Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc

 

2002-2003

 

Liên Hiệp Quốc mừng kỷ niệm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền năm thứ 55 (10/12).

"Một Văn Kiện Quí Giá và Quan Trọng Nhất Lịch Sử Loài Người"

Thứ Tư 10/12/2003, ngày đúng 55 năm về trước, Liên Hiệp Quốc đã công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát. ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc đã nói trước phiên họp 58 của Tổng Hội Nghị về Mục Chương Trình 48: Mừng Kỷ Niệm Năm 55 Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát.

Thưa Ngài Chủ Tịch,

Đại biểu tôi hân hạnh được tham dự vào việc cử hành mừng 55 năm kỷ niệm việc ban hành và chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền. Việc phát triển đặc biệt ngoại lệ trong việc bảo vệ các thứ quyền lợi của con người là những gì được căn cứ vào các truyền thống trọng đại nhất của jus gentium (Luật Lệ của Các Quốc Gia), một thứ luật lệ được đặt căn bản trên giá trị luân lý khách quan như lý trí lành mạnh nhận thức. Nguyên tắc lý trí lành mạnh là cốt lõi của một thứ lề luật tự nhiên đã từng soi động và tiếp tục làm sinh động Bản Tuyên Ngôn Chung này. Những vị học giả khả kính đã ghi nhận mối liên hệ bất khả tháo gỡ giữa lề luật tự nhiên và thực tại gồm tóm tất cả mọi quyền lợi của con người cùng với các thứ quyền tự do căn bản của con người cũng như của các dân tộc là những gì bất khả chuyển nhượng.

Khi chúng ta khảo sát Bản Hiến Chương này, chúng ta mới càng nhận thấy cái thắt nối giữa Tổ Chức Liên Hiệp Quốc và Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền, một trong những văn kiện quí giá và quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Những vị luật sư thời trung cổ và những diễn giả luật pháp hăng say thuộc thế kỷ 16, như Vitoria và Suárez đã khai triển những tiền đề cho các nguyên tắc căn bản liên quan đến quyền lợi của con người, những thứ quyền lợi phát xuất từ cái chính yếu và phẩm giá của con người… Những thứ quyền lợi này không phải là những gì do Quốc Gia tạo nên mà là bắt nguồn từ tính chất và bản tính của chính nhân tính … Thật vậy, chúng ta không cần phải đi đâu xa xôi mới có thể thấy được tác dụng của Bản Tuyên Ngôn Chung này đã thực hiện đối với rất nhiều những giải pháp được Tổng Hội Đồng ban bố. Cũng thế, Bản Tuyên Ngôn này đã có một tầm ảnh hưởng tích cực nơi những bản hiến pháp quốc gia cũng như nơi những thứ luật căn bản của quốc gia là những gì đã được soạn thảo trong những thập niên vừa qua.

Trong việc xác định một số quyền lợi căn bản phổ quát cho hết mọi phần từ của gia đình nhân loại, Bản Tuyên Ngôn đã thực sự đóng góp vào việc phát triển luật lệ quốc tế. Ngoài ra, nó cũng giải quyết những thách đố của những thứ luật lệ nhân bản chối bỏ con người nam nữ phẩm giá họ có quyền hưởng vì thân phận làm người của họ. Tiếc thay, những quyền lợi căn bản, đã được công bố, thành văn và cử hành trong Bản Tuyên Ngôn Chung, vẫn còn là đối tượng của những vi phạm trầm trọng và liên tục. Thế nhưng, có những thách đố khác cho việc áp dụng thi hành các thứ quyền lợi của con người. Chẳng hạn như khuynh hướng của một số người chỉ muốn các thứ quyền lợi phục vụ cho bản thân mình mà thôi, khuynh hướng của một số người chỉ muốn những thứ quyền lợi phục vụ bản thân họ mà thôi. Ở một số trường hợp, những gì bất khả tách rời với một số con người đồng thời lại bị chối bỏ đối với những người khác. Trường hợp điển hình là việc chối bỏ một thứ quyền lợi căn bản nhất, đó là chính quyền sống, một thứ quyền là nguồn gốc phát xuất của tất cả mọi thứ quyền khác theo tự nhiên cũng như luận lý. Những việc làm như thế đe dọa đến tính chất nguyên tuyền của Bản Tuyên Ngôn đây. Bất cứ một thứ ngờ vực nào về tính cách phổ quát hay hiện hữu của những qui chuẩn bất khả giảm giá trị sẽ làm suy yếu toàn thể lâu đài quyền lợi con người.

Vì càng ngày càng có khuynh hướng tiến đến một đường lối hay nhất đối với các thứ quyền lợi của con người, đại biểu tôi muốn ủng hộ cái nhãn quan nguyên thủy của Bản Tuyên Ngôn này, một nhãn quan cho thấy các thứ quyền lợi về chính trị và dân sự là những gì không thể châm chước cho đức công bình của xã hội và kinh tế, hoặc ngược lại. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa nhanh chóng này, thời điểm mà các quốc gia nghèo khổ đang phải đương đầu với cuộc thách đố hiểm nghèo liên quan tới tình trạng bất ổn định về chính trị xã hội cũng như về nền kinh tế, cộng đồng thế giới cần phải tiếp tục cố gắng để cùng nhau mang lại hai cái nửa của một linh hồn bị phân rẽ về dự án nhân quyền – tức việc khẳng định vang vọng của quyền tự do và tính cách nhất trí của nó nơi gia đình nhân loại duy nhất là những gì ai ai cũng phải có trách nhiệm chung. Thật vậy, một trong những mối đe dọa lớn nhất ngày nay đối với tính chất liêm khiết của Bản Tuyên Ngôn được phát xuất từ khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa thái quá thường đưa đến tình trạng mạnh được yếu thua. Và đó là vấn đề khó nuốt đối với Bản Tuyên Ngôn này cũng như đối với các thứ quyền lợi căn bản được nó cổ võ và bảo vệ.

Thưa Ngài Chủ Tịch, việc chấp nhận những nguyên tắc phổ quát này không có nghĩa là cần phải làm cho chúng sống động ở mọi nơi theo cách tức giống như nhau. Phổ quát tính không cần phải được kèm theo đồng nhất tính. Thật vậy, những nhà kiến tạo Bản Tuyên Ngôn Chung này đã thấy đợc tính cách đa diện ợp lý nơi các hình thức của quyền tự do. Như một học giả khả  kính c  lần đã nói: "có nhiều loại nhạc khác nhau được trình diễn trong 30 giây đàn của Bản Tuyên Ngôn này". Tiếc thay, việc hiểu biết đa dạng tính ấy thường không đợc lưu ý tới, ngay cả bởi những người bạn hữu của dự án nhân quyền nữa.

Thưa Ngài Chủ Tịch, thế giới chúng ta đang sống đây hiện hữu dưới bóng tối chiến tranh, khủng bố và các hình thức đe dọa đến sự sống còn của loài người cũng như đến phẩm vị bẩm sinh của con người. Ở tận căn gốc của những thứ bóng tối tăm này là việc chối bỏ một số quyền lợi phổ quát. Khốn thay, chính nhân loại lại là kẻ làm phát tỏa ra những thứ bóng tối tăm này. Tuy nhiên, chúng ta cũng học được sự khôn ngoan trong việc sử dụng ánh sáng của lý trí lành mạnh để đánh tan chúng đi. Những nguyên tắc cao quí chất chứa trong Bản Tuyên Ngôn Chung này sẽ giúp cho chúng ta đạt tới mục đích là một tương lai sáng lạn cho tất cả mọi người, chứ không phải cho một số nào trong gia đình nhân loại.

Trong dịp mừng kỷ niệm 55 năm năm này, chúng ta vẫn còn cần phải đặt vấn đề là những gì đã từng xẩy ra cho quyền lợi của mọi người ‘thuộc lãnh vực xã hội và quốc tế là những lãnh vực các thứ quyền lợi và quyền tự do được phác họa trong Bản Tuyên Ngôn này có thể hoàn toàn được hiện thực’ (khoản 28)? Phẩm giá con người, quyền tự do và niềm hạnh phúc được Bản Tuyên Ngôn này nhìn nhận sẽ không hoàn toàn được hiện thực mà lại thiếu tình đoàn kết giữa tất cả mọi dân nước. Được tác động bởi gương sáng của tất cả những ai hình thành Bản Tuyên Ngôn này, thành phần dấn thân trước thách đố của tự do, chẳng lẽ chúng ta lại không thể tái dấn thân trước thách đố của tính đoàn kết – cũng là thách đố của hòa bình hay sao?

Mặc dù Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền giờ đây được 55 tuổi, vẫn còn nhiều điều được nó hứa hẹn cần được tiếp tục hoàn tất. Tuy nhiên, nó vẫn còn là ‘một trong những lời bày tỏ cao nhất của lương tâm con người trong thời đại của chúng ta đây’ (John Paul II, Address to the U.N., October 2, 1979 and October 5, 1995). Đại biểu tôi tin rằng Bản Tuyên Ngôn này sẽ tiếp tục đóng vai trò làm hải đăng cho cuộc con người hành trình tiến về một xã hội tự do, công bằng và an bình hơn.

Cám ơn Ngài Chủ Tịch.

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 12/12/2003.

 

Tòa Thánh Vatican với Hội Nghị Thượng Đỉnh về Vấn Đề Thông Tín Xã Hội

Đức Tổng Giám Mục John Foley, chủ tịch hội đồng Tòa Thánh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội đã lãnh đạo một phái đoàn đại biểu đến tham dự hội nghị ở Geneva Thụy Sĩ này, một hội nghị nhắm đến việc nêu lên những chính sách cụ thể để thắng vượt khoảng cách về kỹ thuật giữa các quốc gia trên thế giới, và đã ngỏ lời vào hôm Thứ Năm 11/12/2003.


Thưa Ngài Chủ Tịch,
Quí Tôn Vị Đại Biểu:

Tòa Thánh chúng tôi rất hoan hỉ thấy rằng Cuộc Thượng Nghị Thế Giới về Thông Tín Xã Hội này được tổ chức dưới sự bảo trợ của vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, và chúng tôi cũng lấy làm biết ơn Khối Viễn Thông Quốc Tế đã tình nguyện xung phong đứng ra tổ chức buổi gặp gỡ này.

Như quí vị đã biết, Tòa Thánh chúng tôi chú trọng nhất đến những vấn đề được chất chứa nơi lãnh vực nhân bản và luân lý của việc thông tín xã hội.

Bởi vậy, chúng tôi đặc biệt tri ân đối với việc thỏa thuận liên quan đến “Những Chiều Kích Đạo Lý về Vấn Đề Thông Tín Xã Hội” (Nos 56-59) trong bản Tuyên Ngôn Các Nguyên Tắc.

húng tôi nghĩ rằng hầu hết con người nam nữ thiện tâm đều đồng ý rằng “tất cả mọi người hoạt động trong lãnh vực Thông Tín Xã Hội phải tỏ ra hành động thích hợp cùng với những biện pháp ngăn ngừa những lạm dụng của ICT, chẳng hạn như những hành vi bất hợp pháp hay những hành vi khác bị chi phối bởi chủ nghĩa chủng tộc, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại cùng tiùnh cách bất dung nhượng, hận thù, bạo động, tất cả mọi hình thức bạo hành trẻ em, kể cả việc lạm dụng tình dục trẻ em và dùng trẻ em khiêu dâm, việc buôn bán và khai thác con người.

Trong mối quan tâm đáng khen của chúng ta trong việc làm cho kiến thức hiểu biết cùng kỹ thuật truyền thông được nhiều người hưởng dụng nhất, tôi hy vọng rằng chúng ta cần phải nhớ ba nền tảng luân lý căn bản về truyền thông, đó là tầm mức quan trọng trổi vượt của sự thật, phẩm vị của con người, và việc cổ võ công ích.

Theo chiều hướng này, việc có thể học hỏi hiểu biết là vấn đề thiết yếu cho việc phát triển một xã hội lành mạnh, trong đó tất cả mọi người công dân đều được hiểu biết rõ ràng và trở thành chủ động, hợp với phẩm giá của họ cũng như xứng với công ích.

Tất cả chúng ta quyết tâm bỏ đi những trường hợp có thứ kiến thức hiểu biết và những thứ kỹ thuật cùng chương trình truyền thông có thể đi đến chỗ làm tăng thêm những mức chênh lệch vốn đã có.

Như Tòa Thánh vẫn hằng chủ trương là việc bảo vệ tư sản, kể cả tài sản về kiến thức, có phận sự xã hội căn bản trong việc phục vụ công ích cho gia đình nhân loại, do đó, phải có những bộ phận bảo toàn, cho dù điều này có khác với lý lẽ của thị trường cũng như với luật kiếm lợi kinh tế cấp thời.

Việc phát triển cần phải được hiểu hoàn toàn theo chiều hướng nhân bản, làm thăng hóa một cách cụ thể phẩm vị và sáng kiến của cá nhân con người.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong bài diễn từ ngỏ cùng vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng như với Ủy Ban Quản Trị về Việc Điều Hợp của Liên Hiệp Quốc (ngày 7/4/2000), đã nói về “một thứ cảm quan đang phát triển nơi tình đoàn kết quốc tế” hiến cho cơ cấu Liên Hiệp Quốc “một cơ hội chuyên nhất để góp phần vào việc toàn cầu hóa tình đoàn kết, bằng việc phục vụ như là một nơi hội ngộ cho các Quốc Gia cũng như cho xã hội dân sự, và là điểm giao liên của những khuynh hướng và nhu cầu khác nhau”.

Đại biểu tôi đặc biệt chú trọng tới vai trò của truyền thông cũng như của các ICT trong việc bảo trì và kiến tạo hòa bình. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc Thượng Nghị này sẽ kết thúc bằng việc tất cả chúng ta thực hiện một cuộc dấn thân hăng say hướng về hòa bình. Nó chỉ là một khía cạnh duy nhất của khả năng lớn lao của ICT cho thiện ích song có lẽ là khía cạnh khẩn trương nhất.

Trong những ngày này đây, chúng ta không thể xây dựng một nền hòa bình bền vững mà lại thiếu sự hợp tác của các tổ chức truyền thông đại chúng. Chúng có thể góp phần vào văn hóa đối thoại, tham dự, đoàn kết và hòa giải mà nếu không có những thứ này hòa bình không thể nào nẩy sinh.

Nếu hòa bình là tình trạng hiện hữu khi mỗi người được đối xử theo phẩm giá và được dịp phát triển toàn diện con người mình, việc góp phần can đảm của việc truyền thông đại chúng, thay vì mang đặc tính bạo động, vô luân và có tính cách hời hợt, có thể nuôi dưỡng một thứ sử dụng cởi mở và trân trọng đối với những ICT trong việc kiến tạo sự tương kiến và tương kính tốt đẹp hơn, cũng như có thể nuôi dưỡng mối liên hệ tốt đẹp hơn giữa các dân tộc thuộc những văn hóa khác nhau, các ý hệ và tôn giáo khác nhau.

Kỹ thuật là một phương tiện: Chúng ta có trách nhiệm khi sử dụng nó để, trong thời đại truyền thông này, việc tìm kiếm sự thật và tự do đích thực được tiến triển nơi tất cả mọi dân tộc.

Xin cám ơn Ngài Chủ Tịch.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 14/12/2003.

Tòa Thánh Vatican tại LHQ với vấn đề viện trợ nhân đạo

Văn phòng báo chí của Tòa Thánh hôm Thứ Tư 10/12/2003 đã phổ biến bài diễn từ của ĐTGM Silvano Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Văn Phòng Liên Hiệp Quốc và Các Tổ Chức Quốc Tế Khác ở Geneva trong Hội Nghị Quốc Tế lần 28 của Hội Hồng Thập Tự và Hội Hồng Nguyệt Liềm được tổ chức ở thành phố Thụy Sĩ này từ ngày 2 đến 6 tháng 12 năm 2003.

Vị khâm sứ của Tòa Thánh đã nhận định rằng hội nghị này “diễn tiến vào một thời điểm đầy những cuộc giao động chiến tranh và bùng nổ khủng bố chưa hề thấy xẩy ra trước đây. Những nạn nhân dân sự của những thứ chiến tranh được tường trình rõ ràng hay bị quên lãng cũng như của những hậu quả hủy hoại do những cuộc chiến tranh này gây ra lên đến hàng triệu triệu con người. Thật vậy, một số Quốc Gia và những diễn viên phi Quốc Gia cố gắng khai thác tình trạng tuyệt vọng của cảnh bần cùng ở địa phương cũng như của những cảnh quá ư chênh lệch về xã hội, bằng việc thực hiện những mục tiêu tư riêng của mình qua những hành động bạo lực”.

Về vấn đề luật lệ nhân đạo, ĐTGM Tomasi nói: “có một số chính quyền tỏ ra dè dặt trong việc chấp nhận những đường lối kiểm soát tác hiệu, trong khi ý nghĩ quần chúng hình như đã quen thuộc với những thứ vi phạm về lề luật nhân đạo, như thể cảnh đau thương của quá nhiều nạn nhân đã đưa đến chỗ làm cho họ thu mình lại thay vì bị thôi thúc tỏ ra phản ứng có thể gây ảnh hưởng đến những chọn lựa sai trái về chính trị và quân sự. Tòa Thánh nhìn thấy lề luật nhân đạo quốc tế như là một thứ dụng cụ quan trọng, vô giá, bất khả điều đình và vẫn còn hiện hành… (và) sẽ tiếp tục phát động những sáng kiến thích hợp có tính cách liên tôn trong việc bênh vực phẩm giá con người nơi các cuộc xung đột vũ khí cũng như nơi việc làm tăng thêm sự tôn trọng lề luật nhân đạo quốc tế, nhất là qua hệ thống rộng lớn của các cơ cấu giáo dục Công Giáo”.

ĐTGM quan sát viên này vạch ra rằng “một dấu hiệu đáng buồn tỏ tường trong số những dấu hiệu khác của việc coi thường lề luật nhân đạo được tỏ lộ nơi những cuộc chủ ý tấn công nhắm vào các nhân viên nhân đạo, thành phần dấn thân phục vụ giữa các cuộc xung đột, nhất là những cuộc tấn công chết người mới đây vào Ủy Ban Quốc Tế của Hội Hồng Thập Tự. Phong Trào Hồng Thập Tự và Hồng Nguyệt Liềm có thể tin vào sự hợp tác và nâng đỡ của Giáo Hội Công Giáo. Việc hợp tác với các tổ chức tôn giáo và các cộng đồng đức tin sẽ làm cho hoạt động nhân đạo trở nên hữu hiệu hơn nữa”.

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Tự Do Tôn Giáo


Thứ Sáu 14/11/2003, với Tiểu Ban Thứ Ba của Đại Hội Đồng về “Những Vấn Đề Nhân Quyền, bao gồm những đường lối thay chuyển để cải tiến Việc Hoan Hưởng Thực Sự Các Thứ Quyền Lợi của Con Người cùng với các Quyền Tự Do nồng cốt”, ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc, đã phát biểu chủ trương của Tòa Thánh như sau:

Ngài Chủ Tọa,


Tính cách phổ quát của nhân quyền phát xuất từ sự thật chắc chắn này là tất cả mọi con người bình đẳng về bản tính và phẩm giá. Chính vì lý do này mà Tòa Thánh đã liên lỉ bênh vực và cổ võ việc tôn trọng các thứ quyền lợi của con người cũng như những quyền tự do cốt yếu của tất cả mọi dân tộc. Những quyền lợi và những quyền tự do này không lệ thuộc vào Quốc Gia hay vào việc quốc gia nhìn nhận một thứ quyền lợi nào. Trái lại, chúng thuộc về chính bản tính của con người cũng như về những gì thiết yếu cho bản tính này.


Trong số những quyền tự do cốt yếu của hết mọi con người là quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này ở ngay nền tảng của lâu đài các thứ quyền lợi của con người, vì nó ảnh hưởng đến mối liên hệ nguyên sơ của con người với Đấng Hóa Công.


Một trật tự xã hội chính đáng đòi tất cả mọi người, với tư cách cá nhân cũng như cộng đồng, phải làm sao có thể tuyên xưng niềm tin đạo giáo và các niềm xác tín của mình được người khác hết sức tôn trọng. Những gương sáng vô số của thời đại chúng ta chứng tỏ và xác nhận cho chúng ta thấy rằng một khi niềm tin của đạo giáo được tự do chọn lựa và sống động một cách gắn bó thì các tôn giáo đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo đảm an ninh cũng như trong việc cổ võ các dân tộc chung sống thuận hòa, một điều kiện để ngăn ngừa hiệu nghiệm các cuộc xung khắc và là một dụng cụ có công dụng để xây dựng một nền hòa bình bền vững.


Tự do tôn giáo còn đóng góp một cách quyết liệt vào việc phát triển thành phần công dân được tự do thực sự và giúp cho họ ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc hoàn tất các nhiệm vụ của họ. Việc thi hành quyền tự do tôn giáo vun trồng một cách chung chung cảm quan về người khác giúp cho cá nhân tuyên xưng niềm tin sống với tha nhân bằng một mối liên hệ có tính cách khách quan hơn là chủ quan. Nó là một phương tiện quan trọng cho việc củng cố tính cách liêm chính về luân lý nơi con người. Xã hội dân sự có thể tin tưởng vào những người tín hữu là thành phần, nhờ các niềm xác tín tôn giáo sâu xa của mình, sẽ không dễ dàng chiều theo những ý thức hệ hay những xu hướng đang thịnh hành, song sẽ nỗ lực tác hành theo các ước vọng sâu xa của họ đối với tất cả những gì chân thực và xác đáng, một điều kiện thiết yếu cho việc bảo đảm hòa bình.


Tường Trình Viên Đặc Biệt của Ủy Ban Nhân Quyền về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin thường nhắc nhở những nhà thẩm quyền ở các xứ sở khác nhau về các thứ luật lệ và thực thi hành chính tiếp tục giới hạn hay vi phạm đến các thứ quyền lợi của cá nhân tín hữu hay của các nhóm tôn giáo đã được Hiến Pháp của họ chính thức công nhận. Trong bản tường trình cuối cùng của mình, vị tường trình này đã bày tỏ nhận định về một cuộc bộc phát mới nơi những qui định hành chính về quyền tự do tôn giáo, khi vị này ám chỉ đặc biệt tới việc ghi danh một cách áp bức kỳ thị đối với các nhóm tôn giáo và áp đặt những qui định đặc biệt nơi một số xứ sở để cắt xén quyền tự do tôn giáo, phạm đến các tiêu chuẩn quốc tế.

 

Ở một số xứ sở, những dấu hiệu cho thấy việc bất dung nhượng tôn giáo vẫn còn xẩy ra, chẳng hạn những trường hợp như ngặt nghèo cấm đoán việc dạy tôn giáo cho trẻ em và giới trẻ; giới hạn việc cấp giấy thông hành cho nhân viên tôn giáo; thiếu tự do trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng và những phương tiện truyền thông xã hội khác cho mục đích về tôn giáo; từ chối không cho phép xây cất những nơi thờ phụng mới; ghen ghét việc truyền đạo; có những lúc phổ biến những lời phát biểu không trung thực thậm chí bởi chính quyền để chống lại tôn giáo khác; cấm không cho cử hành việc thờ phượng công khai/cộng; vi phạm đến các nhóm tôn giáo thiểu số, kể cả việc sát hại các vị lãnh đạo và di dân tôn giáo. Thật là đáng tiếc khi thấy có một số hoạt động lập pháp của một số quốc gia không cho phép công dân của mình quyền được thay đổi tôn giáo, ngay cả khi thành phần công dân này quyết định thay đổi tôn giáo sau khi đã tìm kiếm sự thật một cách thành tâm, tự do và ý thức theo tiếng lương tâm của họ. Những hình thức này hay những hình thức khéo léo khác của việc bất dung nhượng và kỳ thị tôn giáo đang gây đau khổ và gánh nặng cho hàng triệu triệu tín hữu. Hết mọi vi phạm đến quyền tự do tôn giáo, dù công khai hay giấu diếm, đều làm thiệt hại nặng nề đến tinh thần hòa bình. Năm nay, nhân dịp mừng kỷ niệm 55 năm Bản Tuyên Ngôn Chung Nhân Quyền, chúng ta đừng quên rằng con người đang trở thành nạn nhân vì các niềm xác tín tôn giáo của họ ở các phần đất khác nhau trên thế giới. Về khía cạnh này, đại biểu tôi xin chia sẻ quan điểm là việc đối thoại và hợp tác với các tôn giáo là những gì có thể góp phần vào những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc cũng như của các tổ chức quốc tế, miền vùng và quốc gia trong việc chiếm đạt hòa bình, hòa hợp và cảm thông khắp thế giới.


Việc áp dụng toàn thể quyền tự do tôn giáo có thể giúp vào việc củng cố nền hòa bình thế giới cũng như bảo đảm công ích cho mỗi quốc gia, mỗi xã hội. Vì khi cá nhân con người biết được rằng các thứ quyền lợi căn bản của mình được bảo vệ, họ phải ra sức hoạt động cho mối an sinh chung. Thế nên, Tòa Thánh mạnh mẽ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục bảo toàn quyền tự do của cá nhân cũng như của các cộng đồng trong việc tuyên xưng và thực hành đạo giáo của họ, một quyền tự do cũng là dụng cụ thiết yếu để duy trì việc nhân loại chung sống thuận hòa cũng như để phát triển tình trạng thái hòa cùng với tình huynh đệ đại đồng nơi các quốc gia và các dân tộc.


Xin cám ơn Ngài Chủ Tọa.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 18/11/2003

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề Văn Hóa Hòa Bình

Ngày Thứ Hai 10/11, về Văn Hóa Hòa Bình, với Tổng NGhị LHQ, ĐTGM Celestino Migliore đã đại diện Giáo Hội Công Giáo lên tiếng như sau:

Thưa Ngài Chủ Tịch,

Đại biểu tôi đón nhận cơ hội này để một lần nữa tham dự vào việc bàn luận về “Nền văn Hóa Hòa Bình”.

Tòa Thánh bao giờ cũng tiếp nhận và tha thiết với những thứ nền văn hóa đa dạng và khác nhau qua các thế hệ. Theo tinh thần này, khi nói về hòa bình, đại biểu tôi trước hết nhìn nhận hòa bình thực sự không phải là vấn đề về các thứ cấu trúc mà là về con người.

Trước hết, hòa bình về những ai thực tế nhìn nhận rằng bất chấp những mặt tiêu cực của bản tính và xã hội loài người, hòa bình là một điều khả dĩ. Tất cả mọi nỗ lực cần phải thực hiện để chiếm đạt hòa bình. Thế nên, hòa bình cần phải được mong muốn, chiếm hữu và chia sẻ như là một công ích của nhân loại.

Nếu chúng ta nhìn vào những mảnh đất nóng bỏng chiến tranh trong thời đại chúng ta đây, chúng ta không thể nào không tự hỏi là truyền thông đại chúng, các chính trị gia và công quyền phác tả những thực tại chung quanh những cuộc xung đột này như thế nào. Liệu truyền thông trình chiếu cho thấy thành phần trong cuộc này có nêu lên vấn đề hòa bình hay chăng; những câu phát biểu và phê bình công khai có nói về hòa bình hay chăng; các thứ sách vở tại học đường có dạy về những đường lối dẫn đến hòa bình hay chăng; cuộc đàm thoại giới trẻ thực hiện trong gia đình và nơi bạn bè với nhau có cho thấy họ hướng về hòa bình hay chăng?

Thưa Ngài Chủ Tịch, những lý do được viện dẫn để biện minh cho những cuộc xung đột cần phải được nêu lên một cách đứng đắn, trước khi, đang khi và sau khi chúng xẩy ra. Nhu cầu cần phải thực hiện việc bảo vệ bằng vũ khí để khiến bên kia bỏ cuộc trở thành kẻ địch thù cần phải được khôn ngoan và cẩn thận cân nhắc, khi so sánh nhu cầu này với một nhu cầu tương đương trong việc liên hệ với phía bên kia, tránh bất cứ tính cách thù hằn nào có thể nghĩ được hay bị cáo giác, luôn cởi mở trước tất cả mọi giải pháp ôn hòa. Bởi thế, những ai lãnh trách nhiệm và phận vụ bảo vệ hòa bình và trật tự đầu được kêu gọi để quyết định có được bảo vệ hợp pháp hay chăng, việc quyết định phải lệ thuộc vào những điều kiện nghiêm khắc theo lãnh vực luân lý, vì những hành động như thế có thể được biện minh chỉ khi nào tất cả mọi phương tiện ôn hòa để giải quyết cuộc khủng hoảng cho thấy bất thành, vô hiệu hay bất khả.

Thưa Ngài Chủ Tịch, không như nền văn hóa chiến tranh, nền văn hóa hòa bình đòi phải theo đường hướng đạo lý đối với sự sống. Nó cho chúng ta thấy con đường xác đáng và an toàn dẫn tới việc tôn trọng sự sống. Chiến tranh “hủy hoại sự sống của thành phần vô tội, dạy cách sát hại, làm bấn loạn ngay cả đời sống của những ai ra tay sát hại và lưu lại vết tích uất hận và thù hằn, khiến càng gây thêm khó khăn cho việc tìm kiếm một giải pháp chân chính cho chính những vấn đề gây ra chiến tranh” (Pope John Paul II, Thông Điệp Bách Niên "Centesimus Annus," 52).

Năm nay Liên Hiệp Quốc cử hành mừng 55 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Biến cố này kêu gọi hết mọi người tiến đến chỗ nhìn nhận thật sự phẩm giá trọn vẹn của hết mọi hữu thể con người. Quyền sống hòa bình được phát xuất từ việc nhìn nhận này. Thế nhưng, khi hòa bình mất đi giá trị của mình nơi xã hội và tầm quan trọng của nó nơi qui chế chung, thì các thứ nhân quyền và các thứ trọng trách quốc tế gặp nguy hiểm và pha trộn.

Hòa bình là cơ sở của công lý. Tận căn gốc của chiến tranh, nhất là của nạn khủng bố, một thứ tấn công võ trang chúng ta đang bất hạnh trải qua trong thời hiện đại của chúng ta đây, chúng ta chưa thấy những lời phiền trách nặng nề được cộng đồng thế giới nêu lên: chẳng hạn như những thứ bất công phải chịu đựng, những nỗi ước mong hợp lý không được đáp ứng, tình trạng bần cùng hèn hạ, kỳ thị, dung túng và khai thác thành phần dân chúng đông đảo bị tuyệt vọng không có được một chút hy vọng thực hữu nào để cải tiến cuộc sống của họ. Những thứ bất công ấy khêu ngòi bạo động và hết mọi bất công đều có thể dẫn đến chiến tranh.

Hòa bình, một thứ hòa bình có thể được định nghĩa như là “tình trạng quân bình về trật tự”, là nhiệm vụ căn bản của hết mọi người. Tuy nhiên, hòa bình được xây dựng trên lòng tin tưởng lẫn nhau, và là một lòng tin tưởng có thể chiếm hữu bằng công lý và công bình mà thôi. Hòa bình đòi phải sửa lại những cuộc bạo động, cải lại những thứ lạm dụng, phục hồi thành phần nạn nhân và hòa giải những phe phái sầu thương. Chính sách xây dựng lòng tin tưởng ấy nhắm đến chỗ thắng vượt tất cả mọi chướng ngại vật ngăn cản những hoạt động của công lý hướng đến hòa bình. Chỉ có một bầu khí hòa bình như thế mới làm cho văn hóa hòa bình đâm rễ và nở hoa mà thôi.

Thưa Ngài Chủ Tích, nếu phát triển là tên gọi mới cho hòa bình thì chiến tranh và vấn đề leo thang các thứ vũ khí cần phải được coi là những kẻ thù chính của việc phát triển các dân tộc. Có chấm dứt cuộc thi đua võ trang thì tiến trình giải giới thực sự mới có thể bắt đầu, bằng những hiệp ước được căn cứ vào những thứ bảo toàn đích thực và khả thực. Việc tái phân bố các nguồn kinh tế và các nguồn lợi khác từ việc thi đua võ trang cho các nhu cầu nhân đạo, như nhu cầu chăm sóc sức khỏe căn bản, giáo dục tất cả mọi người và củng cố đời sống gia đình, thật sự là những gì phát động và kiên cường một thứ văn hóa hòa bình vậy.

Thưa Ngài Chủ Tịch, đó là một số ý nghĩ đại biểu tôi muốn chia sẻ trong dịp kỷ niệm 40 năm Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế của ĐGH Gioan XXIII. Vậy xin cho tôi được kết thúc bằng những lời sau đây của bức Thông Điệp này: “Thế giới sẽ không bao giờ trở thành một nơi cư trú hòa bình cho đến khi hòa bình lập cư nơi lòng trí của mỗi một người và hết mọi người”.

Cám ơn Ngài Chủ Tịch.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 11/11/2003

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề coi trọng nền công lý xã hội trong lãnh vực thương mại thị trường

Ngày Thứ Tư 5/11, về vấn đề coi trọng nền công lý xã hội trong lãnh vực thương mại thị trường, với Tiểu Ban Thứ Hai bàn đến khoản 91-a của chương trình họp “Thương Mại Thế Giới và Vấn Đề Phát Triển”, ĐTGM Celeatino Migliore đã nêu lên chủ trương của mình thay cho Tòa Thánh như sau:

Thưa Ngài chủ tọa, mục đích chính yếu của Tòa Thánh trong việc tham dự vào những cuộc diễn đàn quốc tế là để giúp vào việc cổ võ phẩm vị con người cũng như để góp phần xây dựng công ích cho toàn thể gia đình nhân loại.

Nơi lãnh vực liên hệ về kinh tế, nhất là nơi những vấn đề về thương mại, Tòa Thánh chủ trương một hệ thống cân bằng và chân chính phục vụ phẩm vị con người và việc phát triển toàn vẹn. Thị trường thật sự là cốt lõi của kinh tế và phần lớn thị trường quốc tế cân bằng đã giải quyết nhiều vấn đề cho những xứ sở kém phát triển về kinh tế đang phải đương đầu. Thế nhưng, tự bản chất, thị trường không giải quyết được hết mọi vấn đề xã hội, kể cả những vấn đề liên quan đến tình trạng thất nghiệp và nghèo hèn.

Có những lúc, theo nguyên tắc liên đới, các chính quyền cần phải đóng một vai trò quan trọng hơn trong lãnh vực kinh tế. Do đó, mối liên hệ giữa chính quyền và thị trường phải được coi như hỗ tương nhau hơn là tranh chấp hay thậm chí đối địch nhau. Đồng thời lúc nào cũng phải tôn trọng và áp dụng hơn nữa nguyên tắc phụ trợ. Việc bỏ đi những giới hạn được con người đặt ra về việc tung ra các thứ sản vật, và ở mộỉt mức độ nào đó, các thứ dịch vụ, có thể gây ra một tác dụng kích thích về kinh tế, mang lại hiệu năng hơn cùng với việc phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng có thể làm lũng đoạn và những thứ biến dạng về xã hội này có thể gây ra những tác hiệu tiêu cực, nhất là tùi nền kinh tế của các nước kém phát triển, những biến dạng cần chính quyền có biện pháp để giảm bớt tình trạng khốn khó và đau khổ nhất là của người nghèo, báo hiệu tình trạng suy thoái về kinh tế có thể xẩy ra.

Các qui luật thương mại quốc tế không được làm cản trở khả năng của các chính quyền trong việc áp dụng các biện pháp ấy. Qui chế thương mại cần phải được thiết định để làm sao góp phần vào việc phát triển kinh tế khả thủ. Về phần mình, các nước kém phát triển cũng phải thực hiện những việc cần thiết để tránh những hoạt động băng hoại và phi luân thường đạo lý, những hoạt động trong quá khứ đã ảnh hưởng một cách tiêu cực cho tiến trình phát triển của họ cũng như cho tình trạng phúc hạnh của nhân dân họ.

Bằng không, những thiện ích tích cực của hệ thống thương mại quốc tế được tổ chức ngon lành cũng không ảnh hưởng gì tới thành phần nghèo khổ ở các nước kém phát triển. Tòa Thánh bao giờ cũng ủng hộ tất cả mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhắm đến tình trạng phúc hạnh của hết mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại. Cuộc họp mới đây ở Cancun (Mễ Tây Cơ) ngày 14/9/2003 của những vị ký viên kho bạc dường như đã gây nguy hiểm cho nỗi lạc quan hớn hở của những quốc gia đang phát triển trong cuộc họp ở Doha. Niềm hy vọng vẫn không hiện lên nơi những xứ sở nghèo bị các nước giầu làm giảm bớt những thứ phụ cấp về trồng trọt bởi việc thương mại thiên lệch, gây rắc rối về quan thuế trên những sản phẩm trồng trọt và loại bỏ những thứ phụ cấp xuất cảng về canh nông.

Vấn đề quan thuế về kỹ nghệ tơ sợi hay vấn đề quan tâm của các quốc gia đang phát triển liên quan đến việc điều trị đặc biệt và khác biệt hay liên quan đến việc áp dụng đều không được đề cập tới. Căn cứ vào tình hình căng thẳng chi phối buổi họp ở Cancun, cơ hội dung hoà giữa các nước giầu và nghèo đã trở nên hết sức khó khăn. Hy vọng là những gì xẩy ra ở Cancun không gây thương tổn đến cơ hội thiết lập một guồng máy vững chắc, chân chính hơn, liên quan đến nhiều phía nơi những lãnh vực về thương mại và phát triển cho tương lai tới đây. Xin cho tôi được kết thúc những lời phát biểu này bằng lời lẽ sau đây: “những mẫu thức thực hữu và thực sự hiệu nghiệm chỉ khi nào chúng được phát xuất từ khung cảnh của những tình trạng lịch sử khác nhau, bằng nỗ lực của tất cả những ai đương đầu một cách ý thức với những vấn đề cụ thể của tất cả mọi khía cạnh về xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa, vì những khía cạnh này liên hệ với nhau” (Pope John Paul II, Centesimus Annus, #43).

Về công việc này, Tòa Thánh muốn lập lại chủ trương của mình trong việc nhìn nhận giá trị tích cực của thị trường và việc giao dịch tự do; đồng thời cũng cho thấy những hoạt động ấy phải hướng tới công ích ra sao. Vần đề cần thiết ở đây là mức độ liên đới quốc tế cần phải tăng thêm hơn nữa nơi tất cả mọi quốc gia trên thế giới, cũng như việc loại bỏ đi những nhóm chú trọng đến việc phát động những mục tiêu vị kỷ của mình bất chấp công ích.

Ngoài ra, những việc làm bại hoại, cả ở những nước phát triển lẫn đang phát triển, cũng cần phải được chấm dứt, để tất cả mọi thành phần trong xã hội, giầu cũng như nghèo, chứ không phải chỉ một số nhỏ đặc ân, được hoan hưởng hoa trái của việc thương mại và phát triển lành mạnh.

Đây là một thách đố mà tất cả mọi quốc gia vì tinh thần liên đới cần phải cùng nhau chia sẻ. Cám ơn Ngài chủ tọa.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 7/11/2003

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề Palestine

Ngày Thứ Hai 3/11/2003, về vấn đề Palestine, với Tiểu Ban Thứ Tư bàn đến khoản 83 trong chương trình liên quan đến “Việc LHQ Hỗ Trợ và Cơ Quan Hoạt Động cho Dân Tị Nạn Palestine ở Cận Đông”, ĐTGM Celestino Migliore đã nhận định và khuyến dụ như sau:

……….
Thưa Ngài Chủ Tọa, những phát ngôn viên trước đã nói đến những vấn đề định cư, giới nghiêm, vây hãm, ám sát, ôm bom tự sát khủng bố, cũng như đến ảnh hưởng của các biến cố này nơi việc người Palestine tìm kiếm công ăn việc làm, học vấn và các phương tiện chăm sóc y tế. Giáo Hội Công Giáo với những tổ chức nhân đạo và xã hội của mình, tức qua Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hoạt động ở vùng này từ năm 1949, Hội Caritas Quốc Tế, Các Dịch Vụ Công Giáo Hỗ Trợ, hằng ngày tường trình về những thử thách của thành phần dân chúng được phục vụ. Trong vòng 3 năm qua, những cơ quan này đã càng ngày càng cảm thấy khó khăn hơn nữa nơi việc thi hành sứ vụ của mình.

Qua sự kiện thất bại mới đây về vấn đề ngưng chiến, mức độ bạo loạn tăng lên kinh khủng, để rồi thành phần thường dân Palestine và Do Thái tiếp tục bị sát hại. Tòa Thánh tin tưởng rằng cuộc xung đột này ở Trung Đông sẽ tìm thấy được một giải pháp bền vững chỉ khi nào có hai Quốc Gia độc lập và chủ quyền sống bên nhau trong an bình và an ninh. Để đạt được mục đích này, những vấn đề liên quan tới thành phần tị nạn Palestine cũng như đến những việc định cư của người Do Thái chẳng hạn, hay vấn đề đặt ranh giới lãnh thổ và phân định tình trạng của các nơi linh nhất nhất ở Thành Giêrusalem, cần phải là chủ đề cho một cuộc đối thoại cởi mở và thương thảo chân tình.

Thưa Ngài chủ tọa, đại biểu tôi xác tín mãnh liệt là cộng đồng quốc tế cần phải hỗ trợ cho mọi phía trong cuộc để họ nhận thức được rằng việc chiếm đóng các lãnh thổ ở vùng Tây Ngạn và giải Gaza cũng như những cuộc khủng bố tấn công là những gì đang châm mồi cho cơn lốc bất tận của các hành động bạo lực và trả đũa giáng xuống trên cả người Palestine lẫn Do Thái. Phần nguyên vẹn của ‘lộ trình’ tiến đến hòa bình hiện nay rõ ràng kêu gọi giải pháp thành lập hai quốc gia. Nó là phận sự của cả hai phe, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, chấp nhận ‘lộ trình’ này như dụng cụ để thương thảo và tin tưởng xây dựng, nhờ đó những vấn đề khác nhau có thể được đề cập đến và những hiệp định giải quyết được ký kết.

Trong khi những việc thương thảo này hiện nay đang ở ngã tư đường, chúng ta cần phải tiếp tục hỗ trợ những ai gặp phải bạo loạn như cơm bữa. Về phần mình, Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hết sức cậy dựa vào sự hợp tác toàn cầu trong việc cải thiện tình trạng khổ đau của nhiều người nơi những phần đất bị chiếm đóng. Được nâng đỡ bởi một số tổ chức nhân đạo trên khắp thế giới, văn phòng này sử dụng việc giúp đỡ về luân lý và tài chính để phát động những công việc phát triển cộng đồng hăng say lao động để chống lại tình trạng thất nghiệp ở những miền đất bị chiếm đóng trên 60%. Việc nâng đỡ về tài chính của những hợp tác viên này giúp việc giáo dục, từ lớp mẫu giáo đến hết đại học.
…………
Ngoài việc nêu lên những nhu cầu nhân đạo quan trọng cần phải ghi nhận trên đây, Thư Ngài Chủ Tọa, đại biểu tôi hy vọng rằng bất cứ giải pháp nào được nêu lên cho các vấn đề đa diện của miền này cũng sẽ bao gồm cả vấn đề Thánh Thánh Giêrusalem. Theo nhiều diễn tiến bạo động và những tình trạng khắc nghiệt gây ra bởi việc vây hãm, Tòa Thánh xin lập lại lời kêu gọi liên tục của mình về “những khoản được quốc tế bảo đảm trong việc bảo toàn quyền tự do tôn giáo và lương tâm cho dân cư của thành này, cũng như bảo toàn cách thức thường trực, tự do và phi ngăn trở để tín hữu thuộc các tôn giáo và quốc tịch có thể đến với những nơi thánh” (A/Res/ES 10-2, 5 May 1997). Mức độ bạo loạn hiện nay đã khiến những người hành hương không dám đến Thánh Địa nữa, bởi thế càng chất thêm gánh nặng về kinh tế trên tất cả mọi người trong vùng này, ngoài việc làm ngăn trở quyền lợi của con người trên khắp thế giới trong việc họ viếng thăm và cầu nguyện ở những địa điểm thánh. Đại biểu tôi cũng nhận thấy rằng dân chúng địa phương cũng không dễ dàng đi đến những đền thờ và những nơi thánh.
………….

Ðaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được màn điện toán Zenit phổ biến ngày 6/11/2003

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề Giáo Dục giúp vào việc Phát Triển

Ngày 28/10, về “Thập Niên Giáo Dục cho Việc Phát Triển Khả Thủ”, với Tiểu Ban của Tổng Hội Đồng LHQ tại Nữu Ước, ĐTGM Celestino Migliore đã thay mặt Tòa Thánh nhận định và góp ý như sau:

……..
Xã hội thực sự đã được biến đổi từ Bản Tuyên Ngôn Jomtein 1990. Ở Rio, trong Hội Nghị về Môi Trường và Phát Triển năm 1992, các chính phủ đã nhận thấy mối liên hệ giữa vấn đề giáo dục và việc phát triển khả thủ, cũng như đã đồng ý một lãnh vực rộng lớn của những chương trình bao gồm việc giáo dục trong tất cả mọi khía cạnh của vấn đề phát triển. Viện nhận thức này đã được thi hành qua các cuộc hội nghị và các cuộc họp thượng đỉnh từ Rio, bao gồm cả Cuộc Họp Thượng Đỉnh Thế Giới về Vấn Đề Phát Triển Khả Thủ ở Johannesburg.

Ở Johannesburg, vấn đề giáo dục đã được bàn đến, trước hết, liên quan tới việc bảo vệ môi trường. “Việc giáo dục về trách nhiệm đối với môi sinh là việc khẩn trương: trách nhiệm với chính mình, với người khác và với trái đất. Việc giáo dục này không thể được bắt nguồn từ các cảm tình thuần túy hay những ước muốn trống rỗng. Mục đích của việc giáo dục này không thể là một mục đích theo ý hệ hay chính trị. Nó không được theo chiều hướng loại trừ thế giới tân tiến hay là một ước mong bâng quơ trở về với một ‘thiên đường mất mát’ nào đó. Trái lại, việc giáo dục thực sự về trách nhiệm đòi phải thực hiện một cuộc hoán cải chân chính trong cách suy tư và tác hành” (John Paul II, Message for the World Day of Peace, 1 January 1990).

…………..

Việc khai mở cho Thập Niên Giáo Dục Về Việc Phát Triển Khả Thủ được xẩy ra vào ngày 1/1/2005. Việc khai mở này trùng hợp với Những Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm ấn định rằng vào năm 2015, “trẻ em khắp nơi, nam cũng như nữ, sẽ có thể hoàn tất trọn vẹn việc học căn bản và trẻ em nam nữ sẽ có cơ hội như nhau nơi tất cả mọi cấp độ học vấn”.

Tuy nhiên, những dự án và mục tiêu cho Thập Niên này cần phải vượt ra ngoài vấn đề học vấn căn bản nữa. Các chương trình trong Thập Niên này còn phải tiếp tục nêu lên vấn đề trẻ em không đến trường. Thưa Ngài Chủ Tọa, chính về vấn đề này mà chúng ta thấy rõ những liên hệ giữa những cơ hội về việc giáo dục với vấn đề phát triển. Trẻ em không đi học, vì không có trường để học, hay không có tiền trẻ học phí hoặc trả lương cho thày cô; vì các em bị bắt buộc phải làm việc để sinh tồn hay để giúp cho gia đình các em; vì các em nghiện ngập hay rơi vào tình trạng chiến tranh xung đột làm cho trường sở bị đóng hay bị tàn phá; vì các em thuộc về thành phần thiểu số về tôn giáo hay sắc tộc; hoặc chỉ vì các em không thể tìm thấy trường học trong tầm tay của các em.

……...

Việc giáo dục đối với vấn đề phát triển khả thủ là một phương tiện để chiếm đạt nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm. Nó sẽ giúp vào việc tạo nên một môi trường “có ích cho việc phát triển cũng như cho việc loại trừ tình trạng nghèo khổ”. Việc hiện thực và đạt được những mục tiêu này có thể cần có thời gian, thế nhưng việc cung cấp cho tất cả trẻ em cơ hội học hành sẽ có một ảnh hưởng cấp thời, khả chứng và khả lường về phúc hạnh của dân chúng trên thế giới cũng như về việc phát triển khả thủ của họ.

………..
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 28/10/2003

 

Tòa Thánh Vatican tại LHQ với Vấn Đề Cổ Võ và Bảo Vệ Quyền Lợi của Trẻ Em

Ngày Thứ Hai 20/10, về Vấn Đề Cổ V và Bảo Vệ Quyền Lợi của Trẻ Em, với Đệ Tam Tiểu Ban của Tổng Nghị Lần 58 của LHQ tại Nữu Ước, ĐTGM Celestino Migliore đã bày tỏ lập trường của Giáo Hội qua bài diễn văn được văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến hôm 27/10/2003, như sau:

Qui Ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Lợi của Con Trẻ đã có tác dụng vào Tháng 9/1990. Cũng trong tháng này, một Cuộc Họp Thượng Đỉnh về Trẻ Em đã được tổ chức để chấp thuận Bản Tuyên Ngôn về Việc Sống Còn, Bảo về và Phát Triển của Trẻ Em và bản Dự Án Hành Động kéo dài cả thập niên trong việc thi hành áp dụng bản tuyên ngôn ấy. Khi các vị lãnh đạo trên thế giới tụ họp lại nơi đây vào Năm 2000 để chấp thuận Bản Tuyên Ngôn Ngàn Năm này, một lần nữa trẻ em được trở thành trọng tâm chú ý của cơ cấu này. Vào Tháng 5 năm ngoái, khóa họp đặc biệt 27 của Tổng Hội Đồng LHQ về Trẻ Em đã chấp nhận văn kiện “Một Thế Giới Xứng Hợp Cho Trẻ Em”. Tất cả những nỗ lực ấy hợp lại cho thấy cộng đồng quốc tế này đã dấn thân trong việc bảo đảm là mỗi một con trẻ có thể hoan hưởng một tương lai tốt đẹp hơn.

Tiếc thay, như chúng ta đã quá r, tình trạng trẻ em trên thế giới không phải bao giờ cũng đúng như nó phải là. Hằng ngày, có vô số trẻ em trên thế giới chạm rán với hiểm nguy và lạm dụng làm chậm bước tiến và phát triển của chúng. Các em chịu vô vàn tử vong do chiến tranh và bạo lực gây ra; là nạn nhân của sao lãng, hung bạo, tính dục và các hình thức khai thác khác, kỳ thị chủng tộc, tấn công, ngoại bang xâm chiếm; là những người tị nạn và những trẻ em lạc lng. Các em thường bị loại ra ngoài lề xã hội vì các em là người bản xứ, bị tật nguyền, bị mồ côi hay bụi đời. Nơi một số quốc gia, các em còn là nạn nhân của hiểm họa nghiện thuốc cũng như của hiểm họa tàn phá gây ra bởi thiên tai và nhân tạo. Chưa hết, còn có hằng triệu triệu trẻ em trở thành nạn nhân của hội chứng liệt kháng HIV/AIDS, hoặt do mẹ truyền cho con hay do tình trạng mồ côi liên quan đến cái chết của cha mẹ bởi hội chứng liệt kháng.

Trong bản tường trình của mình về việc áp dụng Bản Tuyên Ngôn Ngàn Năm của LHQ (A.58/323), vị tổng thư ký đã nói: “Mặc dù có nhiều tiến bộ nơi sức khỏe của trẻ em ở các miền đất đang phát triển từ năm 1990, vẫn không thể chấp nhận được tình trạng gần 11 triệu trẻ em chết mỗi năm trước khi được 5 tuổi, hầu hết vì những nguyên nhân có thể dễ dàng ngăn ngừa hay chữa trị”. Số tử vong của thơ nhi và nhi đồng có thể giảm thấp rất nhiều bằng những phương tiện đã được sử dụng và bày bán nơi thị trường, nhưng tiếc thay lại ở ngoài tầm tay với của hầu hết trẻ em túng thiếu nghèo khổ.

Đó là những thách đố cộng đồng quốc tế phải đương đầu, nhất là trong khuôn khổ của Những Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm. Việc cải tiến sức khỏe trẻ em và dưỡng chất là một vấn đề ưu tiên. Cộng đồng quốc tế phải hoạt động cho việc tăng trưởng và phát triển lạc quan nơi trẻ em, bằng những biện pháp triệt gốc tình trạng đói ăn, dinh dưỡng tồi tệ và đói khổ, nhờ đó cứu được hằng triệu trẻ em khỏi cảnh khổ đau bất thiết trong một thế giới có những phương tiện để nuôi dưỡng và chăm sóc cho tất cả mọi dân cư của mình. Ngoài ra, cần phải tạo cơ hội giáo dục căn bản cho hằng triệu triệu trẻ em trên thế giới, bằng không các em có thể sống trong tình trạng mù chữ.

Thêm vào đó, trẻ em cũng cần phải được khích lệ để đóng góp những nỗ lực nhỏ bé riêng của các em vào việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho lứa tuổi của các em trên thế giới, bằng việc sử dụng những tài năng và tặng ân của các em vào việc tăng trưởng con người của các em cũng như cho thiện ích của xã hội. Tòa Thánh có một hiệp hội quốc tế giành cho trẻ em, với tên gọi là Hội Tòa Thánh của Tuổi Trẻ Thánh, được thành lập từ giữa thế kỷ 19. Câu tâm niệm của hội này là “Hãy để trẻ em giúp trẻ em”. Hơn trăm năm nay, Hội này đã liên tục chia sẻ tài năng, thời giờ và kho báu của các em trong việc giúp cải tiến đời sống của các trẻ em nghèo khác trên khắp thế giới.
……….

Trong thời đại của chúng ta đây, việc nhìn nhận các quyền lợi của trẻ em đã thực sự đạt được tiến bộ. Thế nhưng, việc xúc phạm đến những quyền lợi này trên thực tế, tiêu biểu qua nhiều cuộc tấn công khủng khiếp vào tính chất vô tội và phẩm giá của các em, vẫn còn là một nguyên nhân đáng buồn, đồng thời cũng là điều kêu gọi chúng ta hãy ra tay hành động. Chúng ta phải làm sao để thấy rằng phúc hạnh của con trẻ bao giờ cũng phải được lấy làm ưu tiên trong tất cả mọi giai đoạn phát triển của các em, ngay từ khi các em được thụ thai là lúc các em trở thành một con người. Cộng đồng quốc tế phải bảo đảm hạnh phúc cho các em bằng hoạt động chính trị cao cấp nhất; bởi vì, cuối cùng thì việc chúng ta giờ đây để ý tới hạnh phúc của các em là việc chúng ta bảo đảm cho hạnh phúc của xã hội, hiện nay cũng như tương lai sau này.

Vì trẻ em cần hầu như hết mọi sự mà các em chỉ có thể sống thời thơ trẻ an lành và hân hoan khi chúng được chúng ta gắn bó với và chăm sóc cho. Chúng ta không được bỏ mặc các em.

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 27/10/2003 


Tòa Thánh Vatican tại LHQ về “Qui Ước Quốc Tế Chống Lại Việc Tạo Sinh Sao Bản Con Người”

Ngày 21/10, về “Qui Ước Quốc Tế Chống Lại Việc Tạo Sinh Sao Bản Con Người”, liên quan đến vấn đề 172 trong nghị trình của Tổng Nghị Lần Thứ 58 của LHQ ở Nữu Ước, ĐTGM Celestino Migliore đã đại diện Tòa Thánh cũng đã đọc bài diễn văn được văn phòng báo chí của tòa thánh phổ biến ngày 27/10/2003 như sau:

Đại biểu tôi đã trình bày các quan điểm của mình bằng giấy tờ được Nhóm Hoạt Động phổ biến vào khóa họp đầu tiên bàn luận về vấn đề này mấy tuần trước đây. Trong phiên họp đó, đại biểu tôi đã tái xác nhận niềm xác tín là chỉ có một qui ước toàn diện về vấn đề tạo sinh sao bản con người mới có thể đề cập tới tất cả mọi vấn đề liên hệ cũng như mới đáp ứng được những thách đố của thế kỷ 21 về đề tài này.

Những tình trạng gây ra cho phẩm giá con người những nguy hại trầm trọng chỉ có thể nói lên một cách hiệu nghiệm bởi các hiệp ước quốc tế toàn diện chứ không phải từng phần. Trong khi qui ước từng phần có thể nêu lên một vài vấn đề tạm thời liên quan tới việc tạo sinh sao bản con người, thì nó lại có thể gây ra những vấn đề trầm trọng hơn sau đó, thậm chí còn khó giải quyết hơn nữa. Giải pháp vững chắc nhất bởi thế cần phải là một phương tiện pháp lý bao gồm tất cả mọi sự. Ngoài ra, một qui ước gồm tóm tất cả mọi sự có thể cống hiến một phương tiện pháp lý tác lực có thể hướng dẫn và giúp cho các quốc gia thiết lập luật lệ quốc gia về vấn đề tạo sinh sao bản con người.
…….
Thưa Ngài Chủ Tọa, khoa học có thể là phức tạp, thế nhưng, đối với chúng ta thì vấn đề này là vấn đề giản dị và không có gì là khúc mắc cả. Vấn đề tạo sinh sao bản con người bao gồm việc tạo nên những bào thai con người là truyện về khởi sự có sự sống con người, một sự sống không phải là vấn đề của địa phương, cũng không phải là vấn đề của quốc gia, không phải là vấn đề của một miền. Trước hết nó là vấn đề quốc tế, vì bào thai là một con người, bất kể địa dư của nó.

Nếu việc tạo sinh sao bản con người trái ngược với luật tự nhiên, một nguyên tắc mà tất cả mọi phái đoàn đại biểu tỏ ra đồng ý, thì việc sao bản của cùng một bào thai dù với mục đích nghiên cứu cũng thế. Một bào thai được sao bản, một bào thai không nhắm đến mục đích gieo vào tử cung mà là được tạo nên chỉ vì mục đích rút lấy những tế bào thân cùng với những chất khác, là để hủy hoại đi theo dự tính từ trước.

Một số người lập luận rằng, thưa Ngài Chủ Tọa, trong khi chúng ta cần phải hành động mau chóng để cấm việc tạo sinh sao bản con người, chúng ta cần phải có nhiều giờ hơn để tìm hiểu tất cả mọi khía cạnh của việc sao bản nghiên cứu, một phương pháp có chủ ý huỉy hoại sự sống con người. Có bao nhiêu mạng sống con người chúng ta muốn sử dụng cho tiến trình này? Vì tiến trình ấy không cần thiết và có thể đòi phải có hơn một bào thai cho mỗi một bệnh nhân cần được chữa trị, mà hằng trăm triệu bào thai con người được sao bản cần phải có để chữa trị thậm chí chỉ một thứ bệnh duy nhất, như bệnh tiểu đường, ở một quốc gia tân tiến.

Để kết thúc, đại biểu tôi muốn nhắc hội đồng tôn vị đây là một trong những sứ vụ nống cốt của Liên Hiệp Quốc là bênh vực quyền lợi con người. Nếu Liên Hiệp Quốc cấm việc sao bản tạo sinh mà không cấm việc sao bản nghiên cứu, thì điều này làm cho cơ cấu đây lần đầu tiên dính dáng vào việc cho phép một điều ngoại thường, đó là cho phép tạo nên những con người với mục đích r ràng là để hủy diệt chúng đi.

Nếu các thứ quyền lợi của con người mang một ý nghĩa nào đó, ở bất cứ thời nào, tại bất cứ nơi nào trên thế giới, thì chắc chắn không ai có quyền làm một điều như thế. Các thứ quyền lợi của con người được phát xuất từ việc nhìn nhận rằng con người có một phẩm vị bẩm sinh vì họ là con người. Các bào thai đều là con người, cho dù chúng được sao bản mà có. Nếu chúng ta có được những quyền lợi phát xuất từ việc nhìn nhận phẩm giá này thì chúng ta cũng phải tỏ ra cấm tạo sinh sao bản dưới mọi hình thức.
…………..

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 27/10/2003 


Liên Hiệp Quốc không hoàn toàn loại bỏ tất cả mọi hình thức tạo sinh sao bản

Hôm Thứ Năm 6/11/2003, tiểu ban pháp lý của Tổng Nghị LHQ đã bỏ phiếu (80 nước bỏ phiếu chấp thuận và 15 nước không bỏ phiếu) chấp nhận chiều hướng của nước Iran thay mặt cho 57 quốc gia Hồi giáo trong việc hoãn lại hai năm chỉ thị cấm toàn phần hay từng phần vấn đề tạo sinh sao bản cloning. Hoa Kỳ và Costa Rica đã vận động bỏ phiếu cho giải pháp thiết lập một nhóm phụ trách việc thảo định một hiệp ước cấm tất cả mọi hình thức tạo sinh sao bản con người. ĐTGM Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã nói với Đài Phát Thanh Vatican về nguyên nhân của việc bỏ phiếu trì hoãn thi hành luật cấm này là vì những lợi lộc về kinh tế. ĐTGM cho biết nhận định của mình như sau:

“Có hai chủ trương rõ ràng được nêu lên: một liên quan đến giải pháp được Costa Rica soạn thảo; và một liên quan đến giải pháp được Bỉ soạn thảo. Nước Costa Rica đề nghị sử dụng các tế bào thân già giặn vào những trị liệu các thứ bệnh bất trị, hoàn toàn cấm việc tạo sinh sao bản bào thai con người, tức là cấm cả việc sao bản tạo sinh hay trị liệu. Chủ trương của Bỉ Quốc, một chủ trương trở thành giải pháp của phe Pháp Đức, đề nghị … cấm việc sao bản tạo sinh nhưng bỏ ngỏ …. Một số cửa ng cho vấn đề sao bản trị liệu”.

Theo ĐTGM quan sát viên này thì việc trì hoãn này “có nghĩa là chấp nhận trong vòng hai năm chúng ta tiếp tục sống trong cái trống không của pháp luật quốc tế bằng việc để cho các thứ thí nghiệm khả dĩ được tiếp tục thực hiện. Bằng đường lối này, cơ hội để bày tỏ về vấn đề thiết yếu ấy… bị ngăn chặn lại về mặt thực tế. Chắc chắn… vấn đề kinh tế và thương mại… đã đóng một vai trò quan trọng ở hậu trường”.



Tòa Thánh Vatican tại LHQ về vấn đề du lịch

Ngày Thứ Tư 22/10, về vấn đề du lịch, với tổng hội nghị của Tổ Chức Du Lịch Thế Giới WTO (World Tourism Organization), được tổ chức tại Bắc Kinh Trung Cộng cho tới hết Thứ Sáu 24/10/2003, Đức Ông Piero Monni đã trình bày quan điểm của Tòa Thánh như sau:

Những đề tài chọn cho hội nghị này phát xuất từ việc suy tư thấu đáo về tình hình hiện nay của thế giới du lịch cũng như về khả năng đạo lý, xã hội và kinh tế của thế giới này.

Hiện tượng du lịch vẫn luôn là một động cơ của các thứ giá trị, như lòng tôn trọng phẩm vị con người cũng như tôn trọng các thứ quyền lợi cốt yếu của con người. Nó xây dựng một thứ văn hóa giao thiệp và cảm thông nhau. Nó góp phần vào việc hiểu biết và cảm nhận những nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới.

Giáo Hội hoạt động trong thế giới du lịch để các giá trị đạo lý luôn hiện diện nơi lãnh vực này. Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta rằng cần phải chú trọng đến cái ưu tiên của con người trong tất cả mọi hiện tượng xã hội, nhờ đó, cho dù qua việc du lịch, mới có thể đạt được những khát vọng ước mong về văn hóa cũng như tâm linh của họ.

Du lịch còn là một dụng cụ hữu hiệu trong việc chống lại nghèo khổ, và nó cũng là một khí cụ quan trọng cho việc phát triển về xã hội và nghề nghiệp. Tuy nhiên, nó là một lãnh vực hết sứ tế nhị. Nó dễ bị tổn thương bởi các thứ chiến tranh, khủng bố, thiên tai và dịch tễ. Những tai họa mới đây đã gây ra một cuộc khủng hoảng quan trọng nơi thị trường du lịch thế giới.
………..
Người ta thấy việc du lịch thế giới được bừng nở trong 10 năm qua, nhất là ở những nơi ngoại lai xa xôi. Chẳng những các xứ sở kém hội nhập vào nền kinh tế thế giới được hưởng lợi lộc từ việc du lịch này mà còn cả những xứ sở giầu có nữa. Thành phần du lịch cảm nhận được các thứ giá trị về văn hóa cũng như tôn giáo là những gì ngày nay có thể thấy được theo sự tìm cầu những môi trường thiên nhiên cũng như các thứ văn hóa vẫn còn ở trong tình trạng sơ khai. Trung Hoa đã cống hiến tất cả những yếu tố hấp dẫn và lôi cuốn này.
……….
Tòa Thánh ước mong hội nghị này, được tổ chức ở một quốc gia phong phú về truyền thống và văn minh, hãy lưu lại các vết tích của một giai đoạn tích cực cho việc chân thành đối thoại hướng đến việc làm tăng thêm lại nơi vấn đề phát triển về các thứ giá trị của sự thật, tự do và công lý.

Ngày 28/10, về “Thập Niên Giáo Dục cho Việc Phát Triển Khả Thủ”, với Tiểu Ban của Tổng Hội Đồng LHQ tại Nữu Ước, ĐTGM Celestino Migliore đã thay mặt Tòa Thánh nhận định và góp ý như sau:
……..
Xã hội thực sự đã được biến đổi từ Bản Tuyên Ngôn Jomtein 1990. Ở Rio, trong Hội Nghị về Môi Trường và Phát Triển năm 1992, các chính phủ đã nhận thấy mối liên hệ giữa vấn đề giáo dục và việc phát triển khả thủ, cũng như đã đồng ý một lãnh vực rộng lớn của những chương trình bao gồm việc giáo dục trong tất cả mọi khía cạnh của vấn đề phát triển. Viện nhận thức này đã được thi hành qua các cuộc hội nghị và các cuộc họp thượng đỉnh từ Rio, bao gồm cả Cuộc Họp Thượng Đỉnh Thế Giới về Vấn Đề Phát Triển Khả Thủ ở Johannesburg.

Ở Johannesburg, vấn đề giáo dục đã được bàn đến, trước hết, liên quan tới việc bảo vệ môi trường. “Việc giáo dục về trách nhiệm đối với môi sinh là việc khẩn trương: trách nhiệm với chính mình, với người khác và với trái đất. Việc giáo dục này không thể được bắt nguồn từ các cảm tình thuần túy hay những ước muốn trống rỗng. Mục đích của việc giáo dục này không thể là một mục đích theo ý hệ hay chính trị. Nó không được theo chiều hướng loại trừ thế giới tân tiến hay là một ước mong bâng quơ trở về với một ‘thiên đường mất mát’ nào đó. Trái lại, việc giáo dục thực sự về trách nhiệm đòi phải thực hiện một cuộc hoán cải chân chính trong cách suy tư và tác hành” (John Paul II, Message for the World Day of Peace, 1 January 1990).
…………..
Việc khai mở cho Thập Niên Giáo Dục Về Việc Phát Triển Khả Thủ được xẩy ra vào ngày 1/1/2005. Việc khai mở này trùng hợp với Những Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm ấn định rằng vào năm 2015, “trẻ em khắp nơi, nam cũng như nữ, sẽ có thể hoàn tất trọn vẹn việc học căn bản và trẻ em nam nữ sẽ có cơ hội như nhau nơi tất cả mọi cấp độ học vấn”.

Tuy nhiên, những dự án và mục tiêu cho Thập Niên này cần phải vượt ra ngoài vấn đề học vấn căn bản nữa. Các chương trình trong Thập Niên này còn phải tiếp tục nêu lên vấn đề trẻ em không đến trường. Thưa Ngài Chủ Tọa, chính về vấn đề này mà chúng ta thấy r những liên hệ giữa những cơ hội về việc giáo dục với vấn đề phát triển. Trẻ em không đi học, vì không có trường để học, hay không có tiền trẻ học phí hoặc trả lương cho thày cô; vì các em bị bắt buộc phải làm việc để sinh tồn hay để giúp cho gia đình các em; vì các em nghiện ngập hay rơi vào tình trạng chiến tranh xung đột làm cho trường sở bị đóng hay bị tàn phá; vì các em thuộc về thành phần thiểu số về tôn giáo hay sắc tộc; hoặc chỉ vì các em không thể tìm thấy trường học trong tầm tay của các em.
……
Việc giáo dục đối với vấn đề phát triển khả thủ là một phương tiện để chiếm đạt nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm. Nó sẽ giúp vào việc tạo nên một môi trường “có ích cho việc phát triển cũng như cho việc loại trừ tình trạng nghèo khổ”. Việc hiện thực và đạt được những mục tiêu này có thể cần có thời gian, thế nhưng việc cung cấp cho tất cả trẻ em cơ hội học hành sẽ có một ảnh hưởng cấp thời, khả chứng và khả lường về phúc hạnh của dân chúng trên thế giới cũng như về việc phát triển khả thủ của họ.
………..

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 22/10/2003 

 

Tòa Thánh Vatican tại LHQ với vấn đề quốc tế kiểm soát các thứ thuốc phiện

Ngày Thứ Ba 14/10, về vấn đề quốc tế kiểm soát các thứ thuốc phiện, với một tiểu ban của Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, ĐTGM Celestino Migliore đã phát biểu như sau:

………
Qua tất cả mọi giai đoạn và chiều kích của mình, nạn thuốc nghiện bất hợp pháp làm mất đi phẩm giá bẩm sinh của con người nam nữ. Đại biểu tôi đặc biệt chú ý tới những liên hệ rõ ràng hơn bao giờ hết giữa vấn đề buôn bán thuốc nghiện bất hợp pháp với những thảm trạng khác của con người, như việc buôn bán con người, việc leo thang các thứ võ trang nhỏ trái phép, tình trạng mưu đồ tội ác, và nạn khủng bố. Cơn dịch thuốc nghiện này giống như một thứ vườn hoang cỏ dại với những tàn phá cùng tác dụng độc hại của nó không tha cho một lãnh vực chính trị, địa dư hay kinh tế xã hội nào.
………
Thưa Ngài Chủ Tọa, đại biểu tôi đây xin lập lại lời phát biểu của vị Giám Đốc Điều Hành UNODC trong Cuộc Thăm Dò Toàn Cầu 2003 về Tình Trạng Ngây Ngất và Các Thứ Kích Dược, vị đã kêu gọi cần phải Thay Đổi Xã Hội Toàn Cầu để thực sự lật ngược hoàn toàn chiều hướng báo động được thấy nơi việc sản xuất và lạm dụng các thứ thuốc tổng hợp, nhất là bởi thành phần giới trẻ khắp thế giới. Với việc sản xuất những kích chất thuộc loại kích dược ATS (amphetamine-type stimulants) chừng trên 500 tấn một năm và hơn 40 triệu người sử dụng chúng trong vòng 12 tháng qua, Tòa Thánh đặc biệt lo ngại là những thiệt hại vĩnh viễn về sức khỏe, bao gồm cả tình trạng các sinh hoạt não bộ bị ảnh hưởng, gây ra bởi ATS là vấn đề chưa hoàn toàn thấu hiểu và cần phải nói lên cho biết.
……..
Hiện tượng của việc tăng gia sử dụng và tăng gia lạm dụng các chất ma túy và các chất tâm loạn đã có những chiều kích thê thảm. Cần phải đặc biệt lo lắng để ý là cái bệnh hoạn về xã hội này ảnh hưởng đến hằng ngàn ngàn giới trẻ, một thứ bệnh trạng hàm chứa những hậu quả khủng khiếp cho tương lai của xã hội. Tòa Thánh tin tưởng rằng cộng đồng thế giới sẽ không ngừng lắng nghe những gì được rất nhiều giới trẻ đang cố gắng nói lên qua những thảm trạng của họ cũng như bằng những lời kêu gọi bi thương của họ, để tăng gấp nỗ lực của mình trong việc giúp cho thế hệ trẻ tự giải thoát họ khỏi hiện tượng tử vong lạm dụng ma túy này, vì tương lai giới trẻ là tiêu biểu cho thấy tương lai của cả loài người vậy.

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 6/11/2003 

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc với vấn đề Palestine

Ngày Thứ Hai 3/11/2003, về vấn đề Palestine, với Tiểu Ban Thứ Tư bàn đến khoản 83 trong chương trình liên quan đến “Việc LHQ Hỗ Trợ và Cơ Quan Hoạt Động cho Dân Tị Nạn Palestine ở Cận Đông”, ĐTGM Celestino Migliore đã nhận định và khuyến dụ như sau:


……….
Thưa Ngài Chủ Tọa, những phát ngôn viên trước đã nói đến những vấn đề định cư, giới nghiêm, vây hãm, ám sát, ôm bom tự sát khủng bố, cũng như đến ảnh hưởng của các biến cố này nơi việc người Palestine tìm kiếm công ăn việc làm, học vấn và các phương tiện chăm sóc y tế. Giáo Hội Công Giáo với những tổ chức nhân đạo và xã hội của mình, tức qua Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hoạt động ở vùng này từ năm 1949, Hội Caritas Quốc Tế, Các Dịch Vụ Công Giáo Hỗ Trợ, hằng ngày tường trình về những thử thách của thành phần dân chúng được phục vụ. Trong vòng 3 năm qua, những cơ quan này đã càng ngày càng cảm thấy khó khăn hơn nữa nơi việc thi hành sứ vụ của mình.

Qua sự kiện thất bại mới đây về vấn đề ngưng chiến, mức độ bạo loạn tăng lên kinh khủng, để rồi thành phần thường dân Palestine và Do Thái tiếp tục bị sát hại. Tòa Thánh tin tưởng rằng cuộc xung đột này ở Trung Đông sẽ tìm thấy được một giải pháp bền vững chỉ khi nào có hai Quốc Gia độc lập và chủ quyền sống bên nhau trong an bình và an ninh. Để đạt được mục đích này, những vấn đề liên quan tới thành phần tị nạn Palestine cũng như đến những việc định cư của người Do Thái chẳng hạn, hay vấn đề đặt ranh giới lãnh thổ và phân định tình trạng của các nơi linh nhất nhất ở Thành Giêrusalem, cần phải là chủ đề cho một cuộc đối thoại cởi mở và thương thảo chân tình.

Thưa Ngài chủ tọa, đại biểu tôi xác tín mãnh liệt là cộng đồng quốc tế cần phải hỗ trợ cho mọi phía trong cuộc để họ nhận thức được rằng việc chiếm đóng các lãnh thổ ở vùng Tây Ngạn và giải Gaza cũng như những cuộc khủng bố tấn công là những gì đang châm mồi cho cơn lốc bất tận của các hành động bạo lực và trả đũa giáng xuống trên cả người Palestine lẫn Do Thái. Phần nguyên vẹn của ‘lộ trình’ tiến đến hòa bình hiện nay rõ ràng kêu gọi giải pháp thành lập hai quốc gia. Nó là phận sự của cả hai phe, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, chấp nhận ‘lộ trình’ này như dụng cụ để thương thảo và tin tưởng xây dựng, nhờ đó những vấn đề khác nhau có thể được đề cập đến và những hiệp định giải quyết được ký kết.

Trong khi những việc thương thảo này hiện nay đang ở ngã tư đường, chúng ta cần phải tiếp tục hỗ trợ những ai gặp phải bạo loạn như cơm bữa. Về phần mình, Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hết sức cậy dựa vào sự hợp tác toàn cầu trong việc cải thiện tình trạng khổ đau của nhiều người nơi những phần đất bị chiếm đóng. Được nâng đỡ bởi một số tổ chức nhân đạo trên khắp thế giới, văn phòng này sử dụng việc giúp đỡ về luân lý và tài chính để phát động những công việc phát triển cộng đồng hăng say lao động để chống lại tình trạng thất nghiệp ở những miền đất bị chiếm đóng trên 60%. Việc nâng đỡ về tài chính của những hợp tác viên này giúp việc giáo dục, từ lớp mẫu giáo đến hết đại học.
…………
Ngoài việc nêu lên những nhu cầu nhân đạo quan trọng cần phải ghi nhận trên đây, Thư Ngài Chủ Tọa, đại biểu tôi hy vọng rằng bất cứ giải pháp nào được nêu lên cho các vấn đề đa diện của miền này cũng sẽ bao gồm cả vấn đề Thánh Thánh Giêrusalem. Theo nhiều diễn tiến bạo động và những tình trạng khắc nghiệt gây ra bởi việc vây hãm, Tòa Thánh xin lập lại lời kêu gọi liên tục của mình về “những khoản được quốc tế bảo đảm trong việc bảo toàn quyền tự do tôn giáo và lương tâm cho dân cư của thành này, cũng như bảo toàn cách thức thường trực, tự do và phi ngăn trở để tín hữu thuộc các tôn giáo và quốc tịch có thể đến với những nơi thánh” (A/Res/ES 10-2, 5 May 1997). Mức độ bạo loạn hiện nay đã khiến những người hành hương không dám đến Thánh Địa nữa, bởi thế càng chất thêm gánh nặng về kinh tế trên tất cả mọi người trong vùng này, ngoài việc làm ngăn trở quyền lợi của con người trên khắp thế giới trong việc họ viếng thăm và cầu nguyện ở những địa điểm thánh. Đại biểu tôi cũng nhận thấy rằng dân chúng địa phương cũng không dễ dàng đi đến những đền thờ và những nơi thánh.
………….

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 6/11/2003 

 

Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc Với Vấn Ðề Hoàn Toàn Tổng Giải Giới

Ngày Thứ Tư 8/10/2003, về vấn đề hoàn toàn tổng giải giới, trước Đệ Nhất Tiểu Ban của Tổng Hội Đồng LHQ tại Nữu Ước, ĐTGM Celestino Migliore đã lên tiếng thế này:

…….

Nếu các quốc gia không thể nào hạ vũ khí xuống trong hiện tình liên hệ quốc tế lúc này đây thì có lẽ là vì chúng ta chưa đủ sẵn sàng để cống hiến cho các quốc gia cũng như cho những vị lãnh đạo của các quốc gia ấy niềm tin tưởng là có thể tiến đến chỗ an ninh mà không cần phải tiếp tục phát triển và sản xuất các loại vũ khí. Điều này có nghĩa là những điều kiện xây dựng hòa bình cần phải có trước đã, trước khi chúng ta có thể hoan hưởng các hoa trái của hòa bình. Đất đai cần phải được chăm bón trước khi gặt hái mùa màng.

Đó là lý do tại sao việc Liên Hiệp Quốc cùng với các cơ quan của tổ chức này xây dựng một nền văn hóa hòa bình là một việc rất quan trọng. Nếu chúng ta mong muốn thấy được một cuộc tổng giải giới hoàn toàn, trước hết chúng ta phải gieo rắc lòng tôn trọng sự sống và phẩm vị cũng như các quyền lợi của con người, loại trừ bạo lực, cổ võ tự do, công lý, đoàn kết, nhân nhượng và chấp nhận những khác biệt, tăng thêm sự hiểu biết và hòa hợp hơn nữa giữa các nhóm sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và xã hội. Chương trình thực hiện này thật sự là rộng lớn, thế nhưng cộng đồng thế giới nếu không theo đuổi nó, chúng ta sẽ tiếp tục chịu đựng những tàn phá của chiến tranh.

Mục đích chính yếu của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế có thể được hiện thực bằng nhiều cách thức khác nhau, vì nó là một mục đích bị đe dọa và thử thách từ nhiều phía. Trong bài khai từ của mình cho khóa họp Tổng Nghị này, Ông Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan đã nói đến những thứ đe dọa “cứng” và “mềm” đối với hòa bình mà Liên Hiệp Quốc đang phải đương đầu. Trong số những mối đe dọa cứng có nạn khủng bố và nạn leo thang các thứ vũ khí đại công phá, trong khi đó, những thứ đe dọa mềm bao gồm tình trạng liên lỉ bần cùng, tình trạng cách biệt về lợi tức giữa và trong các xã hội, tình trạng lan tràn các thứ bệnh lây nhiễm, và tình trạng suy đồi môi trường. Cả hai loại đe dọa này có thực và được tất cả mọi quốc gia công nhận như thế.

Ngoài ra, vị tổng thư ký còn nhấn mạnh là Liên Hiệp Quốc không được chọn đương đầu với mối đe dọa này và loại trừ mối đe dọa kia; LHQ thực sự không thể làm như thế. Nhu cầu và mối quan tâm đối với một nhãn quan tổng hợp về hòa bình và an ninh thế giới này là những gì Giáo Hội hoàn toàn chia sẻ, rõ ràng nhất qua các giáo huấn của Giáo Hội về bản chất của con người, của phẩm giá con người cũng như của một trật tự xã hội chính đáng. Chính từ khởi điểm này mà vai trò đại biểu của tôi bao giờ cũng chia sẻ với tiểu ban này.

…………

Chúng ta cũng phải chú trọng ngay tới những thứ võ trang nhỏ nữa, vì các thứ võ trang nhỏ và các loại vũ khí nhẹ sát hại hơn nửa triệu mạng người hằng năm, bao gồm 300 ngàn ở những cuộc đánh nhau và 200 ngàn bởi giết nhau và tự tử, 90% là thường dân. Trong suát thập niên 1990, có từ 47 tới 49 cuộc xung đột chính bằng các thứ võ trang nhỏ. Để nói đến tận cùng về vấn đề các thứ võ trang nhỏ, cần phải nhìn nhận hơn nữa vấn đề liên thuộc giữa luật lệ trong nước và các qui chế quốc tế, cũng như vấn đề liên hệ giữa các thị trường buôn bán các thứ võ trang nhỏ hợp pháp và bất hợp pháp. Nhiều cuộc buôn bán bất hợp lệ được bắt đầu bằng những cuộc buôn bán hợp lệ. Về khía cạnh này, vai trò đại biểu của tôi xin lập lại quan điểm của mình về hai vấn đề quan trọng cần phải được chú trọng, đó là vấn đề trách nhiệm của quốc gia đối với nạn buôn bán bất hợp pháp cũng như vấn đề hiệp ước buộc phải giữ theo pháp lý về việc buôn bán quốc tế các thứ võ trang.

Vấn đề leo thang các thứ võ trang nhỏ làm tăng thêm các cuộc xung đột bằng võ lực và làm suy yếu đi những cơ hội phát triển con người. Dân chúng ở các nước đang phát triển bị chết vị các thứ võ trang nhỏ gấp đôi những vụ như thế này ở các quốc gia phát triển…
……….
Việc chấm dứt tình trạng Chiến Tranh Lạnh được cho là tình trạng chấm dứt các qui chế về vấn đề hủy hoại được bảo đảm với nhau MAD (mutual assured destruction) đã làm cho thế giới lo sợ, thế nhưng những biến cố trong năm qua đã làm bùng lên một cái gì đó trong tâm tưởng con người. Đó là những gì cho thấy tình trạng suy yếu của qui chế về Hiệp Ước Không Leo Thang Nguyên Tử NPT (Nuclear Non-Proliferation Treaty) cùng với những nỗ lực giải giới và ngăn chặn việc leo thang này. Bằng việc khai thác một số lỗ hổng trong NPT cũng như bằng việc dính dáng đến những hoạt động leo thang bí mật, một số quốc gia lại đầu tư nền an ninh của mình vào việc chiếm hữu và sử dụng những thứ vũ khí nguyên tử rùng rợn. Những đường lối này cần phải báo động cho mọi người biết. Vai trò của tôi đã từng nhấn mạnh trong nhiều dịp trước đây là các thứ khí giới nguyên tử không xứng hợp với hòa bình của thế kỷ 21 này.

Các chính quyền đang sửa soạn cho Việc Kiểm Tra Bản Hiệp Ước Không Leo Thang Năm 2005 cần phải nói lên tất cả mọi khía cạnh của vấn đề leo thang các thứ vũ khí nguyên tử. Trong một thời đại mới với nạn khủng bố mà thế giới tội nghiệp tiến vào đây, làm phát sinh mối lo sợ bị khủng bố tấn công bằng các vũ khí nguyên tử, thì cộng đồng thế giới cần phải làm sống động những lời được chất chứa trong bản Văn Kiện Đúc Kết của Việc Kiểm Tra NPT Năm 2000, những gì đã được tất cả mọi Quốc Gia Phần Tử NPT tỏ ra đồng ý với nhau rằng “việc hoàn toàn loại trừ các thứ vũ khí nguyên tử là bảo đảm chắc chắn duy nhất để chống lại việc sử dụng hay de đọa sử dụng các thứ vũ khí nguyên tử này”.

Các thứ vũ khí đại công phá khác, các thứ vũ khí hóa chất và sinh trùng, cũng cho thấy những vấn đề trầm trọng. Như những việc sử dụng ôn hòa nguyên tử lực, nhiều tác nhân hóa chất và sinh trùng đã được sử dụng cho những mục đích hợp lệ và thậm chí sinh lợi, song một số các tác nhân này có thể dễ dàng biến thành chất liệu được sử dụng làm các thứ vũ khí được mua, bán và di chuyển không cần phải tìm tòi. Những cơ quan thanh tra từ nhiều phía như IAEA về các thứ chất liệu nguyên tử và OPCW về các thứ hóa chất rất cần thiết cho việc tuân hành và kiểm chứng, và vấn đề thiếu mất một cơ quan như vậy đối với Qui Ước Các Thứ Khí Giới Sinh Trùng cần phải mau chóng giải quyết. Việc khó kiểm soát vấn đề xuất cảng nơi các quốc gia sản xuất các thứ chất liệu ấy sẽ góp phần vào những thứ buôn bán bất hợp pháp và buộc các quốc gia này phải có trách nhiệm hơn nữa về những cuộc buôn bán hợp pháp.
………
Việc cần phải thực hiện mọi nỗ lực trong tiến trình giải giới này có nhiều lúc xem ra quá sức. Thế nhưng, nếu những nỗ lực này được nhìn theo khía cạnh xây dựng một nền văn hóa hòa bình thì chúng có lẽ không quá quan ngại, với chủ trương đương đầu với cả hai thứ đe dọa cứng và mềm cho nền hòa bình và an ninh chung của chúng ta cũng như cho việc bảo đảm sự sống còn của nhân loại. Cái thiết yếu để hoàn thành chương trình hòa bình này đó là thay đổi thái độ nơi cả quốc gia cũng như cá nhân. Chúng ta phải nhìn nhận rằng bạo lực không phải là một số phận bất khả tránh của loài người. Chúng ta đã thiết lập được nội dung rộng lớn của luật lệ quốc tế, và có nơi Liên Hiệp Quốc khí cụ về chính trị để áp dụng luật lệ ấy. Ý thức về những gì con người đã thành đạt này phải làm cho chúng ta tràn đầy hy vọng, ở chỗ, việc sử dụng võ lực và chiến tranh có thể được thắng vượt bằng cách tái dấn thân chính trị hoạt động theo chiều hướng đa phương căn cứ vào các thứ giá trị của trách nhiệm, của tình đoàn kết và của đối thoại. Việc vững vàng áp dụng vấn đề giải giới này thực sự có thể khai sáng con đường trước mắt.
…………

(Ngoài ra, cũng liên quan đến vấn đề giải giới trên đây, tại Hội Nghị Lần Thứ Năm về Việc Cấm Gài Mìn Nổ được tổ chức ở Băng Cốc Thái Lan vào những ngày 15-19/9/2003, Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh đã bày tỏ chủ trương của Tòa Thánh là “không gì có thể biện minh cho việc sử dụng những thứ vũ khí sát hại, gây tàn tật hay thương tích bất kể”. Bài phát biểu này được phổ biến trên tờ Quan Sát Viên Rôma ấn bản tiếng Ý ngày 2/10/2003).
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 10/10/2003

 

Tòa Thánh Vatican có thể trở thành một quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc

Từ trước đến nay, với tư cách là Quốc Đô Vatican (Vatican City State), Tòa Thánh Vatican chỉ giữ vai trò của một quan sát viên thường trực ở tổ chức Liên Hiệp Quốc này mà thôi, quyền được mời tham dự các phiên họp và được phát biểu ở các phiên họp này, song hoàn toàn không có quyền bỏ phiếu như các quốc gia hội viên chính thức khác. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, qua bài diễn văn tại trung tâm Banco Popular ở Sondrio Ý Quốc hôm Thứ Sáu 19/9/2003 và được tờ nhật báo Ý Avvenire phổ biến vào ngày hôm sau, đã cho biết thế này: “Theo luật lệ quốc tế, về phương diện lý thuyết, Tòa Thánh không bị ngăn trở gì về vấn đề dần dần trở thành một hội viên thực thụ của các tổ chức Liên Hiệp Quốc. Vấn đề này cũng không phải là điều gì mới lạ đối với Tòa Thánh cả, nếu người ta để ý đến vai trò Tòa Thánh thi hành nơi một số cơ quan chuyên biệt thuộc cơ cấu tổ chức Liên Hiệp Quốc này”.

Từ năm 1978, Tòa Thánh đã thiết lập ngoại giao với 82 quốc gia, tới nay đã lên đến 174 nước trên thế giới. “Thượng quyền của Đức Giáo Hoàng trong lãnh vực quốc tế không phải là do bởi quyền lực trần thế của nó. Luật lệ quốc tế đã ghi nhận là Tòa Thánh ở trong cấp trật quốc tế theo tính cách thiêng liêng riêng của Tòa Thánh”, ĐHY phân định. Ngài cho biết thêm là trong việc thi hành hoạt động “ngoại giao” của Tòa Thánh, các vị đại diện của Tòa Thánh nhắm tới hai mục tiêu: trước nhất là việc bảo toàn và phát động sự thiện ích hợp pháp của Giáo Hội, và sau đó là việc phục vụ tất cả moị dân ộc, bất kể tín ngưỡng. Đó là lý do, ĐHY nói Tòa Thánh “không hành động theo những thứ tính toán về quyền lực kinh tế, mà là căn cứ vào quyền năng của việc thuyết phục cùng với sự nhẫn nại đối thoại. Vì bản tính thiêng liêng của mình mà Tòa Thánh bao giờ cũng nhấn mạnh đến vấn đề căn bản hòa bình. Vì bản tính đại đồng của mình, Tòa Thánh quan tâm đến tất cả mọi tình trạng quan hệ trên thế giới. Và sau cùng, vì bản tính nhân đạo của mình, Tòa Thánh chú trọng tới những biện pháp xứng hợp thuận lợi cho thành phần dân sự”.

Về vấn đề thực tế cụ thể liên quan tới Iraq hiện nay, ĐHY cho biết “Chúng tôi đã yêu cầu nhân dân Iraq và cộng đồng quốc tế dấn thân để cuối cùng tiến đến một kỷ nguyên hòa bình ở Trung Đông”.
 

Tòa Thánh không phải là một quyền lực chính trị cho bằng là một quyền lực về lãnh vực luân lý

ĐTGM Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình, trong chuyến viếng thăm Á Căn Đình, đã diễn thuyết tại Đại Học Công Giáo Á Căn Đình về vai trò của Tòa Thánh trong việc cổ võ nhân quyền trên bình diện quốc tế, nhất là ở Liên Hiệp Quốc, nơi vị chủ tịch này đóng vai trò làm đại biểu của Đức Thánh Cha trong 16 năm mới đây. Bài diễn thuyết của ngài được trình bày vào dịp “Những Ngày Quốc Tế” với đề tài “Việc Bảo Toàn Các Thứ Quyền Lợi Nồng Cốt của Con Người”, được tổ chức ở Đại Học Lateran trước đây ở Rôma cũng như ở đại học trên đây lần này, nhân dịp mừng kỷ niệm 40 năm Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế của Đức Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII.

Vị TGM đã liệt kê 4 phương diện Tòa Thánh đã dấn thân với tư cách là “một quyền lực về lãnh vực luân lý”, “một quyền lực luân lý chứ không phải quyền lực chính trị, quyền lực có thể hoạt động trên bình diện quốc tế. Hơn thế nữa, cùng với việc dấn thân phục vụ về chính trị, nhân loại tân tiến hết sức cần đến việc dấn thân phục vụ về luân lý nữa”. Phương diện thứ nhất là việc cổ võ và bênh vực nhân quyền, phương diện thứ hai là việc cổ võ quyền phát triển, phương diện thứ ba là việc cổ võ quyền sống hòa bình, và phương diện thứ bốn bao gồm các thứ nhân quyền và trật tự quốc tế.

Về phương diện thứ nhất là phương diện dấn thân cổ võ và bênh vực nhân quyền, ĐTGM chủ tịch đã nhắc lại hai trường hợp điển hình Tòa Thánh đã làm tại Hội Nghị Dân Số ở Cairô 1994 và Hội Nghị Về Phụ Nữ ở Bắc Kinh 1995: “Việc đóng góp quyết liệt của Tòa Thánh trong việc cộng đồng quốc tế nhìn nhận, bằng các phương tiện pháp lý và chính trị, quyền sống từ khi thụ thai cũng như việc công nhận phẩm giá riêng của giới phụ nữ”. Ơ ỹ cả hai hội nghị này, với sự hỗ trợ của một thiểu số phái đoàn đại biểu, trong đó đặc biệt của nước Á Căn Đình, “quyền quốc tế cho phá thai” ở hội nghị Cairo và “việc công bố phá thai như là một thứ nhân quyền” ở hội nghị Bá Linh, đã bị loại trừ trong bản đúc kết của hai hội nghị này.

Về phương diện thứ hai là phương diện dấn thân cổ võ cho quyền phát triển nhất là đối với các nước khốn cực, ĐTGM chủ tịch nói: “Thế giới ngày nay đang run sợ bởi một thứ hòa bình mong manh và thiếu hy vọng bởi những lời hứa hẹn thất tín. Quá nhiều người sống một đời sống vô vọng, hiếm có cơ hội để xây dựng tương lai khá hơn. Gia đình các quốc gia không thể để cho một ngày nữa qua đi mà không hết sức nỗ lực chiếm lấy những mục tiêu ấy, bằng cách đạt tới mức tiến bộ cụ thể nơi việc nhổ tận gốc rễ tình trạng nghèo khổ”.

Về phương diện thứ ba là phương diện dấn thân cổ võ cho quyền sống hòa bình, nơi lãnh vực giải giới, ngưng leo thang và loại trừ các loại vũ khí đại công phá, ĐTGM đa õ phải than lên rằng: “Vấn đề giải giới nguyên tử chưa hề tiến bộ. Ngược lại, nó lại còn thụt lùi lo ngại nữa là đàng khác. Không thể chấp nhận về luân lý bất cứ chủ trương quân sự thiận về các thứ vũ khí nguyên tử. Mối quan tâm của Tòa Thánh về giai đoạn ù lì hiện nay của tiến trình giải giới vì thiếu sự hợp tác của một số quyền lực nguyên tử”.

Về phương diện thứ bốn là phương diện bao gồm các thứ nhân quyền và trật tự quốc tế, ĐTGM nhấn mạnh rằng “Tòa Thánh đã bày tỏ bằng trăm ngàn cách lòng tin tưởng của mình nơi giá trị cộng đồng các quốc gia, một thứ giá trị được thể hiện qua những mối liên hệ quốc tế có tính cách tương kính và đoàn kết chung, hay qua những tổ chức quốc tế làm nên những gì có thể nói là xương sống cho sinh hoạt và sinh lực của gia đình chư quốc, cũng như tin tưởng vào một thứ trật tự quốc tế có được một thẩm quyền chung trên thế giới”.

Ở phần cuối của bài thuyết trình của mình, ĐTGM đã nói rằng ngài thường nghe thấy là “vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh là nhất”. Ngài cho biết nhận định của ngài như sau: “Tôi không biết sự thật về lời khẳng định này như thế nào. Nếu Tòa Thánh lập được nhiều công lớn thì những thứ công lênh này không phát xuất nhiều từ những khả năng thượng đẳng về chính trị hay ngoại giao, trái lại, và nhất là, từ khả năng của Giáo Hội trong việc cống hiến cho bài diễn văn về đạo lý và luân lý liên quan đến định mệnh của con người nam nữ cũng như đến các thứ quyền lợi nồng cốt của họ một thứ giá trị hiện hành chung cùng với thị năng ngôn sứ… Tòa Thánh có thể thi hành phận vụ của mình trong việc cổ võ con người cùng các thứ quyền lợi căn bản của họ, cổ võ hòa bình và phát triển, một cách càng hiệu nghiệm hơn khi nhất định tập trung vào những gì xứng hợp với Giáo Hội, đó là việc hướng về Thiên Chúa, việc giảng dạy tình yêu huynh đệ đại đồng và việc cổ võ một thứ văn hóa đoàn kết. Chính vì theo chiều hướng như thế mà Tòa Thánh đã cương quyết thi hành hoạt động của mình, ngày nay hơn bao giờ hết, một hoạt động được bảo trì bởi niềm hy vọng không còn hy vọng”.

Ra Mắt Cuốn Sách "Những Lời Lẽ Quan Trọng" của Các Vị Đại Diện Tòa Thánh với Quốc Tế

Hôm Thứ Hai 30/6/2003, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh, ĐTGM Jean-Louis Tauran, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, và ĐTGM Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình, đã ra mắt cuốn sách mang tựa đề “Những Lời Lẽ Quan Trọng”, một tác phẩm bao gồm tất cả mọi bài diễn từ của các vị đại diện Tòa Thánh tại các tổ chức quốc tế, từ năm 1970 tới năm 2000. Cuốn sách này được hiệu đính bởi ĐTGM Andre Dupuy, khâm sứ tòa thánh ở Venezuela, vị cũng phát biểu trong buổi ra mắt này.

ĐTGM Tauran cho biết ngài hy vọng là các vị lãnh đạo và ngoại giao sẽ được tác động bởi tác phẩm này: “trong việc họ tìm kiếm những giải quyết hợp lý, ôn hòa, công bình và vô tư, những gì có thể giải tỏa những xung khắc và loại trừ bạo lực khỏi sinh hoạt quốc tế. Chớ gì cuốn sách này giúp cho dân chúng hiểu hơn nữa lý do căn bản về sự hiện diện của Tòa Thánh giữa cộng đồng các Quốc Gia để làm tiếng nói được lương tâm loài người mong đợi!”

ĐTGM Martino xác nhận rằng tập sách này, dài gần 800 trang, bao gồm các đề tài từ “quyền tự do tôn giáo đến phát triển xã hội, từ quyền sống hòa bình đến quyền được sự sống, từ quyền của phụ nữ và trẻ em đến quyền tị nạn”.

ĐTGM Dupuy cho biết đây “là một phương tiện hành động nhắm đến các chuyên viên về luật quốc tế, một thủ bản cho các nhà ngoại giao tham vấn cũng như cho những ai muốn biết hơn nữa vị thế của Tòa Thánh về một số những vấn đề quốc tế. Tác phẩm ‘Những Lời Lẽ Quan Trọng’ chứa đựng những diễn từ của các vị đại biểu của Tòa Thánh trước các tổ chức quốc tế và trong các cuộc hội nghị hay hội họp quốc tế diễn ra trong giai đoạn 30 năm, từ 1970-2000. Có tất cả 1310 văn kiện. Những diễn từ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II liên quan đến vấn đề ngoại giao song phương và đa phương sẽ ở một tập khác trong tương lai. Cũng có một CD được phát hành cùng với cuốn sách chứa đựng trọn bản văn của đa số các bài diễn từ được trích dẫn từ cuốn sách này. Thật vậy, chỉ có một số bài diễn từ, một số rất nhỏ, được tóm tắt mà thôi”.

 

Tòa Thánh Vatican với Vấn Đề Cải Cách Tổ Chức Liên Hiệp Quốc

Vấn đề chiến tranh Iraq đã gây rắc rối cho vai trò của Liên Hiệp Quốc liên quan đến quyền bính và thế giá của tổ quốc thẩm quyền quốc tế này, nhất là đối với các siêu cường quốc trên thế giới như Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc, những nước đã qua mặt Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong việc họ tự động ra tay đơn phương tấn công Iraq, lấy lý là để bảo vệ hòa bình thế giới, như vừa xẩy ra từ tháng 3 tới tháng 4/2003. ĐTGM Celestino Migliore, 50 tuổi, một quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc, sau thời gian làm thứ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh từ năm 1995, đã đến Nữu Ước 6 tháng trước. Sau đây là những nhận định của vị quan sát viên này về vai trò cần phải cải tiến của tổ quốc Liên Hiệp Quốc.

Vấn     Cuộc khủng hoảng Iraq dường như được cho là cú đấm kiết liễu Liên Hiệp Quốc, một tổ chức cho thấy cái bất lực chưa từng thấy của mình. Trung Ương của Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước có nhận thấy điều này hay chăng?

Đáp     Liên Hiệp Quốc bất lực là điều đã rõ ràng và xẩy ra phần lớn là vì đường lối từ đầu của tổ chức này, một đường lối hợp với qui chuẩn bị chi phối bởi Cuộc Chiến Tranh Lạnh. Ở Trung Tâm tổ chức quốc tế này nhiều năm nay đã có dự án cải cách nó rồi. Mới đây ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã thiết lập một ủy ban chuyên viên để tìm kiếm những đường lối mới cho xã hội và các tổ chức tư được tham dự vào các hoạt động của tổ chức này. Nhu cầu này được nhận thấy như vậy là vì những lý tưởng và những mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc chấp nhận vào lúc được thành lập của mình vẫn còn hợp thời, song những mẫu thức và những đường lối hoạt động để hình thành chung là những gì thực sự cần phải được thay đổi.

Vấn     Theo chiều hướng nào?

Đáp     Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề đã rõ ràng trước mắt mọi người. Trường hợp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chạm trán vào lúc bàn luận về cuộc khủng hoảng Iraq, tầm quan trọng của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội, một trong những cơ quan của LHQ, có được ở thập niên qua trong việc phát triển những hội nghị quốc tế rộng lớn, và cơ hội liên kết các thực thể phi chính quyền, như những tổ chức NGO, với hoạt động của LHQ, là những yếu tố đòi phải có những phương sách mới để LHQ có thể thực hiện các nguyên tắc và mục tiêu của mình.

Vấn     Tổ chức LHQ được hiểu như là một cơ cấu tối cao có tính cách pháp nhân quốc tế, song nó lại tác hành như là một lãnh vực dung hòa các thứ khuynh hướng lợi lộc khác nhau mà kẻ mạnh nhất bao giờ cũng thắng thế. Làm thế nào có thể thắng vượt cái mâu thuẫn căn bản này?

Đáp     Ngay tư ụ ban đầu, những phương sách chi phối LHQ đã nhắm đến việc bảo đảm tình trạng an toàn về việc cân bằng các quyền lực. Tuy nhiên, trong môi trường thế giới mới có đặc tính toàn cầu hóa này thì quan điểm này dường như không cân bằng cho lắm và ngược lại với tính cách liên thuộc. Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến điều này vào Tháng Giêng vừa rồi khi Ngài ngỏ lời với các vị lãnh sự làm việc với Tòa Thánh Vatican: “Không thể chấp nhận nền độc lập của các quốc gia mà lại không liên thuộc nhau”. Theo quan điểm này thì vai trò lý tưởng nhất đó là Tổng Hội Đồng, một hội đồng bao gồm tất cả mọi quốc gia phần tử của LHQ có cùng một vị thế tương đương nhau.

Vấn     Tình trạng thế giới lưỡng trụ và xuất hiện một thứ siêu quyền lực làm thế nào lại khiến cho LHQ càng ngày càng trở nên vô hiệu năng?

Đáp     Ở vào lúc thừa nhận Quyết Định 1483 về tình hình hậu chiến Iraq, Hội Đồng Bảo An LHQ đã lại được nghe thấy những lời là Nếu LHQ không hiện hữu thì cần phải thiết lập nó. Điều này có nghĩa là, không được chỉ tìm thấy trong số những yếu tố khác yếu điểm của vấn đề ở nơi những phương sách, mà nhất là còn phải thấy ở nơi ý muốn chính trị của những ai tham dự vào vấn đề hình thành việc đồng thuận nữa. Nếu ý muốn ở tầm mức thuần lợi lộc riêng tư thì việc thỏa thuận dễ đạt đến ở một mẫu số chung thấp nhất, không còn chỗ cho những thứ nguồn lợi cao cả hơn. Trái lại, nếu ý muốn chính trị nhìn ra được công ích đại đồng, một vấn đề đã được thông điệp “Hòa Bình dưới thế” nhắc đến 40 năm trước đây, thì người ta có thể đạt tới một mẫu số chung cao nhất.

Vấn     Tình trạng thế giới lưỡng trụ và xuất hiện một thứ siêu quyền lực làm thế nào lại khiến cho LHQ càng ngày càng trở nên vô hiệu năng?

Đáp     Ở vào lúc thừa nhận Quyết Định 1483 về tình hình hậu chiến Iraq, Hội Đồng Bảo An LHQ đã lại được nghe thấy những lời là Nếu LHQ không hiện hữu thì cần phải thiết lập nó. Điều này có nghĩa là, không được chỉ tìm thấy trong số những yếu tố khác yếu điểm của vấn đề ở nơi những phương sách, mà nhất là còn phải thấy ở nơi ý muốn chính trị của những ai tham dự vào vấn đề hình thành việc đồng thuận nữa. Nếu ý muốn ở tầm mức thuần lợi lộc riêng tư thì việc thỏa thuận dễ đạt đến ở một mẫu số chung thấp nhất, không còn chỗ cho những thứ nguồn lợi cao cả hơn. Trái lại, nếu ý muốn chính trị nhìn ra được công ích đại đồng, một vấn đề đã được thông điệp “Hòa Bình dưới thế” nhắc đến 40 năm trước đây, thì người ta có thể đạt tới một mẫu số chung cao nhất.

Vấn     Tư tưởng đa phương, cùng với tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã từng chiếm được một chỗ đứng. Vậy quan niệm này có còn thực tế hay chăng?

Đáp     Theo giáo thuyết về xã hội của mình, Giáo Hội Công Giáo thiên về quan điểm quyền bính quốc tế hợp với nguyên tắc phụ trợ. Ở những cuộc hội nghị gần đây của LHQ tại Doha, Monterrey và Johannesburg chẳng hạn đã thấy có những quyết tâm theo đuổi việc phát triển tôn trọng thiên nhiên cũng như cổ võ việc phát triển những xứ sở nghèo bằng việc đưa những xứ sở nào tham dự vào việc sản xuất và thương vụ.

Vấn     Thế nhưng nhưnõg quyết tâm này thường chỉ ở trên giấy tờ mà thôi…

Đáp     Tính cách đa phương là ở chỗ giữ những điều hứa hẹn, và cử chỉ làm nhẹ đi gánh nặng ngoại quốc mà thôi vẫn chưa đủ. Cần phải sửa lại những ngăn trở và những trợ cấp kinh tế nơi những xứ sở mạnh về kinh tế để những xứ sở nghèo có thể sản xuất và tham dự vào guồng máy giao dịch thương mại. Ngày nay, nhu cầu khẩn trương trong việc giải giới lại được nêu lên, đặc biệt về những lò của các thứ vũ khí đại công phá. Chiều hướng đa phương còn có nghĩa là nếu thể hiện ý muốn tôn trọng những quyết tâm đã được ký kết thì thành phần đầu tiên phải tuân giữ chính là những quốc gia mạnh nhất. Ngoài ra, nó còn có nghĩa là người ta không thể tùy tiện trong việc bắt buộc những thành phần không tuân hợp phải tôn trọng. Tính cách đa phương cần phải được xét lại, một tính cách đã bị khủng hoảng ở nhiều đầu mối, kể cả việc tôn trọng những qui luật căn bản của nó nữa.

Vấn     Tòa Thánh không ngừng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của LHQ đối với việc chung sống hòa bình. Thế nhưng vào dịp có những hội nghị quốc tế quan trọng thì chính vai trò này đã hơn một lần xa biệt khỏi những chiều hướng của LHQ trong những vấn đề tôn trọng sự sống và gia đình.

Đáp     Tòa Thánh chủ trương hết sức rõ ràng trong cuộc khủng hoảng Iraq, cho thấy ngay từ đầu là vấn đề này không hoàn toàn chỉ liên quan đến một hay vài chính quyền. Nếu vấn đề ở đây là vấn đề giải giới các thứ vũ khí nguyên tử, hóa chất hay sinh trùng, theo các qui luật và phương sách được thiết định ở trung tâm LHQ thì LHQ có trách nhiệm làm cho các qui luật của mình được tôn trọng. Đó là vấn đề ton trọng luật pháp quốc tế. Về khía cạnh này, vì tin rằng chúng ta đã đạt tới một gia sản của sự thỏa thuận, của các qui luật, các phương sách và các guồng máy kiểm soát mà nếu được các quốc gia quyết tâm chấp thuận và tôn trọng, Tòa Thánh hết sức hy vọng chính chúng ta có thể giải quyết được những thứ xung khắc bất khả tránh bằng phương tiện pháp lý và ôn hòa.

Vấn     Tình hình về vấn đề gia đình và quyền sự sống ra sao?

Đáp     Nhân danh việc tôn trọng chính pháp luật quốc tế, Tòa Thánh luôn hợp tác với các thế lực quốc tế khác nhau, thường bằng việc hỗ trợ cho các phái đoàn đại biểu khác, thậm chí có những lúc đơn phương đi ngược lại với triều sóng, để bảo vệ việc tôn trọng phẩm giá con người. Không hề có vấn đề thay đổi ý kiến hay chiều hướng ở LHQ, nhưng là vấn đề ý muốn liên lỉ muốn cổ võ tính cách pháp lý quốc tế được bày tỏ ở những trường hợp qua các chủ trương khác đi song lại luôn được cho rằng làm như thế là củng cố khả năng của LHQ đối với việc phát triển công ích cho các dân tộc.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch tài liệu do Zenit phổ biến Thứ Sáu 20/6/2003

 

Bức Thư của Tòa Thánh Ủng Hộ Vai Trò của Liên Hiệp Quốc

Hôm Thứ Sáu 20/6/2003, văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến bức thư của Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay cho Đức Thánh Cha viết gửi cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan một bức thư đề ngày 5/6/2003 để bày tỏ việc Tòa Thánh ủng hộ vai trò chính yếu của Liên Hiệp Quốc trên thế giới.

Kính Gửi Ông Kofi Annan,
Tổng Thư Ký Tổ Chức Liên Hiệp Quốc
Nữu Ước

Ông Tổng Thư Ký thân mến,

Quyết Định của Hội Đồng Bảo An 1483 mới đây liên quan đến vấn đề tái kiến thiết các cơ cấu và nền kinh tế của Iraq có thể được coi là mở màn cho việc tái củng cố tính chất vững chắc của sứ vụ Tổ Chức Liên Hiệp Quốc như đã được phác họa trong Bản Hiến Chương năm 1945.

Nhìn nhận tầm quan trọng của Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn tôi bày tỏ cùng Ngài việc hỗ trợ của Tòa Thánh về vai trò nồng cốt của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc ở vào lúc này đây. Như ngài biết, các vị Giáo Hoàng đã từng nói trong các trường hợp khác nhau về nhu cầu cần phải có một Thẩm Quyền quốc tế và độc lập có khả năng phục vụ, chẳng những như một vai trò trung gian trong những cuộc xung khắc có thể xẩy ra mà còn như một hướng đạo viên cho toàn thể nhân loại nữa, dẫn gia đình nhân loại bình an tiến đến chỗ nắm giữ qui tắc của luập pháp. Dấu hiệu đặc biệt của khuynh hướng này đó là sự hiện diện của Sứ Vụ Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc.

40 năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong bức Thông Điệp Hòa Bình dưới Thế Pacem in Terris (11/4/1963) của mình, đã tỏ tường nói rằng chính phạm vi luân lý kêu gọi việc thiết lập một Thẩm Quyền chung toàn cầu (số 137). Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong bài Diễn Từ của Ngài trước Tổng Hội Đồng vào ngày 5/10/1995, đã bày tỏ niềm hy vọng là “Tổ Chức Liên Hiệp Quốc”… trở thành một trung tâm, nơi tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều cảm thấy như là nhà của họ và phát triển một ý thức chung về việc thực sự trở thành một “gia đình các dân tộc”.

Cuộc khủng hoảng Iraq mới đây đã khiến cho việc càng phải chú trọng tới nhu cầu dấn thân thực hiện hơn nữa những nguyên tắc đã được phác họa trong Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc để tránh những hành động đơn phương có thể đưa đến việc làm suy yếu luật pháp quốc tế và những thỏa ước hiện hành.

Tòa Thánh tin tưởng rằng Tổ Chức Liên Hiệp Quốc sẽ phát triển được những hình thức cộng tác hiệu nghiệm và hòa hợp hơn nữa, hầu giúp cho những nhà lãnh đạo thế giới có thể tham gia vào việc chiến đấu với những tình trạng bất công và đàn áp là những gì gây ra thù hận giữa các dân tộc, thay vào đó là những gì xây dựng nên một “gia đình các quốc gia” như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói tới năm 1995.

Cùng với lòng quí mến của Đức Thánh Cha, tôi xin ngài biết cho rằng Tòa Thánh nhận thấy việc ngài dấn thân cùng với tất cả những ai hằng ngày hoạt động cho hòa bình trên thế giới, nhất là những ai liên kết với các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để bảo dưỡng hòa bình, đối thoại và hợp tác quốc tế.

Bằng việc lập lại sự cảm nhận này của Tòa Thánh về cơ cấu quốc tế quan trọng này, xin Ngài hãy nhận nơi đây mối quan tâm thực sự của tôi.

Tại Vatican ngày 5/6/2003
Hồng Y Angelo Sodano,
Quốc Vụ Khanh

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày Thứ Sáu 20/6/2003


Tòa Thánh với Cuộc Khủng Hoảng của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc

Hôm Thứ Năm 19/6/2003, ở Orosel, Sardinia, trong phần kết thúc hội nghị “Những Giải Pháp Công Lý, Những Đường Lối Hòa Bình” của các chi nhánh Tổ Chức Caritas ở cấp giáo phận Nước Ý, Đức Tổng Giám Mục Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh, vị đã từng là Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc 16 năm, đã làm sáng tỏ một số điểm chính yếu trong học thuyết xã hội của Giáo Hội. Theo ngài, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã không ngừng đề cập đến Liên Hiệp Quốc, cả trước lẫn trong và sau cuộc chiến tranh Iraq, không có nghĩa là chấp thuận cơ cấu hiện tại của tổ chức này hay chấp thuận những liên hệ về quyền lực đang diễn tiến nơi tổ chức ấy, “mà là một lời kêu gọi mạnh mẽ hãy theo đuổi những lý tưởng hướng dẫn Liên Hiệp Quốc và là nền tảng cho bất cứ một tổ chức quốc tế nào… là một lời mời gọi hãy củng cố việc liên kết các thứ giao hệ quốc tế đã bị cuộc chiến Iraq làm lỏng lẻo, bất kể phán đoán về luân thường đạo lý và chính trị về cuộc xung đột ấy”.

Trong số những đường lối để củng cố các tổ chức quốc tế, theo vị TGM chủ tịch này, là việc áp dụng “nguyên tắc phụ thuộc một cách xác tín hơn nữa”. Ngoài ra còn cần phải thực hiện “những cuộc cải cách từ từ đưa đến việc coi trọng tính chất đa phương” và “việc thích ứng cơ cấu của Liên Hiệp Quốc vào những mối liên hệ thực sự nơi các quốc gia. Đây là lúc tất cả mọi người phải cùng nhau hoạt động để phác họa ra một thứ kiến trúc hiến pháp cho nhân loại, một thứ kiến trúc không cống hiến sự sống cho một siêu quốc toàn cầu, mà, như Đức Gioan XXIII đề nghị trong Thông Điệp ‘Hòa Bình dưới thế’ của Ngài, tiếp tục phát triển tiến trình vốn đã được các cấp cùng nhau dự phần theo quyền hạn rõ ràng và ấn định. Nếu một thứ hòa bình không phải là thành quả của bạo lực áp đặt là một trong những điều gây thêm xung đột mới, cũng không phải là thành quả của những cuộc thương thảo dài dòng và mệt mã là những gì thường chỉ tồn tại trên giấy tờ, thì nó cần phải phát xuất từ những thứ giá trị được thực sự chia sẻ và sống”.

Riêng về vấn đề những thỏa hiệp thương thảo, ĐTGM nhắc đến nhu cầu cần phải tuân hợp với việc dấn thân thực hiện vấn đề viện trợ chung cho tình trạng phát triển là .7% tổng sản lượng quốc gia của các nước giầu được thiết định năm 1970. Bằng không, theo ngài, tất cả chỉ là một thứ hứa hẹn không trọn.

 

 

Hội Nghị về “Giáo Hội và Trật Tự Thế Giới”


ĐTGM Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, đã đọc bài diễn văn trong một cuộc hội nghị quốc tế tại Đại Học Gregorian của Tòa Thánh, một hội nghị diễn ra vào hai ngày 23-24/5/2003, với chủ đề “Giáo Hội và Trật Tự Thế Giới”.


Theo bản thông báo của Hội Đồng này được phổ biến hôm Thứ Sáu 23/5, thì “sau khi nhấn mạnh là giáo thuyết về xã hội của Giáo Hội đặt trật tự thế giới trên những giá trị về luân thường đạo lý và pháp lý là những gì duy trì cuộc sống chung và việc hợp tác nơi các cộng đồng chính trị khác nhau, ĐTGM nhấn mạnh là nguyên tắc khách quan của giáo thuyết này là liên kết những mối liên hệ giữa các Quốc Gia với quan niệm về sự công lý quốc tế như là một yếu tố chính yếu của công ích. Tự do và việc phục hồi luật lệ không bao giờ đạt được bằng sức mạnh của chiến tranh. Phương tiện luật lệ là một giải pháp thay cho sức mạnh của vũ khí, một phương tiện vốn đã có trong luật lệ quốc tế, cần phải được tái cứu xét ở chỗ làm cho nó tương xứng với những nhu cầu thực sự của cộng đồng quốc tế, nhất là bằng việc củng cố sự tuân giữ cũng như tính cách chính xác của việc áp dụng luật lệ”.


Đại Học Viện và Học Viện Quốc Tế Jacques Maritain đã tổ chức hội nghị hai ngày này để kỷ niệm 40 năm thông điệp “Hòa Bình dưới thế” của Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Cuộc hội nghị này có cả ĐTGM Anh Giáo Emeritus Goerge Carey, ĐTGM Chính Thống France Emmanuel, đại diện Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống ở Contantinôpôli, và Giám Mục Bela Harmati, chủ tịch Giáo Hội Tin Lành Lutherô Hung Gia Lợi, đại diện cho Liên Hiệp Thế Giới Lutherô.


Trong lời dẫn nhập tổng quan của mình, ĐTGM Martino đã nói: “tính cách chính yếu của con người cùng với mối liên hệ tự nhiên giữa các cá nhân và các quốc gia với nhau là những gì căn bản nói lên giáo thuyết về xã hội của Giáo Hội đối với cộng đồng quốc tế, một cộng đồng phải có qui chế nhắm đến việc bảo đảm hữu hiệu công ích đại đồng của nhân loại, bằng việc bảo vệ nét đặc thù và căn tính của mỗi một dân tộc”.


“Theo chiều hướng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội cho một trật tự mới của thế giới thì cộng đồng quốc tế không được coi mình như là một thời điểm chỉ để qui tụ cả đống sinh hoạt của các quốc gia. Nó phải trở thành một cấu trúc hiệu nghiệm có thể giải quyết một cách ôn hòa những xung khắc và có thể bảo toàn cùng ổn định theo chiều hướng công lý chân thực những lợi lộc của từng phe phái liên hệ”.


Vị chủ tịch này nhấn mạnh là hoạt động hay sự tiến hóa của công pháp quốc tế cũng phải nhắm đến việc phát triển về kinh tế xã hội bằng cách thắng vượt tình trạng chênh lệnh liên tục và trầm trọng giữa các quốc gia, các vùng và các dân tộc. ĐTGM nhắc lại là “giáo huấn về xã hội của Giáo Hội luôn luôn kêu gọi việc thiết lập những quyền lực chung trên bình diện quốc tế” và “những xung khắc giữa các dân tộc và các quốc gia chỉ có thể được thắng vượt bằng việc tham khảo, tức là bằng việc kiến tạo nên một hệ thống liên hệ nhắm đến chỗ có những mục tiêu chung cùng với việc hợp tác hữu hiệu. Tuy nhiên, vẫn có lý do để hy vọng, đó là, bằng việc gặp gỡ và thương thảo, con người có thể nhận thức hơn nữa những liên hệ nối kết họ lại với nhau phát xuất từ chính bản tính con người nơi họ; và họ cũng có thể khám phá ra rằng một trong những đòi hỏi sâu xa của bản tính chung này của họ là thế này, đó là, tình yêu chứ không phải sợ hãi chi phối họ và các dân tộc đáng kính, một tình yêu bộc lộ ở việc hợp tác trung thành qua nhiều hình thức và làm trổ sinh nhiều lợi ích”.


Ngoài ra, Vị TGM này còn cho biết quyền lực quốc tế của Giáo Hội trong trật tự thế giới, một quyền lực về luân lý nhắc nhở lương tri của con người. Và vì là một quyền lực luân lý, Tòa Thánh có “một đường lối, nếu người ta có thể nói như thế, đó là nhắc nhở lương tâm của con người và các dân tộc, bằng việc tạo nên một thứ tổng luận về luân lý quốc tế. Lý do tại sao Tòa Thánh nằm ở ngay tâm điểm của cộng đồng các quốc gia là để trở thành tiếng nói cho lương tâm con người, một tiếng nói không làm suy giảm… sự đóng góp của các truyền thống tôn giáo khác”.


ĐTGM nhấn mạnh đến những nguyên tắc Tòa Thánh vốn bênh vực và cổ võ đó là “đặc tính chính yếu của con người cũng như các quyền lợi của họ, việc phát triển nhân bản, bênh vực hòa bình và ý thức dân chủ”. Ngài cũng cảnh giác là “hòa bình và cuộc sống chung dân sự đang bị đe dọa bởi những hình thức khác nhau của quyền lực chuyên chế, bởi nỗi ám ảnh về sự an ninh, về ý hệ cũng như về việc theo đuổi những đặc ân cho một số hạng công dân”.


Về vấn đề giải giới, ĐTGM nói “Tòa Thánh, một quyền lực đệ nhất phi khí giới, bao giờ cũng khích lệ những nỗ lực cần phải được thực hiện để đạt được vấn đề giải giới… Trong cuộc khủng hoảng Iraq, Tòa Thánh đã nói rằng Tòa Thánh không đồng ý với nguyên tắc của một thứ ‘chiến tranh ngăn ngừa’, và kêu gọi tôn trọng Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, nhất là Chương 7 là chương ấn định tiêu chuẩn tác hành trong trường hợp bị đe dọa cho hòa bình hay hòa bình bị tấn công. Tòa Thánh luôn luôn bảo vệ quyền tự do của lương tâm và tôn giáo, chẳng những như là một thứ quyền tự do thờ phượng mà còn là một cơ hội cho tín hữu tham dự vào sinh hoạt xã hội và chính trị của quốc gia mà họ là công dân. Tòa Thánh chống lại bất cứ quan điểm chiều kích một chiều về con người và nêu lên một quan điểm hướng về yếu tố bản thân, xã hội và siêu việt của họ”.

 

 

Tòa Thánh ngỏ lời cùng ủy ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền


ĐTGM Diarmuid Martin, khâm sứ Tòa Thánh và là quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Văn Phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva Thụy Sĩ, vị lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh tham dự phiên họp thứ 59 của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền, một phiên họp đang diễn tiến tại thành phố này từ 17/3 tới 25/4/2003. ĐTGM này đã nói với hội đồng ủy ban nhân quyền này 3 lần từ khi cuảc họp bắt đầu tới nay.


Lần đầu tiên vào ngày 25/3/2003, ngài đã nói đến mục 6 của chương trình đó là “vấn đề chủ nghĩa duy chủng, kỳ thị chủng tộc, ghét sợ ngoại tộc và tất cả mọi hình thức kỳ thị. ĐTGM đã ghi nhận là từ Hội Nghị Thế Giới Durban về vấn đề này “cộng đồng các quốc gia vẫn gặp trở ngại trong việc nêu lên vấn đề về chủ nghĩa duy chủng. Nó hình như có một cái gì đó hết sức sợ hãi hay bị cản trở về xã hội đã ngăn chặn chúng ta trong việc thành thật và khách quan nói lên cái hiện tượng tràn lan này… Những hình thức mới về vấn đề chia rẽ và loại trừ nhau, bất khả nhượng và hận thù đã nổi lên… Chủ nghĩa duy chủng này của ngày hôm nay đây không được truyền đạt cho dù là một thế hệ tới đây. Chúng ta phải tìm cách giáo dục các thế hệ tương lai cho họ có một cái nhìn khác về các mối liên hệ nhân bản, một cái nhìn hợp với sự thật về mối hiệp nhất nhân loại”.


Lần thứ hai vào ngày 7/4/2003, vị khâm sứ tòa thánh này nói đến vấn đề 10 của chương trình họp, đó là vấn đề Các Quyền Lợi về Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa – Tình Trạng Cùng Cực trong Một Kỷ Nguyên Toàn Cầu Hóa. Vị TGM này phát biểu là: “tình trạng tập trung và tăng phát cảnh cực bần cùng ở một số miền đất trên thế giới là một trong những dấu hiệu mãnh liệt nhất cho thấy những chênh lệch bất khả chấp vẫn còn hiện hữu trong thế giới của chúng ta ngày nay. Vấn đề bao gồm lẫn nhau phải là một dấu hiệu nổi bật của nhân quyền trong đường lối giảm nghèo, một đường lối chú trọng đến tính cách bất khả phân cũng như tính cách đại đồng của các thứ nhân quyền, bằng việc lấy phẩm vị nguyên vẹn của mỗi một con người và mối hiệp nhất của gia đình nhân loại làm trọng tâm”.


Bài trình bày thứ ba của Tòa Thánh về nhân quyền được tập trung ở vấn đế 11 của chương trình, đó là Vấn Đề Những Quyền Lợi về Dân Sự và Chính Trị – Việc Dung Nhượng về Tôn Giáo. Vị TGM này đã nhắc đến Bản Thập Điều Hòa Bình ở Assisi hôm 24/1/2002: “Bản Thập Điều này đã phác ra một số những yếu tố căn bản thuộc về vấn đề đối thoại giữa các tôn giáo, bao gồm việc xác định sự kiện là, (thứ nhất), bạo lực và khủng bố hoàn toàn phản lại tinh thần tôn giáo đích thực; (thứ hai) vấn đề giáo dục về việc tôn trọng và tương kính nơi các phần tử thuộc các nhóm sắc tộc, văn hóa và dân tộc khác nhau; (thứ ba) vấn đề nhìn nhận sự kiện trong việc đối diện với sự khác nhau có thể trở thành một cơ hội hiểu biết nhau hơn; (thứ bốn) vấn đề tha thứ những lỗi lầm và tổn thương của hiện tại cũng như quá khứ; (thứ năm) vấn đề cổ võ một thứ văn hóa đối thoại, hướng đến việc hiểu biết và tin tưởng nhau. Các vị lãnh đạo tôn giáo có một trách nhiệm đặc biệt trong việc mạnh mẽ tái xác nhận, cùng với nhau khi nào có dịp, là những nỗ lực sử dụng cảm tình tôn giáo để gây chia rẽ, hay sử dụng tôn giáo như là một thứ lý do gây ra bạo lực hoặc khủng bố, đều không thể nào hợp với bất cứ một tinh thần đạo giáo chân chính nào. Điều kiện tiên quyết cho việc xác nhận này là ở chỗ phải làm sao bảo đảm để các tín hữu không có những khuynh hướng yên trí hay trình bày sai lạc các tôn giáo khác và niềm tin của họ”.

 

Luật lệ cần phải được sử dụng để thắng vượt bạo lực

ĐTGM Celestino Migliore, khâm sứ Tòa Thánh kiêm quan sát viên thường trực ủa Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc hôm qua Thứ Ba 1/4/2003, đã ngỏ lời với Cuộc Họp Chính Yếu Năm 2003 của Ủy Ban Giải Giới về chủ trương của Tòa Thánh đối với vấn đề giải giới này như sau:

Thưa Ngài Chủ Tịch,

Phái đoàn đại biểu chúng tôi hiệp lời chúc mừng ngài được chọn làm chủ tịch của Ủy Ban quan trọng này. Chúng tôi cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất cho các vị khác của văn phòng này.

Những tháng trước đây, Phái Đoàn Đại Biểu của Tòa Thánh đã phát biểu trước Đệ Nhất Ủy Ban trong Phiên Họp Thứ 57 của Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là những qui chế cũ về vấn đề cấm cản nguyên tử lực được áp dụng trong thời Chiến Tranh lạnh, giờ đây phải đưa tới những biện pháp giải giới cụ thể căn cứ vào việc đối thoại và thương thảo của nhiều phía là những gì làm nên những giá trị thiết yếu trong tiến trình giải giới. Qua các phương tiện luật lệ quốc tế…, những việc làm ấy cho thấy niềm xác tín rõ ràng về một thứ văn hóa sự sống và an bình là những gì cần phải được căn cứ vào các giá trị của trách nhiệm, của tình đoàn kết và của việc trao đổi với nhau.

Những lời này dường như trở nên quan trọng hơn nữa vào ngày hôm nay đây, khi mà thế giới một lần nữa đang nghe thấy những tiếng va chạm chát chúa của vũ khí. Chúng ta đang phải đương đầu với hai quan điểm đối nghịch nhau: quan điểm thứ nhất được dựa trên xác tín là các cuộc xung khắc có thể được giải quyết bằng ý muốn cương quyết và bao rộng trong việc thương thảo một cách hiệu nghiệm theo những đường lối và sự khôn ngoan của luật lệ; quan điểm thứ hai chủ trương rằng, trước những mối đe dọa chập chờn thì võ lực mới có hiệu lực và dứt điểm hơn. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai dường như cho thấy chỉ làm suy yếu việc hợp tác quốc tế trong vấn đề giải giới hơn là bồi dưỡng nó, gây ra những phản ứng tiêu cực về chiều hướng tham dự của nhiều phía. Phiên họp quan trọng này cần phải đề cao quyền lực của luật lệ chứ không phải luật lệ của quyền lực.

Chúng ta đến tham dự cuộc diễn đàn này: là để bảo trì những đường lối và phương tiện đạt tới việc giải giới nguyên tử, cũng như những biện pháp kiến tạo lòng tin tưởng cụ thể trong lãnh vực các thứ khí giới được công nhận. Những kỹ thuật trong việc điều giải, thương thảo và kiểm chứng ngày nay tất cả đều đang tiến đạt. Hệ thống kiểm soát các thứ vũ khí dường như đã làm việc có hiệu quả và đã mang lại những kết quả đáng kể trong các thập niên vừa rồi. Nó chỉ cần củng cố vấn đề giải quyết một cách tốt đẹp hơn đối với những thách đố mới và đối đầu với những đe dọa mới. Bởi thế, Tòa Thánh muốn lập lại việc Tòa Thánh ủng hộ những nguyên tắc cũng như vấn đề áp dụng một cách hiệu quả những mục tiêu được đề ra trong Hiệp Ước Miễn Leo Thang Vấn Đề Nguyên Tử NPT (Nuclear Non-Proliferation) cũng như trong Văn Kiện Đúc Kết của Hội Nghị Kiểm Điểm Năm 2000.

Thưa Ngài Chủ Tịch,

Cuộc vận động khác thường của những con người nam nữ chúng ta thấy hầu như ở khắp nơi trong những ngày này đây cho thấy rằng vấn đề hòa bình đang có nhiều tiến bộ nơi lương tâm con người. Nó càng cho thấy ước vọng chân thành của dân chúng muốn sống trong an ninh, trong công lý, trong hy vọng và trong một thứ văn hóa bình an, là những gì rất đáng nhớ rằng cuộc vận động này đang được tập trung vào giá trị của con người cũng như vào việc trân trọng đối thoại và cùng sống chung giữa các dân tộc.

Việc nhận thức được mối liên thuộc đáng chú trọng nhất giữa các quốc gia cũng như việc nhận thức về những nguy biến của tình trạng hủy hoại lẫn nhau đòi phải có một cải tiến chính yếu về chiều hướng phe phái là những gì, thay vì đặt nặng vấn đề võ lực không xứng hợp hay vấn đề thi hành tùy hiệp định nào mình muốn, cần tất cả mọi Quốc gia và cá nhân phải quyết liệt áp dụng những luật lệ cùng với những phương thức đã được thiết lập đối với vấn đề giải giới nguyên tử cũng như vấn đề loại trừ những mối đe dọa gây ra bởi những thứ khí giới được công nhận.

Đây là giây phút mà mỗi một người trong chúng ta nhận thấy cái trầm trọng của tình hình hiện nay, khi mà luật lệ cần phải được sử dụng để thắng vượt bạo lực, cần phải được tác động bởi một cảm quan sâu xa về trách nhiệm cần phải thi hành đối với tiến trình giải giới. Đường lối hiệu nghiệm nhất để làm cho hết mọi phần tử của cộng đồng quốc tế tuân hợp quyết tâm của mình đó là một ý muốn rõ ràng vì mọi người cũng như vì tất cả mọi Quốc Gia tuần hợp những dấn thân của mình trong phạm vi của các hiệp định cũng như với nhau bằng một tinh thần đa phe phái chân thực.

Cám ơn Ngài Chủ Tịch

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu do Zenit phổ biến ngày 2/4/2003

 

Tòa Thánh trình bày với Liên Hiệp Quốc về Hiệu Lực của Quyền Tự Do Tôn Giáo


Thứ Sáu, 8/11/2002, tại Nữu Ước, ĐTGM Renato Martino, vị lãnh đạo phái đoàn đại biểu quan sát viên của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc cũng là vị Tân Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hòa Bình thay ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, đã ngỏ lời với Cuộc Họp Chung của tổ chức này bàn về các vấn đề nhân quyền.


Sau khi chúc mừng vị Tân Cao Ủy về Nhân Quyền người Ba Tây là ông Sergio Vieira de Mello, thay cho bà Mary Robinson người Aùi Nhĩ Lan, ĐTGM cho biết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ trương rằng trong số “những quyền tự do nồng cốt Giáo Hội phải bênh vực dĩ nhiên trước hết là quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do tôn giáo gắn liền với các quyền lợi căn bản khác đến nỗi nói được rằng tôn trọng quyền tự do tôn giáo là điểm then chốt cho việc tuân giữ những quyền lợi cốt yếu khác. Tòa Thánh đặc biệt quan tâm đến nhiều phần đất trên thế giới hiện đang tiếp tục thi hành những chính sách kỳ thị hay bất dung nhượng liên quan đến những thành phần thiểu số trong nước theo đuổi một tôn giáo chính thức. Giáo Hội cũng quan tâm cả đến sự kiện bắt bớ cả thiểu số lẫn tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới và ngang nhiên coi thường và bất kính đối với các nhà thờ, đền thánh hay địa điểm tôn giáo. Tôn giáo là những gì thể hiện cho thấy những điều mơ tưởng, những niềm hy vọng và những ước muốn sâu xa nhất của con người. Lòng tin tưởng đạo giáo giúp con người có một nhân sinh quan về thế giới và chi phối những mối giây liên hệ của họ với nhau. Thật vậy, các dân tộc khác nhau và các nền văn hóa khác nhau trong suốt dòng lịch sử trên khắp thế giới đã chứng thực bằng nhiều cách thức khác nhau cho thấy việc con người bày tỏ cho thấy ý nghĩa của thiên nhiên tạo vật, của lịch sử cũng như của cuộc sống của mỗi người. Quyền sống, quyền tự do tôn giáo hay tin tưởng, và việc tôn trọng gia sản tôn giáo và văn hóa là những cơ sở nồng cốt cho việc hiện hữu của con người. Sự kiện còn thấy ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay vẫn không chấp nhận hay hạn chế việc các phần tử của đạo giáo được qui tụ lại để làm việc thờ phượng, hay ở những nơi mà niềm tin tôn giáo đã bị hất ra ngoài nhân danh phát triển hay tân ý hệ, là một điều bình phẩm đáng buồn cho thấy cần phải có một thế giới chính trực, an bình hơn, nơi những quyền lợi và quyền tự do được đặc biệt nâng đỡ và tôn trọng”.


Vấn đề sau hết ĐTGT đề cập đến là việc Giáo Hội xác tín rằng: “Vấn đề sử dụng bạo lực nhân danh niềm tin tôn giáo là việc tác hại trực tiếp đến giáo huấn của các tôn giáo chính. Việc sử dụng võ lực không bao giờ có thể biện minh cho tôn giáo, nó cũng không thể nuôi dưỡng việc phát triển cái cảm nhận thực sự về tôn giáo. Cần phải chấp nhận, tôn trọng và dung nhượng những khác biệt giữa các truyền thông tôn giáo. Việc thực hành niềm tin của bất cứ tôn giáo nào cũng phải tỏ ra tôn trọng truyền thống của các tôn giáo khác. Việc chấp nhận tôn giáo phải được căn cứ vào niềm xác tín là Thiên Chúa muốn được con người tự nguyện tôn thờ Ngài. Đây là một niềm xác tín đòi chúng ta phải tôn trọng và kính trọng lương tâm cá nhân con người, nơi mỗi người gặp gỡ Thiên Chúa. Dân chúng trên thế giới vẫn tiếp tục nhìn thấy những gương mù gương xấu nơi những chia rẽ trầm trọng được thể hiện qua việc nhân danh tôn giáo để hủy diệt sự sống con người. Tòa Thánh xin lập lại lời kêu gọi của mình với tất cả mọi con người nữ nam sống niềm tin khắp nơi hãy can đảm dấn thân đi vào con đường dẫn đến hòa bình, dung nhượng và cảm thông. Lời kêu gọi này không phải là điều không thể nào nghe cho lọt hay là một lời mời gọi không thể nào chấp nhận được. Tuy nhiên, nó lại là yếu tố quan trọng để xây dựng một thế giới làm cho tất cả mọi người có thể sống trong an bình và hòa thuận với nhau”.

 

Tòa Thánh Vatican Kêu Gọi Những Giải Pháp Thay Thế Giải Pháp Quân Sự Tấn Công Iraq


Hôm Chúa Nhật 22/9/2002 vừa rồi, ở Florence Ý Quốc, ĐTGM Diamuid Martin, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh Vatican ở các văn phòng Liên Hiệp Quốc đã ngỏ lời với một hội nghị gồm 60 hiệp hội, nhóm đoàn và phong trào của Giáo Hội là “Chúng ta thiên về việc đối thoại song cũng tôn trọng luật quốc tế nữa”. ĐTGM tiếp tục nhận định trước hội nghị bàn về chủ đề “Hòa Bình: Điều Kiện Thiết Yếu cho Việc Phát Triển Toàn cầu” là “có khoản luật về việc sử dụng võ lực, nhưng quyết định áp dụng khoản luật này chỉ thuộc về Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà thôi… Lúc này đây cảm quan trách nhiệm cần hơn bao giờ hết. Việc sử dụng đến võ lực lúc nào cũng vậy và bằng cách nào cũng là một thảm bại”. Viên chức Tòa Thánh này cũng vạch ra rằng Liên Hiệp Quốc “không được trở thành dụng cụ cho những lợi ích của một phía. Cản trở tổ chức này hoàn thành sứ vụ của mình sẽ gây nguy hiểm cả thể cho tất cả đôi bên. Trong những lúc khó khăn này, những ai bác bỏ việc sử dụng võ lực cũng có trách nhiệm cho biết phải làm sao để có thể tránh sử dụng võ lực”. Trong việc chống chọi với khủng bố, ĐTGM kết luận, cần phải “tôn trọng tình trạng về luật lệ và việc chung sống của các dân tộc”.