ĐTC với nhóm 7 vị lãnh sự mới năm 2004
về vấn đề nhân quyền và việc chấm dứt bạo lực
Sáng ngày Thứ Năm 27/5/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận 7 tân lãnh sự là Edgard Stephanus Ragoenath Amanh của nước Suriname, Sarala Manourie Fernando nước Sri Lanka, Mohamed Salia Sokona nước Mali, Yaha Ali Mahamed al-Abiad nước Yemen, Anderson Kaseba Chibwa nước Zambia, Kingsley Sunny Ebenyi nước Nigeria và Afif Hendaoui nước Runisia. ĐTC đã ngỏ lời chung với cả 7 vị sau đó trao cho mỗi vị một sứ điệp riêng liên quan trực tiếp đến quốc gia của họ.
ĐTC đã than vãn về sự kiện là “những tín liệu từ khắp các lục địa liên lỉ cho thấy tình hình về nhân quyền, cho thấy con người nam, nữ, trẻ em bị hành hạ và phẩm vị của họ hết sức bị vi phạm, trái nghịch với Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền. Do đó tất cả loài người đều bị tổn thương và coi thường. Vì tất cả mọi con người đều là anh chị em của mình mà chúng ta không thể câm lặng trước những việc lạm dụng bất khả chấp ấy. Tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm … phải làm những gì có thể để bảo đảm được sự tôn trọng hết mọi con người”.
“Phải giáo huấn lương tâm để hoàn toàn chấm dứt tình trạng bạo lực bất khả chấp đè nặng trên anh chị em của chúng ta, cũng như để tất cả mọi người nỗ lực bảo đảm việc tôn trọng quyền lợi căn bản của mọi người. Chúng ta không thể sống trong an bình, và lòng trí của chúng ta cũng không thể bằng an, nếu con người không được đối xử một cách xứng với giá trị của họ. Chúng ta có nhiệm vụ phải tỏ tình đoàn kết với hết mọi người. Sẽ có hòa bình nếu tất cả chúng ta đều nỗ lực, nhất là thành phần ngoại giao quí vị, bảo đảm hết mọi người trên trái đất này được tôn trọng. Chỉ có hòa bình mới có thể hy vọng cho tương lai. Vì lý do này, sứ vụ của qúi vị là tiếp tục phục vụ những mối liên hệ huynh đệ giữa cá nhân với nhau cũng như giữa các dân tộc với nhau”.
Với vị tân lãnh sự Edgard Stephanus Ragoenath Amanh của nước Suriname: “Nơi xứ sở của ngài… đặc biệt có những truyền thống về văn hóa và tôn giáo phong phú và khác biệt thì tầm quan trọng của việc nhìn nhận phẩm vị bẩm sinh của con người nơi mỗi người là vấn đề hoàn toàn hiện lộ”.
Với vị tân lãnh sự Sarala Manourie Fernando nước Sri Lanka, ĐTC cho biết “Giáo Hội Công Giáo hết sức bài bác tất cả mọi thứ bạo lực chống lại nhau nhân danh tôn giáo. Giáo Hội cũng loại trừ bất cư ù hình thức dụ giáo nào, một thứ dụ giáo được hiểu như là một nỗ lực phạm đến quyền tự do theo lương tâm của của người khác bằng việc cưỡng bức về luân lý hay về tài chính”.
Với vị tân lãnh sự Mohamed Salia Sokona nước Mali, ĐTC bày tỏ lòng khao khát của ngài “một lần nữa hãy làm cho các quốc gia trong cuộc cũng như toàn thể công đồng thế giới bén nhậy với vấn đề hoạn nạn khiếp đảm buôn bán trẻ em và bắt các em vị thành niên phải đi làm lao động”.
Với vị tân lãnh sự Yaha Ali Mahamed al-Abiad nước Yemen, ĐTC nói về “nhiệm vụ bảo vệ các quyền lợi của con người. Những quyền lợi này là quyền tự do thực hành đạo giáo; quyền được phép xây dựng và bảo trì những nơi thờ phượng, kể cả những nơi của những thành phần thiểu số tu trì; việc chủ động tham dự của tất cả mọi công dân trong đời sống dân sự dân chủ; và quyền được giáo dục.
Với các vị đại diện của nhóm Tunisia, ĐTC bày tỏ: “Ai cũng thấy rằng các tôn giáo khác nhau, nhất là giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo, vẫn còn nhiều việc phải làm, mỗi người tùy theo vị trí, thiết lập một cuộc đối thoại đích thực, tương kính và thành quả, và để hủy hoại đi tất cả mọi hình thức lạm dụng về tôn giáo trong việc phục vụ cho bạo lực”.
ĐTC với vị Tân Lãnh Sự nước Nigeria về tình trạng khó khăn thách đố trong việc xây dựng một nền dân chủ hiện nay
Thứ Năm 27/5/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Kingsley Sunny Ebenyi nước Nigeria, quốc gia Ngài đã thực hiện hai chuyến tông du mục vụ vào năm 1981 và 1998, và Ngài đã nhận định cùng chia sẻ về tình hình nước của ông qua bài diễn từ sau đây:
Thưa ông Lãnh Sự,
….
Tôi vui mừng khi nghe ông đề cập đến việc dấn thân của xứ sở ông cho vấn đề quản trị tốt đẹp cũng như cho vấn đề củng cố nền dân chủ. Thật vậy, sau khi thực hiện cuộc chuyển tiếp quan trọng từ chính phủ quân sự sang chính phủ dân sự, giờ đây quốc gia của ông đang phải đối diện với việc xây dựng và củng cố nền dân chủ trẻ trung của mình, bằng việc tăng thêm sự tham gia của tất cả mọi thành phần dân chúng theo đường lối của một thứ cộng đồng xã hội có tính cách đại biểu và được bảo toàn về pháp lý. Về vấn đề này, vấn đề đòi hỏi thiết yếu đó là vấn đề cần phải có một thẩm quyền chính trị minh tường và khả tín. Đời sống cộng đồng xã hội, cả ở cấp quốc gia lẫn quốc tế, cần phải được chi phối bởi “bốn đòi hỏi xác đáng của tinh thần con người, đó là sự thật, công lý, yêu thương và tự do” (Message for the 2003 World Day of Peace, No. 3). Tôi khuyến khích nước Nigeria hãy dấn thân hơn bao giờ hết để thực hiện nỗ lực dũng cảm cho nền dân chủ này bằng một cảm thức sâu xa cũng như bằng tinh thần phục vụ cho nhân dân của mình.
Thật vậy, giữa hòa bình và sự thật có một sự liên kết bất khả phân ly cần phải được nhìn nhận nếu con người nam nữ muốn sống trong tự do, công lý và an ninh. “Thành thực trong việc chia sẻ tín liệu, công bình nơi guồng máy pháp lý, cởi mở ở những phương thức dân chủ khiến cho người công dân cảm thấy an ninh, sẵn sàng ổn định những tranh cãi bằng phương tiền ôn hòa, và mong thực hiện việc đối thoại chân thực và xây dựng, tất cả những điều này làm thành những căn bản thực sự cho một nền hòa bình bền vững (ibid, 8). Khi dân chúng thấu triệt được hoàn toàn ý nghĩa cùng các thành quả nơi đời sống riêng của họ cũng như trên thế giới thì họ được trang bị hơn nữa trong việc đóng góp hữu hiệu cho hòa bình, nhất là cho vấn đề phục vụ công ích, bằng cách sử dụng một cách xứng hợp những cơ cấu và guồng máy xã hội, về pháp lý, chính trị, kinh tế.
Dĩ nhiên, vẫn không thiếu những khó khăn thách đố đối với một nước Cộng Hòa Liên Bang như Nigeria, khi nước này tìm cách ổn định và hiệp nhất quốc gia hơn bao giờ hết theo đường lối dân chủ hóa hơn xã hội vá các cơ cấu của mình. Chẳng hạn cần phải can đảm về luân lý và khôn ngoan về chính trị trong việc giải quyết một cách hữu hiệu với những cuộc bùng nổ bạo lực ở miền Niger Delta, với những tình trạng căng thẳng về chính trị và đạo lý ở vùng tây bắc, cũng như với những vấn đề bại hoại, nghèo khổ và bệnh tật.
Bằng một cuộc dứt khoát dấn thân không ngừng hoạt động một cách kiên trì cho hòa bình, cho việc bênh vực phẩm giá và quyền lợi của con người, cho việc phát triển trọn vẹn của mọi cá nhân, thì những khó khăn thách đố này có thể được giải quyết, dọn đường cho việc ý thức hơn cái định mệnh chung cũng như tính chất liên thuộc thắt kết tất cả mọi người Nigeria lại với nhau, thực sự là thắt kết tất cả mọi dân tộc là phần tử của một đại gia đình nhân loại duy nhất. Càng ngày nước Nigeria càng trở thành như là một quốc gia dự bị để phục vụ cho hòa bình cũng như cho việc phát triển qua các cơ cấu quốc tế như Khối Hiệp Nhất Phi Châu và Liên Hiệp Quốc. Tôi khuyến khích các vị lãnh đạo nước Nigeria hãy kiên vững trong việc liên đới của mình với các quốc gia khác để hiện thực một thế giới tự do và công chính.
Trong việc phục vụ hòa bình cũng là việc phục vụ cho sự thật, tôn giáo đóng một vai trò chủ chốt. Nó thực hiện việc đóng góp hữu hiệu nhất của mình về phương diện này bằng việc tập trung vào những vấn đề xứng hợp với mình, đó là “chú trọng tới Thiên Chúa, nuôi dưỡng tình huynh đệ đại đồng và phổ biến một nền văn hóa đoàn kết nhân loại” (ibid 9). Giờ đây, khi các cộng đồng hay các dân tộc thuộc các niềm tin đạo giáo hay văn hóa khác nhau sống trong cùng một miền đôi khi có thể gây ra tình trạng căng thẳng, mà bởi bị những đam mê mãnh liệt chi phối, có thể đi tới tình trạng xung đột võ lực.
Đó là lý do thật là quan trọng để nhắc lại là “việc sử dụng võ lực nhân danh niềm tin tôn giáo là một thứ sai lầm về chính những giáo huấn của các tôn giáo chính. Tôi xin tái xác nhận ở đây những gì đã được nhiều nhân vật tôn giáo thường hay lập lại, đó là việc sử dụng võ lực không bao giờ có thể dùng tôn giáo để biện minh, hay không thể làm triển nở cảm quan thực sự về tôn giáo” (Message for the 1999 World Day of Peace, No. 5).
Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria đang dấn thân cho việc phát triển hòa bình ở quốc gia này, nhất là qua việc hiện diện của mình ở các lãnh vực về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội. Tình trạng bảo đảm hữu hiệu về quyền tự do tôn giáo giúp những người Công Giáo có thể tiếp tục hoạt động cho tình trạng tiến bộ về tinh thần cũng như về vật chất của xã hội này. Về vấn đề này, Tôi tin tưởng rằng chính phủ của ông sẽ hoàn thành việc quyết tâm giải quyết những khó khăn gây ra cho các cán sự truyền giáo ngoại quốc đang muốn xin cấp lại giấy thông hành. Tôi cũng hết sức hy vọng rằng những căng thẳng giữa những cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau, gia tăng đến độ bạo động, thậm chí sát hại lẫn nhau nơi một số miền ở xứ sở này, sẽ bị loại trừ bởi việc thành thực đối thoại cùng với những nỗ lực nhắm vào việc hòa giải, tương kiến và hợp tác với nhau.
………
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 31/5/2004
ĐTC với vị Tân Lãnh Sự nước Suriname về tiến trình toàn cầu hóa làm tệ hại tình trạng của thành phần nghèo khổ
Thứ Năm 27/5/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Edgard Stephanus Ragoenath Amanh nước Suriname, và Ngài đã nhận định cùng chia sẻ về tình hình nước của ông qua bài diễn từ sau đây:
Thưa ông Lãnh Sự,
….
Những mối liên hệ ngoại giao của Giáo Hội chúng tôi là một phần thuộc sứ vụ phục vụ gia đình nhân loại của Giáo Hội chúng tôi, và đặc biết nhắm tới việc cổ võ hòa bình và hòa thuận giữa các dân tộc trên thế giới. Đó là những điều kiện thiết yếu đối với sự tiến bộ trong việc đạt thành công ích và phát triển toàn diện cá nhân cũng như xứ sở, những giá trị chỉ có thể chiếm hữu ở chỗ những cơ cấu lập pháp của quốc gia cần phải bảo vệ cũng như những tổ chức dân sự của quốc gia này cần phải xác nhận phẩm vị xứng với hết mọi người.
Tại xứ sở của ông Lãnh Sự, đặc biệt phong phú những truyền thống văn hóa và tôn giáo khác nhau, tầm quan trọng của việc nhìn nhận nhân phẩm bẩm sinh của hết mọi con người lại càng rõ ràng hơn nữa. Nếu không biết cương quyết bênh vực và cổ võ những giá trị chung được bắt nguồn nơi chính bản tính của con người thì việc chung sống thuận hòa của các cộng đồng có những truyền thống khác nhau về văn hóa và tôn giáo sẽ thiếu nền tảng vững chắc.
Ngoài ra, trong những trường hợp đa văn hóa và tôn giáo như thế, thì việc tỏ ra hiểu biết và tôn trọng những cái khác biệt của nhau lại càng đóng một vai trò trọng yếu trong vấn đề bảo trì mối hiệp nhất quốc gia cần thiết cho sự tiến bộ chân thực cũng như để bảo đảm không xẩy ra tình trạng bị ám ảnh dễ sợ về cuộc xung đột liên tôn và liên chủng tộc. Về vấn đề này Tôi hoan hỉ nhận thấy những đóng góp đáng khen của Hội Đồng Chư Giáo Hội Kitô Giáo là tổ chức được thiết lập lâu năm cũng như của Hội Đồng Liên Tôn, cả hai cơ cấu này đã đặc biệt tích cực giúp cho xã hội Suriname được phát triển hơn nữa hợp với phẩm giá và quyền lợi của thành phần công dân trong nước.
Như ông đã nhận định, nước Suriname cùng với cộng đồng thế giới đang phải đương đầu với những vấn đề gay go của một thế giới toàn cầu hóa hơn bao giờ hết ngày nay cũng như với tình trạng xuất hiện một trật tự quốc tế mới. Vì vấn đề toàn cầu hóa tự nó là một hiện tượng trung dung, Tôi đã không ngần ngại bày tỏ mối quan tâm của mình trước tình trạng toàn cầu hóa làm tệ hại hơn hoàn cảnh sống của thành phần túng thiếu, một tình trạng toàn cầu hóa không giải quyết đầy đủ những trường hợp đói khát, nghèo khổ và bất công xã hội, và là một tình trạng toàn cầu hóa không bảo toàn được môi trường thiên nhiên.
Để đương đầu với những bất công này, cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực để làm sao bảo đảm được rằng vấn đề toàn cầu hóa là một vấn đề mang một trọng trách về luân thường đạo lý, bằng cách đối xứ với tất cả mọi dân tộc như là những phần tử bình quyền chứ không phải là những dụng cụ thụ động. Có thế vấn đề toàn cầu hóa mới có thể phục vụ toàn thể gia đình nhân loại, không còn mang lại thiện ích cho riêng một thiểu số may mắn mà là phát triển công ích cho tất cả mọi người (cf. Plenary Meeting of the Pontifical Academy of Social Sciences, May 2, 2003).
Cảm quan rõ ràng về mối liên thuộc kinh tế, chính trị và văn hóa đòi phải biết đoàn kết hơn nữa giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Một dấu hiệu chứng tỏ cho thấy việc tích cực dấn thân của cộng đồng quốc tế cho công ích cần thiết cho tình đoàn kết này đó là việc nhìn nhận hơn nữa nhu cầu khẩn trương cần phải làm sao để giảm bớt tình trạng nghèo khổ ở bất cứ nơi nào (cf. apostolic letter "Novo Millennio Ineunte," No. 14). Về phần mình, Tòa Thánh sẽ tiếp tục ủng hộ những mục đích Phát Triển Thiên Niên Kỷ cũng như những sáng kiến mới như Cơ Quan Tài Chính Quốc Tế là cơ quan có hai mục đích là tài trợ cho các dự án phát triển khả đạt và hiện thực mục tiêu viện trợ 0.7% tổng lợi tức quốc gia. Việc giảm bớt nợ nần chồng chất kìm kẹp nhiều quốc gia đang phát triển là vấn đề thiết yếu để cho khả năng về kinh tế của những quốc gia này được củng cố vững chắc.
Việc thực thi tình đoàn kết cũng đòi phải hết sức nỗ lực ở mỗi xã hội (cf. encyclical letter "Sollicitudo Rei Socialis," No. 39). Nếu muốn thực hiện tình trạng tiến bộ quốc tế chân thực theo chiều hướng bình quyền đồng hữu thì các quốc gia giầu thịnh cần phải thể hiện những cử chỉ cụ thể hỗ trợ một cách minh bạch và khả tín về chính trị trước mắt của thành phần thụ nhận.
Một chính phủ hữu trách, việc bảo trì luật pháp và trật tự cho toàn xứ sở, và việc tham dự của tất cả mọi phần tử của xã hội trong việc hỗ trợ cho các tổ chức dân sự dấn thân cho việc phát triển thực sự của quốc gia, tất cả đều có một vai trò đặc biệt trong việc góp phần vào một thứ văn hóa hòa bình và hợp tác. Nơi xứ sở của ông, những điều này là điều kiện cần thiết để thu hút việc đầu tư cần phải có trong việc đẩy mạnh tình trạng phát triển về kinh tế khiến người Suriname sống ở hải ngoại trở về quê hương tìm việc làm và một tương lai an sinh.
Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo ở Suriname cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ việc chiếm đạt những mục đích hòa bình và thịnh vượng ấy. Trung thành với sứ vụ thiêng liêng và nhân đạo của mình, Giáo Hội đóng vai trò tích cực trong những sáng kiến về vấn đề liên tôn cũng như những hoạt động về vấn đề đa văn hóa là những gì cố gắng để phục vụ phúc hạnh cho dân chúng. Qua những học đường, những cơ quan chăm sóc sức khỏe, cũng như các chương trình phát triển cộng đồng của mình, Giáo Hội chúng tôi tìm cách xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho xứ sở này. Qua việc phục vụ như thế, Giáo Hội chẳng ham muốn quyền lực hay đặc ân mà chỉ cần được tự do bày tỏ niềm tin của mình và tình yêu thương của mình nơi những hoạt động thiện ích, công lý và hòa bình
…..
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 31/5/2004
ĐTC với vị Tân Lãnh Sự Sri Lankan về “Vấn Đề Tự Do Tôn Giáo là Nền Tảng Của Tất Cả Mọi Thứ Nhân Quyền”
Cũng vào hôm Thứ Năm 27/5/2004, khi gặp chung nhóm 7 vị tân lãnh sự thuộc 7
quốc gia khác nhau, ngoài những lời ngỏ chung cùng các vị ấy, ĐTC GPII còn
trao riêng cho mỗi vị một bức thư riêng nói đến những gì hợp với tình hình
đất nước của họ. Sau đây là những lời của Ngài ngỏ cùng vị tân lãnh sự
Sarala Manourie Fernando, nước Ski Lanka, nơi Ngài đã đến viếng thăm năm
1995.
Thưa ông Lãnh Sự,
…
Ông Lãnh Sự đã đề cập đến tầm quan trọng của vấn đề tái diễn những cuộc trao
đổi về hòa bình cũng như vấn đề cổ võ đối thoại và thương thảo để tiến đến
một giải pháp chính trị cho tình trạng bất ổn liên tục về dân sự ở nước Sri
Lankan. Cuộc đình chiến hiện nay thật sự cho thấy đó là một cơ hội quí hóa
cho cả đôi bên trong cuộc xung đột để chú trọng đến việc xây dựng lòng tin
tưởng và một nền hòa bình bền vững được bắt nguồn từ sự tôn trọng những khác
biệt cũng như từ sự quyết tâm hòa giải, công lý và đoàn kết.
Tôi hy vọng rằng sự tiến bộ đạt được trong tiến trình hòa bình này cũng
khiến cộng đồng quốc tế cảm thấy phấn khởi ra tay hỗ trợ và viện trợ cho
nước Sri Lanka là quốc gia đang phải đương đầu với công việc gay go để tái
thiết và theo đuổi một thứ phát triển lành mạnh mang lại ích lợi cho toàn
thể nhân dân của mình. Về vấn đề này, Tôi xin hết lòng cảm ơn việc ông đề
cập tới truyền thống lâu đời của nước Sri Lankan về tính cách dung nhượng
tôn giáo và đa diện, một truyền thống như là một tặng ân quí hóa cần phải
được bảo vệ và cổ võ. Khi hợp tác với tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm,
thành phần tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau đều đóng một vai trò đặc biệt
trong việc nuôi dưỡng sự hòa giải, công lý và hòa bình ở hết mọi lãnh vực
của xã hội.
Chính vì họ cùng có một niềm xác tín về tính cách linh thánh của tạo vật, về
phẩm vị của mỗi một con người cũng như về mối hiệp nhất của toàn thể gia
đình nhân loại, mà họ được kêu gọi để cùng nhau hoạt động để đặt nền móng
thiêng liêng cho một xã hội được thực sự hòa hợp. Tôi xin lập lại niềm hy
vọng Tôi đã bày tỏ trong chuyến tông du mục vụ của Tôi ở nước Sri Lanka là
muốn thấy tất cả mọi người tiếp tục “theo đuổi con đường này, một con đường
thực sự hợp với lịch sử của nó cũng như với tinh hoa của dân tộc quí vị”
(Farewell Address, Colombo, January 21, 1995). Một xã hội đa chủng tộc và đa
tôn giáo như nước Ski Lanka chắc chắn sẽ tìm thấy nơi những truyền thống
phong phú về văn hóa và đạo giáo của mình niềm hứng khởi cần thiết để xây
dựng mối hiệp nhất trong đa dạng, bằng một tinh thần đoàn kết biết nhìn nhận
và trân quí việc đóng góp từ mỗi phần tử của mình.
Mặc dù cộng đồng Công Giáo ở nước Ski Lanka chỉ là một cộng đồng thiểu số,
cộng đồng này vẫn hết sức dấn thân thực hiện mục đích ấy, nỗ lực trở thành
khí cụ của hòa bình, qua các học đường và tổ chức bác ái của mình, bằng việc
giảng dạy việc tương nhượng và tôn trọng, nhất là cho giới trẻ là tương lai
của nước này. Giáo Hội chúng tôi muốn thực hiện mọi đóng góp có thể vào tiến
trình hòa bình hóa hiện nay.
Là công dân của nước Ski Lanka, những người Công Giáo có quyền mong ước là
những quyền tự do về tôn giáo và dân sự của họ được hoàn toàn bảo đảm, bao
gồm cả quyền họ được trình bày cho những người khác sự thật cứu độ mà họ đã
nhận biết và theo đuổi. Vấn đề tự do tôn giáo, như một thể hiện cho phẩm giá
bất khả vi phạm của con người trong việc tìm kiếm chân lý, thực sự là nền
tảng cho tất cả thứ nhân quyền khác. Quyền tự do này, như ông đã nhận định,
cũng bao gồm cả quyền chấp nhận tôn giáo hay niềm tin theo ý muốn của mình,
đã từng được nhìn nhận từ lâu bởi cộng đồng quốc tế như là một thứ quyền lợi
căn bản của con người và đã được trân quí kính tôn nơi bản hiến pháp của xứ
sở ông.
Chính vì quyền tự do tôn giáo mà Giáo Hội Công Giáo, trong khi thi hành sứ
vụ của mình, đã mãnh liệt bài bác tất cả mọi thứ bạo động phạm đến kẻ khác
nhân danh tôn giáo. Giáo Hội Công Giáo cũng không chấp nhận bất cứ hình thức
dụ giáo nào theo kiểu vi phạm đến quyền tự do theo lương tâm của kẻ khác,
bằng việc ép buộc về luân lý hay về tài chính. Những hành động như thế là
một vi phạm đến bản chất đích thực của tôn giáo vốn là “một nguồn hứng khôn
tận cho việc tôn trọng và hòa hợp giữa các dân tộc; tôn giáo thực sự là một
chất giải độc chính yếu cho tình trạng bạo động và xung khắc” (Message for
the 2002 World Day of Peace, 14). Tôi muốn lợi dụng dịp này để lập lại niềm
xác tín của Tôi là việc đối thoại tương kính cũng như việc tiếp tục hợp tác
giữa các vị lãnh đạo tôn giáo cùng các nhà thẩm quyền dân sự vẫn là đường
lối hay nhất để giải quyết một cách bền bỉ những vấn đề rắc rối gây ra do
những hành động cuồng tín và hung hăng liên quan đến một số cá nhân hay phái
nhóm, đồng thời nó cũng bảo đảm được những đòi hỏi về công lý và việc thực
thi quyền tự do tôn giáo.
………
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 1/6/2004
ĐTC với vị Tân Lãnh Sự Nước Yemeni về “Việc
phát triển đích thực cần đến một dự án tiến bộ đất nước”
Cũng vào hôm Thứ Năm 27/5/2004, khi gặp chung nhóm 7 vị tân lãnh sự thuộc 7
quốc gia khác nhau, ngoài những lời ngỏ chung cùng các vị ấy, ĐTC GPII còn
trao riêng cho mỗi vị một bức thư riêng nói đến những gì hợp với tình hình
đất nước của họ. Sau đây là những lời của Ngài ngỏ cùng vị tân lãnh sự Yahya
Ali Mohamed Al-Abiad, nước Yemen.
Thưa ông Lãnh Sự,
……..
Tôi cám ơn những nhận xét của ông về việc nhìn nhận những nỗ lực không ngừng
của Tòa Thánh trong vấn đề cổ võ đối thoại như đường lối dẫn đến hòa bình và
giảm bớt tình trạng xung đột ở Trung Đông cũng như ở các miền đất khác thuộc
thế giới bất ổn của chúng ta đây. Giáo Hội chúng tôi chắc chắn có cùng mợt
ước mong như nước Yemen trong việc xây dựng những nền tảng vững chắc cho hòa
bình trên những nguyên tắc luân lý bền bỉ bắt nguồn từ phẩm vị thiên phú sâu
xa của con người.
Thật vậy, hoạt động của Tòa Thánh trên diễn đàn quốc tế bắt nguồn từ nhãn
quan đặc biệt này về con người, cũng như từ niềm xác tín mà nếu bị suy yếu
đi hay bị loại trừ thì hết mọi nền tảng của xã hội loại người bị lung lay
nguy hiểm. Quan điểm về việc phát triển này cần phải có một sự tiến bộ về
vấn đề tự do qua việc chính trị nhìn nhận mình có phận sự bảo đảm các thứ
quyền lợi của con người. Tối thiểu là những quyền lợi như quyền tự do thực
hành đạo giáo chân thực; quyền được xây cất và bảo trì những nơi thờ phượng,
bao gồm cả những nơi thờ phượng của các nhóm tôn giáo thiểu số; quyền tất cả
mọi người công dân được tích cực tham dự vào sinh hoạt dân sự dân chủ; và
quyền được giáo dục học vấn.
Trước bối cảnh của thảm trạng chuyên chế và chiến tranh của nhân loại là một
cơ hội cho, đúng hơn là một nhiệm vụ của, các quốc gia trong việc xây dựng
một thứ hòa bình bền vững theo lòng mong mõi của gia đình nhân loại (cf.
Message for the 2004 World Day of Peace, Introduction). Điều này cần phải có
một niềm xác tín mạnh mẽ hòa bình là điều khả dĩ, nó có thể được giảng dạy
và bảo vệ, và bất cứ một hoạt động nào bởi cá nhân hay phái nhóm ngược lại
với hòa bình đều là những gì bất khả chấp (cf. ibid., nos. 4, 5). Những nỗ
lực thành công gần đây của chính phủ nước ông trong việc nhổ tận gốc rễ sự
dữ gây ra bởi các nhóm khủng bố đã được cộng đồng quốc tế thực sự hoan
nghênh. Những hoạt động như thế là những bước tiến tích cực và cần thiết đối
với việc xây dựng một nền văn minh yêu thương làm cho tất cả mọi dân tộc
được an sinh và sống trong hòa bình.
Từ khi nước Yemen thống nhất Bắc Nam gần 15 năm trước đây, chính phủ của ông
đã phác họa những chương trình khác nhau nhắm đến việc cải tiến tiêu chuẩn
sống của người công dân Yemen. Việc phát triển đích thực cần đến một dự án
tiến bộ đất nước được phối hợp biết tôn trọng những thao thức hợp lý của tất
cả mọi lãnh vực xã hội và là một dự án các nhà lãnh đạo chính trị cùng dân
sự có trách nhiệm thực hiện.
Thật vậy, lịch sử nhân loại luôn dạy chúng ta rằng nếu những chương trình
như vậy tạo được một cuộc thay đổi về thiện ích lâu bền thì chúng cần phải
được bắt nguồn từ việc quản trị minh bạch và phải được kèm theo bằng một
guồng máy pháp luật vô tư, bằng quyền tự do về chính trị cũng như bằng quyền
tự do ngôn luận lành mạnh. Nếu không có những nền tảng chung cho tất cả mọi
xã hội văn minh này thì niềm hy vọng đạt đến tình trạng tiến bộ là những gì
mọi người thật sự ước mong vẫn là những gì lỏng lẻo. Đó là lý do nhiều lần
Tôi đã nói đến rằng tất cả mọi hình thức bại hoại đều là một thứ tai họa hạ
giá phẩm vị bất khả vi phạm của hết mọi con người và làm tê liệt việc phát
triển về xã hội, kinh tế và văn hóa của quốc gia.
Thưa ông Lãnh Sự, Tôi sung sướng được biết về việc dấn thân của đất nước ông
giành cho thế hệ trẻ cũng như việc tạo nên n hững cơ hội giáo dục cho họ.
Thật thế, quốc gia có nhiệm vụ phải làm sao để bảo đảm là tất cả mọi người
công dân của mình đều được hưởng một nền giáo dục đầy đủ cũng như được dạy
cho biết sử dụng xứng hợp các quyền lợi và nghĩa vụ dân sự của họ. Ở đâu có
các học đường, những tổ chức huấn luyện và các đại học đường hoạt động một
cách chuyên nghiệp và được phụ trách bởi thành phần có tư cách liêm chính
yêu thích học hỏi thì ở đó nẩy sinh hy vọng cho quốc gia nhất là cho giới
trẻ của quốc gia ấy. Giáo dục là phương tiện hết sức hiệu nghiệm trong việc
phá vỡ cái vòng luẩn quẩn nghèo khổ vẫn còn đang chi phối rất nhiều gia đình
ngày nay, và là vấn đề càng ngày càng được cộng đồng quốc tế nhận thấy như
là con đường chính yếu dẫn đến hòa bình. Nhờ việc học hỏi và được xã hội hóa
bởi học đường, những em trai em gái từ tất cả mọi tầng lớp xã hội được hội
nhập vào sinh hoạt dân sự của quốc gia, nhờ đó có thể thoải mái góp phần vào
cuộc sinh hoạt này.
Giáo Hội Công Giáo, trong việc phục vụ gia đình nhân loại, sẵn sàng vươn tới
tất cả mọi phần tử thuộc xã hội Yemen, không biệt phân, bằng nỗ lực cùng với
họ cổ võ những giá trị chung cho tất cả mọi dân tộc về hòa bình, công lý,
đoàn kết và tự do. Sứ vụ bác ái của Giáo Hội, nhất là đối với thành phần
nghèo khổ và đau khổ, làm nên một phần của việc Giáo Hội “dấn thân yêu
thương một cách thực tế và cụ thể đối với hết mọi người” ("Novo Millennio
Ineunte," 49) và là một sứ vụ hết sức được cảm nhận nơi xứ sở của ông.
Trong việc Giáo Hội sẵn sàng góp phần mỗi ngày một hơn vào những chương
trình phát triển nhân bản nơi quốc gia của ông, cần phải nhớ rằng bác ái
Kitô Giáo không phải bao giờ cũng chỉ là một thứ hỗ trợ thuần túy về nhân
đạo. Đối với Giáo Hội Công Giáo, những hoạt động bác ái của Giáo Hội chặt
chẽ gắn liền với việc cử hành Thánh Thể là những gì Giáo Hội nhờ đó lấy được
sức thiêng cần thiết trong việc bảo trì sự sống của dân mình cũng như để thi
hành sứ vụ của mình. Vì lý do đó vấn đề hết sức quan trọng ở đây là cộng
đồng Giáo Hội này ở nước Cộng Hòa Yemen cần phải được ban phép, như đã được
hứa hẹn, thiết dựng một nhà thờ và một trung tâm mục vụ ở Sana’a, và nhận
lại tài sản của mình ở Aden
……
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 2/6/2004
ĐTC với vị Tân Lãnh Sự nước Zambia về Tình Đoàn Kết Xây Dựng
Cũng vào hôm Thứ Năm 27/5/2004, khi gặp chung nhóm 7 vị tân lãnh sự thuộc 7
quốc gia khác nhau, ngoài những lời ngỏ chung cùng các vị ấy, ĐTC GPII còn
trao riêng cho mỗi vị một bức thư riêng nói đến những gì hợp với tình hình
đất nước của họ. Sau đây là những lời của Ngài ngỏ cùng vị tân lãnh sự
Anderson Kaseba Chibwa, nước Zambia, nơi Ngài đã đến viếng thăm năm 1989.
Thưa ông Lãnh Sự,
…
Năm nay quê hương xứ sở của ông mừng kỷ niệm 40 năm độc lập, nên trong dịp
may lành này Tôi xin lập lại những lời nguyện chúc chân thành đã được Tôi
bày tỏ 15 năm trước đây ở Lusaka: Chớ gì tất cả mọi người dân Zambia cùng
nhau hoạt động để mảnh đất của anh chị em trở thành “một nơi của tự do đích
thực, của tình huynh đệ và tình đoàn kết với nhau, trở thành một quốc gia
con cái của anh chị em có thể lớn lên và sống đúng với phẩm giá và trong tự
do xứng với những người con cái của Thiên Chúa” (Arrival Ceremony in Lusaka,
May 2, 1989, No. 2).
Như ông Lãnh Sự nhận định, lục địa Phi Châu ngày nay tiếp tục phải đương đầu
với nhiều thách đố, nhất là ở những miền phát triển, nợ nần hải ngoại, nghèo
khổ, nhân quyền và nạn hội chứng liệt kháng HIV/AIDS. Thật vậy, “những căng
thẳng và xung khắc… bạo động, bần cùng và suy yếu về cơ cấu tổ chức đang
nhận chìm tất cả mọi dân tộc vào tình trạng thất vọng” (Address to the
Diplomatic Corps, January 12, 2004, No. 1). Thật sự tinh thần đoàn kết với
nhau được Tôi đề cập đến ở trên, và là vấn đề chính ông đã nói tới, là yếu
tố thiết yếu để đối phó với những thách đố này.
Đó là một tinh thần cởi mở đối thoại bắt nguồn từ một sự thật sâu xa là tất
cả mọi dân tộc đều thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất: “chỉ vì được
sinh vào trần gian này mà chúng ta thuộc về một gia sản duy nhất và là một
hợp đoàn duy nhất với hết mọi con người khác” (Message for the 1987 World
Day of Peace, 1). Cái duy nhất này không phải là một cái gì triệt để đồng
nhất cho bằng được thể hiện qua tính cách đa dạng lạ lùng nơi gia đình nhân
loại, một tính cách đa dạng tiến đến chỗ những gì khác biệt về nòi giống,
văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử không gây ra phân ly hay chia rẽ mà là thăng
hóa lẫn nhau và cùng nhau phát triển.
Tình đoàn kết chân thực là một đường lối chắc chắn để thắng vượt những thù
nghịch về chủng tộc, tình trạng bất dung nhượng về tôn giáo, tình trạng chia
rẽ giai cấp xã hội và các thành kiến phạm đến chính tâm điểm của phẩm giá
con người làm phát sinh chia rẽ, hận thù, đàn áp và bạo động. Vì tình đoàn
kết này cần phải được đặt trên nền tảng bình đẳng thực sự của tất cả mọi con
người nam nữ mà bất cứ một qui chế nào phản ngược lại với phẩm giá cũng như
những quyền lợi căn bản của bất cứ người nào hay phái nhóm nào đều phải được
loại bỏ. Trái lại, cần phải khuyến khích và duy trì những hoạt động xây dựng
những mối liên hệ cởi mở và chân thành, những mối liên hệ khuôn đúc các mối
liên minh chính đáng, những mối liên hệ liên kết con người lại để hợp tác
cho thiện ích của tất cả mọi người.
Một tình đoàn kết như thế không có nghĩa là chẳng cần phải để ý gì tới những
khác biệt về ngôn ngữ, giồng nòi, tôn giáo, xã hội hay văn hóa, cũng không
có nghĩa là chối bỏ những khó khăn đôi khi gay go trong việc thắng vượt
những chia rẽ và bất công lâu dài; những gì tình đoàn kết này thực sự chất
chứa đó là đề cao những gì là của chung, những gì liên kết dân chúng lại với
nhau trong việc cùng tìm cầu hòa bình và tiến bộ.
Như thế chúng ta đang nói đến một thứ tình đoàn kết có thể bảo vệ và bênh
vực quyền tự do hợp lý của mỗi người và tình trạng an ninh cần thiết của hết
mọi quốc gia. Không có quyền tự do và nền an ninh này thì thiếu mất chính
những điều kiện phát triển, thiếu những yếu tố cấn thiết cho việc tiến bộ.
Nói cách khác, quyền tự do mà các quốc gia phải có để bảo đảm việc tăng
trưởng và phát triển như những đồng bạn tương đương với nhau trong một gia
đình các dân nước lệ thuộc vào việc tương kính nhau nơi họ. Cá nhân và các
dân tộc có quyền tích cực góp tiếng nói vào những quyết định ảnh hưởng đến
họ cũng như tương lai của họ, và họ cần phải được tự do hành sử quyền lợi
này. Chính vì thế mà việc tìm kiếm vị thể chủ chốt về kinh tế, quân sự hay
chính trị bất chấp các quyền lợi của những người khác đều là những gì tác
hại tới những viễn ảnh về một thứ phát triển thực sự hay hòa bình đích thực
(cf. Message for the 1987 World Day of Peace, 6).
Bởi thế, chính tình đoàn kết này phải hướng dẫn việc trợ giúp về kinh tế,
việc hợp tác về chính trị và thậm chí cả những cuộc hành quân để gìn giữ hòa
bình ở bất cứ phần đất nào trên thế giới và giữa bất cứ đôi bên nào. Về vấn
đề này, Tôi lấy làm vui mừng nhận thấy rằng Zambia, một trong những nước ở
lục địa Phi Châu đang hoan hưởng tình trạng vững vàng về chính trị và hòa
bình từ ngày độc lập, đang tích cực tham gia những nỗ lực nhắm đến mục đích
hòa bình hóa và hòa giải ở Phi Châu, nhất là ở miền Đại Hồ cũng như ở các
nơi khác. Tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy bảo đảm rằng các chương
trình viện trợ cho xứ sở của ông cũng như cho các vùng khác ở Phi Châu cũng
như trên thế giới được bắt nguồn sâu xa từ một thứ tình đoàn kết biết tôn
trọng tự do cá nhân và phẩm giá con người.
Thật vậy, chính Giáo Hội, được thúc đẩy bởi lòng trung thành với Vị Tôn Sư
Thần Linh của mình và được thúc đẩy sống theo gương mẫu của Người, vươn đến
với tất cả mọi con người nam nữ bằng cảm thương và yêu thương qua những cử
chỉ đoàn kết. Ở Zambia Giáo Hội dấn thân cho việc cải tiến xã hội bằng công
việc hoạt động của mình nơi các lãnh vực về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bác
ái xã hội cũng như khi Giáo Hội tìm cách bênh vực nhân quyền, cổ võ những
giá trị về luân lý và duy trì việc phát triển trọn vẹn tất cả mọi người và
toàn diện con người. Tôi xin cám ơn ông Lãnh Sự về những lời lẽ cảm kích
trước công việc diễn tiến ấy cũng như về lời hứa hẹn cộng tác của ông trong
chính những lãnh vực này. Thưa ông Lãnh Sự, tôi tin rằng thời hạn phục vụ
của ông sẽ giúp nhiều vào việc củng cố những liên hệ thân tình giữa chính
phủ của ông và Tòa Thánh.
……….
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 3/6/2004