Diễn Từ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tổng Nghị Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước 5/10/1995
Thưa Ông Chủ Hội,
Cùng Quí Bà và Quí Ông,
1. Thật là hân hạnh cho tôi được dịp ngỏ cùng Hội Đồng quốc tế này và được hợp cùng con người nam nữ thuộc hết mọi quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa để cử hành mừng kỷ niệm đệ thập ngũ chu niên thành lập Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Đến trước tôn Hội Đồng này, tôi ý thức một cách sống động rằng, một cách nào đó, qua quí vị, tôi đang ngỏ lời cùng toàn thể gia đình chư dân sống trên mặt đất này. Những lời lẽ của tôi cho thấy dấu hiệu Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo quan tâm và trọng kính Cơ Cấu này. Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo làm vang vọng những tiếng nói của tất cả những ai thấy nơi Liên Hiệp Quốc niềm hy vọng của một tương lai tốt đẹp hơn cho xã hội loài người.
Tôi muốn bày tỏ lòng chân thành tri ân của tôi, trước hết, đối với Vị Tổng Thư Ký là Tiến Sĩ Boutros Boutros-Ghali, vì đã ân cần khuyến khích việc viếng thăm này. Và tôi xin cám ơn Ông Chủ Hội về lời chào đón thân thương. Tôi xin chào tất cả quí vị, các phần tử của Tổng Hội Đồng này: Tôi cám ơn quí vị về việc quí vị hiện diện và ân cần lắng nghe.
Tôi đến trước quí vị hôm nay đây với niềm ước mong để có thể góp phần vào việc suy tư về lịch sử và vai trò của Tổ Chức này, việc suy tư cần phải có để làm dồi dào cho việc mừng kỷ niệm này. Tòa Thánh, vì sứ vụ thiêng liêng chuyên biệt của mình, một sứ vụ làm cho Tòa Thánh quan tâm tới sự thiện trọn vẹn của hết mọi con người, đã ủng hộ những lý tưởng và những mục tiêu của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc ngay từ ban đầu. Cho dù các mục đích và đường lối hoạt động tương xứng của mình có hiển nhiện khác nhau, Giáo Hội và Liên Hiệp Quốc cũng vẫn liên lỉ có những lãnh vực rộng lớn cần phải hợp tác với nhau vì mối quan tâm chung đối với gia đình nhân loại. Chính ý thức này đã chi phối các tâm tư của tôi hôm nay đây; các tâm tư ấy sẽ không đả động gì tới bất cứ một vấn đề đặc biệt nào về xã hội, chính trị hay kinh tế; trái lại, tôi muốn chia sẻ với quí vị về những gì bao hàm trong những đổi thay ngoai thường của mấy năm vừa rồi, không phải chỉ cho hiện tại, mà là cho tương lai của toàn thể gia đình nhân loại.
Một Gia Sản Chung Của Nhân Loại
2. Cùng Quí Bà và Quí Ông! Trước ngưỡng cửa của một ngàn năm mới, chúng ta đang chứng kiến thấy một gia tốc toàn cầu trổi vượt về việc tìm cầu tự do, một trong những năng lực lớn lao của lịch sử nhân loại. Hiện tượng này không chỉ quanh quẩn ở một phần đất nào đó trên thế giới; cũng không phải là việc bày tỏ của một nền văn hóa đơn thuần nào. Con người nam nữ khắp thế giới, ngay cả khi bị đe dọa bởi bạo lực, đã liều mình đi tìm tự do, xin được ban cho một chỗ đứng trong đời sống xã hội, chính trị và kinh tế, một đời sống xứng với phẩm vị là một hữu thể tự do của họ. Niềm mong đợi phổ quát về niềm tự do này thực sự là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của thời đại chúng ta.
Trong lần viếng thăm Liên Hiệp Quốc trước đây của mình vào ngày 2/10/1979, tôi đã nhận định rằng việc tìm cầu tự do trong thời đại của chúng ta đây được bắt nguồn từ những quyền lợi phổ quát mà loài người hoan hưởng bởi chính nhân tính của họ. Chính những tổn thương gây ra cho phẩm vị của con người đã dẫn tới việc hình thành Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, để rồi sau ba năm thành lập, tổ chức này đã ban bố Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền là văn kiện vẫn còn là một trong những diễn đạt cao cả nhất của lương tâm con người ở thời đại chúng ta. Ở Á Châu và Phi Châu, ở Mỹ Châu hai miền, ở Đại Dương Châu và Âu Châu, con người nam nữ xác tín và can trường đã đựa vào bản Tuyên Ngôn này để biện hộ cho những khiếu nại của họ về việc được trọn vẹn tham hưởng đời sống xã hội.
3. Đối với chúng ta, cần phải name vững những gì được gọi là cấu trúc nội tại của trào lưu toàn cầu này. Chính tính chất toàn cầu của nó đã cống hiến cho chúng ta ‘cái then chốt’ đầu tiên và thiết yếu, cũng như khẳng định rằng thật sự là có những thứ nhân quyền phổ quát được bắt nguồn từ bản tính của con người, những thứ quyền lợi phản ảnh những đòi hỏi khách quan và bất khả vi phạm của luật luân lý phổ quát. Những thứ quyền lợi này không phải là những vấn đề trừu tượng; trái lại, những thứ quyền lợi ấy nói cho chúng ta hay một điều gì đó quan trọng về đời sống thực sự của hết mọi con người và hết mọi nhóm xã hội. Chúng cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không sống trong một thế giới vô lý trí và vô nghĩa lý. Trái lại, có một thứ lý lẽ về luân lý được cấu trúc nơi cuộc sống của con người, và giúp khả dĩ đối thoại giữa cá nhân và chư dân. Nếu chúng ta muốn một thế kỷ áp bức bạo lực được thay thế bằng một thế kỷ phục thiện, chúng ta cần phải tìm cách bàn luận về tương lai của nhân loại một cách sáng suốt. Luật luân lý phổ quát được in ấn nơi tâm can con người chính là một thứ ‘văn phạm’ cần thiết, nếu thế giới muốn thực hiện viện bàn luận này về tương lai của nó.
Theo chiều hướng ấy thì thật đáng quan tâm khi thấy một số người ngày nay phủ nhận tính cách phổ quát của nhân quyền, như họ chối bỏ là mọi người không có cùng một bản tính nhân loại. Đúng thế, không có một mô thức duy nhất nào cho việc con người tự do tổ chức về chính trị và kinh tế; các thứ văn hóa khác nhau và các kinh nghiệm lịch sử khác nhau là những gì làm nên những hình thức khác nhau về cơ cấu của đời sống quần chúng trong một xã hội tự do và hữu trách. Thế nhưng, vấn đề ở đây là một đàng thì khẳng định có tính cách đa điện hợp lý của ‘các hình thức tự do’, đàng khác thì lại chối bỏ bất cứ tính cách phổ quát hay dễ hiểu nào giành cho bản tính của con người hay cho kinh nghiệm của con người. Khía cạnh thứ hai trên đây làm cho hoạt động chính trị quốc tế đối với việc thuyết phục trở thành hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả.
Cái Nguy Cơ của Tự Do
4. Cái năng lực về luân lý của việc tìm cầu phổ quát cho niềm tự do này hiển nhiên ở Trung Âu và Đông Âu trong những cuộc cách mạng bất bạo động năm 1989. Tuy nhiên, xẩy ra ở những thời điểm và địa điểm đặc biệt, những biến cố lịch sử này dạy cho chúng ta một bài học vượt ra ngoài vị trí về địa dư đặc biệt. Vì những cuộc cách mạng bất bạo động năm 1989 chứng tỏ là việc tìm cầu tự do không thể nào bị áp đảo. Nó vươn day từ một ý thức về phẩm vị và giá trị khôn lượng của con người, và nó không thể nào thiếu được việc hỗ trợ bởi một cuộc dấn thân cho con người. Trước hết và trên hết, chủ nghĩa độc đoán tân thời là một cuộc tấn công phẩm vị của con người, một cuộc tấn công đã đi đến chỗ chối bỏ giá trị bất khả nhượng của đời sống con người. Những cuộc cách mạng năm 1989 trở thành khả dĩ bởi việc dấn thân của những con người nam nữ dũng cảm được tác động bởi một nhãn quan khác những hoàn toàn sâu xa và mãnh liệt hơn: cái nhãn quan về con người là một thụ tạo có lý trí và ý muốn tự do, một tạo vật được chìm ngập trong một mầu nhiệm làm siêu việt hữu thể của họ và là một tạo vật được trang bị bằng khả năng phản tỉnh và khả năng chọn lựa – do đó có khả năng sống khôn ngoan và đức độ. Một yếu tố quyết liệt cho việc thành công của các cách mạng bất bạo động ấy là kinh nghiệm về tình đoàn kết xã hội, ở chỗ, đương đầu với những chế độ được ủng hộ bởi quyền lực tuyên truyền và khủng bố, thì mối đoàn kết này là cái then chốt về luân lý của ‘cái quyền năng của thành phần không có quyền lực’, là cái hải đăng của niềm hy vọng và là một nhắc nhở mãi mãi là cuộc hành trình lịch sử của con người có thể theo con đường hợp với những khát vọng đẹp đẽ nhất của tinh thần con người.
Nhìn những biến cố ấy từ diễn đàn quốc tế đặc biệt này, người ta không thể không thấm thía mối liên hệ giữa các thứ giá trị đã tác động những trào lưu giải phóng của con người ấy với nhiều quyết tâm về luân lý được ghi lại trong Bản Hiến Chương Của Liên Hiệp Quốc: Tôi đang nghĩ tới, chẳng hạn, quyết tâm ‘tái xác nhận niềm tin vào các thứ quyền lợi căn bản của con người (và) vào phẩm vị cùng giá trị của con người’. Cũng như cuộc dấn thân ‘để cổ võ việc tiến bộ về xã hội và những tiêu chuẩn tốt đẹp hơn cho một đời sống tự do hơn’ (Lời Mở Đầu). Năm mươi mốt Quốc Gia đã thành lập Tổ Chức này năm 1945 thực sự đã thắp lên một ngọn đèn chiếu tỏa ánh sáng xua tan tối tăm gây ra bởi bạo quyền – một thứ ánh sáng có thể tỏ cho thấy con đường dẫn đến tự do, an bình và đoàn kết.
(còn tiếp, đang dịch)
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch