ÐỐI THOẠI LIÊN TÔN VỚI PHẬT GIÁO
Kitô hữu và Phật Tử hãy cùng nhau nhìn đến Thành Phần Trẻ Em là Tương Lai của Nhân Loại
Sứ Điệp của Tòa Thánh Vatican gửi Phật tử ngày Phật Đản 2004
Quí Bạn Phật Tử thân mến,
1. Năm nay tôi lại viết gửi đến các bạn một lần nữa lời chào chân thành của tôi nhân dịp lễ Phật Đản của các bạn. Tôi nguyện cầu để cho từng người và mọi người trong các bạn được hưởng một mùa lễ vui tươi và an bình. Lễ Phật Đản giúp cho Kitô hữu chúng tôi cơ hội thăm viếng các bạn bè và cận nhân Phật tử để ngỏ lời chào mừng, một việc làm giúp phần củng cố những mối giây thân tình vốn có và tạo nên những mối hữu nghị mới. Tôi nghĩ rằng những mối liên hệ này cần phải được tiếp tục phát triển từ thế hệ này đến thế hệ khác, chia sẻ với nhau những niềm vui mừng và hy vọng của chúng ta, những nỗi đau thương và bận tâm của chúng ta.
2. Với niềm hy vọng ấy, tôi nghĩ ngay đến thành phần trẻ em của chúng ta, những con người đóng vai chính của tương lai nhân loại. Như một thi sĩ đã viết: “Con trẻ là cha của Con Người”, ở chỗ, trẻ em là khuôn mẫu cho toàn thể nhân loại. Ngoài ra, trẻ em có thể là gương mẫu cho tất cả những ai cố gắng sống đạo một cách chân thành. Trẻ em đặc biệt tác động nơi chúng ta bởi tính cách đơn sơ và tâm hồn thanh sạch của chúng, bởi sự ngay thẳng và hồn nhiên vô tư của chúng, cũng như bởi tính cách bỡ ngỡ lạ lùng và tin tưởng của chúng. Thánh Kinh Kitô Giáo của chúng tôi đã đề cập đến trẻ em ở một số chỗ, khuyến khích chúng tôi sống tinh thần giống như con trẻ nhỏ. Tôi tin rằng các Bản Văn của Phật Giáo cũng có những điều tương tự như thế.
3. Thế nhưng trẻ em, một thành phần nhỏ bé và mỏng dòn yếu đuối, cần phải được bảo vệ, yêu thương và giáo dục. Đó là lý do tại sao trẻ em và gia đình bao giờ cũng cần phải đi đôi với nhau. Chính nơi gia đình trẻ em đầu tiên đã được dưỡng nuôi bằng một tình yêu thương và chăm sóc chúng cảm nghiệm thấy để mang ra chia sẻ cho những người khác. Nhờ đó toàn thể nhân loại trở thành một gia đình trên trái đất này. Thật là vui mừng khi thấy có vô số cha mẹ sẵn sàng đảm trách cuộc sống gia đình. Chúng ta hy vọng rằng có nhiều phụ huynh sẽ hết sức cố gắng để truyền đạt cho con cái của họ những giá trị nhân bản và tôn giáo đích thực mang lại ý nghĩa cho đời sống con người.
4. Tiếc thay, ngày nay nhiều trẻ em trên thế giới của chúng ta đây đang bị hụt hẫng rất nhiều tình trạng gia đình là những gì hết sức quan yếu cho xã hội. Có những em không hề biết đến gia đình là gì hay bị gia đình ruồng bỏ. Có những em bị đẩy vào tình trạng bị chấn thương bởi những cuộc gây gỗ giữa mẹ cha của các em, hay bởi cuộc đổ vỡ gia đình của các em. Tệ hơn nữa, có những em nhỏ bị tổn thương bởi những hành động bạo hành của người lớn qua việc lạm dụng tình dục, mãi dâm, bắt đi ăn xin, buôn bán thuốc phiện, tham gia quân ngũ v.v. Còn thảm trạng hội chứng liệt kháng HIV/AIDS thì sao? Hằng năm có cả trăm ngàn em bị nhiễm khuẩn liệt kháng HIV và rất nhiều em bị chết vì hội chứng liệt kháng AIDS; thật vậy, nhiều em đã bị nhiễm lây từ giây phút được hạ sinh vào đời. Mặc dù vô tội, các em vẫn phải chịu khổ đau và chết đi.
5. Chúng ta, Kitô hữu và Phật tử, không thể nhắm mắt làm ngơ trước những tình trạng thảm thương này. Là những tín đồ của một đạo giáo, chún g ta cần phải nhín tới những nhu cầu của trẻ em, trong gia đình riêng của chúng ta cũng như nơi toàn thể xã hội. Chúng ta cần phải vận dụng tất cả mọi khả năng và tài nguyên của chúng ta để làm giảm bớt những nỗi thương đau cho các em, và nhất là những em ở các xứ sở nghèo. Gương lành của chúng ta có thể tác động các chính quyền, tổ chức dân sự và tất cả mọi người thiện tâm dấn thân hơn nữa cho phúc hạnh của tất cả thành phần trẻ em.
6. Quí bạn Phật tử thân mến, với hết lòng khen ngợi và trọng kính, tôi nghĩ đến tất cả những ai đã dấn thân chăm sóc cho nhu cầu của trẻ em. Được phấn khởi bởi tấm lòng quảng đại cao cả như thế, chúng ta hãy cùng nhau cương quyết giúp đỡ trẻ em, vì chúng là tương lai của nhân loại. Một lần nữa, tôi xin chúc cho anh chị em và gia đình anh chị em một mùa lễ Phật Đản an bình và vui tươi.
Archbishop Michael L. Fitzgerald,
Chủ tịchĐaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 30/4/2004
Vương Quốc Phật Giáo ở Bhutan cấm Việc Cầu Nguyện Công Cộng của Kitô hữu
Theo Zenit ngày 28/1/2004 về tin ở Thimphu, Brutan, ĐGM Stephen Lepcha, thuộc giáo phận Darjeeling bao gồm vương quốc này, đã cho cơ quan AsiaNews biết Phật giáo là tôn giáo chính thức của Bhutan và hết mọi hình thức tôn giáo cũng như truyền giáo khác đều bị cấm chỉ ở đó. Cho đến mấy năm gần đây, Kitô hữu, thành phần mới từ Ấn Độ di dân đến đó và Napal, vẫn được tự do để công khai cử hành Thánh Lễ. Thế nhưng từ khi bắt đầu tân thiên kỷ này, vương quốc ấy đã ban hành luật lệ cấm các việc phượng tự không phải là Phật Giáo và bỏ tù những ai vi phạm khoản luật này.
ĐGM nói: “Các vị linh mục Ấn Độ bị từ khước cấp giấy nhập cảnh”, mặc dù những người công dân thuộc khu vực nam lục địa này vẫn có thể được cấp chiếu khán thông hành.
Các nhà thẩm quyền tỏ ra lưỡng lự trong những trường hợp của các vị linh mục có những đặc tính người Mông Cổ, vì những đặc tính này tương tự như của cư dân Bhutan đã khiến các vị lọt vào cộng đồng này dễ dàng hơn, nhờ đó có cơ hội thực hiện những cuộc trở lại Kitô giáo. Mối lo sợ dụ giáo là nguyên nhân gây “ám ảnh” cho chính phủ nước này.
Thực ra, chính phủ cho phép được cử hành lễ tại các tư gia, thế nhưng, ĐGM này đặt vấn đề, “làm sao Kitô hữu có thể cử hành Thánh Lễ riêng tư nếu chính quyền không cho phép linh mục được vào xứ sở ấy?”
Sở dĩ nước này đã có những biện phát ngặt nghèo chống lại việc truyền bá phúc âm hóa này xẩy ra từ khi các vị mục tư Tin Lành bắt đầu rao giảng Phúc Âm cho dân chúng Bhutan, một vương quốc bằng nửa tiểu bang Indiana, ở biên giới Trung Hoa và Ấn Độ, và tìm cách để thực hiện một số trở lại. Chính quyền đã báo động và đã triệt hạ việc truyền bá phúc âm hóa. ĐGM này cho biết các vị linh mục thuộc giáo phận của ngài không cố gắng dụ giáo nhưng chỉ muốn phục vụ nhu cầu của Kitô hữu mà thôi.
Giáo Hội Công Giáo địa phương minh định trước trào lưu dụ giáo của các Kitô giáo phái
Ở Colombo nước Sri Lanka, sau khi các nhà thờ Công Giáo bị tấn công, hội đồng giám mục Công Giáo đã phải phổ biến một thông báo liên quan đến những gì được một số tăng ni Phật Giáo gọi là “những cuộc trở lại phi luân” và bởi đó họ đã yêu cầu chính phủ ban hành một đạo luật cấm những vụ như thế.
“Chúng tôi, các vị giám mục của Giáo Hội Công Giáo ở Sri Lanka rất lấy làm quan tâm về tình trạng xã hội náo động được cho rằng gây ra bởi một số hoạt động của các giáo phái Kitô giáo bảo thủ, nhất là bởi những yếu tố cực đoan.
“Cần phải nói rằng Giáo Hội Công Giáo không hề dính dáng gì tới bất cứ nhóm giáo phái nào ấy. Chúng tôi không ủng hộ bất cứ đường lối nào, như dụ dỗ về vật chất hay gây những áp lực bất xứng đã làm cho các nhóm này bị cáo giác là đã thực hiện để mang lại những gì được gọi là các cuộc trở lại phi luân”.
Tuy nhiên, hội đồng giám mục nước này chẳng những minh định vị trí của mình như thế mà còn lên tiếng nhắc nhở chính quyền về vấn đề tự do tôn giáo nữa.
Đức Dalai Lama chủ trương về vấn đề đối thoại liên tôn với Kitô giáo
Vị lãnh đạo tinh thần Phật GiáoTibetan đã lên tiếng kêu gọi Tây phương đừng theo đuổi Phật giáo như là một thứ thời trang văn hóa thuần túy.
Thật vậy, sau cuộc nói chuyện tại Câu Lạc Bộ Thế Kỷ 21 ở Khách Sạn Eurobuilding thủ đô Ma Ní Tây Ban Nha, ngày 8/10/2003, Đức Tenzin Gyatso, vị Dalai Lama thứ 14 và là vị lãnh đạo nước Tibetan lưu đầy, trước vấn nạn của các ký giả, đã phủ nhận ý nghĩ cho rằng những lần ngài gặp gỡ Đức Giáo Hoàng như là một thứ hỗn hợp hay như là một thứ thống nhất giữa Phật giáo và Kitô giáo.
Được hỏi về tương lai của Phật giáo ở Tây phương, vị đã từng đoạt giải hòa bình này đã trả lời là “người ta thuộc các truyền thống khác nhau cần phải giữ truyền thống của mình hơn là thay đổi. Tuy nhiên, có một số người Tibetan lại thích Hồi giáo thì họ có thể theo Hồi giáo. Một số người Tây Ban Nha thích Phật giáo, họ cũng có thể làm như thế. Nhưng hãy cẩn thận nghĩ về điều này. Đừng làm như vậy vì thời trang. Một số người bắt đầu là Kitô giáo, đoạn theo Hồi giáo, rồi sang Phật giáo, cuối cùng là rỗng tuyếch”.
Vị lãnh đạo tinh thần này cười lên mà nói: “Ở Hiệp Chủng Quốc tôi đã từng thấy người ta theo Phật giáo và phục sức theo Phật giáo. Giống như phong trào Thời Mới. Họ lấy Ấn giáo một chút, Phật giáo một chút, chỗ này một chút, chỗ kia một chút… Việc này không lành mạnh tí nào cả”.
Đức Dalai Lama này cũng nói đến các cuộc ngài gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II như sau: “Tôi rất hân hạnh được gặp Ngài ngay từ đầu. Ngài cũng là một đối phương chống Cộng, nên chúng tôi đã có cùng một kinh nghiệm, kinh nghiệm mất tự do. Cả tôi nữa, từ năm 1951. Chúng tôi có những cảm thức rất gần gũi với nhau. Tôi phải khen ngợi nghị lực của Ngài cũng như cảm thức của Ngài về nhân loại, cùng với việc Ngài nỗ lực xích lại gần hơn với các truyền thống và đạo giáo khác ở Assisi”.
Tuy nhiên, vị này đã đứt khoát về vấn đề đối thoại liên tôn như thế này: “không thể nào có vấn đề thống nhất” giữa Kitô giáo và Phật giáo: “Nếu quí vị muốn nói đến vấn đề liên hệ gần gũi hơn, hiểu biết hơn đang xẩy ra nơi các tôn giáo. Đối với thành phần thực hành theo cá nhân thì vấn đề chỉ có một chân lý, một tín ngưỡng là điều rất quan trọng. Có nhiều chân lý, nhiều tín ngưỡng là một điều mâu thuẫn. Tôi là một Phật tử. Bởi thế, đối với tôi Phật giáo là chân lý duy nhất, là tín ngưỡng duy nhất. Đối với bạn bè Kitô hữu của tôi thì Kitô giáo là sự thật duy nhất, là tín ngưỡng duy nhất. Đối với bạn bè Hồi giáo của tôi thì Hồi giáo là chân lý duy nhất, là tín ngưỡng duy nhất. Hiện nay tôi tôn trọng và ca ngợi bạn bè thân hữu Kitô giáo và Hồi giáo của tôi. Nếu quí vị muốn nói đến vấn đề thống nhất là hỗn hợp thì điều này không thể nào xẩy ra, vô ích”.
Các Phật tử Cam Bốt tấn công một Thánh Đường Kitô giáo
Chúa Nhật 13/7/2003, đang lúc cử hành Thánh Lễ, một thánh đường Kitô giáo ở miền đông nam Cam Bốt đã bị hơn 100 Phật tử ập vô cướp phá. Ông thống đốc Hun Neng vùng Svay Rieng sát biên giới Việt Nam đã cho biết như thế: “Hôm qua, hơn 100 người đã cướp phá nhà thờ Kitô giáo đang lúc hành lễ”. Đó là nhà thờ xứ Kok Pring, phá hủy cây thánh giá trên bàn thờ, đập vỡ các cửa sổ và quăng các cuốn sách Thánh Kinh vào những ao nước. Vị thống đốc này cho rằng thánh đường ấy có thể là của Công giáo. Cuộc tấn công gây một số thương tích. Những tay cướp phá tố cáo rằng các Kitô hữu tỏ vẻ coi thường cộng đồng Phật giáo là cộng đồng chiếm đa số ở một quốc gia Đông Nam Á 12.7 triệu người này. Cảnh sát đã giữ không cho thành phần Phật tử quá khích phá hủy ngôi thánh đường.
Qua Đài Phát Thanh Vatican, Cha Bernardo Cervellera, giám đốc Tin Á Châu, đã cho biết hầu hết Kitô hữu ở Cam Bốt từ Việt Nam tới. Tình hình căng thẳng giữa Cam Bốt và Việt Nam đôi khi đưa đến bạo động. Vị linh mục này tin rằng yếu tố đạo giáo không ảnh hưởng gì đến những cuộc căng thẳng này, vì công việc giúp các Kitô hữu, ít là cho Công giáo, nhất là về lãnh vực giáo dục, cũng phục vụ cả Phật tử nữa. Cha Cervellera cho biết “Có một làn sóng ồ ạt các thương gia và tị nạn Việt Nam sang Cam Bốt làm việc rồi trở về Việt Nam. Trong số những người này có một số người Thượng, những người Kitô hữu Việt Nam bị bách hại ở xứ sở mình, sang tị nạn ở Cam Bốt. Làn sóng ào ạt này gây ra những vấn đề về dân số và khiến cho tự ái dân tộc của người Cam Bốt bùng nổ để tự vệ”.
"Hòa bình phải ngự trị trong lòng người trước khi nó trở thành một thực tại xã hội"
Sứ Điệp của Tòa Thánh Vatican gửi Phật Tử mừng Lễ Phật Đản 2003
Hằng năm, vào ngày mừng Lễ Phật Đản, thường vào ngày trăng rằm cuối tháng tư hay đầu tháng năm hằng năm, ngày Phật tử chẳng những mừng Phật Tổ ra đời, mà còn mừng Phật Tổ giác ngộ và vào cõi niết bàn sau khi chết nữa, Tòa Thánh Rôma đều gửi một Sứ Điệp cho Phật tử. Năm ngoái 2002, ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn Francis Arinze đã nhắc lại biến cố 911 ở Hoa Kỳ và chia sẻ với họ về “việc cổ võ những giá trị nhân bản”. Năm nay, Đức Tổng Giám Mục tân chủ tịch của hội đồng này là Michael Fitzgerald cũng đại diện Tòa Thánh Vatican gửi cho Phật tử một sứ điệp khác liên quan đến vấn đề “cầu nguyện cho hòa bình thế giới” như sau:
Quí Bạn Phật Tử thân mến,
1. Với tư cách là tân Chủ Tịch của Hội Đồng Tòa Thánh về Việc Đối Thoại Liên Tôn, một cơ quan của Đức Giáo Hoàng phụ trách về việc liên hệ với con người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, tôi xin được chào quí bạn và gửi đến quí bạn sứ điệp chúc mừng này nhân dịp Lễ Phật Đản. Cử chỉ thân thiện đây, một cử chỉ đã được vị tiền nhiệm của tôi là Đức Hồng Y Francis Arinze khởi sự từ năm 1995, hầu như đã trở thành một truyền thống. Tôi muốn tiếp tục truyền thống tốt lành này và bày tỏ những lời chúc mừng chân thành của tôi với mỗi và mọi người trong quí bạn.
2. Quí bạn Phật tử thân mến, qua sứ điệp này, tôi xin kêu gọi qúi bạn hãy hiệp lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Nhận thấy tình hình thế giới hiện nay, chúng ta không thể nào không nhận thấy tính cách khẩn trương của vấn đề hòa bình thế giới. Từ khi tân Thiên Kỷ mở màn, được đánh dấu bằng biến cố thê thảm 11/9/2001, hằng ngày chúng ta chứng kiến thấy những cảnh tượng mới đổ máu, bạo động, xung đột và khủng hoảng ở hầu hết mọi phần đất trên thế giới. Giữa tình hình trầm trọng này, chúng ta không thể không dấn thân cho hòa bình thế giới.
3. Những người Kitô hữu và Phật tử chúng ta xác tín rằng nguồn gốc của tất cả mọi cuộc xung khắc tận kỳ cùng đều phát xuất từ tâm can của con người hướng chiều theo tham vọng vị kỷ, nhất là tham vọng về quyền lực, thống trị và giầu thịnh, những tham vọng thường bất kể đến những thiệt hại gây ra cho kẻ khác. Chúng ta cũng có cùng một xác tín là hòa bình phải ngự trị trong lòng người trước khi nó trở thành một thực tại xã hội. Bởi thế, đối với chúng ta, đường lối cốt yếu nhất và hiệu nghiệm nhất để phát triển hòa bình đó là làm hết sức để thấy được rằng cái vị kỷ đâm rễ sâu xa trong lòng người bị khống chế, nhờ đó con người mới được biến đổi thành những tay thủ công nghệ thực sự của hòa bình.
4. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Năm Mân Côi Trinh Nữ Maria từ tháng 10/2002 đến tháng 10/2003. Ngài đã thiết tha thúc giục việc thường xuyên lần hạt Mân Côi để cầu cho hòa bình thế giới. Ngài muốn phục hồi thói lệ lần hạt Mân Côi liên quan chặt chẽ với những hoàn cảnh lịch sử hiện nay, những hoàn cảnh cần cầu xin đại tặng ân hòa bình hơn bao giờ hết.
5. Hỡi quí bạn Phật tử, không phải là một trùng hợp lạ lùng hay sao việc quí bạn cũng có một truyền thống lâu đời sử dụng tràng Mala để cầu nguyện? Kinh Mân Côi đối với người Công giáo và kinh Mala đối với Phật tử là loại kinh nguyện đơn giản nhưng sâu xa và đầy ý nghĩa, mặc dù hình thức và nội dung của hai kinh nguyện này có những cái khác nhau về bản chất theo những giáo điều và giáo hành của chúng ta. Đối với người Công giáo thì kinh Mân Côi tiêu biểu cho thấy đường lối hiệu nghiệm nhất trong việc nuôi dưỡng việc chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô. Đối với Phật tử thì kinh Mala được sử dụng để khắc chế 108 thứ tham vọng tội lỗi hầu tiến đến cảnh giới Niết Bàn. Theo tính chất chiêm niệm của mình, hai kinh nguyện này có cùng một công hiệu trầm lắng nơi những ai dùng chúng nguyện cầu; chúng dẫn họ đến chỗ cảm nghiệm được hòa bình và hoạt động cho hòa bình, cũng như chúng làm phát sinh ra những hoa trái yêu thương. Đối với người Công giáo thì việc lập đi lập lại và việc suy niệm các thánh danh của những Ngôi Vị Ba Ngôi và Trinh Nữ Maria trong khi lần hạt Mân Côi làm cho chúng tôi mong muốn hơn nữa được đồng hòa tình yêu và lòng thương cảm của các Ngài đối với kẻ khác, nhất là đối với thành phần nghèo nàn và khổ cực. Theo truyền thống Phật giáo của quí bạn thì việc cầu kinh Mala giúp cho con người trở thành một con người xây dựng hòa bình.
6. Quí bạn Phật tử thâm nến, đây là những tư tưởng tôi xin được chia sẻ với quí bạn trong năm nay. Tôi tin rằng, bằng việc kiên tâm nguyện cầu, chúng ta sẽ góp phần vào việc phát triển hòa bình thế giới cả trong lúc này cũng như trong tương lai. Nguyện chúc quí bạn và gia đình quí bạn được bằng an trong ngày lễ Phật Đản cũng như trong mọi lúc.
Tổng Giám Mục Michael L. Fitzgerald,
Chủ Tịch
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến ngày 9/5/2003
Is Buddha Jesus's brother?
Có một sự trùng hợp là khi Tòa Thánh phổ biến sứ điệp gửi Phật tử để mừng ngày Phật Ðản của họ thì đồng thời tôi cũng nhận được câu hỏi sau đây của một huynh trưởng Thiếu Nhi Fatima đang sinh hoạt ở Ðoàn Pomona Tổng Giáo Phận Los Angeles. Bởi thế, tôi cũng xin phép được đăng nguyên văn câu hỏi của em (bằng Anh ngữ) và phần trả lời (bằng Việt ngữ) của tôi như sau:
----- Original Message -----From: THUY TRANSent: Sunday, May 11, 2003 10:36 PMSubject: Is Buddha Jesus's brother?
A Buddhist, now a Catholic, told me Buddha could walk ever since he was born, according to the Buddhist bible. He had angels that came down and served him when he was a baby. He went out to the world and lived just like Jesus. He not only died once, but 10 times for the sins of people. He finally went back to heaven after the tenth time because that was enough.What do you think of the above statements? Now if you say the Buddhist bible is making this up, how could you prove it? Couldn't it just be that Buddha was Jesus' brother helping the Father appeal to different people around the world since Jesus couldn't be present in so many places at a time?ThuyThúy mến,
Câu hỏi của Thúy liên quan đến "Buddhist bible" cũng như đến bản thân của Ðức Phật.
Trước hết, theo tinh thần đối thoại liên tôn, chúng ta phải tôn trọng những điều thuộc các đạo giáo khác, dù những điều đó không hợp với đạo giáo của mình, thậm chí có vẻ mê tín dị đoan. Chẳng hạn, những điều được gọi là mầu nhiệm của Kitô giáo, như mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người, mầu nhiệm một người trinh nữ lại sinh con mà vẫn còn đồng trinh, mầu nhiệm Con Người sống lại từ trong kẻ chết, mầu nhiệm Thăng Thiên và Mông Triệu, mầu nhiệm bánh rượu mà lại là Mình Máu Thánh v.v., đối với các đạo khác là những gì khó tin nhất và có vẻ hoang đường huyền thoại (myth). Ðó là lý do ở vào những thế kỷ đầu, những thế kỷ của 7 Công Ðồng Chung đầu tiên, tức cho tới cuối thế kỷ thứ 8, Giáo Hội đã phải đương đầu với rất nhiều lạc thuyết (false doctrines) và bè rối (schism). Ðó là lý do, Ðức Tin Kitô giáo nói chung (ngay từ đầu), và Ðức Tin Công Giáo nói riêng (sau năm 1054), phải là một Ðức Tin phản ảnh chẳng những Thánh Kinh (Holy Bible), mà còn cả Thánh Truyền (Apostolic Tradition) và Huấn Quyền (Magisterium) nữa. Bằng không sẽ rất dễ bị lầm lạc.
Riêng về Thánh Kinh, theo Kitô giáo, vì là một Bộ Sách Thánh tổng hợp tất cả những Chân Lý Mạc Khải vô cùng quan trọng liên quan đến Ðức Tin Cứu Ðộ của con người, mà Bộ Sách này cần phải được thẩm quyền tối cao của Kitô Giáo là Giáo Hội chuẩn nhận, không ai được tự ý thêm thắt, hay cắt nghĩa (interpretation) lệch lạc, hoặc chuyển dịch (translation) bậy bạ (không có phép của Giáo Hội). Về vấn đề chính truyền này (authentic) không biết Bộ Sách Thánh của các tôn giáo khác, trong đó có "Buddhist bible", thì ra sao? Những Bộ Sách Thánh ấy có một thẩm quyền tối cao nào công nhận chăng, hay tùy ý tín hữu, nhất là những nhà thông thái của đạo giáo ấy tùy tiện thêm thắt vào theo giòng thời gian. Cả những điều được ghi chép trong Sách Thánh cũng có thể được chuyển dịch hay cắt nghĩa khác nhau.
Trong bộ Kinh Dịch rất nổi tiếng của Khổng Giáo, một bộ sách được vị học giả là bác sĩ Nguyễn Văn Thọ nghiên cứu từ năm 1966, chuyển dịch và vừa xuất bản vào năm 1997, dài gần 1700 trang, ở "tập I Dịch Kinh yếu chỉ - hướng đi của thánh nhân", trang 28, vị dịch giả này đã viết về nội dung của bộ sách này là: "Chúng ta nên nhớ Dịch là do Trời truyền! Phục Hi, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử đều là những người đã được Thượng Ðế mặc khải, đều có những khối óc siêu việt. Các Ngài đã dầy công suy tư, khảo sát, ghi chú, sáng tác mới lưu truyền cho chúng ta được gia tài Dịch học quí báu ấy. Ði vào khoa Dịch học, ta phải cố gắng đạt cho được vi ý cổ nhân, tìm cho ra cội rễ cuộc đời, gốc gác vũ trụ, những định luật chi phối mọi sự biến thiên của đất trời, cũng như những viễn đích, cùng lý của quần sinh, và nhân loại..." Thế mà, với một bộ sách hết xẩy, một bộ sách siêu việt như vậy, một bộ sách được thần linh mạc khải như vậy mà vị học giả kiêm dịch gi này vẫn còn thấy một chỗ sai, như ông đề cập đến ở trang 20 như sau: "Tôi đã sửa một lỗi của Dịch. Dịch xếp Tứ Tượng như sau: Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm, Thái Dương. Tôi thấy không ổn. Vì con trai nhỏ (Thiếu Dương), lớn lên không thành được con gái lớn (Thái Âm), và con gái nhỏ (Thiếu Âm) không thể thành con trai lớn (Thái Dương). Nên cái mà Dịch gọi là Thiếu Dương, tôi gọi là Thiếu Âm, cái mà Dịch gọi là Thiếu Âm tôi gọi là Thiếu Dương, và ta sẽ có: Thiếu Âm, Thái Âm, Thiếu Dương, Thái Dương; đúng với lẽ Âm trưởng, Dương tiêu và Dương trưởng, Âm tiêu của trời đất".
Trường hợp điển hình trên đây cho chúng ta thấy những loại sách tuyệt vời nhất của các đạo giáo vẫn có thể bị con người thay đổi theo ý nghĩ của họ qua giòng thời gian. Nếu những bộ Sách Thánh ấy là chỉ nam và cẩm nang sống cho con người, hoàn toàn chất chứa những gì chính xác và tốt lành thiện lợi thì không ai được sửa. Mà nếu những bộ sách thần diệu này còn được sửa chữa thì làm sao có thể nói là Sách Thánh. Và một khi đã bị con người sửa chữa thì có nghĩa là những Bộ Sách Thánh ấy chứa đựng những sai lầm trong đó. Nếu người này sửa được theo ý mình thì người khác cũng sửa được theo ý họ, tùy theo những gì họ nghĩ là đúng. Ðó là lý do Giáo Hội Công Giáo rất nghiêm khắc và ngặt nghèo trong vấn đề chuyển dịch Thánh Kinh và cắt nghĩa Thánh Kinh. Bằng không, thay vì xây dựng và phát triển đức tin lại bị lạc đức tin hay mất đức tin hoặc phản đức tin, như kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy.
Về những điều liên quan đến bản thân của Ðức Phật được cho là phát xuất từ 'Buddhist bible' như Thúy lập lại ở đây, không biết thực sự có trong "Buddhist bible" ngay từ ban đầu hay chăng, hay do lòng sùng mộ Ðức Phật mà thêm thắt vào sau này. Nếu có thì cuốn "Buddhist bible" đầu tiên này phát xuất từ đâu? Chẳng hạn như câu "thượng thiên hạ địa duy ngã độc tôn" (trên trời dưới đất chỉ có một mình tôi là đáng tôn thờ), người thì bảo là chính Ðức Phật nói ngay khi vừa được sinh ra, người thì cho là do Phật tử đặt vào miệng Ðức Phật chứ không phải chính Ðức Phật nói, kẻo người đời cho Ðức Phật là kiêu ngạo quá. Nếu căn cứ vào giáo lý của Ðức Phật thì không có vấn đề Ơn Cứu Ðộ như bên Kitô Giáo, nghĩa là không có vấn đề con người được cứu độ, mà chỉ có vấn đề con người tự cứu độ, qua tiến trình diệt dục và luân hồi, thì câu chuyện Ðức Phật chết 10 lần vì tội lỗi của con người hoàn toàn phản lại với cốt lõi vấn đề tự cứu độ của giáo lý Phật Giáo. Và câu chuyện Ðức Phật là anh em của Chúa Giêsu không biết có trong "Buddhist bible" ngay từ ban đầu hay chăng, vì hai vị giáo tổ này sống cách nhau cả 500 năm? Mà nếu là anh em thì anh em theo kiểu nào? Còn vấn đề Ðức Phật với tư cách là anh em của Chúa Giêsu giúp Chúa Cha kêu gọi con người khắp nơi trên thế giới cùng với Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu không thể ở khắp mọi nơi là vấn đề hoàn toàn không có trong Thánh Kinh Kitô giáo và nghịch lại với đức tin Kitô giáo về quyền năng Phục Sinh của Chúa Giêsu. Giáo lý của Ðức Phật có những điều hoàn toàn trái nghịch với Phúc Âm của Chúa Kitô, chẳng hạn như vấn đề đầu thai luân hồi thay vì phục sinh, vấn đề tự cứu độ thay vì Ơn Cứu Ðộ v.v. thì làm sao Ðức Phật có thể giúp Chúa Cha kêu gọi con người ta theo đúng ý muốn của Ngài được hoàn toàn mạc khải nơi Chúa Kitô?
Theo đức tin Kitô giáo, để cứu độ toàn thể nhân loại từ tạo thiên lập địa cho tới tận thế, chỉ có một mình Vị Thiên Chúa nhập thể mới đủ tư cách và quyền năng làm được điều này. Thật ra, Ngài không cần phải nhập thể và tử giá mới có thể cứu độ con người. Tuy nhiên, vì con người hữu hình, dễ thiên về các thứ ngẫu tượng (idols), như Lịch Sử Cứu Ðộ của dân Do Thái cho thấy, mà Thiên Chúa là Thần Linh mới cần phải trở nên hữu hình (visible), mới cần phải tỏ mình ra một cách tỏ tường nơi Con Người Giêsu Kitô, để họ có thể nhận biết Ngài thực sự ra sao hầu được sống đời đời (xem Thư Thánh Gioan đoạn 1 câu 1-3). Việc Thiên Chúa tỏ tất cả bản thân của Ngài ra nơi Ðức Giêsu Kitô lên đến tuyệt đỉnh ở Cuộc Vượt Qua của Ðức Giêsu Kitô. Thật vậy, nơi Ðức Kitô Tử Giá, con người mới thấy được Thiên Chúa đã vô cùng yêu thương mình đến chừng nào. Phần Vị Thiên Chúa Nhập Thể là Ðức Giêsu Kitô cũng chỉ cần chết một lần duy nhất (chứ không cần đến 10 lần) cũng đủ cứu được toàn thể nhân loại. Theo Kitô Giáo, vấn đề con người được cứu độ, vì có cả hồn lẫn xác, họ chẳng những được cứu cho khỏi tội lỗi (về phần hồn) mà còn được cứu độ cho khỏi cả sự chết (về phần xác là hậu quả của tội lỗi) nữa. Do đó, Vị Thiên Chúa Nhập Thể là Ðức Giêsu Kitô chẳng những đã chết để hủy diệt sự chết mà còn sống lại để phục hồi sự sống, một sự sống trường sinh chẳng những cho phần hồn của con người mà còn cho cả phần xác của con người nữa, khi Thần Linh của Người sẽ làm cho thân xác của họ được phục sinh vinh hiển vào ngày tận thế.
Trong cả loài người, nhân vật được cứu độ đầu tiên là Trinh Nữ Maria nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, và là nhân vật nhờ đó được diễm phúc trực tiếp cộng tác với Thiên Chúa trong việc cứu độ toàn thể nhân loại tội lỗi, qua việc được Thiên Chúa chẳng những tuyển chọn làm Mẹ để thụ thai, cưu mang, hạ sinh và nuôi dưỡng Con Thiên Chúa Làm Người về huyết nhục trần gian, mà còn được Ngài cho đồng lao cộng khổ với Con của Ngài theo cấp độ ân sủng siêu nhiên nữa, hầu xứng đáng được Ngài đưa cả linh hồn vô nhiễm và thân xác trinh nguyên của Mẹ về trời.
Hy vọng những lời trình bày đơn sơ trên đây giúp trả lời phần nào vấn đề Thúy hỏi tôi. Xin Thần Linh Chúa luôn ở với tâm hồn bé nhỏ TNF chúng ta, để chúng ta lúc nào cũng được khôn ngoan như rắn song chân thật như bồ câu.
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
"Kitô Hữu và Phật Tử chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa sự sống"
Tòa Thánh Rôma Gửi Mừng Ngày Phật Đản 2002
Theo thông lệ hằng năm, ĐHY Francis Arinze, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối
Thoại Liên Tôn, đã gửi thư cho các Phật Tử nhân dịp Mừng Ngày Phật Đản 8/4 của
họ, một bức thư có nội dung “Phật Tử và Kitô Hữu Cổ Võ Một Nền Văn Hóa Sự Sống
Cho Tương Lai”, như sau:
Quí Bạn Phật Tử thân mến,
1.- Năm nay, nhân dịp Lễ Phật Đản, với tư cách của Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn của Tòa Thánh Rôma, tôi lại viết gửi đến quí bạn một lần nữa để bày tỏ tấm lòng chân thành chúc mừng quí bạn. Tôi cầu xin cho tất cả quí bạn Phật Tử của chúng tôi ở khắp nơi trên thế giới được hưởng một ngày lễ hạnh phúc và hoan hỉ.
2.- Khi gửi đến quí bạn lời chúc mừng này, tôi không thể không nhắc lại biến cố thê thảm của Ngày 11/9 năm ngoái. Từ ngày này, dân chúng khắp thế giới cảm thấy một nỗi lo âu sợ hãi mới đối với tương lai. Giữa một nỗi lo âu sợ hãi như thế, không phải hay sao, là những Kitô Hữu và Phật Tử, chúng ta có phận sự phải cùng với tất cả moi người thiện chí trong việc làm phấn chấn niềm hy vọng và xây dựng một nền văn hóa dưa trên niềm hy vọng này, để có thể góp phần làm cho thế giới được an bình hơn trong tương lai.
3.- Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên được đánh dấu bằng sự tiến bộ rất nhiều về kỹ thuật. Mức tiến bộ về kỹ thuật này đã đưa đến một số vấn đề về việc cổ võ những giá trị nhân bản, và đó chính là đề tài tôi xin được chia sẻ với quí bạn một vài tư tưởng.
Một trong những giá trị nhân bản quan trọng nhất chắc chắn phải là quyền sống, một sự sống phải được bảo vệ từ lúc đầu thai cho tới khi tự nhiên qua đi. Tuy nhiên, một sự mâu thuẫn cần phải quan tâm đến, đó là quyền sống này lại bị đe dọa bởi chính nền kỹ thuật tối tân tiến ngày nay. Sự mâu thuẫn này đã tiến đến chỗ tạo nên một thứ văn hóa sự chết, một thứ văn hóa sự chết đã được luật pháp cho phép, hay đang được luật pháp cứu xét để cho phép, phá thai, trợ an tử và những thí nghiệm về di truyền trên chính sự sống con người. Làm sao chúng ta lại không thể cho rằng thứ văn hóa sự chết này, một thứ văn hóa sự chết đe dọa gây ra tử vong cho những mạng sống của thành phần vô tội, bất lực và yếu liệt nhất, có liên hệ với những cuộc khủng bố tấn công, như ngày 11/9/2001, cuộc khủng bố tấn công đã làm cho cả mấy ngàn người vô tội bị thảm sát? Chúng ta phải nói rằng cả thứ văn hóa sự chết lẫn việc khủng bố tấn công này đều phát xuất từ sự khinh thường sự sống con người mà ra.
4.- Giáo huấn và truyền thống Phật Giáo công nhận việc phải tôn trọng tất cả mọi hữu thể có cảm giác, bất kể chúng có ti tiểu mấy đi nữa. Nếu một tạo vật có vẻ vô giá trị mà còn được trân trọng như vậy thì phải tôn trọng hơn biết bao đối với hữu thể con người, thành phần mà, theo niềm tin Kitô Giáo, được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như chính Thiên Chúa. Phẩm vị của hữu thể con người, và các quyền lợi của họ từ đó mà ra, thực sự đã là mối quan tâm hàng đầu của người Công Giáo trong những tháng ngày gần đây. Chính vì cùng có một lòng tôn trọng hữu thể con người mà Kitô Hữu và Phật Tử chúng ta mới cần phải xây dựng một nền văn hóa sự sống, một nền văn hóa hoàn toàn bảo vệ quyền sống của con người từ lúc sự sống đầu thai cho tới khi nó tự nhiên qua đi, và là một nền văn hóa hiện thực một cách cụ thể tất cả mọi điều kiện cần thiết cho hữu thể con người được sống một cuộc sống xứng đáng. Đây phải là đường lối để có thể đối đầu và chế ngự nền văn hóa sự chết.
5.- Niềm tin của chung chúng ta về việc tôn trọng sự sống con người trước hết phải được cắm rễ trong lòng người trước khi nó trở thành một thực tại xã hội. Ở đây tôi xin đặc biệt đề cập tới giới trẻ, thành phần mà tâm hồn của họ có lẽ đã bị ảnh hưởng xấu và đã bị tác dụng bởi những biến cố thê thảm họ đã được tận mắt chứng kiến. Việc giáo dục cho riêng giới trẻ biết tôn trọng sự sống phải là một trong những việc ưu tiên cấp thời của chúng ta. Qua những cộng đồng và tổ chức tôn giáo đáng tin cậy của mình, chúng ta có thể phác họa ra cách thức riêng để giáo dục giới trẻ, nhờ đó họ nắm được những niềm xác tín vững chắc về luân lý đạo đức cũng như về một nền văn hóa sự sống. Chỉ khi nào nền đạo đức luân lý và văn hóa sự sống tiến đến chỗ thịnh hành trong toàn thể xã hội, chúng ta mới có thể hy vọng rằng nguyên tắc về việc tôn trọng sự sống sẽ được thấm nhập vào tinh thần và luật lệ xã hội.
6.- Quí bạn Phật Tử thân mến, trên đây là những ý nghĩ tôi muốn chia sẻ với quí bạn trong năm nay. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn về tương lai với niềm hy vọng là nó sẽ mang lại cho tất cả mọi người một thế giới an bình và triển nở hơn. Chúc mừng Lễ Phật Đản!
Hồng Y Chủ Tịch Francis Arinze
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Màn Điện Toán Zenit ngày Chúa Nhật 8/4/2002)