NGOẠI GIAO MỤC VỤ
Tình Hình Thế Giới Cuối Năm 2001 Và Vai Trò Của Các Quốc Gia Trên Thế Giới
ĐTC đáp từ một số vị tân lãnh sự của các quốc gia ngày 6/12/2001
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 19/26-12-2001, trang 5-9)
Với chung 10 vị tân lãnh sự (Toufig Ali nước Bangladesh, Barkat Gourad Hamadou nước Djibouti, Antti Hynnien nước Phần Lan, Zemede Tekle Woldetatios nước Eritrea, Amiran Kavadze nước Georgia, Seymour Rehaulele Kikine nước Lesotho, Christine Nyinawymwami Unutoni nước Rwanda, Mohynlall Goburdhun nước Mauritius, Moussa Coulibaly nước Mali, và Hansrudolf Hoffman nước Thụy Sĩ, vị đại diện ngỏ lời cùng ĐTC và đã được ĐTC đáp từ với những ý tưởng chính yếu như sau):
“… Ngày nay, hơn bao giờ hết, các người đương thời của chúng ta đang cảm thấy một mối lo âu sợ hãi trước tình hình thế giới bất ổn cũng như trước một tương lai bấp bênh. Đáng chú ý nhất là có nhiều người không thể bình tâm phác họa cho tương lai của mình, nhất là giới trẻ, thành phần không yên tâm trước những biến cố thảm khốc họ chứng kiến thấy đang bộc phát nơi thế giới người lớn. Các vị lãnh đạo quốc gia và những vị đại diện của họ trong việc ngoại giao cần phải đặc biệt dấn thân nhiều hơn và mạnh hơn bao giờ hết trên con đường đối thoại và hợp tác quốc tế, để có thể diệt tận gốc mối xung khắc và tình trạng căng thẳng giữa các phái nhóm và quốc gia. Không một vấn đề nào – những vấn đề bao giờ cũng phải được giải quyết bằng những giải pháp thương thuyết – có thể qua mặt được sự tôn trọng đối với con người cũng như các dân nước… Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng những bất công mà con người đương thờicủa chúng ta trải qua, tất cả những tình trạng nghèo khổ, tình trạng thiếu giáo dục đối với giới trẻ, phần lớn đã gây ra tình trạng bạo động trên thế giới. Công lý, hòa bình, việc chống lại cùng khổ và thiếu tu luyện về tâm linh, luân lý và tri thức nơi giới trẻ là những khía cạnh thiết yếu của những giải quyết Tôi đã kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia, các nhà ngoại giao cũng như tất cả mọi con người nam nữ thiện chí thực hiện”.
Với Ông Lãnh Sự Bangladesh (55 tuổi):
“Những biến cố thê thảm 11/9 lại càng cho thấy rõ ràng hơn nữa vấn đề được ông vừa gọi là ‘một cuộc trao đổi xây dựng để nuôi dưỡng việc hiểu biết nhau giữa các nền văn hóa và văn minh’. Thay vì bám víu vào những gì gây phân rẽ nhau, dân chúng của các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau cần phải biết tỏ ra tôn trọng lẫn nhau nơi những chân lý và giá trị cốt yếu giữa họ với nhau. Như Tôi đã đề cập đến trong Sứ Điệp Cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay, ‘trao đổi văn hóa… được căn cứ vào việc nhận biết có những giá trị chung cho tất cả mọi văn hóa, vì chúng bắt nguồn từ chính bản tính của con người’ (số 16). Đối với Hồi Giáo và Kitô Giáo cùng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo Thánh trời đất, thì lại càng hợp ý với nhau và cộng tác với nhau hơn nữa. Chỉ xẩy ra đụng độ nhau khi có lạm nghĩa hay lèo lái Hồi Giáo hoặc Kitô Giáo theo những mục đích chính trị hay ý hệ.
“Trong các giá trị làm nên mảnh đất mầu mỡ cho việc trao đổi hiệu lực, có một giá trị nổi bật đó là nhu cầu chung cho tình liên kết nhân loại. Qua việc tăng tiến tình trạng liên thuộc toàn cầu, định mệnh chung của gia đình nhân loại và nhu cầu cấp bách cho thấy rõ ràng cần đến một thứ văn hóa liên kết. Tuy nhiên việc tăng tiến tình trạng liên thuộc toàn cầu này cũng cho thấy cả nhiều cái bất quân bình đang xẩy ra trong thế giới của chúng ta nữa. Mặc dù việc toàn cầu hóa có cho thấy những hứa hẹn đi nữa, những chênh lệch về xã hội và kinh tế ở một số nơi lại trở nên tệ hơn nữa, và một số quốc gia đã nghèo lại tiến đến chỗ suy bại hơn trước. Vì nền hòa bình thế giới và để đáp lại những đòi hỏi của công lý, những quốc gia này và dân chúng của những quốc gia ấy cần phải được giúp đỡ, không phải chỉ bằng vấn đề viện trợ cấp thời mà còn bằng việc hỗ trợ về giáo dục và kỹ thuật nữa, để họ có thể tham dự vào tiến trình phát triển toàn cầu, chứ không mãi bị loại trừ hay đứng ngoài chầu rìa. Đây không phải là vấn đề bố thí hồng ân mà là nhận biết quyền lợi căn bản của con người trong việc chia sẻ công minh các nguồn lợi. Việc cổ võ công lý là việc làm thiết yếu cho một thứ văn hóa kết đoàn...
“Tôn giáo đóng một vai trò hệ trọng trong vấn đề này. Quan niệm về con người cũng như về thế giới theo giáo huấn của đạo giáo chỉ dạy có ảnh hưởng rất nhiều đến những thái độ và tâm tưởng khi phải đối diện với sự thách đố trong việc dựng xây một xã hội trật tự xứng hợp. Cả Hồi Giáo lẫn Kitô Giáo đều nhấn mạnh đến đặc tính siêu việt thiết yếu nơi con người được Thiên Chúa dựng nên cho một cùng đích cao cả, cũng như đến nhu cầu cần phải tôn trọng yếu tố siêu việt này nơi mỗi một người. Cả hai còn giống nhau ở chỗ Tạo Hóa cũng đã tỏ ra cho thấy một đường lối sống, một đường lối được dựa trên, như ông đã nói một cách xác đáng là, ‘những qui tắc và giá trị nồng cốt của con người’, những qui tắc và giá trị bắt nguồn từ chính Thiên Chúa…
“Nơi những giá trị chung cho tất cả mọi người này, chúng ta thấy được những gì Tôi đã gọi là ‘lý lẽ luân thường gắn liền với đời sống con người và giúp thực hiện việc trao đổi giữa con người và các dân nước với nhau’ (Diễn Từ cho Hội Nghị Liên Hiệp Quốc ngày 5/10/1995). Đó là điểm Hồi Giáo và Kitô Giáo có thể và cần phải gặp nhau, không phải nơi một cuộc trao đổi ngôn từ mà là một cuộc trao đổi phục vụ hòa bình thế giới…”
Với Ông Lãnh Sự Djibouti (71 tuổi):
“… Ông muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình và đối thoại để các quốc gia có thể hiểu biết nhau. Theo chiều hướng của những biến cố mới đây thì việc bảo toàn hòa bình ở tầm mức quốc tế đã trở nên ưu tiên đối với việc hiệp nhất chung các thẩm quyền dân sự và thành phần công dân nơi các xứ sở trên thế giới. Như ông biết, đây là mối quan tâm liên lỉ của Tòa Thánh chúng tôi. Tòa Thánh chúng tôi nỗ lực trong việc khuyến khích các quốc gia tìm kiếm hòa bình một cách nhẫn nại và dứt khoát, ở chỗ, phác ra những điều kiện cần thiết để bảo tồn nó, ở chỗ, nuôi dưỡng một cuộc trao đổi tỏ ra biết tôn trọng những vế liên hệ, nhất là thành phần thiểu số, thành phần mà xã hội phải tôn trọng bằng việc tỏ ra tri ân những đóng góp đặc biệt cho công ích do mỗi nhóm thực hiện.
“Việc trao đổi là việc thiết yếu ở cả lãnh vực địa phương, vùng miền và thế giới, ở chỗ, một đàng để tránh những xung khắc và đụng độ đau thương thảm khốc gây nên những cuộc bạo động nơi các cá nhân cũng như nơi các dân tộc, đàng khác, cũng để bảo đảm tình trạng phát triển mối cảm thông huynh đệ nữa…”
Với Ông Lãnh Sự Finland (61 tuổi):
“Ông cũng đã nhấn mạnh đến tình hình quốc tế chúng ta đang sống mấy tháng qua, một tình hình đã gợi lên những vấn đề nơi các thẩm quyền quốc gia cũng như nơi thành phần công dân thuộc các thẩm quyền này. Tình hình này, nhất là từ hành động khủng bố kinh hoàng và bất khả dung tấn công Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đã rõ ràng cho thấy những căng thẳng trầm trọng đang đe dọa mức thăng bằng mong manh giữa các quốc gia, những tình trạng bất công đã từng khuynh đảo quá lâu, khuấy động nỗi đắng cay và thù hận là những gì đã làm bạo lực bộc phát lên nơi con người nam nữ. Ông đã nói đúng, tình hình này dẫn chúng ta đến việc tái thẩm định thế giới và tự hỏi về những giá trị nồng cốt của mình.
“Dự án Âu Châu chúng ta đang nói đến đây không phải tự nhiên mà có. Nó có lịch sử và hồn sống của nó, ở chỗ nó được khuôn đúc bởi một truyền thống văn hóa, luân lý và tôn giáo lâu đời, một truyền thống không ai chối cãi được là, đức tin Kitô Giáo đã đóng một vai trò quan trọng. Nếu hôm nay đây Các Quốc Gia Âu Châu sống theo nguyên tắc tự lập hợp pháp về những thực tại trần thế thì họ không thể và không được quên đi cái truyền thống hỗ trợ họ này. Dân chúng Âu Châu nếm hưởng được tự do và cảm quan về con người, họ nhận biết các quyền lợi của con người cũng như phẩm vị căn bản của mỗi người, họ khát vọng hòa bình. Họ mắc nợ với lịch sử phong phú của họ phần lớn về tất cả những thứ này. Âu Châu được kêu gọi để gìn giữ cho gia sản này tồn tại và phục hồi những cơ cấu làm nền tảng của xã hội, đó là cơ cấu hôn nhân và gia đình. Không thể nào lên tiếng công bố các quyền lợi bất khả tách biệt của con người mà lại đồng thời cho phép tấn công sự sống con người, vào lúc nó mới được thụ thai hay vào lúc kết thúc của nó, hoặc bằng những xoay chiều ngược lại với lòng tôn trọng xứng hợp với con người. Trái lại, Âu Châu cần phải phấn khích văn hóa sự sống thực sự trong mọi lãnh vực…”
Với Ông Lãnh Sự Eritrea (53 tuổi):
“Trong những thập niên mới đây, hòa bình và phát triển là hai trong những thách đố lớn nhất làm cho thế giới tân tiến của chúng ta phải đối diện, chúng có một mối liên hệ trực tiếp với nhau. Qua việc bùng lên những cuộc tấn công khủng bố vừa rồi cùng với những biến cố sau đó, mối liên hệ giữa việc phát triển đích thực và hòa bình thực sự lại càng trở nên sáng tỏ hơn nữa. Nó cho thấy rõ ràng là những mối liên hệ về chính trị và kinh tế giữa các quốc gia và dân tộc cần phải xây dựng trên một nền tảng mới. Tư lợi và những nỗ lực củng cố vị thế thống trị cần phải được loại trừ. Không được coi các nước đang trên đà phát triển như là những nguồn nhiên liệu thuần túy, hay như là các thị trường tiêu thụ các sản phẩm xuất cảng, nhưng như là người đồng bạn thực sự ở một trật tự quốc tế chân chính, những đồng bạn góp phần trọng yếu vào thiện ích cho toàn thể gia đình nhân loại.
“Thực là cần thiết phải có một thứ triết lý cao hơn nữa về vấn đề tiến bộ. Những qui chế về việc phát triển không thể chỉ đóng khung vào tình trạng tiến bộ về việc sản xuất vật chất; nó còn phải nhắm đến việc giúp cho con người nam nữ đạt được tình trạng tự do thực sự, một tình trạng tự do mà tất cả mọi người lúc nào cũng hết lòng mong ước. Việc tìm kiếm tự do phát xuất từ cảm quan về phẩm vị và giá trị khôn lường nơi con người, và chính cái giá trị gắn liền với mỗi một người và mọi người này mà họ phải được chấp nhận như là tiêu chuẩn cho hoạt động của kinh tế, xã hội và chính trị. Con người bao giờ cũng phải là cái tâm điểm ấy. Việc dấn thân mạnh mẽ và dứt khoát phục vụ các quyền lợi và phẩm vị bất khả phân ly của con người cần phải có nơi tất cả mọi lãnh vực phát triển. Tòa Thánh tìm cách bồi dưỡng và củng cố việc dấn thân phục vụ này bằng sự hiện diện của mình nơi cộng đồng quốc tế”.
Với Ông Lãnh Sự Georgia (50 tuổi):
“Tôi cám ơn ông về những lời ông tỏ ra biết ơn những nỗ lực của Tòa Thánh trong việc xây dựng hòa bình và hòa giải khi phải đối diện với những gì được ông gọi là ‘tình trạng khẩn trương và phát triển của những căng thẳng cũ mới nơi nhiều phần đất trên thế giới’. Bằng những hoạt động của mình, kể cả hoạt động ngoại giao, Tòa Thánh chúng tôi tìm cách giúp đỡ tất cả mọi dân nước sống một cuộc sống làm người trọn vẹn trong hòa bình và hòa hợp, chú trọng đến việc phát triển toàn diện con người cũng như các quốc gia…
“Đường lối của Tòa Thánh chúng tôi là một đường lối chuyên biệt, vì Tòa Thánh chúng tôi không dính dáng đến bất cứ một hình thức lợi ích quốc gia nào, nhưng chỉ tìm kiếm công ích cho toàn thể gia đình nhân loại. Đây là một quan điểm không phải phát xuất từ ý hệ mà là từ một thứ nhân sinh quan và một niềm xác tín mà một khi nhân sinh quan và niềm xác tín này bị hư hoại hay bị loại trừ thì xã hội loài người sẽ bị rúng động đến tận gốc rễ. Nó là một nhân sinh quan về tự do, nhưng là một tự do gắn liền với sự thật – nhất là với sự thật về con người, một nhân sinh quan tự mình có thể trở thành một nền tảng vững chắc cho hoạt động kiến tạo về chính trị và ngoại giao. Lịch sử quốc gia của ông đã để lại một bài học là tự do bao giờ cũng mong manh mỏng dòn; và thế kỷ vừa qua đã chứng tỏ cho thấy tự do đã bị bại hoại thê thảm biết bao khi sự thật về con người bị chối bỏ.
“Cái dối trá tàn hại nhất về con người do thế kỷ 20 sản xuất được sinh ra từ những quan điểm duy vật về thế giới cũng như về con người. Chủ nghĩa Cộng Sản và Phát-Xít có thể đã bị tàn rụi, nhưng chúng ta thấy có những lúc chúng bừng lên những hình thức duy vật mới, ít xu hướng về ý hệ hơn cũng như ít sáng tỏ về hình thức hơn, song lại tàn phá theo kiểu cách của chúng. Chúng phát xuất từ quan niệm yếu kém về con người, một quan niệm hầu như chỉ căn cứ vào mối quan tâm về tình trạng an sinh của kinh tế mà thôi. Dĩ nhiên con người cần phải mong ước an sinh, song cũng cần phải xét đến những tính chất cốt yếu khác về con người của chúng ta nữa…
“Nói đến tiến trình tái thiết quốc gia, xin cho Tôi lập lại những gì Tôi đã nói ở Tbilisi, đó là ‘một trong những thách đố khó vượt nhất của thời đại chúng ta là cuộc gặp gỡ giữa truyền thống và tân tiến. Cuộc trao đổi giữa cũ và mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai của thế hệ trẻ, và do đó quyết định cho cả tương lai của dân tộc’ (Diễn từ cho Thế Giới Văn Hóa và Học Thức, 9/11/1999)”.
Với Ông Lãnh Sự Lesotho (55 tuổi):
“Những biến cố thê thảm của thế giới trong những lúc gần đây và cuộc khủng hoảng khuấy động cộng dồng quốc tế hiện nay càng chứng tỏ hơn bao giờ hết cho thấy cần phải cải tiến sâu xa về cá nhân cũng như về xã hội để có thể mang lại cho thế giới một sự công chính và tình đoàn kết hơn. Cuộc cải tiến này đòi phải hết sức nỗ lực, vì nhiều sự chênh lệch cần phải được sửa lại…
“Thật vậy, vấn đề nguy hiểm là ở chỗ việc toàn cầu hóa sẽ làm tăng thêm khoảng cách giữa giầu và nghèo, bỏ mặc những quốc gia đang phát triển, như xứ sở của ông, trong việc đối đầu với những thách đố khó khăn hơn bao giờ hết và hầu như không thể vượt qua. Trong tình trạng như vậy, Giáo Hội sẽ tiếp tục hoạt động cho một thứ toàn cầu kết đoàn, để bảo đảm được rằng tất cả mọi dân tộc và ở mọi lãnh vực xã hội đều nhận được những thiện ích khả thủ.
“Những dồn ép đè nén Phi Châu không chỉ xuất phát từ bên ngoài; vì ngay bên trong lòng Phi Châu cũng có những ngọn gió đổi thay đang mãnh liệt thổi (x Tông Huấn Giáo Hội tại Phi Châu, số 44), khi dân chúng càng ngày càng ý thức được phẩm vị làm người của mình cùng với nhu cầu cần phải bảo vệ quyền lợi và tự do của mình…
“Tiến trình đổi thay giờ đây đã tỏ tường ở Lesotho này không phải là một cái gì nông nổi bề ngoài. Thật vậy, nó ở ngay trong chính tâm điểm của nền văn hóa nước ông; vì nó chạm đến cảm quan luân lý của con người là những gì liên quan mật thiết đến tôn giáo (x Thông Điệp Chân Lý Rạng Ngời, số 98). Ở ngay cốt lõi của mọi thứ văn hóa là thái độ con người nam nữ tỏ ra thừa nhận mầu nhiệm cao cả nhất của cuộc sống, đó là mầu nhiệm về Thiên Chúa. Như Tôi đã viết trong Thông Điệp Bách Niên là ‘Những thứ văn hóa khác nhau chỉ là những đường lối khác nhau trong việc đối diện với vấn nạn ý nghĩa của cuộc sống con người. Một khi loại trừ đi vấn nạn này đi thì văn hóa và đời sống luân lý của các quốc gia sẽ bị băng hoại’ (số 24). Bởi thế, khi các dân tộc, các quốc gia và các cơ cấu quốc tế tìm cách cải tiến cuộc sống xã hội và chính trị, bảo trì an ninh và bồi dưỡng việc phát triển nền kinh tế, họ đồng thời cũng phải đề cao những giá trị và quan điểm siêu việt là những gì thuộc về tôn giáo và còn là những gì giúp cho cá nhân, cộng đồng và quốc gia phát triển đúng với đường lối nhân bản. Điều này chất chứa nhiều sự, trong đó con người phải là trọng tâm của tất cả mọi phân giải và quyết định, nhờ đó thiện ích của con người cũng như công ích được bảo trì và phát động một cách hiệu nghiệm.
“Chính quan niệm về con người và về xã hội này đã thúc đẩy Giáo Hội Công Giáo dấn thân trong việc phục vụ gia đình nhân loại ở hết mọi phần đất trên thế giới, bằng những dịch vụ trợ giúp về giáo dục, sức khỏe và xã hội. Về vấn đề này, Tôi rất cám ơn việc ông cảm nhận về ảnh hưởng tích cực của Giáo Hội Công Giáo nơi xứ sở của ông …”
Với Bà Lãnh Sự Rwanda (38 tuổi):
“Nếu những biến cố thê thảm của một quá khứ mới đây đã tỏ ra cho chúng ta thấy quyền lực hủy hoại của sự dữ và hận thù thì hoạt động tái thiết đất nước hiện nay cống hiến một cơ hội quan thiết cho nhân dân Rwandan trong việc họ chứng tỏ cho thấy quyền lực sự thiện còn mạnh mẽ hơn nữa nơi cõi lòng của con người, một sự thiện được thể hiện trong lãnh vực chính trị, qua việc theo đuổi một xã hội công chính và huynh đệ, được xây dựng trên sự triệt để tôn trọng phẩm vị cùng với các quyền lợi bẩm sinh của mỗi người, bất kể nguồn gốc về sắc tộc hay quan điểm chính trị. Như giáo huấn của Giáo Hội xác nhận cũng như kinh nghiệm cho thấy, những đổi thay nơi các cấu trúc và kế hoạch bề ngoài tự chúng không đủ, bởi vì, việc cải tiến xã hội thực sự đòi phải cải tiến sâu xa cõi lòng và tư tưởng là những gì có thể làm thay đổi những thái độ cứng cõi và mới soi động cho những hoạch định cụ thể. Điều này đặc biệt xác đáng nơi việc hành xử công lý, một việc hành xử phải bảo toàn và cổ võ công ích cũng như phải cẩn trọng bảo vệ nhân quyền, qui tắc của luật pháp, đức công bằng và sự bình đẳng trong việc sửa trị, nhất là tránh những chuẩn định nghiệt ngã khi phải sử dụng đến án tử hình. Sau hết, không thể có hòa bình nếu không biết cương quyết tôn trọng và bảo vệ sự sống như là một thức tại linh thánh nhất và bất khả xâm phạm của con người: ‘Không thể nào kêu gọi hòa bình mà lại khinh thường sự sống’ (Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2001, số 19)”.
Với Ông Lãnh Sự Mauritius (56 tuổi):
“Thưa ông Lãnh Sự, ông bắt đầu đảm nhận sứ vụ của mình tại Tòa Thánh chúng tôi vào lúc thế giới đang chú trọng đến vấn đề khủng bố có tính cách toàn cầu, một cuộc khủng bố có thể làm cho những chia rẽ hiện nay nơi gia đình nhân loại càng trở nên tệ hại hơn nữa, nó cũng như làm ngăn trở cả mức phát triển đang trên đà tiến đến một mối liên kết bao rộng nơi sinh hoạt quốc tế. Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt tất cả mọi quốc gia, lớn cũng như nhỏ, cần phải cải tiến lại nỗ lực của mình trong việc xây dựng một nền văn hóa hòa bình bằng trao đổi, cảm thông và hợp tác. Chính vì muốn trở thành một phương tiện góp phần vào công cuộc cao cả này mà Tòa Thánh chúng tôi mới có mặt nơi gia đình các quốc gia. Tòa Thánh chúng tôi muốn giữ vững những giá trị tôn giáo và tâm linh là những điều thiết yếu cho việc con người tìm cách kiến tạo một trật tự quốc tế, ở chỗ tỏ ra biết tôn trọng văn hóa riêng của mỗi dân tộc, đồng thời còn ở chỗ thể hiện ước vọng phổ quát của con người về vấn đề phúc hạnh và hòa bình.
“Như Ngài đã đề cập đến, cũng như kinh nghiệm lâu đời nơi xứ sở của Ngài về tình trạng đa chủng tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa cho thấy, thành phần tín đồ của các tôn giáo khác nhau đóng một vai trò quan trọng trong việc phục vụ để kiến tạo hòa bình. Thật vậy, ‘mối liên hệ với một Vị Thiên Chúa duy nhất là Cha chung của tất cả mọi người, không thể nào không mang lại cho con người một cảm quan sâu xa hơn về tình huynh đệ cũng như về đời sống chi huynh đệ’ (Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2001, số 1). Ngày nay, hơn bao giờ hết, các tín đồ được kêu gọi để cùng nhau lên án mọi việc khai thác chủng tộc hay tôn giáo cho lòng nung nấu hận thù, bạo lực và chia rẽ. Họ còn phải đặt nền móng vững chắc cho việc cải tiến xã hội đích thực bằng việc giúp đào tạo lương tâm theo tình nghĩa anh em cũng như trong việc tôn trọng phẩm vị và quyền lợi của mỗi một con người. Cần phải mạnh mẽ loại trừ tận gốc, tận đáy lòng con người, tất cả mọi hình thức hận thù, thiên kiến và bất hòa ở mọi lãnh vực”.
Với Ông Lãnh Sự Mali (48 tuổi):
“… Sau những ngày đen tối đã dè nặng trên lương tâm nhân loại trong mấy tháng vừa qua, Tôi nhận thấy những nỗ lực liên tục nơi quốc gia của ông đã thực hiện để xây dựng hòa bình, chẳng những trong biên giới của mình mà còn bằng hoạt động nhẫn nại ngoại giao khắp cả điạ lục Phi Châu nữa…
“Việc mang lại và phát triển một thứ văn hóa hoà bình là nhiệm vụ quan thiết và cao quí đối với một quốc gia, một nhiệm vụ đồng nghĩa với ơn gọi của con người trong việc nhận biết rằng họ là một gia đình. Nhiệm vụ này đòi buộc mỗi một quốc gia phải có những quyết định can trường, phải chống lại tất cả mọi hình thức vị kỷ là những gì ảnh hưởng đến những chênh lệch về kinh tế và xã hội, cũng như ảnh hưởng đến việc nghi kỵ lẫn nhau làm bại hoại những mối liên hệ hợp tác lành mạnh giữa con người với nhau và giữa các dân tộc với nhau. Về vấn đề này Tôi thường lợi dụng cơ hội để lập lại là ‘không thể nào có hòa bình nếu không có công bằng, chân thật, công lý và đoàn kết. Thất bại sẽ không thể nào tránh được nếu phân rẽ hai quyền lợi bất khả phân ly và liên thuộc nhau, đó là quyền hưởng hòa bình và quyền được phát triển toàn diện nhờ tình đoàn kết mà ra’ (Sứ Điệp Hòa Bình 2000, số 13). Để chữa trị những bất công trầm trọng khiến các quốc gia ở trong tình trạng nghèo khổ, Tôi xin các quốc gia giầu có hãy nâng đỡ các nỗ lực của những nước nghèo khó nhất, bằng cách đặc biệt giúp cho họ có những cơ cấu thích hợp với việc phát triển cùng với những phương tiện để hình thành những cơ cấu ấy. Thật vậy, những xứ sở đang trên đà phát triển cần phải được giúp đỡ vì quyền lợi của họ chứ không phải vì phúc lợi riêng của những quốc gia mà họ mang ơn mắc nợ. Cần phải thực hiện việc toàn cầu hóa về tình đoàn kết như Tôi đã kêu gọi, một việc toàn cầu hóa tạo cơ hội tốt không phải chỉ có lợi cho việc phát triển về kinh tế của nhân loại mà còn cho cả việc phát triển về văn hóa và luân lý nữa.
“Giáo Hội Công Giáo, về phần mình, nhiệt tình đóng vai trò chủ động trong sinh hoạt của nhân dân Mali, với hy vọng mang lại những đóng góp đặc biệt trong việc nuôi dưỡng thiện ích của cộng đồng quốc gia. Với tư cách phục vụ Phúc Âm được Chúa Giêsu Kitô ủy thác, Giáo Hội muốn khích lệ bất cứ tiến trình nào đưa con người và các dân tộc đến việc phát triển toàn vẹn hợp với ơn gọi của họ”.