Bản Hiến Pháp Âu Châu với Căn Tính Kitô Giáo

Những Biến Chuyển trong Năm

2004

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Tổng hợp và chuyển dịch)

 

 

ĐTC GPII và Tòa Thánh với Bản Hiến Pháp Âu Châu mất gốc Kitô Giáo

Chúa Nhật, 31/10/2004, trước khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC đã ban huấn từ như sau:

1.     Hôm Thứ Sáu 29/10/2004, Bản Hiệp Định Về Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu đã được ký kết ở Capitol tại Rôma đây. Đó là một giây phút hết sức quan trọng trong việc xây dựng một “Tân Âu Châu”, một châu lục chúng ta tiếp tục đặt niềm tin tưởng. Nó là một giai đoạn gần nhất của một con đường vẫn còn xa xôi và hình như vẫn còn gay go hơn bao giờ hết.

2.     Tòa Thánh bao giờ cũng ủng hộ việc phát động một Âu Châu hiệp nhất trên căn bản của những giá trị chung là những gì thuộc về lịch sử của nó. Việc nhìn nhận các căn gốc Kitô giáo của Châu Lục này có nghĩa là thực hiện việc sử dụng một gia sản thiêng liêng của nó là những gì vẫn còn thiết yếu cho việc phát triển mai hậu của Khối Hiệp Nhất ấy.

Bởi thế, Tôi cũng hy vọng rằng trong những tháng năm tới đây, Kitô hữu sẽ tiếp tục góp phần vào tất cả những phạm vi của các cơ cấu Âu Châu, để men phúc âm trở thành những gì bảo toàn hòa bình cũng như cho việc hợp tác giữa tất cả mọi người công dân cùng dấn thân phục vụ công ích.

3.     Bằng nguyện cầu, chúng ta giờ đây xin trao phó cho Mẹ Maria, Nữ Vương Âu Châu, tất cả mọi dân tộc của Châu Lục này.

Hôm Thứ Bảy, 30/10/2004, tức sau ngày 25 quốc gia hội viên thuộc Khối Hiệp Nhất Âu Châu ký kết vào Bản Hiệp Định Hiến Pháp Âu Châu ở Rôma, ĐTC đã gặp Thủ Tướng Balan Marek Belka, một kinh tế gia và nguyên bộ trưởng kinh tế trước khi được bổ nhiệm chức vụ thủ tướng hôm 24/6/2004, ở Vatican và đã bày tỏ nhận định của mình về nỗ lực của Balan trong việc bảo trì căn gốc Kitô giáo nơi bản hiến pháp này.

“Với tư cách là Giáo Hoàng, Tôi xin cám ơn các chính quyền và Quốc Hội Balan về việc họ hiểu được cái thách đố và đã chấp nhận đương đầu với thách đố ấy”.

ĐTC GPII đã cám ơn riêng vị thủ tướng này về những lời ông đã viết trong một bức thư gửi ĐTC: “Chính quyền Balan sẽ làm mọi sự có thể để bản Hiến Pháp mới của Khối Hiệp Nhất Âu Châu được hiểu theo tinh thần của các giá trị Âu Châu, những giá trị lấy căn bản là quan niệm Kitô Giáo về con người, cũng như về chính trị như là một việc phục vụ cho chính con người cũng như cho toàn thể cộng đồng Hiệp Nhất Âu Châu này”.

Trong lời ngỏ của mình với vị thủ tướng Balan, ĐTC cho biết cá nhân Ngài cùng với Tòa Thánh ủng hộ tiến trình hiệp nhất ấy, hầu “Âu Châu có thể hoàn toàn thở hít bằng hai buồng phổi: bằng tinh thần Tây Phương và Đông Phương”.

Tôi tin tưởng rằng, bất chấp sự kiện là Bản Hiến Pháp Âu Châu thiếu qui chiếu một cách minh nhiên về các căn gốc Kitô Giáo nơi văn hóa của tất cả mọi quốc gia làm nên Cộng Đồng này, thì những giá trị trường tồn được dẫn giải cẩn thận từ nguồn mạch Phúc Âm bởi những người đi trước chúng ta sẽ tiếp tục tác động những nỗ lực của những ai mang trách nhiệm hình thành dung nhan của châu lục này.

“Tôi hy vọng là cơ cấu này, một cơ cấu tự bản chất là một cộng đồng của các quốc gia tự do, chẳng những thực hiện những gì có thể để đừng làm cho họ bị hụt hang cái gia sản thiêng liêng của họ, trái lại, còn canh giữ nó như là nền tảng của mối hiệp nhất của nó.

Không thể xây dựng một mối hiệp nhất bền bỉ bằng việc phân ly các xứ sở của Âu Châu ra khỏi những căn gốc làm cho họ tăng trưởng, cũng như ra khỏi cái phong phú dồi dào của nền văn hóa tâm linh ở những thế kỷ đã qua. Sẽ không thể nào có được một sự hiệp nhất ở Âu Châu cho đến khi sự hiệp nhất này được xây dựng trên sự hiệp nhất về tinh thần”.

Đó là thái độ và chủ trương của ĐTC GPII trước biến cố Bản Hiến Pháp Âu Châu được ký kết không minh nhiên nói đến các căn gốc Kitô Giáo là những gì thực sự đã làm nên văn hóa Âu Châu nơi tất cả các nước của Châu Lục này.

ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư của Tòa Thánh đặc trách liên hệ với các quốc gia, trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo La Stampa hôm Thứ Sáu, 29/10/2004, tức vào chính ngày 25 quốc gia hội viên chính thức ký kết vào bản hiến pháp này ở Rôma, đã cho biết cảm tưởng của mình như sau:

“Việc đề cập tới các căn gốc của Kitô Giáo của Âu Châu trong lời mở đầu Bản Hiệp Định Hiến Pháp là những gì đã được nhiều Kitô hữu ở châu lục này, như Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành, hết sức mong muốn.

“Việc này không tác hại, như một số người lo sợ, đến tính cách trần thế, một tính cách trần thế lành mạnh (!) thuộc cơ cấu chính trị. Trái lại, nó là một việc cần thiết để làm sống động cái ý thức về căn tính lịch sử thực sự của Âu Châu cũng như về các giá trị của châu lục này là những gì vẫn không bao giờ có thể bỏ đi được”.

Tờ nhật báo Turin cũng phổ biến những lời của vị TGM này như sau:

Nếu một tân ‘Âu Châu cổ’ muốn thi hành, trong lịch sử vào những năm tới đây, một vai trò xứng với quá khứ của mình, thì nó không thể vui vẻ với những thứ hồi niệm mơ hồ, mà là phải ý thức về những gì đặc biệt đã ghi dấu vết tướng mạo thiêng liêng của nó.

“Người ta lấy làm ngỡ ngàng trước cái thiển cận về văn hóa, hơn là thành kiến chống Kitô Giáo, một thành kiến không có gì là lạ, vì khi nói ‘những căn gốc Kitô Giáo’ không có nghĩa là vấn đề hạn chế ý hệ, mà là vấn đề tưởng nhớ đến cái men được dậy lên trong lịch sử Âu Châu, và từ Âu Châu lan tràn khắp thế giới.

(Việc gợi lại) cuộc cách mạng lớn nhất về tinh thần mà nhân loại đã biết tới, không có nghĩa là hy vọng trở về với những thời điểm đã qua, mà là hy vọng hướng về một tân chủ nghĩa nhân bản là những gì sẽ không mất đi sức mạnh của mình bởi khuynh hướng tương đối hay bị triệt sản bởi kỹ thuật… một tân chủ nghĩa nhân bản vốn tôn trọng và cởi mở với các thứ văn hóa khác, nhất là hướng về một hình thức văn minh mới mẻ và cao qúi hơn”.

Cũng trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo ở Turin là La Stampa, ĐTGM Giovanni Lajolo, vị bí thư của Tòa Thánh Vatican đặc trách liên hệ với các quốc gia, đã làm sáng tỏ vấn đề là: “trong trường hợp tham gia này, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải đáp ứng tất cả mọi qui chuẩn về chính trị được nêu lên ở Thượng Nghị Copenhagen hồi Tháng 12/2002”.

Những qui chuẩn ấy bao gồm việc hoàn toàn bảo đảm các thứ nhân quyền cũng như toàn quyền tự do tôn giáo của cá nhân cũng như của đoàn thể, những gì “được phát xuất từ phẩm vị của con người”.

Vị TGM này cũng đã phân tích tình hình tự do tôn giáo ở quốc gia này, và nhấn mạnh rằng “quyền tự do tôn giáo chẳng những cần phải được bảo toàn trên bình diện Hiến Pháp, lập pháp và hành pháp, mà còn cần phải được bảo vệ một cách hiệu lực ở những khía cạnh cụ thể trong đời sống xã hội nữa”.

Thành phần chống lại việc nước Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Ả Rập Hồi Giáo duy nhất ở Âu Châu, gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, thường nghĩ rằng quyết định như vậy có thể làm suy yếu tính cách hiệp nhất về văn hóa của Châu Lục này. Còn thành phần ủng hộ thì lại tin tưởng rằng đó là việc cống hiến cho thế giới Hồi Giáo một tấm gương về vấn đề hội nhập vào thế giới Tây Phương.

Vị TGM này cho biết những lập luận ấy chứng tỏ là “những gì đang gặp nguy hiểm ở đây đó là cái thích đáng của siêu việt tính, do đó mới rất dễ hiểu là có một số chính phủ Âu Châu muốn quyết định của mình được ủng hộ bởi một cuộc trưng cầu dân ý.

“Dù sao Tòa Thánh cũng không lo sợ vấn đề nới rộng Âu Châu: Đức Gioan Phaolô II đã nói ở một số lần về một Âu Châu hiệp nhất từ Đại Tây Dương đến Urals. Vấn đề quan trọng là Tân Âu Châu này phải có một sự gắn bó sâu xa nội tại”.

ĐTGM còn thêm: “Cần phải chú ý hơn nữa đến các quốc gia đang là ứng viên, chẳng hạn như Romania, Bulgaria, Croatia cũng như Ukraine, Moldova, Georgia và Armenia, những xứ sở có một nền văn hóa cổ kính và cao cả. Và danh sách có thể được tiếp tục với các quốc gia khác ở vùng Balkans, như Serbia và Montenegro, Macedonia và Albania, những quốc gia Âu Châu không thể thiếu và là những quốc gia Tòa Thánh cảm thấy rất thân thương”.

 

 

ĐTC GPII với Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu: về vai trò quyết liệt của Kitô Giáo trong việc hình thành Âu Châu


Hôm Thứ Năm 28/10/2004, khi gặp ông Romano Prodi, vị chủ tịch sắp mãn nhiệm của Ủy Ban Âu Châu, ĐTC GPII đã cho biết, mặc dù Bản Hiến Pháp Âu Châu không nhìn nhận Kitô Giáo, nhưng vẫn đã đóng vai trò quyết liệt trong việc hình thành châu lục này. Cuộc gặp gỡ này đã xẩy ra vào ngay trước ngày 25 đại diện thuộc các quốc gia phần tử của Khối Hiệp Nhất Âu Châu ký nhận bản Hiệp Định Hiến Pháp. ĐTC đã nói với vị chủ tịch này rằng:


“Địa điểm được chọn để ký nhận này, nguyên địa điểm đã xuất phát ra Cộng Đồng Âu Châu năm 1957, có một giá trị biểu hiệu rõ ràng. Bất cứ ai nói về Rôma là nói về cái rạng ngời của những thứ giá trị phổ quát về pháp lý và thiêng liêng.


“Tòa Thánh ủng hộ việc hình thành Khối Hiệp Nhất Âu Châu trước khi nó được cấu tạo theo pháp lý, và đã hết sức quan tâm theo dõi những giai đoạn liên tục của nó. Tòa Thánh luôn cảm thấy nhu cầu cần phải công khai bày tỏ những niềm trông mong chính đáng của một phần lớn công dân Kitô Giáo ở Âu Châu, thành phần đã yêu cầu Tòa Thánh làm điều ấy.


“Đó là lý do tại sao Tòa Thánh đã nhắc nhở tất cả mọi người rằng Kitô Giáo, qua những thể hiện khác nhau của mình, đã góp phần vào việc hình thành một lương tâm chung cho các dân tộc Âu Châu cũng như đã giúp rất nhiều vào việc cấu tạo nên các thứ văn minh của châu lục này. Dù Kitô Giáo có được nhìn nhận nơi những văn kiện chính thức hay chăng, đó vẫn là một sự kiện bất khả chối cãi không một sử gia nào có thể gạt bỏ”.


Cuộc gặp gỡ này diễn ra cách thân tình, vì ĐGH đã quen biết vị chủ tịch sống đời sống Công giáo này. Khi vị chủ tịch hỏi: “Tâu Đức Thánh Cha, Ngài có khỏe không?”, ĐTC đã trả lời bằng cử chỉ âu yếm đặt tay lên vai vị chủ tịch: “Khỏe lắm”. Vị chủ tịch đã bắt đầu cuộc gặp gỡ 10 phút này bằng câu: “Tôi đã đến lúc kết thúc sứ vụ của mình rồi”.


Phần thứ hai của cuộc triều kiến này kéo dài 10 phút nữa, bao gồm cả họ hàng và cộng sự viên của ông. ĐTC đã vỗ vỗ vào hai đứa cháu gái của ông. Ngài chúc mừng ông đã hoàn taât nhiệm vụ và bày tỏ niềm hy vọng những khó khăn đang xẩy ra cho ủy ban này được giải quyết tốt đẹp. Bởi vì, vị chủ tịch được bổ nhiệm nhưng chưa nhậm chức là Durao Barroso người Bồ Đào Nha đã phải rút lại nhóm dự trù của ông, trước hết là vì một lệnh ban của quốc hội đã loại bỏ ông Rocco Buttiglione là ủy viên được bổ nhiệm đặc trách về Công Lý và Nội Vụ, bởi vị ủy viên Công Giáo này bày tỏ chủ trương của mình về những vấn đề đồng tính luyến ái và gia đình.


ĐTC nói: “Chớ gì Khối Hiệp Nhất Âu Châu luôn tỏ ra cái hay nhất nơi các đại truyền thống của những quốc gia phần tử, chủ động hoạt động nơi lãnh vực quốc tế cho hòa bình giữa các dân tộc, và góp phần rộng rãi cứu trợ việc phát triển của các dân tộc cần thiết nhất ở các châu lục khác”.


Ông Prodi đã tặng ĐTC một cuốn sách có những hình ảnh Âu Châu được chụp từ trên cao, cũng như một bản sao chụp châu lục này cũng từ trên cao. Ông nói: “Tôi đã tự do viết lời đề tặng Ngài là vị đã tỏ cho chúng tôi Âu Châu từ trên cao”.

 

 

Tòa Thánh chính thức bày tỏ quan tâm về Bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu


Trong lời từ biệt ngỏ cùng đồng hương Balan của mình sau khi nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật XII Thường Niên 20/6/2004, ĐTC GPII đã công khai bày tỏ nỗi bất đồng của Ngài về Bản Hiến Pháp Âu Châu là văn kiện được các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu ủng hộ hôm Thứ Sáu 18/4/2004 vừa rồi. Ngài nói: “Chúng ta không thể nào bị tổn hại đến căn gốc của chúng ta”.

 

Sở dĩ Ngài nói điều này với đồng hương Balan của Ngài như thế là vì chính phủ Balan, một quốc gia mới chính thức trở thành hội viên của khối Hiệp Nhất Âu Châu cùng với 9 nước khác vào ngày 1/5/2004, đã nỗ lực vận động đưa Kitô Giáo vào bản hiến pháp đang được tranh luận trước khi chấp thuận ấy. “Tôi cám ơn Balan, trong diễn đàn Âu Châu, đã trung thành bênh vực các cội nguồn Kitô giáo của châu lục chúng ta là những gì hình thành văn hóa và phát triển nền văn minh của thời đại chúng ta”.


Hôm Thứ Bảy 19/6/2004, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Joaquín Navarro Valls đã phổ biến một bản tuyên báo về chủ trương của Tòa Thánh đối với quyết định của các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu hôm Thứ Sáu 18/6/2004 ở Brussels thiên về bản hiến pháp có vẻ phi Kitô Giáo đã được từng tranh cãi giằng co lâu dài. Tuy nhiên, bản hiến pháp quan trọng này còn được dân chúng của 25 quốc gia trong Khối Âu Châu chấp nhận nữa. Sau đây là nguyên văn bản tuyên cáo của Tòa Thánh Rôma.


“Tin tức truyền thông cho biết về việc các vị lãnh đạo quốc gia và chính quyền của 25 nước hội viên đồng ý chấp thuận Bản Hiệp Định Hiến Pháp Âu Châu.


“Tòa Thánh lấy làm hài lòng về giai đoạn mới mẻ và quan trọng này trong tiến trình hiệp nhất Âu Châu là những gì luôn được vị Giáo Hoàng Rôma ủng hộ và khuyến khích. Một lý do Tòa Thánh cảm thấy hài lòng nữa đó là việc đem vào bản hiệp định này cách thức bảo trì vị thế của các niềm tin đạo giáo nơi các quốc gia phần tử, và khuyến giục khối Hiệp Nhất này bảo tồn việc đối thoại cởi mở, minh tường và thường xuyên với những niềm tin này, bằng cách nhìn nhận căn tính cũng như việc đóng góp đặc biệt của họ.


“Tòa Thánh không thể không cảm thấy buồn về việc có một số chính quyền phản đối vấn đề minh nhiên nhìn nhận các căn gốc Kitô Giáo của Âu Châu. Nó là vấn đề gạt bỏ đi chứng cớ lịch sử và căn tính Kitô Giáo của các dân tộc Âu Châu.


“Tòa Thánh chân thành tri ân cảm mến những chính phủ, với nhận thức về quá khứ và chân trời lịch sử đang hình thành một thứ Tân Âu Châu, đã hoạt động để bày tỏ một cách cụ thể việc Tân Âu Châu cần phải nhìn nhận cái gia sản tôn giáo của mình.


“Cũng không thể nào không đề cập tới việc nỗ lực dấn thân của các thực thể khác nhau để làm cho gia sản Kitô Giáo được đề cập tới trong bản hiệp định này, bằng cách phấn khích các vị lãnh đạo chính trị, các người công dân và dư luận quần chúng suy nghĩ về một vấn đề không phải là phụ thuộc thứ yếu trong môi trường quốc gia, Âu Châu và thế giới hiện nay”.

 

Cần phải giải quyết vấn đề Bản Hiến Pháp Âu Châu?

Theo tin tức của Agence France-Presse thì Khối Hiệp Nhất Âu Châu vào đầu tháng 5/2004 mới được nới rộng thêm, với việc gia nhập của 10 quốc gia tân hội viên. Tuy nhiên, một số các quốc gia mới này, đã cùng với các quốc gia hội viên cũ, theo Bộ Ngoại Giao Balan ở Warsaw cho biết, hợp lại thành 7 nước đã gửi một văn bản lên hội đồng chủ tịch mới đến phiên của Khối này là Ái Nhĩ Lan, để yêu cầu đề cập đến nguồn gốc Kitô giáo nơi bản hiến pháp Âu Châu.

Bảy quốc gia này là Balan, Ý, Lithuania, Malta, Bồ Đào Nha, Công Hòa Tiệp Khắc và Slovakia. Trong bản văn này các quốc gia đệ nạp bản văn kiện này còn cho biết danh sách của họ chưa phải là danh sách tổng kết, vì họ hy vọng sẽ có thêm một số quốc gia nữa tham gia chiến dịch của họ. Bản văn minh định như sau:

“Những chính quyền của các quốc gia này coi việc nhìn nhận truyền thống Kitô giáo nơi Lời Mở Đầu là một vấn đề ưu tiên”.

Điều yêu cầu này họ đề nghị được đem ra giải quyết “vào cuộc họp tới đây của hội nghi liên chính phủ”.

Quyền chủ tịch đã triệu tập phiên họp quản trị vào Thứ Hai 24/5/2004 để giải quyết các chống đối liên quan đến bản hiến pháp vẫn không sao hoàn tất này được. Trong khi đó 25 quốc gia hội viên muôn điúc kết việc bàn đến bản hiến pháp này trong tháng tới, ở cuộc họp thượng đỉnh ngày 17-18/6/2004 ở Brussels.

 

Huấn Từ Truyền Tin kêu gọi hãy tái nhận thức căn rễ Kitô giáo Âu Châu

Tại Quảng Trường Thánh Phêrô Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, trước 20 ngàn người tham dự buổi Nguyện Kinh Truyền Tin, ngày 10 quốc gia đã được gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu hôm qua, 1/5/2004, ĐTC đã kêu gọi các quốc gia hội viên của khối này hãy tái nhận thức cội nguồn Kitô giáo của mình.

1.     Những ngày này đây, Âu Châu đang trải qua một giai đoạn quan trọng theo giòng lịch sử của mình, đó là việc có thêm 10 quốc gia mới gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu. 10 quốc gia, những quốc gia theo văn hóa và truyền thống đã cảm thấy mình là thành phần của Âu Châu, giờ đây trở thành một phần tử của khối hiệp nhất các quốc gia này.

Nếu mối hiệp nhất của các dân tộc Âu Châu đang được tồn tại đây thì không phải chỉ là một mối hiệp nhất về kinh tế và chính trị. Như Tôi đã nhắc nhở trong cuộc tông du của Tôi ở Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) vào Tháng 11/1982, thì hồn sống của Âu Châu tiếp tục được hiệp nhất ngày nay là vị nó qui chiếu về cùng các giá trị nhân bản và Ktô giáo. Lịch sử của việc hình thành các quốc gia Âu Châu đã được phát triển theo nhịp điệu truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế, bất chấp những cuộc khủng hoảng đánh dấu đời sống của châu lục này cho tới ngày nay, căn tính của nó vẫn không thể nào hiểu được nếu thiếu Kitô giáo.

2.     Chính vì lý do này mà Giáo Hội đã muốn đóng góp rất nhiều trong những năm gần đây vào việc củng cố mối hiệp nhất về văn hóa và thiêng liêng của lục địa này, nhất là bằng Những Thượng Hội Giám Mục Đặc Biệt, vào những năm 1990 và 1999. Nhựa sống Phúc Âm là những gì có thể bảo đảm cho Âu Châu một nền phát triển hợp với căn tính của nó, trong tự do và đoàn kết, trong công lý và hòa bình. Chỉ khi nào Âu Châu không loại bỏ những tái nhận thức được các cội nguồn Kitô giáo của mình mới có thể đương đầu với những thách đố lớn lao của ngàn năm thứ ba: những thử thách về hòa bình, về việc đối thoại gữa các nền văn hóa và tôn giáo, về việc bảo tồn thiên nhiên tạo vật.

Trong việc làm quan trọng này, tất cả mọi tín hữu trong Chúa Kitô thuộc Tây Âu cũng như Đông Âu, đều được kêu gọi chung tay góp phần xây dựng bằng việc hợp tác cởi mở và chân thành.

3.     Trong niềm hân hoan chào mừng các quốc gia trong những ngày này được tiếp nhận vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Tôi nghĩ tới nhiều đền thánh qua các thế kỷ đã bảo trì nơi từng đền thánh này lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta tin tưởng hiến dâng hiện tại và tương lai của Châu Lục này cho Vị Trinh Nữ Mẹ niềm hy vọng cũng như cho các vị thánh nam nữ được chúng ta tôn kính như những vị quan thày của Âu Châu.
 

ĐTC GPII với vị tân lãnh sự Ý về căn tính Kitô giáo của Âu Châu

Thứ Sáu 8/1/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Ý Giuseppe Balboni Acqua, Ngài đã nhắc lại mối liên hệ giữa Nước Ý và Tòa Thánh Vatican, rồi khuyên giục nước này hãy trung thành với căn tính Kitô giáo của mình, chẳng những nơi lãnh vực chính trị liên quan tới bản hiến pháp chung Âu Châu mà còn nơi lãnh vực hôn nhân gia đình nữa.

“Mối liên hệ cả hai ngàn năm đã gắn bó Tòa Thánh Phêrô với dân cư của hải đảo này này, một dân cư có một gia sản phong phú có những giá trị Kitô giáo làm nên một nguồn hứng khởi và căn tính vững mạnh. Hòa Ước Ngày 18/2/1984 xác định là Nước Cộng Hòa Ý Đại Lợi ‘nhìn nhận giá trị của văn hóa tôn giáo’, khi nhắc nhớ là ‘những nguyên tắc của Công Giáo làm nên gia sản lịch sử của nhân dân Ý’

“Bởi thế, Nước Ý đóng một vai trò hoạt động đặc biệt để Âu Châu, qua các thẩm quyền hữu trách, biết nhìn nhận các gốc tích Kitô giáo của mình, là những gì chắc chắn bảo đảm cho những người công dân của Đại Lục này một căn tính không hời hợt mau qua hay chỉ chiều theo những lợi lộc về chính trị và kinh tế, mà là trên những giá trị sâu xa và trường tồn. Những nền tảng cùng với những lý tưởng về đạo lý làm căn bản cho những nỗ lực của mối hiệp nhất Âu Châu ngày nay cần thiết hơn bao giờ hết, nếu người ta muốn cống hiến cho văn bản tổ chức của Khối Hiệp Nhất Âu Châu một cái gì gọi là vững chắc.

“Tôi muốn xin chính quyền cùng với tất cả mọi vị đại diện về lãnh vực chính trị Ý quốc hãy theo đuổi những nỗ lực đã được thực hiện cho tới nay về lãnh vực này. Chớ gì Ý quốc tiếp tục nhắc nhở cho các quốc gia chị em của mình về thứ gia sản tôn giáo, văn hóa và dân sư đặc biệt là những gì đã làm cho Âu Châu trở thành cao cả qua các thế kỷ.

ĐTC cũng nhắc lại là năm 2004 có hai cuộc mừng kỷ niệm về mối liên hệ giữa Ý quốc với Tòa Thánh Vatican, đó là 75 năm Hòa Ước Latêranô ngày 11/2/1929 là hòa ước công nhận chủ quyền của Quốc Đô Vatican, và 20 năm điều chỉnh hòa ước này (1984). Ngài nói rằng bất cứ những gì thiếu hụt hay chưa được thực hiện, “Giáo Hội vẫn không xin được hưởng những ân huệ, hay Giáo Hội có ý định đi quá mức thiêng liêng hợp với sứ vụ của mình. Những hiểu biết phát xuất từ cuộc trân trọng đối thoại trao đổi (giữa Ý quốc và Tòa Thánh) không có một mục đích nào khác ngoài mục đích để cho Giáo Hội hoàn toàn được tự do thực hiện phận vụ hoàn vũ của mình cũng như được thuận lợi phục vụ lợi ích thiêng liêng của nhân dân Ý quốc”.

ĐTC đã kết thúc bài diễn từ của mình bằng việc nhắc nhở Ý quốc vấn đề liên quan đến cơ cầu và đời sống hôn nhân gia đình như sau: “Vai trò chính yếu của gia đình, một vai trò ngày nay thực sự bị tấn công bởi một cảm quan được hiểu một cách sai lầm về quyền hạn. Hiến pháp Ý quốc kêu gọi và chú trọng tới tâm điểm của cơ cấu ‘xã hội tự nhiên được xây dựng trên hôn nhân’ này. Bởi thế, nhiệm vụ của các chính quyền là phát động các thứ luật lệ theo chiều hướng sinh tồn này của cơ cấu ấy. Quốc gia này cần phải chăm sóc cho cơ cấu gia đình mà không dập tắt đi quyền tự do chọn lựa giáo dục của cha mẹ, cũng như cần phải bảo trì những quyền lợi bất khả nhượng của họ cùng những nỗ lực của họ trong việc củng cố tế bào gia đình”.