ÐỐI THOẠI LIÊN TÔN VỚI ẤN GIÁO

 

Các Nhà Thờ Công Giáo ở Ấn Độ vẫn tiếp tục bị tấn công

Giáo Hội ở Ấn Độ vẫn lạc quan bất chấp các cuộc tấn công của thành phần Ấn Giáo cực thủ.

Các Tu Sĩ Chư Thừa Sai Bác Ái của Chân Phước Têrêsa Calcutta bị tấn công ở Ấn Độ

Nhóm Ấn Giáo cực thủ tấn công Giáo Hội Công Giáo ở Orissa

Chính Quyền Ấn Độ Tưởng Thưởng Trung Tâm Phục Hồi của Công Giáo ở Pananmbur

Sứ Điệp của Tòa Thánh Vatican gửi Tín Đồ Ấn Giáo dịp Lễ Ánh Sáng 2003

Những Người Cực Bảo Thủ Ấn Giáo và Dự Luật Chống Việc Trở Lại Công Giáo
“Chúng ta phải sẵn sàng chịu bách hại”

Sứ Điệp gửi Tín Đồ Ấn Giáo nhân dịp lễ Ánh Sáng 2002

         

 

Các Nhà Thờ Công Giáo ở Ấn Độ vẫn tiếp tục bị tấn công


Hôm Thứ Năm 9/12/2004, Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã cho cơ quan Fides biết rằng có một nhóm cuồng tín đã đập cửa ra vào và phá các cửa sổ cùng hủy hoại tượng Thánh Phanxicô ở ngoài nhà thờ vào ngày 3/12. Nhà thờ này là Nhà Thờ Thánh Phanxicô Assisi ở Mathal, giáo phận Kottar thuộc tiểu bang miền nam Tamil Nadu. Nhân viên điều tra đã tìm thấy trái bom không nổ thô sơ làm bằng tay ở bên trong nhà thờ này. Cảnh sát nói biến cố này gây ra bởi nhóm người Hồi Giáo cực thủ.


Những ngày trước đó vị linh mục và cộng đoàn giáo xứ này đã nhận được những lời đe dọa và những bản phỉ báng dán trên các bức tường của nhà thờ với chữ ký là Byath. Theo báo chí địa phương cho biết thì Byath là tên của một nhóm cực đoan địa phương. Cha sở ở nhà thờ này là linh mục Perpetual đã cho cơ quan Fides biết rằng ngài rất ngỡ ngàng trước cuộc tấn công này, vì “ở vùng này, những người Ấn giáo, Kitô giáo và Hồi giáo luôn sống bên nhau một cách thuận hòa”.


Trong khi đó, vào ngày 5/12, tiểu bang Chhattisgarh đã trở thành một cảnh tấn công khác phạm đến Kitô hữu. Những người nổi loạn Naxalite đã lục soát và đốt cháy Nhà Thờ Matha Mary ở ngôi làng Pusnar ở Giáo Phận Jagdalpur. Có một số em trai đột nhập vào nhà thờ lấy những cuốn sách thánh ca và sách lễ chạy mất khi thấy linh mục chánh xứ. Sau đó, khoảng 9 giờ tối, chừng 20 người đột nhập vào nhà thờ, chất rơm rạ trong nhà thờ và phóng lửa đốt nhà thờ.


Đức giám mục địa phương đã nói rằng cũng nhà thờ này đã bị tấn công 2 tháng trước đây. Hồi tháng 10, một nhóm đã vào nhà thờ ấy, lấy đi các đồ thánh và tượng ảnh, sau đó đến 4 gia đình người Công Giáo, cướp của họ những đồ vật quí giá.


ĐGM Simon Palathra của giáo phận Jagdalpur đã lên tiếng phàn nàn với cơ quan AsiaNews về sự kiện là “cho tới ngày hôm nay vẫn chưa bắt được những tay gây ra tội ác, mặc dù cảnh sát biết được thành phần tấn công”.


Theo vị giám mục này thì đám người Naxali, thành phần chịu trách nhiệm gây ra những biến động này, “không muốn những bộ lạc trở thành Công Giáo hay Ấn Giáo”. Họ muốn những bộ lạc này “vẫn giữ văn hóa bộ tộc của họ để họ dễ cai trị những bộ tộc ấy”. Đám người Naxali này hoạt động ở trung phần Ấn Độ và sử dụng võ lực để đòi hỏi các thứ quyền lợi cho những người dân quê sống không có lấy một mảnh đất.

 

top

Giáo Hội ở Ấn Độ vẫn lạc quan bất chấp các cuộc tấn công của thành phần Ấn Giáo cực thủ.


Theo Zenit loan báo ngày 3/11/2004, ĐHY Telesphore Toppo, TGM Ranchi và là chủ tịch của hội đồng giám mục Ấn Độ, đã cho Fides biết khi mới ghé thăm cơ quan truyền giáo hải ngoại này của Tòa Thánh rằng:


“Các phong trào cực đoan Ấn Giáo bao giờ cũng là một vấn đề. Những cuộc bạo động của thành phần cực thủ Ấn Giáo xẩy ra ở những vùng bất thường như Kerala cho thấy rằng đang có những lực lượng chống lại Kitô Giáo. Thế nhưng chúng tôi không sợ. Những cuộc bạo động này khiến chúng tôi trở nên thận trọng và khôn ngoan hơn mà còn kiên cường đức tin và chứng từ cuộc sống của chúng tôi nữa. Chúng là dấu hiệu cho thấy cộng đồng Công Giáo này đang sống động và hoạt động cũng như cho thấy rõ ràng việc hiện diện và chứng từ của chúng tôi”.


Nhận định về tình hình xã hội và tôn giáo sau mấy tháng hình thành một chính phủ trung ương mới do Đảng Quốc Hội lãnh đạo, vị hồng ý này cho biết: “Các chính phủ đang thực hiện việc đổi thay, và đó là vấn đề dân chủ. Thế nhưng những thứ đổi thay không xẩy ra đùng một cái; chúng cần có thời gian”.


“Đảng dân tộc chủ nghĩa Ấn Giáo là Baratiya Janata trong 6 năm nắm quyền bính đã thao túng tình trạng quan liêu quốc gia. Gia sản của cựu chính quyền này sẽ kéo dài nhưng dưới sự lãnh đạo quốc gia của Đảng Quốc Hội, chúng tôi hy vọng sẽ có đổi thay về tâm thức. Những cuộc bầu cử vừa rồi đã là một thành đạt của chế độ dân chủ và của tính cách tương nhượng, chúng tôi tin tưởng rằng tân chính quyền sẽ loại trừ được những vấn đề chính đang hành hạ Ấn Độ, như tình trạng nghèo khổ, mù chữ và sức khỏe mong manh.


“Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng Ấn Độ là một xứ sở rộng và nó là một chế độ dân chủ lớn nhất thế giới. Chế độ dân chủ đang làm việc. Đây là một niềm an ủi và chúng tôi lạc quan hướng về tương lai, và là những Kitô Hữu Ấn Độ chúng tôi sẵn sàng thực hiện việc đóng góp của mình cho thiện ích của xứ sở này.


“Giáo Hội ở Ấn Độ thường bị nhìn bằng con mắt thành kiến, ngờ vực, và những hoạt động xã hội cũng như bác ái được coi như là hoạt động dụ giáo”.


Để thắng vượt những tâm tưởng ấy, “Giáo Hội địa phương cần phải tỏ ra cho quần chúng thấy bộ mặt đích thực của mình. Đó là lý do tại sao việc dấn thân của Giáo Hội nơi lãnh vực truyền thông là những gì rất quan trọng. Thiên Chúa là đệ nhất truyền thông gia. Ngài đã truyền đạt cho nhân loại khi sai Con Ngài là Đức Giêsu Kitô. Ngày nay, Giáo Hội được kêu gọi để tiếp tục sứ vụ truyền thông Tin Mừng của Chúa.


“Nơi phần xã hội này, chúng tôi cần phải cải tiến, chúng tôi cần phải hiện diện hơn nữa ở các tiểu bang Ấn Độ, để làm cho sự thật được thắng thế và làm sáng tỏ tất cả những gì Giáo Hội làm nơi lãnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển”.

top

 

 

Các Tu Sĩ Chư Thừa Sai Bác Ái của Chân Phước Têrêsa Calcutta bị tấn công ở Ấn Độ


Cha Babu Joseph Karakombil, phát ngôn viên của hội đồng giám mục Ấn Độ đã nói với Cơ Quan Tín Vụ Fides như sau:


“Chúng tôi cực lực lên án hai cuộc tấn công các tu sĩ Chư Thừa Sai Bác Ái xẩy ra hôm qua (Chúa Nhật 26/9/2004) ở Kerala. Chúng tôi rất lo âu về tình hình tái phát hiện những nhóm cực thủ Ấn Giáo đang tìm chỗ đứng chính trị. Thế nhưng chúng tôi cũng đã nhận được tình đoàn kết từ các tổ chức, những cơ quan dân sự và nhiều nhóm Ấn giáo, Hồi giáo và Phật giáo”.


Những cuộc tấn công xẩy ra ở tỉnh Pantheerankave, miền bắc Cochin thuộc tiểu bang Kerala, miền nam Ấn Độ. Tỉnh lỵ này là một tỉnh lụp xụp tồi tàn của thổ dân Ấn không có giai cấp. Cuộc tấn công đầu tiên xẩy ra vào buổi trưa khi một nhóm tu sĩ Chư Thừa Sai Bác Ái đến phân phát thực phẩm như thường lệ cho dân chúng ở tỉnh lỵ này. Đang khi có mấy gia đình đang xin các sơ giúp đỡ thì một nhóm 5 người đã nhào đến tấn công xe của các tu sĩ bằng gậy và giây xích. Trong khi tấn công, họ hô hào những khẩu hiệu nói lên ý hệ quốc giáo Ấn Độ.


Hai chị dòng và người tài xế bị thương tích. Một nhóm tu sĩ Chư Thừa Sai Bác Ái khác thấy vậy tiến đến thì chính nhóm thứ hai này cũng bị 30 người khác tấn công. Mẹ bề trên bị đập vào đầu và một nữ tu cùng 2 sư huynh dòng này bị thương. Những tay cực thủ Ấn Giáo đã cố gắng để tống các tu sĩ này ra khỏi chiếc xe của các vị nhưng không thành công.


Tất cả những tu sĩ bị thương đều được mang vào nhà thương, trong đó một chị bị thương nặng. Tình hình đã không đi đến chỗ xẩy ra quá trầm trọng là vì có một số phụ nữ địa phương đã ra mặt chống đối. Đức Giám Mục địa phương là Joseph Kalathiparambil giáo phận Calicut đã đến thăm các nữ tu và nói rằng ngài sẽ tường trình cuộc tấn công này lên thẩm quyền quốc gia.


Vẫn biết việc bác ái của các tu sĩ dòng Chân Phước Têrêsa Calcutta hoàn toàn có tính cách nhân đạo bất phân biệt giai cấp và niềm tin, nhưng trước mắt thành phần cực thủ thì đó là cách dụ giáo của Kitô hữu Công Giáo, khiến cho tín đồ Ấn Giáo trở lại Công Giáo.


Cảnh sát đã bắt giữ 9 kẻ tấn công, trong khi đó Bharatiya Janata Party (BJP) hoạng động theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo và các nhóm khác chối không phải họ gây ra các cuộc tấn công ấy. Tuy nhiên, theo lời các tu sĩ Chư Thừa Sai Bác Ái thuật lại thì “những kẻ tấn công hô hào những câu khẩu hiệu như ‘muôn năm BJP”.


Các hiệp hội và phong trào Kitô hữu khắp tiểu bang Kerala đã phổ biến lời tuyên cáo chung để bày tỏ sự phẫn nộ và quan tâm về biến cố bị họ nghiêm trọng lên án, và bênh vực hoạt động của Hội Dòng Mẹ Têrêsa.


Cha Babu Joseph Karakombil tin rằng ý đồ của những kẻ tấn công là “tấn công tình trạng ôn hòa luôn chi phối quốc gia Kerala”. Cha cho rằng việc sát hại cha Job Chittilappily một tháng trước đây là một “dấu hiệu đang lo ngại” và cuộc tấn công này vào chư thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa là thành phần luôn được “coi trọng ở khắp Ấn Độ”.


Kitô hữu chỉ có khoảng 2% dân số 1 tỉ người của Ấn Độ, Công Giáo được 17 triệu. Ấn Giáo chiếm 80% dân số.

top

 

Nhóm Ấn Giáo cực thủ tấn công Giáo Hội Công Giáo ở Orissa

Sau biến cố phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta một tháng, cộng đồng Công Giáo ở phía đông Ấn Độ thuộc tiểu bang Orissa đã bắt đầu bị tấn công, bởi một nhóm nam nhân cưỡi xe gắn máy thuộc các phong trào cực thủ Ấn Giáo Vishwa Hindu Parishad và Bajrang Dal. Họ đã đốt nhà thờ, hiếp các nữ tu và đốt các Sách Thánh.

Ngày 21/11/2003, những tay háo thắng Ấn Giáo đã đốt một nhà thờ ở Deogarh phía tây Orissa. Cuộc tấn công này xẩy ra sau khi đã thực hiện những hành động cướp phá. Ngày hôm trước, những tay băng đảng mặc quần áo mầu sắc saffron là mầu tiêu biểu cho chủ trương của Hindutva tụ tập trước tư gia của vị thống đốc vùng và bắt đầu đốt các cuốc Sách Thánh cùng với các thứ sách khác của người Kitô giáo. Sau đó họ đến làng Rajamunda, đột nhập vào nhà thờ và hiếp một nữ tu phục vụ tại giáo xứ này. Giáo Hội địa phương đã cực lực lên án hành động bạo loạn này và chính quyền địa phương cũng đang theo dõi nội vụ.

Trước đó ít ngày đám băng đảng này đến làng Amulpani để đặt vấn đề với 4 người Ấn Giáo đã trở lại Công Giáo. Từ đó họ đến Jhareikela là nơi họ bao vây nhà của một vị mục sư Tin Lành và hủy hoại các sách vở Kitô Giáo.

Subash Chouhan, đại diện cho phong trào cực thủ Bajrang Dal đã công khai phủ nhận các tay hiếu chiến của mình có dính dáng đến những chuyện khủng bố tấn công này. Thế nhưng, Hội Đồng Tòan Cầu Kitô Hữu Ấn Độ (GCIC Global Council of Indian Christians) đã yêu cầu cảnh sát điều tra nội vụ và tìm cách bảo vệ thành phần tôn giáo thiểu số khỏi bị tấn công bởi các nhóm cực thủ Ấn Giáo. Ngoài ra, nội vụ còn được trình lên Uỷ Ban Quốc Gia về Các Thành Phần Thiểu Số và Ủy Ban Quốc Gia về Nhân Quyền can thiệp nữa.

Tiểu bang Orissa có dân số là 36 triệu người, hầu hết là Ấn giáo, một tiểu bang được cai trị bởi Đảng Hindu Bharatiya Janata là đảng cực lực chống lại những cuộc trở lại Kitô giáo hay Phật giáo. Tiểu bang này là một trong các tiểu bang khác, như Gujarat và Tamil Nadu đã ra luật bắt buộc những ai muốn thay đổi tôn giáo của mình phải có giấy phép của thẩm quyền địa phương. Những nhóm thiểu số tôn giáo đều chống lại khoản luật kỳ thị tôn giáo này.

top

 

Chính Quyền Ấn Độ Tưởng Thưởng Trung Tâm Phục Hồi của Công Giáo ở Pananmbur

Giải thưởng nhân danh Bộ Nhân Lực và Phát Triển đã được trao cho ông Edward Lobo, Giám Đốc Trung Tâm Manasa về các dịch vụ của trung tâm này giành cho trẻ em bị tật nguyền về thể lý và tâm trí. Trung Tâm Manasa được điều hành bởi “Sabba”, một hội từ thiện ở 150 giáo xứ thuộc giáo phận Mangalore với mục đích để cải tiến các tình trạng kinh tế xã hội của cộng đồng Công Giáo.

Trung tâm này được bắt đầu từ năm 1991 dưới hình thức như là một trường học dạy trẻ em bị khuyết tật về tâm trí, rồi trở thành một ngôi nhà và những trung tâm phục hồi. Năm 1997, trung tâm này đã giúp cho 47 em, hiện nay đang giúp cho 155 em trong khắp tiểu bang Karnataka. Những em trai được đạy làm việc tay chân và các em nữ học sơn những tấm thiệp chúc mừng. Cả hai phái đều chơi các môn thể thao. Cuộc Thi Trò Chơi Trẻ Em Tật Nguyền Toàn Quốc Năm 2002 (hay Thế Vận Hội Đặc Biệt), trung tâm này đã đoạt 14 huy chương, trong đó có 5 vàng và 4 bạc. Hiện nay đã có 6 em bắt đầu được hội nhập vào thế giới bình thường, tức được học ở những trường bình thường, chứ không phải ở những trường hay lớp đặc biệt giành riêng cho các em nữa.

Việc tưởng thưởng này của chính quyền Ấn Độ cho thấy họ không đến nỗi cực đoan hay tất cả mọi người Ấn giáo đều là thành phần cực đoan. Ngoài ra, cử chỉ nhìn nhận sự thiện này cũng còn cho thấy nơi mọi tôn giáo chân chính (chứ không phải thứ đạo tà ma, đạo thờ Satan hiện nay chẳng hạn) đều chất chứa hạt giống chân thiện. Trường hợp của Hồi giáo cũng thế.

Theo cơ quan truyền giáo Misna cho biết thì ở Khartoum Sudan, chính quyền Hồi Giáo cực đoan nhất Phi Châu ở Sudan vào cuối Tháng 10/2002 đã tặng bằng khen cao cấp của Tổng Thống Omar Hassan al-Beshir cho Nữ Tu Callista Cozzi, 81 tuổi, người từ năm 1946 đã quyết định hiến đời mình cho nước Sudan. Họ đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho nữ tu này về hoạt động hộ sinh không ngừng của nữ tu tại phân khu sinh nở ở Omdurman, một tỉnh gần thủ đô Khartoum. Chính vị nữ tu này đã mở một bệnh viện 200 chỗ, một trong những trung tâm sức khoẻ chính ở Sudan. Nữ tu cho biết “Việc tuyên dương này làm tôi vinh dự, nhưng chẳng phải riêng tôi song cả cộng đồng Comboni mà tôi là phần tử nữa”. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Hồi Giáo của tổng thống al-Beshir tuyên dương công trạng của vị nữ tu này. Vào Tháng Giêng vừa rồi, vị lãnh thủ quốc gia đã “nhân danh Allah nhân hậu” trao cho nữ tu này một bằng danh dự quan trọng nhất, Đệ Nhất Huân Công, để bù đắp “cho hoạt động tuyệt hảo của nữ tu trong việc phục vụ bền lâu và không ngừng đối với các bà mẹ và con trẻ”. Năm 1995 Bộ Sức Khoẻ Quốc Gia cũng đã tôn vinh hoạt động của nữ tu này.

Cử chỉ tưởng thưởng cho một trung tâm Công Giáo hoạt động bác ái xã hội trên đây thật là một cử chỉ hết sức đặc biệt và ngoại lệ trong một thời điểm chính quyền Ấn Độ đang được lãnh đạo bởi đảng Ấn Giáo ái quốc quá khích. Thực tế cho thấy, Kitô giáo và Hồi giáo bị bắt bớ tại Ấn Độ. Có những nơi ra luật cấm kèm hình phạt không cho một tín đồ Ấn giáo nào được trở lại Kitô giáo. Đối với Hồi giáo, cuộc bách hại liên quan đến chính trị, còn với Kitô giáo liên quan đến tôn giáo. Thật vậy, hai nước Ấn Độ và Pakistan đã từng tranh chấp với nhau cả bao thập niên, với những trận chiến đụng độ xẩy ra ở biên giới Kashmir. Trong khi đó những người Hồi giáo Pakistan ở Ấn Độ cùng với những người Hồi giáo Ấn Độ ở Bangladesh đã làm nên một khối ở Ấn Độ. Pakistan với dân số 100 triệu trước một Ấn Độ 1 tỉ dân có lần đã tỏ cử chỉ làm hòa bằng việc gửi trợ giúp cho Ấn Độ khi Ấn Độ gặp thiên tai động đất.

Đối vối Kitô giáo, Ấn Độ từ hồi Thánh Phanxicô Xavier trong thế kỷ 16 đã được các vị thừa sai Kitô giáo truyền giáo càng ngày càng nhiều, đến nỗi đã làm cho những giai cấp dalits bần cùng trở về Kitô giáo, khiến thành phần ái quốc quá khích phẫn nộ. Tuy nhiên, cuộc phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta chính quyền Ấn Độ dường như tỏ ra muốn phục hồi lại hình ảnh của mình trước mắt quốc tế.

top

Sứ Điệp của Tòa Thánh Vatican gửi Tín Đồ Ấn Giáo dịp Lễ Ánh Sáng 2003

Các Bạn Ấn Giáo thân mến,

1.- Năm nay, một lần nữa, tôi hân hoan gửi đến quí bạn lời chào hỏi và chia sẻ với quí bạn một sứ điệp ngắn vào dịp lễ Ánh Sáng, lễ quí bạn cử hành theo truyền thống tôn giáo đáng kính của quí bạn. Tôi biết rằng trong số nhiều lễ của Ấn giáo được quí bạn cử hành trong năm thì riêng lễ này có một vị thế đặc biệt đối với quí bạn cũng như với gia đình của quí bạn. Lễ Ánh Sáng là thời gian để gia đình tụ họp lại với nhau, và để cử hành một cách ý vị các thứ lễ nghi được qui định theo truyền thống cổ kính. Tôi xin gửi đến từng người trong quí bạn cùng toàn thể gia đình quí bạn những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi.

2.- Các ngày lễ về tôn giáo mời gọi chúng ta chẳng những canh tân mà còn củng cố niềm tin tưởng của chúng ta vào Thiên Chúa là Sự Thiện Tối Cao của hết mọi người nữa, cũng như để làm tái sinh động các mối liên hệ của chúng ta với nhau, thế nhưng, những ngày lễ ấy cũng mời gọi chúng ta hãy tái nhận thức, nghiêm cẩn tái xác nhận và can đảm bênh vực phẩm vị riêng của chúng ta và của hết mọi con người được Thiên Chúa dựng nên. Tôi không thể nào quên được sự kiện là vào dịp lễ Ánh Sáng, một số tín đồ Ấn giáo cố gắng hết sức để mang lại hòa giải nơi các gia đình và giữa hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu và những người quen biết với nhau. Tại sao người Công giáo và Ấn giáo không phát triển những nỗ lực này để mang lại sự hòa giải rộng hơn nữa cũng như một nền hòa bình lâu bền hơn nữa nơi phố thị và thôn làng của chúng ta, thậm chí nơi toàn thể xứ sở và thế giới của chúng ta?

3. Lòng mến yêu Thiên Chúa và tình yêu thương tha nhân là cốt lõi của đức tin Kitô giáo. Là một nhà lãnh đạo tôn giáo, tôi sẽ làm mất đi uy tín nếu tôi để cho sự thật nền tảng này bị lu mờ đi. Các truyền thống Ấn giáo khác nhau của quí bạn đã hùng hồn nói đến chẳng những tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta đối với Ngài mà còn đến cả tình yêu nhân loại cần phải có đối với nhau nữa hay sao? Phẩm vị nơi mọi người bởi Thiên Chúa là Đấng Hóa Công của tất cả mọi sự mà có, và việc cổ võ, bảo vệ và bênh vực phẩm giá này làm nên toàn vẹn đời sống của hết mọi tín hữu. Dịp lễ Ánh Sáng cống hiến cho chúng ta đầy những suy tư ở chỗ truyền thống Ấn giáo cho chúng ta biết ánh sáng thắng vượt bóng tối ra sao, sự thiện chiến thắng sự dữ thế nào, và hận thù phải nhường bước cho yêu thương tha thứ ra sao.

4. Kitô giáo và Ấn giáo tín đồ chúng ta có thể làm gì để cổ võ và bảo vệ phẩm vị của hết mọi con người đây? Việc xúc phạm đến chỉ một con người duy nhất mà thôi, khi được thực hiện nhân danh tôn giáo, thì chẳng phải là tất cả truyền thống đạo giáo đã bị lạm dụng hay sao? Lề luật Ấn giáo hay đức tin Kitô giáo đều không hề dạy tín đồ của mình thù hằn oán ghét, khinh bỉ hay bất kính kẻ khác. Hận thù và bất kính nơi các tín đồ ton giáo chỉ mang lại tình trạng mất uy tín về tôn giáo cũng như vai trò của tôn giáo nơi xã hội. Trái lại, chúng ta càng dấn thân mình để cổ võ phẩm vị của hết mọi người thì truyền thống tôn giáo của chúng ta mới càng trở nên khả tín trước mắt của người khác.

5. Những đề nghị của quí bạn về cách thức để đạt thành điều này sẽ là những gì đáng đón nhận nhất. Những đề nghị ấy có thể được trực tiếp gửi cho Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn, văn phòng của Đức Giáo Hoàng về những mối liên hệ với con người khác truyền thống tôn giáo, hay gửi cho các vị lãnh đạo và phần tử của Giáo Hội Công Giáo ở miền của quí bạn. Chúng ta hãy đến với nhau và cùng chia sẻ các mối quan tâm chung, cố gắng chuyên chú lắng nghe nhau. Chúng ta hãy chân tình nói chuyện, nhận biết trách nhiệm riêng của chúng taliên quan đến những việc chọn lựa cần phải có để giải quyết những vấn đề hiện đại trên thế giới ngày nay.

6. Quí bạn Ấn giáo thân mến, chớ gì quí bạn, gia đình quí bạn, bạn bè và ngay cả những kẻ xa lạ ở giữa quí bạn cảm được niềm vui, an bình, vững tâm và ánh sáng trong dịp lễ Ánh Sáng, một lễ được biểu hiệu bằng vô số những ngọn lửa, Deepavali.

Tổng Giám Mục Michael L. Fitzgerald, chủ tịch.
 

{Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 14/10/2003}

 

top

 

Những Người Cực Bảo Thủ Ấn Giáo và Dự Luật Chống Việc Trở Lại Công Giáo

 

ĐTGM Calcutta Lucas Sirkar, qua cuộc phỏng vấn với cơ quan Fides dịp đợt giám mục thứ hai sang viếng thăm ngũ niên Tòa Thánh  (chấm dứt vào ngày thứ ba 3/6/2003) đã cho biết về tình hình con số 2% Kitô hữu Ấn Độ trong 1 tỉ dân. Theo ngài thì Kitô hữu Ấn Độ đang quan tâm đến những nhóm cực thủ Ấn Giáo bị tác động bởi ý hệ duy quốc quá khích.

 

“Những nhóm này cản trở sứ vụ của chúng tôi trong việc loan báo Tin Mừng: vì Phúc Aâm, Lời Cứu Rỗi, Chúa Giêsu Kitô là để cho tất cả mọi người Aán Độ. Mặc dù không phải tất cả mọi người Aán Giáo là những cực bảo thủ nhưng nhiều người trong họ lo sợ những cuộc trở lại Kitô giáo. Ý nghĩ của họ về vấn đề trở lại đó là qua những phương tiện phục vụ xã hội những người Kitô hữu lôi kéo dân chúng, dụ dỗ họ, để làm tăng số Kitô hữu lên. Thế nhưng, thái độ lo sợ này là những gì vô lý, vì lương tâm của hết mọi người cần phải được tự do. Chúng tôi đã tổ chức những cuộc họp để giải thích vấn đề trở lại theo quan điểm Kitô giáo, và đã giúp cho nhiều người Aán giáo hiểu được chủ trương của chúng tôi.

 

Tuy nhiên, họ than rằng có những Kitô hữu khác dính dáng đến vấn đề dụ giáo, nhất là các nhóm anh chị em Thệ Phản Tin Lành tiếp tục lan tràn và xây cất những nhà thờ bất kể tình hình xẩy ra. Đó là lý do tại sao những người cực bảo thủ có khuynh hướng cho tất cả mọi Kitô hữu lại thành một nhóm và bắt đầu thực hiện việc bách hại. Một số tiểu bang như Gujarat, Uttar Pradesh và Tamil Nadu đã chấp thuận một dự luật chống lại vấn đề trở lại và việc đi trước làm gương này đang lan tràn sang các tiểu bang khác trong liên bang.

 

“Với tư cách hội đồng giám mục Công Giáo, chúng tôi đã bày tỏ việc phản đối dự luật này bằng một bản công bố chính thức, trong đó, chúng tôi kêu gọi hãy tôn trọng quyền tự do lương tâm cũng như những quyền căn bản của hết mọi người. Chúng tôi cầu xin Chúa giúp dân chúng hiểu được tinh thần làm việc của chúng tôi, và chúng tôi cũng cầu cho những kẻ bách hại chúng tôi để họ tiến tới chỗ hiểu biết mà chấp nhận Lời Chúa. Chúng tôi cũng nỗ lực thực hiện mức tiến bộ trong việc xây dựng hòa bình, vấn đề đại kết và đối thoại liên tôn với tín đồ Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Sikh.

 

Với tất cả những tôn giáo này, chúng tôi đã có những cuộc họp để bàn đến phương tiện loan truyền hòa bình và hòa hợp bằng việc hiểu biết nhau và thông cảm với nhau hơn. Chúng tôi muốn cho hết mọi người đều được tự do và hạnh phúc”.

 

Nói về tình hình ở TGP Calcutta, nơi có 150 ngàn người Công giáo, ĐTGM chủ chiên đã cho biết: “Để loan truyền tình yêu Thiên Chúa, cần phải thực hiện việc huấn luyện đàng hoàng cho hàng giáo sĩ và giáo dân. Tổng giáo phận của chúng tôi được tổ chức một cách tốt đẹp, với 35 giáo xứ tham gia vào các dịch vụ mục vụ và xã hội khác nhau. Tiếc thay, chúng tôi chỉ có 72 vị linh mục, do đó chúng tôi vất vả làm việc với thành phần giới trẻ của chúng tôi để khuyến khích ơn kêu gọi. Năm ngoái chúng tôi ghi danh được 22 tân chủng sinh. Chúng tôi làm việc gần gũi với các giáo lý viên của chúng tôi, thành phần là cánh tay của Giáo Hội: Họ tiến đến với cõi lòng của trẻ em và người lớn. Rất cần phải cung cấp cho các giáo lý viên việc huấn luyện thích hợp. Mỗi giáo xứ có tối thiểu 2 giáo lý viên”.

 

Về Mẹ Têrêsa Calcutta, ĐTGM nói:

 

“Để hiểu được tinh thần của Mẹ Têrêsa, chúng ta phải hiểu được tình yêu của Mẹ đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Linh đạo của Mẹ chỉ là linh đạo Thánh Thể. Thánh Thể là khởi điểm cho hết mọi người Công giáo, vì Thánh Thể là nguồn mạch vui mừng và an bình. Thánh Thể đã dạy cho Mẹ Têrêsa cũng như dạy cho tất cả mọi người chúng ta làm thế nào để hy hiến bản thân mình cho kẻ khác, làm thế nào để trở nên con cái của Thiên Chúa. Mẹ Têrêsa đã có thể phục vụ thành phần nghèo khổ là nhờ Thánh Thể, và lòng can đảm của Mẹ để nói với hết mọi người, Aán giáo, Hồi giáo, vô thần, từ Thánh Thể mà ra. Đó là gia sản lớn lao Mẹ Têrêsa đã để lại cho chúng ta! Uũy ban tổ chức (ngày phong chân phước cho Mẹ) đang làm việc. Các việc cử hành ở Calcutta đây sẽ tiếp tục sau lễ phong chân phước và kết thúc vào ngày 9/11/2003 với một Thánh lễ trước sự hiện diện của các vị thẩm quyền tôn giáo lẫn dân sự khắp Aán Độ. Ngày nay Mẹ Têrêsa là một bà mẹ hoàn vũ; Mẹ thuộc về toàn thể Giáo Hội, toàn thể thế giới. Đó là công cuộc của Thiên Chúa, Đấng đang cứu độ thế giới. Cấn chúng ta phải làm sao nhận ra việc can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại”.

 

top


“Chúng ta phải sẵn sàng chịu bách hại”


Theo tin tức của màn điện toán Zenit ngày Thứ Năm 7/11/2002, Mẹ Bề Trên Dòng Nữ Thừa Sai Bác Ái là Dì Nirmala, vị kế thừa Mẹ Têrêsa Calcutta, có cha mẹ là những người Ấn Giáo rất sùng đạo và thuộc giai cấp cao nhất, giai cấp Brahmans. Được giáo dục theo truyền thống theo các giá trị của xã hội Ấn Giáo, nhưng Dì đã khám phá ra Chúa Kitô và Phúc Âm của Người một cách bất ngờ. Sau đây là câu chuyện Dì trao đổi với vị linh mục thừa sai Felix Lazcano:


Vấn: Dì Nirmala là ai?


Đáp: Dì Nirmala là một người con của Thiên Chúa.


Vấn: Làm sao Dì lại nhận biết Chúa Giêsu Kitô?


Đáp: Tôi không muốn trở lại Kitô Giáo. Tôi không biết gì về Kitô Giáo, và tôi rất sung sướng là một người Ấn Giáo. Tuy nhiên, trong thành phố của tôi lại không có một học viện nào cho nữ giới cả, nên tôi đã ghi danh học ở Đại Học Nữ Giới Patna là một học viện Công Giáo. Sau mấy ngày ở đó, có một người con gái Ấn Giáo, một người sinh viên Hoa Kỳ đã quì xuống bắt đầu cầu nguyện khi nghe thấy chuông kêu. Tôi vẫn đứng và nhìn cô ta thì có một cái gì đó xẩy ra, đó là một biến chuyển nhè nhẹ ở trong linh hồn tôi và tôi cảm thấy Chúa Giêsu sống động đã đến với tôi. Từ đó trở đi, tôi bắt đầu đặt nhiều vấn đề về Chúa Giêsu, để rồi sau 6 năm rưỡi, tôi đã tới Calcutta, gặp Mẹ Têrêsa và đã được rửa tội.


Vấn: Dì cảm thấy ra sao về việc kế vị Mẹ Têrêsa?


Đáp: Đó là một điều ngoài dự tưởng và bất xứng; là ơn của Chúa Giêsu. Tôi thấp hèn trong chức vụ này. Đó là một tặng ân, nên tôi xin chấp nhận.


Vấn: Thế nhưng công việc làm bề trên tổng quyền của Dì đâu phải là một chuyện dễ dàng gì?


Đáp: Phải, nếu tôi cậy mình; bằng nếu tôi dựa vào Thiên Chúa, cũng như được Chị Em nâng đỡ thì tôi có thể thực hiện công việc này mỗi ngày.


Vấn: Sau khi Mẹ Têrêsa qua đời thì hội dòng của Dì phải đối diện với những thách đố nào?


Đáp: Cũng như thế thôi, cũng chỉ là việc sống hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Đây là cuộc đối chọi hằng ngày của chúng tôi.


Vấn: Những đặc tính nổi bật nhất trong linh đạo của Dì là chi?


Đáp: Đó là làm giãn cơn khát khao tất cả chúng ta của Chúa Giêsu trên thập giá và yêu thương thành phần bần cùng nhất. Yêu thương và phục vụ. Các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái tuyên lời khấn thứ bốn thêm vào các lời khấn truyền thống khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục, đó là lời khấn tự nguyện hết lòng phục vụ người bần cùng nhất.


Vấn: Phải chăng những cuộc bách hại và những cơn khốn khó thường xẩy ra cho Kitô hữu ở Ấn Độ?


Đáp: Nếu chúng ta là Kitô hữu, chúng ta phải sẵn sàng chịu bách hại. Đó là vấn đề sống đúng với những gì chúng ta là. Người đã hiến sự sống mình vì chúng ta, và nếu chúng ta không tự nguyện hiến sự sống mình thì chúng ta đang làm gì trên thế gian này đây?

 

top

 

Sứ Điệp gửi Tín Đồ Ấn Giáo nhân dịp lễ Ánh Sáng 2002


Vào ngày 6/11/1999, ngày Lễ Ánh Sáng của Ấn Giáo, ĐTC đã ban hành Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu ở Tân Đề Ly Ấn Độ. Năm nay, 2002, như thói quen đối với các tôn giáo khác, Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Đối Thoại Liên Tôn cũng đã gửi cho các tín đồ Ấn Giáo một sứ điệp nhân dịp Lễ Ánh Sáng, một lễ chính của tôn giáo này, như Lễ Phật Đản của Phật Giáo vậy, một lễ mà Tín Đồ Ấn Giáo tin rằng vào ngày lễ ấy quyền năng thần linh chế ngự bóng tối tăm trên thế giới. Bức thư này được ký gửi bởi ĐHY Francis Arinze trước ngày ngài được bổ nhiệm làm Thánh Bộ Trưởng Thánh Bộ Phụng Vụ và Bí Tích 1/10/2002.


Quí Hữu Ấn Giáo thân mến,


1. Một lần nữa lại tới thời điểm quí hữu thắp lên những cây đèn nhỏ bé, treo lồng đèn mầu mè trên nhà của mình, dâng lời nguyện cầu lên Thượng Đế, viếng thăm bạn bè và cận nhân, họp gia đình cử hành niềm vui trong ngày Lễ Ánh Sáng này. Tôi muốn gửi đến tất cả mọi tín đồ Ấn giáo trong dịp phúc hạnh này lời chào thân ái của tôi. Chớ gì niềm vui bề ngoài này sẽ thể hiện khắp thế giới Ấn Giáo một bộc lộ của một cảm quan đạo đức chân thực, hoa trái của những niềm tin tưởng và xác tín đạo nghĩa chân thực.


2. Tôi đã có thói quen kêu gọi các quí hữu thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, vào dịp lễ đặc biệt của họ, cùng suy tư về những khía cạnh khác nhau của cuộc sống chúng ta, trong xã hội cũng như trong thế giới nói chung. Năm nay, vào dịp Lễ Ánh Sáng, tôi xin được hỏi là những cuộc lễ về tôn giáo, trước hết, lại không phải là những thể hiện của lòng con người muốn chế ngự tối tăm bằng ánh sáng, sự dữ bằng sự lành, giả tạo bằng chân thực và sự chết bằng sự sống hay sao? Mầu nhiệm về sự sống, từ giây phút được thụ thai trở đi, qua các giai đoạn sau khi được sinh ra thành một con trẻ, đều được cử hành bằng những lời cầu nguyện cùng những tác động lễ nghi theo truyền thống Ấn Giáo. Người Kitô Giáo chúng tôi công nhận sự sống con người có một giá trị đặc biệt, vì Thánh Kinh dạy chúng tôi rằng mỗi một con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa. Tặng ân này của Thiên Chúa đã được niêm ấn bằng máu của Chúa Kitô đã đổ ra vì yêu thương hết mọi người. Bởi thế mà hết mọi cá nhân đều quí trọng trước nhan Thiên Chúa.


3. Kỹ thuật đã phát triển tột bựa trong thời đại của chúng ta đây. Sự sống chắn hẳn được an toàn hơn, dễ dàng hơn và dài lâu hơn. Thế nhưng, chúng ta đã trả lời như thế nào cho những vấn nạn sau đây: Phải chăng kỹ thuật đã giúp cho sự sống con người khá hơn về phẩm chất? Kỹ thuật có giúp cho chúng ta trân quí sự sống con người hay chăng? Ngược lại, trước sự tiến bộ của kỹ thuật sự sống dường như càng bị đe dọa hơn bao giờ hết. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định là “những mối đe dọa tân thời đang nổi lên ở một mức độ báo động rộng lớn, thêm vào những khốn cực vốn có xưa kia về nghèo khổ, đói khát, bệnh hoạn, bạo lực và chiến tranh” (Evangelium Vitae, On the Value and Inviolability of Human Life, 3). Vị Giáo Hoàng này nói tiếp: “cùng với những chân trời mới được khoa học và kỹ thuật tiến bộ mở ra còn có những hình thức mới tấn công phẩm giá con người nữa” (cùng nguồn, đoạn 4). Khoa học ngành truyền giống đã trở nên một dụng cụ trong tay con người. Họ có thể lợi dụng nó hay lạm dụng nó. Có những lúc bị cám dỗ muốn trở thành một kẻ lèo lái sự sống, thậm chí trở thành một tác nhân sự chết, con người cấn phải tái nhận thức vị thế chính thức của mình trong thiên nhiên tạo vật, tức là, vị thế họ được Thiên Chúa dựng nên và chỉ có một mình Thiên Chúa mới là Tạo Hóa duy nhất của tất cả mọi sự hiện hữu mà thôi.


4. Các vị đại diện tôn giáo khác nhau đã tụ họp nhau lại ở Assissi Tháng Giêng vừa rồi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Tham dự viên Ấn Giáo, trong chứng từ của mình, đã cho biết là cuộc họp này là một dấu hiệu nói lên cho thấy mối hiệp nhất của gia đình nhân loại cùng có Thiên Chúa Làm Cha (Vasudhaiva Kutumbakam). Mặc dù các tham dự viên thuộc về các truyền thống tôn giáo khác nhau, họ cũng bày tỏ một quyết tâm chung trong việc cổ võ từng sự sống và tất cả mọi sự sống. Chúng ta chỉ cần chú ý tới vấn đề quyết tâm thứ hai đã được tuyên đọc là: “Chúng tôi quyết tâm giáo dục con người phải tôn trọng nhau và cảm nhận nhau, để giúp vào việc mang lại một cuộc sống chung an bình và huynh đệ giữa con người và nơi các dân tộc với nhau”. Qua các cộng đồng và cơ cấu hiện có của mình, chúng ta có thể phác họa đường lối của mình trong việc giáo dục con người biết cổ võ việc tôn trọng sự sống. Đến đây tôi xin được đề cập đặc biệt đến giới trẻ, thành phần mà tâm hồn của họ đang bị ảnh hưởng bởi những gương mù gương xấu và đang tận mắt chứng kiến thấy những biến cố thê lương. Việc giáo dục đặc biệt cho giới trẻ về vấn đề tôn trọng sự sống phải là một trong những ưu tiên khẩn trương của chúng ta, để những niềm xác tín vững chắc về luân thường đạo lý cùng với nền văn hóa sự sống chi phối họ. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng nguyên tắc về việc tôn trọng sự sống sẽ được kính cẩn tuân giữ qua những thái độ và luật lệ trong xã hội, ở chỗ những thẩm định về luân thường và đạo lý chi phối toàn thể xã hội mà thôi.


5. Quí hữu Ấn Giáo thân mến, tôi xin kết luận bằng việc chia sẻ với quí hữu cảm nhận sâu đậm trong tâm trí tôi về hình ảnh những ngọn đèn được thắp sáng lên trong Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giới ở Assissi Tháng Giêng vừa rồi. Các vị đại diện tôn giáo khác nhau đã cầm đèn sáng trong tay và sau khi cùng nhau quyết tâm, họ đã đặt những cây đèn ấy vào cùng một chỗ, biểu hiệu cho việc qui tụ niềm hy vọng và nỗ lực xây dựng hòa bình. Đức Giáo Hoàng của chúng tôi đã ban phép lành cho quí vị ấy và nói: “Hãy tiến vào tương lai với cây đèn hòa bình giơ cao. Thế giới đang cần ánh sáng!”. Chúc quí hữu Cuộc Lễ Ánh Sáng phúc hạnh.


ĐHY Francis Arinze, chủ tịch.

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Màn Điện Toán Zenit ngày 29/10/2002)

 

top