Bản Hiến Pháp Âu Châu với Căn Tính Kitô Giáo

Những Biến Chuyển trong Năm

2003

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Tổng hợp và chuyển dịch)

 

ĐTC Gioan Phaolô II được mời nói với Quốc Hội Âu Châu


Ông Patrick Cox, người Ái Nhĩ Lan, chủ tịch Quốc Hội Âu Châu, đã được tiếp kiến ĐTC Gioan Phaolô II và ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano hôm Thứ Sáu 3/1/2003 vừa rồi, đã lên tiếng mời ĐTC ngỏ lời cùng Quốc Hội Âu Châu “để lay động các lương tri”. Qua cuộc phỏng vấn hôm Thứ Năm 9/1/2003 với tờ nhật báo Avvenire, ông Cox cho biết bản văn Hiếp Pháp Âu Châu sau này sẽ tôn trọng căn tính Công Giáo “cũng như các quyền lợi dân sự và pháp lý của các giáo hội”: “Tôi nghĩ rằng một số những đề nghị của Công Giáo Âu Châu đã được cho vào bản thảo, một bản văn đã được phổ biến tuần vừa rồi”. Hội Đồng đang viết bản văn này có thẩm quyền “tối hậu” và Quốc Hội không can dự gì với Hội Đồng ấy. Bởi thế, ông Cox đề nghị là các chi tiết thêm vào bản văn này cần phải được yêu cầu từ vị chủ tịch hay hai vị phó chủ tịch của hội đồng này, đó là ông chủ tịch Valery Giscard d’Estaing, và hai ông phó chủ tịch Jean-Luc Dehaene và Giuliano Amato. Ông Cox cho biết “Tôi tin rằng các phần tử của Hội Đồng này sẽ tỏ ra lắng nghe tiếng Đức Giáo Hoàng. Tiếng của Ngài rất đặc thù, không gì thay thế được; đó là một giây phút đặc biệt với cả Ngài lẫn tất cả chúng tôi. Ngài đã có thể lay động lương tâm ở Trung Đông, ở hòa bình Palestine, ở vấn đề Iraq, và, nếu Ngài coi đây là một cơ hội thuận lợi, Ngài hãy lập lại sứ điệp của Ngài về căn tính Kitô Giáo Âu Châu nữa”.

Các Nhà Lãnh Đạo Ý Quốc Trở Lại Vấn Ðề Muốn Kitô Giáo được Bản Hiến Pháp Âu Châu Nhìn Nhận

Các chính trị gia Ý, dù khuynh tả, hữu hay trung dung, cũng lên tiếng yêu cầu nhìn nhận các giá trị Kitô Giáo nơi Bản Hiến Pháp của Aâu Châu là những gì làm nên căn tính của lục địa này.

Ông Gianfranco Fini, một Deputy Premier, đã phát biểu như sau: “Không thể phủ nhận là căn tính sâu xa nhất của Âu Châu được tìm thấy nơi các giá trị tôn giáo cũng như nơi truyền thống được gọi là Do Thái Kitô Giáo. Chính sách chính trị phi tôn giáo sâu xa nhất chính là ở chỗ nhìn nhận sự thật này. Ông này là một chính trị gia tham dự cuộc họp hôm Thứ Hai 28/1/2003 về “Hội Đồng Aâu Châu và Những Căn Gốc Kitô Giáo từ Đồng sang Tây của Aâu Châu”. Cuộc hội nghị này được tổ chức bởi Đại Học Viện Regina Apostolorum Pontifical Athenaeum, Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình, the Guile Foundation, với sự hỗ trợ của tổng thống Ý cũng như vị của chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng. Ông này thôi thúc Hội Đồng Âu Châu, một diễn đàn có trọng trách viết bản Hiến Pháp tương lai cho Âu Châu, là “hãy can đảm tiến lên” đối với Bản Hiến Chương Âu Châu về Các Quyền Lợi Căn Bản, một văn kiện đã được chấp thuận vào năm 2000, một văn kiện giới hạn không cho phép bàn đến vấn đề “gia sản tinh thần và luân lý”.

Ông Lamberto Dini, nguyên Bộ Trưởng Ngoại Giao Vụ của Ý và là đương kim phó chủ tịch Thượng Viện Ý đã tỏ ra ủng hộ quan điểm của ông Fini trên đây, khi cho biết: “Tôi sẻ ủng hộ bất cứ dự án nào thiên về việc đem vào lời phi lộ của Bản Hiến Pháp Âu Châu chi tiết liên quan đến những giá trị tinh thần cũng như đến những giá trị tôn giáo và Kitô Giáo”. Ông cũng không chối cãi rằng việc bàn đến vấn đề này ở Hội Đồng Âu Châu phụ trách phác họa bản Hiến Pháp mới đây sẽ là một chuyện “khó khăn”, nhưng ông ủng hộ bản dự thảo của Đảng Phổ Thông Âu Châu trong việc “đặc biệt qui chiếu đến vai trò của Giáo Hội trong việc hình thành Âu Châu trong hơn 2000 ngàn năm qua”.

Ông Antonio Tajani, phó chủ tịch Đảng Phổ Thông Âu Châu trong Quốc Hội Âu Châu, cũng cho biết rằng mục tiêu của nhiều chính trị gia thuộc nhóm Quốc Hội của ông sẵn sàng “tranh luận” về vấn đề này, vì “một cộng đồng cả nửa tỉ người này không thể chỉ sống dựa vào kinh tế mà thôi, mà còn cần phải có những giá trị trọng yếu nữa”.

Phải chăng Âu Châu đang mất gốc?


Màn Điện Toán Zenit đã thực hiện một cuộc phỏng vấn về tình hình đạo đức với ông Grace Davie, chủ tịch Tiểu Ban Xã Hội Học Về Tôn Giáo của Hiệp Hội Xã Hội Quốc Tế, giáo sư xã hội học về tôn giáo ở Đại Học Exeter, Giám Đốc Trung Tâm Exeter Nghiên Cứu Âu Châu, và là tác giả cuốn “Âu Châu: Một Trường Hợp Ngoại Lệ. Những Đặc Tính Về Đức Tin Nơi Thế Giới Tân Tiến” (Darton, Longman and Todd, 2002). Theo tác giả chuyên khoa về tôn giáo xã hội này nhận định thì Âu Châu hiện nay đang xẩy ra hiện tượng được gọi là “tin tưởng nhưng không thuộc về” (believing without belonging), tức không cần phải thuộc về một tổ chức hay cơ cấu hoặc cộng đồng nào cả. Lý do một phần là vì Âu Châu còn bị anh hưởng sâu nặng bởi Phong Trào Minh Tri (Enlightenment) phản tôn giáo, trong khi tại Hoa Kỳ phong trào này lại chuộng tôn giáo.


Vấn     Trong khi hiện tượng đạo giáo đang mỗi ngày một quan trọng trên thế giới thì hình như nó không có tác dụng gì ở Âu Châu. Tại sao Âu Châu lại là một trường hợp ngoại lệ về đức tin như vậy?


Đáp     Yếu tố quan trọng đó là mối liên hệ giữa trào lưu tân tiến (modernization) và trào lưu tục hóa (secularization) được cho là được bắt đầu từ những hoàn cảnh thuộc xã hội Âu Châu vào thời Cách Mạng Kỹ Nghệ (Industrial Revolution). Chẳng hạn, các giáo hội truyền thống được cắm rễ sâu xa vào những lối sống tiền tân tiến và tiền kỹ nghệ, vì thế, họ bị đe dọa bởi những áp xuất của trào lưu kỹ nghệ hóa và thành thị hóa (urbanization). Cũng cần phải để ý là bản chất đặc biệt của Phong Trào Minh Tri Âu Châu, nhất là theo tính cách Pháp Quốc của nó, có chiều hướng chống tôn giáo. Yếu tố này không xẩy ra ở các nơi khác, chẳng hạn như ở Hiệp Chủng Quốc, nơi mà tiến trình tân tiến hóa đã diễn ra rất khác, ở chỗ Phong Trào Minh Tri lại làm cho những thực hành đạo giáo và tự do tôn giáo trở nên dễ dàng hơn.


Vấn     Phải chăng Âu Châu đang mất gốc?


Đáp     Âu Châu đang thay đổi cái “gốc” của mình. Người ta không còn sống đạo vì bị bó buộc nữa. Tuy nhiên vẫn còn một số lớn người Âu Châu quyết sống đạo của họ. Chưa bao giờ lại có những chọn lựa nhiều như vậy. Những hình thức mới về tôn giáo xuất hiện. Dân chúng kéo tới Âu Châu, đặc biệt về lý do kinh tế, mang đến lục địa này những hình thức tôn giáo tính khác nhau, một số là Kitô Giáo một số không phải Kitô Giáo. Ngoài trào lưu nhập Âu này còn có trào lưu xuất Âu của những người Âu du hành khắp thế giới cảm nghiệm được tính cách đa dạng của tôn giáo một cách đặc biệt. Đối với tôi, vấn đề quan trọng không phải là sự hiện hữu của các cơ hội khác nhau về tôn giáo mà là khả năng của người Âu trong việc thích ứng với chúng. Đây là điều tương phản nhất so với Hiệp Chủng Quốc. Tôi bắt đầu suy nghĩ là khi nào mới xẩy ra một cuộc thay đổi của người Âu, cả trong cũng như ngoài các giáo hội truyền thống. Những gì trước đây chỉ là những cái áp đặt hay thừa hưởng thì giờ đây lại là một chọn lựa cá nhân. Vấn đề thay đổi đã xẩy ra từ bó buộc đến chọn lựa. Cũng cần chú ý là nhiều người thích chủ động nơi lãnh vực tôn giáo thôi chứ không chủ động trong lãnh vực chính trị. Một số lý thuyết cổ thời về trào lưu tục hóa cho rằng khái niệm về việc chọn lựa tôn giáo là nhu cầu cần phải được tư nhân hóa. Tôi không đồng ý như vậy; trái lại, tôi nghĩ rằng những ai nghiêm cẩn chọn lựa theo đạo giáo ở các xã hội Âu Châu sẽ muốn thấy các quan điểm của mình được công chúng lắng nghe, chứ không phải ở lãnh vực tư riêng mà thôi.

 

Vấn     Liệu công tbức “tin tưởng nhưng không thuộc về” này có tăng phát hơn ở môi trường Âu Châu chăng?


Đáp
   
Vừa có vừa không. Ở một nghĩa nào đó, tôi thích từ ngữ “tôn giáo thừa ủy” (vicarious religion) hơn. Theo tôi thì tôn giáo thừa ủy là quan niệm về một thứ tôn giáo thích hợp với một nhóm thiểu số chủ động tác hành thay cho một số đông hơn là thành phần chẳng những hiểu biết mà còn chấp thuận những gì do nhóm thiểu số này làm. Nếu thật sự tầm mức quan trọng của các giáo hội như những cơ cấu tổ chức đã suy yếu một cách từ từ sau giai đoạn hậu chiến quả thực không sai, thì cũng đúng là có một cái gì đó giống như vậy đã xẩy ra cho các thực thể khác, như những đảng phái chính trị và các nghiệp đoàn lao động, là những thực thể, không cách này thì cách khác, đòi phải có những cuộc họp hội và nhập hội. Chúng ta cần phải đặt các giáo hội vào một môi trường rộng rãi hơn, môi trường kinh tế và xã hội, để hiểu được những gì đang xẩy ra. Tình trạng giảm sút hoạt động của các giáo hội, nhất là ở bắc Âu, phải được hiểu như là một phần đổi thay theo bản chất của sinh hoạt xã hội, chứ không phải là một dấu hiệu của vấn đề khô đạo, như một số người muốn thấy theo chiều hướng ấy. Nói cách khác, tin tưởng song không thuộc về đây là một chiều kích liên lỉ ở các xã hội Âu Châu tân tiến, chứ nó không phải chỉ là vấn đề bị gò bó vào đời sống đạo. Tính cách thừa ủy ở đây có lẽ sẽ không còn là một qui chuẩn nữa. Tuy nhiên, hơi quá sớm để có thể nói trước về việc chấm dứt các giáo hội Âu Châu. Trước khi điều này xẩy ra một thời gian dài thì những hình thức mới về tôn giáo sẽ xuất hiện, cả trong lẫn ngoài các giáo hội truyền thống. Có thể chúng sẽ là những nhóm nhỏ về con số, nhưng tôi nghĩ chúng sẽ có một khả năng hạch nhân nguyên tử trong việc thi hành những hình thức tôn giáo tính chính yếu là những gì sẽ mang lại các thứ thay đổi quan trọng khác nhau nơi những đòi hỏi của người dân Âu Châu.

Vấn     Liệu Âu Châu có đáp ứng nổi những đòi hỏi về xã hội của Hồi Giáo hay chăng?


Đáp     Âu Châu đang làm điều này. Bởi thế không lạ gì các cộng đồng Hồi Giáo đang chiếm được một chỗ đứng nơi các địa điểm công cộng của các xã hội Âu Châu, cho dù có bất thuận lợi trong nhiều trường hợp, các xã hội Âu Châu ấy cũng chấp nhận họ, nhất là những người thích lối sống đạo tin tưởng chứ không cần thuộc về. Một thứ Hồi Giáo được riêng tư hóa không có nghĩa gì cả; thật vậy, nó là điều mâu thuẫn. Nói cách khác, Hồi Giáo làm cho những người mang danh Kitô hữu bị phiền toái, chẳng hạn ở những hình thức của một tôn giáo thừa hưởng càng ngày càng được tư riêng hóa. Hồi Giáo không gây ra phiền toái mấy cho những Kitô hữu “chọn” thuộc về một giáo hội đặc biệt. Bởi thế vấn đề lập luận ở đây là: Nếu các cộng đồng Hồi Giáo nhỏ và gần đây mới đến sinh sống có thể chiếm được một chỗ công cộng ở Âu Châu thì những người Kitô hữu cũng có thể làm như vậy. Người Kitô hữu đã tự nhận vai trò của mình trong những cuộc tranh luận phức tạp về luân lý trong xã hội tân tiến, hay trong cuộc tranh đấu để được nâng đỡ đầy đủ về cơ cấu ở tất cả mọi xã hội Âu Châu còn coi trọng tôn giáo, dù là Kitô Giáo hay không.

 

Quốc Hội Âu Châu chấp thuận vấn đề chung sống đồng phái tính


Cuộc bỏ phiếu 269 trên 225 vào hôm Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2/2003 của quốc hội này đã chấp thuận một văn kiện liên quan đến vấn đề giản dị hóa việc di chuyển tự do của công dân các nước thuộc Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một văn kiện có ba điều tu chính về việc công nhận các quyền lợi của các cặp đồng tính. Bản văn kiện viết là chữ “gia đình” phải được áp dụng “bất kể phái tính” cho “một mối liên hệ bền bỉ, không cần phải có sự hiện diện của vấn đề hôn nhân”, mặc dù bản văn này nói rõ là dầu sao cũng tùy ở luật pháp từng quốc gia. Vấn đề này được ủng hộ bởi Đảng Xã Hội Âu Châu, Những Thành Viên Đảng Xanh, các Thành Viên Đảng Cộng Sản và một phần của Đảng Canh Tân Nền Dân Chủ Cấp Tiến Âu Châu, nhưng bị chống lại bởi Đảng Phổ Thông Âu Châu và Hữu Đảng Âu Châu. Bản văn kiện này mới là bản hướng dẫn cộng đồng, giờ đây phải được các chính quyền thuộc các quốc gia hội viên Khối Hiệp Nhất Âu Châu nghiên cứu, sau đó, nó được Quốc Hội Âu Châu duyệt lại một lần nữa. Trong Khối Hiệp Nhất Âu Châu chỉ có Hòa Lan và Bỉ là hai nước nhìn nhận các cặp đồng tính như những đôi vợ chồng.

 

Huấn Từ Truyền Tin về Hai Thánh Cyliô và Methôđiô


Anh Chị Em thân mến!


1. Thứ Sáu vừa rồi, 14/2, chúng ta đã cử hành lễ hai Thánh Cyliô và Methôđiô, các vị tông đồ của sắc dân Slavs và là đồng quan th2y của Âu Châu. Được sinh ra ở Solonika vào tiền bán thể kỷ thứ 9, và được giáo dục theo văn hóa Byzantine, hai anh em này đã can đảm gánh vác trách nhiệm truyền bá phúc âm hóa dân Slav thuộc Đại Địa Moravia giữa lòng Âu Châu.


Đặc tính của việc tông đồ các vị làm đó là luôn trung thành với Đức Giáo Hoàng Rôma hay với vị thượng phụ ở Contantinopoli, tôn trọng truyền thống và ngôn ngữ của dân Slav. Các vị được tác động bằng một cảm quan sâu xa về Giáo Hội duy nhất. Thánh thiện, công giáo và tông truyền, lấy lời Chúa Giêsu kêu cầu “cho họ được hiệp nhất nên một” (Jn 17:11) làm câu tâm niệm. Chớ gì gương mẫu và lời chuyển cầu của các vị giúp cho Kitô hữu Đông và Tây được tái thiết hoàn toàn việc hiệp nhất với nhau (xem Tông Thư "Slavorum Apostoli," 13: AAS 77 [1985], 794-795).


2. Gia sản của hai thánh Cyrilô và Methôđiô còn quí giá trong cả lãnh vực văn hóa nữa. Thật vậy, hoạt động của các vị đã góp phần vào việc làm kiên cường những căn gốc Kitô Giáo Âu Châu, những gốc rễ đã cung cấp nhựa làm nên lịch sử và các cơ cấu Âu Châu.


Chính vì điều này mà, như vẫn được yêu cầu, cái gia sản chung của Đông và Tây này trong bản Thỏa Ước Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Việc qui chiếu này không hề làm sai lệch cái tính cách trần thế của những cấu trúc chính trị (xem "Lumen Gentium," 36; "Gaudium et Spes," 36, 76), ngược lại, còn giúp bảo trì Lục Địa này khỏi cái nguy hiểm lưỡng diện, vừa về chiều hướng trần thế theo ý hệ lẫn về chiều hướng bảo thủ giáo phái.


3. Hiệp nhất bởi những giá trị và ký ức của quá khứ, các dân tộc Âu Châu mới có thể thi hành trọn vẹn vai trò của mình trong việc cổ võ công lý và hòa bình trên khắp thế giới. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ý nguyện này với Mẹ Rất Thánh Maria cũng như với các vị thánh quan thày Âu Châu.

 

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo ở Moscow về Kitô Giáo trong Bản Hiếp Pháp Âu Châu


Theo chiều hướng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Vị đã lên tiếng ngay từ đầu về sự kiện Khối Hiệp Nhất Âu Châu muốn loại bỏ Kitô Giáo nói riêng và tôn giáo nói chung ra khỏi Bản Hiến Pháp của họ, ĐTGM Kirill ở Smolensk và Kalimingrad, với vai trò phụ trách ngoại vụ của mình thuộc tòa thượng phụ này, hôm Thứ Sáu 14/2/2003 vừa rồi đã viết một bức thư ngỏ gửi cho ông Valery Giscard d’Estaing, chủ tịch Ủy Ban Nghị Thảo Về Tương Lai Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Trong bức thư của mình, vị TGM đây đã đề cập đến 16 điều khoản đầu tiên của Bản Thỏa Ước Pháp Chế vừa được phổ biến trong tháng này. Bản văn này được căn cứ vào bản Hiến Chương Các Quyền Lợi Căn Bản được phổ biến năm 2000, nhưng bản mới đây không hề đả động gì đến các giá trị về đạo nghĩa và ý nghĩa của đạo giáo trong việc phát triển xã hội lẫn văn hóa ở Âu Châu cả.

 

Theo bức thư ngỏ này, bản thảo cho Hiến Chương ấy cần phải “qui chiếu về gia sản Kitô Giáo của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, cũng như những truyền thống tôn giáo klhác và những giòng tư tưởng trần đời khác”. Bức thư cũng đề nghị có “một khoản về phương thức tham vấn giữa các cơ cấu Âu Châu với các cộng đồng tôn giáo trong Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một điều khoản về đặc quyền của các quốc gia thành viên trong việc điều hành lãnh vực tôn giáo… Chúng tôi thấy nhiều tư tưởng (am hợp với) chủ trương của chúng tôi đã được phát biểu bởi Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Ủy Ban Các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo của Cộng Đồng Âu Châu, Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc, Giáo Hội Tin Lành Lutherô Phần Lan, và nhiều giáo hội và cộng đồng khác… Cái nền tảng này của Khối Hiệp Nhất Âu Châu sẽ là khởi điểm cho sinh hoạt nội bộ của các quốc gia thành viên… Giáo Hội Chính Thống Nga đã từng chú ý đến việc cẩn trọng sửa soạn cho một văn kiện chẳng mấy chốc sẽ xác định đời sống của nhiều quốc gia ở Âu Châu, bao gồm cả thành phần Chính Thống của họ. Chắc chắn những giá trị được nói đến trong dự thảo này, như phẩm giá con người, quyền tự do, tính cách tối thượng của luật pháp, việc dung nhượng, công lý và tình đoàn kết, không phải là những gì xa lạ với các luật điều luân lý của Kitô Giáo. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể là vấn đề tranh cãi cho người tín hữu nếu chúng không được gắn chắt với những giá trị luân lý cụ thể. Một Âu Châu chối bỏ tôn giáo, nhất là Kitô Giáo như là một trong những tác lực ban sự sống nồng cốt của mình, sẽ không thể trở thành một thứ quê cha đất tổ cho nhiều dân tộc đang sống ở đó”.
 

Các Vị Giám Mục Ý Yêu Cầu đề cập đến Kitô Giáo trong Bản Hiến Pháp Âu Châu


ĐGM Giuseppe Betori, thư ký của hội đồng giám mục Ý, đã gửi sứ điệp đến Quốc Hội Ý và Các Ủy Ban Ngoại Vụ của Thượng Viện Ý hôm Thứ Tư 26/2/2003 vừa rồi. Vị giám mục này cho biết: “Gia sản tôn giáo là nguồn hứng khởi cho đại đa sống dân chúng của lục địa chúng ta, thành phần nhận ra mình nơi Kitô Giáo cũng như nơi các Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo đang hoạt động ở xã hội Âu Châu để phục vụ cho công ích”. Vị giám mục đồng thời cũng nêu lên ba điểm Kitô hữu cần thấy có nơi bản hiến pháp mới của Âu Châu: Thứ nhất, bản Hiến Pháp phải nhìn nhận thẩm quyền tự lập của các giáo hội và cộng đồng tôn giáo, bao gồm quyền được tự do tổ chức nội bộ theo qui định của họ. Thứ hai, phải đặc biệt nhìn nhận căn tính và vai trò trong xã hội của các giáo hội và cộng đồng tôn giáo, cũng như phải có điều khoản liuên quan đến việc đối thoại giữa họ và Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Thứ ba, ngành lập pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu này phải minh nhiên tôn trọng qui chế riêng mà mọi giáo hội và cộng đồng tôn giáo được hưởng theo những luật pháp của quốc gia.

 

Kitô Hữu đưa ra 3 Dự Thảo cho Bản Hiếp Pháp Âu Châu

Hội đồng Kitô Giáo Cho Âu Châu sẽ đề nghị ba dự thảo ở hội nghị về Bản Hiếp Pháp Âu Châu, một hội nghị sẽ được Quốc Hội Âu Châu triệu tập vào ngày 3/4/2003. Kitô Giáo Cho Âu Châu là một hội đồng bao gồm các phần tử quốc hội Âu Châu, chính trị gia, viên chức ngoại giao, các nhà giáo dục, các vị học giả và các chuyên gia. Với sự giúp đỡ của Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, hội đồng này nuôi dưỡng những mối liên hệ với các giáo phái Kitô Giáo như Chính Thống Giáo, Thệ Phản và Anh Giáo. Hội Đồng Kitô Hữu Cho Âu Châu muốn thêm ba điều vào những khoản đầu tiên của bản thảo Hiệp Ước Hiến Pháp của Hội Đồng Âu Châu. Vị chủ tịch của hội đồng Kitô Hữu Cho Âu Châu là Josep Mirĩi Ardeval đã nói:

“Ở Khoản 1, liên quan đến việc thành lập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Khối Hiệp Nhất cần phải tôn trọng căn tính của mỗi quốc gia phần tử. Khối Hiệp Nhất cũng phải tôn trọng vị thế hợp pháp của các giáo hội, các cộng đồng tôn giáo và những tổ chức vô tín ngưỡng, vì đó là một phần chính yếu thuộc căn tính quốc gia đã được nói đến”.

“Ở Khoản 2, liên quan đến những giá trị của Khối Hiệp Nhất, có nói đến phẩm giá con người, đến quyền tự do, đến nền dân chủ, đến tình trạng luật pháp, đến các quyền lợi của con người, đến việc dung nhượng, đến công lý và kết đoàn. Khoản này đối với chúng tôi rất tốt, thế nhưng vẫn thiếu những quan niệm là những giá trị Âu Châu thực sự cần phải được đề cập tới”. Những giá trị đó là “vai trò chính yếu của con người, việc bảo vệ gia đình, việc cổ võ hòa bình, việc phụ thuộc, và khía cạnh xã hội chứ không phải chỉ cá nhân nơi các quyền lợi của con người. Đó là những giá trị Âu Châu các người soạn thảo cần phải đưa vào khoản hiến pháp”.

“Ở Khoản 3, liên quan đến những mục tiêu của Khối Hiệp Nhất, chúng tôi nghĩ rằng những mục tiêu bất khả thiếu cho Âu Châu đang thiếu vắng, đó là vai trò chính yếu của con người, việc tôn trọng nơi các dân tộc, việc nhổ tận gốc cảnh bần cùng, việc bảo vệ trẻ em và gia đình, việc cổ võ hòa bình, và việc tuân hợp những quyết tâm quốc tế cần có”.

Thế nhưng, đâu là căn bản cho những giá trị Âu Châu?

Theo Antonio Arcones, thư ký của Hội Đồng Kitô Hữu Cho Âu Châu, “chúng tôi muốn nhắc nhở quyền lực chính trị là lãnh vực dân sự và chính trị biệt lập với lãnh vực giáo hội, nhưng không tách biệt khỏi lãnh vực luân lý. Khi quyền lực chính trị gạt đi lãnh vực luân lý thì cuộc sống chung của dân chúng sẽ phải trả giá cho vấn đề này. Theo ý nghĩ của chúng tôi, nếu chúng ta loại bỏ đi cái nền tảng siêu việt nơi các giá trị Âu Châu đi, những gì vốn là đường lối của đa số dân Âu Châu sống những giá trị ấy, thì những giá trị ấy bấy giờ trở thành vô nghĩa, quyền lực chính trị bấy giờ có thể trở thành độc đoán theo những tiêu chuẩn của mình, quay ra kình chống con người”.
 

Tến bộ trong tiến trình soạn thảo bản hiến pháp Âu Châu

Riêng về hoạt động của Hội Đồng Âu Châu trong việc soạn thảo bản hiếp pháp cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu, cũng vào ngày Thứ Sáu 4/4/2003, bản thảo sau cùng đã đề cập đến những gì riêng Giáo Hội Công Giáo ở Âu Châu hết sức và liên lỉ tranh đấu theo gương và chiều hướng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từ đầu năm 2002, đó là vấn đề không được loại bỏ vấn đề tôn giáo, nhất là Kitô Giáo là những gì làm nên căn tính của văn hóa Âu Châu. Theo lời tuyên bố của nhóm Kitô Hữu Cho Âu Châu thì “Khoản 37 của bản thảo về Hiến Pháp Âu Châu này cho thấy một bước quan trọng theo đúng hướng, mặc dù nó không diễn tả hoàn toàn việc chấp nhận chiều kích tôn giáo nơi bản Hiếp Pháp này”. Theo Đài Phát Thanh Vatican nhận định thì “công thức của Khoản 37 này có thể phải được điều chỉnh hết cỡ bằng việc minh nhiên nói đến quyền tự lập về cơ cấu của các giáo hội”. Nhóm Kitô Hữu Cho Âu Châu cũng bày tỏ niềm tri ân cảm tạ đến các phần tử của mình “thành phần đã thận trọng mang vào bản thảo Hiến Pháp này những gì đã được thiết định ở Hòa Ước Amsterdam liên quan đến việc nhìn nhận những điều khoản về các giáo hội cùng với cơ cấu của ‘một cuộc trao đổi bình thường’ giữa các niềm tin tôn giáo và Khối Hiệp Nhất Âu Châu”. Nhóm Kitô Hữu Cho Âu Châu này là một hội đồng thường trực của các nghị viên quốc hội Âu Châu, bao gồm các chính trị gia, các vị ngoại giao, các nhà giáo dục, các học giả và các chuyên gia giáo dân, được thiết lập để thẩm định việc phác họa bản Hiến Pháp tương lai của Âu Châu.

Thoidiemmaria.net thấy rằng cuộc tranh đấu cho tôn giáo trong bản hiến pháp Âu Châu cũng xẩy ra giống như cuộc tranh đấu của phe chủ hòa với phe chủ chiến ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về vấn đề giải giới Iraq vậy, khi bàn đến bản quyết định 1441 và bản quyết định bất thành cuối cùng.

Khối Hiệp Nhất Âu Châu không được giới hạn vào nguyên những yếu tố kinh tế

Cuộc hội nghị được tổ chức ở Palazzo Mattei di Paganica, Trung Tâm Bách Khoa Ý, với chủ đề “Thế Giới Công Giáo và Văn Chương Thế Kỷ 20. Một Chiếc Cầu Nối Giữa Đông Tây” đã cảnh giác về việc kiến tạo nên một Khối Hiệp Nhất Âu Châu chỉ căn cứ nguyên vào các yếu tố kinh tế mà thôi, một Khối Hiệp Nhất cần phải lưu ý tới cả những gốc rễ về văn hóa, thiêng liêng và nghệ thuật nữa.

Ông Andrea Monda, vị tổ chức và điều hợp viên của hội nghị này đã cho Zenit biết rằng: “Vào năm 2004, có 7 quốc gia Âu Châu sẽ trở thành phần tử của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, những xứ sở thuộc về điều được Olivier Clement gọi là ‘Âu Châu đệ tam’, giữa Nga và các nước Tây Phương. Chúng tôi thấy rằng đây là dịp phải chú ý tới những xứ sở này, vì, như Đức Thánh Cha thường nhấn mạnh, việc kiến tạo nên Khối Hiệp Nhất Âu Châu không thể chỉ căn cứ vào một mình yếu tố kinh tế. Thật vậy, những căn gốc về thiêng liêng, văn hóa và nghệ thuật của Âu Châu cũng cần phải được tái thiết nữa. Nghệ thuật, tôn giáo và văn hóa là những chiều kích đi liền với nhau. Việc quên đi rằng Âu Châu đã hiệp nhất vào Thời Trung Cổ nơi cùng một đức tin Kitô giáo là liều mình đi đến chỗ không tạo nên một khối hiệp nhất thực sự mà chỉ để giải quyết phần nào các thứ vấn đề về kinh tế mà thôi. Những thứ giải quyết bán phần này không làm cho Âu Châu hiệp nhất được. Vì thế, chúng tôi đã quyết tâm nhìn tới vấn đề văn chương của thành phần Âu Châu đệ tam này, bao gồm cả Nga Sô. Phần đất này đã cống hiến cho chúng ta những vị đại tác giả, thậm chí ở cả thế kỷ 20, một thế kỷ thê thảm. Những diễn viên đã cố gắng chứng tỏ cho thấy làm sao mà ở những hoàn cảnh chia rẽ và chống đối như thế, các nghệ sĩ vẫn bảo tồn được mối liên hệ với Âu Châu và thế giới… Các chế độ Marxist đã cố gắng dập tắt chẳng những tính cách thiêng liêng mà còn cả tinh thần nghệ thuật nữa… Wojtyla là một nhà thơ và triết gia Balan, thế nhưng hoàn cảnh về nhân bản và thiêng liêng của ngài mặc lấy một chiều kích đại đồng, ngài là một nhân vật liên kết, vị đã cố gắng nhắc nhở các chính trị gia về tầm quan trọng của các thứ cội rễ Kitô giáo. Chiều hướng hiện nay ở Âu Châu là gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, mà không nhận thức rằng làm như vậy thì con người cũng bị loại trừ luôn”.

Với vị tân lãnh sự nước Latvia ngày 15/5/2003

 

“Các thứ giá trị chúng ta đang nói đến ở đây không có gì là xa lạ đối với quốc gia của ngài, bởi vì ngay từ thế kỷ 12, khi Thánh Meinhard, vị Tông Đồ nước Latvia, rao giảng Phúc Âm ở đất nước của ngài thì những lý tưởng này đã được đan kết thành chính tấm vải đời sống quốc gia của ngài. Chúng cần phải được củng cố và phát triển hơn nữa để nước Latvia tiếp tục cuộc hành trình của mình vào Ngàn Năm Thứ Ba cũng như để đất nước của ngài sửa soạn trở thành một phần tử thực thụ của một Khối Hiệp Nhất Âu Châu vươn rộng. Về vấn đề này, Tôi cảm thấy hài lòng trước việc nhận định của ngài về ảnh hưởng sâu xa Kitô giáo đã tác dụng nơi văn hóa và lịch sử Âu Châu. Thật vậy, Kitô giáo đặc biệt hãnh diện về việc đóng góp những giá trị sẽ khuôn đúc và gắn bó cho một tân Âu Châu: vì “một Âu Châu ruồng bỏ quá khứ của mình, một Âu Châu phủ nhận sự kiện về tôn giáo, và một Âu Châu không có chiều kích linh thiêng sẽ hoàn toàn trở thành nghèo nàn đối với dự án tham lam cần vận dụng tất cả nghị lực của nó trong việc kiến tạo nên một thứ Âu Châu cho tất cả mọi người” (cùng nguồn vừa dẫn).

 

“Chính vì thế mà Tòa Thánh tha thiết xin là Bản Hiệp Định Hiến Chế của Khối Hiệp Nhất Âu Châu phải chất chứa nơi Lời Mở Đầu của nó chi tiết rõ ràng về tôn giáo cũng như về gia sản Kitô giáo của Âu Châu. Thật vậy, điều đáng mong ước là, với hết lòng tôn trọng chính quyền trần thế, bản Hiến Pháp này phải công nhận ba yếu tố bổ túc sau đây: thứ nhất là tầm quan trọng của quyền tự do tôn giáo, chẳng những nơi các khía cạnh cá nhân cũng như tập thể của nó, mà còn nơi chiều kích cơ cấu của nó nữa; thứ hai là nhu cầu trao đổi và tham vấn giữa Khối Hiệp Nhất Âu Châu và các cộng đồng tín hữu; thứ ba là việc tôn trọng tình trạng pháp lý đã được thừa hưởng bởi các Giáo Hội và các cơ cấu tôn giáo ở các Quốc Gia hội viên trong Khối Hiệp Nhất này. Ba yếu tố liên hệ này sẽ giúp cho tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng có thể tiếp tục thực hiện việc đóng góp bất khả thay thế vào các sinh hoạt cũng như vào các cơ cấu Âu Châu.

 

ĐTC nhắc nhở Balan trước khi nước này bước qua ngưỡng cửa của Khối Hiệp Nhất Âu Châu

Nhân dịp 20 ngàn người Balan đến Rôma mừng Lễ Phong Thánh hôm Chúa Nhật 18/5/2003 cho bốn 4 trong đó có một vị bản xứ và một vị qua đời tại Balan, Đức Thánh Cha đã nói với họ tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày hôm sau 19/5 về vấn đề liên quan tới tương lai của việc gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu. ĐTC trước hết đã nhắc lại những chuyến tông du của Ngài về Balan, mở đầu vào năm 1979. Vào ngày 8/6/2003 tới đây Balan sẽ được Khối Hiệp Nhất Âu Châu bỏ phiếu về việc chấp nhận Balan vào khối này. Trước biến cố lịch sử ấy, ĐTC đã nhắc lại lời của Ngài nhắc nhở họ từ chuyến tông du thứ nhất: “Những nền tảng của căn tính Âu Châu được bắt nguồn từ Kitô giáo”. Trong lần gặp gỡ này, ĐTC tiếp tục tư tưởng trên: “Hôm nay đây, khi Balan và các xứ sở khác của ‘Khối Đông Âu’ trước kia đang gia nhập vào các cơ cấu của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Tôi lập lại những lời Tôi không muốn nói để làm chán nản cho bằng để xác định là những xứ sở này có một sứ vụ quan trọng thực thi trong Thế Giới Cổ… Balan luôn là một phần quan trọng của Âu Châu nên vào lúc này đây lục địa này không thể bỏ rơi cộng đồng ấy, một cộng đồng đang trải qua những cuộc khủng hoảng ở các lãnh vực khác nhau, thế nhưng lại là một cộng đồng tạo nên một gia đình của các quốc gia bắt nguồn từ truyền thông chung của Kitô giáo. Việc gia nhập những cấu trúc của Âu Châu, bình quyền với những quyền lợi của các quốc gia khác, đối với các quốc gia của chúng ta cũng như đối với các quốc gia thuộc sắc dân Slav thân cận, là biểu hiệu của một thứ công lý lịch sử. Âu Châu cần đến Balan. Giáo Hội ở Âu Châu cần đến chứng từ đức tin của những người Balan. Balan cần đến Âu Châu”.

 

Bản thảo Lời Dẫn Nhập của Hiến Pháp Âu Châu không đề cập đến Kitô Giáo

Chiều Thứ Sáu 30/5/2003, Tòa Thánh Vatican, qua vị Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí là Joaquin Navarro-Valls đã chính thức lên tiếng về bản thảo Lời Mở Đầu cho Bản Hiến Pháp Âu Châu vừa được phổ biến hôm Thứ Tư 28/5, như sau:

“Được ghi nhận một cách khả quan là Bản Hiến Pháp Âu Châu, qua những gì được phác họa hiện nay ở Khoản 51, đã bao gồm vào bản thỏa ước hiến pháp nội dung của Bản Tuyên Ngôn 11 được thêm vào Bản Hiệp Ước Amsterdam, và đã phác họa cho thấy một cuộc trao đổi liên tục với các Giáo Hội cũng như với các cộng đồng tôn giáo, bằng việc nhìn nhận căn tính và sự đóng góp đặc biệt họ.

“Nơi những gì liên quan tới việc phác họa thứ nhất ở Lời Dẫn Nhập, cũng thấy được việc đề cập đến những yếu tố khác nhau và quan trọng đã từng tác dụng làm nên gia sản Âu Châu, thế nhưng lại lạ lùng không hề đề cập một cách rõ ràng về Kitô giáo.

“Bởi thế, chúng tôi xin chia sẻ với những phần tử có thẩm quyền của Hội Đồng soạn thảo này, những phần tử đã có dự định bao gồm yếu tố này vào bản văn kế tiếp của Lời Dẫn Nhập vì lòng tôn trọng sự thật của lịch sử cũng như để bản văn được cân đối hơn”.

Thật vậy, như những gì được phổ biến, người ta đọc thấy bản thảo Lời Dẫn Nhập này không hề nói rõ về nguồn gốc của Kitô giáo trong Lời Dẫn Nhập của Bản Hiến Pháp Âu Châu, mà chỉ đề cập chung chung đến “gia sản về văn hóa, tôn giáo và nhân bản của Âu Châu là những gì được… nuôi dưỡng trước hết bởi các nền văn minh Hy Lạp và Rôma… rồi sau đó bởi các luồng tư tưởng triết lý của Thời Đại Minh Trí”. Theo bản văn này thì nền tảng ấy đã “gắn liền vào đời sống xã hội cái nhận định của nó về vai trò chính yếu của con người cùng với những thứ quyền lợi bất khả vi phạm và không thể thiếu của họ, cũng như quan niệm về việc tôn trọng luật lệ”.

Như thế, ở đây đã có một tiến bộ nhỏ. Đó là nói rõ ràng đến tôn giáo, hơn ở trong bản Hiến Chương về Các Quyền Lợi Căn Bản của Khối Hiệp Nhất Âu Châu là văn kiện chỉ nói đến “gia sản về tinh thần và luân lý” mà thôi. Tuy nhiên, bản thảo Lời Dẫn Nhập có tiến bộ này vẫn không chịu dứt khoát đề cập đến “gia sản tôn giáo, nhất là Kitô giáo” là những gì đã hình thành Âu lục này. Sau khi đọc được bản thảo này, các vị đại diện các giáo hội và cộng đồng Kitô giáo ở Âu Châu đã bày tỏ mối quan tâm của mình qua một bản tuyên cáo cũng được phổ biến cùng ngày Thứ Tư 28/5/2003 như sau:

“Một Âu Châu chối bỏ quá khứ của mình, một Âu Châu chối bỏ sự kiện về tôn giáo, và một Âu Châu không có chiều kích thiêng liêng sẽ bị suy yếu rất nhiều khi phải đương đầu với một dự án tham vọng cần tới tất cả nghị lực của nó, đó là dự án kiến trúc một Âu Châu cho tất cả mọi người” (xem màn điện toán của Ủy Ban Các Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu – www.comece.org).

Ông Josep Miro I Ardevol, chủ tịch Hội Đồng Kitô Hữu cho Âu Châu, đã phát biểu là bản thảo Lời Dẫn Nhập “hoàn toàn không đáp ứng và có thể phát sinh yếu tố gây chia rẽ hơn nữa vào tình hình hiệp nhất của Âu Châu về chính trị vốn đã bị tổn hại. Đáng buồn cười là bản Dẫn Nhập này nêu danh yếu tố Hy Lạp và Rôma rồi nhẩy ngay đến ‘những triết gia thời Minh Trí’, bỏ qua không nhắc đến Kitô giáo là yếu tố nếu không có không thể hiểu được Phong Trào Minh Trí. Bỏ qua thực tại về căn tính của Âu Châu, như bản văn cho thấy, một căn tính có Kitô Giáo là một trong những yếu tố nồng cốt của nó, là việc tạo nên một áp đặt về ý hệ và cho thấy cái ý muốn chính trị theo chiều hướng thuần túy trần thế chỉ căn cứ vào yếu tố văn hóa và những liên hệ khả dĩ, mà loại trừ yếu tố tôn giáo ra ngoài”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài Truyền Thanh Vatican, ĐHY Roberto Tucci, một phần tử của ban quản trị đài này, đã nói rằng các phần tử của hội đồng soạn thảo không hiểu được ý nghĩa của bản dự thảo ấy: “Vấn đề không phải là việc gắn bó với Kitô Giáo, mà là việc nhìn nhận sự kiện lịch sử của một thứ ảnh hưởng lớn lao được văn hóa Kitô Giáo tác dụng nơi văn hóa Âu Châu. Yếu tố then chốt nhất của Âu Châu đó là văn hóa Kitô Giáo bị thiếu hụt” nơi Lời Dẫn Nhập. ĐHY còn nhận định thêm là bản thảo này “phát xuất từ một truyền thống trần tục” cũng như từ “một mất mát về việc thực hành đức tin theo đạo giáo” ở Âu Châu. “Điều này không được làm cho người ta quên rằng cả hằng trăm triệu dân Âu Châu đồng hóa mình với các giá trị Kitô giáo, cho dù có thể họ không phải là các tín hữu. Ngoài ra, còn có cả một con số lớn thành phần tín hữu nữa”.

Ông Giorgio Rumi, giáo sư về lịch sử hiện đại ở Đại Học Milan đã cho tờ nhật báo Avvenire rằng “Tôi cảm thấy hết sức nhức nhối với tư cách là một công dân Âu Châu và với tư cách là một sử gia. Tôi nghĩ rằng giữa Nhã Điển, La Mã và Minh Trí, ba thứ được đề cập tới, còn có một cái gì đó quyết liệt ở giữa chúng. Tôi không có ý nói đến những tuyên bố về niềm tin, mà là đến cái danh xưng mà tất cả mọi thế hệ đã sống động và hy vọng. Việc nhắc đến Chúa Kitô chẳng lẽ ngày nay vẫn còn gây sợ hãi thật nhiều vậy hay sao? Yếu tố Kitô giáo là yếu tố then chốt nhất” của Âu Châu.

Bản thảo cho Lời Dẫn Nhập này cũng loại bỏ chi tiết “tin vào Thiên Chúa” được nguyên Thủ Tướng Ái Nhĩ Lan John Bruton là phần tử của hội đồng này đề nghị. Vị nguyên thủ tướng này cho tờ Avvenire biết “đây mới là bản thảo đầu tiên của Lời Dẫn Nhập, mấy tuần tới đây sẽ có một cuộc tranh luận của hội đồng. Bởi thế vẫn còn cơ hội và thời gian để điều chỉnh nó”. Thật vậy, bản thảo về Lời Dẫn Nhập này sau khi được hội đồng tranh luận sẽ trình lên cho các vị lãnh đạo Âu Châu ở cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 20/6/2003 ở Nhã Điển, Hy Lạp. Những vị này sẽ quyết định về bản chung kết.
 

Lời Ngỏ được điều chỉnh của bản hiến pháp Khối Hiệp Nhất Âu Châu vẫn không đề cập tới Kitô giáo; bản thảo của hiến pháp Khối Hiệp Nhất Âu Châu

Lời ngỏ của bản hiến pháp cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu, tuy đã được điều chỉnh và phổ biến hôm Thứ Ba 10/6/2003, nhưng vẫn không đề cập gì tới căn gốc Kitô giáo làm nên văn hóa Âu Châu. Tuy nhiên, chắc muốn để cho công bằng hơn, ở chỗ chẳng lẽ nhắc đến yếu tố này lại bỏ yếu tố kia, bản thảo lời ngỏ này đã không còn đề cập đến văn hóa Hy La cũng như đến các luồng tư tưởng triết lý thời Minh Tri như lần trước nữa. Câu văn được sửa lại như thế này: “nguồn hứng khởi phát xuất từ việc Âu Châu được thừa huởng về văn hóa, tôn giáo và nhân bản là những gì luôn hiện hữu nơi gia sản của nó, đã được thể hiện ra nơi đời sống xã hội cái quan niệm của nó về vai trò trọng yếu của con người cùng với những quyền lợi bất khả vi phạm và bất khả thiếu của con người, cũng như về việc tôn trọng luật pháp”.

Bản thảo lần trước đã bị cộng đồng Kitô giáo nói chung lên tiếng phản đối kịch liệt. Riêng Tòa Thượng Phụ Moscow Chính Thống Giáo Nga Sô, qua một bản tuyên cáo do Phân Bộ Liên Hệ Ngoài Giáo Hội phổ biến hôm Thứ Sáu 6/6/2003, đã cảnh giác “cái sai trái về lịch sử” trong bản thảo lời ngỏ ấy. Bản tuyên cáo này nêu lên nhận định của mình về bản thảo lời ngỏ về việc bản thảo này đã “hoàn toàn bỏ qua giai đoạn lịch sử từ thế kỷ thứ 4 đến 18, giai đoạn Kitô giáo chi phối việc phát triển của các quốc gia Âu Châu. Đường lối được phác họa trong bản thảo này nhắm đến việc tái định hình lịch sử theo các kiểu mẫu ý hệ”. Bản tuyên cáo này trưng dẫn chứng cớ là bản thảo lời ngỏ đã đề cập đến những luồng tư tưởng triết lý của Thời Minh Tri. “Theo ý nghĩ của chúng tôi,những tư tưởng về Thời Minh Tri đã đóng một vai trò quan trọng ở một số quốc gia, thế nhưng chúng không phải là phổ quát và được chấp nhận chung, vì nhiều người không hoàn toàn chung phần vào đấy. Việc qui chiếu những tư tưởng Thời Minh Tri không còn khách quan về ý hệ so với việc đề cập tới một tôn giáo đặc biệt. Thêm vào đó, những công thức lấy nhân loại làm chính được chất chứa trong lời ngỏ cho Bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thể gây nên một thái độ tiêu cực nơi nhiều người Âu Châu có lòng đạo, bao gồm cả các Kitô hữu Chính Thống giáo, đối với những tiến trình hội nhập”. Theo bản tuyên cáo này thì những trào lưu tư tưởng triết học của Thời Minh Tri cũng có thể được nhắc tới “chỉ cùng với việc thừa hưởng Kitô giáo và có lẽ cả việc thừa hưởng các tôn giáo khác hiển nhiên có mặt ở Âu Châu nữa”. Bản tuyên cáo kết luận: “Việc đề cập tới một ‘thứ động lực thiêng liêng’ mơ hồ cũng không giải quyết được vấn đề này”.

Vấn đề chống đối việc đề cập đến tôn giáo trong bản hiến pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu là vấn đề Pháp tỏ ra mạnh tay nhất. Thế mà một người Pháp trần tục đã lên tiếng ngược lại, đó là nhà bình luận chính trị Bernard Guetta của tuần báo L’Express và của Đài Phát Thanh Pháp Nanterre. Bản thảo lời ngỏ được phổ biến ngày 28/5/2003 nói đến “gia sản văn hóa, tôn giáo và nhân bản Âu Châu”, là những gì “đầu tiên được nuôi dưỡng bởi văn hóa Hy La”, và “sau đó bởi những giòng tư tưởng triết lý của Thời Minh Tri”. Ông Guetta nói: “Khi cuộc tranh luận bắt đầu về các cội rễ Kitô giáo ở Âu Châu, tôi lập tức nói rằng Bản Hiến Chương Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu cũng phải đề cập đến di sản trần thế của Thời Minh Tri. Tôi thấy rằng Thời Minh Tri được đề cập đến trong lời ngỏ mà Kitô giáo lại không. Là một con người vô thần cứng lòng, tôi tuyên bố rằng tôi không đồng ý: Đó là một thứ xúc phạm đến trí năng. Không đề cập tới gia sản Kitô giáo của Âu Châu tức là chối bỏ chứng cớ lịch sử”. Ông Jean De Belot, giám đốc tờ nhật báo Le Figaro, đã giải thích là Pháp “bị chi phối bởi tín điều trần tục, một tín điều được coi là một bảo đảm cho nền hòa bình dân sự. Tín điều trần tục này luôn được nêu lên như một bức tường chống lại những người Công giáo. Giờ đây họ nhận thấy rằng chủ nghĩa trần tục chẳng những bị đe dọa bởi Giáo Hội mà còn bởi cả Hồi giáo nữa. Đó là điều thực sự đáng chú ý”. Học giả Pháp Jean-Marie Rouart viết: “Chúng ta không được tiếp tục lợi dụng trần tục thuyết để chống lại Kitô giáo. Việc phân biệt giữa quyền lực trần thế và tôn giáo không làm triệt tiêu lịch sử, tầm quan trọng của truyền thống, tính cách cảm thức. Theo di sản gia truyền của mình, Pháp có những dấu vết tôn giáo đã thấm nhập vào chúng ta quá sức tưởng tượng của chúng ta”.

Thứ Sáu 13/6/2003, bản thảo hiến pháp, sau 16 tháng bàn cãi, đã được hội đồng soạn thảo chấp thuận. Bản thảo này sẽ được trình bày cùng các vị lãnh đạo thuộc Khối Hiệp Nhất Âu Châu trong cuộc Họp Thượng Đỉnh ở Hy Lạp vào tuần tới, cũng như sẽ được 25 quốc gia phần tử mang ra thảo luận đúc kết vào tháng 10/2003. Bản Hiến Pháp này theo dự định sẽ hoàn toàn có hiệu lực vào năm 2009.

Ông Valery Giscard d’Estaing hôm nay, Thứ Sáu 13/6/2003, tại Brussels Bỉ Quốc, đã nói với cuộc họp chung của 105 phần tử thuộc Hội Đồng soạn thảo do ông làm chủ tịch rằng: “Sau khi nghe tất cả mọi bài phát biểu hôm nay… Tôi sẽ nhân danh anh chị em trình lên Hội Đồng Âu Châu ở Thessaloniki việc làm chung của chúng ta như việc làm nền tảng cho bản hiệp ước sau này kiến tạo nên bản hiến pháp Âu Châu”.

Ông còn nói với các phần tử của hội đồng soạn thảo hãy nếu họ càng gắn bó với bản thảo này thì công việc của họ mới càng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy rằng, trong 28 chính quyền có 18, ngay hôm trước, Thứ Năm, 12/6, đã tỏ ý muốn tranh đấu về tầm quan trọng của vấn đề quyền bỏ phiếu đã được ban cho các quốc gia nhỏ không cân xứng với số dân ít oi của họ.

Ngoại trưởng Đức là Joschka Fischer cho biết: “Đối với tôi, bản hiến pháp này là một hiệp ước quan trọng nhất từ ngày thành lập Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu (năm 1957) đến nay”.

Ngoài ra, trong bản thảo hiến pháp này còn có những điểm thay đổi chính yếu như nhiệm kỳ của vị chủ tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu là 5 năm thay vì cứ luân phiên nhau 6 tháng một lần như hiện nay. Bản thảo hiến pháp này cũng đề cập đến một vị ngoại trưởng của khối này và một Ủy Ban Âu Châu 15 phần tử để trở thành một cơ cấu điều hành cả khối. Bản thảo này cũng đơn giản hóa vấn đề lập pháp cùng với những phương thức pháp chế và nới rộng việc quyết định bằng việc bỏ phiếu theo đa số.

Sau cuộc họp Thượng Đỉnh ở Thessaloniki Hy Lạp vào ngày 20-21/6/2003, Hội Đồng soạn thảo này sẽ phải điều chỉnh lại phần hiến pháp về các qui chế của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Vào Tháng Mười Hội Đồng Liên Chính Phủ IGC (Intergovernmental Conference) sẽ quyết định toàn bản văn. Vào ngày 1/5/2004 Khối Hi6ẹp Nhất Âu Châu sẽ có thêm 10 quốc gia hội viên thuộc khối Cộng Sản Đông Âu ngày xưa.

Ông Elmar Brok, một phần tử lâu đời của Quốc Hội Âu Châu đã nói với Reuter rằng: “Với 25 phần tử của mình, Khối Hiệp Nhất Âu Châu sẽ nắm tay nhau trong việc đại diện cho các chiều hướng chung của chúng tôi trên thế giới (bằng việc nắm quyền phủ quyết)”.
 

Các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu chấp thuận bản sơ thảo Hiếp Pháp Âu Châu thế nhưng…

Hôm Thứ Sáu 20/6/2003, tại khu trù mật ven biển Porto Carras Hy Lạp, trong khi bên ngoài cả hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình đến trở thành bạo động thì bên trong là một cuộc họp thượng đỉnh của các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu (gồm 15 quốc gia hội viên và 10 nước ứng viên) về bản sơ thảo Hiến Pháp Âu Châu.

Theo chiều hướng chung thì không nước nào muốn mất chủ quyền trong Khối này cả. Chẳng hạn Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair, người đã thề không bỏ “các thứ quyền làm chủ” của Hiệp Vương Quốc: “Vấn đề quan trọng đặc biệt đối với chúng tôi là minh nhiên nhìn nhận rằng điều chúng tôi muốn là một Âu Châu của các quốc gia chứ không phải là một siêu quốc liên bang”. Ngoại Trưởng Đức Joschka Fischer cho biết bản thảo ấy “đã cân bằng những lợi lộc của cả các quốc gia lớn cũng như nhỏ”. Thủ Tướng Hy Lạp Costas Simitis, chủ sự cuộc họp thượng đỉnh này, đã gọi bản sơ thảo là “một dung hòa giúp công việc có thể thực hiện”.

Nguyên Tổng Thống Pháp là Valery Giscard d’Estaing, chủ tịch hội đồng hiến pháp, đã trình bày cho các nhà lãnh đạo trong khối này bản sơ thảo hiến pháp. Tây Ban Nha, Balan, các Nước Bắc Âu và những nước khác bác bỏ lời ngỏ của bản thảo vì không đề cập đến Thiên Chúa như quyền năng tối hậu hay đến Kitô giáo như yếu tố chủ chốt trong văn hóa Âu Châu hơn 1000 năm. Bản thảo này đề nghị có một vị chủ tịch của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một vị ngoại trưởng và một Ủy Ban Âu Châu hiệu năng hơn, một ban điều hành Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Bản thảo này cũng nhắm đến việc cắt gọn và gia tăng tốc độ thực hiện việc quyết định trong khối sau khi đã thu nhận thêm 10 phần tử nữa vào Tháng Năm 2004. Hiệp Vương Quốc, Tây Ban Nha và các nước khác tìm cách bảo toàn quyền lợi của mỗi quốc gia trong việc phủ quyết các quyết định của khối. Còn Pháp, Đức và Ý thì hỗ trợ bản thảo như đã được phác họa, một văn kiện đã được soạn thảo trong vòng 16 tháng bởi một hội đồng 105 đại diện các cơ cấu, chính phủ và lập pháp Âu Châu. Các quốc gia nhỏ như Lục Xâm Bảo, Các Quốc Gia Bắc Âu và Bồ Đào Nha sợ rằng bản hiến pháp sẽ tăng thêm quyền lực cho các xứ sở rộng lớn, nhất là Đức Quốc.

Ngoài ra, thượng hội này cũng bàn đến cả việc làm sao có thể cải tiến những liên hệ với Hiệp Chủng Quốc đã bị sứt mẻ trầm trọng vì chiến tranh Iraq. Thêm vào đó, về mặt tích cực, cũng cần phải phác họa thành văn một chính sách hợp tác với Hoa Kỳ hơn nữa trong việc đương đầu với những thứ đe dọa nền an ninh thế giới, nhất là ở Trung Đông và Iran. Bản thảo viết: “Khối Hiệp Nhất Âu Châu phải sẵn sàng tham phần trách nhiệm đối với tình hình an ninh toàn cầu”. Bản văn kêu gọi Khối Hiệp Nhất Âu Châu phác họa “những qui chế chủ động hơn” trong việc đối đầu với những vấn đề như nghèo khổ, khủng bố, chứng liệt kháng và các thứ vũ khí đại công phá.
 

Bản Tuyên Cáo của Các Đức Giám Mục Âu Châu về Bản Thảo Hiến Pháp Âu Châu

Hôm Thứ Năm 19/6/2003, Tiểu Ban Điều Hành thuộc Ủy Ban Các Hội Đồng Giám Mục Cộng Đồng Âu Châu (COMECE: Executive Committee of the Commission of the Bishops' Conferences of the European Community) đã phổ biến một Bản Tuyên Cáo từ Brussels Bỉ Quốc nguyên văn như sau:

“Sau rất nhiều nỗ lực và bàn luận, việc Hội Đồng Âu Châu đã tiến tới chỗ đồng ý về Bản Thảo Thỏa Ước thiết lập Hiến Pháp cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc sửa soạn cho Khối Hiệp Nhất cần phải đương đầu với thách đố của việc mở rộng cũng như cần phải cổ võ công ích ở Âu Châu cũng như trên thế giới. Bởi thế chúng tôi phải đón nhận việc đạt thành đáng kể này, tuy nhiên, cũng muốn bày tỏ một số những ưu tư nghiêm trọng liên quan đến một số điểm.

“Chúng tôi tin rằng sự kiện gia sản tôn giáo của Âu Châu rõ ràng tác động như là một trong những nguồn cảm hứng cho Bản Hiến Pháp này là một tiến bộ đáng kể cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Bởi thế, chúng tôi hoan nghênh việc Lời Ngỏ nhìn nhận ‘gia sản về văn hóa, tôn giáo và nhân bản của Âu Châu đã ăn sâu vào đời sống xã hội cái quan niệm của nó về vai trò trọng yếu của con người cùng với những quyền lợi bất khả vi phạm và bất khả cướp đoạt’.

“Bản Hiến Pháp sẽ hình thành nền tảng cho các quyết định sau này về việc lập pháp và qui chế của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Bởi thế thật là thích đáng khi các Quốc Gia Hội Viên khách quan chứng tỏ mình tôn trọng các giá trị được phác họa trong Khoản 2. Chúng tôi chấp nhận sự kiện là những giá trị ấy, giá trị ‘tôn trọng phẩm giá con người, quyền tự do, nền dân chủ, sự bình đẳng, qui tắc lề luật và tôn trọng nhân quyền’, cũng như mục tiêu khách quan của Khối Hiệp Nhất được nêu lên ở Khoản 3, mục tiêu “cổ võ hòa bình, những giá trị và niềm hạnh phúc của các dân chúng mình”, cũng là những gì phản ảnh khoa nhân loại học và học thuyết về xã hội của Kitô giáo.

“Việc phác họa hòa hợp với tính cách cá thể pháp lý của Khối Hiệp Nhất này đã củng cố căn tính của nó như là một cộng đồng của các giá trị và là diễn viên trên khấu trường quốc tế. Theo quan điểm của chúng tôi, thì giờ đây cần phải ký bản Hội Nghị Âu Châu về Các Thứ Nhân Quyền và Các Vấn Đề Tự Do Căn Bản là những gì thể hiện như mốc điểm cho việc bảo vệ nhân quyền ở Âu Châu hơn 50 năm qua.

“Việc ghép đoạn Hiến Chương Các Thứ Quyền Lợi Căn Bản vào phần hai của Bản Hiến Pháp này là một bước quan trọng nữa đối với vấn đề củng cố việc bảo vệ quyền lợi của các người công dân trong Khối Hiệp Nhất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin nêu lên một lần nữa một số phần quan trọng không có trong đoạn Hiến Chương này, nhất là vấn đề liên quan đến việc tạo sinh sao bản phi tính dục, đến hôn nhân và gia đình, cũng như đến quyền tự do tôn giáo (xin xem Những Nhận Định của Văn Phòng COMECE về bản thảo Hiến Chương Các Thứ Nhân Quyền Căn Bản của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, ngày 18/10/2000, ở www.comece.org hay từ Văn Phòng COMECE). Bởi thế, chúng tôi hoan hô việc xác nhận là bản Hiến Chương sẽ được áp dụng chỉ cho những qui chế và những hoạt động của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, và như thế sẽ tôn trọng đặc quyền của các Quốc Gia Phần Tử trong việc lập pháp ở những lãnh vực tế nhị này.

“Bản thảo về Tiết VI của Bản Hiến Pháp về Sinh Hoạt Dân Chủ của Khối Hiệp Nhất cần phải giúp cho các người công dân chủ động hơn nữa trong việc tham dự vào tiến trình dân chủ Âu Châu, bằng việc nhìn nhận chiều kích ngang của vấn đề phụ trợ cũng như chiều kích dọc của nó; tức là, những diễn viên khác nhau trong xã hội dân sự có những đặc tính và khả năng khác nhau, những yếu tố cần phải được chú trọng nơi tiến trình dân chủ. Tính cách phức tạp mỗi ngày một hơn của xã hội tân tiến ngày nay lại càng khiến nhu cầu cần phải có những giải pháp mới mẻ cho việc tham dự dân chủ trở nên khẩn trương hơn.

“Chúng tôi đặc biệt hoan hô bản thảo Khoản 51 là khoản bảo đảm việc tôn trọng vị thế của Các Giáo Hội cũng như của các cộng đồng tôn giáo ở các Quốc Gia Hội Viên căn cứ vào những truyền thống hiến định khác nhau của họ. Việc tạo điều kiện cho vấn đề đối thoại cởi mở, rõ ràng và bình thường sẽ cho thấy các giáo hội và cộng đồng tôn giáo không thuộc thẩm quyền dân sự đóng góp đặc biệt vào việc phục vụ toàn thể xã hội Âu Châu.

“Bản thảo cuối cùng về Lời Ngỏ là một cải tiến của bản dự thảo ban đầu do Tiểu Ban của Hội Đồng biên soạn. Việc bỏ đi những chi tiết về Hy Lạp, Rôma và Thời Minh Trí đã điều chỉnh lại điểm không chính xác về lịch sử liên quan đến vấn đề thiếu vắng Kitô giáo. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, chi tiết bao gồm việc góp phần của Kitô giáo, một góp phần mà nếu thiếu vắng thì Âu Châu đã không được như ngày hôm nay, vẫn là những gì thiết yếu cần phải có. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng chi tiết về ‘những trách nhiệm đối với Trái Đất’ cũng có vấn đề như thể muốn nhân cách hóa Trái Đất. Cũng thế, việc cho rằng Âu Châu như là một ‘miền đặc biệt cho niềm hy vọng của nhân loại’ đòi phải có điều kiện xứng đáng cho thấy đây là một nhân sinh quan lấy Âu Châu làm chính quá đáng. Cùng với nhiều người công dân đồng châu của mình, chúng tôi cũng tiếp tục nghĩ rằng cần phải bao gồm chi tiết về Thiên Chúa trong bản văn hiếp pháp như một yếu tố bảo đảm cho tự do và phẩm giá con người. Chúng tôi nghĩ rằng việc làm này là việc cần thiết và có thể đạt được mà không gây ra vấn đề kỳ thị bất cứ một ai.

“Hội Đồng này đã phát triển thêm về vấn đề bàn luận đến tương lai của Âu Châu. Cần phải hy vọng là việc này cần phải được tiếp tục. Chúng tôi kêu gọi Những Vị Lãnh Đạo Quốc Gia và Chính Quyền cũng như Cuộc Hội Nghị Liên Chính Phủ tới đây hãy làm sao bảo đảm không để cho mai một đi việc tiến bộ đã được Hội Đồng này thực hiện”.

Ghi chú:

Chủ Tịch COMECE là Đức Giám Mục Josef Homeyer of Hildesheim, Đức quốc. Các vị phó chủ tịch là ĐGM Adriana van Luyn ở Rotterdam, Netherlands, và ĐTGM Hippolyte Simon ở Clermont, Pháp. COMECE là một uỷ ban của Các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo thuộc các quốc gia hội viên của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Những Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Hòa Czech Republic, Hungary, Lithuania, Malta, Poland, Slovakia, Slovenia và Switzerland là những phần tử tham dự.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch tài liệu do Zenit phổ biến Thứ Năm 19/6/2003.

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật về “Những Cội Rễ” của một tân Âu Châu

Chúa Nhật XV Thường Niên, 13/7/2003, tại địa điểm nghỉ hè của mình, Castel Gandolfo trên Đồi Anban 25 cây số (15 dặm) phía đông nam Rôma, trong khuôn viên khu vườn ở đó, ĐTC, vị hy sinh 2 năm liền không đến nơi nghỉ hè yêu thích của mình ở vùng Núi Alps, đã ban huấn từ truyền tin Chúa Nhật hằng tuần như ở Vatican về tinh thần của một lục địa Âu Châu đang “mất đi ký ức Kitô giáo đi liền với nỗi lo sợ phải đối diện với tương lai”, một hiện trạng cần phải bắt đầu lại từ Chúa Kitô, những lời hoàn toàn phản ảnh những gì Ngài đã kêu gọi trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu được Ngài ban hành tối 28/6/2003, áp lễ Thánh Phêrô Phaolô Tông Đồ. Sau đây là những lời của Ngài trong bài huấn từ truyền tin và sau đó là nhưnõng lời Ngài viết trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu.

“Trong giây phút lịch sử này, trong giây phút tiến trình quan trọng của vấn đề tái hiệp nhất Âu Châu đang diễn tiến qua việc nới rộng Khối Hiệp Nhất Âu Châu đến các quốc gia khác, Giáo Hội ưu ái nhìn đến lục địa này. Cùng với nhiều thứ sáng sủa cũng có một số những bóng tối. Tình trạng mất đi ký ức Kitô giáo được đi liền với nỗi lo sợ phải đối diện với tương lai. Tình trạng lan tràn khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cùng với việc càng ngày càng suy yếu tình đoàn kết liên cá thể, và tình trạng mất đi niềm hy vọng gây ra bởi nỗ lực muốn làm cho khoa nhân loại học phi Thiên Chúa và Chúa Kitô. Ngược đời thay, cái nôi nhân quyền đang có nguy cơ mất đi nền tảng của mình, một thứ nền tảng đang bị hao mòn bởi trào lưu tương đối và chủ nghĩa thực dụng”.

Tiếp tục bài huấn từ truyền tin Chúa Nhật tuần trước về vấn đề một tân Âu Châu đang mất đi ký ức Kitô giáo, đang mất gốc Kitô giáo, đang phủ nhận căn tính Kitô giáo của mình, ĐTCGPII, sau khi ban hành Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu ngày 28/6/2003, áp lễ Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đã hết sức quan tâm đến Âu Châu. Vì một khi bản Hiến Pháp Âu Châu mất gốc Kitô giáo vừa được Cuộc Họp Thượng Đỉnh Âu Châu cứu xét và nếu không được hoàn chỉnh khi được chính thức hình thành vào Tháng 10/2003 này thì không biết tương lai của Âu Châu sẽ đi về đâu. Bởi thế, cho dù việc Ngài sai sứ giả đến gặp gỡ tổng thống Saddam Hussein và tổng thống Bush vẫn không thể ngăn cản việc xẩy ra chiến tranh Iraq, tiếng lương tâm vẫn không thể nào không nhắc nhở con người, vẫn không thể nào không cảnh giác con người thế nào, ĐTCGPII cũng vẫn tiếp tục kêu gọi ý thức Âu Châu như sau:

Anh Chị Em thân mến!

1. Trên một tháng vừa qua ngươiụi ta đã hêt sức thực hiện việc cứu xét bản tân Hiến Pháp Âu Châu, bản văn cuối cùng sẽ được hội nghị liên chính phủ vào Tháng 10 tới đây chuẩn nhận. Đối với công việc quan trọng liên quan đến tất cả mọi cơ cấu của xã hội Âu Châu này, Giáo Hội cũng cảm thấy nhiệm vụ cần phải đóng góp phần của mình.

Như Tôi đã nhận định trong tông huấn hậu thượng nghị giám mục Âu Châu, trong số các vấn đề thì Giáo Hội muốn nhắc nhở “Âu Châu đã từng được Kitô giáo thấm nhiễm rộng rãi và sâu xa” (số 24). Kitô giáo tạo nên, trong giòng lịch sử phức tạp của Châu Lục này, một yếu tố chính yếu và hình thành là những gì đã dần dần làm cho Âu Châu liên kết lại trên nền tảng của cái gia sản cổ kính ấy, cũng như trên những đóng góp khác nhau bởi những giòng văn hóa chủng tộc qua các thế kỷ.

2. Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo đã hình thành văn hóa Âu Châu, làm cho lịch sử Âu Châu trở thành một toàn khối, và bất chấp tình trạng chia rẽ Đông Tây, Kitô giáo vẫn trở thành “tôn giáo của nhân dân Âu Châu” (ibid). Ảnh hưởng của Kitô giáo vẫn còn nổi nang trong kỷ nguyên tân tiến và đương thời này, cho dù có xẩy ra hiện tượng tục hóa tràn lan và mạnh mẽ.

Giáo Hội biết rằng mối quan tâm của mình về Âu Châu được phát xuất từ chính sứ vụ của mình. Là một kho tàng Phúc Âm, Giáo Hội đã phát động cổ võ những giá trị làm cho văn hóa Âu Châu được thế giới cảm phục. Gia sản này không thể nào bị phá tán. Ngược lại, một thứ tân Âu Châu cần phải được giúp đỡ “để xây dựng bản thân bằng việc tái sinh động những căn gốc Kitô giáo nguyên thủy của mình” (ibid. số 25).

3. Xin Mẹ Maria, Mẹ của Niềm Hy Vọng, hãy trông coi Giáo Hội ở Âu Châu , để Giáo Hội ở Âu Châu càng “phản ảnh Phúc Âm” hơn nữa, càng trở thành một nơi phát triển mối hiệp thông và hiệp nhất, nhờ đó, dung nhan Chúa Kitô hết sức rạng ngời chiếu tỏa hòa bình và niềm vui cho hết mọi dân cư thuộc Lục Địa Âu Châu.

Vai Trò bất khả thay thế của các viện đại học trong việc xây dựng Âu Châu

Sáng Thứ Bảy 19/7/2003, tại ngôi vườn của nhà nghỉ hè của mình, ĐTC đã tiếp 1500 tham dự viên cuộc bàn luận Âu Châu diễn tiến tại Rôma để ghi dấu 700 năm viện đại học cố nhất thành phố này là La Sapienza. Đề tài của cuộc họp bao gồm các vị viện trưởng, giáo sư và sinh viên đại học cùng với các vị linh mục và giám mục từ khắp Âu Châu, đó là “Đại Học Đường và Giáo Hội Ở Âu Châu”.

Đức Giáo Hoàng đã nhận định là mối liên hệ giữa Giáo Hội và các đại học đường “trực tiếp dẫn chúng ta đến tâm điểm của Âu Châu, nơi nền văn minh theo nhau bộc lộ chính mình qua một trong những cơ cấu tiêu biểu nhất của nó. Chúng ta ở trong những thế kỷ 13 và 14, một kỷ nguyên chủ nghĩa nhân bản hình thành như là một tổng luận tốt đẹp giữa kiến thức thần học và triết học cũng như với các khoa học khác. Đây là một tổng luận không thể nào không dính dáng tới Kitô giáo, và vì thế không liên quan tới công cuộc truyền bá phúc âm hóa qua các thế kỷ lâu dài do Giáo Hội thực hiện trong việc gặp gỡ giao tiếp với nhiều thực tại đa diện về chủng tộc và văn hóa ở châu lục này”.

ĐTC nhận định là đại học đường đang đóng một vai trò bất khả thay thế trong việc xây dựng một nền văn hóa hiện tại và tương lai của Âu Châu. Ngài nhấn mạnh rằng đại học đường “là nơi đệ nhất nghiên cứu tìm tòi chân lý”, và mặc dù đại học đường cần phải được hội nhập xứng hợp vào guồng máy xã hội và kinh tế, nó cũng không thể nào làm tôi cho nhu cầu của các lãnh vực này, hay phải trả giá là đánh mất đi bản chất của mình chính là văn hóa vậy”.

Đức Thánh Cha nhắc đến hai cách Giáo Hội góp phần vào các đại học đường: “bằng sự hiện diện của các giáo chức và sinh viên, thành phần biết liên kết khả năng và sức mạnh của khoa học với đời sống thiêng liêng sâu xa”, và “bằng các đại học đường hiện thực cái di sản của các viện đại học cổ kính, những viện đại học được phát sinh từ lòng Giáo Hội ‘ex corde Ecclesiae’”.

Ngài cũng nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của ‘các phòng thí nghiệm văn hóa’…là nơi diễn tiến việc đối thoại xây dựng giữa đức tin và văn hóa, giữa khoa học, triết lý và thần học, và luân thường đạo lý được coi như là một nhu cầu nội tại cần phải nghiên cứu để thực sự phục vụ con người”.

ĐTC Gioan Phaolô II với các bài Huấn Từ Truyền Tin trong Mùa Hè (10/7-24/8/2003) về hiện trạng Âu Châu với căn tính Kitô giáo

Mùa hè năm 2003 này, tại nhà nghỉ ngơi của mình, ĐTC Gioan Phaolô II đã ban các bài huấn từ truyền tin Chúa Nhật liên quan đến căn gốc Kitô giáo ở Âu Châu, một vấn đề Ngài muốn dẫn giải thêm về Tông Huấn “Giáo Hội Tại Âu Châu” là văn kiện mới được Ngài ban bố trước đó ít lâu, 28/6/2003, áp lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

Chúa Nhật 13/7, Ngài đã nói về một hiện trạng Âu Châu cần phải được bắt đầu lại từ Chúa Kitô: “Trong giây phút lịch sử này, trong giây phút tiến trình quan trọng của vấn đề tái hiệp nhất Âu Châu đang diễn tiến qua việc nới rộng Khối Hiệp Nhất Âu Châu đến các quốc gia khác, Giáo Hội ưu ái nhìn đến lục địa này. Cùng với nhiều thứ sáng sủa cũng có một số những bóng tối. Tình trạng mất đi ký ức Kitô giáo được đi liền với nỗi lo sợ phải đối diện với tương lai. Tình trạng lan tràn khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cùng với việc càng ngày càng suy yếu tình đoàn kết liên cá thể, và tình trạng mất đi niềm hy vọng gây ra bởi nỗ lực muốn làm cho khoa nhân loại học phi Thiên Chúa và Chúa Kitô. Ngược đời thay, cái nôi nhân quyền đang có nguy cơ mất đi nền tảng của mình, một thứ nền tảng đang bị hao mòn bởi trào lưu tương đối và chủ nghĩa thực dụng”.

Chúa Nhật 20/7, Ngài đã nói về việc xây dưng một thứ tân Âu Châu Kitô giáo: “Kitô giáo tạo nên, trong giòng lịch sử phức tạp của Châu Lục này, một yếu tố chính yếu và hình thành là những gì đã dần dần làm cho Âu Châu liên kết lại trên nền tảng của cái gia sản cổ kính ấy, cũng như trên những đóng góp khác nhau bởi những giòng văn hóa chủng tộc qua các thế kỷ. Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo đã hình thành văn hóa Âu Châu, làm cho lịch sử Âu Châu trở thành một toàn khối, và bất chấp tình trạng chia rẽ Đông Tây, Kitô giáo vẫn trở thành ‘tôn giáo của nhân dân Âu Châu’ (ibid). Ảnh hưởng của Kitô giáo vẫn còn nổi nang trong kỷ nguyên tân tiến và đương thời này, cho dù có xẩy ra hiện tượng tục hóa tràn lan và mạnh mẽ. Giáo Hội biết rằng mối quan tâm của mình về Âu Châu được phát xuất từ chính sứ vụ của mình. Là một kho tàng Phúc Âm, Giáo Hội đã phát động cổ võ những giá trị làm cho văn hóa Âu Châu được thế giới cảm phục. Gia sản này không thể nào bị phá tán. Ngược lại, một thứ tân Âu Châu cần phải được giúp đỡ ‘để xây dựng bản thân bằng việc tái sinh động những căn gốc Kitô giáo nguyên thủy của mình’ (ibid. số 25)”.

Chúa Nhật 27/7, Ngài đã nói về việc tân truyền bá phúc âm hóa Âu Châu: “Giáo Hội được Chúa Kitô truyền loan báo Phúc Âm cho đến tận cùng trái đất… Các cộng đồng Giáo Hội Âu Châu đặc biệt được kêu gọi để thi hành công việc này. Đúng thế, ở lục địa đây, tất cả mọi tín hữu cần phải biết lấy lại lonụng nhiệt thành loan báo và làm chứng cho Phúc Âm… Mặc dù có một số miền và lãnh vực đang đợi chờ để lãnh nhận việc loán báo Phúc Âm lần đầu tiên, việc loan báo này cũng cần phải được làm mới lại ở khắp nơi nữa. Kiến thức Kitô giáo thường được nhận lãnh một cách nhưng không, song thực tế cho thấy việc đọc hay học hỏi Thánh Kinh lại rất ít, việc học giáo lý không phải bao giờ cũng kỹ lưỡng, và việc lãnh nhận các Phép Bí Tích không thường xuyên. Bởi thế mà đức tin chân chính được thay thế bằng một cảm thức tôn giáo mơ hồ và sơ sài có thể trở thành một thứ bất khả tri hay vô thần thực tiễn. Âu Châu ngày nay cần có mặt của những người Công giáo chín chắn đức tin cũng như cần đến những cộng đồng Kitô hũu truyền giáo có thể làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Việc loan báo được làm mới lại về Chúa Kitô này cần phải được kèm theo bằng một mối hiệp nhất và hiệp thông sâu xa với Giáo Hội, cũng như bằng một cuộc dấn thân và đối thoại đại kết với tin dồ của các tôn giáo khác. Phúc Âm là ánh sáng chiếu soi cả một lãnh vực lớn của sinh hoạt xã hội, bao gồm gia đình, văn hóa, các học đường và đại học đường, giới trẻ, ngành truyền thông đại chúng, thương mại và chính trị…. Chúa Kitô đến gặp gỡ con người ở bất cứ nơi nào họ sống động và hoạt động, để làm cho đời sống của họ có ý nghĩa”.

Chúa Nhật 3/8, Ngài đã nói về việc giữ Ngày Chúa Nhật ở Âu Châu: “Âu Châu là một lục địa, trong hai ngàn năm qua, đã được ghi dấu Kitô giáo hơn bất cứ ở lục địa nào khác. Lời chúc tụng, từ hết mọi miền đất của lục địa này, nơi các đan viện, các vương cung thánh đường và các thánh đường của nó, vẫn không ngớt được dâng lên Chúa Kitô, Vị Chúa của thời gian và lịch sử. Bí Tích Rửa Tội và các Bí Tích khác đã thánh hóa các mùa sống của vô vàn tín hữu. Bí Tích Thánh Thể, nhất là vào Ngày Chúa Nhật, đã nuôi dưỡng đức tin và đức mến của họ; Phụng Vụ Giờ Kinh cùng với nhiều hình thức cầu nguyện phổ thông khác đã đánh dấu nhịp sống thường nhật của họ. Cho dù không thiếu một việc làm nào ở thời đại chúng ta đây thì vẫn không thể thiếu được việc tái dấn thân khi chúng ta phải đương đầu với những thách đố về tình trạng tục hóa, nhờ đó tín hữu mới có thể làm cho cả đời sống của họ trở thành một việc tôn thờ thiêng liêng đích thực làm hài lòng Thiên Chúa (cf. apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 69). Phải đặc biệt chú trọng tới việc bảo toàn giá trị của Ngày Chúa Nhật, ‘Dies Domini’. Ngày này là biểu hiệu trên hết cho tất cả những gì Kitô giáo đã và vẫn còn đại diện cho, ở Âu Châu cũng như ở khắp nơi trên thế giới, đó là việc trường kỳ loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu, việc cử hành Người chiến thắng tội lỗi và sự chết, việc dấn thân để hoàn toàn giải phóng loài người. Việc duy trì ý nghĩa Ngày Chúa Nhật của Kitô giáo là một đóng góp đáng kể cho Âu Châu trong việc bảo tồn một phần thiết yếu của gia sản thiêng liêng và văn hóa riêng biệt của lục địa này”.

Chúa Nhật 10/8, Ngài nói về dịch vụ yêu thương cần thiết ở Âu Châu: “Phục vụ Phúc Âm hy vọng cũng là sứ vụ của Giáo Hội ở Âu Châu. Giáo Hội thi hành sứ vụ này, song song với việc loan báo hy vọng bằng những hoạt động bác ái cụ thể. Đó là những gì đã xẩy ra qua các thế kỷ, ở chỗ nhiệm vụ truyền bá phúc âm hóa được hỗ trợ bằng việc phát triển nhân bản một cách hiệu năng. Khi dấn thân phục vụ bác ái, Giáo Hội đã và đang nuôi dưỡng thứ văn hóa đoàn kết, bằng việc hợp tác tái ban sinh lực cho các giá trị phổ quát của việc nhân loại cùng nhau chung sống (cf. apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 84). Kể cả ngày hôm nay đây cũng cần phải ‘cống hiến lại cho thành phần nghèo khổ niềm hy vọng’, để nhờ việc đón nhận và phục vụ họ là đón nhận và phục vụ chính Chúa Kitô (x Mt 25:40). Về vấn đề này các tín hữu Âu Châu đang phải đương đầu với nhiều thách đố. Ngày nay có nhiều loại người nghèo, trong số đó là thành phần thất nghiệp, bệnh tật, những người già yếu bị cô lập hay bỏ rơi, thành phần vô gia cư, thành phần giới trẻ sáng bên lề xã hội, thành phần di dân và tị nạn. Dịch vụ yêu thương còn có nghĩa là trung thực đặt lại vấn đề sự thật về hôn nhân và gia đình, là giáo dục thành phần giới trẻ, những cặp đính hôn và chính các gia đình trong việc sống và loan truyền ‘Phúc Âm sự sống’, chiến đấu chống lại ‘văn hóa sự chết’. Chỉ khi nào hết mọi người biết cộng tác với nhau mới có thể xây dựng một ‘thành đô xứng đáng cho con người’ ở Âu Châu cũng như trên thế giới, và một trật tự thế giới chân chính và bền vững hơn”.

Chúa Nhật 17/8, Ngài nói đến tính cách mới mẻ nơi một Âu Châu bị khủng hoảng về các giá trị: “Hôm kia là lễ trọng kính Trinh Nữ Maria Mông Triệu, phụng vụ đã kêu gọi chúng ta hãy ngước mắt và trời để chiêm ngưỡng Mẹ Maria ở tân Giêrusalem, Thành Thánh từ Thiên Chúa mà đến (x Rev 21:2). ‘Này Ta canh tân lại hết mọi sự’ (Rev 21:5), Chúa phán. Trong Sách Khải Huyền, Phục Âm hy vọng đã mãnh liệt vang vọng, một thù phúc âm thôi thúc con người lãnh nhận “cái mới mẻ của Thiên Chúa”, một tặng ân cánh chung vượt trên hết mọi khả năng của con người, và là một phúc âm con người có thể thực hiện. “Cái mới mẻ” này sẽ được nên trọn vào ngày cùng tháng tận, thế nhưng nó cũng đang hiện diện ngay trong lịch sử. Thật vậy, cả cho đến lúc này, nhờ Giáo Hội, Thiên Chúa đang canh tân và biến đổi thế giới, và những ý tưởng về hành động của Ngài cũng có thể được nhận thấy ‘nơi hết mọi hình thức của việc loài người sống chung theo tinh thần Phúc Âm’ (apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 107). Lục địa Âu Châu, một lục địa qua hai ngàn năm “đã nghe Phúc Âm Nước Trời được Chúa Giêsu loan báo” (ibid.107), không thể nào không hiểu ‘cái mới mẻ’ này. Đức tin Kitô giáo đã ban cho cái mới mẻ ấy hình thể, và một số những giá trị cốt yếu của cái mới mẻ ấy về sau đã làm nên ‘lý tưởng về dân chủ và các thư ù nhân quyền’ của một thứ Âu Châu tân tiến. Ngoài việc là ‘một nơi về địa dư’, Âu Châu còn là ‘một quan niệm chủ chốt về văn hóa và lịch sử’, có đặc tính là một Lục Địa làm nên bởi lực lượng hiệp nhất Kitô giáo, một lực lượng đã từng là yếu tố căn bản của mối hiệp nhất giữa các dân tộc và văn hóa, cũng như của việc phát triển toàn vẹn con người cùng với các thứ quyền lợi của họ (x ibid. 108). Không thể chối cãi được rằng, trong những thời điểm của chúng ta đây, Âu Châu đang bị khủng hoảng về các thứ giá trị, và nó cần phải phục hồi căn tính của mình. Tiến trình mở rộng của Khối Hiệp Nhất Âu Châu bao gồm các xứ sở khác không thể chỉ liên quan tới các khía cạnh về địa dư và kin h tế, mà còn phải được chuyển dịch thành một hợp đồng mới mẻ của các thứ giá trị thể hiện nơi luật pháp và đời sống (see ibid., No. 110).

Chúa Nhật 24/8, Ngài nói đến vai trò quyết liệt của các cơ cấu ở Âu Châu: “Một lần nữa Tôi lại nghĩ đến tiến trình hiện tại của việc hội nhập Âu Châu, nhất là đến vai trò quyết liệt của các cơ cấu Âu Châu. Trươcùc hết Tôi nghĩ đến Khối Hiệp Nhất Âu Châu là khối dấn thân để tìm kiếm những hình thức mới mẻ của sự cởi mở, giao ngộ và hợp tác nơi các quốc gia phần tử của khối này. Ngoài ra, Tôi nghĩ đến Hội Đồng Âu Châu có trung tâm ở Strasbourg cũng như đến Pháp Viện Âu Châu Về Các Thứ Quyền Lợi Con Người là cơ quan thi hành công việc cao quí kiến tạo nên một Âu Châu tự do, công lý và đoàn kết. Sau hết, Tôi cũng phải nhắc đến Tổ Chức về An Ninh và Hợp Tác ở Âu Châu là tổ chức dấn thân cổ võ lý tưởng tự do cho con người cũng như cho các quốc gia thuộc lục địa này. Cùng với lời cầu nguyện, Tôi theo dõi mức tiến triển trăn trở của bản hiệp ước về hiến pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu này, một bản hiệp ước hiện nay đang được chính quyền thuộc các quốc gia khác nhau tìm hiểu. Tôi tin rằng tất cả những ai đang cống hiến nghị lực của mình vào công việc này luôn được tác động bởi niềm xác tín là ‘một thứ trật tự xứng hợp của xã hội phải được bắt nguồn từ các giá trị đạo lý cũng như dân sự chân chính là những gì được càng nhiều người công dân của xã hội này chấp nhận bao nhiêu có thể’ (Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu, 114). Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo tin tưởng rằng Phúc Âm của Chúa Kitô, một Phúc Âm đã từng là một yếu tố hiệp nhất các dân tộc Âu Châu trong nhiều thế kỷ, tiếp tục là, kể cả ngày hôm nay đây, một nguồn mạch bất tận về linh đạo cũng như huynh đệ. Việc tỏ ra chú trọng đến nguồn mạch này là việc làm ích cho tất cả mọi người, và việc nhìn nhận một cách minh nhiên nơi bản hiệp ước các căn tính Kitô giáo của Âu Châu, đối với châu lục này, sẽ trở thành một thứ bảo đảm chính yếu cho tương lai. Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ Maria Rất Thánh, để, trong việc kiến tạo Âu Châu ngày nay và mai này, nguồn cảm hứng thiêng liêng sẽ không bị lãng quên, một nguồn cảm hứng bất khả thiếu để phục vụ con người một cách chân chính. Nguồn cảm hứng thiêng liêng này tìm thấy nơi Phúc Âm một bảo đảm vững chắc cho tự do, công lý và bình an cho tất cả mọi người, cả thành phần tín hữu lẫn vô tín ngưỡng”.

Chúa Nhật 31/8, Ngài hiến dâng Âu Châu cho Mẹ Maria: "Trong các Chúa Nhật vừa qua, việc suy tư của Tôi nhắm đến Âu Châu và các căn gốc Kitô giáo của châu lục này, khi xem lại bản văn kiện tông huấn hậu Thượng Hội Giám Mục Âu Châu “Giáo Hội Tại Âu Châu”. Bản văn kiện này đã kết thúc ở việc “Hiến Dâng cho Mẹ Maria” tất cả mọi con người nam nữ của châu lục đây, một việc hiến dâng Tôi muốn lập lại ngày hôm nay đây, để Vị Thánh Trinh Nữlàm cho Âu Châu trở thành một bản hợp tấu các quốc gia dấn thân cùng nhau xây dựng một nền văn minh yêu thương và hòa bình. Có vô vàn các đền thờ Thánh Mẫu ở hết mọi xứ sở Âu Châu. Hôm nay Tôi đặc biệt nghĩ đến Đền Đức Mẹ Khóc ở Syracuse, nơi đang cử hành 50 năm Mẹ Maria khóc… Những giọt nước mắt này mầu nhiệm biết bao! Chúng nói lên cho thấy nỗi khổ đau và dịu dàng, đến niềm an ủi và tình thương thần linh. Chúng là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện từ mẫu, và là một lời kêu gọi hoán cải trở về cùng Thiên Chúa, từ bỏ con đường gian ác để trung thành theo Chúa Giêsu Kitô. Hỡi Đức Mẹ Giọt Châu ngọt ngào, chúng con dâng cho Mẹ Giáo Hội và toàn thế giới. Xin Mẹ hãy nhìn đến những ai cần đến ơn tha thứ và sự hòa giải nhất; Mẹ hãy mang hợp hòa đến cho các gia đình và mang bình an đến cho các dân tộc. Xin hãy lau khô nước mắt gây ra bởi hận thù và bạo lực ở nhiều miền đất trên Thế Giới này, nhất là ở Trung Đông và lục địa Phi Châu. Ôi Lạy Mẹ, chớ gì những giọt nước mắt của Mẹ là một bảo chứng cho việc hoán cải và hòa bình cho tất cả mọi con cái của Mẹ! "

Quốc Hội Âu Châu phủ nhận chi tiết liên quan đến các căn gốc “DoThái Kitô giáo” nơi bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu

Tại Strasbourg, Pháp Quốc ngày Thứ Tư 24/9/2003, đại hội đồng Quốc Hội Âu Châu, qua cuộc bỏ phiếu 283 thuận và 211 chống, đã phủ nhận bất cứ chi tiết nào liên quan đến các căn gốc “Do Thái Kitô Giáo” của châu lục này nơi bản thảo Hiến Pháp Âu Châu. Cuộc bỏ phiếu này là bước quan trọng trước khi tiến đến cuộc họp liên chính quyền ở Rôma vào tuần tới, một họp sẽ đi đến chỗ quyết định chấp thuận bản thảo hiến pháp quan trọng liên quan đến tương lai của cả một châu lục Kitô giáo nói chung và của các quốc gia hội viên theo văn hóa Kitô giáo thuộc Khối Hiệp Nhất Âu Châu này nói riêng.

Trước thời gian quyết liệt của cuộc bỏ phiếu này, một cuộc bỏ phiếu cho thấy đường hướng có thể chi phối cuộc họp liên chính quyền trong vấn đề chấp thuận bản thảo hiến pháp này vào tuần tới, đã có nhiều cuộc tranh đấu theo chiều hướng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã lợi dụng tất cả mọi hoàn cảnh, kể cả các cuộc tông du trong một năm qua, nhất là các bài huấn từ truyền tin Chúa Nhật hằng tuần trong thời gian nghỉ hè của Ngài, từ giữa Tháng 7 đến cuối Tháng 8, để nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của căn gốc Kitô giáo nơi từng xứ sở Âu Châu cũng như nơi chung đại lục Âu Châu này.

Trước hết phải kể đến bản dự thảo của EPP (European Popular Party) Đảng Phổ Thông Âu Châu, đã yêu cầu “qui chiếu đặc biệt” đến các căn gốc “Do Thái Kitô giáo” của Âu Châu trong bản thảo hiến pháp, nhưng không có một công thức nào về điều yêu cầu này được phác hoạ. Tiếp đến là bản tu chính của EUN (European Union of Nations) Khối Hiệp Nhất Chư Quốc Âu Châu yêu cầu “việc nhìn nhận một cách rõ ràng cái di sản Kitô giáo đã được ghi dấu nơi lịch sử cũng như nơi căn tính văn hóa của Âu Châu”, nhưng cũng chịu cùng một hậu quả như Đảng EPP. Cho dù Đảng EPP chiếm đa số trong Quốc Hội Âu Châu nó vẫn không chiếm được sự đồng ý chung của đa số. Đảng này được Khối EUN ủng hộ, nhưng ngay trong nội bộ Đảng EPP lại không ủng hộ, thậm chí cả đến thành phần Bảo Thủ của Hiệp Vương Quốc. Thành phần bỏ phiếu chống lại bản thảo thiếu chi tiết liên quan đến các căn gốc Do Thái Kitô Giáo này gồm có Đảng Xã Hội Âu Châu cùng nhiều nhóm thiểu số khác với 30 vị đại biểu độc lập.

Phát ngôn viên của Khối EPP là Katrin Ruhmann lên tiếng thế này: “Chúng tôi đã biết rằng đây là những con số, thế nhưng chúng ta không thể không cảm thấy có trách nhiệm để mạnh mẽ trình bày quan điểm chúng ta hết sức tin tưởng”. Vị chủ tịch của khối này là Hans-Gert Pưttering đã cảm thấy buồn về kết quả của cuộc bỏ phiếu này, nhưng cũng không phủ nhận được rằng trong lời dẫn nhập, bản thảo hiến pháp đã đề cập tới gia sản tôn giáo của châu lục này rồi, cũng như ở Khoản 51 cũng đã nhìn nhận vị trí của các giáo hội và cộng đồng cùng một niềm tin. Phát ngôn viên Ruhrmann nói rằng phán quyết cuối cùng giờ đây ở trong tay các chính phủ của Khối Hiệp Nhất Âu Châu: “Nếu họ muốn, họ vẫn có cơ hội để điều chỉnh bản thảo Hiến Pháp theo chiều hướng mong muốn của chúng ta”.

Hôm Thứ Năm 25/9/2003, vào lúc 6 giờ 30 chiều, ĐTC đã trở về điện Vatican sau hai tháng rưỡi ở nhà nghỉ hè của Ngài tại Castelgandolfo. Cuối tháng Tám, Ngài đã bắt đầu sinh hoạt lại bình thường, nhưng vẫn ở lại nhà nghỉ này của Ngài. Trong lời tạ từ cám ơn các nhân viên an ninh, Ngài đã hứa cầu nguyện cho họ và xin họ cầu nguyện cho Ngài như sau: “Ngoài ra, Tôi xin anh em cầu nguyện cho Tôi cũng như cho việc Tôi phục vụ Giáo Hội hằng ngày. Xin cầu nguyện đặc biệt cho cuộc hành hương của Tôi sắp tới đến Pompeii, để cuộc hành hương này bắt đầu một giai đoạn mới cho việc canh tân sống đạo và thiết tha tôn sùng Thánh Mẫu hơn đối với Giáo Hội”.

ĐTC GPII: Vai Trò Làm Chính Trị và một Tân Âu Châu

Hôm Thứ Sáu 7/11, ĐTC đã tiếp 200 tham dự viên của khóa học hỏi do Tổ Chức Robert Schuman tổ chức, và đã nhắn nhủ họ như sau:

“Là những Kitô hữu tham gia vào sinh hoạt công chúng, anh chị em đã cùng nhau tụ họp lại để suy tư về những khía cạnh đang hiện lên trước mặt Âu Châu”, bao gồm cả việc xây dựng một “tân” Âu Châu, một việc xây dựng “nhắm đến việc tìm một mức độ quân bằng xứng hợp giữa vai trò của Khối Hiệp Nhất Âu Châu với vai trò của các quốc gia hội viên, và giữa những thách đố không thể tránh gây ra bởi vấn đề toàn cầu hóa cho châu lục này với việc tôn trọng những chuyên biệt về lịch sử và văn hóa của nó, với những căn tính quốc gia và tôn giáo nơi dân chúng của nó, và với những đóng góp riêng biệt của mỗi quốc gia phần tử”. Thế nhưng, theo ĐTC, “để thực hiện được điều này, Âu Châu cần phải nhìn nhận và bảo trì gia sản quí giá nhất của mình, làm nên bởi những thứ giá trị phải và tiếp tục bảo đảm tầm ảnh hưởng của nó trong lịch sử văn minh… Nhiều căn gốc văn hóa đã giúp vào việc liên kết các thứ giá trị này, nhưng không thể chối cãi được rằng Kitô giáo đã là một tác lực phát động, hòa giải và đúc kết chúng. Vì lý do ấy mà theo lý bản hiệp ước hiến pháp Âu Châu sau này, một bản văn nhắm đến việc ‘hiệp nhất trong đa diện’, phải đề cập một cách minh nhiên các thứ căn gốc Kitô giáo của châu lục này. Một xã hội quên đi quá khứ của mình là một xã hội đi đến nguy cơ không thể đối đầu với hiện tại, tệ hơn nữa, còn trở nên nạn nhân của tương lai nữa!”

“Vế vấn đề này, Tôi hoan hỉ nhận thấy rằng nhiều người trong anh chị em đến từ các xứ sở đang sửa soạn gia nhập Khối Hiệp Nhất này, những xứ sở Kitô giáo thường có được những trợ giúp quyết liệt trên con đường tiến đến tự do. Theo quan điểm này, anh chị em cũng có thể dễ dàng thấy thật là bất công đối với Âu Châu ngày nay trong việc giấu diếm che đậy đi việc đóng góp then chốt của Kitô hữu trong việc sụp đổ của những chế độ đàn áp cũng như trong việc xây dựng một nền dân chủ chân chính”.

“Những phiền trách thường tỏ ra về sinh hoạt chính trị cũng không biện minh được cho thái độ ngờ vực xa lánh của người Công Giáo, thành phần đáng lẽ có nhiệm vụ phải lãnh nhận trách nhiệm đối với phúc hạnh của xã hội”.

ĐTC GPII với Khóa Hàn Lâm Viện Tòa Thánh Thứ Tám về Ký Ức Lịch Sử Xây Dựng Tương Lai

Vào ngày Thứ Năm 6/11, nhân dịp khóa thứ tám của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh, ĐTC đã gửi một sứ điệp đề ngày 3/11 cho ĐHY Paul Poupard, chủ tịch Hội Đồng Điều Hợp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh. Trong sứ điệp của mình, ĐTC đã viết:

“Đề tài ‘Các Vị Tử Đạo và Những Tượng Đài Tưởng Nhớ Các Vị, Những Tảng Đá Sống Dựng Xây Âu Châu’ đã cho thấy một cái then chốt để hiểu được cái biến chuyển của lịch sử chúng ta đang trải qua ở Âu Châu. Tức là chúng ta cần phải khám phá ra cái liên hệ sâu xa giữa lịch sử của ngày hôm qua và ngày hôm nay, giữa chứng từ phúc âm được thực hiện bởi rất nhiều con người nam nữ ở các thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo cùng với những chứng từ ở thời đại chúng ta đây vẫn được nhiều người tin tưởng vào Chúa Kitô tiếp tục cống hiến cho thế giới để tái xác nhận tính cách tối thượng nơi Phúc Âm Chúa Kitô cũng như nơi Đức Ái của Người. Nếu không còn việc tưởng nhớ các Kitô hữu đã hiến sứ sống mình cho đức tin của các vị thì thế hệ tân tiến với những dự phóng và mơ tưởng của mình sẽ mất đi một yếu tố quí báu, vì các giá trị nhân bản và tôn giáo không còn được hỗ trợ bởi chứng từ cụ thể được biểu hiện nơi lịch sử nữa… Cùng với tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm, Kitô hữu được kêu gọi để xây dựng một ‘ngôi nhà chung’ thực sự, một ngôi nhà không phải chỉ là một lâu đài về chính trị và kinh tế mà còn là một ‘ngôi nhà’ đầy những ký ức, giá trị và những chất chứa linh thiêng. Những giá trị này đã tìm thấy và tiếp tục tìm thấy nơi Thập Giá là biểu hiệu hùng hồn thể hiện chúng và diễn đạt chúng”.

Cuối sứ điệp của mình, ĐTC ủy thác cho ĐHY chủ tịch việc trao giải thưởng hàn lâm của Tòa Thánh năm nay cho nữ sinh Girseppina Cipriano viết đề tài “Những Lăng Tẩm của Cuộc Xuất Hành và Hòa Bình ở Nghĩa Trang El-Bagawat. Những Suy Tư về Nguồn Gốc Kitô Giáo ở Ai Cập”, cũng như trao huy chương cho nữ sinh Sara Tamarri viết đề tài “Hình Ảnh Bức Tranh Con Sư Tử từ Hậu Cổ Thời tới Trung Thời”. ĐTC đã chúc mừng những nữ sinh này về công trình văn học của họ, “những công trình đề cao giá trị của cái gia sản về khảo cổ học, về phụng vụ cũng như về lịch sử, những gia sản mà văn hóa Kitô giáo vẫn nặng nợ và là những gia sản văn hóa Kitô giáo vẫn rút tỉa được những yếu tố về nhân bản chân thực”.

Khối Hiệp Nhất Âu Châu: Thất Bại trong việc bỏ phiếu chấp thuận Bản Hiến Pháp Âu Châu

Đúng như dự định, cuộc họp thượng định của Khối Hiệp Nhất Âu Châu ở Brussels, Bỉ Quốc, đã diễn tiến để phê chuẩn Bản Hiến Pháp Âu Châu áp dụng chung cho các quốc gia hội viên. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh này đã bị ngắc ngứ về vấn đề quyền bầu cử của các quốc gia hội viên được ph1a họa trong bản hiến pháp này. Ngoại trưởng Đức Kpscjla Fischer đá cho đài truyền hình Đức biết hôm Thứ Sáu cùng ngày 12/12/2003 biết rằng: “Chúng tôi vẫn còn xa vấn đề tiến đến một giải pháp; những phân rẽ vẫn còn sâu rộng”.

Chủ trương của hai phe Pháp với Đức và Tây-Ban-Nha với Ba-Lan về những vấn đề khác đã kéo dài cuộc họp hai ngày này sang tới tối Thứ Bảy. Thủ Tướng Ý là Silvio Berlusconi, chủ tọa cuộc họp thượng đỉnh này đã nói với các vị lãnh đạo các quốc gia hội viên rằng vấn đề phải giải quyết cho xong vào sáng Chúa Nhật 14/12/2003. Vị tổng thống này đã phải bỏ cả bữa tối Thứ Sáu để hai bên nói chuyện với nhau hầu tiếp tục cuộc hội nghị vào sáng Thứ Bảy.

Trong một cuộc họp báo, Tổng Thống Pháp Jacques Chirac cho biết chủ trương của Tây Ban Nha và Ba Lan “không hợp với nhãn quan chúng tôi có về một Âu Châu nới rộng”. Ngoại Trưởng Tây Ban Nha Ana Palacio phủ nhận lời phê phán ấy, vì theo bà, Âu Châu “được xây dựng cho hết mọi người, vì th61 mà không một xứ sở nào, dù là nước sáng lập, dù là nước nổi tiếng nhất, dù là nước ít tiếng tăm nhất, hay là nước mới nhất, có thể “cướp lấy lợi lộc Âu Châu”.

Tổng Thống Pháp Chirac, Thủ Tướng Anh Tony và Thủ Tướng Đức Gerhard Schoroeder đã phải họp nhau lại để tìm lối thoát cho cuộc họp thượng đỉnh này, song như vị thủ tướng của Hiệp Vương Quốc là Tony Blair cho báo chí biết là: “Các chủ trương rất ư là xa cách nhau. Vấn đề quan trọng là việc cố gắng để đi đến chỗ thỏa thuận với nhau. Đó là vấn đề khó khó nuốt”.

Bản hiến pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu được phác họa cả năm nay là để tím cách củng cố việc hợp tác về vấn đề phòng vệ, vấn đề chính sách ngoại giao, vấn đề di dân cùng các vấn đề khác để cho khối này một tiếng nói chính trị xứng hợp với quyền lực về kinh tế khi khối này có thêm 10 tân quốc gia hội viên vào ngày 1/5/2004 tới đây.

Trọng tâm của cuộc tranh luận về bản hiến pháp này là vấn đề 4 quốc gia lớn nhất là Đức, Pháp, Hiệp Vương Quốc và Ý, nắm quyền hành bao nhiêu và các vị lãnh đạo của Khối Âu Châu có thể chấp nhận việc hộp nhập tới bao nhiêu.

Tây Ban Nha và Ba Lan là những quốc gia lớn thứ năm và sáu trong Khối Hiệp Nhất Âu Châu nhất quyết đòi cho bằng được quyền bỏ phiếu hầu như gần bằng với 4 đệ nhất quốc gia của Khối này. Đức và Pháp dẫn đầu cuộc chiến để cố thủ những quyền lợi này. Các nước lớn như đệ nhất tứ quốc trên, theo hệ thống phức tạp được đồng ý tại Nice Pháp quốc cách đây 3 năm, có 29 phiếu mỗi nước, còn các nước nhỏ như hai nước trên đây chỉ có 27 phiếu thôi, nếu cần phải bỏ phiếu quyết định hay bầu bán. Trong khi đó, Hiệp Vương Quốc chiến đấu với Lục Xâm Bảo trong việc ngăn cản nước này quyết định về những quyền lợi liên quan đến những vấn đề từ ngoại giao tới thuế má.

Tất cả 25 quốc gia đều phải chấp thuận bản hiến pháp thì nó mới có công hiệu. Song các vị lãnh đạo cảnh giác là họ thà rút lui còn hơn chấp nhận một bản hiến pháp như thế. Trong một bản thăm dò mới nhất thì có tới 50% dân chúng Âu Châu cho rằng Khối Âu Châu không phải là điều hay.

Hôm Thứ Bảy, Hiệp Vương Quốc tỏ ra hỗ trợ vấn đề quyền hạn bỏ phiếu theo chủ trương của Tây Ban Nha và Ba Lan và chống lại chủ trương của Pháp và Đức là chủ trương tạo nên một hệ thống “đa số kép”. Thủ Tướng Ý nêu lên một số dung hòa nhưng đôi bên vẫn không chịu nhượng bộ. Sau cuộc hội nghị thượng đỉnh này nước Ái Nhĩ Lan, với thủ tướng Bertie Ahern, sẽ giữ vai trò chủ tịch từ ngày 1/1/2004.

Vấn đề tôn giáo cũng được đề cập đến trong cuộc hội nghị thượng đỉnh này. Các quốc gia mạnh về Công Giáo như Tây Ban Nha và Malta thúc giục hãy đề cập tới Kitô giáo nơi lời dẫn nhập của bản hiến pháp là những gì hiện nay chỉ nói trống thế này: “Rút tỉa nguồn cảm hứng từ gia sản văn hóa, tôn giáo và nhân bản của Âu Châu…”. Pháp và các quốc gia khác loại bỏ ý tưởng này, nhất là vì Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo có thể trở thành một phần tử của khối này vào lúc nào đó trong tương lai.

Ông Giorgio Salina, phó chủ tịch ở Ý thuộc Hội Đồng Kitô Hữu Âu Châu đã nhận định về việc thất bại của hội nghị thượng đỉnh của Khối Hiệp Nhất Âu Châu trên đây như sau: “Việc thiết đồng ý với nhau về Bản Hiến Pháp Âu Châu nói lên cho thấy cái thất bại của một ý hệ muốn kiến thiết một Âu Châu bằng cách loại bỏ các căn gốc của Kitô giáo mà chỉ tin tưởng vào những thứ tính toán về chính trị mà thôi”.

Nhóm Kitô Hữu này đề nghị trở lại với hoạch định của các vị lãnh đạo đã khởi đầu tiến trình hiệp nhất Âu Châu sau Thế Chiến II, đó là Konrad Adenauer, Robert Schuman và Alcide De Gasperi, tất cả đều là các chính trị gia Kitô giáo, để làm cho Bản Hiến Pháp Âu Châu có “những giá trị chung” và “những qui luật của việc chung sống tôn trọng cái bình đẳng và phẩm giá hợp lý của tất cả mọi phần tử của mình”.