của Văn Cao:

                           Về đây khi gió mùa thơm ngát

                           Ơi lũ chim giang hồ

                           Bao cánh đang cùng

                           dật giờ trên khắp cố đô …

                            

      Thấp thoáng xa xa là một vài ngôi nhà tranh.  Nhà nào khá giả thì có thêm một cái ao nuôi cá bên cạnh, cùng với vài ba con vịt nhởn nhơ bơi trên mặt hồ.  Chẳng có bóng dáng một chiếc xe máy nào, mà chỉ có những người dân làng cuốc bộ hay đi xe đạp.  Thỉnh thoảng lại được thấy một anh chăn vịt đi trên đường với một đàn vịt lon ton chạy trước.  Thấy xe đò chạy đến là cả đám vội vã kéo dạt sang một bên, tí nữa là té cả xuống ao.  Cũng chẳng thấy một chiếc máy cầy hay máy bơm nước nào cả.  Mọi công việc hầu như vẫn còn làm bằng sức người như năm mươi năm trước.  Tát nước thì bằng những chiếc gầu dựng ở bên sông.  Cầy ruộng thì bằng sức trâu.  Thành ra thửa ruộng nào cũng thấy vài ba con trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ, nhưng chẳng thấy chú mục đồng nào ngồi trên lưng trâu thổi sáo hay thả diều như trong mấy chuyện cổ tích cả.

      Những làng xã đều chỉ cách tỉnh lỵ Hải Dương chừng hai mươi cây số, thế mà phải đi đến hơn một tiếng đồng hồ mới tới nơi.  Hai chiếc xe đò cứ đủng đỉnh mà đi, vừa lắc vừa lư.  Trên xe nguời thì nhắm mắt ngủ nuớng, nguời thì lo ngắm cảnh, chụp hinh, hoặc chuyện trò với nhau hay chơi bài cào.  Mấy cô dược sỹ thì tội nghiệp lúc nào cũng bận bịu đếm thuốc.  Đôi khi xe đang chạy gặp ổ gà lại phải dừng lại, cho mọi người ra khỏi xe đi kiếm gạch đá về lấp rồi mới tiếp tục đi được.  Cứ như thế mà mỗi ngày đều khăn gói lần mò tìm về được một làng khác nhau.  Từ Thái Hoà đến Bình Xuyên, Hùng Thắng, rồi tới Cổ Bì.  Tới nơi thì chia làm hai toán, một nhóm đến trường học chữa răng, đo mắt và phát kiếng, khám bệnh tổng quát, chỉ dẫn học sinh về vấn đề giữ gìn xức khoẻ và đánh răng, cùng với phát cặp táp tặng cho mỗi em.  Một nhóm thì đến trạm y tế xã khám bệnh tổng quát cho dân làng, cả già trẻ lớn bé, cùng những phụ nữ có thai, đều có thể đến để được khám và tặng thuốc.  Dân làng được báo trước nên đã đứng chờ đầy trước cả sân.  Xe vừa ngừng máy là mọi người vội vàng leo xuống, bưng những thùng đồ nghề dụng cụ vào nơi làm việc.  Ngầu nhất là nhóm Nha Khoa, mang theo cả chiếc máy phát điện chạy xăng to tướng, kéo hết từ làng này sang làng khác, đi đến đâu là cũng phải cần năm sáu người mới khiêng xuống xe được.  Ngôi trường tiểu học của người ta đang tĩnh mịch như thế, mà mấy ngài thản nhiên cho máy nổ chạy rầm trời, rung rinh cả mấy gian nhà cũ kỹ.  Nhưng nhờ thế mới có đủ điện cho sáu nguời nha sỹ tha hồ làm việc, từ máy khoan, máy hút, cho tới máy khử trùng, chẳng thiếu một thứ gì.  Bên Y Tế Trạm Xá cũng bận bịu chẳng kém.  Vừa đến nơi là bắt đầu quan sát địa thế để sắp xếp bàn ghế, phòng ốc cho thuận tiện chiều lưu thông, và cũng để những người làm việc ngoài trời không phải ngồi dưới nắng lâu.  Cứ như là mấy thầy địa lý coi feng shui vậy.  Mấy người kiểm soát trật tự thì lo khiêng bàn ghế, chăng dây, để mọi người đi lại cho có thứ tự.  Hai cô dược sỹ, tuy thân hình mảnh mai nhỏ nhắn, nhưng vẫn hăng hái bưng mấy thùng thuốc nặng ơi là nặng từ xe vào.  Mấy người bác sỹ cũng phải khiêng bàn ghế sắp xếp nơi làm việc.  Làm gì có đủ chỗ nên hai ba người phải làm chung một phòng.  Bàn ghế với giường khám bệnh cũng phải dùng chung.  Nói là giường cho oai chứ thật ra chỉ là tấm phản kẽo kẹt với một mảnh chiếu rách trải bên trên.  Ông bác sỹ và bà y tá sản phụ khoa người Hoa Kỳ, lần đầu tiên hành nghề ở một vùng hẻo lánh như thế này, nên phải lo pha chế lấy những chậu thuốc tẩy, cùng đun nồi nuớc xôi để khử trùng những dụng cụ khám bệnh.  Mọi nguời đâu vào việc đó, chỉ chưa đầy ba mươi phút là tất cả đều đã sẵn sàng. 

       Trước khi bắt đầu, những người dân làng đang đứng sắp hàng được phát số thứ tự để tránh trường hợp chen lấn hay những “con ông cháu cha” bất thình lình chen vào đòi khám trước.  Theo đúng như chương trình thì gọi đến số nào người đó mới được đến bàn làm đơn ghi danh, sau đó đi cân và đo áp huyết, rồi đến bác sỹ khám bệnh, cuối cùng là đi lấy thuốc ở phòng Dược Khoa rồi đi về.  Giản dị có thế thôi.  Ấy thế mà khi chị trưởng đoàn vừa ra lệnh “Bắt Ðầu Nhé” là cả trạm xá rối loạn hẳn lên như nuớc vỡ đê.  Có số hay không, ai cũng muốn được lên đứng trước, ai cũng muốn lại gần phòng khám bệnh hay phòng phát thuốc để nhòm vô một tí xem sao, mặc dù chẳng có quái gì để mà nhìn.  Một vài người lấy thuốc xong rồi chẳng chịu về, cứ muốn quay trở lại khai thêm bệnh khác để được khám nữa.  Những người đến trễ không có số cũng cố nấn ná đứng lại tìm cách chen lấn vào hàng.  Mấy anh giữ gìn trật tự phải gào hét luôn miệng cho đến lúc khan cả tiếng.  Hai cô phát đơn cứ luôn tay viết, chưa xong đơn người này thì người kế đã chìa cái đơn sau đến trước mặt.  Bà y tá cân đo cũng tay năm tay mười rối rít cả lên. Các bác sỹ thì khám bệnh liền tay.  Bệnh nhân trước chưa rời khỏi ghế là người bệnh sau đã nhẩy vào.  Các cô dược sỹ không những phát thuốc mà còn bỏ thì giờ dặn dò người bệnh uống cho đúng cách.  Làm việc cứ liên tục như thế cho đến khoảng mười hai giờ thì ngừng tay đi ăn trưa.  Cả xã chẳng có một hàng quán nào mà có thể tin tuởng ngồi ăn được cả, nên cả đoàn mang theo bánh mì với chả lụa ăn tại chỗ.  Buổi trưa ngồi bên hiên nhà, dưới những tàng cây cổ thụ, uống nước lọc không được lạnh, gặm bánh mì nguội dai nhanh nhách, một tay cầm bánh một tay lo đuổi ruồi, thế mà ai cũng vui, cười đùa khúc khích, so sánh những chuyện vui buồn trong ngày với nhau, chia sẻ những chữ Việt Nam mới học được của dân làng: 

- Nhức thì nguời ta gọi là buốt anh ạ.  Ðầu tôi nó buốt lắm nghĩa là tôi bị nhức đầu đấy. 

- Còn em thì phải thông dịch cho ông bác sỹ sản phụ khoa.  Mấy bà mấy cô ai cũng khai bị ngứa cửa mình hết.  Giời ơi, em học tiếng Việt ở bên Mỹ nên có biết cửa mình là cái gì đâu! 

                               

        Nghỉ trưa chừng một tiếng sau là lại bắt đầu làm tiếp.  Buổi chiều chị trưởng đoàn lại có thêm một việc nữa là dẫn mấy em học sinh buổi sáng khám mắt bên trường đi mua kính.  Tội nghiệp có nhiều em bị cận nặng từ trước đến giờ chẳng nhìn thấy gì cả, lần đầu tiên có cặp mắt kiếng đeo vào thấy được rõ ràng nên cười toe, cứ gỡ ra rồi lại đeo vào dăm bẩy lần mà vẫn chưa tin là có thật.  Một vài đứa mượn kính của nhau đeo thử nhưng tại không đúng độ, chẳng nhìn thấy gì cả, nên đi đứng loạng choạng như muốn ngã, thế là cả đám đuợc dịp phá ra cười hả hê, bao nhiêu răng sún răng khểnh khoe ra cho hết.

       Ðến năm giờ chiều thì ngừng tay, bắt đầu thu xếp đồ đạc để sửa xoạn ra về.  Cả ngày làm việc mệt khờ cả người, khan cả tiếng, thế mà một vài anh trong đoàn vẫn còn sức bơm bong bóng rồi vặn thành những con thú để tặng các em bé trong xã.  Nghe những tiếng cuời ròn rã của các em, nhìn thấy những niềm vui trong ánh mắt của các bà mẹ, là dù mệt đến mấy cũng vẫn muốn tiếp tục làm thêm một vài cái bong bóng nữa.  Bác tài phải gọi tới gọi lui ba bốn lần cả bọn mới chịu từ giã lên xe.  Ông chủ tịch trạm xá ân cần biếu mọi người vài nải chuối để ăn dọc đường.  Chiếc xe từ từ chuyển bánh rời khỏi làng trong lúc mặt trời bắt đầu lặn xuống nơi phía chân trời xa.  Các em bé vẫn tiếp tục hò reo vẫy tay rối rít.  Một vài cụ già lưng còng đứng bên bờ ruộng nhìn theo, đôi môi khô héo ráng nở guợng một nụ cuời tiễn biệt:

         Mẹ dậy cho con tiếng nói quê hương

         Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng …

       Trên đuờng về lại thành phố ai nấy đều mệt nên không còn đùa giỡn ồn ào như ban sáng nữa.  Dăm ba người ngủ gục luôn trên xe.  Các cô duợc sỹ thì vẫn tiếp tục kiểm tra thuốc, xem thứ nào sắp hết thì tối nay còn đi mua thêm.  Chả bao giờ thấy mấy cô này ngưng tay cả.  Những người khác ngồi yên lặng ngắm cảnh hoàng hôn, nghỉ ngơi cho lại sức để hôm sau tiếp tục về lại một làng khác.  Công việc thì cũng tương tự như thế.  Hết xã này đến xã khác.  Xã nào cũng nghèo rớt mùng tơi.  Chỉ cách thủ đô Hà Nội chưa đầy một trăm cây số, mà dân làng sao vẫn còn khổ quá.  Những chiếc nón rụng cả vành, rơi cả lá.  Những đôi dép đứt cả quai.  Những manh áo rách vai phải dùng kim băng nối lại.   Nhà cửa thì vẫn còn nhà tranh vách lá, chẳng khác gì Quê Nghèo của Phạm Duy:   

      Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói

                   Có những cánh đồng cát dài,  có luỹ tre già tả tơi…

                   Chiều rơi thoi thóp bên vài luống khoai

                   Hiu hắt tiếng bà mẹ cười

                   Vui vì nồi cơm ngô đầy

                

           Người bệnh thì ai cũng bị đau lưng, nhức đầu, hoặc đau dạ dầy.  Hỏi ra mới biết là ở đây mới xong mùa gặt.  Mỗi ngày cứ phải ra đồng từ sáng tinh sương cho đến tối mit.  Còng lưng gặt lúa mười hai mười ba tiếng mỗi ngày.  Cơm nước thì ăn vội ăn vàng ngày chỉ một bữa qua loa vài phút cho đỡ mất thì giờ.  Đôi khi đang ăn mà cơn giông kéo đến là lại phải quăng hết cơm nước để lo mang thóc đi chạy mưa.  Như thế mà làm sao không đau lưng với đau bao tử cho được.  Các bà cụ thi lưng đều còng hết cả, lom khom chống những cây gậy cong queo đi lần mò trên những con đường làng sỏi đá.  Hai hàm răng chiếc còn chiếc mất.  Cặp mắt thì đặc cườm, gần như đã loà hẳn, nhưng vẫn còn chứa đầy những sự thiết tha đón chào đàn con từ phương xa trở về đất mẹ.

                Mẹ có hay chăng con về

               Chiều nay thời gian đứng im để nghe

               Nghe gió trong tim tràn trề

               Nụ cuời nhăn nheo bỗng dưng lệ nhoè …     

                          

      Thứ Sáu, ngày cuối trong chương trình, thay vì về làng thì cả đoàn đến chữa bệnh tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội.  Đây là nơi nuôi dưỡng và dậy nghề cho những trẻ em tàn tật, câm điếc.  Ở đây nói chung các học sinh, tuy bi tàn tật, nhưng được ăn uống tương đối đầy đủ hơn dân làng, nên tình trạng sức khoẻ khá hơn chút xíu.  Quần áo cũng có phần tươm tất hơn.  Nhưng mà phòng ngủ thì vẫn phải nằm chung mười em một phòng, trên những chiếc giường tầng trải chiếu.  Vì cả hai toán cùng làm việc chung với nhau một nơi, nên chỉ đến trưa đã xong.  Buổi chiều, bộ y tế tỉnh đưa phái đoàn đi thăm một vài thắng cảnh ở huyện Chí Linh.  Vừa ra khỏi thành phố là băng ngang qua sông Thái Bình, dòng sông lớn thứ nhì ở miền Bắc sau sông Hồng.  Dòng sông này đúng là tiêu biểu cho người dân xứ Bắc: cần cù, nhẫn nại, chẳng bao giờ gây nên sóng gió lụt lội như sông Hồng, chẳng được thơ văn ca ngợi như sông Thương hay sông Lô, nhưng lúc nào cũng vẫn kiên trì nhẫn nại nuôi nấng biết bao nhiêu thế hệ dân Việt, như những bà mẹ quê âm thầm lo cho chồng con ngày nay qua tháng khác.

              

                Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền

               Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền

               Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm

              Tiếng ru mẹ hiền êm đềm năm tháng triền miên                                                        

      Chí Linh ở về phía bắc của Hải Dương, nổi tiếng là nơi có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nhất trong tỉnh.  Đẹp nhất là vùng núi Phượng Hoàng, nơi hiền sỹ Chu Văn An từ quan về ẩn dật sau khi ông dâng sớ xin chém đầu bẩy nịnh thần mà vua Trần Dụ Tông bác bỏ không nghe. 

               Công danh trót lạc vào hư ảo

               Hồ hải rong chơi bớt nỗi sầu.

      Về di tích lịch sử thì đây là vùng đất của những cuộc chiến đấu chống quân Mông Cổ duới dời nhà Trần, như sông Vạn Kiếp, nơi đức thánh Trần đọc bài Hịch Tướng Quân để bắt đầu cuộc khởi nghĩa, hoặc bến Bình Than trên sông Kinh Môn, nơi có hội nghị tướng sỹ bàn chuyện đánh giặc giữ nước mà ông Trần Quốc Toản vì còn trẻ không được dự nên tức giận bóp nát trái cam trong tay.  Kinh Môn cũng là nơi bắt nguồn của sông Bạch Đằng, một tên sống mãi trong sử Việt là nơi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, Lê Đại Hành đuổi quân nhà Tống, và đức thánh Trần dẹp tan giặc nhà Nguyên, tất cả đều cùng trên một giòng sông này.  Bây giờ ở xã Hưng Đạo có đền Kiếp Bạc để thờ đức thánh Trần.  Tên thật là Trần Quốc Tuấn, đây là nơi đóng quân của ngài trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, vì thế mới được phong tước Hưng Đạo Đại Vương và được người đời gọi là Trần Hưng Đạo.  Con rể của ngài là tướng quân Phạm Ngũ Lão cũng có tượng được thờ trong đền này.  Cách Kiếp Bạc chừng năm cây số là chùa Côn Sơn, nằm ở dưới chân ngọn núi mang cùng tên.  Chùa được xây từ đời nhà Trần, là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm.  Chùa bây giờ nhỏ thôi, thượng điện thì để thờ Phật, phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng của Trúc Lâm Tam Tổ là ba người sáng lập ra môn phái.  Vùng đất bên cạnh chùa là một đài tưởng niệm rất lớn, mới dựng xong cách đây ba năm, để thờ anh hùng Nguyễn Trãi, vị quân sư của vua Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, vì đây là nơi sinh truởng của ông.  

       Ngoài Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương cũng còn là quê quán của rất nhiều anh tài khác trong lịch sử Việt Nam, cả văn lẫn võ.  Chỉ riêng xã Mộ Trạch ở huyện Bình Giang thôi mà đã có đến hai mươi sáu người đỗ tiến sỹ.  Về phía tây có huyện Cẩm Giàng là nơi sinh trưởng của danh y Tuệ Tĩnh, ông tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam.  Nhưng tội nghiệp chỉ vì giỏi quá nên khi giặc Minh sang xâm chiếm, ông bị bắt đưa về Trung Quốc làm thầy thuốc riêng cho nhà vua.  Cuối cùng đành chết ở bên xứ người, trên mộ bia ông còn ghi lại mấy câu than thở:

                     Người phương Nam ơi, có ai về quê hương cho tôi về với.

        Nhà văn Thạch Lam trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn cũng sinh trưởng ở huyện Cẩm Giàng này.  Nhìn về phía Đông, vùng Đông Triều, thì có dẫy núi Yên Tử, nơi vua Trần Nhân Tông lập ra môn thiền phái Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ, vì thế mới gọi là Trúc Lâm Yên Tử.  Bên võ khoa cũng không kém người tài giỏi xuất thân từ Hải Dương: Thánh Thiên Công Chúa và nữ tuớng Lê Chân giúp hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán; Phạm Cự Luợng theo vua Lê Đại Hành dẹp quân nhà Tống; Yết Kiêu, Trần Khánh Dư, Nguyễn Chế Liễu đuổi quân Mông Cổ duới đời nhà Trần …  

             Còn có biết bao nhiêu thắng cảnh và di tích lịch sử nữa ở Hải Dương, như Giếng Ngọc, Thạch Bàn, làng Cò, đền thờ Mạc Đỉnh Chi và Bố Cái Đại Vương, v.v. nhưng chỉ có một buổi chiều ngắn ngủi, làm sao đi thăm hết được.  Trời bắt đầu xẩm tối rồi mọi người mới chịu rời khỏi Chí Linh.  Chiếc xe đò vừa lăn bánh là trời bắt đầu chuyển mưa.  Mưa mùa thu đến đột ngột lắm, chả có báo trước gì cả, chả trách là trong mùa gặt dân làng cứ phải mang thóc chạy mưa trối chết.  Mà cũng may mắn gớm, cả tuần về làng làm việc không bị một ngày mưa nào cả, chứ những con đường đất ở nhà quê mà nuớc xuống thế này thì chỉ còn bùn với xình không thôi, làm sao mà đi đuợc.  

       Ngồi trên xe nhìn những giọt mưa rơi đều trên cửa kính mà tự nhiên cảm thấy một nỗi buồn hiu hiu nhẹ ngấm vào lòng.  Chẳng phải là tháng bẩy mà cứ ngỡ đây là những giọt mưa Ngâu tiễn biệt nhau.  Một tuần lễ trôi đi sao nhanh thế, ngày mai đã phải lên đường từ giã Hải Dương rồi.  Bây giờ nói đến Hải Dương chả còn nghĩ đến bánh đậu xanh hay kẹo lạc kẹo vừng gì nữa cả, mà chỉ còn hình ảnh bà cụ già lưng còng đứng cạnh bờ ao, đứa bé gầy trơ xương tươi cười hớn hở khi được cái cặp táp mới, người mẹ quê ngồi ôm con bên đường làng suốt một ngày trời chờ đưa con vào khám bệnh… Sau một tuần lễ, chẳng biết mình đã giúp được dân làng những gì, hay là chính dân làng đã giúp mình tìm lại được một chút cội nguồn mà đã bị chìm sâu trong quên lãng suốt mấy mươi năm.  Mai này đường đời mỗi người một ngả, nhưng lúc nào cũng nhớ đến Hải Dương như lời một bài hát địa phương được nghe trong đêm cuối cùng trước khi rời thành phố:

               Nhớ về Hải Dương như nhớ người thương

               Quê ta đồng lúa đẹp ơi

  Quê hương đất nước xa vời …

Ngày mai là quê hương đã xa vời mất rồi, như đàn chim Việt phải chắp cánh lên đường lìa xa chốn cũ, nhưng kỷ niệm lúc nào cũng vẫn còn lưu luyến trong nhau.

   Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca

   Cánh nhạn vào mây thiết tha

   Lưu luyến một trời xa …

                                                                                       Hải Dương, mùa thu 2005

                                                                                                                Dân Chu

                               

www.projectvietnam.net